(Tham khảo ghi chép về Thái úy Lý Thường Kiệt tại Việt Điện U Linh Tập):
Ông họ Lý tên Thường Kiệt , người phường Thái Hòa bên hữu kinh Thăng Long; thân phụ tên là An Ngữ, làm quan đến Sùng Ban Lang Tướng, đời này qua đời kia được tập ấm. Ông nhiều mưu lược, có tài tướng soái, lúc nhỏ phong tư tuấn nhã, có tiếng khen ra ngoài, được sung làm chức Hoàng Môn Ký Hầu. Đời Lý Thái Tông hằng thiên lên chức Nội Thị Tỉnh Đô Tri. Thánh Tông bái chức Hiệu Uý Thái Bảo.
Ông làm quan kính cẩn, hành động đều tuân theo lễ pháp, không một mảy may lầm lỗi, mông ơn vua trao cho Tiết Việt, được đi kinh lý hai quận Thanh Hóa và Nghệ An, coi dân đến năm huyện, mọi lào ba nguồn, nếu có kẻ nghịch mệnh thì uỷ cho quan Trấn trừng trị; duy có nước Chiêm Thành nhác bỏ chức cống, vua phải thân hành chinh phạt; ông phụng lãnh Tiết Việt Đại Tướng, sung chức Tiền phong, bắt được vua Chiêm Thành là Chế Củ, luận được thăng chức Phụ Quốc Thái Uý kiêm lãnh chức Chư Trấn Tiết Độ Đồng Trung Thư Môn Hạ, Thượng Trụ Quốc Thiên Tử Nghĩa Đệ Quốc Phụ Quốc Đại Tướng Quân Khai Quốc Công.
Nhân Tông tức vị, thăng chức Phụ Quốc Thái Uý nhiệm Đại thần thời Anh Võ Chiêu Thắng. Trước kia ông có nghe người nhà Tống muốn đem binh mã qua nhòm biên cảnh nước ta rồi gây ra chiến tranh, ông lập tức tâu cùng vua rằng:
– Đợi cho giặc đến mà đánh, bất nhược mình đánh trước đi cho chúng nhụt mất nhuệ khí thì hay hơn.
Vua mới sai ông thống lãnh đại binh, đánh phá ba châu Ung, Khâm, Liêm và bốn trại của Tàu, bắt sống người cùng của cải vô số.
Niên hiệu Long Phù năm đầu, vua trao cho ông chức Nội Thị Phán Tỉnh Đô Ấp Nha Hành Điện Nôi Ngoại Đô Tri Sự. Mùa đông năm ấy, đi đánh giặc Diễn Châu là Lý Giác cũng phá tan được. Nhà Tống báo thù, hãm mấy châu Lục Lược. Ông ra sức đắp thành ở bến đò sông Như Nguyệt, đánh lấy nguồn Vũ Bình. Đem quân trở về, vua rất khen thưởng; đến lúc ông mất, vua truy tặng chức Nhâp Nội Điện Đô Tri Hiệu Kiểm Thái Uý Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, tước Việt Quốc Công, cấp ăn lộc một vạn nóc nhà, cho em là Thường Hiếu kế phong tước Hầu.
Người dân nào ham chuộng ma quỷ, đồng bóng huyễn hoặc dân chúng thì bị ông trừng phạt sa thải để khử trừ ô phong, cho nên lúc bấy giờ có cái Dâm Từ nào thì đều biến ra làm hương hỏa của các vị Phúc thần cả; nhân dân chịu ơn sâu của ông rất nhiều, nên sau khi ông chết, tâu xin lập đền đền thờ để phụng sự ông; mỗi khi có việc cầu đảo thảy đều linh ứng.
Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong Phụ Quốc Công, năm thứ tư gia phong thêm hai chữ Dũng Võ. Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Oai Thắng, đền thờ sum nghiêm, linh ứng càng rõ rệt vậy.
(Tham khảo ghi chép về Thái úy Lý Thường Kiệt tại Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí):
Ông người ở phường Thái Hòa, thành Thăng Long. Lúc trẻ dáng điệu bảnh bao, tự thiến mình, được sung chức Hoàng môn chi hậu, theo hầu Thái Tông, mấy lần thăng đến chức Đô tri ở Nội sảnh. Lý Thánh Tông phong ông làm Thái bảo và trao cho tiết việt.
Năm Thiên Huống Bảo Tượng thứ hai (1069), Lý Thánh Tông đánh Chiêm Thành, ông làm Tướng quân tiên phong, bắt tù Chế Củ. Do công đó được phong Phụ quốc Thái phó và nhận chức Tiết độ các trấn xa. Đồng thời lại được phong Đồng trung thư môn hạ, Thượng trụ quốc, Thiên tử nghĩa đệ, Phụ quốc thượng tướng quân, Khai quốc công.
Năm Thái Ninh thứ tư (1075), đời Lý Nhân Tông, ông cùng Tông Đản đánh Tống, lĩnh mười vạn quân chia đường tiến đánh […]. Khi đã về, ông thống lĩnh các quân đi đánh Chiêm Thành, vẽ thành đồ bản ba châu dâng lên, do đó, ông được phong Thái úy.
Năm thứ năm, nhà Tống sai Quách Quỳ cầm đầu chín tướng hợp lực với Chiêm Thành và Chân Lạp sang xâm lược, ông đón đánh ở sông Như Nguyệt phá tan được.
[…]
Bình luận
Chưa có bình luận