Chương 2


  • Đây là khu vực bọn cá bay phải không?
  • Đúng thế.

Sau khi nắm được toàn bộ thông tin tôi có, Sơn quyết định tổ chức một chuyến đi thực tế vào sáng sớm nay. Hiện, chúng tôi đang dừng bên con sông cạnh làng. Nếu ngôi làng này tồn tại ngoài thực tế, thì có thể xem là một bức tranh làng quê hữu tình. Có lũy tre xanh, có ruộng lúa cò bay mỏi cánh, có giếng nước sân đình, ven làng còn có khu chợ quê trên bến dưới thuyền.

Bến đò này sẽ đẹp hơn nếu không có mấy con cá không chịu yên phận bơi dưới nước. Đã không chịu bơi dưới nước lại còn không chịu giữ nguyên kích thước đã đăng ký với Mẹ thiên nhiên. Chúng nó có thể nuốt trọn một con trâu. MỘT CON TRÂU. Lần đầu thấy chúng, tôi đột nhiên có ảo giác nếu sảy chân ngã xuống sông để chúng đớp được, thì mình có thể tìm thấy thằng nhóc người gỗ ham chơi.

  • Ở khu này, tập tính của bọn cá là gì?

Chúng sẽ thỉnh thoảng xuất hiện ra từ trong mây mù, lao đến nuốt những thứ đang động đậy trên mặt nước. Hễ chúng nuốt được thì lòng sông sẽ lại mở rộng hơn.

  • Đặc tính mở rộng lãnh thổ giống bọn lá mạ à? Vậy cô đã xử lý chúng ra sao rồi?
  • Tôi phát hiện ra nếu kéo chúng xuống nước thì chúng sẽ trở về hình thái như ngoài thực tế. Nên đầu tiên tôi lừa chúng nuốt đá tảng. Nhưng chỉ lừa được khoảng sáu con. Về sau tôi buộc đá ở một đầu, quăng dây trói chúng vào đá rồi đẩy cả cá cả đá xuống sông.

Sơn nhìn quanh bờ sông, đoạn hỏi:

  • Đá cô lấy ở đâu?
  • Ban đầu thì tôi gom mấy cái cối đá quanh làng. Về sau hết cối đá tôi lấy bia mộ.

Sơn nhìn tôi, dường như tâm trí anh ta đang trải qua một cuộc cách mạng gì đó to lớn lắm, mãi sau anh ta mới khẽ run giọng mà hỏi:

  • Cô không cảm thấy có rào cản đạo đức gì đối với việc đó sao? – như sợ tôi chưa hiểu “việc đó” là việc gì, anh ta vội chú thích thêm – Việc nhổ bia mộ của người ta đó.

Tôi phì cười phẩy tay:

  • Nơi đây là thực tế ảo mà, đó nào phải bia mộ thật.

Sơn lặng im vài nhịp rồi mới thở dài cười:

  • Con người lạ nhỉ? Dùng bia mộ để tưởng nhớ một người không còn tồn tại. Ở “thực tế” hay ở “thực tế ảo” chức năng của nó đều như nhau, vậy cớ sao ở đây thì cô cảm thấy không sao?

Câu hỏi mang hàm lượng triết học cao thế này, tôi không thể trả lời ngay. Nghĩ một hồi không ra được lý do, đành mất thể diện lắc đầu, thật thà đáp:

  • Tôi chưa từng nghĩ đến vấn đề đấy.

Sơn gật đầu tỏ ý buông tha cho tôi chủ đề đó, nhưng không có nghĩa là anh ta không tiếp tục hỏi.

  • Cô vận chuyển chỗ đá đấy như thế nào?
  • Thì bắt bọn trâu ở khu đồng cỏ kéo chứ sao.
  • Tức là cô sẽ đi lùa bọn trâu từ ngoài đồng về bãi tha ma, bắt chúng nhổ bia mộ hoặc cối đá lên rồi kéo ra đây.

Bắt được sáng kiến mới, tôi reo lên:

  • Ha! Đúng nhỉ? Có thể dùng bọn trâu để nhổ bia mộ. Trước giờ tôi toàn lấy xẻng đào lên, dồn ở đầu đường rồi mới bắt chúng kéo ra đây.
  • ...

Sơn không tiếp lời tôi nữa, anh ta trưng bộ mặt như mắc nghẹn. Mãi sau anh ta mới thả ra một câu:

  • Cô đúng là cần cù...
  • Cám ơn, việc phải làm thôi – Tôi vui vẻ nhận lời khen của bạn mới.
  • Cần cù bù thông minh.

Đến giờ phút này, tôi chắc chắn số phận đã đặt vào tay mình nghĩa vụ nâng cao nhận thức văn hóa cho bạn mới. Nếu anh ta vẫn mang cách dùng thành ngữ này ra ngoài nói chuyện, chẳng mấy mà các bác sĩ khoa chấn thương chỉnh hình sẽ kiệt sức mà chết.

Tôi uyển chuyển nhắc nhở:

  • Anh dùng câu đấy hình như sai hoàn cảnh.

Sơn nhìn tôi, rất tự tin khẳng định lại:

  • Các câu khác tôi không rõ, nhưng câu “cần cù bù thông minh” tôi nắm chắc ngữ nghĩa. Không nhầm đâu.

Ai đem cho tôi cái màn với cái máy chiếu ra bờ sông này được không? Tôi cần mở lớp bổ túc văn hóa cho người mù chữ. Gấp! Không những mù chữ lại còn mù quáng tự tin. Bệnh nặng khó chữa.

  • Chúng ta đi sang điểm tiếp theo nhanh kẻo trời tối.

Sơn dường như không cảm nhận được bầu không khí u oán tỏa ra quanh tôi, hắn cứ thế mà vô tư vào vai du khách, đặt cho tôi trách nhiệm làm hướng dẫn viên du lịch. Nhìn tôi vẫn đứng nguyên tại chỗ, hắn lại nói:

  • Tôi tưởng cô vội? Hôm nay mới chỉ đi qua ruộng lúa và bờ sông này, không nhanh là không kịp đi hết làng đâu.

Đúng! Tôi vội! Vội ra khỏi nơi này. So với việc ra khỏi nơi này, một tên mù văn hóa làm sao có thể chọc tức được tôi. TÔI KHÔNG THÈM CHẤP!

Hít thở… Hít vào là không khí trong sạch, thở ra là cảm xúc tiêu cực. Hít vào… Thở ra…

Tôi bận hít vào thở ra. Im lặng. Sơn đi theo tôi quan sát xung quanh. Cũng lặng im cả quãng đường. Cứ thế cả hai đi sâu vào trong làng.

Vào trong làng, vì mục đích bảo toàn mạng sống cho bạn mới, tôi đành phải dằn xuống bực dọc trong lòng, quay ra nhắc nhở:

  • Quyển sổ ghi chép của người đi trước chắc anh đã đọc rồi. Nhưng tôi vẫn phải nhắc lại, vào trong làng nhớ tránh xa những thứ đồ ăn thức uống. Chúng nó nuốt người không nhả ra đâu.

Sơn gật đầu, như đang nhẩm lại chi tiết trong quyển sổ kia, anh ta đảo mắt tìm kiếm xung quanh:

  • Trong quyển sổ đó miêu tả nếu nhìn vào mấy mâm cơm rượu thịt đó sẽ có cảm giác đói kinh khủng, cô đã thử chưa?

Tôi trợn mắt nhìn hắn:

  • Thử? Nghịch dại thế thì giờ tôi nằm trên mâm rồi chứ còn đứng đây nữa à? – Nói rồi vẫn không thể yên tâm, tôi kéo tay Sơn, nhấn mạnh thêm một lần nữa   Tôi chỉ đem anh qua đây để xem cho đủ thôi. Khu vực này rất nguy hiểm, cả người trước kia và tôi đều chưa tìm được cách vô hiệu hóa mấy thứ trong này. Dù sao đồ trong này có nuốt được thứ gì thì cũng không thay đổi không gian. Cho nên chúng ta cứ tập trung tìm cách sửa hết khu vực ngoài đồng và bến đò đi đã.

Sơn nhìn tay tôi đang lôi kéo tay anh ta, rồi lại nhìn vào khuôn mặt căng thẳng của tôi, khẽ cười, anh ta nhẹ giọng ra chiều trấn an:

  • Tôi biết chúng ta đang liên kết với nhau bằng bùa yêu. Tôi sẽ không làm gì để gây tổn hại bản thân và liên lụy đến cô đâu.

Bùa yêu. Không nhắc đến là tôi quên luôn rồi đấy. Tự nhiên thấy lòng quan tâm giữa đồng loại với nhau thật rẻ rúng. Thầm than một tiếng trong lòng, tôi kéo tay Sơn đi nhanh ra khỏi nhà ở nguy hiểm này:

  • Trong làng này cũng chỉ có thế thôi. Trời ngả chiều rồi, chúng ta quay về đình đi, tôi chỉ cho anh xem mấy con cào cào ở ao đình.
  • Cái ao đó ngay cạnh chỗ ta ở, sao sáng nay cô không dẫn tôi xem luôn?
  • Vì cào cào chỉ ra ăn cá rô vào tầm chiều tối thôi.
  • Ra vậy… Mà… đều là ăn cá, cô đã thử bắt mấy con cào cào đấy ra thả ở khu ven sông chưa?

Ồ, mãi mới bắt được chút đồng điệu, nhưng đây lại là ý tưởng tôi đã thử và thất bại. Lắc đầu, tôi đáp lời:

  • Bọn cào cào thường xuất hiện vào buổi chiều, bọn cá ở sông lại hay xuất hiện lúc sáng sớm sương mù. Tôi đã thử bắt cào cào rồi nhốt qua đêm, nhưng đến sáng hôm sau mấy cái hộp đựng chúng đều trống rỗng – Nhớ lại cảnh mở hộp cào cào ra chỉ thấy đáy, tôi không kìm được mà đá mạnh một hòn sỏi ven đường   Uổng công tôi chịu đau cho chúng cắn xước khắp người.

Hòn sỏi tôi đá va vào một thứ gì đó vang lên một tiếng đục trầm. Tiếp đó, Sơn đảo tay kéo tôi ra sau lưng hắn, đoạn hỏi:

  • Đây là cái gì?
  • Hả?

Đột ngột bị giật ngược lại làm tôi dứt mình ra khỏi nỗi tiếc rẻ mấy hộp cào cào, tiếp đó, câu hỏi của Sơn ngay lập tức bật còi báo động trong tôi. Căng thẳng nhìn theo hướng cánh tay Sơn chỉ, tôi thấy một xưởng gỗ, Sơn đang nhìn về phía một con rối gỗ cũ kỹ nằm trong sân xưởng, khắp thân cùng mặt của con rối là các mảng sơn trắng xanh đỏ chỗ có chỗ không, hai chỏm tóc trên đỉnh đầu nhìn xơ xác nhiều bụi hơn cả cái chổi lông gà tôi thấy trong đình làng.

Tạo hình con rối gỗ này tôi biết. Là nhân vật chú Tễu trong các vở múa rối nước. Sơn và tôi nhìn nó chằm chằm. Nó đáp lại chúng tôi với nụ cười công nghiệp cứng đờ.

Rất khả nghi. Nhìn nó kiểu gì cũng giống như trùm phản diện. Tôi dẫn Sơn đi con đường này bởi trong nhật ký của người trước nói đây là khu vực an toàn vào ban ngày. Nhưng biết đâu sau thời gian cắn nuốt và biến đổi, nơi này đã xuất hiện thứ mới.

Nép sau lưng Sơn, tôi nhặt một hòn sỏi, kéo tay Sơn dặn:

  • Tôi ném nó thử. Nếu có biến thì chạy thật nhanh nhé.

Sơn bị thái độ căng thẳng của tôi lây nhiễm, anh ta vô thức cũng hạ giọng theo tôi, thầm thì:

  • Trước đây, cô chưa từng thấy nó à? Nó mới xuất hiện?
  • Tôi không chắc. Trừ hồi mới lạc đến đây, có đi qua một hai lần chớp nhoáng để gom cối đá, sau đó tôi cũng không vào sâu trong làng nữa. Tôi không để ý… Trong quyển sổ kia cũng không thấy nhắc đến. Nhưng tôi cảm thấy nó không ổn.

Nghe vậy, quai hàm Sơn cũng siết chặt nhìn về phía chú Tễu, đoạn nhặt một viên sỏi lên:

  • Để tôi ném thử, cô chạy trước đi, nếu nguy hiểm tôi sẽ chạy theo sau.

Tôi nhìn Sơn rồi nhìn nhân vật khả nghi kia, thoáng chần chừ:

  • Hay là thôi, kệ nó đi, ta cứ đi qua. Hiện giờ nhìn nó cũng… không định làm gì ai? – Câu cuối tôi thả giọng nhẹ, hầu như không chắn chắn với điều mình nói.

Sơn lắc đầu phản đối:

  • Trước sau gì cũng phải tìm hiểu hết những lỗi cần giải quyết mà. Gặp rồi thì kiểm tra một chút đặc tính của nó rồi về bàn bạc. Cô chạy ra xa núp đi. Có nguy hiểm thì chạy.

Cân nhắc thiệt hơn, tôi đành nghe lời mà chạy ra xa một đoạn, rồi ngồi thụp xuống núp sau một cái bình vôi. Ở vị trí này, tôi vẫn có thể quan sát được diễn biến. Sơn thấy tôi đã ở nơi an toàn, lúc này anh ta mới cầm viên sỏi ném về phía con rối.

Không có phản ứng gì.

Sơn lại tiếp tục ném thêm hai ba viên sỏi nữa. Đáp lại, chú Tễu vẫn toét miệng cười thân thiện với chúng tôi. Chờ trong chốc lát mà chẳng thấy có mưa bom bão đạn gì nổ ra, tôi rón rén rời vị trí tránh nạn, đến bên Sơn cùng xem xét con rối.

  • Hay là con rối này có khu vực tấn công hạn chế?
  • Giống như bọn cào cào và cá? Cũng có thể… Này! Anh làm gì thế? – câu hỏi cuối tông giọng tôi không kìm đường mà nâng cao chóe lên.

Trong lúc tôi đang ngó nghiêng từ xa thì Sơn đã tiến lại gần con rối. Tôi không kịp ngăn anh ta lại. Ngạc nhiên là, con rối vẫn không phản ứng gì.

Tiếp theo, Sơn thậm chí còn táo gan hơn, anh ta chạm vào con rối, rồi nhấc nó lên. Hơi thở của tôi dừng lại toàn bộ trên biểu hiện của con rối. Chú Tễu mặc kệ những cảm xúc lên xuống của hai kẻ qua đường, từ đầu đến cuối vẫn duy trì nụ cười tiêu chuẩn hoa hậu.

Sơn nhấc con rối trên tay, lúc này như đã xác định tính an toàn của nó, nên anh ta dường như đã thả lỏng hơn, cầm nó lắc nhẹ về phía tôi, hỏi:

  • Muốn mang về chơi không?
  • ?!!!

Coi đây là trẻ con chơi búp bê chắc? Mà anh ta đã xem phim kinh dị nào chưa? Có biết nhặt mấy thứ dọc đường về nhà sẽ phải trả giá như thế nào không?

Dù sau đó, mặc cho tôi đã dành hết kinh nghiệm xem phim kinh dị cả đời ra để làm ví dụ can gián, anh ta vẫn nhất quyết cầm con rối không rõ nguồn gốc đấy theo.

Mệt mỏi. Tư dưng thấy đồng cảm với mấy vị trung thần dưới trướng hôn quân.

***

Đúng là con rối đó có vấn đề.

Hệ thống cảnh báo nguy hiểm của tôi không sai. Nhưng có lẽ nó (cũng như bản thân tôi) có xu hướng bác ái quá độ, nên đã vơ luôn cả an nguy của kẻ khác làm mối lo của mình.

Lúc này, tôi và Sơn đang đứng bên ao đình, bàng hoàng nhìn chú Tễu há mồm nuốt trọn đám cào cào. Đúng là cảnh đẹp hiếm thấy.

Sơn nhìn tôi, rồi lại nhìn chú Tễu đang đại sát tứ phương, giọng không nén được ý thán phục:

  • Vậy là khi nãy cô cố tình ném nó xuống nước vì biết công dụng của nó à?

Nào phải thế. Nếu tôi biết nó có công dụng thế này, tôi đã chẳng ngăn Sơn cầm nó về, ngược lại tôi thậm chí còn vào trong xưởng gỗ tìm thêm vài ba con nữa ấy chứ. Nhưng từ hôm qua đến giờ, đây là lần đầu Sơn đặt vào tay tôi cơ hội được lên mặt, chả tội gì phải từ chối.

  • Bởi vì chú Tễu này là nhân vật mở màn của một buổi múa rối nước. Anh biết múa rối nước không?

Sơn lắc đầu. Tôi được nước huênh hoang:

  • Múa rối thì nhiều nơi có, nhưng chỉ có Việt Nam mình là có rối nước thôi.

Sơn gật đầu, sau, hiếu học hỏi thêm:

  • Thế thì liên quan gì đến việc nó...à... Chú Tễu kia nuốt hết đám cào cào?

Đoạn này tôi không biết. Vì thế tôi quay ra nghiền ngẫm chú Tễu đang nhai nuốt những con cào cào cuối cùng.

Khám phá ra công năng ẩn của chú Tễu xuất phát từ hành vi không chính trực lắm của tôi. Lúc trở về ao đình để chỉ Sơn xem đám cào cào ăn cá rô, tôi đang trong tâm trạng chạm đáy tuyệt vọng khi không thể thuyết phục được Sơn vứt con rối khả nghi có tạo hình như trùm cuối phim kinh dị kia đi, thì, một sáng kiến gian ác tuyệt diệu lóe lên trong cái đầu lương thiện của tôi.

Nhìn Sơn kẹp con rối ở hông, tay xỏ túi quần bước đi nghêng ngang đằng trước, tôi bắt đầu tính toán, chờ đến khi Sơn tiến sát vào mép ao đình, tôi nín thở căn góc rồi đột ngột nhào lên đẩy mạnh Sơn một cái. Rất thuận tự nhiên, Sơn giật mình. Đương nhiên, mục đích của tôi là muốn tống cái mối lo tiềm năng – tức là con rối – xuống ao chứ không phải Sơn, nên khi hù anh ta, tôi có cẩn thận túm chặt áo nạn nhân lại, còn “nạn rối” thì bất hạnh theo đúng kế hoạch rơi tõm xuống ao.

Theo dự liệu của tôi, đám cào cào theo bản năng sẽ nhào vào những thứ đột ngột xuất hiện trong khu vực của chúng, con rối cứ thế mà bị chúng triệt hạ. Tuy nhiên, có lẽ vạn vật đều có khát vọng sống. Con rối khi bị cả đám xanh lè lao xao nhào vào đã không cười nữa. Trước sự chứng kiến của tôi và Sơn, nó ngoác cái mồm xinh đang cười thành một cái hố không đáy, há ngậm mấy chặp đã có thể trả lại cho mặt ao sự yên bình. Sự yên bình kỳ quái.

  • Hà, nhìn kìa!

Vai tôi bị Sơn vỗ mạnh, ngẩng đầu nhìn theo hướng tay Sơn, cái miệng mới ngậm lại được của tôi lại được dịp giao lưu mãnh liệt với không khí.

Trời đất thiên địa quỷ thần ơi! Cái gì kia?

  • Nhìn mặt cô thì lần đầu nhìn thấy à?

Tôi gật đầu.

  • Cô ở đây bao lâu rồi, mà sống trong đó bao lâu rồi, mà không thấy có điều khác thường gì sao?

Tôi lắc đầu.

Khả năng nói chuyện của tôi tạm thời bị hình ảnh trước mặt vô hiệu hóa. Mái đình úp ngược. Thế quái nào mà tôi chưa từng nhận ra? Tôi nhìn thấy mấy thứ tréo ngoe khắp làng vậy mà chưa bao giờ mảy may nhìn lên nơi mà mình trú ngụ hàng ngày. Cái mái đình này nó ngược từ bao giờ vậy nhỉ?

  • Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?

Một tiếng nói véo von xa lạ vang lên làm tôi suýt chút nữa đánh rơi tim xuống ao. Chưa kịp nhìn nguồn gốc giọng nói, tầm mắt của tôi đã bị chắn bởi tấm lưng to như cái phản của Sơn.

  • Gì thế? – tôi hỏi.

Sơn quay lại nhìn tôi, rồi lại nhìn về hướng mặt ao, hạ giọng:

  • Con rối kia… biết nói.

Tôi túm chặt lưng áo của Sơn, khẽ khàng thò nửa mặt ra để xác nhận lại tình huống. Trong ao đình, con rối đã trở về nét mặt tươi cười thân thiện, đang lững lờ trôi như đùa vui với đám bèo nước. Cảnh đấy sẽ không có gì nếu nó không đột nhiên hướng về chúng tôi, cất cao giọng:

  • Tôi ra đâyyyy… có phải xưng danhhhh… không nhỉiii…?

Sơn khẽ lùi lại, nhìn tôi tham khảo ý kiến:

  • Nó đang hỏi mình thì đó. Cần trả lời không?

Đương nhiên tôi biết nó đang hỏi chúng tôi. Ở cái chỗ này còn có ai trả lời được nữa chứ? Nhưng nếu trả lời thì việc gì sẽ xảy ra tiếp theo? Niềm vui khi nãy nhìn con rối ăn sạch đám cào cào giờ đã lắc mình biến thành hình ảnh khủng bố tinh thần tôi. Giả như… nếu đáp lời mà nó bò từ dưới ao lên đuổi bắt bọn tôi thì sao?

  • Tôi ra đâyyyy… có phải xưng danhhhh… không nhỉiii…?

Tiếng hỏi thúc giục vang khắp không gian, tay của tôi bắt đầu túa mồ hôi. Chỉ một câu hỏi đơn giản mà tôi như bị kéo về hồi còn đi học ngồi trong phòng thi vấn đáp. Giờ đây, mở miệng nói ra một câu, sống hay chết biết ngay lập tức. Nhưng mà, nên đáp lời thế nào? Hay là… cứ lờ đi. Đúng! Đâu ai kề dao vào cổ ép mình trả lời, mình đâu có trách nhiệm đáp lại mọi âm thanh vẳng đến tai. Khi chưa biết rõ tình hình, nên dùng kế hoãn binh là hơn.

  • Có, mày… tên là gì?

Tôi sững người, trợn mắt nhìn Sơn hô to về phía con rối. Tim tôi ngừng đập. Tôi quên mất. Nãy giờ tôi đang phân tích và ra quyết định ở trong đầu tôi, bạn tôi nào đã được biết cái lợi cái hại tôi cân đo. Nghĩ đến đó, tôi lại vội quay ra ao nhìn phản ứng của con rối.

  • Tôi ra đâyyyy… có phải xưng danhhhh… không nhỉiii…?

Vẫn hỏi? Sơn cũng hoang mang nhìn tôi:

  • Tại sao nó vẫn hỏi?
  • Hay là… nó cứ hỏi cho vui vậy thôi? – Tôi đáp Sơn mà lòng thừa biết không phải.
  • Hay là… câu trả lời của mình không đúng ý nó?
  • Thế trả lời đúng ý nó thì sao? – Giả thiết của Sơn làm tôi nâng cao cảnh giác nhìn về phía con rối vẫn giữ khuôn mặt tươi cười trong ao.
  • Theo lẽ thường nếu trả lời sai sẽ bị phạt. Nhưng vừa rồi tôi đáp không đúng ý nó, nó vẫn chỉ hỏi lại. Nếu đáp đúng… có khi lại có phần thưởng gì đó. Để tôi trả lời thêm mấy câu.

Cũng hợp lý. Nhỉ? Nhìn Sơn hướng về con rối định tiếp tục màn hỏi đáp thì chợt có một vấn đề lóe lên trong đầu giục tôi kéo ngược Sơn lại:

  • Nếu số lượng câu trả lời sai có giới hạn, hiện giờ chưa có hình phạt bởi vì chưa chạm giới hạn kích hoạt hình phạt thì sao?

Sơn như bừng tỉnh, ồ lên một tiếng rồi cả hai đều chìm vào im lặng.

  • Tôi ra đâyyyy… có phải xưng danhhhh… không nhỉiii…?

Nhẩm đi nhẩm lại câu hỏi của con rối, chú Tễu, khiến tôi lần giở ký ức về ngày thơ bé, được ông dẫn đi xem múa rối nước. Ngày đó, khi ông nói sẽ dẫn tôi đến chỗ vui lắm. Tôi đã rất háo hức. Tôi đoán ông dẫn đi chơi công viên thực tế ảo, hoặc khám phá công viên khủng long. Nào ngờ, ông dẫn tôi đến một nhà hát cũ mèm. Mới nhìn thấy cổng tôi đã giãy lên đòi về, nhưng ông vẫn kiên nhẫn dỗ tôi vào trong xem. Ông nói “vào xem đi cháu, truyền thống ngàn năm của người Việt mình đấy, thế giới có mình Việt Nam mình có rối nước mà thôi”. Nghe ông nói, tôi đành vào. Nhưng cả buổi đấy tôi không vui. Tôi ấm ức tiếc rẻ những trò tôi có thể chơi nếu ông dắt tôi đi công viên thực tế ảo. Cả buổi diễn chỉ có mình hai ông cháu tôi xem. Tiếng đàn sáo, khúc diễn trò đều hướng về phía ông cháu tôi. Thế mà những thứ tôi nghe được như dùng rá múc nước. Kết thúc buổi diễn, những người múa rối lội nước ra chào chúng tôi. Chỉ có mình ông tôi vỗ tay, tôi vùng vằng bỏ ra cổng trước. Sau này, chẳng bao giờ ông nhắc đến buổi đi chơi ngày hôm đó nữa. Sau này, ông có dắt tôi đi công viên thực tế ảo, dắt tôi đi xem khủng long… Nhà múa rối ướt nhẹp nước kia cứ thế nhạt nhòa dần trong tâm trí trẻ con của tôi.

Chú Tễu lại hướng chúng tôi réo rắt gợi hỏi:

  • Tôi ra đâyyyy… có phải xưng danhhhh… không nhỉiii…?

Ngày đó, đáp lời chú Tễu, người ta nói gì nhỉ? À…

  • Không xưng danh, thì ai biết là ai?

Tôi bật thốt ra lời thoại mình đã nghe vào ngày bé. Câu đáp lời của tôi như một cái khóa, bật mở cả không gian. Tiếng sáo trúc, tiếng trống, tiếng đàn không rõ từ đâu ùa về đầy ắp ao đình. Con rối lúc này như được ai nâng đỡ, đứng thẳng người, nụ cười như kéo cao hơn trước:

  • Tôi đây vốn xưng là… Tễu. Nhìn dáng điệu tuổi còn niên thiếu. Nhưng cơ tâm trí khảo dị kỳ. Phường rối nước sáng tạo rất tinh vi. Cũng vận động chân đi tay trỏ được… nhá…

Cùng đó là tiếng trống chiêng đánh nhịp cho chú Tễu lượn vòng khắp ao như thể đang khoe tài khéo. Nhìn nó vui vẻ tấu trò, tôi không nhịn được mà vỗ tay khen hay nhiệt tình. Như thể mấy lời tâng bốc này của tôi có thể gửi được về quá khứ, rơi được vào tai những người diễn rối ướt sũng nước ngày xưa.

Chợt, vai tôi bị vỗ nhẹ một cái, Sơn thì thầm:

  • Nhìn về phía mái đình kìa.

Trong tiếng đàn sáo rộn ràng, mái đình như cựa mình, khẽ xoay. Và, tôi còn nhận ra, trời đã xẩm tối từ bao giờ, theo như mọi ngày, nơi này đã mịt mù chướng khí, vậy mà giờ đây lại sạch sẽ lạ kỳ. Là vì con rối kia chăng?

  • Thôi… việc khôi hài ta nên vắn tắt, hát một câu rồi trở lại buồng trò nhá.

Tôi và Sơn theo thói quen vẫn ngậm miệng nhìn con rối. Nó lại kiên nhẫn nhắc lại lời thoại:

  • Thôi… việc khôi hài ta nên vắn tắt, hát một câu rồi trở lại buồng trò nhá.

À… phải tương tác, tôi chưa kịp cất tiếng thì Sơn bên cạnh đã đáp lời:

  • Ừ… Hát đi ~~~

Từ lúc nào mà bạn mới đã học theo được cái nhịp lên bổng xuống trầm của chú Tễu vậy? Tôi muốn trêu nhưng e Sơn ngượng nên đành nuốt cợt nhả vào bụng.

  • Ta về ta tắm… í… ao ta… ta về ta tắm ao ta… Dù trong… í… dù đục ao nhà vẫn hơn… Cây lúa xanh rờn đồng quê… Quê ta mở hội này i… thấy tưng bừng xóm thôn…

Tay tôi chợt bị Sơn kéo mạnh:

  • Đi thôi!
  • Hả? Đi đâu?

Lời nói còn chưa dứt, thì tôi đã thấy mình bị Sơn kéo chạy theo chú Tễu lúc này đang đi vào trong một cánh cửa. Cánh cửa này lúc nãy đâu có thấy? Thế là thế nào? Trong cơn hoảng hốt, tôi chỉ kịp quay lại nhìn ngôi đình bên cạnh. Mái của nó vẫn chưa xoay đúng hướng.

***

  • Tỉnh rồi!

Tiếp theo tiếng reo vui đó là một loạt tiếng bước chân, mắt bị vạch ra, đèn chiếu thẳng vào mắt.

  • Có phản ứng rồi!

Những bóng trắng lướt qua lướt lại trước mắt tôi có vẻ vội vã. Chuyện gì thế nhỉ? Tôi cựa mình, cố mở mắt. Có một nhóm bác sĩ đến bên cạnh tôi, kiểm tra số liệu sinh tồn, sau đó một bác sĩ bắt đầu hỏi:

  • Cô tên là gì?
  • Tôi… phát hiện ra cổ họng mình hơi rát, tôi phải hắng giọng mấy lần mới có thể đáp lời -  Tôi tên là Hoàng Thái Hà.
  • Cô có biết đây là đâu không?
  • Chắc là… bệnh viện.
  • Cô có nhớ mình làm gì trước khi đến đây không?
  • Ừm… Tôi vào không gian thực tế ảo bản mới nhất. Sau đó bị mắc kẹt trong đó không ra được. Tôi muốn gặp luật sư. Tôi muốn luật sư của tôi trao đổi với nhà phát hành.
  • Chuyện đó tạm gác sang bên đã, cô có biết mình đã ở trong đấy bao lâu không?
  • Tôi cài đặt tỷ lệ thời gian của trong đó là một năm tương đương một giờ ngoài này. Nên chắc ở thế giới thực trôi qua chắc chưa đến ngày thứ hai?

Bác sĩ nhìn tôi gật đầu. Rồi quay ra nhìn các bác sĩ đi cùng đưa ra kết luận:

  • Bệnh nhân tỉnh táo, ý thức rõ ràng. – Đoạn, ông quay lại hỏi tôi – Người của bên nhà phát hành muốn gặp cô, cô có tiếp không?

Muốn đàm phán à? Để xem các người bao biện thế nào.

  • Tôi muốn gặp. Bác sĩ cho người đó vào đi ạ.

Dường như người đó đã chờ sẵn ở ngoài, bác sĩ vừa nhấc chân khỏi ngưỡng cửa thì cô gái kia đã bước vào phòng bệnh. Đó là một cô gái trông khá dễ thương nếu bỏ qua làn da tái nhợt và quầng mắt ẩn hiện dưới nền phấn, thoạt trông còn mệt mỏi hơn người đang nằm giường bệnh như tôi. Cô khẽ mỉm cười, mở lời:

  • Sức khỏe của cô còn gì đáng ngại hay không?

Giọng điệu hỏi cũng yếu ớt mong manh. Vốn định gặp để xả hết đống uất ức đã gom góp trong suốt thời gian mắc kẹt, giờ nhìn chiếc lá thu trước mắt, cổ họng tôi như mắc nghẹn, không thể mở lời mắng chửi được.

  • Cám ơn cô hỏi. Bác sĩ vừa thăm khám, không có gì đáng ngại cả. – Tôi khách khí gật đầu với người đối diện.

Người đại diện thở phào một tiếng, cười tươi:

  • Thật là may quá, khi phát hiện ra lỗi có người bị kẹt bên trong, chúng tôi phải huy động hết toàn bộ nhân lực ra để tìm cách giải quyết. Nhân viên bên tôi cũng đã hai ngày hai đêm rồi chưa được chợp mắt. Cô không sao là các anh chị em chúng tôi đều yên tâm rồi.

Gì đây? Đang muốn kể khổ với tôi? Tự dưng tôi thấy mình có lỗi, thấy mình yếu thế rồi đó nha.

  • Mà… Tôi muốn hỏi cô một chút, công ty chúng tôi lúc phát hành ra sản phẩm, đã khuyến nghị người dùng không được cài đặt thời gian trong thực tế ảo và thực tế chênh lệch quá lớn. Tại sao cô lại cài đặt mức một giờ tương đương một năm? – Người đại diện dừng lại một chút, dễ dàng phát hiện ra nét chột dạ trên mặt tôi, nhưng lại không truy hỏi, cô chuyển chủ đề bằng một câu hỏi dễ chịu hơn ở cuối – Cô định làm gì trong thực tế ảo mà cài mức thời gian như thế?

Không hổ danh là người đại diện của tư bản. Vừa chỉ ra được “bên tôi có lỗi nhưng cô cũng mắc lỗi” mà lại không làm khách hàng nổi cơn tự ái. Vừa đấm vừa xoa như thế thì ai có thể xù lông lên được nữa.

  • Tôi cài đặt thế để vào thực tế ảo chạy deadline.
  • À… Ra thế… Cô gái như bất ngờ với đáp án của tôi, đoạn bật cười rồi hỏi – Thế cô đã hoàn thành chưa?
  • Cũng tạm rồi.  – Tôi gật gù, rồi chợt nhớ ra một chuyện – Kẹt trong không gian đó cùng tôi còn một người nữa. Không biết bên cô có liên lạc không? Tôi muốn cám ơn anh ta một câu.

Nụ cười của người đại diện càng sâu, để lộ ra lúm đồng tiền bên má trái, có vẻ cô là một người thích cười.

  • Đấy là trí tuệ nhân tạo bên chúng tôi đang phát triển đấy. Lúc phát hiện ra cô bị kẹt trong đó, cân nhắc mức độ an toàn, chúng tôi quyết định đưa cậu ấy vào để giúp cô. Cô phải chờ lâu như thế là vì trước đấy chúng tôi phải huy động nhân sự để căn chỉnh lại thật ổn định rồi mới đưa cậu ta vào không gian đó.

Trí tuệ nhân tạo? Sơn đó hả?

  • Nhưng cậu ta còn ép tôi nuốt bùa yêu gì đó, còn bảo nếu cậu ta bị tổn hại thì tim tôi cũng bị đau. Mà tôi đau thật mà.
  • Trong không gian đó thì những cảm nhận của cô đều là các xung điện kích thích não bộ thôi mà. Bùa yêu á? Cậu ta bảo cô thế à?

Tôi ngơ ngác gật đầu, nhận được xác nhận của tôi, người đại diện chạm vào kính mắt, ngón tay khẽ gõ.

  • Xin phép cô một chút, tôi có thể ghi chép lại trải nghiệm của cô với cậu ta để làm tài liệu được không? – Thấy tôi gật đầu, cô lại mỉm cười khúc khích, gương mặt sáng bừng lên như bà mẹ thấy con mình lần đầu gọi “mẹ”  – Thế mà cậu ấy có thể biết đùa cơ đấy.

Như thế mà đã coi là hài hước rồi đó hả? Môi trường làm việc của các cô có phải hơi… nghèo tiếng cười rồi không?

Sau đó là chuỗi hỏi đáp về suy nghĩ, đánh giá của tôi về Sơn. Cuối cùng, tôi hỏi người đại diện chút trăn trở về khoảng không gian kỳ lại kia. Cô cười nhẹ đáp:

  • Vùng không gian đó chúng tôi muốn xây dựng dựa trên tham vọng phục dựng lại một không gian chứa đựng những truyền thống văn hóa xưa. Nhưng hiện giờ tài liệu nhiều nhưng tạp, những người kế thừa truyền thống thì khó tìm, đã nhiều thứ mai một. Dự án tạm thời đóng băng. Chỗ đó vốn niêm phong để đấy đã lâu. Cũng không rõ vì sao cô lại lọt vào được.
  • Tôi có tìm được một quyển sổ ghi chép trong không gian đó…

Nói đến đây mới thấy mình lỡ miệng. Nếu thật sự có người bị tổn hại trong không gian đó, nhà phát hành cũng sẽ ém nhẹm đi. Như dự đoán, người đại diện mỉm cười với tôi một nụ cười tiêu chuẩn:

  • Quyển sổ đó là chúng tôi để đấy giống như là một quyển hướng dẫn sử dụng không gian mà thôi. Không có ai bị tổn hại trong đó cả. Cô đừng lo lắng – Nói đoạn, cô nhìn đồng hồ, đứng dậy Tôi vô ý quá, đã lâu thế này rồi, cô vừa mới tỉnh mà làm phiền cô chừng này. Tôi xin phép về để cô nghỉ ngơi nhé. Về phần viện phí, cô yên tâm công ty tôi sẽ chi trả toàn bộ, nhưng cùng đó mong cô dành chút thời gian đọc và xác nhận vào bản thỏa thuận giúp tôi. Tôi đã gửi cho cô rồi, nếu đồng ý cô chỉ cần xác nhận bằng mống mắt hoặc vân tay là được nhé.

Không cần chờ tôi đáp lời, có lẽ, người đại diện đã nắm chắc được lời đồng ý của tôi, cô mỉm cười vẫy tay rồi đi ra khỏi cửa phòng bệnh.

Còn tôi, thả mình trở lại giường bệnh, trong đầu cứ miên man nghĩ mãi về hình ảnh cuối cùng tôi thấy trong không gian kia. Một cái mái đình úp ngược.

  • -HẾT-

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}