[Cảm nhận] Đọc Kinh Thi và ngẫm về ca dao...


Phàm là dân có chút chữ nghĩa đọc ít nhiều sách vở, không một ai chưa từng nghe đến Kinh Thi. Hơn ba trăm bài thơ/ca dao/dân ca vô danh được người xưa lưu trữ gom vào thành một cuốn, được coi là "sách giáo khoa" sau vỡ lòng của ngàn vạn con người suốt nhiều thế kỷ ở Trung Quốc. Có thuyết nói Khổng Tử là người thu thập và chắt lọc từ hơn ba ngàn bài thành ba trăm bài, nhưng có thuyết nói ông chỉ là người đề cao sự cần thiết của việc gìn giữ và học hỏi ba trăm bài này mà thôi. Còn về sau, bản chính thức được biên soạn và lưu truyền tới thời nay là do hai thày trò họ Mao thực hiện, nên còn được gọi là Mao Thi. Đây chỉ là phần giới thiệu lấy từ Thi Viện và Wiki, không phải lời của tôi.

Cái mà tôi muốn nói, là nét tương đồng giữa các kỹ thuật thơ ca giữa Kinh Thi và Ca dao Việt Nam. Mà thật ra, Kinh Thi cũng có thể coi là thể loại Ca dao của Trung Quốc nhỉ.

Bài thơ hầu như ai cũng nhớ, cũng thuộc về tình yêu đôi lứa của Kinh Thi chẳng hạn.

'Quan quan thư cưu, tại hà tri châu,

Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu'

(Đôi cưu lảnh lót

Bãi cồn bên sông

Dịu dàng thục nữ

Quân tử mến mong) - 'Quan thư' 1

Với thể 'hứng' - đầu tiên là nói tới một hình ảnh so sánh, rồi quay sang nói đến chủ đề chính, bài ca dao như vẽ ra trước mắt hình ảnh đôi chim cưu trống mái rúc vào nhau hót chung một điệu bên bãi sông quê, và rằng chàng trai cô gái nọ cũng mến nhau và mong mỏi được sánh duyên bền lâu như đôi chim cưu nọ. Bài thơ được nhắc đến, từ trích nguyên văn tới phiếm chỉ so sánh trong vô vàn tác phẩm Trung Quốc xưa nay như một bản tình ca đầy dân dã mà dịu dàng.

Tình ca trong ca dao Việt Nam cũng chẳng kém phần nền nã. Từ Nam chí Bắc, từ miền ngược tới miền xuôi, từ thẳng thừng tới mượn cớ để đẩy 'hứng'. Này là khen cô gái xinh đẹp dễ thương như cành trúc la đà đầu làng.

'Trúc xinh trúc mọc đầu đình

Em xinh em đứng một mình cũng xinh'

Hay là bâng quơ rồi ướm lời hỏi han và thông báo khéo léo, anh chưa có vợ đâu, em có chịu về nhà khâu áo cho anh. Anh sẵn sàng trả công, chờ em lấy chồng anh sẽ giúp trả từ tiền cưới, tiền cheo, đến con lợn béo, cả vò rượu tăm, để mời em khâu áo cả đời giúp anh chăng?

'Hôm qua tát nước đầu đình

Để quên cái áo trên cành hoa sen

Em nhặt thì cho anh xin

Hay là em để làm tin trong nhà

Áo anh sứt chỉ đường tà

Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu

Áo anh sứt chỉ đã lâu

Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng

Khâu rồi anh sẽ trả công

Đến khi lấy chồng anh lại giúp cho...'

Không chỉ có tình yêu đôi lứa hay nghĩa vợ chồng, Kinh Thi còn vô số bài thơ, hay là bài ca ca ngợi người quân tử với những phong thái 'tiêu chuẩn' thời xưa, mà đương nhiên đời sau không tiếc mượn về để so sánh. Khi nãy ta có thấy ca dao Việt Nam mượn cây trúc để khen cô gái xinh đẹp duyên dáng, vậy chắc hẳn bạn có từng nghe tới bài thơ 'Kỳ úc' này trong Kinh Thi. Tương truyền để ca ngợi một nhân vật công thần danh tướng có danh có họ trong lịch sử, về sau bài thơ lại được nhắc đến rất nhiều để ca ngợi các bậc quân tử với khí chất ngời ngời thanh cao nói chung. Đến mức, chỉ cần bốn chữ 'hữu phỉ quân tử' là người ta lập tức nhớ đến những câu thơ này.

'Chiêm bỉ kỳ úc, lục trúc a a (y y).

Hữu phỉ quân tử, như thiết như tha, như trác như ma.

Sắt hề giản hề, hách hề tuyên hề,

Hữu phỉ quân tử, chung bất khả huyên hề!

Chiêm bỉ kỳ úc, lục trúc thanh thanh.

Hữu phỉ quân tử, sung nhĩ tú doanh, hội biện như tinh.

Sắt hề giản hề, hách hề tuyên hề,

Hữu phỉ quân tử, chung bất khả huyên hề!

Chiêm bỉ kỳ úc, lục trúc như trách.

Hữu phỉ quân tử, như kim như tích, như khuê như bích.

Khoan hề xước hề, y trọng giác hề?

Thiện hí hước hề, bất vi ngược hề!'

(Sông Kỳ bờ nọ cong cong

Xanh um rừng trúc kìa trông dạt dào

Có người quân tử thanh cao

Dùi mài gọt giũa bấy lâu chuyên cần

Chí cao tài rộng lập thân

Uy nghiêm trang trọng thêm phần hiên ngang

Đạo cao, đức cũng rỡ ràng

Người được như chàng dân chẳng nỡ quên

Sông Kỳ bờ nọ cong cong

Kìa trông rừng trúc xanh um mượt mà

Có người quân tử đằng xa

Mũ gắn bảo thạch, ngọc ngà dắt tai

Trang nghiêm uy vũ một hai

Vinh quang hiển hách, nào ai quên chàng

Sông Kỳ bờ nọ cong cong

Kìa trông trúc mọc um tùm xanh tươi

Thanh cao quân tử một người

Tâm sáng như ngọc, vàng mười như thân

Khoan thai, hào hiệp, ân cần

Vui vẻ dễ gần, thù oán chẳng gây) - Kỳ úc

Có người quân tử bên Tàu như cây trúc mọc xanh um bên bờ sông Kỳ, vô cùng khí khái rỡ ràng, dùi mài rèn giũa bản thân với phong thái ung dung hào hiệp.

Còn bên Việt Nam ta thì sao, vô vàn các bài ca dao mở đầu bằng 'Làm trai cho đáng nên trai' cũng đã khiến câu mở đầu đó đi vào văn nói, văn viết, lời nhắn nhủ dành cho đấng nam nhi phải biết tự cố gắng phấn đấu cho xứng với cái 'chí làm trai' của mình (mượn câu Chí làm trai Nam Bắc Đông Tây của cụ Nguyễn Công Trứ).

'Làm trai cho đáng nên trai

Xuống Đông Đông tĩnh, lên Đoài Đoài yên'

Hay là

'Làm trai cho đáng nên trai,

Thanh gươm, yên ngựa, dặm dài lướt xông.

Vẫy vùng nam, bắc, tây, đông,

Lấy thân che chở non sông nước nhà'

Đương nhiên, hai chữ 'làm trai' đó cũng vì thế mà sẽ được lôi ra để trào phúng các đấng làm trai 'khom lưng chống gối gánh hai hạt vừng', hay là 'vợ gọi thì dạ bẩm bà con đây'. Nhưng đó lại là chuyện khác...

Nhắc đến trào phúng, chế giễu những thói hư tật xấu, có một bài Kinh Thi mà tôi rất rất thích, ấy là bài 'Thạc thử', tức là con chuột to kiểu chuột cống chuột chù, phiếm chỉ những kẻ thích không làm mà hưởng, ăn trên ngồi trốc, hưởng thụ thành quả lao động của người khác. Khác với thể hứng là đưa ra một hình ảnh so sánh mở đầu nhưng rồi sau đó sẽ nói vào chủ đề chính, 'Thạc thử' thuộc thể tỉ, nghĩa là cả bài chỉ dùng hình ảnh so sánh phiếm chỉ đó mà thôi.

'Thạc thử! Thạc thử! Vô thực ngã thử.

Tam tuế quán nhữ, Mạc ngã khẳng cố.

Thệ tương khứ nhữ, Thích bỉ lạc thổ.

Lạc thổ! Lạc thổ! Viên đắc ngã sở.

Thạc thử! Thạc thử! Vô thực ngã mạch.

Tam tuế quán nhữ, Mạc ngã khẳng đức.

Thệ tương khứ nhữ, Thích bỉ lạc quốc

Lạc quốc! Lạc quốc, Viên đắc ngã trực.

Thạc thử! Thạc thử! Vô thực ngã miêu.

Tam tuế quán nhữ, Mạc ngã khẳng lao.

Thệ tương khứ nhữ, Thích bỉ lạc giao.

Lạc giao! Lạc giao, Thuỳ chi vĩnh hào ?

(Bạn chuột cống ơi

Chớ ăn của tôi, Mấy gùi kê hạt

Ba năm nhẵn mặt, Mà bạn chẳng tha

Tôi đành đi xa, Sang vùng đất mới

Đất mới xởi lởi, Sinh sống yên vui

Tôi sẽ thảnh thơi

Bạn chuột cống ơi

Chớ ăn của tôi, Mấy kho lúa mạch

Ba thu xoành xoạch, Sao bạn mãi hư

Tôi đành làm nư, Sang non nước khác

Non nước hoan lạc, Sinh sống yên vui

Tôi sẽ tươi cười

Bạn chuột cống ơi

Chớ ăn của tôi, Mấy bồ lúa giống

Ba mùa phấp phỏng, Bạn chẳng hiểu cho

Tôi đành dọn kho, Tới vùng đất hứa

Đất hứa vui chửa?

Sao mãi thở than…) - Thạc thử

Khi con người đã phải thốt lên tiếng oán thán thở than rằng công sức lao động của mình bị những kẻ xấu cướp đoạt, họ đành đoạn bỏ xứ mà đi tới vùng đất mới những mong sẽ được sinh sống thoải mái yên vui hơn. Thế nhưng bài thơ kết thúc ở một câu hỏi mở, đầy đau đáu, đất mới tưởng là vùng đất hứa an vui, nhưng tại sao vẫn cứ mãi thở than? Phải chăng...

Chuột cống chuột chù ăn vụng kho thóc của người. Thế còn người ăn với nhau thì sao? Có câu rằng Có thực mới vực được đạo. Chỉ xung quanh chữ ăn cũng đã có vô vàn thứ để bàn. Chả thế mà dân Việt ta có bài Vè chữ ăn thế này:

'Ăn lông ở lỗ, từ thuở tạo thiên

Hôm sớm cửa thiền, ăn chay niệm Phật

Cả đời chật vật, làm không đủ ăn

Tánh hay hiểu lầm, làm sao ăn ở

Biết ăn theo thuở, biết ở theo thời

Tài sức thua người, thì bị ăn hiếp

Đờn ca ăn nhịp, mới thật tài năng

Người không chịu làm, hay đi ăn ké

Cần phải tránh né, cái bọn ăn dơ

Vừa vét vừa quơ, muốn ăn trọn gói

Hễ ăn một đọi, thì nói một lời

Ăn phải coi nồi, ngồi thời coi hướng'

Có những người coi ăn chỉ là việc cần để sống, nhưng cũng có nhiều người coi lẽ sống là để ăn. Nhưng dù gì đi nữa, điều quan trọng vẫn là răn dạy nhau, ăn ở cho tốt, ăn coi nồi ngồi coi hướng, hay là đừng có mà chơi trò ăn ké ăn dơ...

Về sau sinh sống ở châu Âu, tôi mới nhận thấy nước nào cũng nhiều bài dân ca, thơ cổ mang tính độc đáo riêng của văn hóa nước đó. Cho dù không quá gần gũi về phông nền văn hóa, nhưng tôi vẫn cảm nhận được rằng, tựu trung lại đó đều là những lời tỉ tê, nhắn nhủ vọng lại từ những thuở xa xăm dành cho con cháu đời sau. Có những điều đã không còn áp dụng được, cũng có những điều vẫn mãi cần nâng niu trân trọng, bảo tồn và gìn giữ.

'Bất học Thi, vi dĩ ngôn' - Không học Kinh Thi thì coi như chưa biết nói. Ấy là lời răn của Khổng Tử khi đề cao tầm quan trọng của Kinh Thi như một nền tảng căn bản về ngôn ngữ của Trung Hoa.

Tôi nghĩ, điều đó cũng hoàn toàn đúng với hệ thống ca dao, dân ca, vè, thành ngữ, tục ngữ của người Việt, cần được nhớ, được học, được cảm nhận. Và hơn thế nữa, cần có thêm nhiều tác giả vận dụng chúng vào những tác phẩm của Việt Nam để không những gìn giữ kho tàng văn học dân gian, mà còn có thể truyền bá đến muôn đời sau...

Có lẽ giờ không còn mấy bà mẹ nào ru con ngủ như ngày xưa. Nhưng các con liệu có nên biết nên học về những câu hát ru đó hay chăng?

"Con cò bay lả... í a... bay la

Bay từ... từ cửa phủ, bay ra... là ra cánh đồng..."

***

Chú thích: toàn bộ các bản dịch Kinh Thi sang thơ tiếng Việt trong bài này là do Lãnh Vân tự thực hiện. Phần chữ Hán lấy từ thivien.net hoặc nhantu.net. 


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}