Một bữa chiều của tháng tư nhạt nắng, Tư Lắm lụm được một đứa bé còn đỏ hỏn ngoài bãi rác. Tiếng khóc xé cả trời chiều, nắng rụng xuống, trời sẫm lại một màu buồn đứt ruột.

Mỗi ngày hai bận sáng chiều Tư Lắm đều đều đi vòng xóm lụm ve chai, ở một mình, hổng bà con thân thích gì ráo, cái nhà cũ mục được dựng bằng mấy tấm bạc lụm ngoài bãi rác mới sập hồi tháng rồi, nhà nước cất lại cho cái nhà bằng cây kiên cố chống nắng chống mưa. Hôm cái nhà cũ bị gió tháng tư xô ngã, Tư Lắm tưởng ai trong xóm làm sập nhà, đứng chửi vang dội cả xóm Cái Cùng này gần nửa buổi, mệt rồi ra ngoài bến ngồi nghỉ, chiều lại chửi tiếp, hôm đó nó bỏ lụm ve chai. Tâm thần không ổn định, lúc nhớ lúc quên, lúc thì nói chuyện nghe có nghĩa có tình lắm à nghen, nhưng lúc thì đụng cái gì cũng chửi, chửi như ai trên cõi đời cũng đều mang một cái lỗi lầm bự tổ chảng với nó, riết rồi bà con cũng quen, chấp nhứt làm gì cho mệt. Hồi đó nghe đâu cũng bình thường như người ta, cũng có chồng, cũng êm ấm gia đình, nhưng từ hồi chồng đi theo con nhỏ nào trên thành phố cái nó đâm ra thơ thẩn như vậy. Bà con thấy thương nên hay cho này cho kia, có bữa tỉnh thì cảm ơn, hổng tỉnh thì cầm chổi chà rượt, nhưng ai mà giận nó làm chi đâu.

Tháng tư, nắng làm mấy bụi cỏ bên đường gục đầu, đỏ ngọn, đất khô nứt ra từng đường, gió thì hiu hiu không thổi mạnh, nóng như lửa đốt. Chiều bữa đó Tư Lắm như thường lệ đi lụm ve ngoài bãi rác, hôm nay được cái nó tỉnh tỉnh ra nên gặp ai cũng hỏi thăm, cũng cười tươi rói. Đi tới đầu trên xóm dưới gì cũng nói chuyện rân trời, thấy cũng thấy thương cho phận đời vì tình mà đâm ra như vậy. Bãi rác chiều hực lên cái mùi khó chịu, mấy con chó hoang í ới cắn lộn um xùm, ngoài mé sông bông bần vẫn còn nở, nước lững lờ chảy uốn mình theo những cua quẹo của sông, hai bên bờ hàng dừa nước rì rào trong gió tháng tư êm ả. Mấy con cò ma giật mình bay lên khỏi đám lức, phá động không gian chiều nắng nhạt. Bỗng đâu có tiếng đứa con nít khóc thé lên giữa chiều, mấy con chó hoang giật mình ngơ ngác, Tư Lắm cũng ngơ ngác đứng gãi đầu, ngó xung quanh rồi đi vòng vòng bãi rác. Bất chợt nó thấy một cái khăn màu trắng, thêu hoa sen quấn quanh một đứa bé đỏ hỏn, nhỏ xíu, kiến lửa cắn sưng mặt mày. Tư Lắm ngồi xuống ẵm đứa bé lên, phủi kiến lửa, đung đưa đứa nhỏ rồi ghì chặt vào ngực, đứa bé như cảm nhận được hơi ấm khóc nhỏ dần rồi im bặt. Chiều ấy Tư Lắm bỏ lụm ve chai ẵm đứa bé về nhà. Đêm đó cả xóm Cái Cùng cứ thao thức vì tiếng khóc của đứa nhỏ vô danh.

***

Trời sanh voi thì sanh cỏ chớ nhằm nhò gì mà sợ bây, câu trả lời của mấy người trong xóm khi ai đó nhắc về chuyện của đứa bé hồi mười hai năm về trước. Đứa nhỏ nay đã mười hai tuổi rồi, lớn chảng, coi bộ đẹp gái lắm nghen bây, tóc dài, mắt tròn xoe, nụ cười có duyên hết sức. Từ hồi Tư Lắm lụm con Thơ dìa nuôi, hổng biết sao mà nó đỡ lên cơn hẵng, ít chửi bới, lâu dữ lắm lâu mới nghe nó lên cơn một lần. Mỗi lần nó lên cơn bà Chín lại qua nhà ẵm con Thơ về vỗ ngủ, tên con nhỏ cũng được bà Chín đặt cho, nhà kế bên nên hay qua săn sóc dùm cái hồi Tư Lắm mới bồng đứa bé về nhà. Đã khờ ịch mà còn hay lên cơn thì đến nó còn lo hổng xong chứ nói chi mà làm mẹ, nhưng cái bản năng thiêng liêng ấy có từ trong sâu thẳm trái tim mỗi người đàn bà, sanh ra là đã có rồi. Dù Tư lắm không được tỉnh táo như người ta và con Thơ cũng không phải do nó đứt ruột sanh ra nhưng cái bản chất ấy vẫn trỗi dậy. Tư Lắm thương con Thơ hết biết, mỗi lần đi học hay đi bán vé số mà bị người ta ăn hiếp là nó chửi cho bỏ cơm bữa đó. Giờ tỉnh táo lại đỡ rồi, nên bà con hay kêu mần này mần kia rồi trả tiền cho Tư Lắm nuôi con Thơ đi học. Con Thơ cũng ngoan, sáng đi học, chiều đi bán vé số phụ giúp má nó. Bữa nào về mà má nó chưa về thì bắt nồi cơm lên, mần con cá, nhà nghèo mà thấy thương lắm, học giỏi hổng thua ai, nhưng ngặt nỗi có mẹ vậy cái hay bị bạn bè chọc, đâm ra tuổi thân. Con nhỏ hay chạy qua nhà bà khóc, bà Chín ôm nó rồi cũng khóc theo, thương cho con nhỏ số phận hẩm hiu quá chừng. Chiều nay sông đầy nước, bụi lục bình trôi về đâu mà nhìn bơ phờ hết biết.

Bữa cơm chiều đạm bạc, con Thơ cầm chén cơm và vào miệng nhai trậm trầy, mặt nó buồn hiu. Tư Lắm ngồi nhìn con ăn cơm, cười tươi rói:

- Ngon hông Thơ, Tư kho cá rô này với trái giác á, hổm nghe nói Thơ thèm.

- Ngon lắm má, sao má hổng ăn đi?

- Thơ ăn trước đi, lát Tư ăn sau, Tư uống thuốc còn no dữ lắm.

- Trời đất, má chưa ăn cơm mà uống thuốc, đau bao tử sao, má đưa chén đây con bới cho.

Tư Lắm cười, nụ cười tươi rói, đưa chén cho con Thơ bới cơm. Ánh mắt sung sướng nhìn con ăn làm người ta thấy thương một bà mẹ tâm thần không ổn định. Tư Lắm vẫn uống thuốc mà con Thơ dẫn đi xin dưới xã, tuy hổng hết nhưng cũng giúp ổn định tinh thần được đôi phần. Ăn cơm xong, Thơ ngồi chải lại cái đầu cho má nó, chiều đi nhổ cỏ mướn về tắm rửa xong chưa kịp chải thì trèo lên ăn cơm, Thơ hỏi sao má nó không chải cho gọn gàng, Tư Lắm trả lời mà ai nghe cũng thắt dạ, “Tư sợ Thơ chờ nên ăn xong chải luôn.” Dù tâm thần không được ổn định nhưng với Tư Lắm, con Thơ luôn là đứa con mà nó thương nhất dù không đứt ruột đẻ ra. Bà con hỏi sao hổng xưng mẹ kêu con mà xưng Tư với Thơ không vậy, Tư Lắm trả lời gọn bâng, “Bạn bè hay con là mẹ nó, chọc nó tội nghiệp” theo sau đó là cái nụ cười tươi rói, chẳng đọng chút lo âu, nụ cười làm người ta phải thắt lòng.

- Tuần sau là đóng tiền học phí á má.

Thơ nói với má nó với cái giọng buồn hiu, Tư Lắm quay qua nhìn nó, đôi mắt có chút buồn.

- Chết hôn, Tư chưa có đủ tiền, hồi chiều người ta chưa có trả, để mai cái Tư đi lụm ve chai thêm, cái Tư bán xong Tư gom gom lại trả cho Thơ.

- Hổng phải “trả”, má phải nói là “cho con” chớ.

- Ờ, Tư quên, cho Thơ.

Nụ cười Tư Lắm vẫn tươi rói, không đọng chút lo âu, kéo con Thơ lại hung một cái vào má nó, ngoài sân nắng đã bắt đầu nhạt dần, còn bìm bịp ngoài bến sông kêu kéo theo con nước lớn mênh mang vỗ vào bến nghe nhức buốt.

***

Trời bắt đầu giăng cái bóng tối qua xóm Cái Cùng, chướng tháng mười thốc vào mái lá nghe rào rào, nước ngoài bến mấp mé tràn bờ, mấy con cá thòi lòi giỡn nước chạy lên sát mé bờ nằm nghe sóng vỗ. Mấy con cò trắng lạc đàn dáo dác kêu nghe ảo nảo, nấu cơm, mần đồ ăn xong con Thơ ra ngồi ngoài bến đợi má nó, theo lẽ mọi hôm vào dát này má nó đã về, nhưng hôm nay vẫn chưa thấy bóng. Thơ ngồi trầm ngâm nhìn theo con nước lờ mờ, ánh đèn trong nhà hắt ra in vệt sáng loáng trên sông, bên kia sông ông Bảy đờn cò kéo cái bản Nam ai nghe buồn đứt ruột. Chướng thổi mạnh, nhưng mưa cũng còn lai rai vài đám mới dứt mùa hẵng, tối nay, mây đen bắt đầu kéo về, chớp xé ngang trời, rồi mưa nặng hạt. Con Thơ chạy vào nhà kéo cửa sổ lại, ngồi trên giường chờ má nó, mưa không lớn lắm, đủ ướt đường, nhưng kéo dài không thấy dứt. Bỗng nó nghe tiếng đập cửa, nó chạy ra thì thấy Tư Lắm mình mẩy ướt sũng, mặt bầm tím, bên khóe mép còn rỉ ra dòng máu nhưng đã bị nước mưa rửa trôi gần hết. Con Thơ giật mình, đỡ má nó ngồi lên giường, lấy cái khăn lau khắp người má nó, lau đến chỗ vết thương, Tư Lắm nhăn mặt kêu đau, nó giật tay lại, nước mắt chảy ròng ròng, nó khóc.

- Má đi đâu mà tới dữ vậy má, má bị làm sao vậy?

Tư Lắm kéo nó lại, hung một cái, cười tươi như thể mấy vết thương kia chỉ được vẽ lên chứ không đau đo gì.

- Tư hổng sao, Thơ đừng có khóc.

Thơ không nín được, vẫn thút thít khóc hoài.

- Má bị sao, ai đánh má hả?

Tư Lắm hun nó thêm cái nữa rồi kể:

- Hồi chiều này nè, dát mà Tư nhổ cỏ dìa, cái Tư định đi ra bãi rác lụm thêm mớ ve chai về bán cho Thơ đóng học phí, mà ra ngoải xong heng cái thấy hết trơn, đi mấy vòng mà hổng thấy gì hết, cái Tư mới đi dài lên bãi rác xóm trên Tư lụm, mà sao gặp mấy thằng cũng đi lụm vậy nè, nó hổng cho Tư lụm trên đây, nó đòi quánh Tư rồi đuổi Tư dìa. Mà cái Tư nghĩ nếu đi dìa thì sao mà đủ tiền cho Thơ đóng học phí, Tư lụm đại luôn, xong tụi nó xúm dô đánh Tư quá trời luôn, nó còn chửi Tư là đồ khùng mà bài đặt lụm ve chai. Tư đau quá cái Tư hết biết gì luôn, Tư ngủ ngoài đó, lát Tư tỉnh dậy cái Tư thấy mưa quá trời, mà Tư đi hổng nổi, ngồi lát Tư đứng dậy được cái Tư thấy bao ve chai tụi nó bỏ lại, Tư đem dìa lẹ, sợ nó lại nó đòi rồi sao. Tụi gì ngu hết biết, ve chai nhóc vậy mà bỏ.

Thơ nghe xong, chẳng biết nói gì, ôm má nó mà khóc sướt mướt.

- Sao dát người ta đánh, má hổng chạy đi.

- Ngu sao chạy, chạy rồi ve chai đâu mà bán.

- Trời ơi, mai mốt người ta đánh là má phải chạy nghen.

- Tư biết rồi, Thơ đừng có khóc nữa, Tư muốn khóc quá à. – Giọng Tư Lắm nhão nhoẹt đi, mếu máo.

Hai mẹ con ôm nhau, khóc, ngoài trời vẫn rả rít cơn mưa, nước nhỏ giọt vang vào đêm không thấy tiếng nào vọng lại.

Sáng bữa sau, bà Chín hay tin thì chạy qua nhà sớm, bà chỉ biết lắc đầu, hồi đó nó không được tỉnh táo, sao giờ nó chuyển qua khờ luôn rồi. Người ta đánh đến bầm giập vậy mà không chạy, nhìn những vết bầm tím trên mặt, khóe miệng đêm hôm rỉ máu ra nay còn vẫn còn vết bầm nơi đó. Con Thơ định nghỉ học một ngày ở nhà lo cho má nó, tội con bé, mới mười hai tuổi đầu mà khổ trăm bề khổ. Đôi mắt nó vẫn còn trong veo mà dáng dấp nó đã in hằng bao cơ cực nặng nề, mới sanh ra còn đỏ hỏn thì bị bỏ ngoài bãi rác, được người ta lụm về nuôi tưởng sung sướng ai dè người cưu mang mình lại là một người thần trí không tỉnh táo. Bà Chín đứng đầu giường ngó xuống, Tư Lắm đã tỉnh nhưng hình như còn đau lắm.

- Bây thấy trong mình sao rồi?

- Đau thấy ông bà ông dãi, tụi nó đập tui bằng đòn gánh á. Mà hổng sao, có tiền cho Thơ đóng học phí là được rồi.

- Bây sao ngộ, bị đánh thì chạy, đứng đó chịu trận, tốn tiền thuốc còn hơn.

Tư Lắm nhăn mặt khi trở mình nằm nghiêng qua, những vết thương chằng chịt trên người, tụi nào cũng ác, nỡ lòng nào mà đánh một người không tỉnh táo ra nông nổi vậy. Bà Chín ngó Thơ còn ở nhà, bà sốt ruột.

- Thơ đi học đi con, để bà Chín coi má mầy cho.

- Dạ thôi bà Chín, bà Chín mắc công chuyện thì thôi, con nghỉ một bữa hổng sao.

- Đi đi bây, để bà Chín coi cho, bây lì bà Chín giận á.

Thấy bà Chín nghiêm mặt, con Thơ đành lủi thủi đi thay đồ đi học, sáng nay ngoài trời sương còn giăng mắc trên mấy ngọn cỏ bên đường trắng xóa, mặt sông lãng đãng những làn khói bạc, con nước lớn tràn bờ, sóng vỗ bờ làm tan tác mấy bông bần mới rụng. Mấy con chích chòe nhảy nhót ngoài đám bần kêu chí chóe vang động một góc sông. Tư Lắm trở mình, đau đớn, nó mơ màng ngủ, í ới gọi tên con Thơ trong chập chờn giấc ngủ, dù không ruột rà nhưng nó thương con Thơ còn hơn cả ruột thịt.

Chưa bao giờ thấy Tư Lắm đau đến vậy, kể từ cái hồi chồng nó bỏ đi. Lần đó, mặc cho Tư Lắm chạy theo kéo níu, thằng cha vẫn một mạch bỏ đi lên Sài Gòn với cái lý do ở đây nghèo quá sống hổng nổi. Ờ cũng phải, ở đây nghèo thiệt, nhưng đó không phải là lý do chính đáng cho công cuộc bỏ đi của cha nội đó. Ai cũng thương Tư Lắm, kể từ ngày chồng đi, mấy bữa sau mỗi chiều nó đều ra bờ sông ngồi nhìn con nước lững lờ trôi, khóc sướt mướt. Rồi đâu bảy tám bữa sau, nó chạy khắp xóm biểu người ta trả chồng cho nó, từ dạo ấy, xóm Cái Cùng này có con nhỏ hơi ba lơn hễ lên cơn là chửi khắp đầu trên xóm dưới. Bà Chín ngó Tư Lắm rồi chắc lưỡi “chữ tình coi bộ nó nặng dữ thần bây.” Năm đó lục bình ở đâu trôi về nở tím khoảng sông, màu tím buồn hết biết.

***

Con Thơ tất tả chạy, từ ngoài gần chợ xã nó chạy về, nước mắt làm con đường quen thuộc nhòe đi. Vừa bán xong mấy tờ vé số cuối cùng, cái điện thoại cà tàn trong túi, buộc mấy cọng thun cho khỏi bung cái nắp vang lên, nó loay hoay bắt máy, nghe bà Chín nói má nó bị xuất huyết não, giờ đang rất nặng, đang chờ xe cứu thương xuống chở đi. Không kịp kêu ông xe ôm chở về, nó chạy trong ánh chiều dần dần buông xuống, nắng nhạt đi, màu trời cũng xanh nhàn nhạt như tô cho không gian chiều nay một màu thê thiết hết biết. Dù Tư Lắm hơi khờ, hơi không được tỉnh táo nhưng đó là mẹ nó, người mà tuy không đứt ruột đẻ ra nhưng đã nuôi dưỡng nó bằng tất cả tình thương của một người mẹ. Nó vừa chạy vừa lấy tay lau nước mắt, lọn tóc nhỏ xíu được buộc bằng cọng thun đã bung ra bay phất phới, đôi dép cũ mèn cũng phản chủ mà đứt dọc đường, nó bỏ dép chạy, chạy bằng cả sinh mạng bé nhỏ của mình, chạy như thế nó mà trễ một chút là má nó sẽ vĩnh viễn không còn thấy má nữa. Chiều vẫn buông xuống như mọi ngày, chướng vẫn rì rào thổi thốc vào đám lá bên sông, làm mênh mang câu hò của ai đang quyện với tiếng đàn Kìm nghe buồn đứt ruột “Hò... ơ... Nước sông tháng chín tràn bờ, mẹ không còn nữa, hò... ơ... mẹ không còn nữa con dại khờ ai lo.”

Chiếc xe cứu thương chạy qua, tiếng còi inh ỏi xé tan khoảng lặng của trời chiều, trong xe Tư Lắm đang thoi thóp bên cái máy thở, nhưng tay vẫn giữ khư khư cái khăn trắng thêu hoa sen đã ngả màu. Ngoài sông, con cúm núm gọi bầy kêu thảm thiết, như khóc, như than cho đứa nhỏ một lần nữa mồ côi vào mùa gió chướng đang bắt đầu dành ngọn.

---Hết---



Bình luận

  • avatar
    Crisna_M
    Thật sự khi đọc tác phẩm này mình có cảm giác như đang đọc các tác phẩm thời xưa. Nó phản ánh hiện thực và đời sống của nhân dân, nó mang màu sắc u buồn và day dứt khó tả. Nhân vật của bạn mang đậm chất hình tượng thật sự. Cái nhân văn và giá trị của tác phẩm nằm trong chính những nhân vật này. Và mình thật sự thật sự vẫn muốn khen ngợi cách lột tả cảnh vật, thiên nhiên của bạn. Rất rất hay và đẹp. Tả cảnh để bật lên nội tâm rất rất rất rất hoàn hảo. Đặc biệt là đoạn kết của câu chuyện. Tuy biết trước cái kết nhưng vẫn khóc. Thật sự! Tác phẩm của bạn mang đến cho mình rất nhiều suy nghĩ và giúp mình thông suốt được điều mình đang lo lắng. Mong chờ tác phẩm tiếp theo<3
    • Generic placeholder image
      Nguyễn Chí Thiện
      Mình cảm ơn bạn rất nhiều vì đã ghé đọc tác phẩm của mình. Cảm ơn những lời nhận xét của bạn vì nó cho mình động lực rất nhiều. Một lần nữa mình cảm ơn và chúc sức khỏe, thành công. 😍🍀
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}