Chưa kịp hỏi về vấn đề cậu và người đàn ông năm xưa có quan hệ gì với nhau, cô và cậu đã bị bà chủ tiệm vàng mã đuổi về chỉ vì tội cô dám sự thó cái bánh quy của bà.
- Bánh đấy ăn chả ngon!
Về đến nhà rồi, cô ấm ức bởi bị đuổi về thì chớ, bánh lại còn dở, cứ như nhai ngói vỡ trong miệng, chả có mùi vị gì sất.
Cậu cong mắt cười hiền hiền, lắc đầu từ chối lời mời ăn trưa của cô rồi ra hiệu với cô xem quần áo ngày hôm qua cậu mặc đang ở đâu. Cô giật mình vỗ trán, lật đật chạy thẳng vào sau nhà mở cửa máy giặt, thấy bộ quần áo ướt sũng cùng viên nước giặt hẵng nằm nguyên trong lồng máy.
Hôm qua trước lúc đi vào phòng, cô cứ đinh ninh hình như mình quên mất chuyện gì đấy, hóa ra là lúc giặt xong quần áo của mình, cô bỏ đồ của cậu vào nhưng chưa bấm nút, cứ thế thủng thẳng đi phơi bộ cánh hôm qua cô bận đi làm.
Giờ lôi quần áo ra nhét vào túi nilon cho cậu cầm về thì trông kì quá, cô tặc lưỡi bấm nút khởi động máy giặt rồi quay sang phía cậu:
- Xin lỗi em, hôm qua chị quên mất. Hay giờ em cứ về trước đi, buổi tối quần áo khô rồi chị gửi giao hàng sang nhà em nhé? Thêm cả đôi giày đang phơi trên thềm nữa?
Cậu gật gật đầu tỏ ý không sao đâu, sau đấy cúi đầu chào cô rồi định đi ra cổng.
- Này, khoan đã, em tính đi kiểu gì về?
Cô gọi giật, cậu lại mỉm cười, dùng khẩu hình miệng nói chữ “Taxi”. Nhanh như chớp, cô rút điện thoại ra đặt một xe taxi bốn chỗ. Chưa đầy mười phút sau, tiếng còi ô tô vang lên trước cửa báo hiệu xe đã tới, cô mở cửa xe để cậu lên, nói địa chỉ cần tới rồi dặn cậu là mình đã trả tiền xe rồi.
Cậu ngồi ở ghế sau, rèm mi chớp đều tựa quạt phẩy, gật đầu hẳn mấy lần ra hiệu rằng mình biết rồi, cô mới vẫy tay tạm biệt rồi đóng cửa, cứ thế đứng trên vỉa hè nhìn chiếc xe màu bạc hòa dần vào dòng chảy đông đúc, cho đến khi chiếc xe chỉ còn là một chấm nhỏ, rồi rẽ trái, mất hút.
Chiếc xe chở cậu lắp kính một chiều, nên cô đâu hề biết, khi mình đang đứng bên đường nhìn cậu đi xa dần cũng là khi cậu ngồi trong xe, quay đầu trông mãi về phía cô.
Bác tài xế đá mắt lên kính chiếu hậu, thấy cả người ngoài xe lẫn người trong xe cứ hướng về phía nhau, bèn đùa:
- Hay bác quay đầu xe cho cháu về lại nhà chị nhé?
Lúc này, cậu mới cười xòa lắc đầu, xoay xoay cái điện thoại đã “ngủm” hẳn vì bị thấm nước mưa tối qua.
Tuy vẫn chưa tròn hai mươi tư giờ, nhưng cậu đã được trải nghiệm hàng tá những “lần đầu tiên” trong đời – lần đầu tiên ở lại nhà người lạ, lần đầu tiên mặc quần áo của người lạ, lần đầu tiên bước tới một thế giới khác và cả, lần đầu tiên có một người bằng lòng nhìn bóng lưng cậu.
Khi bước khỏi phủ thờ vào tầm chục năm trước, thủ nhang đồng đền không tiễn cậu, bà chỉ đưa cho cha mẹ nuôi cậu một chiếc túi du lịch cỡ nhỏ đựng mấy bộ quần áo và giấy tờ cá nhân của cậu rồi quay vào trong thắp nhang, cậu nhìn lưng áo xanh lá trầu của bà lần cuối rồi cứ thế bước theo chân người ta đi ra khỏi khoảng sân lát gạch từng là cả thế giới rộng lớn trong mắt cậu.
Khi nhập học cấp một, mẹ nuôi dẫn cậu tiến vào cổng trường rồi trao đổi với cô giáo chủ nhiệm mấy câu, sau đấy xoa đầu cậu rồi quay gót hướng thẳng ra ngoài, chẳng hay biết đứa trẻ đang cố gắng dùng tất cả sự dũng cảm của mình để kìm nén nỗi sợ hãi trước môi trường lạ lẫm cứ nhìn như muốn gọi người phụ nữ đi xa dần mình quay lại.
Khi chuyện không may xảy ra, kẻ đầu xanh buộc phải tiễn người đầu bạc đến cuối con đường. Ngày ấy, dường như cậu thấy cả cha mẹ nuôi mình cùng dắt tay nhau bước đằng trước, cậu gọi mãi, gọi mãi, đuổi mãi, đuổi mãi mà vẫn chẳng thể theo kịp họ, chỉ có thể chôn chân nhìn bóng lưng họ xa dần, hư ảo.
Khi cậu ngồi yên, không thể cử động trước cổng nhà cô, cậu cứ trông mãi về bóng bà thủ nhang đồng đền lững thững rời đi. Có đức thánh thần trên cao mới hiểu được, lúc đó cậu tức giận, tuyệt vọng và lo lắng đến độ nào. Giữa cơn mưa, cậu nghĩ rằng, có phải ông trời cố tình ấn vào tay cậu lá bài chia ly, để cậu phải nhìn hết người này tới người khác bước ra khỏi cuộc đời mình.
Cho đến khi gặp cô, cho đến khi cô dẫn cậu vào phòng rồi đợi cậu đóng cửa, cô đưa cậu vào xe rồi đứng đợi xe đi hút tầm mắt.
Hóa ra, vẫn có một ai đấy sẵn sàng tiễn cậu.
Cậu không rõ, tại sao vào một kiếp nào đó trong đời, cậu lại tặng cô cả đất lẫn nhà, tại sao đến bây giờ mới là thời điểm để cô và cậu gặp lại nhau, tại sao lại xuất hiện những người tỏ tường ngày trước lẫn ngày sau của cô và cậu đến vậy.
Nhưng có một điều cậu nghĩ mình hiểu rõ, đó là, cô và cậu sẽ gặp lại nhau trong tương lai.
Bà chủ tiệm vàng mã chắc chắn đã biết về việc cô và cậu sẽ gặp nhau, bà thủ nhang đồng đền chắc chắn đã biết về việc cô và cậu sẽ gặp nhau từ cả một thập kỉ trước, còn cậu, chắc chắn đã biết về việc cô và cậu sẽ gặp nhau sau một tuần nữa, bởi vì cậu đã xin số điện thoại của cô từ người giao hàng rồi nhắn tin hẹn cuối tuần sau tới nhà cô trả quần áo, sau đấy hai người lại đi tìm bà chủ tiệm vàng mã để hỏi thêm một vài vấn đề.
Song, có thách kẹo cậu cũng không ngờ được, hai người gặp nhau sớm hơn dự tính và nơi gặp mặt cũng chẳng phải là nhà cô, mà là ở trường học.
- Chị Duật Vân, bạn của bố mẹ em Khánh đúng không ạ?
Cô lịch sự gật đầu, nương theo hướng mời của giáo viên chủ nhiệm lớp cậu, ngồi xuống, cố không để lộ vẻ mất tự nhiên. Tuy đã sống đến mức sắp “thành tinh”, thậm chí còn từng là cựu học sinh khóa nào đó của ngôi trường này, nhưng về cơ bản, cô chỉ tới trường với vai trò học sinh, chứ chưa từng trở thành phụ huynh của bất cứ ai, trừ cậu.
Giáo viên chủ nhiệm lớp cậu rót trà cho hiệu trưởng trước rồi rót cho cô, mỉm cười một cách khá “công nghiệp” trước khi bắt đầu vấn đề.
- Dạ ban nãy trong điện thoại cô cũng đã trao đổi qua với chị về vấn đề của em Khánh rồi ạ. Học lực của Khánh không có gì phải bàn cãi, thủ khoa đầu vào chuyên Lý, các môn tự nhiên hay xã hội khác của Khánh cũng rất xuất sắc, chỉ mới vào học một tuần mà các thầy cô phụ trách bộ môn đã khen Khánh không ngớt rồi.
Thật ra trước đây cô chỉ đoán cậu học giỏi thôi, không ngờ cậu học giỏi thật, còn là thủ khoa đầu vào của trường chuyên.
- Dù điều kiện sức khỏe và hoàn cảnh gia đình của Khánh khá đặc biệt, nhưng nhà trường luôn cố gắng tạo điều kiện để Khánh có được môi trường học tập thuận tiện nhất, tuy nhiên…
Giáo viên chủ nhiệm của cậu lại cười, song, nét “công nghiệp” trên khuôn mặt dần bị thay thế bởi vẻ gượng gạo, có chút không đành lòng nên hiệu trưởng khẽ đẩy gọng kính, thẳng thắn “lật bài ngửa”.
- Nhà trường ghi nhận sự việc xảy ra trong buổi học ngày hôm nay do lỗi của cả hai bên. Về phía Khánh, rất có thể vì sự bất tiện về mặt ngôn ngữ đã dẫn tới việc hiểu lầm với bạn bè, thầy cô. Vậy nên, nhà trường mong gia… chị có thể cân nhắc để Khánh tới với môi trường giáo dục, môi trường học đường phù hợp hơn. Với năng lực của Khánh, nhà trường tin chắc em có thể phát huy tốt năng lực dù ở bất cứ môi trường nào.
Nghe đến đây, trong đầu cô tự động rút gọn lời hiệu trưởng là “đuổi khéo”, muốn cô cho Khánh chuyển trường.
Quay lại hơn một tiếng đồng hồ trước, khi đang có cuộc họp với Trường Khoa học Nghệ thuật, cô nhận được hai tin nhắn điện thoại của cậu. Tin nhắn đầu, cậu nói ngắn gọn rằng giữa cậu và bạn cùng lớp xảy ra mâu thuẫn, bị buộc phải mời phụ huynh nhưng cậu không có phụ huynh hay họ hàng để trông cậy vào, nên chỉ có thể đưa cho giáo viên số điện thoại của cô. Tin nhắn tiếp theo, cậu xin lỗi đã làm phiền cô.
Quả thật, chỉ một lát sau, giáo viên chủ nhiệm của cậu gọi điện tới tường thuật lại sự việc và mời cô lên trường giải quyết. Cụ thể, có bạn cùng lớp cố ý chép bài Khánh trong giờ kiểm tra. Khi bị cậu phát hiện, bạn cùng lớp đã đe dọa và dẫn đến xô xát trong giờ ra chơi.
Theo miêu tả của giáo viên chủ nhiệm, thì một mình Khánh đã “chấp” cả ba bạn học thay vì báo với thầy cô giáo, đồng thời cố tình kéo dài thời gian, không muốn đưa số điện thoại của họ hàng thân thích cho giáo viên.
Trong lúc ngồi trên taxi, cô trộm nghĩ, đánh nhau thì cũng đánh rồi, sai thì cũng sai rồi, cậu thắng thì cũng thắng rồi, cô đến thì cũng đến rồi, thế thì còn thế nào nữa, cùng lắm thì viết bản kiểm điểm thôi, ai ngờ, tới nơi lại bị đuổi khéo.
Rõ ràng, lỗi này không đủ để đuổi học, thậm chí nhà trường còn chẳng có bất cứ phương án nào để bảo vệ học sinh khuyết tật và còn cố tìm cớ để đuổi cậu, bày tỏ lập trường muốn loại bỏ một hạt giống tốt nhưng “nhạy cảm” để phòng tránh tất cả những rắc rối tương tự có khả năng phát sinh, gây ảnh hưởng xấu tới danh tiếng của trường về sau.
- Đầu tiên, cám ơn thầy cô đã thông báo kịp thời cho tôi để hai bên cùng nắm rõ vấn đề, tuy nhiên, với cương vị là một người đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, tôi khá thất vọng trước gợi ý này của nhà trường. Còn với cương vị là người mà bố mẹ Khánh tin tưởng, tôi thấy nhà trường đang xử ép con em của tôi, tôi không đồng tình và sẽ không cân nhắc chuyển trường. Con em của tôi không phải người làm sai trước, mà nó đang phản kháng khi bị bắt nạt, ở đâu ra cái đạo lý nạn nhân lại bị bắt chuyển trường? Khi con em nhà tôi bị bạn bè “hội đồng” thì nhà trường ở đâu mà bắt con em nhà tôi phải tự đi báo cáo?
- Dạ vâng, việc này nhà trường cũng có phần sơ suất, cô gửi lời xin lỗi tới gia đình ạ.
Cô nghĩ bụng, xin lỗi cô làm gì, cô có phải là người bị ăn đòn đâu.
Tuy không cao giọng và vẫn giữ thái độ tương đối điềm tĩnh, nhưng cô vẫn nhìn chằm chằm về phía hiệu trưởng như đang bày tỏ sự tức giận của mình. Ở phía đối diện, hiệu trưởng hơi mỉm cười để mặc giáo viên chủ nhiệm đỡ lời, dường như với người phụ nữ đứng tuổi vận bộ áo dài gấm màu tím than này, chẳng gì có thể suy suyển ý định “đá” Khánh ra khỏi trường.
- Quan điểm của tôi là không chuyển trường, tuy nhiên, tôi vẫn tôn trọng quyết định của Khánh…
Ngay lúc này, chuông điện thoại của giáo viên chủ nhiệm vang lên. Đầu dây bên kia, giám thị báo phụ huynh của ba cậu bé còn lại chuẩn bị tới.
Giáo viên chủ nhiệm đưa cô sang phòng giám thị, cả bốn cậu bé đang ngồi viết bản tường trình và bản kiểm điểm. Ba cậu bé kia xước xát tay chân, đầu tóc bù xù, ống quần cũng lấm lem vết bẩn, riêng một mình cậu vẫn gọn gàng tinh tươm, gần như chẳng thấy gì khác ngoại trừ vạt áo sơ mi hơi lòi ra bên ngoài áo khoác đồng phục.
Thấy cô đến, cậu quay đầu lại, buông bút, đôi mắt trong veo ánh lên tia lấp lánh. Cô hơi mỉm cười chào giám thị, cùng lúc này phụ huynh của ba học sinh còn lại cũng đã tới. Một lần nữa, giám thị thuật lại tình hình cho tất cả mọi người cùng nghe. Khá may mắn, cha mẹ của ba cậu bé còn lại đều dễ nói chuyện, hiểu lý lẽ, hoặc chính họ cũng cảm thấy xấu hổ với việc con mình ỷ đông hiếp yếu, lại còn là ăn hiếp một đứa trẻ không nói được. Sau khi giảng hòa và xin lỗi nhau xong, ba cậu bé về lớp học, còn Khánh và cô đi lại sang phòng hiệu trưởng.
Đứng trước mặt tất cả mọi người, cô vừa nói, vừa dùng thủ ngữ hỏi Khánh xem cậu muốn đi, hay muốn ở lại ngôi trường này. Không nằm ngoài dự đoán của cô, cô nhìn theo tay Khánh, dịch lại rằng cậu muốn tiếp tục học ở đây, không muốn đi.
Khánh nhìn hiệu trưởng, ánh mắt đầy kiên định, hiệu trưởng nhìn Khánh, lại hơi cười, lộ rõ vẻ hiền từ và nhẫn nại.
Giáo viên chủ nhiệm nói sẽ đưa ra phương án giải quyết phù hợp và nhắc khéo để đưa Khánh về lớp, nhưng cô vẫn muốn đi cùng. Cô muốn nhìn thấy tận mắt xem cậu ngồi ở đâu, bạn bè trong lớp cậu như thế nào, thầy cô giáo giảng bài có dễ hiểu hay không.
Khánh quay đầu, phẩy phẩy tay ra hiệu để cô đi về rồi bước vào chỗ ngồi, lật sách vở lấy bút thước ra bắt đầu nghe giảng. Thấy cậu yên vị ngồi đó rồi, cô đứng bên cửa sổ, nhìn quanh một vòng rồi mới theo bước giáo viên chủ nhiệm đi.
Cậu hướng ra cửa sổ trông theo bóng lưng cô xa dần, vẫn là một ai đấy rời đi, nhưng lần này cậu không còn sợ hãi, cũng chẳng có đau thương.
Bình luận
Chưa có bình luận