Ngô Thường Kiệt?
Tôi đã từng nghe qua rất nhiều câu chuyện về chàng trai đẹp nhất kinh thành, và tôi biết, chàng tên là Ngô Thường Kiệt.
Người mình hằng mến mộ giờ đây ngồi ngay trước mắt, tôi nhất thời choáng váng đến độ ngây cả người ra. Mặc dù không sáng dạ, hơn nữa trước đây học lỏm cũng chỉ bập bẹ chữ được chữ không, nhưng tôi biết tên của chàng gồm “Thường” trong “ngũ thường” và Kiệt trong “tuấn kiệt”. Lí do tôi biết thì cũng đơn giản lắm, cứ dạo chán một vòng Thăng Long là thể nào cũng nghe qua. Rõ là người như tên, chẳng những giỏi giang mà còn có nhân cách tuyệt vời. Nghĩ đến đây, tim tôi lại đập dồn dập từng cơn như sốt. Thường Kiệt nhìn tôi, lấy làm lạ. Đoạn chàng hơi vươn người về phía trước, nhẹ nhàng hỏi:
– Anh có sao không?
Quả nhiên là Thường Kiệt, tôi có cảm giác giọng nói của chàng hình như đẩy lùi được cả gió đông, dẫu bây giờ không phải mùa đông và trời thì cũng không có gió đi chăng nữa. Giữa tranh tối tranh sáng, những đường nét dịu dàng trên khuôn mặt của Ngô lang như gieo vào lòng tôi một thứ gì đó. Vẻ như là căn bệnh, cũng vẻ như mầm hoa. Ngược sáng, trăng trốn sau đám mây, tôi cố giấu đi sự chấn động đang hoành hành trong tâm trí, bình tĩnh trả lời:
– Cảm ơn anh, tôi ổn.
– Vậy thì tốt rồi.
Thường Kiệt quay đi, chàng tựa lưng vào gốc cây, sau đó trầm tư xoay xoay chiếc nhẫn ngọc. Tôi im lặng nhìn chàng, bối rối không biết nên gợi chuyện thế nào cho phải. Chàng là con nhà quyền quý, chắc hẳn phải có lý do gì mới đến đây. Nhưng bởi mới gặp hai lần, tôi khó mà tiện hỏi quá sâu vào cuộc sống của chàng. Thì ra đây là cảm giác ngưỡng mộ một ai đó, người ở ngay trước mặt tôi đây nhưng câu từ của tôi thì đi theo màn đêm, biến mất sạch. Đang lúc lúng túng, tôi đâu ngờ là Thường Kiệt lại mở lời trước với tôi. Có lẽ chính chàng cũng không thích không khí quá đỗi yên ắng này, nó khiến người ta thấy rờn rợn.
– Sao nửa đêm canh ba mà anh lại ra bờ ao này vậy?
Tôi cười trừ:
– Hoa quỳnh sắp nở, tôi đến ngắm hoa thôi.
Ngô lang gật đầu, đoạn trầm tư nói:
– Tôi cũng vậy.
Tay tôi cuộn tròn, siết lấy góc vải áo trong tay. Cùng là ngắm hoa, trong bức họa thiên nhiên cũng chỉ chừng ấy thứ, nhưng sao tôi thấy chàng xuất hiện ở đó lại khác xa tôi đến như vậy. Chỉ có điều nếu chàng đã nói thích ngắm hoa, thì tôi đâu nỡ mà ngắt những bông hoa kia làm phấn thơm nữa. Cũng tiếc, nhưng so với việc được gặp Ngô lang, vài ba đóa hoa quỳnh kia có xá gì. Thấy chàng im lặng, tôi dè dặt cất lời:
– Còn anh? Sao từ tận Thái Hòa mà sang bên này vậy?
Thường Kiệt không đáp lại câu hỏi đó của tôi. Biết chàng có điều khó nói, tôi cũng vì vậy mà chẳng dám hỏi thêm điều gì. Lặng, mặt hồ phản chiếu ánh trăng như hư ảo. Hàng liễu trước mặt khẽ khàng đung đưa theo gió, còn có hương hoa quỳnh phảng phất đâu đây. Khung cảnh bình yên này làm cơn buồn ngủ trong tôi trỗi dậy, và tôi ngủ thật. Sau này nghĩ lại, chính tôi cũng thấy bản thân khi đó thật ngu ngốc, quý nhân ở ngay bên cạnh mà vẫn có thể ngủ quên, lỡ sau này không gặp được chàng nữa, có hối tiếc thì cũng quá muộn rồi.
Và cứ thế, tôi chìm vào cơn mộng mị. Trong mơ, tôi thấy mình lang thang vô định. Xung quanh, từng đợt sóng nước lao vào tới tấp, đẩy tôi đến một nơi rất tối, rất sâu. Rồi bỗng nhiên, nước rút, tôi rơi. Giấc mơ kết thúc khi tôi giật mình choàng tỉnh. Lúc đó Thường Kiệt đã đi rồi, những gì chàng để lại chỉ là chiếc đối khâm bằng lụa quý đang đắp ngang ngực của tôi. Đêm hôm ấy hoa quỳnh không nở, chắc nó muốn đợi Thường Kiệt quay lại ngắm nhìn. Còn tôi ngày nào cũng ra bờ ao ngóng đợi, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng chàng đâu. Chàng không tới, thành ra chiếc áo chẳng biết trả cho ai, vậy nên tôi luôn gấp gọn để trong một góc tủ. Nếu có duyên, tôi vẫn hy vọng được gặp lại chàng một lần nữa.
Kể ra cũng nực cười, thứ khiến tôi ngưỡng mộ Thường Kiệt là những lời đồn đại về nhan sắc trăm năm có một kia. Vậy mà đến khi gặp mặt, ngay cả chàng là ai tôi cũng không rõ. Đời người đâu được mấy lần tương ngộ, Thường Kiệt đi rồi, tôi biết rõ mình sẽ khó mà gặp lại chàng lần thứ ba. May mắn trời cho cuối cùng cũng chỉ đến đó. Một tháng, hai tháng, rồi ba tháng trôi qua. Tôi vẫn hoài chờ đợi chàng trai ấy. Đến tháng thứ tư, tôi quyết định không chỉ ngồi yên một chỗ nữa. Từ biệt cha mẹ, tôi chuẩn bị hành trang lên đường sang Thái Hòa tìm gặp Ngô Thường Kiệt. Tôi tự nhủ rằng mình đi chẳng vì gì cả, chỉ để trả lại chiếc áo mà thôi.
Đường đến phường Thái Hòa chẳng quá xa, nhưng nếu đi xe ngựa cũng phải mất gần hết một ngày. Trời đất Đại Cồ Việt thái bình, sự trù phú của những ngôi làng nhỏ mà tôi đi qua khiến tâm trạng càng thêm phần khoan khoái. Trung tuần tháng mười đang là mùa gặt, lúa nhuộm màu nắng, xung quanh dường như chỉ còn sắc vàng ươm nịnh mắt. Đây không phải là lần đầu tôi đi xa, nhưng đây là lần đầu tôi đi xa để gặp một người, dẫu cho tôi thậm chí còn chẳng rõ có thể gặp được hay không. Ngoài tướng mạo anh tuấn và cái tên Ngô Thường Kiệt, tôi chỉ biết một vài câu chuyện lặt vặt xung quanh chàng. Hầu hết trong số đó là do người ta đồn đại. Ví như gia thế hiển hách của chàng, cũng ví như chuyện chàng có võ công rất giỏi. Tương lai của chàng rộng mở, tôi không mong mình có thể đóng vai trò gì trong đó. Đoạn, tôi tự nhiên thấy nhụt lòng, hay là cứ giữ lại cái áo này? Thường Kiệt đâu quan tâm, kể cả có mất mười cái áo, chàng vẫn còn hàng trăm cái khác để thay. Nhưng trả được áo rồi, cả đời này tôi chắc chắn chỉ có thể ngắm chàng qua tranh vẽ. Nghĩ tới đây, tôi lại tự nhiếc mình một tiếng. Giữ áo của Thường Kiệt, há chẳng phải cố tình chiếm đoạt thứ không thuộc về mình hay sao?
Đi được nửa đường, mã phu dừng lại ghé vào một quán nước. Tháng mười lúa chín nhưng sen đã tàn, chủ quán bày ra một đĩa mứt hạt sen, đon đả mời:
– Hai vị đi đường xa mệt mỏi, hay là ghé vào quán em uống chút nước.
Tôi gật đầu, cũng đã quen với việc người khác đối xử với mình như một người đàn ông. Sau khi chọn một chỗ để ngồi xuống, tôi gọi bừa một cốc trà xanh loại bình thường nhất. Bên cạnh tôi, người mã phu tranh thủ giở giọng tán tỉnh cô hàng nước. Tôi vẫn không hiểu việc buông lời cợt nhả với thiếu nữ thì có gì hay, không khéo người ta đã có chồng thì lại dây dưa cho thêm chuyện. Nghĩ bụng, tôi vừa định lựa lời nhắc nhở thì cô hàng nước đã cười duyên từ chối khéo:
– Khách đừng trêu em, em đã sớm có người trong lòng, không thể nghĩ đến ai được nữa.
Mã phu chép miệng:
– Ôi dào, lại dăm ba lời hứa chót lưỡi đầu môi của đám thư sinh phỏng? Cô cứ đi với anh, anh đảm bảo cô sẽ được đi đây đi đó. Đến ngựa anh còn thuần được, anh lo cho cô phú quý cả đời.
Cô hàng nước hướng ánh mắt về phía cánh đồng, dường như không để ý đến những lời chọc ghẹo. Chắc cô đang nhớ về chàng trai kia, vẻ si tình ấy thật khiến người ta thấy tò mò. Tôi không có ý tiếp chuyện, nhưng mã phu thì có. Gã cứ hỏi mãi, khiến cô hơi nhíu mày vì phiền phức. Nhưng mỗi khi nhắc đến người trong mộng, nét mặt cô lại trở nên dịu dàng đến lạ:
– Dung mạo của chàng trang nghiêm anh tuấn, giọng nói của chàng dịu dàng dễ nghe, phong thái của chàng đĩnh đạc mạnh mẽ. Chàng là người tốt nhất thế gian, có lẽ trên đời không thể tìm ra người như chàng nữa.
Đoạn, cô cúi đầu, trong mắt ánh lên sự đau thương:
– Tiếc là, duyên của em với chàng chỉ đủ cho một lần tương ngộ.
Có thể khiến một người vừa gặp đã yêu, chắc hẳn chàng ta cũng phải cực kỳ xuất sắc. Tôi nhớ mình có biết mấy mẫu tình thư lãng mạn của các cặp yêu nhau, tất thảy đều nhờ ngồi nghe lỏm người ta xì xầm ở quán trà to to nằm cách nhà tôi hai con phố. Kiểu nhất kiến chung tình như thế này thường có hai loại: quên sau một tuần và dùng cả đời để quên. Tôi rất đồng cảm với cô, nhưng tên mã phu hình như đang khó chịu. Để ngăn hắn thốt ra thứ gì vô duyên nữa, tôi vội vàng cất tiếng:
– Tại sao lại không thể?
Cô hàng nước hình như hơi giật mình vì câu hỏi của tôi. Rồi với đôi mắt hơi ươn ướt, cô nghẹn ngào:
– Vì chàng có thân phận cao quý, em chỉ là phận liễu dập hồng rơi, sao sánh được với chàng?
Tôi gật gù, thiếu nữ khi tương tư thường sẽ nặng lòng tâm sự. Tôi tin chẳng mấy chốc nữa, cô ấy sẽ tìm được người thích hợp hơn chàng công tử kia thôi. Nhấp một ngụm trà, tôi thuận mồm hỏi:
– Vậy gia thế chàng ra sao mà phải để cô bận tâm đến thế?
Cô hàng nước e thẹn đáp:
– Chàng họ Ngô, tự gọi Thường Kiệt. Chàng tuổi trẻ tài cao, gia thế đời đời hiển hách, em đoán chắc khách cũng nghe danh rồi.
Tiếng chén trà rơi xuống bàn khiến cô gái giật mình, tôi cũng nhận ra nên vội vàng xua tay chống chế. Một cơn gió nhè nhẹ thổi qua, hương đồng quê vấn vít quanh đầu mũi tôi. Hình như tôi cũng không lấy làm ngạc nhiên lắm, giống như khi thiết tha quá cái gì đó ở đời thì tự nhiên sẽ có lúc được nghe về thứ ấy. Tôi nghe về chàng cũng là lẽ đương nhiên thôi, chẳng phải đó giờ tôi đều nghe về chang qua câu chuyện của người khác hay sao?
– Ôi dào, Ngô Thường Kiệt có người thương rồi, chẳng đến lượt các cô phải nhung nhớ.
Tên mã phu chép miệng, bốc một nắm mứt sen vứt vào mồm. Vừa nghe hắn nói xong, tức thì cả tôi và cô hàng nước đều ngạc nhiên nhìn về phía hắn. Đắc ý, hắn gõ gõ xuống bàn:
– Ô kìa, vậy là cô không biết gì ư? Bên nhà gái còn có gia tộc hiển hách lắm kia, thậm chí so bề còn cao hơn nhà trai một bậc. Dương thị không chỉ có đàn bà làm Hoàng hậu, đàn ông cũng giữ các chức quan trọng trong triều. Cháu gái gọi Dương Hoàng hậu là cô có quen biết với Ngô Thường Kiệt từ lâu, tình sâu nghĩa nặng, sau này hai người họ về bên nhau là cái chắc.
Cô hàng nước nghe xong thì mắt lại ươn ướt. Nói gì thì nói, dẫu cho cô không nuôi mộng hão huyền đi chăng nữa, khi biết người trong mộng đã có ý trung nhân cũng sẽ cảm thấy đau lòng. Tôi chẳng hay Thường Kiệt đã đối xử với cô ra sao mà khiến cô say mê đến thế, đầu tôi hiện tại chỉ đang cố nhớ xem mình có từng nghe tiếng ai đồn thổi như vậy không. Trông nét mặt đăm chiêu của tôi, tên mã phu liền hỏi:
– Anh cũng nghe nói rồi, đúng không?
Quả thật tôi đã nghe nói rồi, nhưng lời đồn đó không chi tiết như lời tên mã phu kể lại. Đoạn, tôi gặng hỏi hắn ta vì sao biết nhiều đến thế. Hắn vênh mặt ra vẻ tự hào:
– Tôi đi nhiều, tất nhiên là biết nhiều. Lời đồn này không nổi tiếng lắm, nhưng hỏi người ở gần phủ Dương thị thì ai ai cũng rõ.
Lần này thì cô hàng nước khóc, giọt nước mắt trong suốt chảy dọc qua bờ má, khiến tên mã phu nổi cơn tán tỉnh. Trước khi hắn lại nói ra chuyện gì khiến cô gái thêm tổn thương, tôi vội vàng trả tiền nước rồi đẩy hắn ta lên xe ngựa, gằn giọng:
– Đủ rồi, chúng ta đi.
Bình luận
Chưa có bình luận