Năm 424, theo lịch nhân giới.
Để kể mấy bạn nghe một trong những cảnh tượng huy hoàng nhứt cái cuộc đời mười ba năm bé nhỏ của tôi.
Lễ hội mùa thu ở quê tôi luôn gắn liền với tiết mục múa kiếm, đoàn múa của giáo xứ thường tổ chức giao lưu giữa các giáo khu.
Chỗ tôi thì chỉ có hai đoàn, một là làng tôi, hai là đoàn của thị trấn láng giềng. Người ta sẽ hoá trang thành các kỵ sĩ truyền thuyết, dùng kiếm thật, và thực hiện bộ pháp sắc sảo mà có thể nói là tôi chưa từng thấy trong đời.
Mỗi lần như vậy tôi lại được dịp lác mắt say mê. Tất nhiên ước mơ của tôi không phải trở thành nghệ sĩ múa kiếm, không phải hoá trang kỵ sĩ, mà muốn làm một kỵ sĩ hoàng gia thực thụ, gia nhập kỵ sĩ đoàn. Thế nên đoàn múa giáo xứ nhiều lần mời tôi vì cả làng đều biết tôi đam mê kiếm thuật, tôi từ chối. Nhưng niềm vui lớn nhứt của tôi mỗi chiều sau giờ học giáo lý vẫn là được theo các anh trong đoàn tập múa. Ngoài lễ hội mùa thu thì các anh vẫn đi múa mỗi lần có thương nhân ghé qua, mục đích xin tiền góp quỹ cho nhà thờ.
Đoàn múa của thị trấn láng giềng nổi tiếng bặm trợn trước giờ, đủ thành phần bất hảo nhứt. Cứ hễ bị sai đi chợ bên đó, tôi lại thấy họ: Tóc tai dựng đứng, mặt mũi hằm hè, mình mẩy đầy lông, thằng nào thằng nấy to béo, trông khổng lồ hết sức với thằng nhóc mười ba tuổi như tôi. Bộ dạng ngổ ngáo điển hình của đám thanh niên giang hồ hồi đó. Tôi còn nghe đâu họ thường phê pha Fidelia mỗi tối - một loại thuốc giải trí chỉ dành cho quý tộc vì giá thành cao. Tôi đoán họ mua thứ ấy từ mấy thương nhân. Tức là thương nhân đến mua hàng hoá tụi tôi, bán lại chất kích thích.
Tuy cùng giáo xứ nhưng đồng phục đội múa thị trấn lại trông đắt tiền hơn làng tôi. Tuy vậy, tôi không lấy đó làm ghen tị chút nào.
Dẫn đầu giáo khu làng tôi là bà Ovantome, cũng là linh mục nuôi dạy tôi trong nhà thờ. Mùa lễ hội, khí thu gợi nhắc công ơn những kỵ sĩ ngã xuống vì độc lập giải phóng. Tôi cùng đám trẻ nhà thờ được bà Ovantome dắt qua thị trấn láng giềng xem màn giao lưu. Đoàn tôi tiến cử hai người giỏi nhứt, bên kia là hai người lấc cấc nhứt.
Làng tôi hoá trang thành Ánh Sao và Mẫu Đơn, thị trấn thì Phù Dung và Huyết Nữ. Vì Ánh Sao là phụ nữ, nên làng tôi cũng chọn phụ nữ thủ vai cho hợp. Thế mà kì khôi, thị trấn láng giềng chọn hai gã đàn ông để thủ vai hai nữ kỵ sĩ. Khi biểu diễn, thành viên hai đoàn không đả động tới nhau, múa kiếm vào không trung. Xoay người, đá chân, lộn mèo.
Nhưng tới đoạn Mẫu Đơn bế Ánh Sao để thực hiện động tác đâm trời, thì người phụ nữ làng tôi thay vì tiếp đất, lại “tiếp” thẳng vào đầu Huyết Nữ của thị trấn láng giềng. Cái mũ giáp gỗ vỡ tan tành, gã “Huyết Nữ” té lăn quay ra đất, ôm đầu than khóc inh ỏi. Vậy rồi, tôi không bao giờ quên những gì xảy ra sau đó…
Một màn hỗn chiến hùng vĩ nhứt suốt mười ba năm sống trên đời. Phù Dung lao vào định chém Ánh Sao thì bị Mẫu Đơn đạp bụng. Lập tức hai đội đánh trống địa phương cũng lao vô từ cánh gà tiếp sức. Tiếng loảng choảng những thanh sắt va đập và tiếng lạch cạch mấy cái dùi cui phang nhau ầm ĩ giữa lễ hội. Mấy cái chiêng chẻng cũng văng vứt loạn xạ. Lòng tự tôn dành cho làng trong tôi trào dâng. Tự nhiên tôi cũng muốn xông lên góp sức. Không thể để bọn thị trấn tự tung tự tác!
Huyết Nữ gào mồm:
“Mấy thằng mắc dịch này, thích gây sự không?!”
Rồi một cơn mưa đổ xuống càng khiến khung cảnh thêm hỗn loạn. Đàn ông trong làng ra sức can ngăn dưới đống sình nhầy nhụa bởi cơn mưa. Chú tiều phu Hendrick (làng tôi) cầm rìu doạ bổ vỡ đầu từng thằng thì chúng nó mới lùi lại. Lúc này cái thằng tóc tai dựng đứng, bố láo nhứt đoàn mới cầm búa đã vận thuật cường hoá, gạ kèo tay đôi. Chú Hendrick cũng đếch ngán, hai bên lại lao vào chém nhau nguyên mùa hội.
“BẢO VỆ PHỤ NỮ LÀNG MÌNH!”
“VÌ LÀNG TA! ANH EM LÊN!”
Tôi hỏi bà Ovantome trong lúc bà bụm miệng:
“Hoá ra thời hỗn mang trông như thế này ạ?”
“Chắc là thế.”
“Tráng lệ quá trời quá đất!”
Đám đông la ó kinh hoàng, đàn bà trẻ nhỏ gào khóc hòa lẫn trong tiếng mưa. Nhiều người chạy tán loạn. Riêng đám trẻ nhà thờ làng tôi thì hồ hởi thích thú. Thằng Ralph thét to:
“Tiến lên Mẫu Đơn!”
Thằng Hubert thì cổ vũ Ánh Sao:
“Cho chúng biết phụ nữ làng mình đáng sợ như nào!”
Gã Phù Dung bên thị trấn thì xấc láo phi thanh gươm vào đám đông, mấy đứa trẻ đang hò hét cổ vũ liền co giò chạy thẳng cẳng. Gã có tóc vàng óng như Alice, dài ngang vai, gã gầm lên bằng một giọng mái đặc biệt:
“Cút hết chúng mày đi! Cút liền cho tao!”
Nghe đâu gã này mười chín tuổi và đã lấy vợ.
Nghi thức dâng hương Đức Mẹ không thể tiến hành. Mùa lễ tưởng nhớ những kỵ sĩ hy sinh thời hỗn mang nhanh chóng trở thành chiến trường ác liệt giữa những “kỵ sĩ” hậu thế. Ai nấy đều sây sát khốn đốn, thương tích nghiêm trọng, sình dây lớp đồng phục hai giáo khu. Song sát khí vẫn hừng hực. Hôm đó điên thiệt. Chỉ đến khi cánh tay một thợ rèn thị trấn rơi xuống đất, máu chảy lênh láng và âm thanh thảm thiết đánh động đoàn người thì họ mới dừng lại. Nếu Phù Dung, Ánh Sao và Mẫu Đơn thật thấy cảnh này thì sao nhỉ? Chắc họ sẽ dẹp loạn trong tích tắc. Và cả Huyết Nữ…
Bình luận
Chưa có bình luận