Phần I Chương 3: Trận đầu thất bại


Bình: Chim sẻ bọ ngựa bắt ve; Biết bao biến số, nguy nan điệp trùng

Chuyến đưa quân ra bắc lần này của nghĩa quân Lam, dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước song nguy hiểm khó lường. Nhưng Linh lại rất háo hức, bởi đây là lần đầu tiên cô được cho tham gia một trận chiến thực thụ, dù đó chỉ là một cuộc cướp lương thảo của giặc.

Theo như kế hoạch ban đầu, Lê Lơi cho Tư Tề trấn thủ doanh trại đầu não của nghĩa quân cùng các vị tướng khác, còn mình lên ngựa dẫn đầu một đạo quân đi trước, hai đạo quân còn lại đi sau.

Để tránh gây ra động tĩnh lớn, ba đạo quân đi cùng nhau một quãng đường rồi chia ra đi ba ngả, tránh bị quân giặc một mẻ tóm gọn. Ngay cả khi đến nơi, cũng không biết đạo quân khác sẽ hạ trại ở đâu, ngoại trừ tướng dẫn đầu đạo quân.

Chỉ biết, cứ ngày này giờ này, đạo đầu tiên sẽ dụ địch. Đạo hai ngày đấy giờ đấy mai phục xung quanh, chỉ cần thấy cờ hiệu là khởi sự. Còn đạo ba chỉ cần chờ trinh sát ngày đó giờ đó về báo để liệu sự thi hành.

Đạo quân thứ hai do cha Linh dẫn đầu, quan sát hai ngày trời mới thấy một đoàn vận lương đi qua. Mấy ngày sau có đoàn khác đi tới. Cứ lần lượt như vậy mặc cho bọn chúng đi hết đoàn này tới đoàn khác. Quả nhiên đúng như lời Lê Ngân đã nói trước đó về cách vận lương của giặc, ông Huỳnh sai thân tín báo tin cho Lê Lợi và Lê Ngân.

Nhận được tin này, Lê Lợi mừng ra mặt.

Còn Linh thì sốt ruột không yên, hận không thể lao ra vung kiếm chém. Trái lại ông Huỳnh và anh cô thì vẫn bình tĩnh như thường. Nhất định theo kế hoạch mà làm, không hề làm trái.

Có một hôm, Linh mất kiên nhẫn hỏi cha: “Sao chúng ta phải chờ tới đoàn vận cuối cùng mới ra tay ạ?”

Ông Huỳnh mỉm cười bảo anh trai cô giải thích giùm.

Anh trai bèn giải thích cô hay: “Chúng chia đoàn vận lượng như vậy cốt để làm thử nghiệm. Nếu trong giai đoạn đầu và giữa không thấy sự cố gì thì bọn chúng sẽ xác tín rằng không thấy nguy hiểm, càng ngày sẽ buông lỏng cảnh giác, sẽ dồn phần lớn quân hộ tống của bọn chúng vào những đoàn vận đầu để kịp tiến độ. Những đoàn vận trở về sau lương thảo tuy không nhiều nhưng quân hộ tống bớt đi. Em thử nghĩ xem, những đoàn cuối cùng của giặc sẽ có bao nhiêu quân hộ tống? Không phải hộ lương của bọn chúng càng ít càng tốt cho ta à? Em nên nhớ, mục tiêu lần này không phải để giết giặc, mà là cướp lương thảo và binh cụ của chúng một cách an toàn. Lực lượng của ta hiện tại chưa thể đánh một trận ác chiến được.”

Linh tỏ ý hiểu. Cái vế trước mà anh trai cô nói, ông Huỳnh trong cuộc họp trước đó đã chỉ ra, đây là mưu kế dụ rắn ra khỏi hang của địch, chọn đoàn vận lương ở khoảng cuối để sát phạt nhằm tránh âm mưu này.

Còn điều anh trai vừa mới giảng làm cô vỡ lẽ. Tận dụng nhược điểm chủ quan của giặc, ta mới có thể xông vào tiến đánh để bù đắp cái phần nhược điểm của ta, là ít không thể địch nhiều. Linh thầm nhủ bản thân phải học sách nhiều hơn, đi thực chiến nhiều hơn.

Ông Huỳnh bỗng thốt: “Cao nhân, cao nhân, quả là cao nhân!”

Anh trai Linh không hiểu cha mình đang khen ai là cao nhân liền hỏi. Ông Huỳnh mỉm cười đáp: “Chủ công Lê Lợi có tin tốt như vậy nhưng chỉ biết đến thế là cùng, chẳng thể suy đoán hơn được. Nếu không có người chỉ điểm chiến thuật vận lương của giặc, thì chủ công sẽ không dám chơi lớn như này đâu. Nếu việc thành, công lao này của chàng ta đầu tiên.”

Linh bĩu môi: “Hừ, anh ta thì làm được trò trống gì? Ta vất vả ra đây, liều mạng đánh cướp rồi để anh ta chiếm công sao? Đến ngay cả đường ngang mũi dọc của anh ta ra sao chúng ta còn chưa biết được á.”

Cô không phải loại người nhỏ nhen gì, tướng sĩ cũng là công, mưu sĩ cũng là công. Mưu lên kế hoạch, tướng thi hành kế hoạch. Không có mưu thì tướng gần như không thể tác chiến vì không biết phải đánh như thế nào cho phải. Còn có mưu nhưng không có tướng thì cũng chỉ là lời luận suông vô dụng.

Linh chẳng qua vì thấy cha cô hạ thấp Lê Lợi mà nâng kẻ lạ lên tận trời xanh. Cao nhân con khỉ! Cô ghét! Mà người ta thường nói, ghét của nào trời trao của ấy.

“Người đó là ai hả cha?”, anh trai Linh tò mò hỏi, “không chừng là nội gian của giặc thì sao?”

Ông Huỳnh nhoẻn miệng cười, binh bất yếm trá, đến mình còn có nội gian bên trong lòng giặc, chắc gì giặc đã không cài nội gián của mình vào. Mục đích của chiến dịch lần này hoàn toàn là bí mật, quân sĩ chỉ biết là hành quân ra mặt bắc thôi, đợi đến khi nào phát động mới cho mọi người hay, lúc đấy giặc có biết tin cũng chẳng kịp ứng phó.

Bởi vậy, ông Huỳnh chỉ nói: “Con chỉ cần biết chàng ta là người của mình, tuy hơn Linh nhà mình có vài tuổi, song là bậc cao sĩ, người như vậy chủ công muốn giữ bí mật, càng ít người biết càng tốt.”

Anh trai Linh liền hiểu ý của ông Huỳnh không thắc mắc nữa, cao nhân bất khả lộ, đây là con bài nếu bí mật được thì phải bí mật, nên anh quay qua trêu cô em gái: “Em xem đi, người đấy cũng chỉ hơn em có vài tuổi nhưng em thì hấp ta hấp tấp, suốt ngày đòi đánh đòi đấm, so với người ta đúng khác một trời một vực. Em có cần người làm mai không? Để anh làm mai cậu ta với em nhé!”

Linh không phục nói: “Chẳng qua là mèo mù với phải cá rán, hoặc anh ta nắm được tin tức thôi.”

“Loại tin tức như chiến thuật của giặc người bình thường có thể moi ra được sao?”, ông Huỳnh nghiêm túc hỏi Linh.

Linh câm nín. Ngay cả Lê Lợi còn nhìn không ra, người bình thường có thể biết sao? Chắc chắn là không rồi! Linh không phải người không biết lý lẽ, đành bực bội ngầm thừa nhận.

Ông Huỳnh nói thêm: “Nếu ta mà mèo mù mà vớ được cá rán như chàng ta, ta cũng muốn được vậy, ha ha!”

Anh trai Linh ôm bụng cười theo.

Linh bực mình, giậm chân giận dỗi xoay người bỏ đi. Cô thề nếu để cô gặp được người kia cô sẽ… Linh cũng không biết mình làm gì nữa. Hoặc là thành kẻ thù không đội trời chung.

Mà thường người ta cũng nói, yêu nhiều hận nhiều, thương nhiều thù nhiều. Mà theo tính chất hoán vị của toán học, thù nhiều thương nhiều, hận nhiều yêu nhiều.

Cuối cùng, ngày mà Linh mong ngóng cũng đã đến. Những đoàn vận lương cuối cùng của giặc bắt đầu đi đến chỗ đám người Lê Lợi phục sẵn. Số lượng quân hộ tống của bọn chúng giảm đi đáng kể so với đợt đầu. Vậy nên ba quân y kế mà làm!

Đội quân thứ nhất do Lê Ngân dẫn đầu hùng hổ tấn công đoàn vận lương của giặc, khua khoắng vài cái liền giả thua bỏ chạy. Quả như kịch bản, tên tướng giặc đầu đoàn bị ta dụ ra khỏi đoàn vận lương, chỉ để một số ít binh lính ở lại canh giữ.

Đội quân thứ hai quan sát tình thế như vậy, căng thẳng giảm đi vài phần. Linh hỏi cha cô: “Tại sao tướng địch có thể bị ta dụ dễ dàng như thế ạ?”

“Tại vì hắn muốn bắt sống chúng ta để moi tin. Cái tin về bọn ta đối với hắn hiện tại quan trọng hơn đoàn lương cuối này.”, ông Huỳnh phân tích ra cho Linh thấy, “con nghĩ xem, giả như bắt được chúng ta, tra ra thân phận, đây có phải một tin đáng giá không? Có được trọng thưởng và khen ngợi không? Trong khi áp tải lương thảo vốn là điều hắn phải làm, có mất đi thì chẳng đáng giết, bất quá bị mắng vài câu là cùng. Nên cơ hội lập công tốt này hắn không thể bỏ qua!”

“Nhưng… đâu cần phải diễn thật như thế, chết cũng mấy anh em binh sĩ rồi.”, Linh không cam tâm nhìn cảnh diện.

“Không làm như vậy thì sao tướng giặc tin mà không ngờ?”, ông Huỳnh lạnh lùng chất vấn Linh luôn, để xem cô có ngẫm nghĩ gì về binh trận.

Linh tuy không hiểu nhưng không biết nói sao, cô chỉ đành thở dài đổ cho chiến tranh tàn khốc mà thôi.

“Kìa cha, cờ hiệu đã phất!”, anh trai Linh kích động lên tiếng.

Toàn đội quân thứ hai hít một hơi thật sâu, cầm chắc vũ khí, chờ lệnh sẵn sàng chiến đấu. Linh ngồi trên ngựa, tay sẵn cầm chuôi kiếm, chỉ cần có lệnh của ông Huỳnh, chân cô sẽ thúc ngựa lao đến đánh chiếm một phen.

“Toàn đội…”, ông Huỳnh giơ nắm đấm lên rồi xoè bàn tay ra, “tấn công!”

Đội quân của ông Huỳnh hò hét vang dội, từ trong rừng, trên đồi cao ào ào chạy xuống. Quân giặc hộ lương còn lại thấy thanh phong của quân ta liền bất ngờ hoảng loạn.

Quân ta chuẩn bị tinh lực đầy đủ, lại dũng mãnh thiện chiến, chưa chi binh tốt của ta đã liền cái chém bay đầu mấy tên. Quân ta áp đảo hoàn toàn. Quân giặc không chút phản ứng hoặc phản ứng chậm trễ. Mà phản ứng chậm trễ trong hoàn cảnh này đồng nghĩa với cái chết.

Điều này không có gì lạ!

Mặc dù quân hộ lương của chúng số lượng ở lại canh giữ vẫn còn đông nhưng di chuyển quãng đường dài, thể trạng đã bị suy yếu, vả lại không có tướng cầm đầu, nên đội ngũ của bọn chúng rối tung, chiến đấu bừa bãi, sức chiến đấu giảm đi quá nhiều đến mức ông Huỳnh chợt cảm thấy có gì không đúng.

Trong khi đó, Linh không suy nghĩ gì nhiều, thoải con gà mái, mải miết chém giặc. Một nhát kiếm đưa ra đã tiễn ba tên giặc về chầu ông bà của chúng rồi. Lần đầu cô được vung kiếm sướng tay như thế này thì hăng say, thi triển toàn bộ kiếm pháp mà cô đã học được, máu văng tung toé khắp áo giáp. Bên kia, anh cô cũng không kém cạnh, bảo kích cầm trên tay như chiến thần, đâm đâm chém chém hết lớp giặc này đến lớp giặc khác.

Quân ta càng lúc càng mạnh bạo hơn, giặc chết như ngả rạ. Ai cũng nghĩ phen này đoạt lương thắng chắc.

Bỗng một hồi kèn trống vang lên, dài tưởng liên tu bất tận.

Ông Huỳnh sững người chết lặng. Đây không phải tiếng kèn trống của nghĩa quân!

Nếu không phải của quân ta thì là của ai?

Đương nhiên là của quân giặc!

“Trúng kế rồi! Mau chạy đi, mau rút mau!”, ông Huỳnh hét lớn, muốn thu binh chạy nhưng vừa dứt lời, ở hai bên, mưa tên của địch đã bắn trút xuống. Tình thế đột ngột đảo ngược, quân ta bắt đầu tử thương, mau chóng rơi vào thế yếu. Sau khi loạt tên kết thúc, giặc từ trong rừng chui ra, một tràng cảnh hai bên quân giặc lao xuống dốc núi hò hét, vung gươm múa đao loạn xạ vào quân ta.

Hai bên quân giặc ép công như vậy đã đành, tên tướng vừa mới bị dụ đi đã thấy quay lại. Mà quay lại với số quân binh còn nhiều hơn cả trước. Hắn cầm đại đao, cưỡi ngựa xông vào chiến trận như một vị thần, đường đao của hắn chạm vào ai thì kẻ đó liền chết, chết rất nhanh, nhanh đến mức chưa kịp cảm nhận gì đã chết.

Quân ta càng lúc càng bị quân giặc o ép lại một dúm vào giữa. Đây người ta gọi là bọ ngựa bắt ve, chim sẻ bắt bọ ngựa.

Linh bắt đầu thấy hoảng loạn, nhìn về phía cha mình cũng đang vất vả đấu lại vô số quân giặc. Dù ông Huỳnh có thể một chọi mười, nhưng con số lên tới một trăm thì là chênh lệch lớn. Hơn nữa, ông đã già yếu, không còn khoẻ mạnh như trước, nếu không phải lo cho Linh chuyến này thì có chết ông cũng muốn đổi người khác lãnh trận.

Lần này xuất quân, Lê Lợi bố trí ông là cố ý kèm cặp Linh vì tưởng dễ ăn. Ai ngờ đâu được cơ sự diễn ra như thế này!

Chiêu kiếm của Linh bắt đầu trở nên lúng túng, phải chém mấy nhát mới chém chết được tên giặc, nói chung yếu hơn lúc nãy, sức sát thương giảm.

Linh muốn xông đến giúp cha mình ứng phó nhưng đều bị quân giặc vây công. Còn anh trai cô vẫn vững dạ chiến đấu, không hề nao núng, đối với anh thì còn thở là con gỡ.

Lê Lợi ở đằng sau đợi thì sốt ruột. Lẽ ra chưa đến nửa canh giờ là thấy trinh sát về báo. Ông thầm mong ngàn vạn lần cũng không rơi vào tình huống xấu.

“Kia rồi! Trinh sát của ta!”

Lê Lợi nheo mắt nhìn thì quả đúng thật là lính quân mình. Nhưng người anh ta không phải lính trinh sát ông gửi đi, toàn thân đầy máu và bị thương nặng.

Lê Lợi vội vàng cưỡi ngựa đi đến, thấy mặt mũi người này tái xanh, hơi thở yếu song gấp gáp, ông vội hỏi: “Tình hình sao rồi? Sao ngươi ra nông nỗi này!”

“Quân ta… Quân ta… Thua rồi! Bị… Bị vây khốn… Sợ… Sợ… Sợ không… không có đường thoát!”, anh lính dùng chút hơi tàn cố nói hết câu, vừa dứt lời thì ngã vật xuống chết.

Lê Lợi như bị sét đánh ngang tai, phỗng người. Cả đội ba sợ hãi nhao nhao lên hết cả, ai nấy chỉ mong Lê Lợi cho rút quân.

Lê Lợi mãi sau mới khôi phục được thần trí kêu ai đó gan dạ đi làm trinh sát. Nhưng không ai dám đi, làm ông bực tức rút kiếm ra, muốn tự mình trinh sát. Bấy giờ có một hai người lính chạy đến cản ông. Một trong số hai người này nguyện đi trinh sát.

Lê Lợi vỗ vai người đó hỏi tên: “Anh tên gì?”

“Lê Lai!”, người này đáp gọn.

“Lê Lai, ta Lê Lợi thề với trời. Nếu như có ngày ta khôi phục được giang sơn, nếu anh không may, ta truy phong anh làm vương. Nếu anh sống, ta phong anh làm công thần hạng nhất đầu tiên!”

“Tôi làm thế này vì nước nhà, nghĩa quân không thể thiếu ông, tôi chỉ là binh quèn, không dám nhận phong!”, nói xong Lê Lai bỏ đi thám thính tình hình.

Lê Lợi đừng chờ Lê Lai khoảng một canh giờ. Nếu không thấy trở về lập tức thu binh về doanh trại. Trong lòng ông vạn phần thấp thỏm không yên.

Đã gần một canh giờ trôi qua, đến lúc ông nghĩ Lê Lai đã bỏ mạng rồi, toan rút quân thì lại thấy bóng Lê Lai hớt hải chạy tới. Xem ra vẫn bình an vô sự.

Lê Lai không chờ Lê Lợi hỏi thì thuật lại.

Đúng thật là quân ta bị vây khốn. Lúc Lê Lai tới quan sát hiện trường thì thấy tướng giặc một đao chém chết ông Huỳnh, còn con trai ông ấy bị giặc dùng giáo mác đồng loạt xuyên thủng người. Lê Lai chứng kiến hết cả, mười mấy cái giáo mác cứ thế đâm xuyên qua người anh. Quân ta lúc đó còn độ hơn năm chục người, trong đó có Linh. Lê Lợi nghe xong thì bàng hoàng, nhất là khoản tướng giặc một đao chém chết ông Huỳnh.

Lê Lợi cố trấn tĩnh lại, hỏi: “Quân giặc còn đông không?”

“Đông… Rất đông… Tôi thấy… Tôi thấy…”, Lê Lai ngập ngừng một lát cuối cùng hạ quyết tâm nói ra, “quân địch nhất định không lưu quân ta mạng nào, e rằng, Linh và đám người cuối cùng sẽ… bại vong…”

Lê Lợi cả người run lên, nghiến răng, hận không thể đem quân xông tới liều chết. Nhưng nghĩ về đại cục, ông hạ lệnh rút quân về doanh trại. Sau đó trên đường vô tình gặp Lê Ngân và đám tàn binh đội một đang trốn tránh quân địch.

Lại nói về Linh khi tận mắt chứng kiến cái chết của cha và anh. Cô đau đớn đến tột độ, thiên ngôn vạn ngữ cũng không thể nào tả nổi.

Cô không khóc bởi đã đau đến tê dại. Cái đau này còn chứa quá nhiều tư vị đến mức đau chồng đau.

Lần đầu cô ra quân, cũng là lần đầu cô thất bại, cũng là lần đầu cô một mình lâm vào tử cảnh và là lần đầu tiên cô phải tự mình ứng phó. Trước đây có cha và anh trai bảo vệ cô, giúp cô thoát khỏi nguy nan. Nhưng lần này thì khác.

Linh cảm thấy quanh mình như chậm lại, im lặng đến tuyệt đối, ngay tới nhịp tim của mình, cô không còn nghe thấy.

Nhìn cha bị giặc chém bay đầu. Nhìn anh bị giặc đâm đến không còn manh giáp. Cảnh tưởng này Linh sợ mình cả đời không thể nào quên, vĩnh viễn trở thành ác mộng. Linh biết chiến trường khốc liệt. Nhưng không ngờ khốc liệt tới mức này. Cô cũng không phải lần đầu thấy người chết phơi thây đầy đường. Cũng không phải chưa từng trải qua chuyện bi thương. Nhưng lúc đó thì khác.

Cảm giác của cô đơn giản là nhàn nhạt, vì cô chỉ nghe kể, hoặc cô chỉ đứng nhìn như một người qua đường, nhìn những cái xác xa lạ. Nhưng hiện giờ thì khác.

Những binh lính hôm nay ngã xuống, cũng là những bính lính mà cô đã cùng được huấn luyện chung với bọn họ. Đều là những gương mặt quen thuộc, từng ăn chung, uống chung, hát hò chung… Mọi người không chỉ coi nhau là đồng đội, mà còn là bạn bè thân tình.

Nhưng tại thời khắc này. Họ lần lượt ngã xuống. Những mảnh ký ức hiện rồi tan trong một cái chớp mắt. Đa phần những người bỏ mạng trên chiến địa này đều đang trong tuổi trẻ trai, mang trong người sôi sục nhiệt huyết cứu quốc. Cuộc đời họ đã chấm dứt tại đây, mãi mãi tuổi hai mươi, tương lai trôi vào vô tận.

Họ, đã hi sinh vì độc lập dân tộc. Linh bừng tỉnh. Hi sinh vì độc lập dân tộc!

Giây phút cô sắp buông kiếm. Giây phút cô đã mất ý chí chiến đấu. Linh như người vừa mới tỉnh dậy, tỉnh khỏi cơn ác mộng.

Linh vẫn còn đang ở trong hiện thực ác liệt vốn quá sức chịu đựng với cô. Còn bọn giặc vẫn đang điên cuồng chém giết những người còn sót lại. Là những anh em chiến hữu của cô. Cô tự thấy có trách nhiệm phải cứu họ, bảo vệ họ, thay cha và anh. Nên cô chưa thể chết được. Cô phải sống để báo thù cho mọi người!

Ý niệm duy nhất của cô vào lúc này, sống, để báo thù rửa hận. Mà muốn báo thù rửa hận, thì việc đầu tiên, phải sống!

Linh thét lớn trong lòng.

Tri giác của Linh dần quay trở lại chiến trường. Mắt cô chứa đầy cảnh chết chóc chân thực và sống động. Âm thanh đao kiếm, tiếng la, tiếng hét vang vọng trong tai cô.

Đột nhiên, một thanh gươm phía sau bổ nhào toan chém xuống lưng Linh. Một cảm giác lạnh lẽo xuyên thấu qua người mặc dù mùa đông chưa đến. Dù cô có phản ứng ra sao, phát này cô chết là chắc, vì cô chưa đủ nhanh để tránh né.

Soạt!

Một đồng đội đã xả thân mình chặn đứng, đỡ cho cô một nhát chí mạng. Cô quay người lại vung kém chém hết sức làm bay đầu tên giặc.

Linh bấu chặt hai vai của người đồng đội, như thể muốn giữ lấy để anh không bị ngã. Anh ta đã không còn thốt được lời nào nữa. Song ánh mắt anh kiên định nhìn cô như thể muốn nói rằng: “Chúng ta có ngày tất thắng!”

Linh đá một thanh gươm phi thẳng vào bụng một tên giặc trước mặt, khiến hắn trào máu miệng, khụy xuống chết. Thuận thế cô vung kiếm chém một nhát, liền cắt đứt cổ họng của ba tên khác.

Linh ngửa cổ lên trời hét lên một tiếng lớn chói tai, thiếu chút nữa đứt thanh quản. Cô sốc lại tinh thần chiến đấu, tả xung hữu đột giữa vòng vây của địch thù, đem hết sức bình sinh cùng đồng đội mở đường máu. Cô vừa chém vừa gào khóc trong tim.

Sau nhiều lần cố gắng đột kích, cuối cùng cô đã phá được vòng vây, cả đám người bọn cô bỏ chạy thục mạng vào trong rừng. Chạy không dám ngừng, chạy không dám nghỉ, chạy đến mức lạc đường lạc lối nhưng không dám thôi chân.

Bởi, cứ nghĩ đến đứng lại một khắc là chết chắc, vì khó khăn lắm mới thoát được, không thể để công sức đổ sông đổ biển được.

Gã phó tướng của giặc nhìn Linh cùng đám người đang chạy trốn hỏi tướng cầm đầu của giặc: “Bẩm tướng quân, có nên đuổi theo không ạ?”

Tướng giặc nói: “Đám tàn binh đó sức cùng lực kiệt, còn có mấy mống, không cần đuổi theo. Dù sao đây là chốn rừng thiêng nước độc, quân ta mới đến đây nên chưa am tường địa hình, không cần phải liều mạng với bọn chúng làm gì. Tránh dính cạm bẫy. Hãy cho vài tên có kinh nghiệm đi rừng vào do thám, chủ yếu thăm dò địa hình. Bắt được thì bắt, giết được thì giết, trước chập tối hãy quay lại đây.”

Gã phó tướng kia hiểu ra, gật đầu tỏ rõ. Thế nên hắn không hỏi nữa, liền phân phó cho mấy tên vào rừng thám thính. Rồi lệnh cho người hạ trại ngay tại đây, mở lương khao quân ăn mừng bọn chúng chiến thắng. Trước đó, sai người đem gom thi thể lính ta lính giặc vào một chỗ chất lên cho đốt sạch.

Trời nhá nhém tối, bọn do thám từ trong rừng đi ra, vào trướng của tên tướng giặc bẩm báo: “Bẩm tướng quân, bọn tôi chỉ giết được vài tên, còn lại không thấy ai khác.”

“Thật không còn ai khác?”, tướng giặc nhấn mạnh hỏi lại.

“Bọn tiểu nhân thật sự không tìm thấy ai khác! Kể cả nữ nhân kia!”, bọn vào rừng do thám thất vọng khẳng định.

Trước đó, bọn chúng nghĩ rằng, tướng của bọn chúng nhìn trúng Linh, muốn hưởng lạc một phen cho nên mới bảo bọn chúng vào rừng truy bắt. Chứ nếu không, một nhúm tàn binh kia cần gì phải vào rừng bắt giết chi cho mệt? Chỉ điều, bọn hắn sợ tướng giặc biết bọn chúng không bắt được Linh sẽ bực tức nên mặt ai nấy tràn đầy thất vọng và lo lắng. Nhưng xem ra bọn chúng đã nghĩ nhiều hoặc nghĩ sai về chủ của chúng rồi.

Tướng giặc phát cho bọn này chút bạc rồi kêu đám người trong trướng lui ra hết, để hắn một mình đọc sách.

Điều này làm cho bọn vào rừng kia vô cùng bất ngờ, nhưng không dám nghi hỏi, an phận đi ra không quấy phiền nữa.

Bọn họ đều rời khỏi, tướng giặc mới thở ra một hơi nhẹ nhõm.

Thực ra, trận đánh ban chiều tướng giặc thấy Linh là một đứa con gái mà oai phong, lẫm liệt không kém gì đàn ông. Một người một kiếm cứ như vậy đã giết kha khá binh lính của hắn mà trông không hề mỏi mệt, càng đánh càng hăng làm hắn tự dưng cảm thấy tiếc tài.

Song thể lực con người đều có giới hạn của nó, bị vây đánh như vậy, đừng nói cô mà ngay cả hắn sớm muộn cùng bị dồn chết mà thôi. Thế nên, tiện đây hắn thử nghiệm trận pháp, trận pháp này vốn dĩ có sơ hở nhưng khó phát hiện. Nếu cô thực tài, thực học, nhất định sẽ nhận thức được sơ hở mà toàn lực đánh vào đấy.

Linh quả nhiên không làm hắn thất vọng, chẳng mấy chốc cô kéo đám người đánh phá điểm đó, thoát khỏi khốn trận.

Thật là một bậc anh tài! Nam nhân vị tất đã có gì hơn chăng?

Tướng giặc trong lòng không tiếc lời khen ngợi.

Phần nữa, hắn làm vậy do hắn cũng bất mãn với sự bạo ngược của giặc với dân ta mà hắn trông thấy trong suốt dọc đường tới đây.

Dẫu cho là “người cùng một nhà” hắn cũng không ủng hộ những hành động như vậy. Thử đổi kẻ bị bạo ngược là hắn, hắn cũng dám khởi nghĩa chống Minh lắm. Vì khởi nghĩa là con đường duy nhất và cuối cùng giúp hắn có cơ hội sống, và thoát ra khỏi sự áp bức và bóc lột tàn tệ như thế.

Nhưng thân làm tướng, đối với kẻ chống mình thì là địch, khó phân chính tà. Lại mang lệnh vua khó cãi, tai vách mạch rừng, tùy thời tùy lúc bị gièm pha, thời điểm nhạy cảm có những chuyện không nên nói ra và cũng không nên làm lộ liễu quá. Thân mình thì không sao, nhưng lo nhất là thân quyến.

Tướng nơi xa trường, cần phải có tín nhiệm cao của nhà vua. Nếu để vua có tín nhiệm thấp thì giống như Khổng Minh xưa kia, chỉ vì Lưu Thiện nghe xàm tấu mà bất tín Gia Cát Lượng, làm lỡ việc quân trong một lần lục xuất Kỳ Sơn.

Hắn xua một đám người vào rừng tìm kiếm cốt che đi cái ý đồ lưu lại cho Linh một mạng sống, hắn phải thật thật giả giả để tránh nghi ngờ. Còn, hắn đã giúp như thế rồi mà Linh vẫn bị binh lính của hắn bắt giết được thì là do ý trời thôi.

Hắn giúp đỡ tận sức như vậy, coi làm chút việc thiện giảm bớt phần nào nghiệp quả cho nhà Minh vì những việc làm vô đạo của đám quan quân bọn chúng.

Lê Lợi về đến doanh trại vẫn cử người đi trinh sát. Dẫu biết trường hợp xấu nhất đã có thể xảy ra nhưng sống phải thấy người chết phải thấy xác.

Đến tận khuya, trinh sát mới về báo: “Tôi đến nơi thấy bọn chúng hạ trại ở đó, cách đó không xa bọn giặc đang thiêu đốt tử thi chết trận. Tôi còn nghe ngóng được Linh cùng một số người khác đã thoát khỏi vòng vây, trốn được vào rừng, sống chết không rõ.”

Lê Lợi hay tin Linh trốn được vào rừng thì mừng ra mặt, tảng đá đè trong lòng ông bớt nặng đi phần nào. Chí ít còn có tia hi vọng.

Nhưng ông bắt đầu lo lắng không biết cô có chịu nổi đả kích lớn như vậy được hay không?

Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Nhưng cái gian nan so với tuổi tác của Linh là quá lớn đi! Đến ngay cả ông suýt nữa còn không trụ vững được nữa huống hồ là Linh, một thiếu nữ tuổi còn thanh xuân.

“Còn tên tướng cầm đầu bọn giặc là ai?”, Lê Lợi hỏi.

“Dạ bẩm, họ Vương tên Thông ạ!”

“Vương Thông?”, Lê Lợi cau mày trong lòng cảm thán, “hắn ta một đao chém giết chết ông Huỳnh, không thể tin nổi! Đúng núi cao sẽ gặp núi cao hơn! Kẻ này không thể khinh thường! Chính ta cũng nên phải tu rèn kiếm thuật trở lại, tương lai ắt sẽ đụng độ, khó tránh khỏi một trận tử đấu.”

Vương Thông quả có bản lĩnh, võ nghệ siêu quần, dày dặn kinh nghiệm thực chiến. Nhưng giả sử trong tình huống bình thường chưa chắc đã một đao chém chết được ông Huỳnh. Là Lê Lợi đề cao hắn ta!

Nhưng đề cao ngoại nhân cũng tốt, đó là động lực, lời nhắc nghiêm túc cho ta không được ngừng tiến bộ và thăng tiến.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout