Chương II:
Còn nhớ như in năm anh mười một tuổi, những ngày tháng vùng quê vốn nghèo lại thêm hạn nặng, những con sống trơ mình ra thấy đáy. Nắng vào trưa gắt như muốn thiêu đỉnh đầu, những bông lúa gần trổ bông cứ vậy úa tàn, không oằn thêm được nữa mà gãy rụng. Nhiều bóng người trên bờ ruộng khô cong, tưới những giọt nước mắt xuống mà chẳng thể cứu vãn thêm được gì. Họ siêu đi và vẫn luôn hồi nổi lên những cơn uất ức không đầu không đuôi.
Và, đó cũng là thời gian gia đình anh đánh dấu những bước thay đổi đầu tiên. Hôm ấy là một trưa nắng hè, cha anh hùng hổ lao ra vườn, hóa rồ xé tan hàng rào tre, rút ra một cây vừa vặn làm roi, chạy vội vào nhà lao đến đánh liên tiếp vào người chị.
Nắng mùa hạ oi ả, tiếng ve kêu não nề, khắp xóm lại văng vẳng tiếng gào khóc dữ dội của chị, tiếng chửi rủa của cha. Mẹ ôm mặt khóc không thành tiếng nơi góc nhà. Cái roi vụt đen đét vào đùi, vào mông, vào lưng, vào tay chị. Chị oằn mình né đòn, che chỗ nọ lại bị vụt chỗ kia.
Đó là một trận đòn ắt phải xảy ra mà tất cả những người trong gia đình anh đều biết. Chỉ là không thể ngờ được nó lại dữ dội, ám ảnh đến thế. Và rồi sau trận đòn đó, cuộc đời chị chính thức rẽ sang một cuộc đời mời, từ bỏ hoàn toàn việc học hành mà đi tìm một công việc nghiêm túc, kiếm ra tiền. Những đòn roi đã quá đau để tiệt đi cái khao khát được hi vọng của chị, những đường lươn in trên da thịt nhói lên như để chị nhớ nghĩa vụ mà chị phải làm.
Trước đó rất lâu, cái hồi chị mới chỉ nghe ngóng qua loa rằng cha muốn cho chị nghỉ học, chị đã có lần tâm sự với anh rằng dù cha không muốn thì chị vẫn sẽ đi. Anh hỏi nếu cha không cho tiền thì chị đi học kiểu gì? Chị bảo học giỏi là có tiền, học giỏi người ta sẽ miễn học phí, được cấp học bổng…
Chẳng phải tự nhiên mà chị nghĩ ra được những điều ấy, chị anh luôn giữ thành tích học giỏi nhất trường, kẻ đứng thứ hai cũng chẳng nghĩ đến cái chuyện đuổi kịp điểm số của chị. Thậm chí ngay cả kinh tế của gia đình anh cũng thua xa trình độ ấy của chị. Học nhiều thì tốn nhiều, tiền nong, sách vở, bút viết, xe cộ, nhất là thời gian.
Nguồn động viên lớn nhất với chị đó là giáo viên chủ nhiệm năm lớp Chín của chị, khi biết chuyện cha có ý định cho chị nghỉ học thì đã thường xuyên đến thăm nhà anh, vì nợ tiền học phí, và cái vì còn lại là để động viên cha cho chị tiếp tục đi học.
Nhưng những lời của cô giáo không chạm được đến cha, mà vốn dĩ dường như trên đời này chẳng còn ai làm được cái chuyện đó.
Lần cuối cùng cô giáo đến nhà anh, đó là một dịp vào tháng Tư, khi phượng đã nở cũng có nghĩa kì thi chuyển cấp sắp đến. Cô giáo hôm bước vào nhà anh với một vẻ cương quyết hơn mọi ngày. Còn cha anh thì vẫn tiếp đón như mọi khi, ông rót nước mời. Cô cảm ơn và bắt đầu liên mồm khuyên giải cha, rằng học hành tương lai sẽ sán lạn thế này thế kia nói mãi không thôi. Cho đến khi cô nhận ra những lời nói đó không có tác dụng với cha thì bắt đầu thấy bực.
“Tôi biết anh coi thường nó vì nó là con gái.” Cô giáo nói.
Cha anh không đáp, chỉ lấy điếu cày ra và rít một hơi.
“Anh phải bỏ cái tính cổ hủ ấy đi.”
“Tôi cổ hủ?”
“Anh trọng nam khinh nữ.”
Chà, anh anh phì khói xuống dưới. “Cô bảo tôi cổ hủ đó là vì tôi có cái tính đó, hay cô biết chắc tôi có cái tính đó vì tôi là thằng nông dân.”
Cô giáo nhíu mày. “Ý anh nói là sao?”
“Tôi chỉ ước cô đến đây với cái lòng tôn trọng như cách cô thể hiện bên ngoài thì tốt biết mấy. Nhưng cô lại đến đây với cái vẻ khệnh khạng bên trong, ngay từ những lần đầu đến đây đã là như vậy rồi. Cô không biết là tôi nhìn rõ ra điều ấy à? Hay cô còn không biết mình là dạng người như thế?”
Cô giáo nhíu mày. “Tôi thực sự không hiểu ý anh là gì.”
“Cô chỉ đang giả vờ là không hiểu.” Cha anh nói. “Cô nói chuyện với tôi có vẻ như lịch sự, nhưng thực ra sau cái vẻ lịch sự ấy là cái suy nghĩ khệnh khạng của một kẻ cho mình là người có học trước một thằng nông dân được cho là thất học. Nhưng tôi nói cho cô biết, ở đây không chỉ mình cô là người có học. Mà ngay cả khi cô có học thì cũng đừng nghĩ mình là một người có tư duy. Tất cả những gì cô biết về tôi đó là một thằng cha nông dân cứng đầu cổ hủ, và cứ thế, khoác lên mình cái bộ dạng trí thức, cô cứ thế thuyết giảng cái suy nghĩ của cô mà cô chắc chắn rằng nó đúng đắn trước một thằng cha nông dân, mà đã là nông dân thì cô cho là chắc chắn cổ hủ cứng đầu. Cô là người có học, nhưng từ khi nào mà cô lại tự tin đến thế với cái suy nghĩ của mình và sự hiểu biết của mình đến vậy? Hay cô chỉ đến đây với tâm thế cô là tri thức còn đám nông dân là vô học?”
Cô giáo ngơ ngác không biết phải nói gì với cha anh.
Cha anh thu lại cốc chè vừa rót cho cô, vẫn còn nguyên và đổ ngược lại trong khay. “Cô đã đến dây biết bao lần, cũng bấy nhiêu lần tôi mời nước cô, nhưng cô chưa bao giờ dám chạm môi vào thứ chè cặn đắng chát của đám nông dân chúng tôi. Và cả phần ghế cô ngồi, lần đầu đến đây cô cũng không chịu được cái ghế bẩn thỉu và mùi hèn hạ của đám nông dân mà phải lót vải, che mũi. Cô làm đứa con gái tôi hổ thẹn đến nỗi dành nguyên một tối để cọ bộ bàn ghế cho thật đẹp đẽ để lần sau cho cô ngồi, nhưng cô vẫn lót vải, che mũi…”
Và đó là lần cuối cùng cô giáo xuống nhà anh, hoàn toàn quên mất mục đích ban đầu mà bị những lời công kích của cha anh làm cho đuối lý và nhục nhã. Còn chị anh, buồn đến nẫu ruột nhưng chẳng thể ca thán một lời. Những ý định của cha là không thể thay đổi.
Đến ngày thi chuyển cấp, buổi sáng hôm ấy chị ăn mặc chỉnh tề, cắp cặp ra giữa nhà nhìn cha và chờ đợi. Để rồi những hi vọng ấy bị chôn vùi trong cái ngoảnh mặt làm ngơ. Thi thì cứ đi chứ đừng có đòi học hành gì, cha anh đã nói như vậy với chị.
Anh tiễn chị ra tận đầu làng để chị đi ké với một người bạn khác để đến điểm thi. Chị nói nếu thi đỗ, đạt thứ hạng cao kiểu gì cha cũng thay đổi suy nghĩ. Và chị rời đi với một cái vẫy tay dài, cùng nụ cười trên khóe môi. Và dường như, với anh, đó là nụ cười hồn nhiên cuối cùng của đời chị.
Ngày nhận giấy báo đỗ trúng tuyển, chị nằm trong tốp mười người có điểm thi cao nhất của trường cấp Ba đó. Đã vui mừng biết bao nhiêu, đến nỗi vội mang ra khoe với cha đang dựng hàng rào tre trước vườn, nhưng rồi sầu não, thất vọng bấy nhiêu khi chỉ nhận được một ánh mắt thờ ơ, một nụ cười cho có lệ…
Nửa tháng sau, trong bữa cơm chiều chị thông báo với cả nhà rằng đã kiếm được việc làm. Một xưởng nội thất dưới huyện cần người đánh bóng những bộ bàn ghế gỗ. Cha anh không nói gì, còn mẹ anh thì chỉ cúi đầu.
Đó là một lời nói dối của chị ấy, một lời nói dối mà mọi người đã biết ngoại trừ cha anh. Nguyên nhân bắt đầu từ cô giáo chủ nhiệm vừa rồi của chị, có lẽ chính cô cũng nhận ra những lời công kích của cha anh chẳng liên quan gì đến ý định giúp chị đi học, nên cô đã quyết định cho chị vay tiền để tiếp tục học cấp Ba, còn khuyên chị cứ tiếp tục đi học mà không cần hỏi ý kiến cha. Một lời khuyên mang nặng tính thù hằn mà đứa trẻ ngây thơ khi ấy không hề hiểu đến. Chị chỉ nghĩ sẽ tạm thời cứ che dấu việc đi học bằng một công việc dưới huyện, ngay gần trường cấp Ba chị học. Chị nghĩ sớm muộn gì cũng thuyết phục được cha, nên chị đã nói cho mọi người trong gia đình biết để ủng hộ chị, cả nhà không ai nói gì, vì biết nó xuẩn đến mức sớm muộn gì chuyện ấy cũng bị lộ tẩy.
Và rồi chuyện gì đến cũng sẽ phải đến. Buổi trưa hôm đó cha biết chuyện, ông lôi chị ra giữa nhà để hỏi, những lời lẽ cay nghiệt. Và cũng vì đó, những uất ức vốn đã kìm nén suốt bao năm, từ những hi vọng nhỏ nhoi, niềm tin đã vỡ, đã không ngừng trào ra để hơn thua với cha, chị anh, đứng dậy cao ngang cha, lần đầu tiên to tiếng với những lý lẽ dường như đã thuộc làu làu, không vấp đến một chữ, để chống lại cha anh. Và, cứ đánh chết nó đi, hàng xóm chen ngang vào, mẹ anh liền chạy vội ra đóng hết cửa rả. Còn cha anh, không thể chấp được những sự bất kính ấy mà đã dã một trận đòn không thể nào ám ảnh hơn.
Sau hôm đó chị bỏ học, đi tìm việc làm.
Đó là một ngắt đoạn đột ngột trong cuộc đời khiến chị gần như không kịp thích nghi, khiến một tâm hồn cỏn con nhỏ bé dần bị méo mó, và đến khi thích nghi được thì cái sự méo mó đã hoàn thiện xong mất rồi. Chị ít nói đi hẳn, nhất là với cha anh. Hai người bọn họ nói chuyện dần trở nên vô cảm với nhau ở mức độ đủ khiến mẹ anh đau nhói trong tim. Có điều đến chính anh cũng chẳng thể đoán được, đó là chính mối quan hệ giữa anh và chị cũng trở nên xấu đi, dù anh chẳng liên quan gì đến chuyện đó.
Mỗi đêm khi anh học bài, chị dường như không chịu được ánh đèn bàn học mà cứ gắt lên không ngừng. Rồi chị nhăn mặt lên khi thấy điểm của anh chỉ được bảy hoặc tám. Chị ca thán rồi nạt nộ cái chuyện chị đã hi sinh việc học không phải để anh chỉ được bằng đấy điểm, vậy nhưng lại từ chối mọi lời nhờ vả chỉ dạy bài tập của anh, mà thay vào đó là câu chê trách rằng có thế không biết là kém cỏi, ngu ngốc…
Và rồi cái ngày gia đình biết anh bỏ học để theo đuổi con đường âm nhạc. Chị đã lập tức khăn gói lên Hà Nội, tìm đến thẳng phòng anh. Cái ngày khiến chị sụp đổ dường như đã sụp đổ một lần nữa, những uất ức theo đó vỡ tan ra trong căn phòng nhỏ. Đầu tiên chị khóc, rồi chị điên, chị cấu xé tất cả những cuốn sách trên mặt bàn, hất tung mọi bản nhạc trên giường. Rồi chị đánh anh, vừa đánh vừa bật khóc đến đáng thương…
“Mày đùa tao à?” Chị cau có đáp ngay khi anh vừa nhắc đến chuyện có một cơ hội tham gia vào ban nhạc Lucky Chop. Và ngay sau đó, không hề muốn nghe thêm bất cứ lời nào nữa, mà vẫn luôn cho rằng cái đam mê của anh chỉ là một thứ trò chơi của trẻ con để lấp liếm đi những thất bại của cuộc đời. Rồi chị rời khỏi sân thượng, để lại anh không ngừng băn khoăn.
Thành thực mà nói, anh cũng hiểu trách nhiệm của bản thân với gia đình này, dù rằng nó mang nặng tính xã hội hơn là về mặt tình cảm. Nhưng anh không biết liệu trở về dịp tết này có thể hiện trách nhiệm của bản thân hay không khi anh và cha anh vẫn còn tồn tại những xích mích cũ. Và có thể lắm chứ cái xích mích ấy sẽ bị đẩy lên đến căng thẳng một lần nữa vào dịp Tết này, một thời điểm quan trọng đối với mẹ anh với những hi vọng được phình to đến nỗi anh sợ nó phát nổ. Và anh hiểu những hi vọng ấy vỡ vụn ra sẽ khiến người ta suy kiệt đến mức nào, nhất là từ những người mà ta tin tưởng nhất. Trong khi đó anh cũng băn khoăn về cái ban nhạc anh có thể tham gia, một ban nhạc lớn, có thể sự nghiệp của anh sẽ cất cánh từ đây, thoát khỏi cuộc sống chật vật, nhưng tham gia bây giờ là tội lỗi, rõ ràng như một thái độ sống lạnh lùng vô cảm mà thời nay người ta không ngừng lên án nhưng cũng không ngừng thực hiện. Nếu anh chọn ở lại, để những xích mích dừng lại ở những xích mích, và cuộc đời anh tiến sâu thêm một bước thì liệu ai có thể hiểu được cho anh không? Nhưng nếu anh chọn trở về, mặc cho những nỗi xích mích thêm phần căng thẳng, nhưng anh sẽ tốn nhiều năm hơn nữa để có được một cơ hội thế này thì khi đó cha anh sẽ suy nghĩ về anh như thế nào? Nhất là khi mẹ anh không còn. Có thể là những xích mích sẽ trở nên chai sạn không bao giờ có thể hàn gắn, dù rằng nếu mẹ anh không còn thì anh cũng chẳng cần làm thế.
Anh không chọn được, vì mẹ anh. Và anh biết nếu mình chọn theo cái cách nào thì anh cũng sẽ cảm thấy một nỗi bất mát, bất hạnh, tội lỗi và khốn cùng cả.
Anh còn đứng đó, ngơ ngác, thì mẹ anh đi lên, tay cầm một chậu quần áo vừa được giặt bằng tay. Anh chạy vội lại giúp đỡ thì bị gàn, ‘Đồ của con bé Diễm đấy’, mẹ xua anh đi.
“Con bé ấy không có cha mẹ phải không?” Mẹ hỏi anh.
“Không có.” Anh nói. “Con chỉ biết là không có.”
“Hai đứa không quan tâm gì đến nhau à?”
“Bọn con không thích kể. Toàn chuyện sầu não… toàn đứa sầu não.”
Mẹ vắt khô những chiếc áo của Diễm rồi treo lên móc.
“Thế chuyện sáng nay thế nào rồi?” Mẹ hỏi.
“Mẹ biết ạ?” Anh ngạc nhiên, nhưng rồi cũng hiểu ra có lẽ Diễm đã kể. “Cũng chẳng ra đâu, ông ấy bảo con cũng có chút tài… nhưng nếu cố gắng thêm thì, cũng được.”
Cái giọng ấp úng của anh có lẽ cũng không qua được mắt mẹ, bà chỉ hơi nhếch môi lên cười. Cuối cùng khi phơi xong chậu đồ mẹ lại bảo anh ở lại đi.
“Sao ạ?” Anh ngạc nhiên hỏi.
“Sao chăng gì, Tết này ở lại đây đi, cố gắng mà theo đuổi cái ban nhạc kia.”
“Mẹ không muốn con về ạ?”
“Về để làm gì?” Mẹ nhìn anh, ánh mắt muộn phiền. “Nếu anh về vì tôi thì anh đừng nên về. Giải quyết được điều gì? Còn nếu anh biết nghĩ thì về mà xin lỗi cha anh.”
Anh ngoảnh mặt đi. “Con xin lỗi rồi đấy chứ.”
“Đấy là anh chưa thành khẩn.”
Anh cúi đầu, thở dài một nỗi phiền muộn. “Con cũng chẳng biết mình có lỗi gì nữa. Nhiều khi con nghĩ đây là cuộc đời của riêng con, nên những quyết định cũng phải thuộc về riêng con. Con cũng tự hiểu nếu làm như vậy thì phải tự gánh lấy hậu quả, và bấy lâu nay con cũng tự gánh lấy hậu quả… Con biết mình sai cái gì đó, có thể là mơ mộng, nhưng con không xòe tay xin tiền nhà mình một đồng, cũng không than vãn lấy một câu, thế thì con không sai. Con cũng không muốn xin lỗi…”
Mẹ nhìn anh rất lâu, một khuôn mặt không lộ cảm xúc gì. “Anh lên đây bôn ba mấy năm rồi, thế anh xin lỗi ai chưa?”
“Nhiều rồi…”
“Vậy sao xin lỗi người nhà lại khó với anh vậy?”
Anh cúi đầu im lặng. Còn mẹ thì vẫn luôn chờ đợi, đứng đó mãi thôi, cho đến khi những nỗi thất vọng ngấm ngầm đầu độc lấy khuôn mặt bà, mẹ anh mới cầm chậu rời xuống. “Nếu anh nghĩ thế thì đúng là anh nên ở lại, nếu về chỉ thêm loạn.”
“Nếu mẹ muốn thì con sẽ về.” Anh nói với theo.
Mẹ anh chỉ liếc mắt nhìn anh nhưng không đáp và đi xuống. Và mẹ cùng chị về quê ngay chiều hôm đó, không ai nói gì thêm về chuyện anh có về quê không ngay cả chị anh, dường như chị ấy đã bị mẹ anh bắt im. Nhưng trước khi lên xe, chị vẫn cảnh cáo anh một lần cuối rằng đừng có nghĩ đến cái chuyện ở lại trong Tết này. Anh chỉ nói anh chưa quyết định.
“Tớ nghĩ cậu nên về.” Diễm nói. “Họ đã lên đây tìm cậu.”
Chiếc xe rời đi, và cả hai đều quay lưng về phòng.
“Tham gia vào ban nhạc ấy là một cơ hội lớn nhất từ trước đến giờ của tớ.” Anh nói. “Cậu hiểu rồi chứ? Tớ không muốn chết dãy ở cái ga tàu thêm nữa.”
“Mới hai năm, đâu phải quá dài.”
“Với tớ thì nó là quá dài rồi… Thậm chí đến bây giờ một ngày thôi cũng là quá đủ. Tớ không thể nào đứng ở cái ga tàu ấy thêm một lúc nào nữa. Tớ sẽ sốt ruột rồi nổi điên lên đấm hết đám người cứ nhìn tớ như một thằng vô công rồi nghề… dù thực tế có phần như vậy.”
Sáng hôm sau, anh cầm đàn đến quán café theo đúng lịch hẹn. Ở đó đã có sẵn vài con người ngồi quây quanh quầy pha chế để chờ đợi. Anh bước vào, những giọng vẫn còn ngọng tiếng Việt bỗng dừng lại, tất cả đều hướng mắt ra nihnf anh. Năm người bọn họ: ông chủ quán; một gã da đen vạm vỡ, đầu trọc lóc, cao chừng gần một mét chín ngồi trong cùng; một anh chàng tóc xù, béo ục ịch, tạng người Bắc Âu; một gã trông như người Anh, nét mặt và dáng người giống hệt David Degea, có râu quai nón và tóc vàng; cuối cùng là một cô gái người Việt, ngồi tách biệt hoàn toàn với ba gã còn lại, áo croptop và chân váy ngắn, khoác hờ một chiếc áo da màu đen trong tiết trời lạnh lẽo này, dưới eo còn săm hình một loài động vật mà anh nhìn qua có lẽ là một con cá mập hổ cát.
“Trông trẻ con hơn tôi nghĩ.” Râu quai nón liếc mắt ra ông chủ quán hoài nghi. “Có đúng là hai hai tuổi không vậy? Chúng tôi không nhận trẻ vị thành niên đâu. Một là quá đủ rồi.”
Cô gái đầy cá tính kia liếc mắt đến râu quai nón rồi quay mặt về chiếc điện thoại, quyết định ngó lơ mọi chuyện.
“Tôi thực sự hai hai.” Anh nói và rút thẻ căn cước từ trong ví ra đưa cho râu quai nón. Anh ta cầm lên đối chiếu, nhìn ngó một hồi rồi đưa cho anh chàng da đen to con đang hóng hớt ngó mặt ra nhìn. Chàng ta cũng đối chiếu, rồi xoa quả đầu trọc:
“Người châu Á lạ thật, tôi hai sáu mà ở đây người ta cứ nói bốn mươi.”
Râu quai nón mời anh ngồi ở chiếc ghế trước mặt họ, còn thiết đãi một ly café trứng. Rồi anh ta lôi điện thoại ra xem và hỏi: “Tôi đã xem qua hồ sơ của cậu gửi, cũng không quá tệ. Vậy để tôi xác minh lại một lần nữa nhé? Cậu biết chơi guitar, biết hát cả Anh lẫn Việt, biết sáng tác. Hai năm qua đang là nghệ sĩ đường phố?”
Anh gật đầu. “Vâng, tôi đang cố theo đuổi đam mê này.”
“Mới có hai năm mà sáng tác được mấy chục bài thế này thì hơi nhiều nhỉ?”
“Tôi bắt đầu sáng tác từ năm cấp Hai, khi ấy anh trai tôi tặng tôi một cây guitar, từ đó tôi có điều kiện để sáng tác.”
Râu quai nón bĩu môi. “Cấp Hai đã sáng tác nhạc thì cũng ghê nhỉ. Nhưng chưa bài nào của cậu được nổi tiếng?”
“Chưa.”
“Cậu có viết trong hồ sơ là vào được đến vòng sơ loại của mấy cuộc thi ca hát à? Thế sao cậu lại bị loại?”
“Họ cần nhiều hơn là tài năng. Ngoại hình, khả năng trình diễn trên sân khấu, một điểm mạnh cụ thể, nổi bật… Mà tôi trước giờ chỉ cố gắng phát triển đều ba kĩ năng đàn, hát và sáng tác. Đại loại là như vậy.”
“Vậy là chưa đạt được dấu mốc gì.” Anh ta tắt điện thoại.
Râu quai nón xoa cằm nghĩ ngợi, rồi thì thầm điều gì đó với anh chàng béo tóc xù bên cạnh. Hai người bọn họ cười trong sự tò mò của anh. Chàng béo dường như đã quen với chuyện này liền dơ tay ra hiệu cho anh cứ bình tĩnh. Còn riêng cô gái cá tính ngồi tách biệt ở kia, dường như đã khó chịu nãy giờ bỗng lên tiếng cằn nhằn râu quai nón:
“Cái ban nhạc quèn bày đặt phỏng vấn như tập đoàn lớn. Bảo anh ta đàn đến đâu cho xong đi. Đừng có rách việc.”
Râu quai nón cười trừ một lát, rồi quay mặt về phía anh chỉ đạo cho anh hát.
“Anh muốn tôi chơi bài nào?”
“Tùy cậu.”
“Vậy tôi sẽ hát một bài tôi sáng tác.” Anh nói. “Bài này tôi thích nhất.”
Râu quai nón chống cằm nhìn anh không đáp, mấy người còn lại cũng chăm chú nhìn, cô gái cũng liếc mắt ra. Anh đứng giữa quán, chỉnh lại dây đàn cho thật chuẩn chỉ, rồi bắt đầu đánh, những nốt đầu tiên vang lên. Râu quai nón bỗng quay ra không còn cười nhạt với tóc xù nữa, ánh mắt tập trung hơn vào cây đàn của anh. Và ngay cả cô gái cá tính kia cũng quay mặt nhìn ra.
Một bản dạo đầu dài, và anh bắt đầu hát, mang theo một nỗi sầu muộn khó tả như những gì giai điệu của bài nhạc mang lại. Anh dần nhìn vào mông lung, không còn tập trung vào ai trong số họ. Những câu hát sầu nặng, bốn câu hát duy nhất, không phải từ chính anh sáng tác ra.
Và rồi khi những nốt cuối cùng rơi xuống, căn phòng chìm sâu vào im lặng. Không ai vỗ tay hay hưởng ứng, chỉ một nỗi ưu tư đậm đặc. Anh đã dừng hát nhưng mãi không có một ai lên tiếng, ngoại trừ cô gái cá tính, cô ta đầy nhạc nhiên hỏi anh:
“Anh sáng tác bài này à? Hay đạo nhái ở đâu đấy?”
“Tôi phổ nhạc, lời từ một bài thơ của bạn thôi.”
Mắt cô ta gần như sáng lên ngay lập tức. “Bài thơ đấy là của bạn anh à? Thật không? Cô ta tên gì?”
Diễm, anh nói.
“Chà.” Cô ta cười khoái chí. “Hóa ra thành phố này cũng nhỏ bé quá thể. Tôi biết bạn anh đấy, nhưng lâu quá rồi không gặp. Khi nào anh gặp lại bạn anh thì gửi lời hỏi thăm hộ tôi nhé, cứ bảo một người tên Liên gửi lời hỏi thăm là được. Chị ta giờ sống sao?”
“Vẫn ổn… đang theo đuổi nghề viết.”
Cô ta gần như không vui khi nghe đến câu đó. Rồi râu quai nón cắt ngang câu chuyện bằng một cái đập tay thật mạnh, gọi anh lại và vỗ mạnh vào vai anh.
“Được đấy. Chúng tôi sẽ nhận cậu.” Râu quai nón nói.
“Quá tuyệt, để cậu ấy dự bị cho Liên, phòng khi Liên dở chứng.” Tóc xù nói.
“Chúng tôi sẽ nhận cậu.” Râu quai nón đẩy chàng béo ra sau. “Chúng tôi đang thiếu một tay guitar có trình độ. Nói thật cậu đàn thì tạm ổn thôi, nhưng sáng tác và giọng của cậu bù đắp vào đấy là rất tốt. Để tôi phổ biến lịch trình trong Tết này cho cậu nhé. Đêm giao thừa và năm buổi tối đầu năm.”
Anh chần chừ nhưng rồi vẫn hỏi: “Tôi có thể vắng mặt đêm giao thừa được không? Tôi có chút việc phải về quê.”
Nụ cười trên mặt râu quai nón liền tắt nhúm. Còn cô gái thì liếc mắt ra.
“Cậu không phải ngôi sao.” Râu quai nón nói. “Cậu còn chưa chính thức làm việc mà đã đòi hỏi nghỉ một ngày quan trọng nhất là sao? Nên nhớ chúng tôi cần tuyển người gấp thì mới cần cậu, nếu không ra Tết chúng tôi có thể kiếm được một mớ những gã có tài guitar hơn cậu cả trăm lần.”
“Tôi biết, vậy là không được nhỉ.”
“Chúng tôi sẽ trả cho anh ít nhất ba triệu vào đêm giao thừa.” Cô gái quay mặt ra nói như muốn níu giữ anh lại. “Năm ngày tiếp theo đều đặn sẽ là hai triệu rưỡi. Chỉ năm ngày thôi anh cũng kiếm được kha khá so với cái nghề ‘biểu diễn đường phố’ của anh rồi.”
Anh gần như bị đánh gục ngay lập tức với số tiền mà anh mất hai tháng trời mới kiếm ra được. Nhưng anh không vội quyết định ngay mà chỉ nuốt nước bọt, hay tay bứt rứt rối lại với nhau. Số tiền đó có lẽ sẽ giúp đỡ được một khoản viện phí, thuốc men cho mẹ anh, dù rằng không quá nhiều nhưng cũng chẳng nhỏ đối với anh. Và cơ hội đang ngay trước mắt anh, nhất là khi họ đang muốn giữ anh lại.
“Được,” anh hít một hơi thật sâu và dứt khoát. “Tôi sẽ ở lại. Tôi sẽ không về quê nữa.”
Râu quai nón niềm nở trở lại và vỗ vào vai anh, còn cô gái thì dường như đã xong nhiệm vụ liền quay đi.
“Vậy để tôi giới thiệu các thành viên trong ban nhạc để dễ nói chuyện.” Râu quai nón nói. “Tôi tên David, người Anh, chơi saxophone. Chàng da đen bốn mươi tuổi kia là Simon, chơi trống, linh hồn của ban nhạc. Còn Lucas chơi guitar bass. Liên thì hát chính… thi thoảng cô ấy tự nhận là quản lý ban nhạc. Chúng tôi có một studio nho nhỏ ở nhà cô ấy. Nếu cậu thì thì bây giờ cô ấy sẽ dẫn cậu đến đó xem qua.”
Liên quay ngoắt ra gắt lên: “Tôi đếch phải con hầu!”
David cười nhạt gật đầu cho xông chuyện rồi liền gọi mấy chai bia ở ngay trong quán café. Ông chủ quán liền chạy vào trong nhà lấy ra vài chai bia lẫn lộn chủng loại dường như không phải dành để bán. Thế là lâm trận, đàn ông có hơi men dễ nói chuyện và gần như chỉ trong một trận bia mà anh đã như thân thiết với những gã trong ban nhạc. Riêng cô gái cá tính kia thì về ngay sau đó, nhưng trước khi về cô ta dặn lại anh nhớ chuyển lời đến Diễm hộ cô ta. Một người kì quặc.
Bình luận
Chưa có bình luận