“Sao bạn khóc thế? Sao ai cũng khóc vậy?”
Nó quay sang nhìn tôi, đột nhiên mặt nó nhăn nhúm lại, từ mũi phồng lên cái bong bong be bé rồi tan mất.
“Tớ… tớ nhớ ba… nhớ mẹ.”
Lúc tôi đang nghiêng đầu khó hiểu, im lặng nhìn nó khóc thì nó bỗng nín hẳn, “Sao cậu không khóc? Cậu không nhớ ba mẹ à?”
“Tớ không có ba, tớ không nhớ. Mẹ tớ ngày nào cũng đi xa mà, tớ quen rồi.”
Rồi nó ôm tôi òa khóc, vừa nấc vừa vỗ vỗ vào lưng tôi, nghẹn ngào nói: “Không sao, không sao, không khóc, không khóc.”
Trẻ con như một tờ giấy trắng, bạn dạy nó màu nào thì nó biết màu đó, giáo dục tốt thì sẽ thành đứa trẻ tốt.
Những đứa trẻ ấy đồn với nhau rằng tôi mồ côi ba, mẹ không ở với tôi nữa nên dặn nhau rằng không nhắc đến chuyện này làm tôi buồn. Chúng biết anh Đức Anh là hàng xóm tôi, vì mỗi giờ ra chơi anh ấy đều dẫn bạn xuống chơi với tôi, dẫn tôi cùng đám bạn của mình chơi đủ trò chơi dân gian dưới sân trường.
Lũ trẻ thủ thỉ với tôi rằng: “Có anh thích quá, tớ cũng muốn có anh.”
“Mỗi ngày cậu có anh đưa đón đi học thích thật đấy.”
Cho đến một ngày, anh Đức Anh nghe thấy thằng Huy nói: “Cậu không có ba mẹ nhưng cậu có anh Đức Anh mà, đừng có buồn. Bài nào không biết thì hỏi anh ấy chỉ cho, không thì hỏi tớ này.”
Anh túm cổ thằng nhóc, hỏi nó tại sao nói thế. Khi biết gốc rễ của nguyên nhân, anh vừa bực vừa buồn cười dặn tụi nó: “Bé Tuyết có mẹ nha nhóc, mẹ Tuyết đi làm tối về mà. Bay đồn bậy bạ anh mách cô Thương đấy nhé.”
Bác Thương là chủ nhiệm của chúng tôi, về nhà bác hiền, nhưng trên lớp lại khá nghiêm khắc. Chúng nó nghe đến sợ tái mặt, chẳng dám hó hé câu nào.
Một đứa gan dạ hỏi: “Sao anh biết thế ạ?”
Bạn của anh nhướng mày đáp: “Anh Đức Anh là hàng xóm của bé Tuyết, biết là chuyện bình thường mà, tụi anh cũng biết nữa đó nha.”
Một cô bạn khác của tôi: “Anh cũng là hàng xóm của bạn Tuyết ạ?”
“Không, nhưng anh hay qua xóm Tuyết chơi, vui lắm.”
Những năm tháng của tôi từ ấy có thêm nhiều bạn hơn, nhiều màu sắc hơn. Tuổi thơ tôi bị khuyết một phần, nhưng lại dư thêm rất nhiều phần.
Cơn mưa mùa thu bất chợt đổ ập về, cuốn trôi đi mùa hè rực rỡ cùng ánh bình minh của tôi.
Ba anh chuyển công tác lên Sài Gòn, anh cũng đỗ vào trường chuyên Lê Hồng Phong ở trên đó, cả nhà anh quyết định bán nhà và chuyển đi.
Buổi tối ngày chia tay, tôi nhận được rất nhiều quà.
Ba anh tặng tôi chiếc xe đạp mà bác vừa quay trúng thưởng khi mua nhà. Mẹ anh tặng tôi chiếc cặp mới cùng rất nhiều đồ dùng học tập. Còn anh, ngoại trừ chồng sách vở ngày ngày anh giữ gìn cẩn thận nhường lại cho tôi, anh còn tặng tôi một con vịt nhồi bông to bằng ba gang tay của anh cùng một cuốn nhật ký.
“Mai mốt muốn tâm sự thì kể với mẹ, không thì viết vào đây.”
Tôi tặng cho ba anh một cái móc khóa hình lá cờ Việt Nam, bác nói: “Bác xin nhé, con bé này lớn lên chắc yêu Nước lắm đây.”
Tôi tặng mẹ anh một cái móc khóa có hình cô gái mặc áo dài. Khi mua nó tôi đã nhớ về ngày vào lớp một, bác nắm tay tôi bước vào lớp. Bác Thương rớm rớm nước mắt hôn má tôi, “Bé Tuyết mai mốt xinh gái lắm đây, khéo mà cả đống anh theo đấy chứ.”
Đức Anh bĩu môi: “Thôi, lo học hành cho tử tế, yêu đương chi lỡ hết việc học.”
Anh xòe tay ra, dưới ánh đèn ngoài hiên buổi tối, vành tai anh ửng đỏ thấy rõ, “Anh không có quà hả?”
“Dạ… Em có, nhưng xấu quá, em sợ anh không thích.”
“Cái gì thế?”
Tôi rón rén đưa ra một con chó được đan bằng len. Mẹ dạy tôi móc len, tôi đã chăm chỉ học suốt một tháng trời. Thành quả không thiếu, nhưng cái nào ra hồn thì khó chọn quá.
“Bé Tuyết móc cho anh hả?” Mắt anh sáng tựa sao trời, anh cười, cái răng khểnh dần hiện lên.
Tôi gật đầu. Trông anh nâng niu món quà tôi tặng, tôi cũng dần trở nên tự tin hơn.
Rồi bỗng chốc anh tạt cho tôi một gáo nước lạnh.
“Bé Tuyết biết móc con ngựa luôn, giỏi quá vậy nè.”
“Con chó mà!”
“Ủa?” Anh ngạc nhiên, tay gãi gãi đầu, nhìn đi nhìn lại nó.
Dường như biết mình vừa khiến tôi giận, anh quỳ một chân trước mặt tôi, “Anh cảm ơn nhé, anh sẽ giữ nó thật cẩn thận.”
Chúng tôi ngồi lại ăn với nhau bữa tối cuối cùng, cùng ôn lại những kỷ niệm xưa cũ.
Với gia đình anh, chúng tôi là những người hàng xóm đáng thương và đáng mến. Nhưng với tôi và mẹ, gia đình anh giống như cây cổ thụ bên cạnh cái chòi lợp lá ọt ẹp, rợp bóng mát cho chúng tôi vào những trưa hè oi ả, chắn gió cản mưa vào những hôm trời đổ bão.
Giống như trong truyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng”, ân nhân và kẻ được giúp đỡ phải đến lúc chia ly. Kẻ trên cạn, người dưới nước, chia ly là lẽ thường tình, như suối ở rừng rồi sẽ chảy về biển, rừng ở lại mong ngóng ngày trùng phùng.
Tôi vẫn sống ở đất này đến khi lên lớp 8.
Nơi đây cần được giải tỏa để xây dựng công trình xí nghiệp, Bác Nam chủ trọ được đền bù một món tiền thỏa đáng, đồng ý dọn đi đầu tiên. Chủ đi, trọ cũng mất, chúng tôi buộc phải chuyển đi.
Đứng trước ngôi nhà cũ của anh, lòng tôi trống rỗng. Nhà anh sau khi có chủ mới đã được cải tạo lại, kỷ niệm cứ tan dần, tan dần, rồi biến mất hẳn.
Tôi rời xa khu rừng bình yên kia đến với khu rừng khác. Con chim trong khu rừng cũ có những tán cây to lớn che chở, còn con chim ở khu rừng trọc này chỉ tìm được nơi trú sau khi đôi cánh nó ướt sũng và mỏi nhừ.
2 năm cuối cấp, tôi không ổn một chút nào.
Tôi chuyển đến trường mới, bạn bè xa lạ, đất khách quê người khiến tôi cảm thấy lạc lõng.
“Mẹ mày sắp có chồng mới rồi, hai ông bà già đó mà có con thì mày cũng chỉ là đồ thừa thãi thôi.”
Đám người bắt nạt tôi toàn con nhà giàu, chúng chọn những người không có ai đưa đón, không có chỗ dựa hoặc không có tiếng nói để thỏa mãn thú vui tuổi dậy thì của chúng.
Mẹ tôi quen một người đàn ông hơn mẹ 5 tuổi, ông ấy là bác sĩ bệnh viện đa khoa tỉnh, đối xử rất tốt với bà. Từ ngày có nhận thức tôi chưa thấy bà yêu đương bao giờ, nên thấy bà có chỗ dựa sau những ngày lang thang mệt mỏi, tôi mừng như hái được sao trên trời.
Ông Đức nói sau này là người một nhà cả, có mẹ thì phải có cả ba chứ.
Tưởng chừng khoảng trống trong lòng tôi được lấp đầy, nhưng thật ra nó chỉ là lớp lá mỏng che đi cái bẫy của thợ săn mà thôi.
Mẹ tôi nói chân tôi vừa ngã không tiện đi lại nên nhờ ba đến đón tôi một hôm.
Hôm ấy, trong con hẻm phía sau trường, bọn con gái giữ tay chân tôi lại, một đứa dúi vào miệng tôi một điếu thuốc, một đứa châm lửa. Lửa không chỉ đốt cháy điếu thuốc, khiến làn khói như thuốc độc xộc vào khoang miệng rồi lên mũi tôi, mà lửa còn đốt cháy một phần mái tóc rối bời của tôi.
Tôi chịu không nổi, nôn thốc nôn tháo lên người đứa đối điện. Thằng con trai đó vừa văng những lời khiếm nhã, vừa tát tôi một cái đau điếng. Tôi ngã nhào xuống đất, má đỏ ửng, miệng rách làm máu lem nhem nơi khóe miệng, đầu ong ong một tiếng chói tai.
Trong đôi mắt đỏ hoe hoe của tôi, tôi thấy ông Đức nhìn vào trong hẻm. Mắt tôi và ông giao nhau trong một khắc, rồi ông chợt phóng xe đi mất.
Về đến nhà, tôi thấy ông đứng trước cửa thì chạy lại.
Tôi định hỏi rằng lúc nãy ông không thấy tôi sao?
Tôi rất mong chờ ngày hôm nay, khi ông thấy tôi bị bắt nạt, có lẽ ông sẽ nổi trận lôi đình rồi giáo huấn cho chúng một bài học, giống như ba anh Đức Anh từng dạy dỗ một đứa trẻ trong xóm khi nó nói lời không phải phép với mẹ tôi.
Tôi lại gần thì ông lấy tay che mũi, lùi về sau một hai bước. Tôi đơ người không tiến thêm, những lời chưa kịp nói chắc không cần phải nói nữa.
Chỉ một giây, ông giả vờ xoa xoa mũi rồi vờ nói: “Tự dưng ngứa mũi ghê.”
“Lúc nãy ba thấy con đang nói chuyện với bạn nên ba vòng ra trước cổng đợi, mà hoài không thấy con nên ba về xem thử coi con về chưa.”
Tôi không muốn vạch trần lời nói dối của ông, chỉ cắn răng hỏi một câu, câu hỏi ấy đại diện cho lòng dũng cảm và hy vọng duy nhất tôi dành cho ông.
“Ba… con bị bắt nạt.”
Bình luận
Chưa có bình luận