Cậu hai tự bế một năm ròng, bãi bể nương dâu đã đổi màu, vậy mà ngoài việc buổi sớm có thể mở cửa ra đón nắng, thì chẳng có gì khác biệt cả. Đời cậu từ một kẻ ăn trên ngồi trước, đi đứng nhẹ nhàng, ăn nói khoan thai, thành một kẻ cơm bưng tới phảng, nước rót tận giường, nửa đêm buồn tiểu cũng phải có thằng hầu kéo quần gạt áo.
Mà thằng hầu kia cũng tồ, ngả lưng ngủ say là trời đánh cũng chưa buồn dậy. Có đêm cậu không muốn thằng ngố đó đụng vào vạt gấm, vậy là nhất quyết thà nằm đây lạnh lẽo cam phận tới sáng chứ không gọi nó một câu.
Cậu đánh giá sức chịu đựng của cậu tốt quá, nhưng xương xẩu cậu bảo chúng không nghe, đêm hôm tắt đèn từng khớp xương một đau buốt tim ấy còn chưa đủ. Buổi đêm sầu quá khổ quá, mót tiểu không xả được còn chưa xong, cái thói văn nhân khinh khỉnh ở đâu trồi trụt lên xuống hành cậu đến tận sáng, vậy là mất ngủ cả đêm mới lả người ngủ nông một chặp.
Sáng ra đôi chiếu hơi ướt, thằng hầu mới hay đêm qua cậu tè dầm. Đã bảo thằng hầu kia tồ tịt chẳng sai, nó không sợ chết gọi cậu dậy đã chớ, còn nín cười gọi người thay chiếu cho cậu. Cậu không biết trách ai, cũng không có ai mà trách, chỉ có bà cả hay tin chạy sang đánh thằng hầu kia một trận, cậu mới nhớ ra trong nhà còn bu thầy.
Những tưởng bu không ngó ngàng gì đến cậu nữa, nhưng nếp cũ mười mấy năm nay không phải ngày một ngày hai mà bỏ được, thành ra cậu bệnh ốm một năm, bà cả gầy đi một trận, lại có ý thẹn chẳng bước qua phòng cậu lần nào. Chắc bu nhìn cậu thế này cũng chán nản lắm thay, gánh hy vọng cả đời bu đặt lên vai cậu, chỉ vì một lần dại dột của cậu mà quẳng đi chẳng làm. Ấy vậy mà bu chẳng thì mà chăng chớ, nhìn cậu một lúc lâu, như luyến thương, lại như dỗ dành.
“Bu lấy vợ cho con nghe.”
Xưa nay hôn nhân cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, bu thầy đã bảo thì cấm cãi, chẳng là lưng cậu chẳng còn cảm giác gì, người mệt nhoài, vẻ ngoài chẳng buồn chải chuốt. Cái áo mới còn trong tủ chưa mặc lần nào, cậu không hỏi, cũng chẳng ai nghĩ đến việc cậu hai dạo trước mỗi ngày đều tắm rửa xông hương thay áo, bây giờ hai ngày không tắm rửa cậu khó chịu lắm thay. Lấy vợ về, rồi cậu làm sao vẹn toàn nghĩa với người. Cậu không cho người ta lắm thứ cao sang, mấy bài thơ ca nọ chẳng làm đẹp dạ người nọ, ai đồng ý lấy kẻ què quặt làm chồng?
Cậu im lìm như vậy mấy năm, mấy tháng đầu bu còn đứng xa nhìn cậu rơi nước mắt, trong lòng thương không đặng, cũng chẳng dám dời gót đến gần bên. Mấy tháng nay bu chẳng khóc nữa, đàn bà bên ngoài mềm yếu nhưng trong dạ lại cứng rắn vững vàng, tưởng bão giông xô ngã được, ấy vậy mà sau mưa đêm lại thấy mặt trời rực rỡ. Bu không mong cầu cậu cười nói rạng rỡ như trước, cậu trải qua biến cố lớn như vậy, cậu có quyền buồn tủi. Nên bu đổi sang mong cậu mở miệng nói chuyện, chửi hầu, mắng bạn, than thân, trách phận gì cũng được. Chẳng là có thế nào, cậu cứ lầm lầm lũi lũi bên xó cửa, sách chẳng buồn đụng, cơm chẳng buồn ăn.
Vậy nên bu tính đi nghĩ lại, mới ra ý cưới vợ cho cậu phải không.
“Đừng bu ạ.”
Năm ròng mới nói được một lời, giọng khô như ngói chẳng khác ruộng đồng không mưa. Ấy vậy mà bu rơi nước mắt.
“Con nghe bu, bu cưới cho con cô vợ, mai rày bu đi rồi còn có người hầu con.”
Mang tiếng là con mà để bu thầy nói đến bậc này, cậu có lòng mà chẳng nói gì được. Cậu làm sao nỡ dập tắt ánh sáng nọ đang nhìn mình, cậu tránh đi, bu thì vui vẻ như tết đến xuân sang chuẩn bị trầu cau hỏi cưới.
Trong nhà im lìm bỗng trở nên tất bật, cách một bờ tường, người vào kẻ ra chẳng dứt. Khắp đất này ai chẳng biết quan huyện, cái danh thanh liêm của thầy còn đó, cậu có làm sao cũng chẳng dám hoen ố trang sách nọ của thầy gầy dựng nên từ bao năm nay. Chuyện trầu cau hỏi cưới cứ vậy định xuống, cậu không thay đổi được gì.
Thằng hầu nằm rên hừ hừ, làm công trong nhà không dám hỗn với bề trên, nhưng nó không cam, cậu nhìn thấu cả. Liệt giường như vậy cũng thành tốt, ít ra có dăm ba người không giấu được ý nghĩ trong đáy mắt.
“Mày không muốn hầu cậu thì đi đi.”
Thằng hầu nghe tiếng cậu cả từ xưa giờ là con vàng của bà huyện, ngày ấy cậu cao sang nhường nào ai chẳng biết, bây giờ gió gãy cành cong, nó khinh trong lòng mà không dám nói, chỉ là cậu thấu triệt cả.
“Dạ con không dám, để con hầu cậu.”
“Mày sang lấy một đấu gạo đi, bảo là cậu cho. Ai hỏi thì bảo tao không vừa dạ mày.”
Thằng hầu ngơ ngác một lúc, cậu nói xong lại chìm vào thế giới riêng của mình, cậu cứ thế này nó mới sợ. Mỗi đêm cậu ngủ không lên tiếng, nhưng mấy tháng đầu nghiến răng trèo trẹo như quỷ ma, đùn đẩy thế nào mới đến lượt nó hầu cậu. Nhưng nếu được chọn, ai lại chọn người cả ngày lầm lì như chết thế này.
Cậu không nói, nó chẳng hỏi, ngẫm nghĩ một lát rồi cúi đầu vái cậu.
Chưa đầy mấy canh, lan tin cậu không vừa lòng tôi tớ, bà huyện lại đưa người khác sang hầu.
Chẳng biết có phải việc bỏ trầu khơi được khát vọng sống của cậu, hay là cậu biết được đặc quyền bệnh đau của mình, nên cậu ngày càng tùy ý. Sớm này ra đuổi con hầu, tối đến đập thằng hầu. Bà huyện còn chẳng ngó ngàng, cậu đập bình bà đem tới, cậu đuổi người bà dung túng, cho nó đấu gạo con gà.
Lâu dần, trong nhà ai sang hầu cậu cũng nơm nớp lo sợ, chớ thấy cậu ngồi đấy yên tĩnh mà nhầm. Cậu biết cả, thấu cả, ai làm gì sai cậu để đó chỉnh dạy sau. Ai nấy đều sợ cậu một phép.
Tin hỏi cưới của cậu truyền khắp đầu trên ngõ dưới, đàn bà con gái trong làng nghe thấy được làm lẽ nhà quan suy nghĩ đặc sắc phải biết. Nếu là trước kia, ai chẳng biết cậu cả ung dung điềm đạm, cậu học cao hiểu rộng, sớm muộn gì cũng đỗ trạng nguyên. Khi ấy nếu cậu đánh tiếng muốn ai làm lẽ, người ấy sẽ đỏ mặt bằng lòng.
Còn ngày nay vật đổi sao dời, cậu cả bây giờ nằm liệt giường, ai sang đấy không phải hưởng phúc mà là mang tội. Bà cả đi nước này sao mà hiểm thế, ai lại muốn con mình vào hầu người như vậy cả đời.
Cũng có người gia cảnh cơ hàn, làm lẽ nhà quan còn hơn làm vợ nhà nghèo, cậu cả thế nào cũng chẳng sao. Vậy mà chưa đánh tiếng xong, đã nghe tin cậu cả không hiểu lên cơn gì mà phải mời thầy lang đến. Cậu cả sau đợt bệnh lại như ma nhập, mỗi ngày nằm võng đi dạo trong làng.
Cậu cả không đi lại được, vẫn có người địu cậu cẩn thận từng li từng tí. Cậu đi sang, ai nấy nhìn vào mà hết hồn.
Cả người cậu gầy như que củi, tóc tai rũ rượi không buồn vấn, cả người run lẩy bẩy hừ hừ như bị phong. Ngày ấy cậu đẹp mã bao nhiêu, bây giờ tàn tạ bấy nhiêu, còn chẳng bằng thằng mõ đầu chợ. Nghe nói có cô lượn sang võng cậu, cậu gọi người đứng dậy bắt về làm lẽ. Nghe bảo cô nọ treo cổ tự vẫn đêm ấy, bấy giờ mấy cô mới biết sợ.
Thôi thôi nhà quan đấy, cửa cao quá không với tới, nhà còn bu thầy em nhỏ, cưới cậu cả ngay cả mạng còn không còn.
Cậu cả kia như ma ám, dăm ba ngày lại nhốt một bà tư, mấy tháng trời lại hỏi trầu một bà năm. Mấy bà về nhà rình rang, ra đi lại chẳng ai biết. Từ đấy mấy cô tát nước tưới đồng, nhìn thấy cậu lủi về nhà. Con gái trong nhà thì giữ cho kĩ, kẻo cậu cả lại bắt mất con.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, mấy mùa lúa mà cậu vẫn phòng không lẻ bóng. Bà cả khi này mới sang hỏi chuyện cậu.
Cậu càng lúc càng gầy, nhưng sắc mặt đã tốt hơn, cậu ngồi lâu một chỗ tự tìm được niềm vui cho mình. Một ngày nhìn người đi qua đi lại diễn đủ vai hề, cậu xem cũng hợp dạ lắm.
“Mấy nay con làm gì bu cũng không quản, nhưng mạng con phước lớn, năm nay không thành gia ắt có điềm gở. Bu tìm được vợ cho con rồi, con cứ bằng lòng đi. Nhà nó nghèo nhất cái làng bên, nhưng con nói một nó không dám nói hai, bu đã bỏ trầu cau rồi.”
Cậu cả không ừ chẳng hử, bà huyện đã thành quen. Đến khi bà đi rồi, cậu mới nhìn theo dáng bu gầy xọp, cậu không nói một lời, nhéo đùi mình. Nơi cậu nhéo vải nhăn nheo hết cả, nhưng cậu chẳng nhíu mày lấy một cái.
Cậu thành ra thế này mà bu còn chưa bỏ cuộc, nhưng cậu không lo, khắp đất này còn ai dám về làm vợ cậu nữa. Nếu người nói dám, không treo cổ thì cũng là dan díu với tình lang. Cậu không phải hạng trời đánh thánh đâm gì, người đã có tình cậu cũng thuận theo đi thôi.
Ấy vậy mà cậu chẳng ngờ, có người về thật, còn ngoan ngoãn ngồi đợi cậu trong phòng nhỏ.
Đám rình rang cậu biết, cưới lẽ không nhiều quy tắc mấy, cậu chưa cưới vợ cả đã có dăm ba bà lẽ, nên thêm bớt một người cũng chẳng sao. Nghe bảo nhà thị nghèo, bà cả chẳng mang cau trầu gì, cho bà mối ít quan tiền đã thành. Nhưng cậu đã đến bước này nào dám chê ai, thị có sao cũng mặc, cưới về rồi hờ hững là xong.
Thị là dân chân đất tay bùn, chắc hẳn phải là người đen đúa như than củi, sáng này sang nghe mấy con hầu kháo nhau thị xinh đáo để, cậu cũng nghe rồi để đó rồi thôi. Chiều về lại bảo thị vừa vào nhà không có chậu than kiệu võng, vừa vào nhà bà cả đã mời sang nói chuyện một buổi, dầu cạn còn chưa được về phòng.
Bà huyện tính thế nào cậu còn chẳng hiểu sao, mấy cô trước bà cả mặc cậu chơi, còn người này lại khác.
Chẳng biết thị làm gì không vừa mắt bu, bu cưới về đấy nhưng không bảo cậu đến ra mắt, cũng chẳng cần thị mời trà lại mặt làm gì. Thị vậy mà cũng gật đầu đồng ý, còn ra giá thêm một vò rượu nếp, ba con lợn béo. Tranh thủ bậc này, cậu cũng thấy lần đầu tiên.
Tình nghĩa vợ chồng từ cái buổi vợ về, đêm hầu ngủ có người nằm cạnh ủ ấm, ngày có người hỏi han. Cậu biết đêm nay là đêm đầu của thị, nhưng cậu đã quen nằm không, bây giờ có thêm một người thành dư thừa quá đỗi. Bà cả dạy thị từ sớm hôm đến mịt tối còn chưa xong, nhưng vẫn nhớ đuổi thị về hầu cậu ngủ.
Dù sao cưới vợ về cũng là để chăm lo cho cậu, chứ chẳng phải để thị về hưởng nhà cao cửa rộng. Mấy cô trước toàn là cậu nhìn thấy hợp mắt ai thì bắt về, cô này mặt mũi thế nào cậu còn chưa hay, tối đến gọi thằng hầu đẩy cậu ra ngoài hóng mát chẳng muốn gặp thị, mãi đến canh ba thằng hầu mới nhắc cậu còn mợ đang chờ, cậu mới nói nó nâng ghế cậu trở về.
Thằng hầu nâng ghế, canh ba đèn còn chưa tắt, thị vẫn còn chưa ngủ.
Bóng trăng bên ngoài cửa, bóng thị in trên vách đổ ra ngoài, thị cúi mặt nghiêng đầu, hình như đang khâu áo chờ cậu về.
Bình thường phòng không người, mấy người cậu bắt tránh cậu còn không hết, có ai dám thắp đèn ngồi thoải mái nhường này đâu. Mà thị ngay cả sính lễ còn đòi hỏi, trong dạ chắc cũng chẳng xem cậu ra gì.
“Bẩm cậu, mợ ở trong ạ. Cậu có muốn vào không?”
Đêm khuya thanh vắng, một người nói mấy người nghe. Cái bóng của thị vùng dậy, suýt hất đổ đèn dầu. Cậu nhìn mãi, nhìn mãi, người bên trong đứng yên đấy chẳng lên tiếng. Thằng hầu lại hỏi lần nữa:
“Cậu có muốn vào không?”
Hôm nay thằng hầu nói nhiều quá đỗi, xong lại nghĩ đây là phòng cậu, bên trong có cái phảng cậu nằm, có đôi chiếu mới cậu trải. Thị là người ngoài, cậu việc gì phải tự hành mình cho thị hưởng phòng mình. Cậu gật đầu, thằng hầu mới thở phào nhẹ nhõm đưa cậu vào trong.
Thằng hầu biết tính cậu vặn nhỏ đèn, trong phòng tối om om, thị ngồi đâu chẳng thấy, cậu cũng chẳng buồn xem.
Đấy, lấy thị về thị còn chẳng thèm thăm hỏi săn sóc, nào giống một người vợ hợp cách.
Nếu là trước kia, gái trong làng cậu chẳng vừa mắt ai. Nhưng cô nào chẳng chờ cậu ghé mắt nhìn sang. Còn bây giờ lấy về để đấy chẳng làm gì, thằng hầu đặt cậu vào biết ý ra ngoài, cậu gọi lại chẳng kịp, đành ngồi đấy nhìn thị.
Dưới ánh đèn mờ tỏ, cậu mới thấy thị. Một cái chớp mắt ngỡ một đời.
Trong làng có con gái như thế này sao, sao đến hôm nay cậu mới thấy. Đàn bà thắt đáy lưng ong, chịu thương chịu khó, quanh năm lo việc đồng áng. Trong lòng cậu, cái nắng rát mặt, cơn mưa mòn đất đã nhuộm da dẻ của thị thành màu lúa mới phải. Ấy vậy mà thị trắng quá, làn da trắng nhẹ, dưới ánh cam sẫm hắt bóng, thị như người ăn chắc mặc sang, chẳng giống nhà nghèo chút nào.
Thị vóc người không cao lắm, trông nhỏ nhắn mảnh mai, cái áo thị mặc chẳng biết từ đâu ra, trên vai một mảnh vá, dưới váy một mảnh khâu.
Thị vừa khâu vá, kim chỉ chẳng biết cất đâu, cứ cúi đầu như vậy chẳng nhìn cậu lấy một cái.
Đang độ tuổi xuân thì, má không phấn mà ửng, môi không son mà hồng. Nhìn thị ngồi đấy, cậu mới hay thế nào là sắc nước hương trời.
Cậu nhìn thị rồi lại nhìn lại mình, tóc tai rũ rượi, nút cài cũng sai. Một năm dài sống lặng lẽ, cậu quen cái nếp không tỏ rõ buồn vui, thị có đẹp có mặn mà cũng chẳng liên quan gì đến cậu, về với cậu là chấp nhận nằm không, có xơ múi gì mà gỡ.
Cậu quan sát thị, thị cũng lấy hết can đảm nhìn cậu, vừa thấy cậu đã cúi đầu xuống. Thế này thì ngượng ngùng quá thể đáng, chẳng biết sau hầu cậu phải làm sao.
Cậu không đến phảng được, thị không chịu nói gì, cậu đâm ra hơi khó chịu. Người câm hay sao không biết hỏi han chồng ra sao, hầu hạ cậu cởi áo lên giường? Con hầu còn làm tốt hơn thị, cho dù là kẻ dưới bu cũng không tỉ tê cho thị biết hay sao?
Hay là thị khinh mình, cậu thấy đàn bà khinh cậu nhiều rồi, mà cái khinh ấy đủ cách bày tỏ cả. Người cúi đầu che giấu, người không thèm đoái hoài, còn thị thì sao? Chút ngỡ ngàng vừa vào phòng phai nhạt nhanh hơn cả đèn dầu cạn sáng, cậu gõ gõ ghế, gọi với ra ngoài.
“Mày vào đỡ cậu lên giường.”
Thằng hầu vội vàng chạy vào lấy khăn lau chân cậu, giúp cậu lên giường. Cậu là thanh niên trai tráng, trước đây sức dài vai rộng, bây giờ hai người mới đỡ cậu lên phảng gỗ được. Cậu cứ chui vào, nghiêng người nhắm mắt, không buồn ngó ngàng thị nữa.
Đầu giường thoảng hương sen thơm ngát, chẳng biết từ đâu bay đến quanh nơi cậu nằm. Cậu mở mắt, nương theo ánh trăng thấy thị ngồi trên ghế nhìn ra ngoài cửa sổ, bóng trăng hay bóng người cậu cũng chẳng rõ, chỉ thấy thị cởi khăn đống, tóc xõa trên đầu vai. Hương sen nọ từ cửa đến, từ thị đến.
Ướp bao nhiêu hương sen mới say nổi lòng, nhìn thị là biết.
Dáng ngọc yêu kiều, tóc dài ngang lưng, cái yếm nổi bật trong đêm trăng. Thị quay lại muốn lên giường hầu cậu.
Cậu thoáng nhìn thị, đôi mắt nùng như mực thêm sâu, giọng quát khẽ.
“Ra ngoài!”
Bình luận
Chưa có bình luận