Mặt nước biển Hồ mùa này bớt sóng sánh, những con tàu cũng lười biếng chao nghiêng, từ xa còn thấy rõ những căn nhà liêu xiêu mà mặt sàn cách mặt nước một khoảng khá xa.

Phira ngồi trước mũi tàu hướng mắt về khoảng xa xăm trước mặt, hai bàn chân từ lâu đã quên mùi đất đang khoa lũm chũm lên mặt hồ. Ráng dương cuối ngày nỗ lực trút hết muôn vàn lấp lánh lên mặt nước mênh mông càng soi rõ nước da chai sần đen sạm của chàng thanh niên lực lưỡng. Lạc lõng giữa không gian bàng bạc vô định này dễ làm cho người ta thấy mình bớt vững chãi.

Phira nhớ về những vụ mùa hồi anh còn ở Việt Nam, những giọt mồ hôi đơm thành những lần giải cứu nông sản. Dăm bận như thế khiến anh quyết định tự giải cứu chính mình, và ý định theo tàu đánh cá ngược dòng Mekong cũng từ đó mà trở thành hiện thực.

⁃ Đi đánh cá mú không mậy? Nhắm mắt quơ một mẻ cũng được mấy chục kí, đem bán cho nhà hàng, ngon ơ.

⁃ Ở đâu mà đã vậy chú Sáu? - Phira hỏi

⁃ Qua Miên, ngược lên biển Hồ, dám đi không?

Không suy nghĩ nhiều, Phira gật đầu ngay, không phải vì một mẻ cá dễ dàng kiếm được tiền triệu, mà vì ở biển Hồ còn gợi nhắc cho anh nhiều điều, ít nhất là ở cái tên của anh, Chau Sông Phira.

***

Chiếc túi nước khổng lồ biết co giãn.

Người mẹ thiên nhiên mang thai định kì hằng năm.

Nói cách nào cũng đúng về vùng nước này, biển Hồ Tonle Sap.

Đều đặn mỗi năm vào mùa khô, đâu đó từ trước Chạp cho đến Đoan Ngọ, chiếc túi nước này co lại, nước ngang hông người lớn, tầm một thước tây. Khoảng thời gian này, người ta nghe đôi chân mình cứng lại, vì các đầu ngón chân được thoả cơn thèm mùi đất, chúng cấu chặt vào lớp sình dưới đáy hồ, tha hồ ngấu nghiến chất sền sệt nhão nhoẹt của thứ bùn giàu dinh dưỡng.

Vào mùa mưa, tức những tháng còn lại, nước sông Tonle Sap đổi dòng, dòng nước thay vì đổ ra cửa biển lại chảy tràn ngược vào hồ, đây là lúc người mẹ thiên nhiên ôm trong mình chiếc bào thai vĩ đại. Vào mùa này, Hải Hồ nới rộng diện tích lên gấp sáu lần, rộng tới mười sáu ngàn cây số vuông, nếu nói theo giọng chú Sáu thì nó rộng một ngàn sáu trăm mẫu đất xứ mình, và có nơi sâu tới chín thước.

Với những con số lí tưởng đó thì cũng chẳng lạ gì người mẹ vĩ đại ấy chứa trong mình biết bao nhiêu tôm cá, thậm chí cả rắn, lươn và cua ốc. Những con cá mú nhắm mắt quăng lưới cũng lùa được một mẻ trọng trọng, đó là loài bán được giá, còn những loài khác như rắn nước, thác lác, lóc, linh …thì ôi thôi, nhóc, lớp đem ra chợ bán tươi, lớp xẻ thịt phơi khô ăn mãn mùa chưa hết. Và có khi may mắn, người ta còn bắt được cả những con huyết rồng nặng hai ba chục kí, có giá cả triệu đồng một kí, đó là chuyện bình thường.

Chao ôi, một cơn đổi dòng của tự nhiên cũng làm cho người ta mơ đến một cuộc đổi đời.

Nhưng đó là chuyện của một năm trước. Gần đây biển Hồ ít cá hẳn. Vì người ta ngăn dòng xây đập ở thượng nguồn hay vì cá lạ hơi người mới đến nên không thèm về, Phira chẳng rõ. Những tưởng mỏi cánh thiên di để mơ về vùng trời mới trù phú, ngỡ đâu là chốn thiên đường, hoá ra cũng chỉ là nương giấc hoè.

⁃ Hết cá rồi chứ gì?

Câu hỏi phá tan không gian tĩnh lặng, liền tiếp sau đó là một tiếng đập nước thật mạnh từ cây dầm, nước văng lên mặt Phira kéo anh về thực tại.

⁃ Đụ má, tụi bây tưởng trên đây lắm cá nhiều tiền, kéo bè kéo lũ lên đây, cá mẹ cá con gì cũng lưới, giờ hết cá cho tụi bây móc sình lên mà ăn.

Một người đàn bà đậm người, vừa chống sào neo thuyền, vừa cúi xuống lượm mái dầm thảy lên khoang. Là dì Sang. Sau nạn cáp duồn, dì bỏ miệt Tri Tôn sang đây theo người ta đi đào vàng. Có lần dì đãi được kha khá, bị đám đàn ông cướp mất, uất ức dì bỏ núi xuống Hồ tới tận bây giờ, sống kiếp lênh đênh, yên đời cá mắm.

Dì Sang năm nay độ gần sáu mươi, sương gió đúc dì nên đen đúa, nắng mưa phủ lấy nét cỗi cằn. Dì Sang với vầng trán cao, tóc muối tiêu buộc gọn, mắt dì ánh lên khi nói về cá.

⁃ Dân xứ này hổng ai mà lưới cá như tụi bây, gì mà lớn nhỏ bắt hết ráo hổng chừa đường sống, tụi bây lưới hết vậy rồi vài bữa lấy gì mà ăn. Tham gì mà tham tàn mạt vậy.

Sao người ta có thể dễ dàng thốt ra tiếng má nghe nhẹ hều như vậy? Mà cũng thiệt lạ, cũng tiếng chửi thề, cũng lời trách móc, mà sao Phira chẳng oán giận gì con người này. Phira thừa hiểu người dân ở đây ghét tàu, vì tàu đi tận diệt chứ không phải khai thác. Trong thoáng chốc, Phira còn thấy thương người phụ nữ này.

⁃ Dì ở đây mình ên hả dì?

⁃ Hỏi chi?

⁃ Thì… hỏi thôi…

⁃ Hết cá rồi thì về đi, tụi mày mạnh tao làm không lại, nhưng chớ có chàng ràng ở lâu, có ngày đó.

⁃ Xong chuyến này con không có qua nữa đâu, dì yên tâm. Mà dì có một mình vậy coi chừng đó, lỡ tụi nó mạnh tay rồi sao dì?

⁃ Tao thách tụi nó dám làm gì tao à.

Phira thôi không hỏi nữa, anh ngó nhìn người phụ nữ thả mình xuống lòng sông, kéo con thuyền qua trũng, vừa đi vừa lần mò tháo từng mắt lưới dưới hồ, băng qua ánh hoàng hôn, cho đến khi tàn dương cuối ngày nuốt chửng lấy dì cũng là lúc mắt anh nhoè đi.

***

Nang Tor là một phum nhỏ, trong một cái sóc nhỏ, ở Ba Chúc, Tri Tôn. Ở đây đa phần là người Khmer, duy chỉ có Sông là người Việt duy nhất ở chỗ này. Sông có chồng là người Khmer, hai người có với nhau một đứa con trai.

Mấy mươi năm trước, Pon Pot tràn sang Vietnam, một cuộc đại thảm sát đã diễn ra. Con nít, người già, đàn ông và cả đàn bà, hơn ba ngàn con người đã phơi thây nơi cánh đồng Ba Chúc. Bọn ác dùng tất cả những thứ có trong tay để làm khí cụ, từ nã súng tập thể tới khi hết đạn cho đến dùng liềm cắt lúa đem đi cắt cổ, lấy cuốc bổ đất mang đi bổ đầu, và muôn ngàn hành động thủ ác không thể tưởng tượng nổi.

Tiếng súng đầu tiên vang lên, một viên đạn trượt ngang màng tang xé đuôi mắt Sông một đường dài, con mắt trái loà đi như ai đổ hồ. Sông ghị chặt con vào lòng, co người như bào thai ủ lấy con, cô gục xuống. Loạt đạn thứ hai vang rền cũng là lúc những tiếng la tắt lịm, hàng loạt thi thể ngã xuống, thây chồng thây. Và để chắc chắn cho cuộc tận diệt, bọn ác còn dùng rựa chém ngang bất kì thân thể nào mà chúng thích. Một vết cứa thật dài kéo từ đầu gối lên tận hông của Sông, cô cắn môi bật máu vẫn không dám kêu, đứa nhỏ như nằm chết trân dưới thân người mẹ. Năm đó nó vừa bảy tuổi.

Thảm nạn qua đi, người ta quy tập những xác người thành mồ chôn tập thể sau khi đuổi dẹp được Khmer Đỏ. Một người phụ nữ và một đứa con nhỏ, sót lại sau cơn đại nạn, nhưng sống cũng như chết, lay lắt qua ngày. Một năm sau, Sông quyết định bỏ xứ, đi tìm chân trời mới cho mình, năm đó cô mới hai lăm, đứa nhỏ vừa lên tám.

Kí ức của một đứa bé tám tuổi vào buổi chia ly in đậm hình ảnh cái ghị chặt vào lòng của người mẹ giữa lằn ranh sinh tử, vết sẹo dài lên tận hông và một con mắt hư đẫm lệ khi Sông gửi nó lại phum và rời đi. Không lời giải thích, thằng nhỏ mãi chẳng bao giờ hiểu tại sao má nó lại không mang nó theo cùng.

Rời quê nghèo Việt Nam, Sông quyết định theo người ta đi đãi vàng. Vàng, chắc chỉ có nó mới mong thay đời đổi phận một cách nhanh nhất.

Có hai mỏ vàng có thể đi lúc bấy giờ, một là ở Phước Sơn, Quảng Nam, gần cuối dãy Trường Sơn giáp biên giới Campuchia. Nhưng sau giải phóng, nhất là sau vụ Khmer Đỏ tràn qua biên giới Tây Nam và cuộc chiến biên giới phía Bắc, việc đi lại từ Nam ra Bắc cực kì khó khăn, chưa kể từ vùng đồng bằng trung du muốn ngược lên mạn Trường Sơn là cả một chặng đường gian khổ.

Cách thứ hai có vẻ dễ dàng hơn. Lợi dụng địa thế sát biên giới Tây Nam, có thể sang Campuchia từ hướng Tịnh Biên. Từ đây tìm cách đến Nam Vang, rồi ngược dòng Mekong lên thượng du, khu vực này không thua gì vùng Phước Sơn ở Việt Nam. Nhóm của cô gồm bốn người, chỉ mình Sông là phụ nữ, đã vượt biên theo cách đó.

Gian khổ của những ngày tha phương đã được đền đáp xứng đáng. Sông trúng được một mẻ vàng kha khá, nhưng đâu ai ngờ cô lại bị chính đồng đội của mình cưỡng đoạt, suýt gửi mạng lại cho rừng. Thoát chết hai lần, Sông quyết không nương mình vào núi nữa, cô chọn xuống Hồ, đổi tên thành Sang, ước mong cuộc đời sẽ bước qua một trang mới, sáng sủa hơn.

⁃ Phira lẹ lên, tụi Miên quậy tàu kìa.

⁃ Có dì Sang không vậy chú Sáu? - Phira hớt hải.

⁃ Con mẹ đó cầm đầu, lẹ lên!

Không chờ lâu, Phira quăng mình lên xuồng của chú Sáu, chèo nhanh về đám hỗn loạn. Ghe của dân xung quanh túa ra đen nghẹt, ken đặc quanh tàu cá, cuộc dằn co dường như chẳng còn nữa, nhưng những tiếng chộn rộn vẫn loang loáng trên mặt hồ. Phira lướt ghe băng qua đám đông, anh lục tìm hình bóng dì Sang, một cặp giò thõng xuống mạn tàu, máu loang đỏ lòm, trôi trên vết sẹo dài đến tận hông nhiễu xuống mặt hồ, rươm rướm như mắt người giữa buổi chiều tàn.

Phira chạy lại lay dì Sang thật mạnh, anh khẽ khàng tính thốt ra một tiếng gì đó nghe nhẹ hều mà mãi vẫn không thành lời, một giọt nước mắt rơi xuống trượt ngang con mắt hư. Dì Sang nằm đó thoi thóp, mắt dì mở ra và ánh lên như lúc dì nói về cá.

⁃ Về đi, đừng qua đây nữa, con….

Phira ghị chặt dì vào lòng, cái ghị đền trả sau mấy mươi năm cho người đàn bà chết hụt hai lần.

Đó là một buổi chiều rực rỡ, gió mơn man thổi mặt nước lao xao báo hiệu một mùa cá mới. Mặt trời tròn vo và đỏ rực nhuộm cả hai thân người. Tiếng khóc nấc của chàng thanh niên xoá tan mọi âm thanh nhộn nhạo xung quanh, những chiếc ghe vãn dần ra các phía, góp phần khua động mặt nước hồ.

***

Có hôm ngồi nghe gió

Thổi man mác giữa trời

Một buổi chiều lồng lộng

Bỗng nghe giọt sầu rơi.

Saigon, 6/4/23

Ngu Yên.


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}