Gọi giấc mơ trưa


Nắng chang chang, khắp sân vàng rộm như ai đang phơi lúa. Tiếng gió hiu hiu như thủ thỉ đủ chuyện trên đời, mấy tàu lá chuối khô xào xạc đáp lời, nhánh mai già trước hàng ba cũng nhịp nhàng đung đưa. Dưới tàng cây vú sữa sau hè, vạt nắng chao nghiêng xuyên qua kẽ lá nhảy nhót trên gương mặt lem nhem, bụ bẫm của Thương. Nó nằm dọc cái giường tre, gác đầu lên đùi bà ngoại, đôi mắt đen láy mở to, giọng con nít trong trẻo hỏi: "Mồ côi là gì hả ngoại?"

Cái quạt giấy trên tay bà Sáu Tống tự dưng thôi, không phẩy nữa, ngôi sao mờ trong mắt bà chợt lặn mất. Bà thấy là lạ, cúi đầu nhìn nó rồi hỏi:

"Đứa nào dạy bây đó?"

"Dạ, chú Dũng lết ba con Tiên sún nói với nó con là đứa mồ côi á ngoại!"

"Mồ tổ cha mấy cái đứa này! Dạy con nít tầm bậy tầm bạ không hà!"

Bà Sáu giận rõ ràng, nói xong còn lấy hơi lên, mấy nếp nhăn khắc khổ chen nhau chạy dọc giữa chân mày. Bà ráng nuốt cục tức xuống, dịu giọng dỗ dành:

"Thôi, kệ đi con, biết ba cái đó đặng chi? Ngủ đi, ngủ giỏi cho ngoại thương!"

"Dạ, ngoại!"

Thương nghe lời nheo nheo đôi mắt, trở mình nằm nghiêng, co chân lên nhìn như con tép bạc. Bà Sáu lại cần mẫn phe phẩy cái quạt màu tím than, cất tiếng "ầu ơ" ngọt lịm như muốn gọi những giấc mơ trưa còn đang phiêu du đâu đó mau ghé qua hè này chơi với Thương, tại hồi nào nó còn thức là bà còn rầu. Biết tánh nó, bà sợ lát nữa nó hỏi thêm một nùi, thí dụ như: Chú Dũng lết nói con mồ côi là tầm bậy hả ngoại? Sao chú Dũng lết nói con mồ côi ta? Mà mồ côi là cái gì mà tầm bậy ngoại? Vậy con có mồ côi thiệt hôn ngoại?

Chưa gì bà Sáu Tống đã thấy ê ê cái đầu, bà ráng ngân cổ lên ca cho ngọt, cho mùi dỗ Thương mau ngủ. Bà Sáu cũng tự dỗ mình ngủ một giấc dậy là nó quên hết trơn hà.

"Gió đưa bông cải về trời... Ơ... hơ... Gió đưa bông cải về trời..."

"Rau răm ở lại... Ơ... hơ... Rau răm ở lại... Chịu đời... đắng... cay..."

"Ầu ơ… Gió đưa gió đẩy... Ơ.... Gió đưa gió đẩy... Về rẫy ăn còng…"

"Về sông ăn cá... Về sông ăn cá... Về đồng ăn cua..."

Thương ráng nhắm mắt đặng ngủ mà lỗ mũi, lỗ tai của nó chưa có chịu ở không. Nó hít hà mùi trái mít ráo chín cây trước sân, gió đưa ra tận hè gửi gắm lên từng nan quạt, ngoại phất tay đều đều Thương no một bụng hương thơm. Nó nằm nghe con gà mái già "tục tục" dắt theo bầy con kêu "chiêm chiếp, chiêm chiếp" đang bươi hoài cái đống un gần bụi chuối của ngoại lên. Nó dỏng tai lắng nghe trong lời ru của ngoại có tiếng chim chích chòe ríu ra ríu rít hát bè theo. Tự nhiên không biết tụi nó cự cãi cái gì mà một con giận dỗi ré lên "chíp chíp chíp" rồi đập cánh bay đi mất tiêu để đứa kia ở lại một mình buồn hiu. Thương nghe giọng nó rầu rĩ lắm, không còn lảnh lót như ban nãy, cứ kêu "chít chít", "chíp chíp" chuyền từ cành này sang cành nọ hoài. Rõ ràng là ở lại không xong mà đi thì không đặng, chắc sợ bạn nó trở về tìm không gặp, hai đứa lạc mất nhau.

Giống Thương với con Tiên sún quá chừng, thương nhau không hết mà cũng hở chút là giận, hở chút bo xì nghỉ chơi.

Nhớ lần đó anh Tí rủ nó với con Tiên sún đi mót hạt điều, vườn nhà chú Bình Đại Gia tầm hơn chục cây cuối mùa còn ít trái lái không xuống mua nữa nên chú bỏ không bữa giờ. Mấy trái điều sặc sỡ vàng, đỏ, cam trông đã mắt lắm, có trái chèm bẹp chắc từ tít trên cao rụng xuống, nằm đợi lâu quá không có người tới lượm chán nản tới nổi bay màu thành đen sì, trái thì tiếp đất còn nguyên vẹn, cao ngạo nằm ểnh lên phơi cái bụng bóng bẩy dưới nắng cũng có những trái như đang ngại ngùng mắc cỡ, nấp kĩ mình trong đống lá khô.

Mỗi đứa cầm theo một cái bọc, hớn hở chạy túa ra, cứ thấy điều là sà xuống vặn hạt lia lịa, vừa lượm vừa chơi, miệng đứa nào cũng ríu ra ríu rít:

"Ê tụi đây lợi đây coi cái hột điều này nhỏ xíu mắc cười lắm nè!"

"Chết cha, xém chút xíu là đạp gai rồi!"

"Bông điều thơm quá ta ơi!"

"Coi em đu xích đu nè! Ha ha!"

Thương nhón chân đu lên một nhánh điều cong ráng hết sức kéo cái đọt nó rũ xuống, đang tính hái mấy trái điều chín hường đặng lát đem về cho ngoại chấm muối ớt ăn chơi. Tự nhiên nghe con Tiên sún ở đằng xa kêu lên "á á", Thương hết hồn, quay lại thì thấy nó ôm đầu chạy lạch bạch, khóc la um sùm:

"Chết ời!"

"Chết cha tao ời!"

"Ui da!"

"Ui dà da!"

Anh Tí lớn hơn con Tiên sún hai tuổi, ảnh chạy nhanh hơn cũng lớn họng hơn, ảnh la làng như người ta cháy nhà:

"Vọt lẹ tụi bây ơi!"

"Ong ong ruồi chích tao!"

"Tụi nó dí tới rồi kìa, lẹ lên!"

Ba đứa quýnh quáng túm lưng quần vọt hết ga, chui qua hàng rào kẽm gai, chạy lên bờ xuống ruộng mà không có dám quay đầu lại. Về tới chòi vịt của chú Dũng lết đứa nào đứa nấy mệt muốn đứt hơi, tèm lem tuốt luốt như mới đi đánh trận. Anh Tí hết ngồi được, đứng xoa xoa "cái chảo" hoài, miệng ảnh chu chu ra, thút tha thút thít:

"Ui nhức quá đi!"

"Trời ơi là trời, nhức quá hà!"

Bình thường ai chê con Tiên sún xấu gái mắt lồi, mũi xẹp, miệng rộng như cái gàu dai thì bữa đó hết chổ chê luôn tại nó bị sưng nguyên cái mặt. Hai mắt híp lại ti hí như sợi chỉ kéo ngang qua, cặp má phồng lên che mất tiêu cái mũi, môi cũng dảnh ngược đã vậy còn tổn bọc hạt điều, lúc bị ong rượt nó hoảng quá bỏ quên lại đó rồi. Cả chiếc dép mủ in hình con mèo màu đỏ mà nó khoái nhất nữa, rớt ở đâu không hay về tới nhà còn có một chiếc một. Hên cho Thương bữa đó đi chân không nên chạy lẹ. Nhìn anh Tí xong day qua nhìn con Tiên sún, Thương cứ thấy mắc cười. Nó bụm miệng cười, ôm bụng cười, cười tủm tỉm, "hí hí" đủ kiểu hết, làm con Tiên sún quê quá đuổi nó về nhà nghỉ chơi luôn.

Thương ủ rũ tâm sự với ngoại:

"Con hổng bị ong ong chích giống nó nên nó kiếm chuyện con giận hả ngoại? Nó hổng chơi với con nữa thì con cũng nghỉ thèm chơi với nó luôn!"

"Bậy quá bây ơi! Ngựa chạy có bầy, chim bay có bạn chớ con."

Ngoại hiền hậu lấy cái khăn rằn vắt ở cổ xuống lau mồ hôi cho Thương, không có rầy nó vô tâm, cười hổng đúng nơi đúng chổ cũng hổng có răn dạy nó cái gì mà "phải thương người như thể thương thân" giống trên đài ra-dô (radio). Ngoại luồn những ngón tay nhăn chải mái đầu rối y chang ổ quạ của Thương, chia thành ba chùm tóc rồi chầm chậm thắt lại cái bính cho nó. Giọng ngoại cất lên bên tai nghe mỏng giòn như lá khô, ngọt như mía lùi:

"Để ngoại kể cho bây cái chuyện này nè!"

"Mới hồi năm ngoái chớ đâu, trên chợ Gò Nổi có cái chú kia kìa, đi rà sắt rồi quơ quào làm sao mà chọc trúng ổ ong ong mặt quỷ. Cái giống ong sao mà độc địa, tụi nó bay ra rượt theo chú đó chạy giáp rừng, bu đầy đầu đầy cổ nhìn đen thui hết, nghe nói ghê lắm đa. Mấy người đi đào giếng về ngang thấy vậy lật đật bẻ nhánh cây này cây kia đập búa xua cho tụi nó bay đi, rồi cũng bị chích lây cá đống mà người ta ráng khiêng chú đó lên tới trạm xá tại nó mê man hết biết gì rồi... khổ cái là hổng có cứu kịp nữa."

"Hổng cứu kịp vậy chú đó phải làm sao hả ngoại?"

Nhìn ánh mắt non nớt, chao qua chao lại thấp thoáng sợ hãi của Thương, thấy mà thương. Bà Sáu vò đầu nó, bất đắc dĩ nói:

"Ờ thì... nó đi xa rồi con, bỏ lại nhỏ vợ mới cưới đương bụng mang dạ chửa. Hai mẹ con thím đó giờ chắc bơ vơ, côi cút lắm. "

Nghe tới đây nước mắt Thương tự nhiên ứa ra lưng tròng, trong đầu nó thì đang lẩn quẩn hai chữ "đi xa" của ngoại. "Đi xa" này có phải là một bữa sớm hay bữa chiều người ta ra khỏi nhà, tính đi mần công chuyện như mọi lần, rồi bỗng dưng hổng mạnh giỏi quay trở về được nữa? Vậy là từ đó, những người thương mến nhau hổng thể ở bên nhau được nữa?

Thương rưng rưng nhìn ngoại, khóe miệng từ từ mếu xệu xuống.

"Anh Tí với con Tiên bị chích từ trưa tới giờ... chắc... chắc hết cứu rồi quá ngoại?"

"Vậy tụi nó cũng sắp... sắp... đi rồi h... ả... hả ngoại?"

Hỏi xong như không kìm được Thương "hước hước" lên mấy tiếng rồi ngồi đó khóc ngon lành. Nó khóc ngoác cái miệng, nước mắt rớt lộp độp như mưa, nước mũi thì tòn ten như xích đu.

Nhớ lại cái mặt sưng cục cục của con Tiên sún Thương không còn thấy mắc cười nữa mà trong dạ bồn chồn không yên, chắc tại giờ nó biết lo cho người khác rồi. Thương tưởng tượng ra cảnh chú Dũng lết tha tha thẩn thẩn cặp mé sông lùa vịt có một mình, sau lưng không còn hai cái bóng nhỏ lội sình chạy giỡn lăn tăn. Tưởng tượng thím Dũng ngồi bần thần nhìn nồi chè chuối chưng đã đống sệt, lạnh tanh không ai ăn. Nó nghĩ tới sau này không còn ai chơi bán quán, chơi lộn cầu vồng, chơi kéo mo cau với nó nữa, tự nhiên nó khóc mùi mẫn mà ngoại thì cười quá trời quá đất làm mấy vết chân chim cong cong lên.

Ngoại dắt Thương ra sàn nước lấy cái miễn dừa múc nước mát trong lu rửa mặt cho nó. Ngoại vừa lau vừa nói:

"Nín đi con, hổng có sao hết!"

"Ba cái đồ ong ruồi sao mà độc bằng cái giống ong mặt quỷ kia được chớ!"

"Vậy con Tiên sún với anh Tí còn cứu được hả ngoại?"

Ngoại gật đầu nói nghe thiệt chắc cú:

"Ờ, mà nó chích thì cũng nhức lắm đó nghen, nóng sốt chớ không giỡn được đâu. Mai mốt tụi con đi chơi phải nhìn, phải ngó cho kĩ. Đừng có chui vô mấy cái bụi lùm, mấy chổ cây cối um tùm nữa nghe hôn?"

"Dạ! Con biết rồi ngoại!"

"Rồi, chạy đi gom mấy cây củi nhỏ nhỏ đem ra gốc mít đi lát ngoại nướng hột điều cho ăn! Nghen!"

"Dạ!"

Thương nghe mà mừng rơn thiếu điều muốn nhảy cẩng lên. Nó vén áo chùi mặt, chùi mũi xong thì chạy te te ra sau chái bếp đem theo cả tiếng nấc nghẹn lưa thưa.

Chiều đó ngoại với Thương nướng hết mớ hạt điều, lúc hạt điều xì khói, xì bọt, nứt cái vỏ ngoài thì mùi thơm phưng phức nồng nàn được dịp chui ra, hòa chung với làn khói ngậy quấn quít theo gió dập dìu bay xa. Cái mùi thơm tới cỡ có chạy tới đằng nhà bác Ba Khương đầu đường thì cũng thấy ngạt ngào mà quẹo ngược xuống nhà ông Tư Văn Nghệ ở cuối đường thì cũng ngất ngây.

Ngoại lấy nhánh cây dài khều từng hạt đen thui ra khỏi đống lửa đến khi nguội bớt mới lấy cục đá xanh đập tách ra làm đôi cho Thương ngồi gỡ. Mười ngón tay nhỏ xíu của nó mới một hồi đã dính lọ, dính mủ đen thui. Nhân hạt điều vừa nướng xong vừa mềm vừa xốp có màu nâu nâu, vàng vàng, ai ăn vô một lần đảm bảo nhớ hoài cái hương, cái vị ngon ngọt, ngầy ngậy đó vào trong tâm thức. Bữa đó Thương ráng nhịn ăn ít lại nghe theo lời ngoại chừa phần nhiều hơn bọc trong lá chuối tươi đem qua chia cho anh Tí với con Tiên sún. Cũng nhờ vậy mà Thương với nó mới làm huề, chơi lại với nhau.

Hai đứa ngồi bệt trước hàng ba nựng bầy chó con mới biết đi chập chững, tính kế coi làm sao quành lại vườn điều kiếm chiếc dép con mèo mà không bị ong chích nữa.

Thương xoa xoa cái bụng tròn lẳng của con Dương Tiễn đã đời mới buông ra, chú chó nhỏ màu đen có đốm trắng giữa trán tên Dương Tiễn ve vẩy đuôi chạy đi. Nó há cái miệng hồng hồng, nhe hàm răng mới nhú cạp cạp vào chân, vào lưng anh nó là con Tề Thiên có bộ lông luốt luốt vàng. Hai đứa ục ịch vật nhau lăn mấy vòng ra tuốt hàng cao ở ngoài sân, lúc đứng lên thì mặt mũi dính đầy đất cát, tụi nó lại ngơ ngác chạy đi chọc phá mấy con chó khác, đứa thì đang gặm cột nhà, đứa gặm chân mẹ Mực của nó. Tên bầy chó con là Thương với con Tiên sún với anh Tí tự đặt. Hồi đầu hè tới giờ, cứ tầm giữa trưa là ba đứa bữa nào cũng lội ruộng xuống tận nhà ông Mười Phước dưới xóm Bến Cây coi phim Tề Thiên Đại Thánh. Nghe đồn, nguyên ấp Trà Sim giỏi lắm có năm cái truyền hình mà có mình nhà ông Mười là truyền hình màu hiệu Sony. Cái này là do con gái lớn của ông đi lấy chồng ngoại quốc gửi tiền về cho ông mua coi đỡ buồn. Còn xóm Gò Me, nguyên xóm chỉ có đúng một cái truyền hình đen trắng của nhà thằng Út Mót. Hồi ba nó mới sắm nó khoe giáp xóm, coi bộ dữ lắm mà bữa nào vui thì nó mở cửa sổ cho tụi con nít coi ké, bữa nào hổng vui thì nó chừa cái khe ti hí để mấy đứa ở ngoài chen chúc nhau chửi lộn nghe chơi, chán, nó lấy chổi quơ đuổi bớt. Có mấy lần thằng Út Mót thò đầu ra le lưỡi lêu lêu tụi nó:

"Mai mốt ba tao còn mua băng về chiếu phim kiếm hiệp nữa kìa, tới đó một mình tao coi đã luôn."

"Ai mượn nhà tụi bây hổng giàu bằng nhà tao chi? Hổng coi được thì biến đi chổ khác."

Nhỏ chứ đứa nào cũng biết tự ái hết mà Thằng Út Mót nói đúng quá nên lủi thủi dắt nhau đi chứ hổng có cãi được. Cái xóm Gò Me đâu đâu cũng nhà tranh, nhà lá, vách đất, vách bồ, khá một chút như chú Bình Đại Gia với ông Tư Văn Nghệ thì cất lên mái thiếc, lắp ván cây, còn nhà tường quét sơn xanh, lót gạch bông vàng như nhà thằng Út Mót phải nói là độc nhứt vô nhị. Nguyên xóm cũng chỉ có ba nó có máy cày, máy phóng. Nghe đâu cứ vô vụ trồng đồ hàng bông hay phóng lúa là chú Lượm chạy máy mướn kiếm tiền xài dư tới tận tết năm sau lận.

"Nhiều khi người nói thì hổng nhớ mà người nghe người ta hổng có quên được rồi người ta cứ buồn mình hoài, bởi vậy phải lựa lời ăn tiếng nói sao cho đừng mích lòng ai."

Thương ngẫm lại lời ngoại dạy sao mà đúng quá, thằng Út Mót nói năng chảnh chọe riết, làm mích lòng tụi nó hết rồi, bây giờ có đem xe tăng đồ chơi hay nước xá xị, nước vải, nước cam ra rủ rê cũng không đứa nào thèm qua chơi với nó nữa.

Thương nằm sấp trên ván, chống cằm bàn với bà Sáu:

"Năm nay con lớn rồi con đi mót lúa chung với ngoại, mình ăn một mớ mình để giành một mớ đợi mai mốt nhiều nhiều mình bán kiếm tiền mua cái truyền hình bự hơn của thằng Út Mót mà là truyền hình màu nữa cho nó lé mắt luôn hen ngoại!"

Bà Sáu đang dở tay sắp lại mấy cây chổi mật cật mới bó xong, nghe nó nói mà bật cười. Bà ngồi xuống võng nghỉ mệt, nói với nó:

"Biết chừng nào điện câu vô tới đây mà mua bây? Mua dìa rồi cắm chổ nào con?"

Thương nghe xong mặt buồn so trả lời:

"Dạ, con quên mất tiêu, ngoại."

"Vậy mình mua cái gì giờ ngoại? Có cái nào nhà mình xài được mà thằng Út Mót hổng có hôn ta? Con đem khoe cho nó tức chơi."

Thương nằm xải lai trên ván vắt óc để suy nghĩ. Bà Sáu tính ghẹo nó, biểu nó đem đôi dép lào mòn đế vá kẽm cả chục đường của bà đem đi khoe mà sợ nó giận nên thôi.

Một chân bà Sáu thả xuống võng bắt trớn cho cái võng đong đưa, bà gác tay lên trán thảnh thơi nói:

"Con người ta hơn nhau cái nết chớ ai hơn cái áo đâu con? Giàu sang, bần hàn gì thì cái nết cũng phải rèn giũa nên mình nghèo cho sạch, rách cho thơm, cứ sống sao mà đàng hoàng ngay thẳng người hổng thương thì còn trời thương. Ganh đua với thiên hạ chi cho mệt mình, biết hôn con?"


***

Từ hồi bộ phim Tề Thiên chiếu nhà ông Mười xôm dữ lắm bởi già trẻ gì cũng mê hết ráo. Bữa nào ngoài đồng bớt chuyện, ai ai cũng rảnh rang thì chưa tới giờ chiếu phim người lớn đã ngồi chật kín hai bên bộ ván ngựa cũ, cười nói hỏi nhau:

"Ổng với mấy thằng nó đi tới đâu rồi cô Hai? Kiếp nạn số mấy rồi cô Hai?"

"Ui trời, cái thằng Bát Giới nó mê gái thì khỏi chê rồi!"

"Cái con yêu quái đó là ác dữ nhứt đó!"

"Sao Tam Tạng bị bắt hoài vậy cà?"

Đám con nít càng háo hức không yên, ngồi tràn lan ra tuốt ngoài sân xúm nhau đọc bài vè không biết ai bày ra xong lại nhe răng cười "ha hả":

"Tề Thiên Đại Thánh

Náo loạn thiên cung

Bị đứt dây thun

Tuột quần chạy trốn."

Ông Mười cười theo, lấy hũ kẹo dừa chia cho tụi nó ăn, chờ tiếng nhạc "bùm chíu, tằng tăng tăng, tằng tăng tăng" vang lên là cả đám vỗ tay rần trời. Cơn sóng dâng cao tạt vào bờ trắng xóa, hòn đá bỗng nổ tung, con khỉ lông vàng từ đó bay ra lộn mấy vòng, con khỉ khum bàn tay che trên mí mắt, một chân nhón lên cưỡi mây đi khắp nơi mấy cảnh này tụi nhỏ thuộc nằm lòng hết. Hổng bao lâu sau thằng Út Mót nghe phong phanh cái tin bầy chó mới đẻ nhà con Tiên sún tên Tề Thiên, Dương Tiễn, Sa Tăng, Bát Giới thì tự nhiên nó "lé mắt " thiệt, về quậy chú Lượm đòi đổi tên con Cò cho bằng được.

"Bạch Lông qua đây biểu coi!"

"Ê, Bạch Lông! Tao kêu mà mày hổng nghe hả?"

Nó tróc mỏi miệng, kêu khan tiếng mà con chó Cò nằm im ru dưới gốc cây xoài thanh, ngáp lên ngáp xuống hổng thèm để ý tới. Thằng Út Mót chù ụ cái mặt, giậm chân bịch bịch đi lượm cái cây dí con Cò chạy vòng vòng nhà:

"Dạy hoài mà hổng hiểu, mày hổng biết Bạch Lông Mã hả? Là con ngựa màu trắng đó. Tên Bạch Lông nghe hay chứ bộ, giờ mày tên Bạch Lông luôn nhe, hổng phải tên Cò nữa đâu."

"Mày đứng lại liền coi Cò! Í lộn!"

"Bạch Lông! Bạch Lông!"

Lần quần một hồi con Cò đứng lại thiệt, tưởng đâu nó hiểu rồi ai dè nó quay đầu nhìn thằng Út Mót một cái xong thì le lưỡi ra tí tởn chạy đâu mất làm thằng Út Mót tức ơi là tức nằm xuống đất ăn vạ ba nó. Nó nói tại ba nó hết, trong phim Tề Thiên con ngựa trắng của người ta tên là "Bạch Lông Mã" thì con chó màu trắng cũng phải tên "Bạch Lông Chó" mới đúng, sao ba đặt con Cò làm chi? Chú Lượm ba nó ngồi vắt chân trên li quăng mới hớp một ngụm cà phê chưa kịp nuốt, nghe xong thì bị sặc phun ra phèo phèo. Chú Lượm kí lên đầu nó một cái "cốc":

"Biểu sao mà ba năm trời còn chưa lên được cái lớp hai."

Thằng Út Mót dụ con Cò gần hết rổ khô cá lóc của mẹ nó cũng như không, cuối cùng Cò vẫn là Cò còn con trâu đực nhà nó giờ đã thành "Ngưu Ma Vương". Nó nghênh ngang dắt con Ngưu Ma Vương ra ruộng khoe để đám con nít biết nó xí tên đó trước rồi, mấy con trâu khác không được giành. Anh Tí đang chơi đá cỏ gà đứng bật dậy chỉ tay la lên: "Đỉa bu chân mày quá trời kìa Út Mót!"

Nó giật mình, mặt xanh như đít nhái lật đật chạy lên đường bờ giơ cẳng chân lên ngó trước ngó sau:

"Đâu? Đỉa đâu?"

"Ở đâu mậy? Nói xạo hả mậy?"

Anh Tí trợn mắt:

"Trời ơi, tao nói xạo mày chi nguyên con đỉa trâu bự thừ lứ sau bắp chuối mày kìa."

Thương với con Tiên sún cũng giả bộ vuốt da gà, lao xao nói chen vô:

"Thấy ớn quá đi, mày đừng có lại gần đây nhen!"

"Ba bốn con gì lận tụi bây ơi!"

Thằng Vũ Linh, thằng Hậu đang tắm dưới đìa cũng ngoi đầu lên bắt chước theo:

"Đứa nào lấy cây vít mấy con đĩa ra cho nó đi để một hồi hút cạn máu là chết queo đó!"

"Thôi, thôi tao sợ lắm!"

Mỗi đứa chêm vô một câu làm thằng Út Mót điếng người. Nó nhảy lưng tưng muốn tuột cái quần xà lỏ vừa khóc bù lu bù loa vừa chạy đi kêu ba kêu mẹ nó.

Mọi lần kể lại chuyện này con Tiên sún cười muốn bể bụng mà bữa đó mặt nó sưng quá cười hổng nổi. Nó nhe hàm răng sún ra "hơ hơ" mấy tiếng cho có hình thức. Thương nói:

"Đâu, day qua tao coi kĩ miếng coi! Chà, hên là bị chích có cái mặt thôi đó nhen!"

"Bị nhích nhức nhuốn nhết nhà nhên nhái nhì?"

Con Tiên sún chu chu cái mỏ hỏi vặn lại. Ý nó là "Bị chích nhức muốn chết mà hên cái gì?"

Thương học bà ngoại giơ ngón trỏ lên nhịp nhịp giải thích:

"Hên là mày còn ngồi, còn nằm ngửa ngủ được nè! Thà xấu một chút xíu mà còn được ngủ ngon chớ mày nhìn anh Tí đi, mấy bữa này ảnh nằm sấp không luôn cho coi!"

"Ờ hén!"

Con Tiên sún ngoái đầu nhìn bộ dạng khổ sở, la liệt của anh Hai nó tự nhiên thấy lời Thương nói nghe cũng có lí quá chừng.

Anh Tí bảy tuổi được tính là chững chạc trong nhà, dắt em đi chơi để bị ong chích về ba má la cho một trận bằng trời. Ảnh chán đời ăn có nữa chén cơm rồi nằm sấp trên ván cả buổi hổng nói năng gì.

"Anh Tí, anh Tí!"

Thương ríu rít gọi, thấy ảnh buồn héo hon nó chạy lại an ủi:

"Anh Tí đừng có buồn nữa, nằm sấp cực chút xíu mà cái mặt còn đẹp trai ra đường cũng đỡ mắc cỡ dữ lắm."

Thương tính biểu anh Tí nhìn con Tiên sún thử coi mà hên là ngậm miệng lại kịp. Thương giơ ngón cái ngắn cũn của nó lên:

"Giờ mà anh Tí cười lên nữa là đẹp trai banh làng luôn, em nói thiệt đó!"

"Anh Tí cười cái coi!"

Anh Tí không ừ hử gì hết, làm bộ chống cằm suy tư bắt chước như ba ảnh thở dài thườn thượt mấy hôm mà bầy vịt mới lớn ngoài chòi chết toi chỉ có cái khóe miệng hình trái tim là giật lên giật xuống, tủm ta tủm tỉm hoài. Con Tiên Sún quên đau, khoái trá la lên:

"Anh Nhai nhười nhồi nhìa, anh Nhai nhao nhười nhồi nhìa!"

Nó ngọng ngịu vậy mà Thương nghe ra mới hay, ý nó nói: "Anh Hai cười rồi kìa, anh Hai tao cười rồi kìa".

Bữa sau, anh Tí rảo hết mấy vòng cuối cùng kiếm được chiếc dép con mèo màu đỏ dính đầy rong rêu với dính cái trứng ốc bươu vàng hường hường ngay mé ruộng gần chòi vịt. Thương với con Tiên sún mừng húm mà coi bộ ảnh còn mừng hơn, chứ không lỡ để hai đứa nó đội thau giặt đồ lên làm áo giáp đi kiếm dép, chiến đấu với mấy con ong mắc công tụi nó báo cha báo mẹ, báo bà Sáu nữa. Anh Tí sợ bị đòn lây.



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}