“Trang, bàn bên kia chưa có canh kìa. Đem qua dùm mẹ đi, lẹ lên, đang lu bu.”
“Bên này bên này, cho một phần cá nữa nha.”
Vào giữa trưa là lúc quán đông khách nhất, nắng vào dạo ấy gay gắt đến nỗi thiêu rụi cả da thịt con người, hơi nóng trong không khí không ngừng xâm chiếm tâm hồn, giết chết mọi loại cảm xúc nhân từ còn sót lại và tâm trạng mẹ của Trang cũng bùng cháy theo sức nóng của Mặt Trời. Quán lúc đó trong mắt của nó là náo nhiệt nhưng lại có vẻ ồn ào với người ngoài. Cái quán này thực ra mẹ nó mở cũng lâu rồi, chẳng qua từ khi Trang lên cấp hai thì lượng khách ghé quán tăng vọt. Cũng chẳng có một cái tên nhất định, cứ gọi là quán cơm của cô Út vì mẹ nó nhỏ nhất trong cả họ. Người ta tới ăn một phần vì đồ ăn ngon, một phần để ngắm cô Út. Mẹ con Trang ngoài ba mươi mà vẫn giữ được làn da trắng, mái tóc đen, làm việc dưới cái nắng hanh khô nhưng da vẫn không sạm nám. Thẳng thắn và bộc trực đến nỗi dễ mất lòng người khác, đến Trang đôi khi nó còn không chịu nổi mẹ của nó.
Trang chạy tứ tung khắp quán, tay chân nhanh nhẹn như người có nghề. Nó là con gái của chủ quán cơm. Học hành bận rộn nhưng nó vẫn phụ mẹ, mục đích chính là để hóng chuyện. Nghe những câu chuyện có vẻ giật gân hay mang đầy sự trải nghiệm chính là sở thích của Trang điều đó một phần giúp nó nuôi nấng sự sáng tạo dùng vào những bài văn mà nó viết trên trường. Trang hay đi bắt chuyện với khách, hỏi đủ thứ trên trời dưới đất, mấy ông khách cũng hớn hở kể nó nghe vài chuyện, cứ kể được một nửa thì lại kêu nó ông cụ non.
“Con nít đừng biết nhiều chuyện của người lớn quá.”
Thì là vậy, nhưng những gì mấy ổng làm lại chẳng giống mấy ổng nói. Lật đật bưng đồ ăn cho khách thì Trang bị một người khách kéo vào câu chuyện khiến nó phải ngồi xuống bàn để nắm bắt thông tin.
“Trang, mày còn nhớ thằng Tí nhà bà Năm bữa chú mới kể cho mày không? Nay nó mới đi tù á. Nghe nói bài bạc, mượn nợ mượn nần rồi đi mấy tháng trời, vợ nó cũng chơi nên bị bắt chung mà giờ tự nhiên có bầu. Thế là phải hoãn, đẻ ra được thằng nhóc cũng kháu khỉnh, hai vợ chồng nó cũng có một đứa con trai, mới tí tuổi đầu mà hỗn thấy bà, láo toét.”
“Ghê vậy đó hả chú, thấy chưa con nói rồi. Nhìn cái ông đó là biết có máu ăn chơi, bà vợ lúc trước con còn có cảm tình ai ngờ bả cũng xong đời luôn. Đẻ đứa con cho trốn tội chứ gì, đẻ con vì mục đích đó thì thằng bé đó cũng chả hạnh phúc gì đâu. Thằng con lớn thì con đó giờ không thích nó, nhỏ mà thích làm đầu gấu. Cũng là do hai vợ chồng tự chuốc lấy thôi, chậc.”
Con Trang tặc lưỡi một cái, ra vẻ có đôi mắt nhìn thấu được hồng trần. Đoạn, đang nói chuyện vui vẻ thì ông chú đó hạ giọng. Ra vẻ lưỡng lự, định nói gì đó với nó.
“Mà Trang nè, mày sắp hết được gặp chú rồi nha con.”
“Sao? Chú trúng số hả?”
“Ừ, tao mua lại cái quán này luôn.”
“Trời, chú tưởng cái quán này mua dễ lắm. Quán nhỏ nhưng hơi bị chảnh á, chú nhắm mua nổi hông?”
“Quán của mẹ mày chứ có phải quán của mày đâu.”
“Nhưng con không đồng ý thì mẹ con cũng sẽ không đồng ý.”
“Xí, mày làm như mày không chịu thì bả không chịu, rồi lỡ mốt bả lấy chồng rồi sao? Mày không chịu chắc bả không cưới?”
“Chứ sao, ai cũng phải qua sự kiểm duyệt của con, không phải muốn lấy ai là lấy đâu.”
“Dữ dằn, mày có tiêu chí tuyển chồng cho mẹ mày luôn hả con?” Ông chú nâng tông giọng.
“Còn khuya, tại sao con phải tuyển chồng cho mẹ trong khi có đầy người theo sau gót mẹ con? Là kiểm duyệt, là kiểm duyệt mới đúng.” Con Trang giơ ngón trỏ ra phía trước, tặc lưỡi.
“Vậy mày thấy chú sao?”
“Thôi dẹp đi, chú có vợ có con rồi, con chú có khi còn lớn hơn con mấy giáp. Nghe mà mắc cười á.” Trang bĩu môi, cau mày.
“Nói giỡn với mày chút. Chủ nhà ở đây hoãn việc xây dựng, nó kêu tụi chú đợi mấy tháng mà đợi thì lấy tiền đâu mà ăn. Chú mày về quê làm, qua bên chỗ khác làm vậy mà lương ổn hơn cũng gần vợ con. Sau này chắc tao cũng không ghé qua đây nữa đâu.”
Con Trang im được một lúc, ông chú là khách ăn cơm mà cứ thích kèn cựa với nó lâu dần đâm ra vui, ổng còn nói chuyện với những khách khác trong quán nên ai cũng quen, ai cũng biết, ai cũng thương. Cách chú nói chuyện nghe cứ như đang khịa nhưng Trang biết chẳng có ác ý gì cả, chẳng qua chú không cả nghĩ, không đủ tinh tế mà cứ nghĩ gì nói nấy. Tự nhiên đi thì…buồn.
“Ừm, trước khi đi nhớ trả tiền cơm mà chú nợ mẹ con. Đừng có xù rồi cao chạy xa bay, không thì chú ở đâu con cũng lôi chú về.”
“Rồi rồi, tao trả tiền cho bả. Đồ con nít quỷ.” Ông chú thở dài, gõ vào đầu Trang vài cái, miệng cười cười.
“Trời ơi, đừng có gõ vô đầu con. Mà khi nào chú đi?”
“Chắc tuần sau chú đi, ở quán nhớ phụ mẹ. Ngoan ngoãn nghe lời mẹ nghen.”
“Dạ…”
Quán cơm của cô Út là như vậy đó, Trang rất thích được trò chuyện cùng khách trong quán, trở thành một mảnh ký ức nho nhỏ để khi nhớ về nó thì sẽ nhớ đến quán cơm, dù đến một lúc nào đó họ sẽ phải tìm một nơi khác. Một nơi có thể thỏa mãn những mong muốn và yêu cầu của họ, vừa có thể mưu sinh cũng vừa được hạnh phúc. Trang biết, đồng tiền đang cuốn họ đi, cơn lốc của cuộc sống dữ dội và mãnh liệt như vậy. Họ muốn ngừng cũng chẳng ngừng được vì vốn đời người chính là như vậy.
Chắc nó cũng đã dần quen với những khoảnh khắc bin rịn như lúc này, dù chẳng tránh khỏi nỗi buồn vì thiếu vắng một gương mặt thân quen. Nhưng không sao, rồi nó cũng sẽ ổn thôi. Một tuần sau ông chú kia đi, cho nó một thanh sôcôla ngọt lịm. Trang ngồi đung đưa trên võng gặm thanh kẹo mà trước đây nó sẽ không bao giờ ăn vì nó ghét sôcôla. Chiều hôm đó nó cứ ngồi chống cằm ngồi đực mặt ra cả buổi, để mặc cho hoàng hôn ôm trọn. Mẹ Trang thì lạ gì nữa, cứ mỗi lần có khách không ghé quán nữa thì nó lại như vậy.
“Mẹ, chú đó trả tiền cơm cho mẹ chưa?”
“Nãy giờ ngồi nghĩ chuyện đó hả bà?”
“Chứ sao, đồng tiền đi liền khúc ruột mà” Trang thản nhiên
“Trả hết rồi, còn thanh kẹo chú đó cho kìa lo ăn đi.” Mẹ nó cười tỏ vẻ bất lực với đứa con gái.
“Dạ…”
Trang cứ tưởng sẽ chẳng còn điều gì có thể khiến cho nó buồn được nữa, vậy mà lấp loáng lại thấy thấy một anh chàng bước chậm rãi lết đến quán cơm. Anh ta đầy mệt mỏi, uể oải, èo uột và héo úa như một cái cây bị hút hết nhựa sống. Tuy vậy nhưng anh ta ăn mặc bảnh tỏn lịch sự lắm, nhìn chả giống người ở đây chút nào. Nếu mà con trai ở đây thì chẳng bao giờ đi giày da, mặc sơ mi với một chiếc quần tây cả, dáng người cao ráo và cân đối cũng rất khó tìm khi sống ở chỗ của nó. Chỗ của nó không phải vùng quê hẻo lánh hay điện còn chưa có, nhà nó ở ngoại ô thành phố, phát triển vừa đủ nhưng so với nơi thành phố sầm uất thì quả thực chỗ của nó chả có gì. Vậy mà sự khác biệt giữa con người nó lớn lắm, trong cùng một thành phố nhưng liếc mắt một cái là biết người ở đâu về liền. Thế nên Trang nó chắc mẩm, anh ta là người ở thành phố thứ thiệt.
Xin chào các bạn độc giả, truyện được hoàn thành từ khá lâu rồi nhưng bây giờ mình đã tạm ẩn các chương còn lại của truyện để chỉnh sửa cũng như thay đổi một chút cốt truyện, thành thật xin lỗi vì sự bất tiện này ạ.
Bình luận
Chưa có bình luận