"Nhanh lên... nhanh lên thầy ơi, khéo mặt trời lặn mất!"
Thiếu nữ nhảy chân sáo trên triền núi thoai thoải, đoạn nàng vươn người, không ngừng vẫy tay với bóng người phía sau.
Thiếu nữ hẳn vừa độ trăng rằm, mục mi như họa, làn da trắng tựa bông bưởi lấp ló dưới lớp váy áo đơn bạc màu rêu sẫm. Ánh hoàng hôn nhòe nhoẹt vàng ươm, ướm lên khuôn mặt mỹ lệ của nàng, đẹp đến nức lòng nao tim.
Ấy vậy mà cái kẻ không tim không phổi ở phía sau lại chẳng mảy may rung động. Hắn nhíu mày, lèm bèm:
"Chầm chậm thôi kẻo ngã. Nó lặn đấy thì mai nó mọc lại, có đi đâu đâu mà lo? Mày sợ là nên sợ bộ xương già của thầy không chịu nổi lăn kềnh ra đây này!"
Thanh niên tết đuôi sam đôi [1], mày kiếm mắt sáng, sống mũi đĩnh bạt, tuấn tú khôi ngô, ẩn dưới lớp áo choàng lông chim còn là đường cong phập phồng của mấy thớ cơ bắp. Hắn có nước da màu đồng, cổ đeo xà tích [2], nhưng lạ thay, trên cơ thể ngoại trừ vòng ống đồng [3] và mấy vết sẹo lồi nơi mạn sườn thì hoàn toàn trống trơn, tức chẳng hề có văn thân [4] - cái thứ chứng minh cho sự kiêu dũng của đàn ông xứ này.
Nhẩm đoán tuổi, hẳn gã thanh niên kia cũng chỉ ngoài đôi mươi có lẻ, chẳng ra vẻ gì là già cả lõi đời như lời hắn nói cho cam. Nhưng ở cái thế gian mà thần nhân trộn lẫn này, trông bộ dáng trẻ trung cao ngất, lại chưa biết chừng bên trong là một ông lão già xọm tuổi trạc ngang ngửa với đất trời cũng nên.
“Thầy mỏi thì xòe cánh ra cõng con bay đi!” Thiếu nữ lay lay tay hắn, vẻ mặt đầy chờ mong.
“Thầy biết thừa mày chỉ chờ có thế là mau. Mỏi chân với mỏi cánh cũng như nhau cả con ạ!”
Lời nói ngập tràn ghét bỏ nhưng đôi mắt lại vẫn chan chứa vẻ cưng chiều, dung túng.
Con đường núi dài ngoằng ngoẵng, đổ xuống vùng đồng bằng châu thổ màu mỡ phía dưới. Trên cung đường hứng trọn nắng chiều nọ, có tiếng lá phiên dưới chân xào xạc, có tiếng thiếu nữ ríu rít ồn ào, lâu lâu lại đệm thêm vài tiếng cười khẽ hơi trầm của gã đàn ông điển trai kia, hòa thành một khung cảnh yên bình khó tả.
Mãi đến khi ráng chiều ngả hẳn về phía Tây, gã đàn ông mới xốc thiếu nữ lên lưng, hóa thân thành một con chim lạc [5] thật lớn, hướng ngược về với nơi mặt trời lặn mà bay.
Vô Ưu không cha không mẹ, không nhà không cửa, tim lại chỉ có nửa quả chẳng hơn. Thứ duy nhất mà nàng sở hữu trọn vẹn chỉ có tình thương từ thầy nàng - Lạc Dực, cái kẻ điên bênh vực học trò chằm chặp mà bọn yêu tinh thấp cổ bé họng trên núi đá Hang Hao này ghét cay ghét đắng.
***
Lạc Dực bay một hồi lâu, đến khi “mặt trời rơi tõm xuống ao hẳn” theo cách nói của Vô Ưu, cả hai mới dừng lại cạnh một khúc sông nhỏ.
Hắn lúi húi khắp nơi thu thập củi đốt. Ngày đông đã qua, mùa xuân ngấp nghé ngay kẹt cửa mà thời tiết về đêm vẫn còn rét căm. Lạc Dực không sợ lạnh, nhưng đứa trò nhỏ của hắn thì mãi vẫn chưa học được phép hộ thể nên răng môi cứ đánh lập cập vào nhau hoài.
Lạc Dực thở dài, móc trong chiếc giỏ làm từ sợi vỏ cây ra một tấm áo choàng lông cáo, phủ lên người Vô Ưu.
“Thầy, con đói!” Rúc mình trong cái áo mềm như bông, bụng réo lên, nàng không nhịn được chọc chọc tay thầy.
Y như rằng nghe xong, Lạc Dực lại chau mày bảo nàng là đồ khó nuôi, nhưng chân hắn thì vẫn lanh lẹ bước đến mé sông, phất tay nhẩm phép. Kế đó, một hai con cá to cỡ khuỷu tay Vô Ưu vọt thẳng từ dưới nước lên, nằm giãy cạn trên bờ.
Lạc Dực thuần thục dùng con dao thiếc giắt ngang hông mình cạo vảy, lọc sạch ruột cá, ướp chút muối và mắc khén[6], cuối cùng lại xiên dọc nó bằng một que trúc, nướng lên. Đến khi con cá đầu tiên đã chín đều, hắn trút nó vào cái lá chuối, cẩn thận lọc xương hết ra rồi mới đưa cho Vô Ưu.
“Ăn đi, khéo hóc.”
Hẳn là không còn mẩu xương nào nữa, nhưng với đứa nhóc này, cẩn thận vẫn hơn. Trong cảm nhận của Lạc Dực, Vô Ưu không chỉ vô tâm vô phế, thiếu kinh nghiệm sống mà nàng thậm chí còn hơi đần.
Lắm lúc hắn nghĩ, chắc không chỉ thiếu mỗi nửa quả tim, có khi nàng thiếu luôn nửa cái não không chừng.
Vô Ưu ăn xong, hai bàn tay dính bẩn. Nàng he hé mắt liếc thầy, thấy hắn ngồi một bên nhắm mắt thả hồn tận đâu đâu mới yên tâm xòe tay định chà lau lên áo. Đương tay còn chưa chạm được vào vải mềm thì đã nghe tiếng thầy nghiêm khắc răn đe.
“Bẩn, ra sông mà rửa!”
“Nhưng mà nước lạnh lắm thầy ơi…”
Nàng trề môi, vừa hé mắt để ý phản ứng của Lạc Dực. Thấy hắn im lặng không đáp nữa, nàng đoán hắn mặc kệ nên cũng dạn dĩ đưa hai bàn tay lại gần vạt áo lần nữa. Gió thổi khiến mảnh lá phết đất kêu lạo xạo vài tiếng, thân thể Vô Ưu bỗng bị một quầng sáng vàng nhạt bọc lấy, nâng nàng bay thẳng đến mé sông. Lạc Dực dùng thần lực vốc nước xối lên tay lên mặt nàng. Chừng xong cả, hắn mới thả Vô Ưu xuống, để nàng tự mò về lại.
Tay chân Vô Ưu lạnh ngắt, răng môi đánh lập cập vào nhau, hong cả người trước đống lửa hồi lâu mới cảm thấy bản thân mình như được sống lại. Cái kẻ đầu têu kia nhăn mày, thở dài một hơi, yếm phép hộ thân lên người nàng.
Nhìn bộ dạng co rúm của Vô Ưu, hắn không khỏi than thầm. Xót con xót tận trăm bề, cưng quá lại nề hà chúng không nên nết nên thân. Nỗi niềm của bậc phụ mẫu khắp thế gian âu cũng chỉ đến thế này chăng?
Nhác thấy mày của ông thầy nhà mình chau chặt, Vô Ưu đánh hơi được mùi không ổn, chẳng biết hắn lại suy nghĩ đâu đâu nên nàng thông minh đổi chủ đề ngay:
“Quả cây Đác ở đâu hở thầy?”
“Nam Hải.”
“Nam Hải ở đâu hở thầy?”
“Cứ đi theo hướng mặt trời mọc, chừng nào thấy biển là đến.”
Liễn - một đồng bạn cũ của Lạc Dực báo cho hắn, quả cây Đác theo thân xác của Đồ Sơn Thủy thánh, chìm sâu dưới Đáy Vực Nam Hải. Liễn nghe tin này qua một gã Đản Nhân lạc bầy, tình cờ chui vào nơi táng thân của Thủy thánh và bị màn bảo vệ bắn văng ra.
Đây cũng là điều mà Lạc Dực lo ngại nhất, bởi tìm đến được Đáy Vực thì dễ, nhưng phá được màn chắn của Thủy tộc để mò vào hầm mộ Thủy thánh thì là một chuyện khó hơn lên trời.
“Đản Nhân là giống gì hở thầy?”
Vô Ưu khều khều cái cục than củi cháy đen ra từ tim lửa, lại hỏi, dường như thắc mắc của nàng không bao giờ tận vậy. Thế nhưng Lạc Dực không mất kiên nhẫn chút nào, hắn vẫn nghiêm túc phổ cập kiến thức cho đứa trò nhỏ.
“Một đám cá tinh có khả năng biến thành người, sống ở Nam Hải. Bọn này rất thích hóa hình lên bờ lừa gái tơ như mày về sinh con đẻ cái cho chúng, đến đó rồi phải cẩn thận nghe chưa?”
Nghĩ nghĩ, thấy không an tâm, hắn bổ thêm:
“Mà tốt nhất là mày không nên nghe theo lời thằng nào hết, bọn đàn ông trên đời này nó chỉ được cái dẻo mồm thôi.”
Lạc Dực lo lắng cũng không phải không có căn cứ. Bởi thể chất đặc biệt mà máu của nàng dường như vô cùng thu hút đám yêu ma quỷ quái. Năm đầu tiên Lạc Dực mang Vô Ưu về Hang Hao, núi bên có một con cáo ba đuôi mò sang tiếp cận, mưu toan móc tim uống máu nàng để tăng yêu lực. Cuối cùng, Vô Ưu vẫn an toàn, năm đó còn được thầy tặng cho cái áo choàng lông cáo màu đỏ, ấm sực mà nàng vẫn thích mang cho đến tận bây giờ.
“Không chỉ có đàn ông, mà đàn bà, người già, trẻ nhỏ, miễn thứ gì biết suy nghĩ động đậy thì đều không thể tin được, hiểu chưa?” Như thấy chưa an tâm lắm, Lạc Dực lại bổ sung.
“Bao gồm cả thầy ạ? Thầy cũng biết động đậy mà…”
Vô Ưu đột nhiên nghiêng đầu, ngây thơ vặn một câu khiến Lạc Dực cứng họng. Hắn suy nghĩ một lát mới dùng giọng điệu mà bản thân tự cảm thấy là điềm đạm nhất để trả lời.
“Trừ thầy ra, thầy khác bọn chúng nó. Ta là người duy nhất mà con tin được trên đời này.”
Vô Ưu chẳng thấy khác gì, cũng hai mắt, hai tai, một mũi, một miệng, không thiếu không dư cái nào, nhưng nàng vẫn ngoan ngoãn gật đầu. Thầy bảo sao thì nghe vậy, thầy nuôi ăn, thầy chăm lớn, mỏi chân thầy còn cõng bay khắp nơi nên thầy là cha là mẹ, là đất là trời, thầy bảo gì cũng đúng.
Lạc Dực hài lòng vỗ vỗ lên tóc nàng mấy cái. Nhác thấy trời vào khuya, hắn bèn chui vào giữa những chạc cây to, bện dây leo và đám lá thành một cái võng nhỏ, phủ thêm tấm áo lông cáo lên rồi nhét Vô Ưu vào đó.
Bỗng một trận gió quét ngang, từng sợi lông vũ trên tấm áo choàng của Lạc Dực rung rung. Gió thổi khiến lá tụ thành một đám, xoay vòng vòng trong không trung, cuối cùng tụ thành một hình người, quanh thân phát ra ánh sáng xanh nhàn nhạt.
Chú thích
[1] tóc tết đuôi sam: một kiểu tóc của người Việt cổ được khắc trên mặt trống Đồng.
[2] xà tích: trang sức đeo cổ của người Việt cổ, hiện nay vẫn còn được một số dân tộc vùng cao dùng.
[3] vòng ống đồng: vòng đeo tay bằng đồng của người Việt cổ.
[4] văn thân: hình xăm. Ngày xưa dân ta đi biển thường bị thủy quái làm hại, Vua bèn truyền dân lấy mực xăm hình của loài thủy tộc mới không gặp họa khi đánh bắt. Sau này tục xăm mình của người Việt cổ phát triển từ đấy.
[5] chim lạc: một loài chim cổ trong truyền thuyết nước ta, được cho là có hình dạng tựa như con cò.
[6] mắc khén: Mắc khén hay má khén có tên khoa học là Zanthoxylum rhetsa, thuộc họ cam, người dân miền núi còn gọi là cóc hôi, hoàng mộc hôi. Mắc khén là gia vị ẩm thực Tây Bắc, được xem như mà linh hồn của món ăn vùng Tây Bắc. (Theo bài viết “Hạt mắc khén: Gia vị tuyệt hảo, linh hồn ẩm thực Tây Bắc” - Bách Hoá Xanh)
Bình luận
Rhyon Path
Ôi cái sự nhịp nhàng thuần văn này đã lâu rồi không thấy
Hoa Sen Ngọt
Mỏi cánh luôn:)))
Hiển Ái
Đồng Miên