11. Thiết triều (4).





Phạm Xuân Tú không trả lời. Với tình hình hiện tại, bà có thể giữ chân quân Đại, bởi vì Đại thua Lô, binh lực hẳn cũng đang suy yếu, cần thời gian để phục hồi. Chẳng biết các tướng quân Đại nghĩ gì mà lại đi đánh xuống phía Nam nữa, chẳng lẽ nghĩ bà là phụ nữ nên đánh hạ dễ lắm chăng? Mà cho dù có hạ được bà, chẳng lẽ tướng nước Đại không sợ người của ta báo thù sao?

Nếu như quân Lô thừa thắng xông lên, đánh xuống thật thì chắc chắn cả hai sẽ có thêm một trận ác chiến nữa. Nhưng dù vậy thì cũng chẳng thế nào, Lô đánh Đại, không lẽ chỉ mỗi quân Đại kiệt sức?

Nam An hiện tại không phải là mối uy hiếp chính của nước Lô, vả lại Nam An cũng chẳng có gì để cho Lô vương tập hợp hết quân đội nhào vào đánh. Xưa nay cả hai nước sông không phạm nước giếng, cho dù Lô vương có muốn đánh thì cũng chẳng phải bây giờ.

Nhưng nếu nước Xuyên liên minh với Lô thì lại khác.

Tóm lại, Phạm Xuân Tú thấy trận này “lợi” thì chẳng bao nhiêu, chỉ có “hại” là nhiều. Tiêu tốn binh lực, tướng sĩ mệt mỏi, nhân dân lo được lo mất, Bắc có Xuyên, Nam có Đại, phía Tây may ra còn có dãy Thanh Lương Thì hỗ trợ làm tầng giáp thứ nhất, phía Đông là biển - tạm thời coi như an toàn - nếu quân Xuyên không nổi hứng muốn cho chiến thuyền ra khơi.

Thịnh thế đây à?

Hơ.

- Bệ hạ, không thể hạ lệnh trưng thu lương thực đâu! - Hộ bộ Thượng thư Đỗ Thiện vái một vái thật sâu, khuôn mặt bày ra vẻ đau khổ, nói. - Bệ hạ, nước ta khó khăn lắm mới giữ vững được tình thế như hiện nay. Vài năm trước đã tăng thuế thu lương rồi, nay nếu lại đổi chế độ thu thuế lương thực sang trưng thu lương thực, e rằng sẽ mất lòng dân. Hơn nữa, đối với một số địa phương đói kém, có thể sẽ gây nên tình trạng khan hiếm-

Đỗ Thiện chưa nói xong, đã bị Hoàng Đế cắt lời.

- Vậy khanh nói xem, tiền tuyến thiếu lương thực, trẫm nên làm gì?

- Tâu bệ hạ. - Đỗ Thiện nhìn Kim Thượng bằng đôi mắt chân thành. - Ta có thể mua mà.

Trạch Thiên đế: “...”

Trẫm muốn mở quốc khố còn hỏi ngươi à?

Quốc khố cũng sắp trống không đến nơi rồi.

Điều này không trách Trạch Thiên đế được. Thời Thái Tổ, do vừa mới thống nhất, nên tiền bạc trong quốc khố chẳng có bao nhiêu. Tiên hoàng tích lũy bao năm mới dành dụm được chút ít, sau đó lại ra một đống chính sách cải tiến, xây dựng lại Quốc Tử Giám, để chia ra làm nhiều khu cho nhiều học phái khác nhau, không thì cũng là đổ vào cục Bách Tác, vân vân.

Khi Trạch Thiên đế lên ngôi thì đẩy mạnh sản xuất, nhưng lại tăng thuế lương thực, thuế muối, vậy nên triều đình cũng xem như giàu có. Chưa được bao lâu thì lại tiếp tục đổ tiền và cục Bách Tác để chế tạo vũ khí, đổ tiền ra mua vật tư cho binh sĩ nơi tiền tuyến,...

Nói chung thì vẫn nghèo kiết xác như cũ thôi.

Chưa thái bình thì chưa giàu mạnh. Một khi còn giặc xâm lăng thì vẫn chưa thể ổn định được. Trạch Thiên đế công nhận Đỗ Vi đúng ở khoản này.

Dù Đỗ Vi cổ hủ, cứng đầu, khiến Hoàng Đế nhìn mà phát ghét, nhưng việc ông ta tận tụy với quốc gia là thật.

Chỉ là cây cao sớm muộn cũng đón gió, vả lại nhà họ Đỗ càng ngày càng không biết hai chữ “giới hạn” có nghĩa là gì rồi.

- Thần nguyện dẫn đầu đi mua lương, dẫn ra tiền tuyến ở hai phương Bắc và Nam. - Đỗ Thiện tiếp tục nói. - Mong bệ hạ cho phép.

Trạch Thiên đế đánh mắt về phía Phan Trú. Ông Đông Các Đại học sĩ giờ cũng già lắm rồi, nhưng già thì sao, cũng phải bấm bụng nôn tiền ra thôi. Biết làm thế nào bây giờ, Đức Kim thượng chắc chắn sẽ không để nhà họ Đỗ ôm công lao này một mình.

Phan Trú lòng đau như cắt, nhưng bề ngoài vẫn giữ vẻ bình tĩnh, nói.

- Thần cũng nguyện phân ưu cùng bệ hạ.

Văn Minh điện Đại học sĩ Ngô Cửu Như nãy giờ đứng sang một bên, tưởng chừng như nhiệm vụ của mình đã xong rồi, sắp được về nhà, thế nhưng ai ngờ lại xảy ra chuyện này. Hai trong bốn Tứ trụ Đại học sĩ đã tình nguyện bỏ tiền túi ra mua lương thực, giờ ông mà không lao theo cây lao không phải do ông phóng ra này, có khi phải chịu tội không biết nghĩ cho dân chúng, tướng sĩ, sơ hở là thân bại danh liệt như chơi.

Làm quan đức cao vọng trọng khó lắm. Ngày ngày phải hầu hạ Hoàng Đế, đã vậy còn phải tỏ ra thích làm những việc mà mình không thích.

Võ Hiển điện Đại học sĩ Vũ Chẩm Tuyết cũng đứng ra theo, lặp lại y chang những gì Ngô Cửu Như đã nói, không sai không sót một chữ.

- Thần cũng nguyện phân ưu cùng bệ hạ.

Ngô Cửu Như hừ một một tiếng. Ông và Vũ Chẩm Tuyết vốn là bạn bè thân thiết, vậy nên ông biết thằng này chẳng hứng thú gì với triều chính, sau khi Thái Tổ mất thì càng ngày càng lười, thiếu điều dâng tấu cáo lão hồi hương, nhưng lại sợ đương kim Thánh Thượng suy nghĩ nhiều, cho rằng bản thân không bằng Thái Tổ nên ông không nguyện phó tá, vì vậy cũng thôi.

Từ xưa đã vậy, lúc tỉnh khi thấy mọi người mỗi bên một ý thì Vũ Chẩm Tuyết tiếp tục “đứng thiền”, nếu thấy mọi người nhao nhao phản đối thì im lặng, nếu thấy mọi người hô “Thần nguyện phân ưu cùng bệ hạ” thì hô theo. Vậy nên ông không ít lần rước việc vào người. May thay ông có tài thật, nên đều hoàn thành nhiệm vụ suôn sẻ, mặc dù đôi khi cũng gặp đôi chuyện trầy trật.

Ngô Cửu Như không thích cách hành xử này, nói sớm muộn Vũ Chẩm Tuyết cũng rước họa vào thân. Thế là lúc đó Vũ Chẩm Tuyết cà lơ phất phơ bảo:

- Họa vào thân tôi lâu rồi, vậy nên giờ mới phóng túng thế này.

Triều nghị sau đó chẳng có gì để nói. Quan lại nhao nhao mỗi người bỏ ra một ít, khiến Trạch Thiên đế khá hài lòng. Nghe dăm ba vụ chiến sự Tam Mộc, có thắng có thua, nhưng nói chung vẫn trụ được, thế là ông tạm thời yên tâm.

- Bệ hạ. - Phan Trú đi theo sau Hoàng Đế, đến điện Càn Thành, hỏi. - Bệ hạ thấy thế nào?

- Đỗ Vi vẫn vậy - Trạch Thiên đế nói. - Đỗ Thiện cũng thế. Trung thành với đất nước, trung thành với phụ hoàng của trẫm.

Tấu sớ hôm nay Phan Trú dâng lên là do Trạch Thiên đế bảo cho, vậy nên lúc còn thượng triều, ông mới nghĩ rằng “Chỉ có người nhà mới có thể phân ưu cùng nhau.” Nhỡ là người khác, không chừng sẽ phản đối trước, quyết không nghe theo. Ông vốn muốn thông qua chính sách này, một là để cho Đỗ Vi nhanh đón gió, hai là mong có người biết điều nhả tiền ra.

Nhưng tiếc thay, hai mục tiêu chỉ làm được một.

Ngày xưa phụ hoàng làm cách nào để đám này tình nguyện cống hiến hết sức từ tiền bạc đến tâm hồn cho ông ấy nhỉ? Trạch Thiên đế ngẫm nghĩ bao năm mà vẫn chẳng ra.

Còn về vì sao lại chọn Phan Trú nói, mà không phải là một quan viên trẻ mới bước vào quan trường nào đó…

Để cho Đỗ Vi cãi nhau với Phan Trú thì mới có tác dụng mạnh.

Dù kiến nghị đó có nhiều ưu điểm thật, nhưng hiện tại thì chưa phải là thời điểm thích hợp để thực hiện, bởi nếu muốn thực hiện thì sẽ tốn quá nhiều chi phí. Vậy nên người nói lên kiến nghị này đích thị là một người không biết nhìn thời thế.

Phan Trú hồ đồ, người vui nhất là Đỗ Vi chứ ai?

- Bệ hạ làm hình tượng của thần trong lòng quần thần ngày một tệ rồi. - Phan Trú nói. - Vốn vẫn còn minh mẫn nhưng thoắt cái lại biến thành người hay mơ mộng hão huyền.

- Bác trách trẫm à? 

- Thần không dám.

Trạch Thiên đế chắp tay sau lưng, nói.

- Đỗ Vi há là loại người dễ lừa thế. Nghe bào người hiểu mình nhất chính là đối thủ, ông ấy chắc chắn biết bác có mưu đồ gì.

Phan Trú thầm nhủ trong lòng: “Người có mưu đồ là bệ hạ, nào phải cái thân già này.”

- Bệ hạ làm liều quá. - Ông Đông Các Đại học sĩ thở dài. - Nhỡ như Đỗ Vi không phản đối?

- Thì ông ta phải nhả tiền ra thôi.

Nếu chính sách đó mà không bị bác bỏ, Phan Trú sẽ là người đầu tiên bỏ tiền ra, bởi ông ta là người đề nghị nó, tiếp theo sẽ đến các đại thần khác.

Cái này gọi là phân ưu cùng Đức Kim thượng.

Nhà họ Đỗ hiện nay hiển hách lắm. Đỗ Vi là gia chủ, làm Cần Chánh điện Đại học sĩ kiêm Lễ bộ thượng thư, tước quận công. Con trai cả là Hộ bộ thượng thư, con trai thứ hai làm Hàn Lâm viện chưởng viện học sĩ, con trai thứ ba và thứ tư thì lần lượt là Hộ bộ Tả thị lang và Công bộ Hữu thị lang.

Cả nhà không ai làm quan dưới tam phẩm.

Ở thời Thái Tổ trị vì thì đã rùm beng thế này rồi. Lúc đó Đỗ Vi còn quản cả Hộ bộ nữa, sau này Trạch Thiên đế lên ngôi nên mới bắt đầu phân ra, nhưng Thượng thư vẫn là người của nhà họ Đỗ, nói chung cũng chẳng khác gì.

Không phải ông không muốn đổi luôn một lượt, mà khi ông lên ngôi thì Hộ bộ dường như đã thành sân nhà của họ Đỗ rồi. Cưỡng ép cho người khác vào có khi lại hỏng việc.

Phải mà như này, mấy ông vua bình thường đã cho bay đầu cả nhà rồi.

- Có tra được tham ô gì không? - Trạch Thiên đế nghĩ mà tức cả lồng ngực, quay sang hỏi Đỗ Vi. - Trẫm không tin có người làm chủ Hộ bộ bao năm mà không tham ô!

Phan Trú nghĩ: "Con lừa già Đỗ Vi đó mà làm điều có lỗi với cái triều đại này, không bằng nói con người có thể trường sinh bất tử, có khi còn đáng tin hơn ấy."

Đây là triều đại mà bọn ông cùng Thái Tổ dựng lên, triều đại mà quý tộc chẳng phải lo được lo mất, dân thường cũng ấm no. Trên tất cả, Đỗ Vi là người trân trọng nó nhất.

Thấy Phan Trú không trả lời, Trạch Thiên đế cũng chẳng nói thêm gì nữa. Đi được một lúc, đến cửa điện Dưỡng Tâm, ông mới chắp tay vái chào Đức Kim thượng, rồi rời đi.

Hoàng Đế như chẳng để ý, nhẹ nhàng bước qua cánh cửa son.

Đương kim thánh thượng vốn chẳng còn nhỏ gì nữa, nhưng khi nhìn Đức Ngài từ phía sau, Phan Trú vẫn không thể kiềm được lòng mình nhớ đến Đông cung Thái tử năm đó, tuổi nhỏ nhưng tài hoa.

Lúc đó, ông và Đỗ Vi dù ghét cay ghét đắng lẫn nhau, nhưng đều rất yêu thương đứa cháu, đứa học trò này, dốc cạn tâm huyết mà dạy nó.

Sau đó chỉ vì một câu “Ngài càng lớn càng khó dạy bảo, trở nên cứng đầu cứng cổ, tự cao tự đại, cả đời chẳng thể sánh bằng Bệ hạ” của Đỗ Vi khi Trạch Thiên đế vẫn còn là Thái tử, mà thành ra thế này.

Trạch Thiên đế ghét Đỗ Vi, dù ngày xưa cả hai rất quý mến nhau.

“Bệ hạ chỉ muốn chứng minh bản thân không thua kém gì Tiên hoàng thôi.” Phan Trú thở dài. “Hiềm khích tưởng nhỏ nhưng lớn, bản tính vốn háo thắng, không thể chịu thua kém, lại bị nhục nhã thế, trách ai được đây?”


Cập nhật gia phả nhà họ Đỗ tính tới bây giờ:

*Nhà họ Đỗ: phủ Tuyên Bình, tỉnh Thái An.

Đỗ Vi: Cần Chánh điện Đại học sĩ, một trong Tứ Trụ của quốc gia, kiêm Lễ bộ Thượng thư, tước Tuyên Bình quận công.

Đỗ Thiện: Hộ bộ Thượng thư.

Đỗ An: Hàn lâm viện Chưởng viện Học sĩ.

Đỗ Kiệt: Hộ bộ Tả thị lang.

Đỗ Quang: Công bộ Hữu thị lang.

Đỗ Tùng Lài; Nam chính số 2 aka top.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout