5. Kịch


Thiếu nữ tên Phú Lan, là người vào cung cùng năm với Lam Du. Cả hai thân thiết như chị em, từng đồng cam cộng khổ vượt qua biết bao sóng gió để có được vị trí ở Quang lộc tự như ngày hôm nay. 

Mọi người thừa biết Phú Lan và Lam Du chẳng khác gì hình với bóng, đồng thời là học trò cưng của Tự khanh Đặng Hoải, không ai dám sinh sự với bọn họ. Ngay cả Chủ sự và Tự thừa cũng phải nể mặt đôi ba phần. Lần này Lam Du gặp chuyện, Phú Lan nổi trận lôi đình, chẳng ai dám đứng ra can ngăn, để mặc nàng ta quát mắng vị Chủ sự mới của sở Bạch Thiện.

“Mới ngày đầu đã hành động thế này có vẻ không hay cho lắm nhỉ?” Phú Lan quắc mắt nhìn y, “Ngài giải thích hộ tôi được chứ?”

Lê Văn Uyên chắp tay sau lưng, quan sát ánh mắt và biểu cảm của đám người xung quanh, từ chối đáp lời. Bộ dạng y thong dong, chẳng có vẻ gì là chột dạ hay khó xử, điều này ngược lại càng khiến Phú Lan tức giận hơn. Gã béo nịnh bợ Lê Văn Uyên lúc sáng đột nhiên tiến lên một bước, ra chiều lo sợ rụt rè muốn nói lại thôi, song gã vẫn cúi mặt nói: “Chủ sự, có phải việc chị Du trừng mắt với ngài ngay lần đầu gặp mặt đã khiến ngài phật ý không? Chị ấy là người hiểu chuyện, ngài cứ nói thẳng với chị ấy là được, cớ sao lại mượn tay tôi hại người?”

Vừa mở miệng đã đặt điều đặt chuyện, chứng cứ đầy đủ. Lê Văn Uyên không bị lời này của gã chọc tức, thay vào đó hỏi Phú Lan một câu: “Khi nãy cô đã cười mà?”

Nét mặt Phú Lan thoáng cứng lại, đôi vai của gã béo cũng trở nên căng hơn. Tuy bọn họ giấu đi phản ứng bất thường ấy rất nhanh song Lê Văn Uyên vẫn kịp bắt thấy, khoé môi y cong lên một nụ cười nhẹ. 

Đặng Hoải vừa chạy tới đã có người chủ động thuật lại mọi chuyện, Phú Lan thấy thế vội chen chân vào tố cáo Lê Văn Uyên gắp lửa bỏ tay người, còn kéo thêm gã béo tên Đa kia ra làm nhân chứng. Bọn họ nghĩ rằng Lê Văn Uyên luôn ở sau bếp chuẩn bị cho bữa tiệc chiều nay, không hề hay biết y vừa đi gặp Thái sư về, bởi thế vô cùng tự tin mô tả lại quá trình Lê Văn Uyên chế biến cá rồi ướp cá. Lê Văn Uyên im lặng đứng nghe, cuối cùng không nhịn được, che miệng bật cười một tiếng.

Kịch thì y diễn nhiều rồi, còn lạ gì nữa đâu, nhưng vở kịch Phú Lan và Đa đã cất công dựng lên thì không thể gọi là kịch được. Trong mắt Lê Văn Uyên chuyện này chẳng khác gì lông gà vỏ tỏi, y cũng lười phối hợp diễn theo, thế là quay sang nhìn Đặng Hoải.

Cái nhìn chứa đựng nhiều hàm ý, Đặng Hoải thở dài: “Hôm nay ngươi mới vào nhậm chức, dạo một vòng cho quen đường quen lối là chính. Tiệc thì để ta chọn ngày khác đẹp hơn, về sớm nghỉ ngơi đi.”

Lê Văn Uyên chăm chú lắng nghe, đáp: “Vậy nhờ Tự khanh sắp xếp.” Dứt lời y chạm mắt với Phú Lan đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì, bỗng sải bước tiến lại gần, giơ ngón tay trỏ nhẹ vào giữa trán nàng ta, mỉm cười bồi thêm một câu: “Quang lộc tự trọng tài hơn trọng mưu, dùng sai chỗ rồi.”

Mà mưu cũng chưa tới, nên bảo kẻ này ngu ngốc hay vụng về đây?

Lê Văn Uyên cúi đầu chào Đặng Hoải, mạn phép bà cho mình lấy hai cái bánh bao nguội. Đặng Hoải bảo y đói cứ việc vào bếp nấu nướng thoải mái, Lê Văn Uyên cảm ơn song vẫn xin bánh nguội hấp nóng lại, làm thêm ít canh rau giản dị cùng một bát cháo hành rắc tiêu.

Phú Lan và Đa bị đưa đi chỗ khác chờ xử lý, Lam Du thì được Đặng Hoải dìu đi chữa trị. Lê Văn Uyên xếp đồ ăn vào hộp gỗ, có thiếu nữ ngang qua lễ phép chào y, vô tư hỏi: “Ngài muốn dùng thêm thịt cá gì không ạ?”

Lê Văn Uyên lắc đầu cười đáp: “Bánh bao có đủ thịt rồi, thêm nữa mèo nhà ta ăn không nổi đâu.”

Thiếu nữ chớp mắt nhìn theo bóng lưng cao gầy của vị Chủ sự sở Bạch Thiện xa dần, lẩm bẩm tự hỏi: “Ngài ấy nuôi mèo màu gì vậy nhỉ?”

Giờ Dậu chưa điểm, Phạm Tranh đã đứng ở cửa chờ từ trước, nhác thấy Lê Văn Uyên liền chạy lại, vội chào y một cái rồi đưa tay chờ nhận cơm. Lê Văn Uyên có cảm giác nhận xong nó sẽ nhanh chân chuồn ngay, bèn giữ chặt cổ áo nó rồi mới giao hộp gỗ trong tay ra.

“Ta chưa có thời gian.” Phạm Tranh biết ý nên lên tiếng giải thích ngay, “Nhưng mà khi nãy ta đi dò đường thử, nghe được một câu hoàng thượng sai người gửi thư gì đó cho Ải Bắc vương và Phúc Quang hầu, đoán chừng năm ngày sau nhận được. Không biết ích lợi gì cho ngươi không nhưng thôi nghe tạm đi, ta hứa sớm mai chắc chắn sẽ có nhiều tin hơn.”

Lê Văn Uyên bấy giờ mới chịu thả cổ áo Phạm Tranh ra, vỗ nhẹ đầu nó: “Mai gặp lại, nhớ giữ đúng lời hứa.”

Phạm Tranh bĩu môi, lí nhí nói: “Biết rồi.” Sau đó quay lưng chạy vụt đi giống hệt một cơn gió.

Lê Văn Uyên khoanh tay trước ngực, hướng mắt về phía bầu trời giăng giăng ráng cam màu chiều, thì thầm như đang cầu nguyện với thần linh trên cao: “Mong rằng người đầu tiên đọc thư không phải tên điên đó.”

***

So với Quý Đô vẫn còn chút ấm áp, Ải Bắc đầu thu đã thấy mây mù giăng ngợp trời. Gió núi về chiều sà xuống huyện Liêu, chẳng biết có phải do nằm gần biên cương hay không mà nghe tiếng vó ngựa thấp thoáng trong từng cơn gió nhẹ.

Hè mới dứt hôm qua mà hôm nay đã ngày ngắn đêm dài, chớp mắt liền thấy nhà nhà người người đốt lửa treo đèn, vở tuồng ở lầu Yến Liên cũng bắt đầu cất lên giai điệu đầu tiên.

Triệu Tất thịt nhiều da dày, vứt hẳn cái áo choàng mới mua ở phiên chợ sớm nay ở nhà, mặc một thân đồ võ đen tuyền chạy hết quán này tới quán kia, hai mắt láo liên tìm kiếm gì đó. Phúc Kha chạy vụt qua mấy mái nhà, liên tục dò xét dòng người trên phố, chạm mắt với Triệu Tất thì lắc đầu chán nản.

Triệu Tất vò đầu nghiến răng, dồn sức lên não cố nghĩ thử xem Thế tử nhà mình đi đâu. Sắp đến giờ cơm tối, không kéo người về kịp thì bọn họ cũng không biết phu nhân Ải Bắc vương sẽ làm gì mình.

Thế tử quanh năm tung hoành ở chiến trường, dù nhà gần sát biên cương, hắn cũng chẳng thèm ló mặt về lần nào, đợi mẹ mình gửi thư tới mới chịu thúc ngựa về ăn cơm cùng gia đình một bữa. Ba tháng một lần, mà lần nào về hắn cũng biến mất một cách đột ngột trước giờ cơm, buộc Triệu Tất và Phúc Kha phải chạy đôn chạy đáo tìm hết chỗ này tới chỗ nọ.

Lúc thì tìm được hắn đang ngủ ở tiệm vải, lúc thì bắt gặp hắn ngồi ở quán trà chơi cờ với ông lão nào đấy, có lần hắn còn đi ăn chè, ăn xong thì không ăn cơm được nữa, thế là phu nhân mắng lây sang cả bọn Triệu Tất. Bắt đầu từ lần đó, mỗi lần về lại huyện là Triệu Tất và Phúc Kha đều rất sợ, sợ mình tìm không ra Thế tử trước giờ cơm tối mà đã đối mặt với phu nhân.

Triệu Tất nhớ lại một lượt những nơi Thế tử từng đi qua thì bỗng nghe tiếng đàn tranh du dương từ lầu Yến Liên, gã như nắm được sợi dây cứu mạng, lập tức phóng thẳng vào cửa. 

Vở tuồng đang đến hồi cao trào, người ngồi xem bên dưới không ngừng khen hay, tiếng vỗ tay đôm đốp như hóa thành tiếng trống mạnh mẽ làm bầu không khí càng thêm nóng. Trên phần nền cao được dựng thành sân khấu có một nam nhân vận áo tứ điên màu đen, tay cầm mặt nạ cáo che trước mặt nhẹ sải bước nhỏ, nửa thân trên hơi cong xuống nghiêng về phía trước, mỗi một hành động lùi hay tiến đều hệt như loài thú hoang đang lăm le chực bổ nhào về phía con mồi. Người còn lại là một thiếu nữ mặc trang phục quý tộc, nàng không ngừng lùi về sau, từng cái nhấc chân hạ tay đều thể hiện rõ vẻ hoang mang lo sợ.

Người đeo mặt nạ cáo đột nhiên bật cười khanh khách, tiếng cười hòa cùng tiếng sáo và tiếng đàn đang dần cất lên một loại giai điệu điên cuồng, nghe vào không khỏi khiến người ta thêm phần rợn gáy.

Triệu Tất nhắm mắt day trán, cuối cùng ngồi thụp xuống, chống cằm chờ vở tuồng kết thúc.

Có một sự thật mà người dân ở huyện Liêu ai ai cũng biết, chính là Thế tử nhà Ải Bắc Vương là một tên điên khó hiểu nhưng thân thiện. Có thấy hắn đứng giữa sân khấu diễn tuồng ngẫu hứng cũng chẳng ai lạ gì, ngược lại còn vui vẻ khen nức nở.

Triệu Tất không còn sức đâu màng tới thời gian, có lẽ qua một hồi lâu, một đôi ủng đen lọt vào tầm mắt gã. Gã lập tức bật dậy nhìn thanh niên đeo cái mặt nạ cáo trên đầu, thở dài nói: “Thế tử, bây giờ ngài biến thành ngựa thì may ra về kịp, chứ cáo thì… không nổi đâu.”

Khúc Cảnh Niên vỗ vai gã, tưởng đâu hắn sẽ buông lời trấn an nhưng không: “Đi mua giúp ta một phần chè sen long nhãn, nhớ lấy nho xanh phơi khô nhiều chút.”

“Thế tử!” Triệu Tất thật muốn hét lên cho thỏa cơn giận, “Phu nhân và vương gia đang chờ cơm ở nhà đó, ngài muốn ăn mấy cái tát của phu nhân lắm hả?”

Khúc Cảnh Niên đổi sang quàng vai gã, gương mặt lạnh tanh kéo lên một nụ cười mỉm: “Về thôi.”

Ai ngờ ra khỏi cửa hắn lại bất ngờ quay gót chạy về hướng ngược lại.

Triệu Tất và Phúc Kha chết lặng vài giây, lát sau mới kịp phản ứng đuổi theo đối phương, đồng thanh hét lớn gọi: “Thế tử!”

Khúc Cảnh Niên nhanh chân mua được một phần chè sen như ý mình, dọc đường còn tạt vào vài chỗ mua cá nướng, mua bánh bao, mua bánh bò, về đến nhà bụng cũng đã no căng. Mẹ hắn là Dương thị cầm sẵn cây roi mây trong tay đứng trước cửa, chờ hắn vừa về tới là lao đến vung roi ngay.

Khúc Cảnh Niên đã đoán được phần nào, nghiêng trái nghiêng phải né hết mấy đòn đánh của bà, song vẫn không né được một cú đạp lén của em gái vào phía sau đầu gối, quỳ phịch xuống đất. Hắn mở to mắt nhìn Khúc Ngọc, giơ túi bánh kẹo trong tay lên, vờ mếu máo nói: “Sao em phản bội anh, uổng công anh mua cho em nhiều đồ ngon thế này…”

“Anh đừng có diễn nữa.” Khúc Ngọc giật lấy túi bánh, “Diễn dở quá đi.”

Khúc Cảnh Niên lập tức gạt bỏ biểu cảm ấy đi, trở về dáng vẻ yên tĩnh thường ngày. Thấy Dương thị toan đánh mình thật, hắn vội đứng phắt dậy lùi một bước, lấy ra một cây trâm bạc rồi vòng ra sau lưng bà cài lên mái tóc đã hai thứ màu, nói: “Bạc của Huy Tân, bền lắm, mẹ giữ lấy xài nhé.”

Bạc Huy Tân giá trị xấp xỉ vàng, chỉ lưu hành trong nước. Tháng trước Khúc Cảnh Niên vừa thu vào một thành của Huy Tân, nhặt được kho bạc liền sai người đúc thành trâm cài cho mẹ và Khúc Ngọc. Phần đầu trâm giấu dao độc bên trong, có thể tháo rời, thích hợp dùng làm vũ khí tự vệ.


Bình luận

  • avatar
    Thj Như

    Truyện đọc hay lắm ạ nhưng áo "tứ điên" là áo gì vậy🌷

Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}