Nhớ lại thời đi học, nếu đề bài kiểm tra viết môn Ngữ văn của cô là: “Miêu tả thói quen xấu của anh/chị và cách giải quyết (nếu có), yêu cầu viết trên 600 chữ tính cả đề” thì có lẽ, cô sẽ là người đạt điểm cao nhất lớp, bởi cô sẽ dùng hẳn 3000 chữ để kể những câu chuyện hết sức sinh động liên quan tới sự chây ỳ, lần lữa, thích kéo dài và trì hoãn của bản thân.
Có những ngày, cô chỉ muốn nằm dài ra trên cái ghế gỗ tựa lưng đặt dưới bóng cây cổ thụ trong sân đọc sách, lướt điện thoại, hoặc đơn giản hơn là làm luôn một giấc ngon lành giữa làn gió hiu hiu. Thời đi học, ngoại trừ bài tập, những việc linh tinh khác, cô để đến ngày mai đã là gì, thậm chí cả tuần sau cô vẫn chưa động đến. Buổi sáng người ta dậy trước cả tiếng đồng hồ vệ sinh cá nhân, sửa soạn quần áo, chuẩn bị sách vở tài liệu, ăn sáng, cô ngủ trừ bữa rồi gói gọn tất cả trong mười phút, chưa trễ là may.
Đến mức cô hẵng còn nhớ lúc mọi người nô nức đi mua hồ sơ điền nguyện vọng, cô đương bình chân như vại, nghĩ cách làm thế nào để chỉ nằm ỳ một chỗ, buổi chiều khỏi cần lên trường học thể dục, mãi đến sát hạn nộp, cô mới xin bạn cùng bàn một bộ, điền đại mã ngành nào đấy của trường đại học gần nhà nhất chứ cũng chẳng thiết tha tham khảo cuốn Cẩm nang tuyển sinh Đại học và Cao đẳng.
Lúc đi làm công, vì sợ ảnh hưởng tới đồng nghiệp nên việc gì cũng giải quyết đúng hẹn đúng hạn, tới khi làm chủ, tưởng được rảnh rang chút đỉnh thì lại bị gọi réo xem tài liệu, kí hợp đồng. Chỉ tới thời điểm mở cổng, bước qua khoảng sân rộng thênh thang rồi bước vào phòng tắm kì cọ cả tiếng đồng hồ, cô mới thả “con thú” trì hoãn trong mình ra, âu yếm và ve vuốt nó bằng cách khá hài hước: Máy giặt báo quần áo giặt sấy xong từ 8 giờ tối nhưng tới gần 12 giờ khuya mới đem phơi, lại còn có tí đắc ý bởi mình đã thực hiện đúng nguyên tắc “việc hôm nay chớ để ngày mai”.
Cô cũng chẳng rõ những ngày tháng sống như bỡn thế này sẽ kéo dài đến lúc nào, và sẽ còn có bao nhiêu việc trên đời này để cô “cù nhây”, nhưng về cơ bản, cô vẫn biết có những điều không thể nào trì hoãn nổi, chẳng hạn như chuyện đang diễn ra ngay lúc này.
Lúc cách nhà tầm hơn chục mét, cô đã lờ mờ thấy bóng người ngồi dầm mưa trước cánh cổng tróc sơn, mang tính chất “trang trí” nhưng không hề có giá trị thẩm mỹ của nhà mình. Bảo sợ thì cô chưa sợ, bởi cơn tò mò đi kèm một ngàn câu hỏi vì sao đã nhảy thành hình vòng tròn quanh đầu cô rồi. Bao nhiêu năm chẳng một ai có khả năng ngồi ở trước cửa nhà cô lâu thế, lại còn là ngồi xổm như ví dụ trực quan trước mặt, tại sao lại ngồi trước nhà cô chứ lại không phải nhà khác, nhà bên kia mới có hiên che chứ? Nhà đâu sao không về?
Cô đứng bên gốc cây che dù quan sát đến chồn cả chân, nước thấm cả vào giày thể thao rồi mà người ngồi đấy vẫn chẳng có động tĩnh hay suy suyển gì, bỗng trong đầu cô nảy ngay ra một câu hỏi khiến chính cô tự dựng tóc gáy.
Hay là người ngồi kia… “tèo” rồi?
- Ai đấy? Sao lại ngồi đây? Sao không sang bên kia trú mưa?
Ngay khoảnh khắc người ngồi đó ngước lên nhìn, cô vừa nghiêng dù che cho người ấy, vừa thở phào may mắn, hóa ra là chưa “tèo”. Nhưng cảm giác nhẹ nhõm tới chưa lâu, cơn xốn xang ùa tới, vồ vập chiếm lấy cả trái tim lẫn bộ não khi cô trông thấy ánh mắt người ấy.
Ánh mắt người ấy giấu dưới rèm mi dài cong trong veo ngây ngô, nhưng trong khoảnh khắc, dường như cô lại cảm thấy được cả sự sợ hãi, âu lo, cũng có cả dằn vặt day dứt, tựa như người ấy muốn nói với cô rằng…
- Tê chân lắm rồi hả? Đứng lên đi, nhà ở đâu chị đưa về!
Một tay cô che dù, tay còn lại cố gắng đỡ cậu đứng dậy, khiến cả hai suýt chút nữa bật ngửa ra. Hai phút sau, cô trở thành người ngồi xổm, còn người ấy duỗi thẳng chân, tự đấm bóp một hồi rồi mới đứng dậy, suýt chút nữa đụng trúng tán dù.
- Đứng dậy thì phải nói chứ!
Người ấy từ tốn chỉ vào họng mình, rồi lại phẩy phẩy tay, lúc này cô mới để ý, người ấy mặc chiếc áo trắng cột vạt ngang eo chẳng biết là của ai, tay áo vừa dài vừa rộng, trông chả khác nào mới đi đóng tuồng về. Tuy khi đứng lên, người ấy đã cao hơn cô một khúc, nhưng nhìn đường nét non nớt trên khuôn mặt cùng đôi mắt sáng như pha lê đã khiến cô hiểu rằng, trẻ con bây giờ gen tốt nên cao lớn, chứ không phải do cô lùn.
- Em có biết viết không?
Thấy cậu bé gật đầu, cô định bụng mở ba lô ra lấy giấy bút, nhưng lại nhìn người ướt như chuột lột trước mặt, rồi nghĩ mình cũng sắp thành con chuột lột thứ 2, cô bèn tặc lưỡi mở cổng mở cửa, ra hiệu cho cậu bé theo mình vào trong.
- Đi thẳng, rẽ trái là tới nhà tắm, trong nhà tắm có khẵn săn, em tắm trước đi đã.
Cậu bé nhìn theo hướng cô chỉ, hơi nghiêng nghiêng đầu rồi chớp chớp mắt nhìn cô.
- Em sợ tối à? Nhà chị nhỏ lắm, đi đến cuối vẫn thấy đèn sáng. Đi trước đi, giày chị ướt, cởi lâu.
Cô gập dù, cúi xuống cởi giày vẫn thấy cậu bé đang đứng nhìn mình, không chỉ nhìn lâu mà trong ánh mắt còn mang cả vẻ bất ngờ xen lẫn ngạc nhiên.
- Sao chưa đi?
Cô nuốt nước bọt, ngẩng đầu lên, cậu bé định phất tay mà lại sợ áo mình rỏ nước lên búi tóc cài trâm trên đầu cô, thế nên cậu dùng ngón trỏ tay phải mô phỏng bút vẽ lên lòng bàn tay trái một hình vuông lớn, rồi lại dùng cả bàn tay hướng về cô, hướng về phía mình, chỉ vào mép hình vuông tưởng tượng. Chưa dừng lại ở đó, cậu còn dùng hành động mô tả cây cổ thụ, lại chỉ cho cô xem cây cổ thụ này đang nằm ở gần mép phía bên trái, vẽ thêm một vòng tròn nhỏ bên phải để hình dung hồ nước, rồi chỉ thẳng về phía trước, tay tạo hình mái nhà.
Ý cậu muốn nói rằng, thứ đang bày ra trước mắt cậu chẳng phải ngôi nhà “bé bỏng” như lời cô vừa nói – mở cửa, đi thẳng, rẽ trái là tới nhà tắm, mà lại là một căn nhà bề thế thiết kế theo phong cách ba gian – hai chái truyền thống. Hiện tại, cả hai đang đứng dưới mái hiên che cổng gỗ, hai bên trái phải dẫn từ cổng vào nhà đều được lợp ngói, cột rường thẳng hàng, đều tăm tắp, xếp dọc theo bậc tam cấp bước lên nhà là đủ các loại cây cảnh lớn nhỏ.
Cô nhìn cậu, không thể nào ngừng thắc mắc tại sao đứa trẻ này lại thấy được toàn bộ không gian ẩn này.
Cậu nhìn cô, không thể nào ngừng thắc mắc tại sao cô lại định cởi giày ngay cổng rồi đi chân đất qua sân vào nhà.
Giằng co ánh mắt suốt một hồi, cuối cùng, cô cũng tạm thời giấu sự thắc mắc vào trong, thôi không tiếp tục cởi giày ra ở cổng nữa mà ngoắc tay ra dấu cho cậu đi theo mình.
Nhà rộng thênh thang nhưng chẳng bày biện gì nhiều, có lẽ điểm nhấn chính khi đi ngang qua phòng khách lớn là bình hoa men sứ trắng muốt cắm đôi ba cành sen hồng tươi nổi bật hẳn giữa những bàn ghế kệ tủ trầm màu gỗ.
- Giờ thì đi tắm thật đi, để chị tìm xem trong nhà có bộ nào em mặc vừa không.
Cô hướng dẫn cậu bé bật nước nóng, nước lạnh và vòi hoa sen xong thì đóng cửa nhà tắm, về phòng mở tủ quần áo, hi vọng sẽ tìm được một chiếc áo ngoại cỡ, một chiếc quần lưng thun đáy thụng nào đấy.
Mấy thứ quần áo phong cách ấy cô mặc từ thời còn học đại học lận, cả chục năm rồi chứ đùa.
Lục tung cả tủ, cuối cùng cũng có một bộ cô bỏ trong túi, cất sâu vào góc. Cô láng máng nhớ hình như cô định để lại để mặc lúc làm vườn, nhưng giờ thì cô còn chả biết mình đã quăng cái kéo cắt cành hẵng còn nguyên bọc vào xó nào.
Và cũng giống như tình tiết thường thấy trong những cuốn tiểu thuyết tình cảm, những bộ phim truyền hình lãng mạn, ngoài bộ đồ làm vườn ra, à không, ngoài áo thun quần thụng ra, cô còn thấy cả chiếc áo choàng đỏ thẫm mình từng khoác rất lâu, rất lâu, rất lâu trước đây.
Lâu đến độ, cô không biết bản thân mình từng là ai, mình sống như thế nào trước đó, cô chỉ biết, trong một thoáng hư ảo, cô chớp mắt, cảm thấy mình đang ngủ, lại chớp mắt, thấy mình tỉnh táo lạ thường, nhưng trước mắt cô giăng đầy sương mờ, cổ họng chát đắng, toàn thân đớn đau bải hoải. Dẫu biết mình đang nằm trên mặt cỏ, côn trùng bỏ lên người, song có cố gồng người đến mướt mồ hôi trán, gân xanh nổi đầy cổ và hai bàn tay, cô vẫn chẳng nhúc nhích chút nào, chỉ đôi lại là cơn buốt thấu chạy dọc xương sống.
Cô hé miệng, hít sâu, thở đều, chờ cơn đau qua đi rồi lại một lần nữa mím môi, gồng người muốn rướn về phía trước nhưng bất thành.
Chính lúc này, cô nghe thấy tiếng cười nhẹ như tiếng gió, cùng với đó là cái vỗ đầu dịu dàng như an ủi.
Một người nào đó, thông qua cảm nhận từ bàn tay đến hơi ấm, cô đoán là đàn ông đã đuổi côn trùng giúp cô, chật vật bế cô lên đặt trên một mô đá không tính là cao, nhưng trơn nhẵn, bằng phẳng.
Tuy người này bế cô lên một cách khá vất vả, cô còn nghe thấy tiếng người này cắn răng hít vào nhịn đau, hai lòng bàn tay thấm cả chất lỏng nóng dính mà chỉ chốc lát, cô chưa thể phân biệt được đấy là mồ hôi hay máu, nhưng cô cảm nhận được, người này rất thân thuộc, hoặc ít nhất là không mang bất cứ ác ý gì với cô.
Thậm chí, nếu người này bế cô lâu hơn, cô sẽ nghĩ, hẳn là người này thương cô tới thấu lòng. Mặc cho người không nói lấy một lời, nhưng từng cái chạm đều rất nhẹ nhàng, từng động tác đều rất cẩn thận, tựa như nâng niu một viên ngọc quý giá.
Đến phút cuối khi cô đã nằm yên trên đá, người này thở dài, dùng mu bàn tay vuốt khẽ tóc cô, đắp lên người cô chiếc áo choàng đỏ thẫm thay cho lời chia xa. Cô gắng nhướn mày, muốn vén màn sương mờ phủ trước mắt để nhìn người rời đi trước mặt mình cho rõ, nhưng chẳng thể.
Dẫu cho người ấy lẫn mình trong khói sương mịt mùng, mờ ảo mơ hồ, bước đi tập tễnh mỗi lúc một xa dần, nhưng cô vẫn nhớ, bóng lưng người ấy thẳng tắp, dáng đi hiên ngang.
Cô cầm chiếc áo choàng trên tay, chợt nghĩ về ánh mắt của đứa nhỏ ngoài kia, chợt nghĩ về bản thân lúc tỉnh dậy trên mô đá thấp, có lẽ, cô cũng dùng ánh mắt vừa ngây ngô vừa rụt rè, lại thêm phần sợ hãi ấy nhìn ngắm chung quanh. Với cô, câu chuyện về người đàn ông hệt giấc mộng hoang đường, mà cô, tỉnh lại giữa thẳm sâu non ngàn, nằm trên phiến đá trắng ngà, ngẩng đầu ngắm trời xanh biêng biếc, cúi đầu thấy cỏ xanh mơn mởn, không còn kí ức, không còn đớn đau, cũng như giấc mộng hoang đường.
Càng hoang đường hơn là cô vẫn giữ nguyên hình hài của ngày đầu tỉnh dậy, cứ thế sống lay lắt hết mấy trăm năm, bước từng bước nhỏ bé trên hành trình tạm định là bất tận.
Cô có rất nhiều ngày mai, nhưng chẳng rõ đâu mới là ngày mai chân thực nhất. Cô có rất nhiều kiếp người, nhưng chẳng rõ đâu mới là kiếp người đáng sống nhất.
Nghe tiếng sột soạt bên ngoài, cô giật mình, vội vàng gấp áo choàng lại rồi định cầm quần áo ra ngoài, chẳng ngờ, cô vô tình phát hiện ra, mấy vết máu ố trên áo đã không cánh mà bay.
Bình luận
Chưa có bình luận