Năm Thịnh Viễn thứ tám, Đại Xuân đổi chủ, tuy Thái hậu mất quyền nhiếp chính song quyền lực vẫn nằm trong tay nhà họ Dương. Tự Minh đế đăng quang thay niên hiệu thành Tự Minh, ngài là em trai cùng cha khác mẹ của tiên đế, cũng là một con rối mới ngồi trên ngai vàng với người cầm dây là Thái sư Dương Thiết.
Lê Văn Uyên nhấc ấm châm trà cho Thái sư, sau đó tự rót một chén nhưng không uống, chỉ để hương thơm lảng vảng khắp phòng. Tuy mang danh là học trò của ông, Lê Văn Uyên chưa một lần đặt chân vào chốn quan trường, y chỉ đứng ngoài ngoài hỗ trợ theo cách riêng của mình, và đợt chuyển giao quyền lực lần này đã góp không ít công sức.
Thái sư gọi y vào cung, tỏ ý muốn cho đứa học trò này một tước vị rõ ràng. Đứng trong tối mãi cũng có nhiều bất tiện, nhất là thời điểm hiện tại cần người phù hợp để kiểm soát các thế lực đang lên xuống không ngừng như thủy triều. Thế mạnh của Lê Văn Uyên là thông tin, nhờ làm ăn lớn, sản nghiệp rộng khắp Đại Xuân nên lượng thông tin y sở hữu khó mà cạn kiệt. Thậm chí một số quan lại, đại thần vẫn chưa nhận ra nhà cửa, ruộng vườn của mình tại Quý Đô cũng có dây mơ rễ má với y. Thái sư tin rằng Lê Văn Uyên là người thích hợp đảm nhiệm nhiệm vụ này, song Lê Văn Uyên cũng thừa hiểu nếu gật đầu đồng ý thì chẳng khác nào tự tròng xích vào cổ, bán kiếp này cho nhà họ Dương.
“Triều chính chưa ổn định.” Lê Văn Uyên từ tốn nói, “Bây giờ con đột nhiên được thầy tiến cử ngồi lên vị trí cao chắc chắn sẽ thu về nhiều sự chú ý không cần thiết, khó lòng hành động.”
Thái sư trầm mặc hồi lâu, đặt chén trà xuống bàn, thái độ vô cùng kiên quyết: “Vậy thì tạm thời tới Quang lộc tự nhậm chức Chủ sự đi.”
Lê Văn Uyên vốn là chủ nhân của chuỗi quán ăn lớn nhất tại Quý Đô, hiện tại y vẫn thường xuyên xuống bếp tự mình nấu nướng. Quang lộc tự quả là một nơi phù hợp, song không phải Thái sư muốn y làm việc ở đó thật mà là muốn y nắm bắt tình hình trong cung, dàn xếp đường lối để từ từ đi lên.
Không tiện từ chối tiếp, y bèn gật đầu đồng ý với điều kiện là mình sẽ tiếp tục sống ở bên ngoài.
Thái giám kính cẩn lên tiếng thưa bữa trưa đã được chuẩn bị xong, sau khi được Thái sư cho phép mới dám mở cửa, để người bưng vào. Lê Văn Uyên bị giữ lại dùng cơm, nhìn một bàn đầy rau củ luộc hoặc xào cũng không nói gì, im lặng nâng đũa gắp trước một miếng cho thầy mình. Lúc bấy giờ nét mặt Dương Thiết đã bớt đi vài phần nghiêm nghị, ông vươn tay lấy phần canh gà hầm hạt sen đặt xuống bên cạnh chén cơm của y, đoạn nói: “Ăn đi, canh này bổ máu.”
Cơ thể Lê Văn Uyên từ nhỏ đã yếu ớt, còn thường xuyên gặp bệnh vặt, Thái y bảo y bị thiếu máu, mãi đến khi trưởng thành vẫn không tốt hơn được là bao. Thái sư cũng biết chuyện, tuy ăn chay song mỗi lần dùng bữa cùng y đều sai người nấu vài món canh hầm bổ máu.
“Tân đế vừa đăng cơ, quyền lực chưa vững.” Ông gắp một miếng đậu hủ chiên bỏ vào chén y, “Bên dưới hẳn có nhiều người núp trong tối chờ ngài phạm lỗi, con nghĩ hai nhà Ngô, Khúc cũng sẽ như vậy chứ?”
Ngô gia ở Phúc Quang, Khúc gia ở Ải Bắc, cả hai nhà đều nắm giữ quyền lực ngang nhau, nếu chỉ nhìn riêng thì gần như họ đã tự trị một vùng tách biệt với Đại Xuân.
Mấy năm nay chiến sự căng thẳng, Ngô gia và Khúc gia là hai cây cột vững chắc giúp họ Võ và họ Lý có thể tiếp tục trấn thủ nơi biên thuỳ, giằng co với quân Oải Bác. Bốn gia tộc này không can thiệp nhiều đến những chuyện ở kinh thành nói riêng và Tây Hạ nói chung, lâu dần rạch ra một ranh giới vô hình giữa Tây Hạ và Đông Hạ. Song nhìn vào cách hai nhà Ngô, Khúc toàn tâm toàn lực hỗ trợ nhà Võ và nhà Lý giữ vững biên cương, thật khó để nghi ngờ lòng trung của họ, có điều quyền lực hiện giờ của hai gia tộc ấy ở Đông Hạ là lớn nhất, không đề phòng cũng không được.
Ải Bắc mấy đời nay là địa bàn của Khúc gia, lãnh thổ có thu có nới cũng do một tay bọn họ giành được. Còn Phúc Quang vốn là đất phong của Ngô gia đã lâu, ban đầu hoang tàn khô cằn, bây giờ lại hưng thịnh chẳng kém gì Quý Đô, đợi thêm vài năm nữa có khi trở thành kinh thành thứ hai của Đại Xuân cũng nên, tới lúc đó khó tránh khỏi nghi kị từ phía triều đình. Cái ranh giới vốn dĩ mờ mờ ảo ảo giữa Tây và Đông khéo lộ hẳn ra, rạch thẳng một đường chia Đại Xuân làm hai nửa.
Lê Văn Uyên vừa nhai vừa ngẫm, lát sau buông đũa ngồi thẳng người lại, bày tỏ quan điểm của mình về hai nhà Ngô và Khúc, cuối cùng đưa ra kết luận: “Thay vì kiểm soát hoàn toàn, hãy thử tạo một sợi dây kìm hãm bọn họ.”
Thái sư nghe vậy nhướng mày, dường như khá hứng thú với những lời y vừa nói, ra hiệu cho Lê Văn Uyên tiếp lời.
“Ải Bắc vương và Phúc Quang hầu bận việc biên thuỳ, mấy năm trước đều sai Thế tử thay mặt tới Quý Đô dự yến tiệc cuối năm, e là năm nay cũng không ngoại lệ. Cả hai đều có ba người con, nhưng Thế tử không phải lá bài quan trọng nhất của họ.” Nói đoạn Lê Văn Uyên nâng chén nhấp một ngụm trà, vị đắng lan ra khắp lưỡi khiến hàng mày y thoáng nhíu nhẹ một cái rồi thôi, “Con trai út của Ải Bắc vương từng dẫn binh dẹp loạn biên thuỳ một lần vào năm mười bốn tuổi, từ đó về sau Khúc gia bỗng dưng kín tiếng hơn về người con trai này. Con trai thứ của Phúc Quang hầu hiện nay nghe bảo rất giống Ngô Thi năm xưa, người đầu tiên của Ngô gia vực dậy Phúc Quang, mở đường xây nền cho gia tộc ấy lớn mạnh như hôm nay. Nhân dịp yến tiệc cuối năm có thể mời hai người con trai này của họ tới kinh thành dạo chơi một chuyến.”
Lê Văn Uyên không trực tiếp nói ra, song Thái sư vẫn hiểu rõ ý tứ trong câu cuối cùng. Ông rốt cuộc cũng buông đũa ngửa đầu cười lớn, vỗ mạnh một cái thật vang vào đùi mình vẻ hài lòng vô cùng.
“Con thứ của Phúc Quang hầu ta từng nghe qua, không ngờ Ải Bắc vương cũng giấu một con bài bén đến vậy. Tai mắt của con trải dài thật nhỉ, đến cả Ải Bắc cũng nắm được. Quả nhiên ta phải mau chóng để con thăng tiến mới được.”
Lê Văn Uyên không nói gì, im lặng cụp mắt nở nụ cười nhẹ trước câu từ mang nhiều tầng hàm ý của ông.
Lòng trung của hai nhà Ngô và Khúc y vốn không nghi ngờ điểm nào, tư cách nghi ngờ cũng chẳng có, chỉ là nhà họ Dương có thói đa nghi, muốn mọi thứ phải được kiểm soát chặt chẽ trong tay, ngay từ thời Thái hậu đã vậy, nay em trai bà là Thái sư cũng chẳng khá hơn. Lê Văn Uyên chỉ đưa ra góc nhìn của mình, cho Thái sư một kế như ông muốn như thường lệ, coi như đang trả ơn công dạy dỗ của người thầy này.
Sau khi lật đổ Thái hậu, Lê Văn Uyên không còn luyến tiếc gì nơi cung cấm, chuyện triều chính hay tranh quyền đoạt vị gì đó y chẳng thèm quan tâm. Nghĩ rằng người dưới suối vàng đã mỉm cười thanh thản, y cũng muốn bình yên trải qua những ngày còn lại, làm một công tử giàu có thảnh thơi.
Xe ngựa lộc cộc rời khỏi cổng cung, Lê Văn Uyên ngồi bên trong nhắm mắt nghỉ ngơi, mặc ánh chiều tà xuyên qua màn xe, yếu ớt gối lên đùi mình một mảng nắng nhạt.
Đâu đó trong những suy nghĩ miên man, chút ký ức mờ nhoè về những tháng ngày xưa cũ đột nhiên lướt ngang không lời báo trước.
Năm ấy khi nhà họ Dương đang lăm le dưới chân ngai vàng, Lê Văn Uyên vẫn đang lẽo đẽo theo sau Thái tử Phan Lang đòi chàng dạy mình bắn cung cưỡi ngựa. Thái tử lớn hơn y năm tuổi, vóc người cao ráo mạnh khỏe trái ngược hẳn với một Lê Văn Uyên nhỏ bé mỗi tháng bệnh vặt hai ba lần. Hai người ban đầu chẳng thân thiết gì nhiều, mãi đến một hôm tối muộn chuồn vào bếp ăn vụng rồi vô tình gặp nhau mới bắt đầu gần gũi hơn.
Thái tử biết y thích đồ ngọt nhưng không thể ăn được vì bệnh, có đôi khi chàng lén lút giấu phần tráng miệng của mình mang qua cho y, dặn y giữ bí mật. Đối với người lạ chàng rất khó gần, Lê Văn Uyên cũng từng nhận lấy ánh mắt sắc bén của Thái tử vào khoảng thời gian đầu lúc vừa vào cung.
Lê Văn Uyên không có ký ức gì về cuộc sống trước năm bảy tuổi, chỉ nghe kể lại phong thanh cha mẹ là võ tướng đã hy sinh nơi chiến trường. Vì để tỏ lòng biết ơn, Vĩnh Đế quyết định nhận y vào cung nuôi dưỡng, cho y lớn lên cùng Thái tử với thân phận là thư đồng, đợi đến thời điểm thích hợp sẽ cho y thụ hưởng lại tước vị của nhà họ Lê, nhưng nào ngờ thời điểm ấy vĩnh viễn không thể đến được.
Lê Văn Uyên nửa tỉnh nửa mê chìm trong những khoảng thật giả đan xen, muốn tìm lại gương mặt người xưa dưới màn sương mù dày đặc giăng kín tâm trí. Tràng âm thanh náo nhiệt trên phố Cửu Huệ như chồng lên tiếng đao kiếm và gào thét của ngày Đông năm ấy, mạnh bạo kéo y tỉnh khỏi một giấc mơ nông.
Mặt trời đã trốn hẳn về Tây, dãy hàng quán hai bên đường nối đuôi nhau treo đèn đón khách. Càng về đêm phố Cửu Huệ càng thêm rộn ràng, nhất là ở đường Phàm Thiên có quán Hồng Diên, nào công tử, nào tiểu thư quần là áo lượt thay nhau ngược xuôi bước vào quán lớn gọi bữa mời rượu. Xe ngựa của Lê Văn Uyên vừa hay ngang qua, y không cho người dừng lại mà tiếp tục đi thẳng, sau đó rẽ vào con hẻm tối vắng hoe, một nơi trái ngược hoàn toàn với khung cảnh khi nãy.
Sâu trong hẻm có một ngôi nhà nhỏ, nằm ngay phía sau quán Hồng Diên. Những ồn ào náo nhiệt sát vách mà cũng xa xăm khó với. Lê Văn Uyên xuống khỏi xe ngựa, đưa tay đẩy nhẹ cánh cửa gỗ cũ mèm nghiêng nghiêng ngả ngả. Căn nhà tối mù, không có dấu hiệu của người nào khác ngoài y.
Lê Văn Uyên đốt lửa châm đèn, ngả lưng lên cái chõng tre đặt trước nhà, im lặng nhìn vòm không đen như mực lác đác ánh sao trắng.
Bình luận
Chưa có bình luận