2 - Ngày mai (2)


Sau khi dọn dẹp sơ qua căn phòng trống để cậu bé ngủ tạm một đêm, cô ngồi trên giường đọc lại tờ giấy mà cậu viết ban nãy, từng con chữ tròn trịa, ngay hàng thẳng lối xếp đều trên tờ giấy A4 khiến cô cảm thấy khá hoài nghi nhân sinh, hoài nghi cuộc đời.

Cậu viết rất nhanh, chữ rất đẹp, không cần phải nhìn đến tướng ngồi thẳng lưng, cách cầm bút chuẩn chỉnh như tranh minh họa trong cuốn tập viết cấp một, mà chỉ thông qua nét chữ và cách trình bày, cô đã đoán chắc cậu bé này dù còn nhỏ tuổi nhưng là người khá nghiêm túc, thậm chí còn có phần cầu toàn.

Trong giấy, cậu bé viết đầy đủ thông tin cá nhân và lý do tại sao mình lại ngồi trước cửa nhà cô.

Khánh vốn là trẻ mồ côi, lớn lên dưới mái phủ thờ ở mãi biên thùy xa xôi, cậu cứ thế lớn lên cùng làn khói mỏng manh của nhang đèn huyền diệu, cùng mùi thơm của cỏ cây xanh mãi lan tới tận chân trời. Năm cậu lên năm, có một cặp vợ chồng lạc đường, xin tá túc ở phủ thờ cho qua một đêm mưa. Thủ nhang đồng đền nhìn cặp vợ chồng rồi lại đảo mắt nhìn đứa trẻ đang yên tĩnh ngồi bên chân đèn lật mấy trang giấy viết bài tụng, chợt xuất nhập trong một khắc rồi phất tay nói, ngày mai hai người dẫn cả cậu về, không cần sợ lạc, dẫn cậu theo thì bước tới đâu đường mở tới đó.

Thấy thủ nhang đồng đền tiến lại gần bàn thờ, rút một tờ giấy trắng, lại rút thêm một que nhang, châm vào đèn cầy, cặp vợ chồng nín thở dõi theo. Bà nhắm mắt phẩy que nhang qua lại theo nhịp tụng, cứ như thế cho đến khi que nhang cháy được phần ba, tàn nhang xám tro rơi vụn trên mặt giấy trắng tinh.

Bà vái ba vái, cắm que nhang vào lư đồng, gấp gọn tờ giấy đưa cho cặp vợ chồng. Bà bảo, tên cậu là Ân Khánh, họ của cậu sẽ theo họ của người chồng, tức người sau này trở thành cha nuôi của cậu.

Ân Khánh, lần đầu tiên cậu nghe thấy cái tên này. Cậu không có tên, bà thủ nhang đồng đền chỉ gọi cậu là “cậu”.

Quả thật, đúng như lời bà thủ nhang đồng đền nói, dẫn cậu theo đến đầu, đường dưới chân mở đến đó. Cặp vợ chồng chỉ đi thẳng một đường là ra khỏi nơi heo hút sâu ngút ngàn tới thẳng trung tâm thị trấn để đón xe về thành phố, mà sau này, công việc của cha mẹ nuôi cậu hết sức thuận lợi, làm đâu trúng đó, cậu ngoan ngoãn, tự giác, học hành giỏi giang, là đứa trẻ có thành tích xuất sắc nhất trường, khiến họ tự hào không thôi.

Dù cha mẹ nuôi luôn dành cho cậu những thứ tốt nhất, nhưng trong thâm tâm, cậu chưa từng cảm nhận được tình thương từ họ. Vì không có con, thấy cậu nghe lời, đẹp đẽ, lại là con trai nên khi bà thủ đồng đền nói dẫn cậu theo, họ chỉ lưỡng lự chốc lát rồi đồng ý luôn.

Họ lưỡng lự, bởi cậu bị câm. Lúc mới nhận cậu về, cha mẹ nuôi đưa cậu đi khám ở vài ba bệnh viện khác nhau, tất cả đều trả về một kết quả duy nhất: Thể chất không có vấn đề, nghi ngờ việc không nói được là do chướng ngại tâm lý.

Cha mẹ nuôi nhận nuôi khi cậu đã lớn, cộng thêm việc cậu gặp khiếm khuyết, giao lưu khó khăn nên hai bên càng thêm xa cách. Thấy cậu chưa bao giờ vòi vĩnh bất cứ thứ gì, còn biết tự chăm lo cho bản thân, nên họ càng cảm thấy gánh nặng làm cha mẹ trên vai nhẹ đi ít nhiều, lại càng chuyên chú vào công việc, càng ít quan tâm tới cậu. Tuy nhiên, họ không dám vứt bỏ cậu hoàn toàn, họ biết ở cậu có một sự màu nhiệm nào đó khiến con đường dưới chân họ bằng phẳng hơn, nên họ cứ đi mãi, đi mãi.

Cho đến khi tai nạn ập tới.

Cha mẹ nuôi qua đời, toàn bộ hai bên gia đình nội ngoại lao vào xâu xé khối tài sản lớn mà cha mẹ nuôi cậu để lại.

Với tư cách là người thừa kế trực tiếp, tất cả những người trước nay chưa từng đoái hoài tới một đứa trẻ câm tìm đủ cách để làm thân, thậm chí tìm đủ cách biến cậu trở thành người mất năng lực hành vi dân sự để nghiễm nhiên trở thành người giám hộ của cậu.

Ngay lúc cậu đang ứng phó với ông bác ruột bên nội đã tìm đến nhà cậu lần thứ ba trong tháng này, bà thủ nhang đồng đền đột nhiên xuất hiện. Gần mười năm không gặp, đôi mắt bà vẫn tinh tường như ngày nào. Bà vận bộ áo gấm xanh sẫm như màu lá trầu, cổ đeo chiếc kiềng bạc chạm trổ vân hoa tinh xảo, chỉ phẩy tay một cái, chiếc vòng làm từ ngà nhẵn mịn trên cổ tay đã điểm mồi của bà rung lên, ông bác đột nhiên yên lặng quay đầu đi ra khỏi cổng.

Cậu gật đầu chào bà, bà vời cậu đi theo, chớp mắt một cái, bà và cậu đã đứng ngay trước cổng nhà cô. Bà ấn cậu ngồi xổm xuống, hơi xoa lên trán cậu, dặn cậu ngồi yên ở đây chờ “cô” về. Cậu hơi ngẩn người muốn hỏi bà rằng, “cô” là ai, sao cậu phải chờ “cô”, nhưng không kịp nữa.

Lúc này, cậu phát hiện mình không thể cử động được nữa, vậy nên cậu chỉ biết ngồi ở đấy nhìn bà thủ nhang đồng đền rời đi. Phải tới lúc cô tới gần và chạm vào người cậu, cậu mới trở lại trạng thái ban đầu.

Theo địa chỉ ghi trên tờ giấy, nhà cậu cách nhà cô không xa, mất khoảng hai mươi phút đi xe, nhưng ngày mai cô muốn đưa cậu tới một nơi, ở nơi này, cô sẽ biết tại sao cậu nhìn thấy chiều không gian ẩn này, ngoài ra cô cũng muốn biết xem, rốt cuộc cậu và người đàn ông đắp áo choàng cho cô năm ấy có quan hệ gì với nhau.

Dẫu không thường xuyên lấy áo choàng ra xem, nhưng cô vẫn nhớ rõ, dù đã dùng đủ mọi cách, nhưng cô chẳng thể nào tẩy sạch vết máu ố lấm lem dưới chân áo. Vết máu ấy theo cô suốt tháng năm dài đằng đẵng, chưa một lần nhạt bớt, chưa một lần phai mờ, nhưng giờ đây lại biến mất như chưa từng xuất hiện.

Cơn bồn chồn trong lòng cô tựa cơn mưa rả rích rơi suốt đêm hè, không ngừng không ngớt.

Đặt tờ giấy xuống một bên, cô cầm mép áo ngồi tựa vào đầu giường rồi thiếp đi lúc nào chẳng hay, khi tỉnh dậy bước ra khỏi phòng, Khánh đang đi dạo trong sân, ngắm cây cối mướt mát dưới ánh nắng vàng. Cô đứng khoanh tay bên cửa, nhìn cậu bé thong dong đi từ trái sang phải, hết cúi người rồi lại đứng thẳng, hết ngắm cái cây lại ngắm bông hoa, trông không khác mấy cụ già về hưu chăm cây cảnh là bao.

Dường như cảm nhận được có người đang nhìn mình, Khánh quay đầu lại, thấy cô đang cười, cậu cũng nghiêng nghiêng đầu mỉm cười theo.

Cô thừa nhận, việc sống một mình, không mở rộng vòng bạn bè và đã không còn tiếp xúc với các bạn nhỏ tầm tuổi của Khánh từ rất lâu khiến cô cảm thấy thiếu tự nhiên, chứ hoàn toàn không phải là do cô bị “túm gáy” lúc đang cười lén đâu.

- Đói không? Muốn ăn sáng gì?

Bình thường cô không ăn sáng, lúc đến chỗ làm thì uống đại cái gì đó cho qua bữa là xong. Nhưng cậu thì khác, còn đang tuổi ăn tuổi lớn, với cả dậy sớm thế thì chắc phải đói chứ.

Khánh lắc đầu, tiến lại gần cô như muốn nói điều gì đó.

Theo thói quen, suýt nữa cậu định giơ tay lên làm thủ ngữ, nhưng kịp “phanh” lại, vừa dùng khẩu hình miệng, vừa cử động hai ngón trỏ và giữa mô phỏng đôi chân di chuyển, hỏi cô.

“Lát nữa chúng ta đi đâu ạ?”

Cô bấm điện thoại, đồng hồ hiển thị đúng chín giờ sáng.

- Đi, dẫn em tới chỗ này.

Ban đầu, Khánh còn tưởng hai người sẽ phải tới chỗ nào đó xa lắm, nhưng không, cô dẫn cậu tới đứng trước hồ nước trong sân. Trong hồ không có cá, chỉ có một ít bèo và vài bông súng sắp nở, sáng nay cậu ngắm nghía hết rồi.

- Nếu em đã nhìn thấy chỗ này rồi thì chắc em cũng xuống theo chị được. – Cô chìa tay – Nào, nắm tay cho thêm phần chắc chắn.

Việc thấy được một căn biệt thự nhà vườn đằng sau cái cổng rách khiến cậu thấy đủ nhiệm màu rồi, nhưng việc cô đột nhiên kéo cậu vào đứng giữa hồ để đi tới một chiều không gian nào đó khác còn khiến cậu thấy nhiệm màu hơn.

Cậu không ướt, cũng chẳng ngạt nước, chỉ có điều, dải ánh sáng đủ màu trước mặt khiến cậu hơi chói mắt. Chớp mắt một cái, cô và cậu đứng giữa một ngã tư, trông cũng không khác ngã tư cách ngôi trường cấp ba cậu chuẩn bị nhập học hai trăm mét là bao.

À không, nhìn kĩ thì cũng có nhiều điểm khác, ví dụ như người thưa, xe ít, không có đèn đỏ, dây điện không vắt thành từng búi trên cột điện, hầu hết các bảng hiệu và phong cách thiết kế nhà cửa, cửa hàng trông như ba mươi năm về trước, chỉ còn thấy ở phố cổ hoặc trên ảnh.

- Đây là nơi mà những người hơi đặc biệt hơn người bình thường một chút sinh sống.

Cô chỉ tay về cuối đường, nơi có bảng hiệu lớn viết chữ “Bán vàng mã”. Mỗi lần nhìn thấy tấm biển này, lúc nào cô cũng nghĩ trong đầu rằng, bán vàng mã làm sao mà đủ tiền ăn hàng cho bà cô này chứ!

- Tao buôn bán sao kệ tao đi sao mà mày cứ thắc mắc mãi thế?

Mới bước vào, cô đã thấy bà cô bóc hộp bánh quy nhai rau ráu, vừa nhai vừa càm ràm cô thay lời chào.

Khác với tưởng tượng của cậu về những cửa hàng bán hàng mã, nơi này không chất đầy những thứ hàng hóa mô phỏng đời sống của con người làm bằng giấy, cũng chẳng có cái mùi đặc trưng của loại giấy vàng vẽ đồng tiền xu mỏng dính. Thậm chí, cửa hàng này còn mang tới cảm giác thoáng đãng, ấm áp với hai ô cửa kính lớn và một chậu cây xanh lớn mà cậu không biết tên là gì đặt ngay bên cạnh cửa.

Nếu như trên trần nhà không treo mấy chiếc đèn giấy hình ngựa đủ màu sắc, hai chiếc kệ sắt xếp bên tường đối diện cửa sổ không bày đủ các loại giày, mũ, áo, đĩnh vàng,… được cắt, gấp một cách tinh xảo, sáng lấp lánh, chắc có lẽ sẽ chẳng ai nghĩ đây là chỗ chuyên bán đồ cho người âm.

- Thì có ai dám ý kiến gì đâu…

Cô nói như bỡn, kéo cậu lại gần bà cô đang ngồi trước chiếc bàn kê sát mép cửa sổ, trên bàn bày la liệt các loại giấy xanh đỏ vàng, dao kéo keo dán đủ kiểu, đủ kích cỡ xếp theo từng ô từ đầu bàn đến cuối bàn.

Bà cô ngồi dưới ánh nắng vàng, bụi giấy và vụn bánh bay lên theo cái phủi tay của bà, trông như tinh linh ở xứ sở thần tiên. Bà hơi ngước lên nhìn cậu, đẩy gọng kính, đôi mắt đã hằn dấu chân chim nheo lại nhìn thẳng vào mắt cậu rồi vỗ vỗ vào tập giấy vàng đang in dở hình đồng xu.

- Thằng bé không phải người ở đây đâu, mấy chục năm nữa là phải xài cái này rồi.

Cậu thảng thốt, cố không khiến bản thân mình trông bất lịch sự, còn cô dường như đã quá quen với tính nết này của bà cô nên chen vào giữa hai người, tặc lưỡi:

- Trông kìa trông kìa, ăn với chả nói!

Bà cô gạt cô sang một bên, lại nhấc gọng kính, phủi phủi vụn bánh quy trên mép rồi lần nữa nhìn sâu vào mắt cậu. Cô tới chỗ giá đựng hàng rút chiếc ô giấy, lúc quay lại để che nắng cho cậu đã thấy bà cô bốc lấy mấy tờ giấy đỏ, dùng cái kéo mũi vàng cắt lia lịa. Bà đặt kéo xuống, vỗ tay một cái, ba hình nhân đỏ duỗi tay duỗi chân cử động, bay tới trước mặt cậu, xoay vòng vòng.

- Lại nghịch hàng tao bán, bỏ cái ô xuống coi, trong nhà mà che ô mày dở hơi à?

Bà cô nhíu mày nhìn cô dúi cho cậu cầm cái ô giấy tua rua giấy dài lòng thòng, bên trên ô vẽ đủ một vòng sinh lão bệnh tử trong đời người.

- Dở hơi gì, nắng cháy cả da con nhà người ta ra rồi kia kìa!

Cậu không có ý kiến gì với việc nắng hay không nắng, toàn bộ sự tập trung của cậu đã bị ba hình nhân bằng giấy đỏ thu hút rồi. Chúng chẳng những chạy vòng quanh đầu cậu, mà còn chụm lại thành mấy tổ hợp nhí nhố, trông như đang diễn hài.

Thôi mắt to trừng mắt nhỏ với cô, bà cô búng tay một cái, cả đám hình nhân mất đi sức sống, rơi lả tả xuống mặt bàn.

Bà ra hiệu cho cậu xòe tay ra, nhón một đứa đặt vào lòng bàn tay cậu, rồi lại đặt một “đứa” vào lòng bàn tay cô, “đứa” cuối cùng bà nhét vào cái túi đeo chéo hông đựng tiền hàng.

- Ân Khánh đúng không? Trước đây con với cha mẹ nuôi từng đi tìm phủ thờ mấy lần nhưng không thấy đúng không?

Thấy cậu gật đầu, bà nói tiếp.

- Người ở phủ vẫn dõi theo con, nhưng vì có lí do nên mới phải che đường lại, đừng tìm nữa, sau này người đó sẽ tới tìm hai đứa. Người đó dẫn con tới chỗ chị này bởi đã đến lúc hai người cần phải gặp nhau, con nhìn thấy nhà chị này là bởi con từng là chủ của toàn bộ phần đất lẫn căn nhà cũ trước đó, sau này con mới tặng lại chị này.

Bà cô đá mắt nhắc cô tạm thời im lặng rồi nói tiếp.

- Còn chỗ này của con – Bà cô chỉ tay vào họng – Giờ thì chưa, nhưng chờ mấy năm nữa, mọi chuyện qua hết là con sẽ nói được thôi.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}