Tuổi hai mươi đại thắng quân Chiêm, dẫu thế giặc hiểm nguy, dẫu đang đà thất trận.
Chín năm sau, xương tàn nơi chân núi, ngậm ngùi mang mộng lớn bại vong.
“Chẳng trách người xông pha trận mạc, chẳng trách kẻ chí lớn bền gan, chỉ trách thế thời nhiễu nhương, đành mong kiếp sau bước công danh không còn là chốn đường cùng tử địa.”
*
Cuối tháng sáu, bão lớn cuốn theo những gò đất lở. Trong thái ấp, Trần Khát Chân đứng lặng, nhìn nước đổ trắng trời, cảm nhận từng chút rùng mình lướt qua da thịt. Như chợt nhớ đến điều gì, hắn nói bâng quơ:
- Nghe đâu năm xưa mùa thu bị lụt lội, dân chúng khốn đốn. Nay bão lớn lại đến giữa hè…
Ngọc Dao vừa pha xong chén trà, nghe vậy thì chợt nói:
- “Niên lai hạ hạn hựu thu lâm/Hòa cảo miêu thương hại chuyển thâm” [1], phải chăng ý tướng quân là câu này?
Trần Khát Chân giật mình, ngoảnh sang, thấy người hầu đã chuẩn bị trà nước tươm tất mời ngài. Hắn ngạc nhiên:
- Sao ngươi lại biết thơ của quan Tư đồ?
Ngọc Dao rót trà, bình thản trình bày:
- Nhà con vốn xuất thân thường dân, không có mấy của ăn của để, chút ít vốn liếng đều dồn cho anh trai học hành, mong sau này đỗ đạt. Chỉ có điều…
Nàng không nói cho trọn, nhưng hắn thừa hiểu. Bấy lâu nay triều đình không mở khoa thi, chính sự ngổn ngang còn chưa giải quyết hết. Thượng hoàng không nghe lời can gián, để Lê Quý Ly cùng bè đảng lộng hành, tình hình đã loạn lại càng thêm loạn. Trần Khát Chân thở dài, dù khoa cử vốn không phải con đường tiến quan của hắn, nhưng chuyện người tài vắng bóng, thời nào cũng là sự đáng lo.
- Vậy là ngươi cũng được anh trai dạy chữ?
- Con chỉ nghe lỏm được vài câu, không dám nói bừa…
- Thôi, mấy thứ thi phú bóng bẩy đó, ngươi đọc làm gì. Chẳng phải là “Tam vạn quyển thư vô dụng xứ/Bạch đầu không phụ ái dân tâm.” [2] hay sao?
Ngọc Dao dè dặt:
- Nhưng nói vậy… ngài cũng đọc đó thôi.
Hắn cười trừ, đọc là để biết, đâu nhất thiết phải đồng tình. Trong mắt Trần Khát Chân, vị quan Tư đồ kia, dẫu văn tài uyên thâm, nhưng chẳng có mấy bản lĩnh can gián Thượng hoàng. Kẻ không đem sở học ra giúp nước mà chỉ biết lánh đục tìm trong, chăm chăm thu vén cho lợi ích dòng tộc như Trần Nguyên Đán, hắn không lấy gì làm phục.
Đối với Trần Khát Chân, hắn luôn sẵn lòng phơi tấm gan trung, làm anh hùng lấp sông bạt núi. Bởi thế, nên ngay cả khi chỉ là vị đô tướng trẻ người non dạ, chức tước thấp hèn, ngay cả khi thế giặc hỗn loạn, kẻ trên cao thi nhau tìm cách thoát thân, hắn vẫn tạ ân đức được tin cẩn mà xông pha trận tiền. Năm đó, nếu không phải do hắn phục binh tài tình, tông tộc họ Trần đã một phen lao đao trước quân Chiêm Thành hung hãn.
Khát Chân nhìn nàng, lắc đầu:
- Ta là kẻ võ biền ít học, không lĩnh hội nổi tài văn mặc của lão già đó.
Ngọc Dao bối rối. Cảm thấy tướng quân như thế chẳng khác nào mỉa mai, nàng nói lí nhí:
- Con không dám…
Hắn chẳng đáp, lại ngoảnh sang nhìn cảnh vật ngoài trời. Mưa đã ngớt dần, cảnh sắc đã bớt mờ mịt, trông ra xa còn thấy cành mai khẳng khiu ngoài vườn. Cái cây này được hắn mang về thái ấp được vài tháng, dặn Ngọc Dao chăm sóc để đến lúc trời rét sẽ được nhìn thấy sắc trắng bung nở. Còn nhớ ngày đó, cái cây đặt gọn trong chậu, sợ sau này rễ sẽ bị tù túng nên nàng gợi ý cho hắn sai người trồng ra vườn.
“Cây cũng như người, giam cầm trói hãm thì sao mà vẫy vùng chí lớn.”
Khi ấy, Trần Khát Chân chỉ gật đầu, mải nghĩ đến câu ấy mà đâu biết kẻ hầu này từ lâu đã hiểu hắn hơn cả hắn hiểu chính mình. Bảo sao đặt chậu mai ở đâu hắn cũng thấy không ưng. Hắn chợt nghĩ, nếu được học hành, hẳn nàng cũng sẽ trở thành một người có tài đối ứng mẫn tiệp.
Trong không gian chỉ còn nghe tiếng mưa, Ngọc Dao lặng lẽ nhìn bóng dáng tướng quân dưới ánh chiều nhàn nhạt. Nàng cho rằng ngài không phải kẻ “võ biền ít học” như cách mà ngài luôn ra rả. Ngọc Dao càng chắc chắn hơn với suy nghĩ này khi mà nhiều tháng sau, lúc nghe tin Trần Nguyên Đán mất, tướng quân trở nên suy tư hơn hẳn mọi ngày. Ngoài miệng thì nói là “lão già”, nhưng khi ông cưỡi hạc quy tiên, hắn dành cả ngày để ngồi lặng trong thư phòng.
Hôm đó, mãi đến tận lúc khuya, ánh nến vẫn leo lắt. Ngọc Dao bước vào, thấy Trần Khát Chân ngồi gục trên án gỗ, bên cạnh là vò rượu và mấy tờ giấy hoa tiên chép lại những câu thơ của quan Tư đồ.
“Tọa đãi công thành danh toại hậu
Nhất khâu lão cốt dĩ lăng tằng” [3]
Ngọc Dao vừa nhẩm đọc, vừa tự hỏi trong lòng tướng quân đang trăn trở điều gì. Nàng chậm rãi cầm lấy chén rượu hắn uống dở, lén nhấp một ngụm rồi lập tức chau mày. Có lẽ là vì để bên ngoài đến khuya nên uống vào chỉ thấy lạnh tanh, hương thơm phảng phất vốn có khi ấm nóng cũng chỉ ít ỏi trước sự nhẩn đắng ám ảnh nơi hậu vị.
- Đằm quá…
Nói rồi, nàng lại nhìn gương mặt hắn. Ánh sáng mờ của ngọn nến sắp tàn vẫn soi rõ từng nét sắc cạnh và vẻ cương nghị của một võ tướng. Phải, kẻ khảng khái kiên trung, ngoài chiến trường thì tấn công bão táp như mưa sa chớp giật, sao có thể mang phong thái tầm thường. Ngọc Dao muốn chạm vào từng đường nét ấy, nên chậm rãi đặt chén rượu xuống bàn. Nào ngờ, hắn bất chợt nắm chặt lấy cổ tay nàng, ngước mắt lên, thẳng thừng đối diện với sự bối rối nơi nàng. Hắn trầm giọng, câu nói thốt ra không thể giấu nổi sự váng vất của kẻ say:
- Thấy rượu có thơm không?
“Thơm” ư? Nàng lắc đầu, rồi gom nhặt hết sự bình tĩnh để đáp lời hắn:
- Hóa ra, uống cùng một loại rượu nhưng lại không cảm thấy cùng một hương vị.
Trần Khát Chân bật cười, vẫn là cái cong môi nhiều ẩn ý mà thi thoảng ngài lại dành cho nàng. Hắn kéo Ngọc Dao vào lòng, mùi rượu lúc này đã gần kề gương mặt lúng túng của nàng:
- Không cùng một hương vị… Nhưng uống say vào rồi… ta nghĩ là sẽ có cùng một cảm giác.
Ngọc Dao đối diện với ánh mắt phảng phất nét ưu tư khó tả của Trần Khát Chân, không thể kìm được mà chạm vào đường nét cứng cỏi trên gương mặt hắn. Ngài ghì lấy nàng, mang cơn say len lỏi vào nơi khóe môi người đối diện, đáp lại sự đón nhận của Ngọc Dao bằng trọn vẹn những nồng nàn của men rượu thơm cay.
Đêm đông ấy, cây mai thả vào cảnh khuya một nhánh hoa trắng ngần. Cho đến khi trời rạng sáng, cơn gió nhẹ cũng đủ khiến tiết trời se se. Vạn vật chuyển mình, chỉ có lòng người như mắc kẹt trong những xúc cảm say sưa khó gọi tên.
Ngọc Dao choàng tỉnh, sau khi định thần lại mọi chuyện đêm qua, nàng không khỏi rối bời. Nàng khẽ khàng ngồi dậy, định rời khỏi vòng tay hắn, nhưng Trần Khát Chân đã kịp siết chặt, không cho người trong lòng rời đi.
- Tướng quân… con… con không nên ở đây nữa. Nhỡ đâu người trong thái ấp biết…
- Thì sao? - Hắn nói, cằm tựa vào vai nàng, hơi thở vẫn còn lưu luyến men say.
- Vì… vì dù sao…
Hắn hỏi, chẳng rõ là thái độ gì:
- Dù sao cũng chỉ là một đêm quá chén?
Nàng dè dặt gật đầu, còn chẳng thốt nổi một lời đáp. Trần Khát Chân cười trừ. Trong lòng nàng, cuộc gối chăn vừa rồi cũng chỉ là chuyện lỡ xảy ra? Hắn không muốn Ngọc Dao nghĩ như thế.
Vì sự thực vốn đâu phải như thế?
- Sẽ không có chuyện ta để em thiệt thòi.
Ngọc Dao giật mình, quay lại nhìn hắn. Ánh mắt Trần Khát Chân mang một vẻ kiên định không chút phỉnh lừa. Hắn nói, từng lời chậm rãi:
- Nhưng bây giờ thì… có những chuyện…
- Con không hề mong cầu gì cả. - Nàng không để hắn nói hết câu.
Phải, trong lòng Ngọc Dao, chỉ cần được ở bên cạnh hầu hạ tướng quân, làm kẻ giúp ngài khuây sầu, để hắn dồn hết tâm can vào việc binh đao, xả thân vì nghĩa lớn, như vậy đã đủ mãn nguyện. Triều đình đang mấy phen quần ngư tranh thực, còn bao can qua mới đến ngày thái bình trường cửu, Trần Khát Chân sẽ không tránh được chuyện lao tâm khổ tứ. Nàng chẳng góp được chút sức mọn gì cho ngài, nên không muốn đòi hỏi gì để hắn bận lòng.
Nghĩ thông suốt rồi, Ngọc Dao xin phép rời đi, để lại hắn nằm trầm ngâm với những suy nghĩ riêng. Có rất nhiều thứ hắn không thể nói ra với ai, bởi tham vọng về một công cuộc lớn đang được nung nấu trong lòng hắn vốn là chuyện tuyệt mật. Chỉ đến khi nào tụ tập đủ lực lượng, thời cơ chín muồi mới có thể hành động.
Trần Khát Chân hiểu rõ, việc không thể gấp rút, mà phải cẩn trọng trong nhiều năm. Ngày tháng qua đi, những cành mai khẳng khiu đơn độc nay đã được bao phủ bởi một rừng cây trắng xóa mỗi độ đông sang. Xuân qua, hạ tới, những ngày nóng hừng hực cũng không thể bằng khát khao đổ lửa trong lòng hắn.
- Thái bảo có việc gì mà lại quá bộ ghé thăm?
Trần Hãng bật cười:
- Qua lại bấy lâu mà Thượng tướng khéo đùa.
Người kia đáp, chẳng chút ngập ngừng:
- Đùa được thì cứ đùa, chỉ tránh đùa những chuyện không thể đùa thôi.
Trần Khát Chân nhấc chén trà mới pha, rồi nhìn Ngọc Dao:
- Nàng… À, ngươi lui ra ngoài đi.
Trần Hãng biết vị võ tướng trót lỡ lời, nhưng vờ như không để ý, hăng say khen trà thơm. Khi Ngọc Dao đã đi khỏi, Trần Hãng mở lời:
- Hội thề lần này là dịp tốt nhất, không thể lỡ việc.
(Đây chỉ là một nửa nội dung, toàn bộ nội dung sẽ được in đầy đủ vào sách khi tác phẩm được lựa chọn.)
Chú thích:
[1] Trích trong bài thơ chữ Hán “Nhâm Dần niên lục nguyệt tác” của Trần Nguyên Đán, mang nghĩa “Mùa hè bị hạn, mùa thu lại bị lụt/Lúa khô, mạ thối, tai hại càng nhiều.”
[2] Trích trong cùng bài thơ, ý nói “Đọc ba vạn cuốn sách mà thành vô dụng, bạc đầu luống phụ lòng thương dân”, chỉ sự bất lực của Trần Nguyên Đán trước thời cuộc.
[3] Trích trong bài thơ chữ Hán “Sơn trung khiển hứng” của Trần Nguyên Đán, mang nghĩa “Ngồi đợi đến sau này công thành danh toại/Thì một nắm xương tàn đã vùi lấp thành gò cao.”
__________
Nếu bạn yêu thích tác phẩm này, hãy bình luận nêu cảm nhận cho chúng tớ biết nha.
Bình luận
The Geminist
Nhã Nhã
Nhặt vài Mẩu
Đồng Miên
Mình ít, rất ít khi đọc truyện có bối cảnh lịch sử và nhân vật có thật, lại càng không đọc những tác phẩm trông não nề, nhiều bộn bề cần suy ngẫm. Ghé qua đọc truyện của Lê Minh để ủng hộ và chủ yếu tò mò cô ả tác giả viết gì mà lẹ quá, cái rồi mình bị hút. Câu từ của Lê Minh đẹp, thơ mà không hề rườm rà hay khiến mình bức bối vì chẳng hiểu tác giả viết gì. Mình đắm được vào cảnh vật Lê Minh vẽ ra, cũng chạm tới được sự bất lực với thời cuộc, sự dịu dàng với người mình thương (người thương nhỉ?) của cụ TKC chỉ qua vài nét bút ngắn ngủi. Nói chung, gu mình vẫn là truyện cổ tích thiếu nhi chứ không phải truyện lịch sử, nhưng mình vẫn hóng phần full của tác phẩm này nha, văn gì mà hay quá giời ạ (ㆁωㆁ)
Lê Minh
Trang Quỳnh
Pi Én
Lan