Dẫn nhập


Nhâm Ngọ, Quang thuận năm thứ ba.

Tại một thư quán cũ trong cung, một nhóm cung nữ, thái giám, quan lại bậc thấp, đang lục tục bê những chồng sách sang một thư quán mới, vì nơi này sắp sửa được tháo gỡ để nhường chỗ cho cung thất mới đang được chuẩn bị xây cất.


Đương trong góc gian phòng, vài người mỗi bên di dịch kệ sách, bỗng có con gián không biết từ đâu chui ra bò qua bò lại, khiến cho bọn cung nữ tá hoả hét lên, đám quan viên nhảy nhô nhảy nhách nhưng toàn đạp hụt. Riêng có kẻ thái giám không tiếc sách vở, cầm lấy ném mạnh một cái làm cho con gián đó chết bẹp dí ngay trên tường. Mọi người ai nấy thở phào nhẹ nhõm.

Lúc này, gã thái giám đó cầm khăn bước tới muốn ném con gián ra chỗ khác, nào ngờ chỗ tường đó chợt vỡ ra, sụp xuống thành lỗ nhỏ. Nếu là bình thường, chắc chắn gã thái giám này sẽ bị phạt, nhưng do chỗ này đằng nào cũng bị phá nên chẳng ai quan tâm.

Tuy nhiên, một viên quan trẻ tên Nhân, phát giác điều bất thường vì rõ ràng tường này là được làm rỗng. Thế nên, Nhân tiến đến, ngồi xuống bóc từng mảng tường thành một cái lỗ lớn hơn, và phát hiện bên trong giấu một vật.

Viên quan trẻ lấy vật này ra, nào ngờ nó là một cổ thư dính đầy bụi phủ, nhăn nheo như vừa mới được ráo nước. Khi lật mở, mùi hanh, hôi, hắc bốc lên khiến cả đám người phải nhăn mặt bịt mũi. Nhưng Nhân vì quá kinh hãi vào nội dung của cuốn sách cũ mà chẳng cảm nhận thấy gì.

Nhân vội vàng yêu cầu một quan viên khác báo cho cấp trên sự tình, bản thân anh ta ôm khư khư cuốn sách nhất định không muốn cho ai khác được biết, mặt mày nhợt nhạt, căng thẳng.

Được lát sau, quan trên của Nhân tới nơi, bảo bọn thái giám, cung nữ lui ra ngoài. Nhân trình sách lên, vị quan trên cũng rùng mình kinh hãi lật vội từng trang sách lên đọc, hỏi nhân tìm được sách như thế nào, Nhân trung thực thuật lại.

Quan trên đó của Nhân tên Đức, đưa tay sờ trên bề mặt trang giấy, nói với Nhân rằng, tiền nhân cố ý giấu sách để chờ hậu nhân mở ra đọc. Đức giải thích, cuốn sách này được nhúng vào một loại keo sáp nào đó, qua thời gian chất dính mới tan, thời điểm ấy thích hợp để mở sách ra xem, nếu chưa đúng thời điểm mà bị người khác phát giác, cũng khó lòng cưỡng ép mở ra vì sẽ làm hỏng cả cuốn sách và không biết bên trong viết gì. Chính vì sự bất khả tri luận này nên khó ai chống lại sự tò mò nỡ đem đi huỷ. Và thực tế chứng minh, những gì cuốn sách này viết, cho thấy sự thật không thể được tiết lộ lúc bấy giờ.

Đức dẫn theo Nhân, đi gặp quan trên hơn tên là Tâm, Tâm đọc xong cũng như Đức và Nhân, vội vàng kéo nhau đi xin gặp vua.

Đương kim hoàng thượng lúc này là Lê Tư Thành.

Lê Tư Thành ban đầu thoáng ngạc nhiên khi thấy ba người Nhân, Đức, Tâm dẫn nhau đến. Tâm trực tiếp dâng lên cho vua. Vua đọc xong giật mình, cả kinh, rồi bốn người lại đi tới xem hiện trường xem xét.

Cầm cuốn sách cũ trên tay, Lê Tư Thành đăm chiêu suy nghĩ.

Cuốn sách này được soạn bởi một cố quan Nguyễn Đức Lâm làm cả hai đời vua Cao Hoàng và tiên đế, trong đó là bản khám nghiệm cái chết của cha mình là Trung Văn Hoàng Đế tại Lệ Chi Viên.

Nhắc tới Lệ Chi Viên, quả thật là một nghi án, mọi người chỉ biết đêm đó Lê Nguyên Long ngủ lại tại vườn vải của cựu thần Nguyễn Trãi, sáng hôm sau thì băng, Nguyễn Trãi lập tức trở thành người chịu trách nhiệm cho cái chết của vua. Nhưng những thông tin chính thống về cái chết của Lê Nguyên Long. Hay bằng cách nào Nguyễn Trãi hoặc Nguyễn Thị Lộ hại được hoàng thượng với sự canh phòng nghiêm ngặt của thị vệ, nếu có, thì nó lại không được công bố chính thức rõ ràng.

Lúc bấy giờ, Lê Tư Thành cùng các anh vẫn còn nhỏ, mọi chính sự vẫn do người lớn phụ chính. Mà hiện tại, những người nắm trong tay sự thật, đều đã quy tiên hết cả.

Lê Tư Thành nhắc nhở Nhân, Đức, Tâm rằng, tuy tiền nhân có dụng ý che giấu, nhưng không có nghĩa những gì ghi chép trong này đã là sự thật, nên cần phải tra xét thật kỹ, không thể nói hay đoán bừa, rồi sai ba người thẩm định lại.

Trong sách được Nguyễn Đức Lâm ghi lại, Trung Văn Hoàng Đế vốn bị ám sát trong đêm khi đang nằm nghỉ. Sát thủ đã trà trộn vào trong trước đó, nhân lúc Nguyễn Thị Lộ được vua triệu vào hầu riêng, đã đánh ngất Lộ rồi giả trang, canh lúc vua không để ý mà dùng kiếm sát hại nhà vua.

Tảng sáng hôm sau, Lộ mới tỉnh lại thấy mình đang nằm giữa đất, hốt hoảng tìm gặp Nguyễn Trãi nói nguyên cớ. Cả hai vội vàng tìm thái giám gọi vua dậy. Kết quả, đã thấy vua chết nằm trên giường. Lính canh vội vàng phong toả cả Lệ Chi Viên, quan đi theo hầu vội gửi thư về cung.

Lập tức, di thể của Trung Văn Hoàng Đế được hồi triều, còn cả nhà Nguyễn Trãi bị giam lỏng. Rồi, năm đó, Nguyễn Trãi bị vu tội mưu phản, tru di tam tộc mặc cho Trãi hết lời kêu oan.

Câu hỏi đặt ra, nếu những gì trong sách chép là thật, thì người ta đã biết rõ nội tình, sao còn hàm oan cho Nguyễn Trãi?

Lê Tư Thành cười lạnh trong lòng.

Nguyễn Trãi lúc đó tuy chỉ là một công thần đã cáo lão hồi hương, tuy không can dự triều chính nhưng lại có tiếng nói trong giới trí sĩ, tiên đế sau này tin dùng trở lại, chính vì thế, trong mắt một số người, ông là cái gai cần phải trừ đi.

Và ai tại thời điểm đó, có năng lực khống chế được nội tình truyền ra bên ngoài?

Và động cơ nào khiến người đó làm như vậy?

Tuy nhiên, điều đó không quan trọng, đầu mối vụ án theo như cuốn sách này, chính là tên sát thủ kia. Tên sát thủ ngay được sau đó tra ra, không phải vì Đức Lâm bắt được, mà y tới đầu thú, vì không muốn Nguyễn Trãi dính oai tai vì mình.

Nhưng động cơ ám hại Trung Văn Hoàng Đế kẻ này thà chết chứ không chịu tiết lộ. Kết cục sau đó không được cuốn cổ thư này nêu rõ. Chỉ biết, sát thủ này là nữ đệ tử của một nhân vật gọi là Công Chúa Ngọc Dung, từ thời Thái Tổ Cao Hoàng Đế Lê Lợi.

Lê Tư Thành biết ông nội mình có hai người con gái, một là Lê Thị Đào Nữ đã mất ở Đại Minh, một vị khác là Ngọc Châu, kết hôn hai lần rồi vào chùa tu. Còn Công Chúa Ngọc Dung này không hề được đề cập trong hoàng phả hay bất kỳ ghi chép nào. Điều đó khiến Lê Tư Thành nghi ngờ Ngọc Dung này tự xưng Công Chúa.

Qua một đoạn thời gian, Tâm bẩm báo lại với Tư Thành, ở vùng trấn Kiến Xương thành hoàng của dân thờ một bà tướng, tên là Lê Thị Ngọc Dung.

Theo lời dân gian kể, người này theo Cao Hoàng Đế từ thời đánh giặc Minh, được người nhận làm con nuôi, nhưng đã chết trận trước Thuận Thiên năm nhất cách đấy hai năm. Khi dẹp được giặc, Cao Hoàng Đế truy phong cho nữ tướng này bằng một loạt mỹ hiệu như là Biển Quốc Đoan Trang, Chính Thục Từ Hòa, Chính Phương Nương Đại Vương. Mặc dù vậy, Tâm cũng nói đã tra khảo lại các tư liệu, không thấy có sắc phong nào đã được từng ghi như thế.

Lê Tư Thành lại chau mày suy nghĩ.

Việc dân thờ thành hoàng là tục lệ của dân, nhưng dám nói bà Ngọc Dung được Thái Tổ Cao Hoàng Đế nhận làm con nuôi, và được truy danh không phải chuyện có thể nói càn. Dân không hiểu biết đã đành, nhưng quan xã không thể làm ngơ mà không tâu bẩm lên triều đình xem xét. Nếu triều đình khi ấy nghĩ dân nói càn, triều đình phải yêu cầu bãi bỏ ngay. Nhưng đền đó vẫn còn, dân vẫn thờ, quan xã không có động thái gì. Điều đó có nghĩa, triều đình đã cho phép và công nhận chuyện đó là thực.

Việc Cao Hoàng Đế nhận ai đó làm con nuôi không được liệt vào hoàng phả hay truy danh này không đề cập trong chính sử cũng khá bình thường. Nhưng nếu được sắc phong vẫn phải ghi chép lại để có thể đối chiếu, các quan Bộ Lại mới có căn cứ hàng tháng hoặc hàng năm cấp phát bổng lộc, hương thưởng dẫu đã qua đời. Vì nghĩa tử là nghĩa tận, một khi đã truy danh, phải hương khói, bổng lộc, lễ lạt cho đủ.

Tâm ngập ngừng có điều muốn nói thêm, Lê Tư Thành chuẩn y cho phép nói.

Tâm tâu, trong lúc tra khảo tư liệu thời Cao Hoàng Đế, phát hiện một bất thường liên quan tới trấn Trường Yên gần đó. Lê Tư Thành vội hỏi, Tâm đáp, cuối năm Thuận Thiên thứ sáu, Cao Hoàng Đế có một sự thay đổi nhỏ về địa giới, một số huyện của trấn này nhập vào trấn kia. Mọi huyện nhập tách đều được ghi danh rõ ràng, nhưng trừ một vùng vô danh của trấn Trường Yên nhập vào trấn Thanh Hoá.

Từ đó, Tâm đã điều tra thêm phát hiện một điểm đáng kinh ngạc, đó là tại vùng vô danh trước đây được gọi là Lĩnh Nam, có một môn phái lập trên núi, chưởng môn nơi đó được dân gọi là Công Chúa Ngọc Dung, nhưng đây là hiệu danh chứ không phải tên thực. Tuy nhiên, sau đó bị Cao Hoàng đóng cửa, huỷ tích, vùng Lĩnh Nam được nhập vào trấn Thanh Hoá. Dân ở đó đã không biết chưởng môn và các nữ đệ tử này ra sao.

Lê Tư Thành trong lòng sôi sục, lập tức lệnh tiếp cho ba người Nhân, Đức, Tâm điều tra theo hướng này.

Giáp Thìn, Quang Thuận năm thứ năm.

Nhân, Đức, Tâm trình lên đầy đủ tư liệu, hầu hết là dã sử dân gian về Ngọc Dung Công Chúa ở Lĩnh Nam, có mối liên hệ với Lê Thị Ngọc Dung được thờ ở trấn Kiến Xương. Theo đó, Lê Thị Ngọc Dung và Ngọc Dung Công Chúa có khả năng là một.

Lê Tư Thành đọc xong trầm ngâm, nói với ba quan rằng, oan Nguyễn Trãi đã được giải, nhưng sự thật vẫn không thể công bố, sai ba người này tìm lại con cháu của Nguyễn Trãi để nhận chiếu minh oan, công bố thiên hạ.

Ba quan tuân lệnh làm ngay.

Đêm đó, Lê Tư Thành vẫn thức ngồi trong thư phòng, trên bàn bày ba cuốn sách, cổ thư của Nguyễn Đức Lâm, một bản điều tra đã được các quan hiệu khảo và một bản soạn dã sử dân gian thuần tuý, không có hiệu đính hay minh khảo.

Sau đó, Lê Tư Thành đốt bỏ lần lượt ba cuốn sách, nhưng đến bản soạn dã sử, có chút chần chừ, không đành lòng đốt vội, liền mở ra đọc lại trước đèn.

Mọi chuyện bắt đầu từ cuối thời Trần, Hồ.

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout