9. Thiết triều (2).





- Tâu bệ hạ. - Chưa đợi Đức Kim thượng tỏ ý kiến, ông Cần Chánh điện đại học sĩ cũng đã bước ra khỏi hàng ngũ quan lại. - Thần xin bệ hạ hãy xem xét kỹ tấu của Đông Các Đại học sĩ và Văn Minh điện đại học sĩ. Việc mở khoản chi trợ cấp hiện tại là điều bất khả thi. Tình hình phương Bắc nguy nan, lại đang ngày đông, vật tư chẳng đủ, lương thực túng thiếu, tiền bạc lúc này nên đổ ra tiền tuyến. Vả lại, việc cấp tiền thế này, nhỡ như người ta đi giữa đường nổi máu giết sạch đồng liêu, cướp tiền bỏ chạy thì thế nào? 

Phan Trú nghe thế thì quay ngoắt đầu sang, mày kiếm nhướn cao, mắt trợn to, mở miệng định phản bác thì lại bị Đỗ Vi cắt ngang.

- Phan đại nhân chớ tức giận vội. Đời này lắm kiểu người, có người bỏ hết tiền tài mong có công danh, có người làm việc thiện nghĩa chẳng cần báo đáp, cũng có kẻ chỉ vì cái lợi trước mắt mà bất chấp hậu quả. Ông quản được hết lòng người trong thiên hạ này sao? Ồ, hay là ông định quản thật đấy?

-  Bệ hạ! - Phan Trú quỳ xuống lạy Hoàng Đế, không dám ngẩng đầu nhìn Đức Kim thượng, mặt mày xám ngoét. - Thần chỉ một lòng mong đất nước hưng thịnh, tuyệt không có ý đó!

Đỗ Vi gán cho ông cái danh “quản hết lòng người trong thiên hạ”, chẳng phải là muốn ông đối nghịch với Kim thượng sao? Đã làm hạ thần, ai dám mơ tưởng đến chuyện đó? Đó là cái quyền mà chỉ có Kim thượng mới nắm giữ được, ông thì không thể, dù ông có là người nhà bên ngoại của bệ hạ, dù ông có là trọng thần khai quốc của triều đại họ Bùi, dù ông có xuất thân vọng tộc trăm năm đi chăng nữa, thì đó là chuyện ông tuyệt đối không được nhúng tay vào. 

Đó là tội mưu phản, là tru di chín họ đó!

- Tâu bệ hạ! Thần xin nói thêm, nếu việc an ninh luật lệ chẳng nghiêm, sẽ có tình trạng làm giả hồ sơ, hoặc quan lại nơi địa phương sẽ bị mua chuộc, hoặc tham ô số tiền mà bệ hạ dứt ruột bỏ ra vì tấm lòng thương kẻ tài của mình. Thần cũng mong giúp người hiền, người trí vượt khó, nhưng chẳng phải lịch sử đã chứng minh nhiều lần rằng chính sách tốt nếu thực thi sai cách sẽ dẫn đến tai họa sao? Triều đại trước cũng chẳng phải không có việc bởi không có sự quản lý chặt chẽ, tiền bạc cứu nạn cứu đói liền bị quan lại địa phương tham ô. Dù sao người ta cũng có câu “trời cao Hoàng Đế xa”, bệ hạ tuy nắm mọi quyền hành, nhưng cũng chẳng phải có ba đầu sáu tay. Bệ hạ chắc chắn không muốn gặp phải sai lầm đó.Vậy nên, hạ thần xin bệ hạ cẩn minh xem xét! 

- Bẩm bệ hạ! - Phan Trú đang quỳ rạp dưới đất thoáng cái ngẩng phắt đầu lên, vẻ mặt quyết liệt, nói. - Quan lại địa phương luôn được triều đình ta sàng lọc rất cẩn thận, phải là người có đức mới đảm nhiệm được. Ở thời của Thái Tổ, ngài ấy nói một câu, không ai không nghe theo. Đến thời của bệ hạ, dân chúng cơm no áo ấm, người tài khắp nơi dần dần tề tựu tại Kinh Đô. Thần chỉ mong có thêm nhiều người nữa phân ưu cùng bệ hạ.

- Còn ông! - Ông Đông Các Đại học sĩ quay sang nhìn Đỗ Vi, phẫn nộ nói. - Vật tư lương thực không phải vừa vận chuyển đến Tam Mộc và Biên Lộ Biên Nghệ rồi sao?! Chẳng lẽ có người tham ô? Không thì sao lại túng thiếu? Nếu tôi không nhầm thì Hộ bộ thượng thư Đỗ Thiện là người phụ trách việc này nhỉ?

- Ông vuốt lương tâm lại xem, như đó lương thực đủ cho mấy chục ngàn người à? - Đỗ Vi chẳng sợ, gầm lên. - Đúng! Kế sách của ông rất được! Nhưng với điều kiện là quốc khố phải dư dả, thiên hạ thái bình! Trong tình cảnh hiện tại, ta vẫn nên ưu tiên cho tiền tuyến, chỉ một đất nước an bình mới có thể nuôi dưỡng hiền tài!  Không lẽ ông định cung cấp bạc cho mỗi chuyến xe từ tất cả các tỉnh lên Kinh Đô? 

- Tôi đã bảo là những người nghèo! Các học sinh nghèo! Vả lại ông định chờ đến khi nào?! Ta đánh bao năm rồi, mười năm, hay hai mươi năm? Đợi thêm nữa thì ta chỉ còn cái vỏ rỗng thôi! Thắng lợi xong mới bắt đầu công cuộc xây dựng? Làm thế coi được sao? Đến lúc đó thì nội tình nước ta suy yếu, chẳng phải vẫn là một món ăn béo bở đối với các nước ngoại bang à? Nếu không đầu tư vào người hiền tài ngay lúc này, ai sẽ đảm nhiệm những trọng trách giúp dân giúp nước khi chiến tranh kết thúc? Chúng ta phải chuẩn bị cho thời kỳ hậu chiến! Chúng ta phải nghĩ đến việc kiến thiết đất nước trong lúc đang chiến tranh! Chỉ có vậy mới chiệu được hậu quả của việc trường kì chiến đấu!

- Làm sao mà ông chắc là người ta nghèo chứ? Ông đi dò la nhà người ta à? Ông có thời gian đó sao? Phan Trú, ông sống yên bình lâu quá rồi đúng không?! Nhìn lại xem, chúng ta cần một nền móng thật vững chắc. Nếu quốc khố cạn kiệt hoặc có loạn lạc xảy ra, dù hiền tài đến đâu, họ cũng khó mà thi thố tài năng. Ông không phải đang giúp họ, mà là đang vùi dập những thanh khâm kia!

- Vậy thì điều tra! Quan lại địa phương nhận bổng lộc của triều đình mà không làm việc nghiêm túc thì còn làm quan cái gì nữa?! Thái Tổ mất ba mươi năm để tạo ra một quốc gia thịnh vượng thế này. Ngoại trừ giặc Xuyên luôn lăm le, hiện đã được Tam Mộc cùng hai tỉnh Biên Lộ Biên Nghệ chặn chân, Ba Bổn Ba Thạnh địa thế hiểm yếu thì khỏi nói, xác chúng chất thành đống, chưa chắc đã dãm bén mảng đến thêm lần nữa, thì hỏi xem Nam An có phải đang dần bước chân vào thời kỳ thịnh thế không?! 

- Một ngày còn nguy hiểm tiềm tàng thì chưa phải thịnh thế! Cho dù phải, thì cũng chỉ là dệt hoa trên gấm! Thử xem xem, tới cái ngày mà quân Xuyên đại phá Tam Mộc thì mấy tên như chúng ta làm được gì?

- Không phải ông đang mong cái ngày đó đến nhanh đấy chứ?

- Ông vẫn nên thu liễm cái chí hướng viễn vông của mình đi Phan đại nhân, cũng đừng có áp đặt suy đoán của ông lên tôi! Thái Tổ mất rồi nên không có ai cầm cương kéo ông lại đúng không? Ông tưởng mọi việc thiên hạ đều lý tưởng như ông nghĩ à?

- Không có lý tưởng thì làm sao thành công? Không có chí làm sao mới nên?

- Được, hay lắm! Chí hướng ông cao cả rộng rãi, mở đường “hiền tài” thiên hạ! Nhưng tiếc thay, nó được đề ra không đúng lúc!

- Cần Chánh Đại học sĩ! Ông dám nói thiên hạ của bệ hạ không phải thịnh thế? Không phải là thời cơ thích hợp để hiền tài thực hiện lý tưởng của mình?!

- Ông tỉnh táo lại đi Đông Các Đại học sĩ! Mấy năm qua ông suốt ngày đàn hặc tôi, tố tôi là gian thần, giờ xem ai mới là gian thần!

Thấy chủ đề càng đi càng xa, hai trọng thần một đứng một quỳ mà khí thế lại chẳng thua kém ai đang dựng mày thổi râu, xem chừng sắp đánh nhau đến nơi, hoàn toàn không để Hoàng Đế vào mắt, Trạch Thiên đế lúc này mới đập bàn, quát.

- Cầm mồm hết lại cho trẫm!

Hai cái miệng ầm ĩ như tiếng gà gáy lúc sáng sớm lập tức im như hến. Đỗ Vi thì quỳ rạp xuống, Phan Trú quỳ sẵn rồi, cũng lập tức khom người, lưng gần như song song vấn mặt đất, không dám ngẩng đầu lên nhìn Hoàng Đế. 

- Ý kiến của Văn Minh điện. - Trạch Thiên đế nói, chuyển sang một chủ đề khác chẳng liên quan gì đến cuộc tranh cãi khi nãy. - Trẫm không đồng ý mở kỳ thi riêng. Đúng là không đỗ thì chưa chắc đã có tài, nhưng cũng chứng tỏ, một là tầm nhìn quá rộng, quá mức thoáng đạt, hai là tầm nhìn hạn hẹp, không có tư cách lên đường làm quan. 

- Quá mức thoáng đạt thì sẽ trở nên phi lý, có miệng nói tay không làm thì chỉ như kẻ vô dụng. Nhưng việc các Sinh đồ già có quan hệ son sắt với người dân, nên làm quan phụ mẫu chăm lo con dân, cũng chẳng sai. 

Đức Kim thượng nói đến đó rồi không lên tiếng nữa, ông nói đến thế thôi, quăng lại vấn đề cho đám trọng thần toàn là bậc hiền giả trí tuệ hiểu sâu biết rộng dưới kia. Nhưng tuyệt nhiên chẳng nói chẳng rằng về tấu của Phan Trú khi nãy. Hai vị quan lớn chính nhất phẩm năm quỳ xuống, lưng vẫn thẳng tắp, nhìn như hai tấm bệ kê chân.

Ông Văn Minh điện Đại học sĩ bái lạy, sau lại nói.

- Bẩm, vậy thần nghĩ ta có thể thông qua bài thi mà quyết định tư cách. Ta nên bổ sung thêm một số điều trong thể chế chấm bài, sau đó phân phát xuống dưới, cho các Đề Điệu cứ thế mà làm, xem ai có tư cách, phải giới hạn tuổi tác, nếu phù hợp lập tức bổ nhiệm.

- Nhỡ người đó có muốn lên Kinh Đô thi Hội thì sao? - Kim thượng hỏi.

- Nước ta hiện giờ thiếu quan lại nơi địa phương. Những người đó cũng đủ trưởng thành, tỏ sự đời, lại có học, hẳn hiểu nếu có đậu thi Đình đi chăng nữa, đã không vào Đệ nhất giáp thì bệ hạ cũng sẽ bổ nhiệm đi địa phương thôi. - Ngô Cửu Như đáp.

*Đề điệu: Chánh chủ khảo.

- Chỉ tiến cử tri châu, tri huyện vẫn phải để thi Đình xong rồi tính. - Trạch Thiên đế phất tay, nói.

Đỗ Vi quỳ rất nghiêm chỉnh đâu vào đấy, nhưng mắt thì lại lườm Phan Trú đến muốn rách cả khỏe mắt. Phan Trú cũng trừng nhìn ông, đôi con ngươi như tóe lửa. 

Đây gần như là chuyện bình thường tự nhiên khi hai người gặp nhau rồi. Không nở nụ cười giả tạo rồi chọc ngoáy người kia, thì cũng sừng sộ nổi điên chửi mắng kẻ còn lại. Thời trẻ đương độ xuân xanh thì còn đỡ, ít nhất thì ông và Phan Trú cũng không thường xuyên gay gắt ra mặt. Nhưng càng già thì tính nết càng trái chiều, theo đó, sự khó chịu của ông đối với Phan Trú càng tăng. Khi Thái Tổ Bùi Hiệp Anh băng hà thì sự “bằng mặt không bằng lòng này” như ngựa hoang đứt cương, chạy băng băng trên con đường “tôi với ông không đội trời chung”, chẳng ai chịu nhường ai.

Nam An hiện tại, nếu không tính triều đại nhà họ Trịnh bị sự đối nghịch giữa vọng tộc và hàn môn quậy cho banh chành ngày trước, thì cũng đã có tuổi đời non nửa hơn ba mươi năm rồi. Bùi Hiệp Anh năm đó hai mươi mốt tuổi, tài hoa xuất chúng, tập hợp con cháu ưu tú nhà vọng tộc lại tuyên chiến với triều đình. Thật ra hoàng gia, suy cho cùng cũng là một nhà lớn như bao nhà khác. Vọng tộc chỉ chực chờ hoàng gia rớt đài, hoàng gia thì canh thời cơ đạp vọng tộc xuống bùn. Có qua có lại, như nhau cả thôi.

Trước giờ hoàng gia cùng vọng tộc luôn duy trì một khoảng cách an toàn, buông bức màn mong manh ngăn cách, giảm thiểu xung đột của cả hai. Vọng tộc nhún nhường, hoàng gia làm tới, đến khi thấy Hoàng Đế bắt đầu chèn ép một cách quá đáng, thì mới bắt đầu vùng dậy đòi quyền, đòi lợi.

“Chèn ép” là gì? Chính là thu lại gần nửa binh quyền của họ Nguyễn ở Tam Mộc, họ Lê ở Ba Bổn Ba Thạnh, và họ Dương ở vùng Nhị Biên, cho tướng mới đánh trận, để họ có cơ hội tạo nền móng vững chắc cho bản thân.

Tướng mới là tướng tài, thắng nhiều thua ít, không làm thất vọng Hoàng Đế nhà Trịnh. Mọi chuyện sẽ chẳng có vấn đề gì, bởi những nhà có gốc rễ lâu đời, sống dai thì giỏi nhất là nhẫn nhịn, nhưng Hoàng Đế thời đó muốn động đến quân dưới quyền nhà ba họ Nguyễn, Lê, Dương. 

Thêm nữa, việc chém cả nhà họ Bùi, diệt họ Trần, Ngô, đã đẩy sự giận dữ của vọng tộc lên đến đỉnh điểm.

Vậy nên mới có chuyện Bùi Hiệp Anh đạp Trịnh Phế Đế xuống ngai vàng, sau đó khoác áo rồng, giơ tay năm ngón chỉ điểm núi sông. 

Ở thời của Thái Tổ, vọng tộc hòa nhã, hàn môn thân thiện, chẳng có chuyện bên này chèn ép bên kia, có thì cũng làm trong lén lút. Nói chung, tóm gọn trong bốn chữ thôi: Thiên hạ thái bình.

Bùi Hiệp Anh hành xử sấm rền gió cuốn, nói một không hai, nhưng được cái biết lắng nghe, nghe xong thì lấy của mỗi bên một ít, chắp chắp vá vá lại, thần kỳ thay lại tạo nên hiệu quả không ngờ. Thêm vào cái tính hào sảng, không câu nệ điều chi, nên ai cũng yêu quý.

Thái Tổ có thể yên tâm giao hết quyền hành vùng Tam Mộc cho nhà họ Nguyễn, một người kiêm hai chức Tổng đốc và Đề đốc, không sợ mưu phản, cũng làm tương tự với nhà họ Lê. Tiếc là con cháu họ Dương đã tử trận hết trên chiến trường với quân Xuyên, nếu không thì hai tỉnh Biên Lộ Biên Nghệ cũng vào tay chúng rồi. 

Những chuyện như giao một trong năm đạo quân bảo vệ Hoàng thành cho một người phụ nữ, để người đó thủ biên giới biển, lâu lâu thì xuôi nam canh chừng, mệt thì về Kinh Đô trông coi, hay cho họ Trần ở Hà Ninh nắm toàn quyền ở Đô Sát viện, đều những hành động kinh trời động đất. Nếu Hoàng Đế đó có đầu óc, thì chắc chắn sẽ không làm.

Nhưng Bùi Hiệp Anh là một tên khùng điên, không gì không dám làm. 

Vì cái sự “khùng điên” đó, nên thần kỳ thay, chẳng có ai phản. Dù có suy nghĩ đó đi chăng nữa, nhưng lương tâm tự cắt rớt, nên đều thôi.

Cứ như bị bỏ bùa mê thuốc lú.

Bùi Hiệp Anh làm vua như thế, trị vì đất nước bằng cách tưởng chừng như có thể xuất hiện người đột nhiên thành phần tạo phản bất cứ lúc nào, nhưng lại bình bình ổn ổn suốt ba mươi năm. Gia tăng sản xuất, dẹp hết loạn trọng, chống giặc Xuyên, tiến hành cải tổ Quốc Tử Giám, chuyện gì cũng làm. Phải nói là ông ta đã dọn dẹp sẵn đường để con trai mình lên ngồi ghế rồng một cách an bình.

Thế nhưng thằng con này không giống cha nó. Cha nó có niềm tin vào người dưới trướng mình, nhưng nó thì không. Cho dù nó có, thì các kiêu binh mãnh tướng dưới trướng cha nó chưa chắc đã nghe nó, không xoay nó như dế đã là may lắm rồi.

“Vậy nên mới có chuyện cãi nhau giữa điện Cần Chánh mà chẳng để ý gì, rồi bị bắt chịu tội nằm như cái bệ kê chân thế này.” Đỗ Vi nghĩ thầm. “Đức Kim thượng hiện nay không bằng một ngón chân của Hiệp Anh, vậy sao Phan Trú cứ nhất quyết bênh vực? Chẳng lẽ vì em gái ông ta là mẹ ruột của Kim thượng sao?”

Đầu ông nghĩ nhiều thứ, tai thì vẫn dỏng lên nghe ngóng. Một điều may mắn của việc quỳ rạp xuống thế này, chính là Đức Kim thượng chẳng thể nhìn thấy biểu cảm của ông được. 

- Chuyện của Đông Các Đại học sĩ. - Trạch Thiên đế nói. - Về suy xét kỹ càng lại, rồi dâng tấu cho trẫm.

- Bệ hạ vạn tuế. - Phan Trú dập đầu, rồi đứng dậy. 

Đỗ Vi đắc ý, cũng chẳng thèm quỳ nữa. Kim thượng nói thế, vậy vấn đề coi như được giải quyết một nửa rồi, ông cũng không cần rạp mình xuống làm chi.

- Vẫn phải tìm cách hỗ trợ học sinh lên Kinh Đô mới được. - Ngài Hoàng lại bảo. - Nhưng không thể tiêu tốn quá nhiều chi phí. Việc mở Học đường, Học trạm trẫm sẽ xem xét, còn điều gì nữa không?

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout