12. Không bằng.





Bà Từ Nghi Hoàng Thái hậu họ Phan, em gái Phan Trú - nguyên Đông Các Đại học sĩ, tên đầy đủ là Phan Thị Minh Tuyết, mẹ đẻ của đương kim thánh thượng.

Trạch Thiên đế được chính tay bà nuôi lớn. Dù hiện tại, quan hệ mẹ con vì một số chuyện mà đã có chút ngăn cách, nhưng mỗi khi cảm thấy bức bối trong người, Đức Kim thượng vẫn không kiểm soát được bước chân của mình, đi đến cung Diên Thọ.

Mang theo cái bản mặt hằm hằm đi vào chính điện, ông vừa đúng lúc nhìn thấy Thái hậu đang chuyện trò với Hiền phi, chẳng biết Hiền phi đùa thế nào mà trông bà Thái hậu vui vẻ lắm. Thấy Hoàng Đế đến, Hiền phi đứng dậy hành lễ.

Hiền phi là con gái cả của Võ Hiển điện Đại học sĩ, tính tình dịu dàng, phẩm chất đoan chính, lại xuất thân nhà Công thần Vọng Các, bình thường rất được sủng ái.

Hoàng Đế vốn tâm trạng chẳng tốt, giờ nhìn Hiền phi như hoa lan chớm nở cũng thấy ngứa mắt. Nhưng nghĩ đi giận cá chém thớt cũng chẳng phải là điều hay, bèn nhíu mày, ý bảo nàng ta lui ra. Bà Từ Nghi đánh mắt một cái, Hiền phi biết điều hành lễ rồi rời đi, chỉ còn lại hai mẹ con trong tòa cung đình lộng lẫy.

Với một triều đại mới được thành lập từ “một đống bùi nhùi” - hậu quả do những cuộc tranh đấu để lại, thì quần thể kiến trúc trong Tử Cấm Thành này, thật sự là xa hoa đến tột cùng.

Dù sao thì nơi này là nơi mà nhà họ Bùi thừa hưởng từ họ Trịnh. Thái Tổ lúc tiến quân thì như sấm rền chớp giật, giết một đường vào tận trong điện Cần Chánh, nhiều lúc kiếm chưa kịp chém xuống thì đã có người hàng, vậy nên Hoàng thành cũng chẳng tổn hại gì mấy.

Người ta nói Bùi Hiệp Anh đạp Trịnh Phế Đế xuống khỏi ngai rồng, là đạp thật chứ không phải giả, nghĩa đen chứ chẳng phải nghĩa bóng.

Tuy nhìn cung đình thì xa hoa đấy, nhưng cũng chỉ là cái mã ngoài. Thái Tổ sau khi lên làm Hoàng Đế thừ cứ như đã “cáo lão” non, vậy nên mới có chuyện phân chia quyền lực để người mình tự quản, còn bản thân thì chơi chim ngắm hoa.

Còn về chuyện có sợ người ta mưu phản hay không, Bùi Thái Tổ căn bản chả sợ. Nhưng Trạch Thiên đế sợ. Các lão thần nắm quyền quá lớn, trong triều đình có nhà họ Đỗ, ngoài biên cương có các vọng tộc tướng môn, tay cầm hổ phù điều binh khiển tướng, điển hình như Phạm Xuân Tú, trong tay nắm tam đại quân, chức Chưởng Tiền quân Bình Nam tướng quân, thực chất là chẳng khác gì Thiên hạ Binh mã Đại Nguyên soái, hay họ Nguyễn liều chết thủ Tam Mộc, họ Lê, và các tướng thủ biên thành khác.

Trạch Thiên đế nhìn mẫu hậu mình, trong đầu bất giác hiện lên bóng lưng cao lớn vững chãi của phụ hoàng mình lúc đương độ tráng niên.

- Làm Hoàng Đế giống như chơi cá cược, có rủi có may. Tin vào quần thần chính là chấp nhận sự may rủi đó. Lòng tin cho người ta cảm giác an toàn, cũng vạch áo cho người ta xem lưng, thừa nước đục thả câu. Nhưng chỉ cần con đủ mạnh, thì mọi chuyện đó như gió thoảng mây bay. 

- Nhỡ có người phản thật thì sao ạ?

- Binh đến tướng chặn, mắt thấy tai nghe mới là sự thật. À, đối với một vài chuyện thì mắt thấy tai nghe cũng chưa chắc là thật đâu.

- Ngũ quân sẽ chống lại được phản tặc chứ?

- Tất nhiên, nếu không trẫm nuôi họ làm gì? À mà, nếu thủ lĩnh đám phản tặc chưa xuất hiện kia mà kéo trẫm xuống khỏi ngai vàng được thì cũng coi như có bản lĩnh. Thắng làm vua thua làm giặc, nếu trẫm thua, thì cứ để họ khoác long bào đội mũ miện mở tay năm ngón chỉ điểm giang sơn thôi. Trẫm cũng khỏe.​​​​​​​

- Vậy phụ hoàng tranh giành thiên hạ này làm gì?

- Giành quyền lợi. Con người ta khi bị áp bức thì chắc chắn sẽ nổi dậy, người kiêu ngạo thì càng không thể để bản thân vào thế bất lợi. Không thích thì phản, phản được thì nắm quyền, đó là chuyện thường tình.

- Con thấy ai cũng thích phụ hoàng.

- Tất nhiên rồi. Con ngoan, càng ngày càng giỏi nịnh hót trẫm.

“Phụ hoàng tên Hiệp Anh, tức hiệp nghĩa anh hùng. Ông ấy cho mình hai chữ Phương Quân, tức quân vương có phẩm chất tốt đẹp.”

Trạch Thiên đế nghĩ đến đó, lòng vừa giận vừa đau. Đau vì mong muốn mà phụ hoàng ký thác lên người mình, giận vì đống hỗn loạn mà ông ấy để lại.

Ông ấy nghĩ rằng dọn sẵn đường để con trai mình ngồi ấm ghế rồng, đúng vậy đó, nhưng “ngồi” thì được, “ấm” thì chưa chắc.

Trạch Thiên đế biết, mình không thể thống lĩnh được đám kiêu binh mãnh tướng kia của phụ hoàng mình.

Vừa nghĩ đến đó, cơn nghẹn trong lồng ngực thoáng chốc đã đẩy cái cảm giác “đau” kia đi đến tận nơi nào đó không biết.

Thấy mặt Hoàng Đế thoắt đỏ thoắt xanh, bà Từ Cung hớp một ngụm trà nhỏ, hỏi.

- Bệ hạ có chuyện gì mà di giá đến đây thế?

- Bình thường trẫm không đến thăm mẫu hậu được à?

- …

Từ Cung biết con mình lại lên cơn rồi, bèn im lặng. Có lẽ Trạch Thiên đế cũng vừa nhận ra mình vừa mới giận lây và xẵng giọng với Thái hậu, nên cũng im thin thít.

- Trẫm… - Hoàng Đế mở miệng, sau đó lại thôi.

- Bệ hạ lại bất mãn với triều thần ư? - Bà Từ Cung Hoàng thái hậu nâng mí mắt, rồi lại cụp xuống, nhìn đôi bàn tay được chăm chút kỹ càng của mình, cùng hoa văn trên chiếc áo Viên Lĩnh vạt dài, ôn tồn hỏi.

- Trẫm không thích Đỗ Vi, trẫm cũng không thích bác, không thích Ngô Cửu Như, Vũ Chẩm Tuyết, không thích Lê An, không thích Nguyễn Ý, không thích các lão thần, cũng không thích các quan viên trẻ. Lão thần trong mắt chỉ có phụ hoàng, quan trẻ thì dễ bị lung lạc, tuy là nhân tài, nhưng “trẻ” cũng là một cái tội.

Nói đến đó, ông lại im lặng.

- Bệ hạ phải làm quen thôi. Bệ hạ là Hoàng Đế, núi sông gấm vóc lụa là này là của bệ hạ, quần thần trên triều tất dốc sức vì bệ hạ làm cho xã tắc an yên, quốc gia thịnh vượng, dân chúng ấm no. Nhiệm vụ của bệ hạ là vận dụng triều đình, làm cho đất nước đẹp hơn, tốt hơn. Đó là trách nhiệm của bậc quân vương hiền minh.

- Hiền minh? Trẫm hiền minh ư?

- Bệ hạ là con của Tiên hoàng, chắc chắn là quân vương hiền minh.

Trạch Thiên đế lạnh mặt nhìn bà Từ Cung Thái hậu, cơn giận vốn bị đè nén giờ lại phun trào, như thiêu như đốt trái tim ông.

- Vì trẫm là con trai của phụ hoàng, nên trẫm là quân vương hiền minh ư? Trẫm hiền minh đến thế, tại sao các kiêu binh mãnh tướng không nguyện dóc hết sức lực vì trẫm? Trách nhiệm của quần thần là phò tá quân vương, chứ không phải phò tá mỗi phụ hoàng! Nếu trong mắt họ chỉ có phụ hoàng, vậy tại sao khi trẫm lên ngôi, họ không cáo lão hồi hương quách cho xong?

Thái hậu nhìn Hoàng Đế bằng đôi mắt sâu thẳm, nhưng vẫn im lìm không trả lời.

- Ha. - Kim thượng cười khẩy. - Do trẫm là con của phụ hoàng. Phải lắm!

- Trong mắt mẫu hậu cũng chỉ có phụ hoàng. Trẫm đã là Hoàng Đế, nhưng các lão thần đâu đâu cũng nhắc phụ hoàng, không nhắc trẫm. Đỗ Vi không tôn trọng trẫm, nói trẫm không bằng phụ hoàng. Mẫu hậu cũng cảm thấy vậy đúng hay không? Nếu không phải vì phong thái của trẫm có đôi ba phần giống phụ hoàng, thì hẳn họ đã phế trẫm rồi nhỉ? À không, không đâu. Vì trẫm là con của phụ hoàng, nên họ sẽ không phế trẫm, họ chỉ thích làm gì thì làm, không để ý trẫm. Dù trẫm có không thích, thì họ cũng có cách để thuyết phục trẫm đồng ý.

- Họ chỉ ra sức vì phụ hoàng, không thật sự ra sức vì trẫm! Trẫm rõ ràng là Hoàng Đế, nhưng lại cứ như đang làm Thái tử giám quốc vậy!

Trạch Thiên đế càng nói càng giận, càng nói càng ấm ức. Ông đang độ sung sức vốn phải như chiến binh cưỡi ngựa xông xáo khắp thảo nguyên bao la, nhưng giờ lại cảm thấy như con đường đế với không gian tự do ấy đang bị chặn lại bởi ngọn núi hùng vĩ. Ngọn núi này khiến ông chật vật chẳng biết bao nhiêu năm rồi.

- Bệ hạ đã là Hoàng Đế. - Bà Từ Nghi trả lời. - Là Hoàng Đế, vậy nên chắc chắn có cách trấn áp quần thần. Vả lại, quần thần hiện tại ai cũng dốc sức vì bệ hạ. Các Đại học sĩ vì bệ hạ mà đề ra những chính sách mới, các viên quan chăm chỉ làm việc, các tướng quân tử trận sa trường, bảo vệ biên cương đất nước cho bệ hạ. Họ vì bệ hạ mà chiến đấu, sao có thể nói là không ra sức vì bệ hạ?

- Họ đang dốc sức vì an nguy quốc gia! - Trạch Thiên đế cả giận nói.

- Vì quốc gia mà tạo nên thịnh thế, thế chẳng phải là đang vì bệ hạ sao?

Không có quốc gia, vậy hai chữ “Hoàng Đế” cũng chỉ là chữ mà thôi.

- Vậy là mẫu hậu nói rằng họ đang vì trẫm ư? - Hoàng Đế giận đến bật cười. - Nhớ vừa nãy, bác hiến kế sách về chuyện khoa cử, học đường và bổ nhiệm quan lại địa phương. Để thực hiện nó thì cần lượng lớn chi phí. Đám giàu nứt đố đổ vách đó chẳng một ai chịu nhả tiền ra! Đến cả chuyện nghĩ rằng nên thử nghiệm ở một nơi trước cũng không đề cập đến, lập tức bác bỏ! Trẫm nói chứ, thời phụ hoàng, chỉ cần phụ hoàng hô một câu, là mọi người lập tức ủng hộ. Đó là còn chưa nói đến chuyện ở thời của phụ hoàng, thuế má, sản lượng lương thực mà nông dân nộp cho họ chưa tăng lên!

- Mẫu hậu nói trẫm nghe xem. - Trạch Thiên đế chắp tay sau lưng, đi qua đi lại trong chính điện rộng lớn. - Vì sao họ không hành động như vậy với trẫm, tựa lúc làm việc với phụ hoàng?

- Vì bệ hạ không phải Thái Tổ. - Bà Từ Cung nói. 

Trạch Thiên đế nghe đến câu nói quen thuộc này, bèn dừng bước, cười giễu cợt với Thái hậu. Đoạn, ông hành lễ vái chào, nói.

- Mẫu hậu giữ gìn sức khỏe.

Sau đó liền bỏ đi.

Bà Từ Cung nhìn theo bóng lưng của Hoàng Đế, lầm bầm.

- Con không phải Thái Tổ, sao có thể làm theo cách của Thái Tổ, học theo cách làm việc của Thái Tổ? Nếu cứ như vậy, chẳng trách sao người ta lại so sánh.

Đã là bắt chước, thì tất không thể như bản gốc. Thà là cứ bày ra hết bản chất thật…

Nhưng bà không thể nói. Lời bà nói ra lúc này, sẽ như sự áp đặt, đó chính là can hệ vào triều chính. Vả lại, quân vương sao có thể “bày ra hết bản chất thật”?

Ừ, thật ra cũng được, nhưng chỉ có Thái Tổ làm được thôi.

Thái hậu cứ nhìn mãi, đến khi chẳng thể thấy bóng lưng của đứa con trai từng rất thân thiết với bà nữa, mới lắc đầu nói.

- Ngây thơ.

***

Lời lảm nhảm thêm vào của tác giả:

- Thật ra Hoàng Đế tội lắm.

- Thái hậu là người nghiêm túc và có quy tắc.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout