Từ ngày xảy ra chuyện đó, mọi việc đều giữ kín. Chẳng có bất kỳ lời đồn nào rò rỉ ra ngoài, mọi thứ vẫn diễn ra âm thầm, chỉ có những kẻ trong cuộc mới biết chuyện gì thực sự đã xảy ra. Tôi cũng chưa nghe được thêm tin tức gì về nàng. Nhưng chắc chắn người con gái quấn khăn che mặt ấy chính là Thanh Uyển. Đôi mắt lạnh như băng của nàng đã tiết lộ tất cả. Lòng tôi nặng trĩu, không biết phải đối mặt với tương lai thế nào.
Ngồi nhâm nhi tách trà trước hồ sen, tôi tận hưởng không khí mát mẻ buổi chiều. Những con cá chép lượn lờ dưới mặt nước. Từ phía sau, Trần Chí Lâm bước tới, hai tay chắp cung kính:
“Thưa ngài, thần có chuyện cần bẩm báo.”
Tôi xua tay, bảo:
“Không cần đa lễ, ngồi xuống đi.”
Vừa ngồi xuống chiếc ghế đá bên cạnh, hắn liền cất giọng:
“Thần đã cho người điều tra kỹ lưỡng, nhưng hiện tại vẫn chưa phát hiện được tung tích của vị cô nương đó.”
Tôi thở dài, nhấp một ngụm trà, rồi khẽ nói:
“Có lẽ nàng hận ta lắm.”
Trần Chí Lâm tỏ vẻ an ủi:
“Thần nghĩ cô nương đó sẽ sớm gặp ngài thôi. Lão kia sẽ không bỏ qua cho ngài dễ dàng như vậy.”
Tôi sa sầm nét mặt, thừa nhận:
“Ngươi nói đúng. Đôi tay này đã làm quá nhiều chuyện ác. Giờ hối hận cũng chẳng thể cứu vãn.”
Rõ ràng giờ tôi phải gánh gánh vác tất cả nợ nần của tên Trần Phúc Hưng đã gây ra. Nàng đã chứng kiến tôi trong bộ dạng này, liệu còn mặt mũi nào mà gặp lại? Ông trời sao nỡ chia lìa ta và nàng?
Bỗng có tiếng bước chân. Một người phụ nữ búi tóc gọn gàng, trên tóc cài chiếc trâm chạm hoa mai quen thuộc. Nàng ta là nhị phu nhân - Đào Tử Liên, đang đứng trước mặt tôi. Nàng ta khoác trên mình áo tứ thân màu xanh lá đậm, trong tay cầm khay đồ ăn. Nàng khẽ hỏi:
“Chàng đang bàn chuyện gì đó?”
Nếu so về tuổi đời, nàng ta chỉ hơn tôi vài tuổi, nhưng tôi vẫn cố giữ vẻ điềm đạm, chững chạc. Trần Chí lâm cúi người hành lễ, hắn định lui nhưng tôi cản lại. Tôi nhìn theo hắn, rồi quay sang Liên, đáp:
“Ta và Trần Chí Lâm đang bàn việc. Nàng có chuyện gì không?.”
Nàng ta đáp:
"Thiếp có đem cho chàng chén chè đậu đỏ, định mời chàng ăn cho nóng.”
“Nàng để đó đi.” Tôi lạnh nhạt đáp.
Vẻ mặt nhị phu nhân chần chừ như muốn nói điều gì. Tôi lên tiếng trước:
“Nàng còn có gì cần nói nữa không?”
Nàng ấp úng đáp:
“Thiếp có chuyện muốn nói với chàng.”
Tôi liền xua tay cho Trần Chí Lâm lui, rồi quay sang hỏi:
“Nàng nói đi.”
“Mấy hôm nay, ông nhà họ Phạm đến tìm chàng yêu cầu được gặp mặt. Nhưng thiếp đã từ chối rồi, chàng ra đại sảnh mà gặp mặt nói chuyện với họ.”
Tôi rầu rĩ đáp:
“Tâm trạng ta không được vui, nàng cho người đuổi hắn ta ra đi.”
Nhị phu nhân thoáng do dự, như muốn nói thêm gì đó với tôi, nhưng rồi lại thôi, cáo lui khỏi khuôn viên. Tôi thở dài, giờ đây không muốn đối mặt với Thảo. Vì nếu để cảm xúc mình buông thả, tôi sợ rằng nàng sẽ chiếm lấy trái tim tôi mất.
* * *
(Năm 1363, Vua Trần Dụ Tông đào hồ ở vườn ngự trong hậu cung. Trong hồ xếp đá làm núi, bốn mạch đều khai ngòi cho chảy thông nhau. Trên bờ hồ trồng thông, tre và các thứ hoa thơm cỏ lạ; lại nuôi chim quý, thú lạ trong đó. Phía tây hồ trồng hai cây quế, dựng điện Song Quế. Lại gọi tên điện là điện Lạc Thanh, tên hồ là hồ Lạc Thanh, lại đào một hồ nhỏ khác. Sai người Hải Đông chở nước mặn chứa vào đó, đem các thứ hải vật như đồi mồi, cua, cá nuôi ở trong hồ. Lại sai người Hóa Châu chở cá sấu đến thả vào đó. Lại có hồ Thanh Ngư để thả cá thanh phụ (cá diếc). Đặt chức khách đô để trông coi[1].)
Mùa đông đến, gió lạnh cắt da cắt thịt. Tôi được vua Trần Dụ Tông triệu vào cung, cùng người đi dạo quanh hồ Lạc Thanh, uống rượu ngắm trăng. Lần này, tôi đã nhớ hết các nguyên tắc trong cung, nên không để Trần Chí Lâm đi cùng mà giao việc quản lý trấn cho hắn.
Đứng chờ trước Kính Thiên điện, ánh trăng đã lên cao. Vua xuất hiện, trên người khoác long bào, theo sau là tên thái giám quen thuộc. Tôi cúi người hành lễ:
“Hạ thần Trần Phúc Hưng, bái kiến bệ hạ.”
Vua cười xua tay:
“Không cần đa lễ, mau đứng dậy.”
Trên đường tới hồ Lạc Thanh, vua hỏi:
“Tình hình ở trấn Lạng Sơn thế nào rồi? Ngươi có thể kể cho trẫm nghe?”
Tôi cúi đầu đáp:
“Bẩm bệ hạ, dân tình trong trấn sống yên ổn, kinh tế đang dần phục hồi. Họ rất biết ơn bệ hạ.”
Vua bật cười sảng khoái:
“Ta mừng vì điều đó. Vua nào mà không muốn dân chúng ấm no? Ta nhớ đã ra chỉ tịch thu tài sản của tên Ngô Dẫn kia, ngươi có biết chuyện này không?”
(Trước đây, về đời Minh Tông, cha Dẫn bắt được viên ngọc rết rất đẹp, đem đến Vân Đồn, các thuyền buôn tranh nhau mua. Một người chủ thuyền muốn có vật lạ đó, dốc hết của cải để mua. Dẫn do vậy trở nên giàu có. Minh Tông đem công chúa Nguyệt Sơn gả cho Dẫn. Dẫn cậy giàu có thông dâm với người con gái khác, lại có những lời lăng nhục công chúa. Công chúa đem việc ấy tâu vua. Dẫn được tha tội chết, nhưng bị tịch thu gia sản[2].)
Tôi nghe tới đó mà lạnh cả sống lưng, rụt rè đáp:
“Thần có nghe qua. Bệ hạ thật anh minh.”
Vua gật đầu, tiếp tục câu chuyện với giọng hài lòng:
“Ta chỉ hy vọng những lời quan khác tâu lên về khanh là không đúng sự thật. Khanh là kẻ đa tài, đặc biệt giỏi về trò tiêu khiển.”
Lời vua khiến tôi hoảng sợ, theo bản năng lập tức quỳ xuống, đáp:
“Xin hoàng thượng thánh ân! Thần hết mực trung thành với bệ hạ, những lời kia hoàn toàn không đúng sự thật. Mong thánh ân minh xét!”
Trần Dụ Tông cười nhẹ, xua tay, nói:
“Được rồi, ngươi đứng lên. Ta thích sự trung thực của ngươi.”
Tôi lật đật đứng dậy, nhẹ nhàng thở phào, thoát chết trong gang tấc. Nếu tôi không làm vậy, e rằng hoàng thượng chắc sẽ sinh nghi và cho người điều tra, lúc ấy sợ là liên lụy tới những người khác, đặc biệt là Thảo. Tuy hiện tại tôi là người tránh mặt nàng, nhưng tôi không muốn nàng vì tôi mà bị xử trảm.
Thoáng chốc, chúng tôi đã đến bến thuyền với vài tên lính gác đứng canh. Dưới ánh trăng mờ ảo, chúng tôi lặng lẽ rời bến, chiếc thuyền nhỏ bé trôi theo dòng nước. Tôi thưa:
“Bẩm hoàng thượng, hạ thần đã cho người chuẩn bị sẵn những bình rượu thượng hạng nhất.”
Nói rồi, tôi nhẹ nhàng mang ra một vạt rượu được bọc kín bằng giấy đỏ, rót vào chiếc bình sứ trắng muốt có vẽ hoa sen tinh tế. Rót ra hai chum rượu, tôi nâng ly nói:
“Thần xin phép kính một chum rượu với bệ hạ.”
Vua cạn chum rượu với ly của tôi, uống sạch hết chum, bảo:
“Trẫm thấy rượu này rất thơm, uống vào thì cảm giác đậm đà, cay nồng ở đầu lưỡi mà lại không bị quá nhạt. Ngươi có biết tên của loại rượu kỳ lạ này không?”
Tôi mỉm cười đáp:
“Bẩm bệ hạ, rượu này được gọi là rượu Mẫu Sơn. Hạ thần đã cho người lấy gạo nếp cái hoa vàng, lá rừng quý hiếm và nước suối trong vắt từ đỉnh núi. Sau đó, thần cho người chưng cất bằng phương pháp thủ công truyền thống để rượu giữ được hương vị đặc trưng của núi rừng Lạng Sơn.”
Trần Dụ Tông vui mừng, vỗ vai tôi, cười lớn:
“Ngươi khá lắm. Quả thật không sai khi cho ngươi vào cung hầu rượu trẫm.”
Tôi cười như được mùa. Thật ra tôi chẳng biết một chút gì về rượu. Ở thời hiện đại thì chỉ có rượu vang hay rượu tự chưng cất ở nhà. Do biết tính của vị vua này là người thích rượu, nên trước khi lên kinh, tôi cũng kịp hỏi thăm người dân xung quanh trấn Lạng Sơn cách để chưng cất loại rượu này. Mà đúng là rượu của Việt Nam, mùi thơm của gạo không thể lẫn vào đâu được. Thực ra, tôi chỉ nhớ mang máng là phải có gạo nếp, men lá và nước suối thôi.
Hai người uống liên tục, hết vạt rượu này đến vạt rượu khác. Ánh trăng lung linh trên mặt hồ, in bóng hai người xuống mặt nước. Cây liễu rủ xuống như những dải lụa mềm mại. Khuôn mặt của vua lúc này đỏ như gấc, say xỉn nói:
“Nhà… ngươi… ở lại… điện Lạc… Thanh… nghỉ ngơi… ta về… cung điện… trước.”
Vua đứng dậy, người lảo đảo, chân nọ đá qua chân kia, trông rất buồn cười. Tôi vội vàng tiến đến, đỡ người rồi dìu tới con thuyền đang đợi sẵn ở bờ hồ. Trước khi rời đi, tôi căn dặn thái giám kỹ càng, dặn dò từng chi tiết để chắc chắn rằng hoàng thượng sẽ không gặp phải sự cố nào trên đường trở về. Khi đã thấy thuyền khuất xa dưới ánh trăng, lại ngồi xuống uống một ly rượu. Hình ảnh Vy chợt hiện lên rõ nét trong làn nước xanh, đôi mắt nàng long lanh dưới ánh trăng, nụ cười ấy giờ đây chỉ còn là ảo ảnh.
* * *
Rạng sáng hôm sau, thuyền đưa tôi quay trở lại điện Kính Thiên. Gửi lời thăm hỏi em gái, vội vàng cáo từ, rời khỏi kinh thành náo nhiệt. Trong đầu tôi giờ có một mục tiêu hàng đầu, đó là tìm Thanh Uyển. Tôi muốn gặp nàng và giải thích tất cả mọi chuyện, kể cả nó có vô lý tới đâu đi chăng nữa.
Chiếc xe ngựa chạy băng băng qua cánh rừng, bất ngờ đằng trước xuất hiện một toán người mặc đồ rách rưới đứng đợi sẵn. Tôi ra hiệu cho tùy tùng dừng lại, tiến đến gần. Tên bịt một bên mắt, mặt mày bặm trợn, cao hơn tôi một cái đầu, tay lăm lăm thanh đoản đao, chĩa vào tôi, hắn quát lớn:
“Tên quan kia, ngươi khôn hồn để lại hết vàng bạc châu báu lại, rồi bọn ta sẽ tha chết cho ngươi.”
Lại là cướp. Số tôi có khổ không? Hết gặp xã hội đen rồi lại tới cướp. Chợt nảy ra một kế, tôi vội lớn tiếng quát:
“Các ngươi có biết ta là ai không? Ta là An phủ chánh phó sứ của trấn Lạng Sơn. Các ngươi khôn hồn cút khỏi đây, kẻo hối hận không kịp!”
Bọn cướp phá lên cười, vang khắp cả khu rừng. Tên bịt mắt vừa cười lớn vừa nói:
“Ngươi có ngây thơ không? Đây là Bắc Ninh, không phải Lạng Sơn.”
Mồ hôi đã thấm đẫm cả lưng áo, lần này chết chắc. Không những không dọa được chúng, mà còn làm bọn chúng thêm phẫn nộ, sẵn sàng động binh đao. Miệng tôi lẩm bẩm niệm Phật, cầu mong có điều kỳ diệu nào đó có thể cứu bản thân mình thoát khỏi tình cảnh này.
Chưa kịp niệm xong, bất ngờ, từ một hướng khác vang lên tiếng vút nhẹ của binh khí xé gió. Thanh chủy thủ lao thẳng, cắm sâu vào vai tên bịt mặt. Hắn đau quá, la “ối” lên một tiếng, ôm chặt vai bị thương, miệng quát:
“Ai đó! Mau ra đây!”
Chưa kịp định thần, từ trong bóng tối, một bóng người nhẹ nhàng lướt ra từ cành cây cao. Đó là một cô nương với dáng người thanh thoát, mặc bộ y phục trắng, trên tay nàng cầm thanh kiếm dài, ánh mắt sắc lạnh. Mái tóc đen buộc gọn gàng phía sau, gương mặt nàng lộ ra sự quyết đoán, nhưng không kém phần điềm tĩnh. Khuôn mặt quen thuộc này, không ai khác, chính là Thanh Uyển. Tôi vui mừng reo lên:
“Thanh Uyển! Là… nàng sao?”
Nàng không hề để tâm tới lời nói của tôi, chỉ tập trung vào đám cướp, đôi mắt lạnh như băng. Thanh kiếm trong tay nàng chớp nhoáng, phóng ra những đường kiếm vừa mềm mại, vừa dứt khoát. Soạt một tiếng, thanh kiếm của nàng đâm trúng ngay yết hầu của một tên cướp đứng trước, hắn chỉ kịp gào lên một tiếng rồi đổ gục, máu tuôn xối xả.
Tôi đứng đó, vừa kinh ngạc vừa lo lắng, không dám tiến lên. Hơn chục tên cướp vây quanh, nhưng cũng không làm khó được nàng.
Nàng xoay người một vòng, ánh kiếm loang loáng tạo thành một màn chắn bảo vệ quanh người. Từng đường kiếm như liễu bay trước gió, vừa thoát tục vừa uyển chuyển, nhưng khi vung lên lại cứng cỏi, mãnh liệt như nanh hổ.
Hai tên cướp lao đến từ phía sau. Tôi thấy nguy hiểm liền hét lớn:
“Cẩn thận!”
Chưa kịp tiếp cận, nàng đột ngột xoay người, thanh kiếm như con rắn trườn về phía chúng, một nhát cắt ngang cổ khiến cả hai ngã xuống mà không kịp kêu lên tiếng nào. Còn lại một tên cướp cao lớn, hắn lùi lại mấy bước, hoảng hốt nhìn đám đồng bọn đã nằm la liệt dưới đất.
Thêm hai tên cướp nữa từ bên hông lao tới. Nàng khẽ nghiêng mình, thanh kiếm trong tay vẽ nên một đường sáng chói mắt, đâm thẳng vào ngực một tên, rồi lập tức xoay ngang, chặt đứt tay kẻ còn lại.
Tên bịt mắt thấy đồng bọn chúng, kẻ thì bị giết, kẻ thì bị thương, nằm la liệt khắp nơi, liền tức giận, cầm thanh đao lao tới nàng. Nàng nhẹ nhàng đạp đất, bay lên cao rồi xoay người, vung kiếm theo chiều dọc, đâm thẳng xuống như tên. Hắn kêu một tiếng đau đớn, rồi ngã khuỵu xuống, nằm bất động. Những tên còn lại thấy đại ca của hắn bị giết thì hoảng sợ quá, chạy nháo nhào khỏi đây.
Tôi đứng chôn chân ở mặt đất, cơ thể toát mồ hôi lạnh. Đây đích thực là “Vy” bản xịn. Nàng múa võ nhìn còn ghê hơn cả mấy nhân vật trong phim kiếm hiệp tôi từng xem. Nàng quay người bỏ đi, tôi vội kêu lên:
“Thanh Uyển! Nàng chờ ta với.”
[1] Việt sử lược (Trần Quốc Vượng dịch và chú giải), Nxb Thuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Đông Tây, 2005, tr.166.
[2] Đại việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa Học Xã Hội (Hà Nội), 1993, tr.754.
Bình luận
Chưa có bình luận