Chương 12


Nhân nói đến thằng Vừng, cậu mợ thương nó lắm. Vì ngày xưa ba má nó cũng vứt bỏ nó ở cái rạp nào đó mà đoàn Thủ Đô của cậu mợ đang diễn, lúc đó cậu mợ sắp làm đám cưới. Đoàn đương tập kịch thì nghe tiếng nó khóc, mợ sốt ruột chạy đi tìm thì thấy thằng nhỏ đứng co ro trong góc khóc ở cái kho đạo cụ. Cũng không biết nó bao nhiêu tuổi. Dẫn đi bác sĩ thì họ bảo chắc tầm bảy tám tuổi gì đó. Cậu mợ đem nó về nuôi luôn từ đó, đặt tên Vừng là vì nó dị ứng với mè, nên kêu vậy để nhớ. Mợ cũng có ý định cho nó đi học với chúng bạn, nhưng lúc đó kinh tế còn khó khăn, với lại không có khai sanh đâu có được đi học, nên đành để nó ở nhà trông nhà. Nó càng lớn thì sự nghiệp của mợ càng lên, rồi sau này cậu mợ lập đoàn riêng, có rạp riêng, đâm ra bận rộn việc sân khấu cũng quên mất phải chăm cho nó. Đêm nay nghe nó đòi trông thằng Trường mợ mới chợt nhớ ra chuyện lúc trước. 


Mợ nói nó về phòng để có chuyện riêng cần bàn với cậu. Thằng Vừng nghe lời.


"Cậu… Có chuyện này mấy năm nay.. tôi thật tệ, lại quên mất…", mợ khều cậu, nói nhỏ, "chuyện thằng Vừng".


Cậu cũng hợp tác, nói nhỏ với mợ, "mợ muốn sao?"


"Tôi lúc trước có ý định cho thằng nhỏ đi học, mà không có khai sanh nên không đi được. Giờ nó cũng cỡ mười tuổi rồi, chắc phải tính cho nó lên trường chứ…", mợ nói.


"Vậy để tôi nhờ thầy Hai làm cho nó cái giấy khai sanh…"


"Phải hỏi ý nó đã, nhưng tôi muốn bàn trước với mình vì tôi sợ mình không chịu nhận con nuôi" 


"Mợ sao... Vừng ơi!", cậu gọi lớn


Thằng Vừng phi từ trong phòng đi ra. Thằng nhỏ còn bé vậy mà lanh lợi, lại khéo tay. Cũng phải, hễ con nhà nghèo thì thường lớn và hiểu chuyện nhanh hơn con nhà giàu. Tụi nhỏ chắc biết rằng đời nó chỉ phụ thuộc vào bản thân nó mà thôi. 


"Dạ, cậu mợ gọi con", chưa thấy mặt đã nghe tiếng nó nói.


Trong căn nhà của cậu mợ có một căn bếp thường để mợ nấu và một căn bếp để thằng Vừng nấu. Khác nhau ở chỗ, bên bếp thằng Vừng chỉ có trà túi với nước trong cái bình phích nhỏ mà nó không bao giờ mở ra được. Nó cũng không được phép đi qua cái bếp lớn của mợ, chỉ quanh quẩn khắp nơi trong nhà, vườn, và cái bếp của nó. Khách tới thì nó phải bưng cái bình phích nhỏ đó lên cho khách, vì ly tách và ấm hay hộp trà sấy khô đã được đặt sẵn dưới bàn rồi. Nó thường hay nghĩ chắc cậu mợ ghét nó lắm, nên biết nó thích nấu ăn và thích ăn mà không bao giờ cho nó qua bếp chính. 


Thằng Vừng chạy tới trước mặt cậu mợ, đứng thở một hồi. Từ phòng nó ra phòng khách này không xa, nhưng con nít mà, cứ thích tung tăng nhảy nhót như vậy đó. 


"Con đứng yên nghe cậu hỏi cái này, suy nghĩ kỹ rồi cho cho cậu biết", cậu kéo nó đứng xích về phía cậu.


"Dạ, cậu", thằng Vừng nghiêm nghị trả lời.


"Cậu mợ định sẽ cho con đi học", cậu nói nửa chừng rồi ngưng lại, chờ cho nó phản ứng.


"Thiệt hả cậu?", mắt nó sáng lên, rồi quay sang mợ, "thiệt hả mợ?"


"Cậu nói thật đó. Con thích đi học không?", mợ hỏi.


"Dạ thích!", nó đáp nhanh gọn rồi nhảy tưng tưng reo hò, xong nó khựng lại, "mà hồi đó mợ cũng tính cho con đi học mà có được đâu, người ta đòi khai sanh, con đâu có…", mặt nó ỉu xìu.


"Thì ngày mai cậu sẽ nhờ thầy Hai làm cho con một cái. Ngày trước tại mợ con chưa lấy chồng, xin cái giấy đó không tiện…", cậu cắt nghĩa cho nó hiểu


"Vậy là kì này con được đi học chắc chắn hả cậu?"


"Ừ!", cậu trả lời nó, "mà phải có hai điều kiện, con bằng lòng không?"


"Dạ! Miễn cậu mợ cho con ở chung nhà đừng đuổi con đi là con chịu hết! Chứ cậu mợ đuổi con đi thì thà con chịu dốt cả đời…", mặt nó tí tởn.


"Ờ thì đương nhiên là cậu mợ sẽ không đuổi con ra khỏi nhà… nhưng mà cái chuyện này hơi khó nói…", mợ nói.


"Rồi, con biết rồi", thằng Vừng ngồi bệt xuống đất.


"Chưa gì hết, con đứng lên nghe cậu nói. Không chắc có lợi cho con nhưng sẽ không làm hại con", cậu kéo nó đứng dậy, "làm khai sinh thì phải có ba có mẹ, cậu mợ tính tìm ba mẹ cho con" 


"Đó… thấy chưa… vậy là cậu mợ muốn đuổi con đi rồi!", nó bắt đầu khóc.


"Thôi mà, sao cậu kì quá! Nói đại cho thằng nhỏ biết đi!", mợ thấy thằng nhỏ khóc mà sốt ruột, quay ra cằn nhằn cậu.


"Ờ thôi, không chọc con nữa. Bây giờ cậu mợ muốn nhận con làm con nuôi mà có giấy tờ hẳn hòi. Con mang họ cậu, cậu mợ sẽ đặt cho con cái tên. Tháng chín này cho con lên trường lớp học với các bạn. Con thấy sao?", cậu trút một hơi nói thẳng, cảm giác như tim của cậu đập nhanh tới nỗi sắp bay ra khỏi lồng ngực.


"Cậu mợ nhận con làm con… thiệt hả cậu mợ? Vậy con có được gọi cậu mợ là ba mẹ không?", thằng Vừng gãi đầu, không giấu được nét hớn hở trên khuôn mặt. 


"Được chứ!", mợ đáp nhanh lẹ, đặng còn nghe câu trả lời chính thức từ thằng nhỏ, "mà đó cũng là điều kiện thứ nhứt"


"Dạ con chịu!!! Vậy cậu mợ có mua quần áo mới cho con không?", nó hỏi lại.


"Trời ơi cái thằng này!", cậu nói lớn, "chứ quần áo hồi tháng trước cậu mợ dẫn con đi mua đâu? Tôi nhớ tôi đâu có bạc đãi cậu, quần áo giày dép mua cũng toàn là hàng xịn. Ai đi ngang nghe cậu nói vậy, tưởng chúng tôi làm bộ nhân nghĩa phải mệt không?", cậu càm ràm.


"Cậu sao… kì", mợ nhằn lại cậu.


"Không dẫn con đi mua quần áo, làm sao con khoe được với mọi người là con có ba mẹ…", thằng Vừng nói lí nhí trong miệng, nửa muốn cậu mợ hiểu, nửa thì sợ cậu mợ nghe lại la.


"À! Được, vậy khi nào giấy tờ xong xuôi thì đi!", cậu đập đùi.


"Con cám ơn!", nó nhảy cẫng lên vui lắm. Cậu kéo nó lại ôm nó vào lòng. Trước đây không phải là chưa từng ôm nó, cậu mợ vẫn ôm nó suốt, thường là trước khi nó đi về phòng ngủ. Mà sao cái ôm hôm nay lại lạ quá. Như thể có những đường ống xuyên thẳng từ tim cậu đến tim nó, nối liền thành một đường cao tốc cho cái thứ tình cảm mới mẻ kia trao đổi nhanh hơn. 


"Rồi sao… thả thằng nhỏ ra để còn nói tiếp điều kiện thứ nhì chứ?", mợ nghiêm mặt.

Cậu cũng bỏ thằng nhỏ ra, dựng nó đứng ngay ngắn trước mặt mợ, cậu giành thằng Trường từ tay mợ. Thằng Vừng thì vẫn vui lắm, nó cứ cười miết.


"Nếu con muốn đi học, con phải hứa rằng con sẽ học hành chăm chỉ, không bỏ học đi chơi, con nhớ chưa?" 


"Dạ, con nhớ!", thằng Vừng trả lời, tự nhiên nó nước mắt rưng rưng, "té ra nào giờ con không được vô bếp lớn, con không được nấu ăn là tại cậu mợ thương con. Vậy mà con cứ buồn cậu mợ", nó ngoạc mồm ra khóc tu tu.


"Thôi, giờ con biết rồi…", mợ an ủi nó.


Thằng Vừng quẹt nước mắt, "vậy khi nào con mới được gọi cậu mợ là ba mẹ?", mắt nó lại sáng lên. Thằng nhỏ bữa nay được phen thử nghiệm cảm xúc với vợ chồng kịch sĩ có tiếng nhất nhì Sài Gòn, mắt cứ sụp rồi sáng. 


"Tùy ý con", mợ nói, "rồi còn phải chọn cái tên nữa. Con thích tên nào?"


"Ba mẹ đặt tên nào, con thích tên đó!", nó trả lời nhanh gọn.


Cậu mợ nhìn nhau cười, thằng nhỏ bắt nhịp nhanh thật. Mợ nói mợ đã đặt tên cho nó ở nhà là Vừng, thì giờ tới lượt cậu đặt cho nó cái tên đi học. Cậu nói đời nó khổ nhiều, thôi đặt tên Phúc, mong cho sau này đời nó vui vẻ hơn. Chọn luôn ngày hôm nay của mười năm trước là ngày sinh nó. Mợ lại nói, anh là Vừng thì đặt em là Lạc cho có cặp. Cậu cũng cười mà đồng ý. Vậy ra, một ngày mà hai ông mà chào đón tận hai cậu con trai. Cái thứ hạnh phúc hiếm hoi mong manh mà năm ngoái mợ còn sợ bị cắt đứt sau cái ngày mà mợ cho là huy hoàng đó, đang từ từ ôm ấp lấy cái mái gia đình nhỏ của cậu mợ. Năm ngoái ai cũng cho việc cậu bị bắt là một điều sỉ nhục với rạp, là một đả kích lớn với mợ. Riêng mợ, mợ nghĩ ngày đó là một ngày rực rỡ, bởi cũng nhờ cái ngày đó, mợ mới biết được chỗ đứng của cậu mợ trong lòng khán giả, cho dù rằng tình hình sân khấu đang không mấy khả quan.



0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout