Thuở hồng hoang, đất trời chỉ là một mảnh hỗn mang, mờ mịt. Lúc ấy có một vị thần khổng lồ dùng đất đá tạo thành cây cột lớn tách rời trời và đất, đất phẳng như chiếc mâm vuông còn trời lại tròn như cái miệng bát. [1]
Sau đó thế gian xuất hiện một trận mưa to như trút. Nước chảy tạo thành sông suối, đất lở bồi thành đồng bằng, đá lăn chất đầy thành đồi thành núi. Mưa suốt năm mươi ngày liền thì tạnh. Khi trời tạnh, ánh sáng rẽ mây ló ra, dưới đất bỗng mọc lên một cây si. Cây si lớn nhanh như thổi, cành lá phủ cả một nửa bầu trời. Từ gốc cây si sinh ra một đôi chim, Chim Ây là đực, Cái Ứa là cái. Đôi chim rủ nhau bay lên cành cây si làm tổ, cành si gãy. Chim bèn bay lên cây đa làm tổ, cây đa cũng đổ. Chim Ây và Cái Ứa đành rủ nhau bay lên núi đá, lấy cỏ bện thành tổ Hang Hao để đẻ trứng, núi ấy sau này người ta cũng gọi là núi Hang Hao. Cái Ứa đẻ ra trăm ngàn quả trứng, trứng chim nở ra muôn loài vật, còn thừa một trăm cái trứng thì nở ra con người. [2]
Thế gian từ ấy mới bắt đầu phân chia thành hai cõi: cõi trời và cõi người. Các thế lực thần thánh, con người, yêu-ma-quỷ-quái chia nhau ra ngự trị các nơi, không ngừng phân tranh, đấu đá.
Mấy vạn năm sau, thế gian bị tắm máu, con mộc yêu bé nhỏ nương náu trong thân cây chiên đàn khô héo năm nào trở thành vạn quỷ chi vương, tự xưng Quỷ Thánh, xé rách thời không tạo ra cõi thứ ba - cõi đất. Xương Cuồng tàn bạo đàn áp chúng sinh, thưởng thức nỗi khiếp đảm của vạn vật, giẫm lên xác thây của vô số oan hồn vô tội để ngồi vào chiếc ngai vị chất đầy xương trắng.
Thiên hạ lầm than, sinh linh ca thán.
Hấp thu tà khí khắp thế gian, bản tính lại tà ác cuồng vọng, Xương Cuồng nhanh chóng trở thành sự tồn tại đáng sợ nhất ba cõi. Nhưng từ thuở khai thiên lập địa, tà vốn luôn không thể thắng chính, cõi đất cuối cùng vẫn đại bại dưới tay thần tộc trong thế trận giằng co suốt hàng trăm năm.
Bản thể của Xương Cuồng sinh bởi trời đất, tồn tại cùng vạn vật thế gian, cho dù chỉ còn sót lại một sợi tàn hồn, y vẫn mang thân bất tử. Biết không thể giết được Quỷ Thánh, Lạc Long Quân chỉ còn cách dùng Long Châu - bảo vật tọa trấn ngàn đời của Thủy tộc - lập vách ngăn vô hình trấn yểm y ở vùng Hoang Địa [4] phía Tây Nam Xích Quỷ. [5] Từ đây, cái tên Xương Cuồng dần biến mất trong trí nhớ của loài người, chỉ còn được đám quỷ già trung tín và những truyền thuyết cổ xưa nhắc đến.
Dù chiếm thế thượng phong nhưng sau trận chiến với cõi đất, thần tộc vẫn phải trả một cái giá quá đắt. Sùng Lãm [6] dùng gần như toàn bộ thần lực để trấn yểm Xương Cuồng, kéo dài hơi tàn đến hai mươi lăm năm sau thì thác. Không tộc diệt vong; thần khí Thiếc bị chẻ làm đôi, mất đi thần thức, ngã vào vòng luân hồi; Không Thánh [7], cũng là thần bảo hộ của đất Văn Lang, trúng nỏ tróc hồn, ba hồn chín phách rã ra tứ phương, thân xác được trời đất đưa vào ngủ vùi trong vỏ trứng.
Sùng Lãm chết, Không Thánh biến mất khiến Thần tộc loạn lớn, mệnh khí của
đất Văn Lang cũng dần dần có xu hướng suy yếu đi. Vào lúc đó, Xương Cuồng lại sắp
phá vỡ vách ngăn, tham vọng đưa cõi đất quay lại nguy hại thế gian một lần nữa.
Đứng trước thế khó, Đồ Sơn Thủy Thánh [8] - học trò của Không Thánh - đã đi đến gặp chuyển kiếp của Thiếc, người bạn từng vào sinh ra tử với mình năm xưa, cũng tức là Tản Viên Sơn Thánh [9], để cùng tìm kiếm những mảnh hồn văng ra từ cơ thể thầy. Hơn hai ngàn năm sau khi trấn yểm Xương Cuồng, Sơn Thánh và Thủy Thánh cuối cùng cũng góp được hai hồn sáu phách, đánh thức Không Thánh khỏi giấc ngủ dài. Giữa lúc thành công chỉ còn cách một sợi chỉ mỏng, Sơn Thánh Nguyễn Tuấn và Thủy Thánh Thoải đột nhiên lại trở mặt chỉ bởi một cuộc kén rể của Hùng Vương loài người. [10]
Sau trận chiến, Thoải tử trận, mảnh hồn cuối cùng của Không Thánh đang nằm trong tay hắn không may rơi xuống Bể Vực Nam Hải [11], mệnh khí đất Văn Lang rốt cuộc điêu tàn, tắt ngấm, cũng từ đây mà mở ra mối thù ngàn đời giữa hai cõi nước non.
Bao phen gió tanh mưa máu, đứng ngoài vòng tranh đấu dài đằng đẵng ấy lại là hai kẻ dở hơi nhất thế gian này.
Cái xác hồn thiếu, phách chẳng đủ đầy, sống tạm bợ, lay lắt mỗi ngày và đứa học trò chỉ có nửa quả tim của hắn ta.
Kẻ mất hồn tìm hồn, người khuyết tim cầu tim.
Ngờ đâu, đến khi dấu chân giẫm khắp đất Nam, trải qua trăm cay ngàn đắng, thứ dành cả đời sở cầu, chỉ trong một cái chớp mắt bỗng hóa thành một hồi mộng ảo, hư vô.
Chú thích, những tài liệu tham khảo
[1] Tham khảo từ tích dân gian “Thần Trụ Trời”. Sau này, nhiều nơi người ta còn gọi vị thần khổng lồ đó là Trời hoặc Ngọc Hoàng.
[2] Tham khảo và phóng tác từ “Đẻ đất, đẻ nước” - một bộ sử thi của người Mường được lưu giữ bằng hình thức truyền miệng, theo bản kể ở Hoà Bình. Còn một bản khác ở Sơn La thì cho rằng những quả trứng ấy là thành phẩm của chim Tùng - chim Tót.
[3] Xương Cuồng: Theo “Lĩnh Nam chích quái”, Xương Cuồng là một cây chiên đàn ở đất Phong Châu (Văn Lang) xưa khô héo mà thành tinh. Xương Cuồng hung tàn, thường làm hại người, dân phải lập đền thờ và hàng năm tới ngày 30 tháng Chạp mang người sống tới nộp, Xương Cuồng mới cho được yên ổn. Có tài liệu nghiên cứu khác lại cho rằng Xương Cuồng là hổ tinh, nhưng tất cả đều thống nhất cho rằng đây là một trong những con yêu tinh mạnh nhất thời thượng cổ nước ta.
[4] Hoang Địa: Một vùng thuộc cõi đất, không có cây cối, nhà cửa, vật sống nào cả. Đây là địa danh nằm trong cấu trúc thế giới của tác giả, lưu ý không đánh đồng với hiện thực.
[5] Theo “Lĩnh Nam chích quái”, Xương Cuồng ban đầu bị Kinh Dương Vương dùng nhạc để đánh bại nhưng không hoàn toàn tiêu diệt được, vẫn nay đây mai đó làm hại dân chúng. Một số nguồn khác lại viết là Lạc Long Quân dùng long châu trấn yểm Xương Cuồng lại ở phía Tây Nam, song đây chỉ là những nguồn thông tin chưa được xác nhận, được tác giả dựa vào đó để phóng tác, không nên đánh đồng với các thông tin chính thống khác.
[6] Sùng Lãm: tên húy của Lạc Long Quân - một vị thần Rồng trong truyền thuyết “Con Rồng cháu Tiên”. Lạc Long Quân được cho là con của Kinh Dương Vương Lộc Tục và Thần Long Nữ - con gái của Động Đình Quân.
[7] Không Thánh: Nhân vật được phóng tác, không tồn tại trong sử liệu hay tư liệu dân gian nào.
[8] Đồ Sơn Thủy Thánh: sinh sống ở động Gia Ninh, hay được biết đến là Thủy Tinh trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Cần phân biệt giữa Đồ Sơn trong phong hiệu của ngài và địa danh Đồ Sơn ở ngoài đời. Vì ghi chép về Thủy thánh rất ít, nên tên húy và đa phần những thông tin khác đều là phóng tác, những nguồn có tư liệu tham khảo được công nhận sẽ được mình chú thích rõ ràng (nếu có).
[9] Tản Viên Sơn Thánh: cai quản vùng núi Ba Vì (tên chữ là núi Tản Viên), hay được biết đến là Sơn Tinh trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh. Theo ghi chép, tên húy của ngài là Nguyễn Tuấn. Tình tiết kiếp trước Sơn thánh là thần khí của Không Thánh được tác giả phóng tác.
[10] Trích truyền thuyết “Sơn Tinh - Thủy Tinh”. Theo “Việt điện u linh” tập và “Lĩnh Nam chích quái”, trước khi xảy ra trận chiến tranh giành Mỵ nương Ngọc Hoa, Sơn thánh và Thủy thánh từng làm bạn rất thân thiết ở đất Gia Ninh, Phong Châu. Chi tiết cả hai là học trò của Không Thánh là chi tiết được phóng tác.
[11] Nam Hải: Theo “Lĩnh Nam chích quái”, phía đông lãnh thổ Văn Lang tiếp giáp với Nam Hải, cũng tức là biển Đông ngày nay.
Bình luận
Rhyon Path
Cuối cùng cũng tìm được rồi
Trường Minh
Cách xây dựng thế giới rất thú vị