Mậu Tuất, thuộc Minh năm thứ mười một.
Nắng ươm vàng, phủ lên thảm cỏ xanh man mát trải dài khắp đồi lộng gió.
Gió hú, làm một lán trại trên đó chao qua chao lại như ánh nến yếu ớt lung linh trong đêm tối. Trong lán trại này, có người đàn ông. Người đàn ông ấy thước cao, mình rậm, nằm trên manh chiếu rách, bên cạnh là bình rượu cạn, ngủ say như chết, nhưng vẫn ngáy khò khò như sấm động.
Một chàng trai bước vào lán, chán chường nhìn ông ta. Anh ta ngồi xuống, lật người đàn ông lại, đưa tay kiểm tra mũi.
Mũi thở, da ấm, hẳn nhiên người đàn ông chưa chết, tuy nhiên mặt mũi già nua, tiều tuỵ, xanh xao trông như con bệnh sắp chết, hoặc là một kẻ nghiện rượu.
Chàng ta thở dài, gọi một tiếng cha, lay lay thân thể cha mình gọi dậy. Nhưng người cha này của anh chỉ rên khẽ, bực mình cựa quậy, gạt tay anh ra ý bảo đừng làm phiền việc ông tận hưởng men say còn dư trong người.
Thế nên, chàng ta đành bất lực, ngồi xoay lưng, ánh mắt đăm chiêu hướng lên bầu trời xanh trên cao, lòng dạ không được thảnh thơi, lặng lẽ như những đám mây trắng đang lững thững chậm trôi trên kia, tâm trí nghĩ lại chuyện xưa cũ.
Cha anh tên Huỳnh, khoảng năm mươi tuổi, từng là võ quan dưới triều Hồ. Ngày nước mất, nhà Hồ tan, giặc Minh chiếm đóng, các quan lại kẻ trốn, người chạy, số còn lại bị giặc mua chuộc làm tay sai bán nước. Cha anh mới đầu bị giặc dụ dỗ, nhưng đời nào ông lại làm cái hại dân mình, nên giả cách đồng ý rồi cả nhà trốn ngay đi trong đêm. Giặc hay tin, đốt đuốc lùng bắt.
Ngày ấy anh vẫn còn nhớ rõ, đêm Rằm, ánh trăng sáng vặc, gia đình trốn được vào đầm sen, nơi đó đã chuẩn bị sẵn một chiếc thuyền chở được bốn người, có thể chèo thông ra sông lớn. Giặc quyết đuổi cùng giết tận, điều chiến thuyền neo tại sông đó ra truy sát.
Thuyền đến đoạn nước sâu, bỗng nhiên mây đen che trăng, gió nổi ngược, sông nổi sóng, xuôi mái nước song song, thuyền giặc chìm hết, may cha anh vững tay chèo không lật, an toàn vào bờ.
Cha anh lúc đó nói với cả nhà rằng:
- Gặp hoạ không chết, sau ắt gặp được điềm lành.
Từ đó, hai cha con anh chung chí kháng Minh, mọi cuộc khởi nghĩa chống giặc nào đều thấy mặt hai người họ.
Nhưng các cuộc khởi nghĩa ấy đa phần người thưa sức yếu, giặc dễ dàng dẹp yên. Tuy có cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần có vẻ triển vọng, song cũng chỉ kéo dài bảy năm thì dứt. Dứt luôn cái chí chiến đấu của ông Huỳnh. Nên ông Huỳnh mới có bộ dạng như hiện tại, ngày ngày uống rượu, quên đi sự đời, khi hết tiền thì làm chuyện đâm thuê chém mướn cho người ta để đổi vài ly rượu.
Chẳng biết chàng trai ngồi đó được bao lâu, ông Huỳnh dần tỉnh, đầu vẫn đau nhức, thấy con mình đang ngồi trước lán, gương mặt ông trùng xuống, lộ vẻ khổ tâm.
Khi thấy cha mình dậy, chàng trai quay người nói:
- Cha tỉnh rồi ạ? Vậy xin cha lại ngồi để con thưa chuyện.
Ông Huỳnh cau mày nặng nhọc ngồi dậy, nghe ra giọng điệu con mình nghiêm túc, hỏi:
- Con muốn nói chuyện gì?
Chàng trai thưa:
- Con vừa nhận được tin mật của hội nhóm cứu quốc.
Ông Huỳnh hừ nhẹ một tiếng, ngoảnh mặt sang chỗ khác, ông muốn nói với anh "mày đừng có mơ mộng viển vông nữa" nhưng không thoát được ra khỏi cổ, nên cổ họng ông cứ phát ra tiếng ậm ừ làm chàng ta tưởng cha mình lại lên cơn thèm rượu.
Song anh vẫn kiên nhẫn nói:
- Tin tức truyền rằng, mười chín anh hào tụ nơi Lũng Nhai, lập tế đàn kết thân, thề đồng chí chống giặc...
Ông Huỳnh cười nhạt ngắt lời:
- Được rồi! Túc! Con không cần nói nữa! Nếu con muốn đi thì cứ đi, ta không cản.
Chỉ cần Túc nói đến đó, ông Huỳnh đã hiểu ý con.
Ông Huỳnh biết Túc không giống mình, vẫn ngày đêm nghe ngóng xem có chỗ nào khởi nghĩa chống giặc hay không. Túc không cần biết chỗ đó thế nào, chỉ cần biết nơi đó có chỗ cho mình dụng võ. Tuổi trẻ mà, nhiệt huyệt, chính nghĩa, muốn được cống hiến, lưu danh thiên cổ, nhất là trong thời buổi loạn lạc chống giặc. Bởi thế, ông Huỳnh có muốn cản anh cũng không cản nổi.
Vả lại, con cái lớn rồi như chim rời tổ, cứng cáp rồi vỗ cánh bay xa, dù người làm cha như ông không giúp được con mình nữa, vẫn mong con mình công thành danh toại, thoả sức vẫy vùng giữa biển khơi, lập chiến công để đời. Ngược lại, cố giữ bên mình chỉ hại con thêm. Nhưng điều quan trọng hơn, ông Huỳnh không muốn các con giống mình như hiện tại.
Túc thoáng lặng người, nhìn thẳng vào mắt cha cố dò xét ý tứ, anh hỏi mặc dù thâm tâm đã biết câu trả lời:
- Còn cha thì sao?
Ông Huỳnh né tránh ánh mắt của con, thườn thượt trả lời:
- Biết rồi còn hỏi làm chi?
Nói xong, ông Huỳnh liền nhấc bình rượu lên lắc lắc, bình rỗng tuếch, ông bực mình đáp nó vào góc lán. Chàng trai đau đáu nhìn cha như thế, vẫn cố động viên:
- Nhưng lần này con thấy khác cha à!
Ông Huỳnh gối đầu nằm xuống, mắt dán lên trần lán trại, chân vắt chữ ngũ rung đùi:
- Khác ở chỗ nào?
Chàng trai tưởng cha mình quan tâm nên hào hứng kể:
- Thủ lĩnh của nhóm này tên Lợi, người đất Lam Sơn. Nghe dân tình kháo nhau, tay này thông kinh thuộc sử, văn thao võ lược, được dân vùng đó yêu mến. Chưa đầy hai ngày, người ta bỏ quê bỏ quán, tiến vào Lam Sơn đầu nhập.
Ông Huỳnh khẽ cười:
- Người tên Lợi này có phải họ Lê không Túc?
Túc gật đầu, tò mò hỏi:
- Đúng vậy thưa cha! Cha quen người này sao?
Ông Huỳnh mơ màng:
- Khi Hồ Quý Ly dời đô về Thanh Hoá, bắt các quan và gia đình theo vào hầu vua, con còn nhớ không? Lam Sơn thuộc phủ Thanh Hoá. Lê Lợi sinh sống ở đó, dòng dõi ở đấy không lâu. Nên thỉnh thoảng ta có đôi lần gặp qua hắn.
Túc vội hỏi:
- Vậy cha thấy người này ra sao?
Ông Huỳnh đưa mắt ra ngoài lán trại, cố gắng nhớ lại đại khái kể:
- Lê Lợi... ừm... người này mặt mũi sáng sủa, khí chất vương giả, qua cách nói chuyện, nhìn phong thái, ta đoán hắn là người có chí cao, nếu nước nhà không loạn ắt có nghiệp lớn. Bởi ấn tượng như vậy nên đến giờ ta vẫn còn nhớ.
Túc nghe cha mình khen Lê Lợi như vậy, mừng nói:
- Qua lời người khác kể, con đã thấy người này có dũng, có mưu, có nhân rồi. Cộng thêm lời cha nữa, con tin có Lợi làm chủ, khởi nghĩa này chắc chắn thành công. Vậy nên, chúng ta hãy mau tới Lam Sơn, theo Lê Lợi đánh giặc đi cha!
Ông Huỳnh cười khẩy hỏi:
- Con ơi ta hỏi con này, bao nhiêu khởi nghĩa chưa chừa hả con?
Túc biết ý cha mình khi hỏi vậy, nhưng anh vẫn quả quyết đáp:
- Vâng cha! Chuyện cũ là bài học cho hiện tại, chứ không phải thầy bói nói trước được chuyện tương lai. Thất bại là mẹ của thành công mà cha!
Ông Huỳnh cười gằn, giễu cợt:
- Con nói thì hay lắm! Ai chẳng nghĩ mong mình sẽ thành công? Có bao giờ chịu nghĩ mình sẽ thất bại đâu? Còn nhìn xem, khởi nghĩa nào chẳng hô hào với chúng dân sẽ thắng lợi vẻ vang, nhưng kết quả thì sao? Đều thảm bại hết cả! Tỉnh ra đi con ơi! Đừng mơ mộng hão huyền nữa, chỉ là cọng rơm cứu mạng, an ủi tinh thần thôi con ơi.
Túc sững người, mới vừa rồi anh còn tưởng cha mình đổi ý, ai ngờ ông vẫn chìm đắm trong vũng bùn thất bại, không những vùng vẫy vượt ra mà còn tự mình dìm chính mình xuống, anh cau mày hỏi:
- Nhưng cha vừa nói Lê Lợi...?
Ông Huỳnh mệt mỏi khua tay chặn lời Túc, ông khinh nói:
- Đừng nhắc đến hắn ta nữa. Ta vốn nghĩ, nhẽ ra người đầu tiên dấy binh khởi nghĩa phải là Lê Lợi. Nhưng thực tế, Lê Lợi bao năm yên phận thủ thường, nhún nhường quân giặc. Nay lại kết đảng, tụ tập khởi nghĩa, chắc bị giặc dồn đến đường cùng quẫn nên phải phản kháng.
Túc không phục, thấy ông Huỳnh coi thường người có chí khởi nghĩa, lòng dạ khó chịu, như thể ông Huỳnh vừa ném cái gì đó bẩn thỉu vào tượng Phật vậy, nên anh hơi lớn giọng cãi:
- Cha nói thế không đúng! Con thấy Lê Lợi là người anh hùng đời này. Thời điểm này Lê Lợi mới khởi nghĩa có cái lý riêng của họ, chứ không phải như cha nói. Giống như hổ phải chờ đêm để săn mồi, người phải chờ cá cắn câu mới giật cần! Đâu như cha, khác nào hổ xuống đồng bằng, có cần câu nhưng để nó mục nát.
Ông Huỳnh nghe thế tự ái, đỏ mặt, tím mày, vỗ tay đánh đốp một cái xuống đất, vùng ngồi dậy gắt nói:
- Ta thấy con ngựa non háu đá thì có!
Túc gân cổ lên:
- Con háu đá chỗ nào?
Ông Huỳnh thốt như thể anh quá ngu ngốc, đầu óc non nớt khi không phát giác ra một vấn đề quá đơn giản, dễ nhận thấy:
- Con đã từng nghĩ tin này do kẻ giặc mượn danh, hoặc Lê Lợi cấu kết với giặc, tung tin làm người ta tưởng lầm, vào đó quân giặc phục sẵn bắt giết, một mẻ bắt gọn những kẻ cả gan chống lại chúng thì sao?
Nhưng Túc cho rằng không phải, anh cũng đứng dậy, cao hơn ông Huỳnh mấy cái đầu, song quyền anh nắm chặt, chằm chằm nhìn cha bực bội nói:
- Sao cha trở nên đa nghi như thế? Trước đây cha không giống vậy! Chúng con thất vọng về cha!
Ông Huỳnh gần nổi đầy trán, ria mép rung rung, trừng mắt nhìn anh, hai cha con mắt đối mắt không chút né tránh, kiêng dè.
Mãi sau mặt ông mới giãn ra, mặt lạnh tanh, gằn từng câu một. Mỗi một câu chém sâu, chém mạnh, chém siết vào xương tuỷ của Túc, đoán chừng ông Huỳnh đang muốn cắt đứt những đường huyết mạch máu mủ trong tâm trí giữa hai người:
- Mày đã lớn, có chí nguyện của riêng mình, muốn làm gì thì làm tao không cản, vì lời tao nói mày không thèm nữa nghe nữa. Tao đã già, chẳng biết sống được bao lâu nữa, nhưng chắc không sống đến ngày để chứng kiến đất nước quang minh trở lại. Nhưng ít nhất, tao làm con rùa rụt cổ như này, may ra mới giúp chúng mày còn sống mà lớn khôn. Thôi, mày đi đi! Mày sống hay chết, thành hay bại, tao chỉ đành phó mặc cho trời phật!
Túc ngẩn người, đăm đăm nhìn người cha già của mình, tự nhiên anh thấy nghẹn họng, mắt hơi ướt, anh ngoảnh mặt đi chỗ khác, hít một hơi để nuốt ngược nước mắt vào trong, song anh vẫn còn lưu tình chưa dứt, vẫn cố động viên ông Huỳnh:
- Người xưa nói còn nước còn tát, cha!
Ông Huỳnh ngồi xuống, khoanh tay chống gối, ngẫm nghĩ cái gì đó, rồi hai tay vuốt mặt, nhìn tấm chiếu rách nơi ông đang ngồi lên, ông trầm giọng:
- Còn nước, nhưng gàu múc thì đã nát rồi!
Túc cười lớn, khích:
- Gáo nát ta kiếm cái mới, chỉ sợ có người không đủ sức cầm thôi!
Ông Huỳnh ngẩn lên lườm Túc. Túc quyết chí, dõng dạc nói:
- Ý cha đã thế, lời con đã tận. Vậy mong cha tha thứ cho con bất hiếu, tới đây không thể gần bên để phụng dưỡng, hy vọng ngày sau cha con ta vẫn có thể trùng phùng.
Nói xong Túc quay lưng, hít một hơi thật sâu tới mức vai anh nhô cao ông Huỳnh trông thấy rõ. Túc bỏ ra ngoài lán, chân bước rầm rập, không một cái ngoái đầu lưu luyến.
Ông Huỳnh buồn bã, nằm xuống nhắm mắt, nghe tiếng bước chân con mình dần xa, đầu óc trống rỗng, mơ hồ, không rõ mình nghĩ cái gì nữa, chỉ biết mình lại lên cơn thèm rượu.
Bỗng dưng có tiếng chân chạy vội vã vào trong làm ông Huỳnh tỉnh khỏi cơn mê mang, ngay theo sau là tiếng Túc hốt hoảng, gấp gáp vang lên:
- Cha! Cha! Mau dậy đi cha ơi! Mau dậy đi ạ!
Ông Huỳnh nằm xoay lưng, cằn nhằn:
- Mày còn muốn gì nữa! Tao đã bảo...
Chưa nói xong thì ông đã bị Túc xốc cả người lên. Túc vội nói:
- Nguy rồi cha ơi! Trong thôn có cháy rồi!
- Cháy thôn cháy thì kệ mẹ thôn, mày để tao ngủ coi! - ông Huỳnh khục khặc, bực mình hất tay Túc ra định nằm lại, nhưng chợt ý thức ra việc gì đó liền hỏi - mày nói trong thôn có cháy?
Túc mất hết kiên nhẫn, lôi ông Huỳnh ra bên ngoài, chỉ tay về phía dưới:
- Cha nhìn xem có phải cháy không? Nếu thôn không có cháy con chẳng thèm quay lại đây!
Ông Huỳnh nheo mắt, nhìn theo đường chỉ tay của Túc, đằng xa có cột khói đen bốc lên cao qua cả những tán cây, thấp thoáng thấy ánh lửa. Tới lượt ông Huỳnh hoảng loạn:
- Mau mau về thôn!
Thế là hai cha con nháo nhào chạy xuống đồi.
Túc chạy như tên bắn, vượt qua hố, nhảy qua các mô đất thấp dần, băng qua những thân cây đổ gục ngang đường hẵng còn chảy nhựa. Những chướng ngại vật này không hề làm Túc chậm đi. Ngược lại, ông Huỳnh có phần chậm chạp chạy theo con.
Nhìn ông Huỳnh bề ngoài tráng kiện thế thôi song các thớ thịt, cơ bắp bên trong đã mềm nhão, bụng thì phệ, thậm chí hai chân đứng thôi đã hơi run rẩy, phải bám vững thì mới dám bước tiếp. Túc biết đây là hậu quả của việc ông cả ngày say xỉn, nằm ườn một chỗ trong một thời gian dài. Vậy nên anh chỉ có thể bất lực chống nạnh, đành phải đứng chờ mấy lần. Trông ông Huỳnh ì ạch chạy, khiến cho Túc sốt ruột, lo lắng. Mà việc Túc lo nhất lại xảy ra.
Soạt!
Ông Huỳnh bất ngờ trượt chân, mất đà, ngã cắm mặt xuống đất, cả thân hình nặng nề mất kiểm soát, trượt đi một đoạn dốc dài, hướng tới mép một mô đất cao dốc đứng, bên dưới dòng suối chảy vắt ngang. Dòng suối nước nông, lộ ra lởm chởm đá cạn to và sắc nhọn.
Túc không chút do dự, kinh hãi quay người phóng về phía ông Huỳnh, chạy sải dài tới cứu.
Rầm! Rầm!
Một thân cây lớn bị ông Huỳnh trong cơn hoảng loạn đạp trúng, trôi và rơi xuống.
Bốp bốp vài tiếng do va đập qua lại, ào ào một hơi dài do mặt nước bị khuấy động một phen, thanh âm răng rắc vang lên rời rạc do đường gỗ bị nứt toác.
Túc đang chạy cũng phải đứng hình, mặt trắng bệch. Thân cây đó bị những tảng đá kia dập gẫy khúc làm đôi. Anh rùng mình, hoả tốc tiếp tục di chuyển, không dám chậm trễ thêm nữa.
Trong đầu Túc lúc đó nghĩ tưởng rằng, thân gỗ chắc thịt thế kia rơi xuống đó còn thành ra như vậy, đổi lại là ông Huỳnh, chắc chắn sẽ bị đâm lòi ruột, mặt nát bét, máu chảy ra nhuộm đỏ một vùng nước trong.
Túc cuồng cuồng trèo lên nhưng vẫn không kịp tới, chân ông Huỳnh đã chạm mép, đất đá trên cao rơi xuống kêu lộp độp, những giọt nước văng bắn tứ tung.
Túc hét lên, to đến mức doạ khiếp một đàn chim đang đậu trên cây cao gần đó:
- Cha!
May thay, ông Huỳnh ít nhiều là người từng trải, thấy một rễ cây chìa ra từ lòng đất, nghiến răng trở mình, bình tĩnh, mau mắn vươn tay bám vào.
Khực!
Cả cơ thể ông Huỳnh dừng lại, hai chân lơ lửng treo leo, một tay bám chắc rễ cây, áo quần bị lê rách, da trầy đỏ lựng, bụi đất bám đầy. Túc đến nơi, vội kéo ông Huỳnh lên, kéo xong, phần đất đó lún sụp xuống kéo theo cả bộ rễ, thân cây cứu mạng ông Huỳnh đổ ập xuống.
Hai cha con ông Huỳnh trợn mắt nhìn theo, tim vẫn đập thình thịch, mồ hôi tuôn ra như mưa.
Sau khi trấn tĩnh, Túc đỡ cha dậy lo lắng hỏi:
- Cha! Cha có làm sao không?
Ông Huỳnh thở hổn hển, cơn đau bắt đầu ngập tràn, lan ra khắp toàn thân, nhưng ông gồng mình cắn răng chịu đựng cơn đau đớn đang len lỏi đang bóp nát từng đoạn xương cốt, xé toạc từng tấc da thớ thịt của mình.
Ông Huỳnh giả bộ, nhẹ nhàng nói.
- Ta không sao, ngồi nghỉ lúc là được! Con mau về thôn trước đi!
Túc không an tâm khuyên:
- Không được! Để con cõng cha! Cha như này nếu không đem tới chỗ thầy thuốc dễ bị nhiễm trùng, mưng mủ lắm!
Ông Huỳnh giục:
- Con không cần lo cho ta! Mau về thôn ngay đi! Xem em gái thế nào! Mau lên! Nhanh!
Túc nhìn ông Huỳnh, đắn đo một hồi, anh mới cắn răng để lại cha mình dưỡng thương ở đây, tiếp tục chạy một mạch từ đối về thôn làng. Anh biết, cha anh lo cho em gái anh còn hơn cả mạng sống của mình.
Bình luận
Chưa có bình luận