Nàng tại núi Lĩnh Nam là một tác phẩm thử nghiệm kết hợp giữa tiểu thuyết lịch sử, yếu tố giả thuyết và cách kể chuyện mang màu sắc triết lý. Tác phẩm mang một phần văn phong cổ – trung đại văn học Á Đông, thiên về tự sự, trần thuật, đối thoại, suy tưởng và tái hiện không khí thời đại, thay vì tập trung vào các yếu tố giật gân, cảm xúc hay tình cảm lãng mạn thường thấy trong xu hướng tiểu thuyết hiện nay và nhu cầu phổ biến của độc giả.
Người viết không kỳ vọng đây là một tác phẩm “dễ đọc” trong nghĩa phổ thông và đáp ứng mong đợi về tính giải trí, hấp dẫn nó có thể mang lại, nhưng tác giả hy vọng độc giả quan tâm đến lịch sử, tới số phận con người trong thời đoạn biến động có thể kiên nhẫn đồng hành và theo dõi từng tầng lớp nhân vật cùng những chuyển biến của họ trong bối cảnh rộng hơn là quốc gia, dân tộc của thời đại lịch sử.
Tác phẩm được xây dựng theo phương pháp “ba thực, bảy hư”, lấy chất liệu lịch sử như một công cụ để kể chuyện. Các sự kiện được hư cấu nhằm phục vụ mạch truyện đều tuân thủ nguyên tắc tôn trọng chính sử ở mức tối đa, đặc biệt là những kết quả, cột mốc đã xác lập tính chính danh trong những bộ chính sử được công nhận rộng rãi. Tuy nhiên, tác phẩm cũng có một số điều chỉnh thời gian hoặc bối cảnh có thể xuất hiện, nhưng không nhằm thay đổi bản chất lịch sử, mà để tạo không gian cho nhân vật phát triển hợp lý.
Các nhân vật, dù có thật hay hư cấu đều được dựng trên nền bốn yếu tố (a) phác thảo tính cách, nhận xét, phê bình trong chính sử, (b) khoảng trống lịch sử, (c) và địa vị kết hợp với (d) diễn giải tâm lý (ở đây hiểu là lý giải vai trò, hành vi, lựa chọn trong bối cảnh, không đơn thuần là mô tả nội tâm). Đây là giả thuyết sáng tạo, không đại diện cho sử học chính thống.
Một số đoạn có thể “mượn” lại câu thơ, lời văn, phát ngôn quen thuộc từ các tác phẩm hoặc nhân vật thuộc các thời kỳ khác, nhằm tạo sự liên kết văn học hoặc diễn đạt tính tư tưởng vượt thời gian. Mọi sự mượn dùng đều được cân nhắc cẩn trọng, tuyệt đối không nhằm đạo văn hay bóp méo công trạng người sáng tạo.
Tác phẩm không đi sâu vào học thuật, cũng không có tham vọng diễn giải toàn diện lịch sử. Nếu có thể truyền cảm hứng cho một vài người tìm hiểu thêm về quá khứ dân tộc, hoặc cảm nhận được điều gì đó về con người trong cơn dâu bể thời thế, thì đã là niềm hạnh phúc của người viết.
Ngoài ra, tác giả không hướng người đọc đến một cảm xúc hay cách hiểu cố định bị đóng khung duy nhất. Người viết không mong đợi sự đồng tình tuyệt đối với nhân vật hay câu chuyện, mà coi trọng việc mỗi độc giả tự hình thành góc nhìn, tự suy nghĩ và tự diễn giải theo cách của riêng mình. Tuy vậy, tác giả cũng mong rằng những tư tưởng và thông điệp được gửi gắm không bị người đọc hiểu sai lệch. Việc tranh luận về khác biệt quan điểm, nếu diễn ra trong tinh thần tôn trọng, thì đó chính là cơ hội để chúng ta cùng nhau học hỏi và hiểu nhau sâu hơn.
Xin cảm ơn vì đã dành thời gian đọc những từ đầu tiên.
Bình luận
Chưa có bình luận