Ở Đồng Tháp những năm 1980.
Đất đai tuy có phần màu mỡ nhưng vẫn còn ảnh hưởng của chiến tranh. Ở một số nơi có đất phèn, người dân lại đang trong cái nghèo thì không được mấy thuận lợi, chỉ có thể làm đủ ăn đủ mặc chứ không dư dả gì.
Nổi tiếng là vùng trồng lúa thuận lợi, thời tiết cũng rất phù hợp, nhưng lại không phát triển là bao.
Dạo này mưa lại thường xuyên hơn, cũng may là do lúa đã được cắt sạch nên không ảnh hưởng gì. Những người khá giả một chút thì còn mướn người làm ruộng, còn những người nghèo thì phải nai lưng ra làm bán sống bán chết, thức khuya dậy sớm chứ chẳng vừa.
Phước nằm trên bãi cỏ trên gò, dưới một bóng cây gáo to. Ngó ra con trâu đang miệt mài ăn lấy ăn để những cọng cỏ non xanh mướt, khiến cậu vô thức cười tủm tỉm.
Cảnh tượng này thật bình yên biết bao nhiêu. Cậu rất khoái nghe kể về những câu chuyện thời chiến. Nài nỉ chú Sáu riết ổng mới chịu kể cho nghe, ổng cũng có rảnh rang gì đâu mà kể hoài. Rồi chuyện cũng hết, giờ cũng còn ai kể nữa đâu.
Cậu ngó xong con trâu thì nhìn lên trời. Mặt trời đã lên tới đỉnh, cũng tới giờ phải dẫn trâu về. Chú Sáu ổng chỉ cho trâu ăn cỏ buổi sáng, làm trái ổng lại chửi.
Chú Sáu tuy rất khắc khe nhưng trong dạ lại rất tốt. Ông mướn cậu làm để có tiền ăn, cũng hay dạy cái này cái kia. Cho cậu biết với người ta chứ thân không có học hành gì, biết đọc chữ là hên lắm rồi.
Phước lồm cồm ngồi dậy cầm lấy bó mồng tơi bên cạnh. Rồi đi lại chỗ con trâu, nhổ cái cọc cắm dưới đất.
“Về thôi để tao dắt mày về. Ăn vậy cũng được rồi mai tao dẫn mày đi ăn tiếp về trễ lại bị la đó nghen.”
Con trâu vẫn gắng gượng ăn thêm một chút nữa rồi mới chịu theo Phước về nhà. Đường về không xa lắm, đi trên con đường đất nhỏ một chút là sẽ tới nơi.
Cậu vừa đi vừa cầm bó rau trên tay nhìn con trâu rồi cười “Mới ngày nào mày còn không chịu cho tao dắt còn mém đá tao bây giờ lại ngoan ngoãn thế này. Lúc đó tao hoảng hồn tưởng đâu là xong đời rồi.”
Cái lần đầu tiên Phước được chú Sáu cho dẫn trâu ra đồng ăn cỏ nó không chịu cho cậu dẫn mà lấy chân sau đá một cái, lúc đó mà không để ý là nằm chài bãi một đống rồi.
Con trâu hình như cũng hiểu tiếng người, nghe Phước nói thì kêu lên vài tiếng lắc lắc cái sừng qua lại.
Nghĩ cũng phải, tuổi đời của con trâu cũng ngót nghét 30 năm rồi còn gì nữa đâu, hiểu tiếng người cũng có lý.
“Người ta nói tuổi 17 bẻ gãy sừng trâu mà nhìn sừng của mày chắc tao phải tính lại. Có khi lủng bụng hổng chừng.”
Phước cười nói với con trâu riết rồi cũng thành thói quen, đi bên cạnh mà không nói gì thì lại thấy thiếu thiếu. Cứ cái đà đó một người một trâu cũng đi về tới nhà.
Chú Sáu vác cái lợp bắt cá đi ra ”Phước về rồi đó hả bây? Bữa nay nó ăn nhiều không để tao còn biết mà thêm cho nó.”
Phước tay cầm dây, tay thì xoa xoa trên da con trâu tự hào về nó nói: “Dạ nhiều lắm chú Sáu. Mới thức thì nó còn ăn thêm một mớ mới chịu về đó!”
“Vậy đó hen, mày dẫn nó vô chuồng đi rồi về sớm không mẹ mày trông.”
“Dạ con về liền. Con còn tranh thủ hái được mấy mớ mồng tơi nữa cũng đỡ được một bữa cơm đó chú Sáu.”
“Ừ vậy đi tao đi đặt lợp mấy con cá nhiều thì tao đem qua vài con.”
“Dạ.”
Chú Sáu xách cái lợp đi ra cái mương ở ngoài ruộng, còn Phước thì dắt trâu vô chuồng rồi cũng tranh thủ về nhà ăn cơm. Nếu không mẹ với chị hai chờ lại đói.
Nhà cách nhau chỉ chừng mấy căn, thoáng một cái là về đến nơi.
Vừa về thì đã nghe tiếng mẹ với chị đang ngồi nói chuyện, cậu lấy nước trong cái lu trước nhà rửa tay, chân cho sạch.
“Mẹ với hai nói chuyện gì vui hả? Cho con nghe với.”
“Út về rồi đó hả con? Vô ăn cơm chị con mới nấu xong.”
Hai người. Một người ở sau nhà, một người ở ngoài trước, nói chuyện với nhau. Thấy dì Hai vẫn còn đang may đồ thì vui vẻ đi vào.
“Mẹ đang may đồ hả? Vậy để con đem bó mồng tơi cho chị hai chiều nấu.”
“Ừ kêu con Thơm làm lẹ rồi ra ăn nghen, mẹ may cũng gần xong rồi.”
Dì Hai vẫn cặm cụi may trên cái máy may đã cũ kỹ. Không biết nó đã có từ đời nào, nó là cái thứ đã nuôi sống hai chị em hồi nhỏ.
Cậu đi ra đằng sau nhà.
“Hai ơi! Bó mồng tơi này chiều chị luộc hay nấu gì đi đỡ tiền mua em hái cũng bộn lắm.”
Chị Thơm vừa mới rửa tay xong, giờ vẫn đang chùi trên quần đáp lại: ”Ừ để đó đi chiều chị nấu canh. Mày mới chăn trâu về mồ hôi lả người rồi kìa, ra ngoải lấy cái quạt mo quạt cho mát đi, chị dọn rồi ra liền.”
“Vậy em để ở đây đó.”
Dứt câu, cậu ra lại ngoài trước. Lấy cái quạt vắt ở trên cây tre của vách tường lá, rồi ngồi phịch xuống, quạt vù vù cho đỡ nực.
“À mà Út này, nghe nói ở ngoài chợ khúc kia đang xây lên một xưởng gốm. Chủ hình như là một người ở Sài Gòn mới về, con có nghe không?”
Phước hiển nhiên lắc đầu, từ hồi sớm cậu đã đi chăn trâu ở ngoài đồng thì lấy gì biết được chuyện đó.
“Con không có nghe, mà mẹ nói có chuyện gì hả?”
“Mẹ hỏi coi mày có biết không á mà. Nghe nói trẻ lắm, giàu mà hiền nữa.”
Mấy khi nghe dì Hai nói về chuyện nhà người ta, nên Phước lấy làm lạ mà hỏi: "Hồi đó giờ mẹ hay nói là nên tránh xa những người có quyền thế ra, là sao vậy mẹ?”
“Những người đó thường có tính khí rất thất thường, tốt hơn hết né xa là được, nếu không lại chọc đến người ta.”
“Người mở xưởng đó con chưa gặp, nhưng mà nghe mẹ nói chắc là người tốt.”
Nghe mẹ nói Phước cũng muốn gặp thử một lần, đó giờ chỉ toàn ru rú ở cái xóm này có biết đi đâu. Hiếm khi có người Sài Gòn về nên cũng muốn nhìn thử một lần để biết những người họ ra sao.
Muốn thì muốn vậy thôi chứ việc mình mình làm, việc của người ta quan tâm làm gì cho mệt.
Vừa mới phơi nắng xong vào nhà lại chẳng thể đỡ hơn miếng nào, mồ hôi cứ tuôn lã chã ướt hết cả cái áo bà ba màu sậm trên người.
Tích cực quạt một chút là hết mà ha? Cậu cứ giữ cái suy nghĩ đó mà quạt rất chăm chỉ. Cho đến khi chị Thơm bưng cả đồ ăn ra mà cậu vẫn còn quạt.
Bình luận
Chưa có bình luận