Đã hơn sáu năm sau khi người tôi yêu không còn. Thời gian dài trôi qua, nỗi nhớ thương, đau xót trong tôi đã nguôi đi phần nào. Tôi chú tâm vào việc chăm sóc con cái và công việc hơn nên cuộc sống ngày càng suôn sẻ, cơ hội cũng tìm đến không ngừng.
Bây giờ, Mạnh đã được 5 tuổi, rất lanh lợi, rất khôn. Tôi nói gì, con đều hiểu hết, ngoan ngoãn, rất biết nghe lời. Chỉ có điều, thông minh cũng có cái không tốt của nó. Ông nội của Mạnh đã có lần nhắc đến bố nó khiến thằng bé tò mò, lật đật đi hỏi tôi: “Mẹ ơi, bố là ai vậy? Bố ở đâu vậy?”. Lâu dần, thằng bé hỏi về vấn đề này ngày càng nhiều, cứ muốn tôi cho đi gặp bố. Nhưng Đồng mất rồi, sao mẹ cho con gặp được đây?
Lần đầu, tôi còn lấy được ảnh của Đồng ra để dỗ thằng bé được. Nhưng về sau, trong một lần lúng túng, tôi lỡ bảo với Mạnh là bố bận, sẽ không về trong thời gian dài. Nói “bận” là nói dối, nhưng “không về trong thời gian dài” thì chắc cũng không tính là nói dối đâu nhỉ? Song, vì thế mà thằng bé cứ nằng nặc muốn tôi giục bố nó về khiến tôi đã khó xử càng không biết giải thích sao. Tôi đã cân nhắc đến việc nói thật rằng bố thằng bé đã mất rồi. Nhưng nó còn quá nhỏ, không biết có hiểu nổi chữ mất đó là gì không nữa nên tôi vẫn cứ ngập ngừng và che đậy chuyện về bố nó.
Cũng là người làm mẹ, bà nội của Mạnh lại không do dự như tôi. Bà khuyên tôi nói thật vì sớm muộn con cũng sẽ phải biết. Nhưng dù tôi hiểu điều đó, tôi vẫn không kiếm được cơ hội để nói ra. Vậy là tôi lại bước lên không gian mạng để hỏi cách giải quyết. Cuối cùng tôi phải chấp nhận sự thật rằng không có cách nào để khiến Mạnh không tổn thương cả. Và rồi tôi cũng quyết định nói thật.
Ngày hôm đó, tôi đón Mạnh từ mẫu giáo trở về. Thằng bé vừa thấy tôi đã gọi to: “Mẹ!” rồi hí hửng chạy tới. Mạnh cầm trên tay phiếu bé ngoan, giơ lên khoe với tôi: “Mẹ ơi mẹ, hôm nay, con được tận hai cái phiếu bé ngoan luôn. Cô còn bảo con ngoan nhất lớp nữa.” Tôi cũng không tiếc lời, khen con: “Con của mẹ giỏi quá. Thế này về lại có thưởng rồi!” Tôi ôm Mạnh vào lòng, hôn lên trán thằng bé một cái. Sự vui vẻ làm tôi quên béng đi mất chuyện mình định nói.
Đưa con về đến nhà, Mạnh chạy lăng xăng khoe hết ông lại khoe đến bà. Còn tôi thì vẫn không biết mình quên cái gì. Xong hết bữa cơm, đến tận trời tối, lúc lên giường ngủ, tôi vẫn thản nhiên, chẳng nhớ đến điều mình định nói. Phải đến lúc Mạnh bảo nó muốn khoe với bố là con đã giỏi, đã ngoan thế nào thì tôi mới nhớ ra và bảo: “Bố con biết chắc cũng sẽ rất vui...”
“Thật ạ?” Mạnh rúc vào tôi, cười khoái chí. Dáng vẻ đắc ý này của thằng bé không khác gì bố nó khi được tôi khen là bao. Dòng liên tưởng ấy khiến tôi thoáng sững sờ, ngại ngần, không biết nên nói tiếp hay không.
“Mẹ… khi nào bố về ạ?” Đôi mắt long lanh của Mạnh đập thẳng vào ánh nhìn chăm chú của tôi. Câu hỏi nghe chừng bình thường lại khiến tôi không khỏi bối rối. Tôi sắp xếp lại những lời định nói trong đầu rồi bảo: “Bố con đang ở xa lắm, sẽ không về được đâu…”
Mạnh bất ngờ, nụ cười của thằng bé cũng tắt ngúm. Con không hiểu được là phải nên tôi nói thêm: “Bố mất rồi nên bố sẽ không thể về được nữa…”. Mạnh không khóc, chỉ tỏ ra khó hiểu mà đáp lại: “Ơ? Nhưng mà, nhưng mà lúc trước mẹ bảo là bố sẽ về mà…” Tôi lắc đầu, định giải thích thêm nhưng nghĩ lại, tôi bảo: “Lớn hơn, con sẽ hiểu.” Mạnh phụng phịu, có vẻ rất không vui. Thằng bé giãy dụa, rời khỏi vòng tay tôi, quay mặt đi, hờn dỗi: “Mẹ không giữ lời gì hết!”
Trời đã khuya, tôi cũng mệt mỏi sau một ngày dài. Vậy mà ngay lúc này lại có một nhóc con dỗi hờn làm tôi phải tăng ca dỗ ngọt. Tôi nhận ra thằng bé chỉ là tò mò, muốn biết, muốn gặp thử người bố trong lời kể của ông nội nó ra sao chứ thật ra cũng chẳng hiểu ai ra ai cả. Tôi nhẹ nhõm, dỗ con, đổi chủ đề: “Nào, nào, con trai lại định khóc đấy à? Con mà khóc là ngày mai không có quà đâu nhé.”
Vừa nghe đến quà, mắt cu cậu đã sáng rực, nó vẫn giữ vẻ bất mãn trên gương mặt nhưng đã có phần thả lỏng hơn: “Quà, quà… ạ?” Mạnh lí nhí. Thằng bé lắp bắp, vẻ bối rối như tiếc rẻ một điều gì đó. Để giải vây cho cậu con trai, tôi mỉm cười bảo: “Thôi ngủ đi. Ngoan. Mai mẹ dẫn đi mua đồ chơi nha.” Tôi với tay ôm Mạnh vào lòng một lần nữa. Vuốt ve đứa trẻ, tôi nói: “Sau mai đi mua đồ chơi nhá? Mai mẹ con mình đi mua đồ chơi chịu hông?”. Theo lời dụ dỗ của tôi, mạnh khẽ gật đầu, ngại ngùng vùi vào ngực tôi. Cu cậu có vẻ vẫn sốc vì việc tôi đã nói dối nó nên cứ nhắc đi nhắc lại là tôi phải giữ lời.
Dỗ cho Mạnh ngủ xong tôi đã không còn buồn ngủ nữa. Đứa trẻ này quá giống bố nó từ gương mặt cho đến tính cách. Mỗi đường nét, mỗi cử chỉ của Mạnh đều làm tôi nhớ lại những ngày đầu hai đứa bên nhau. Giống đến đáng sợ. Tôi cứ nghĩ ngợi mãi, hết nhìn gương mặt an nhiên say giấc nồng của con, lại cố nhắm mắt để đưa mình vào giấc ngủ.
“Cứ như anh vẫn ở đây vậy…” Ý nghĩ kết thúc là khi hàng mi tôi trở nên trĩu nặng đến mức tôi giữ nổi nữa. Giấc ngủ êm đềm cứ thế trôi qua.
Sáng ngày hôm sau, tôi dậy muộn. Đó cũng không phải vấn đề quá lớn vì ngày hôm nay ngoài việc đưa Mạnh đi mua đồ chơi ra thì tôi rảnh. Nhưng thằng nhỏ thì háo hức đến không đợi nổi rồi. Lúc tôi đang ăn cơm thì Mạnh đã mặc quần áo để đi ra ngoài xong từ tám đời. Con cứ không ngừng lặp đi lặp lại mấy câu kiểu: “Mẹ ơi nhanh lên…” hay “Mẹ ăn xong chưa” trong khi tôi còn chưa kịp gắp nổi miếng thịt làm tôi phát cáu. Tôi dọa: “Chờ đi! Giục nữa là mẹ cho ở nhà đấy!”. Mạnh cuối cùng cũng chịu im lặng.
Sau một khoảng yên tĩnh, tôi đã xử lý xong bữa sáng. Cửa hàng đồ chơi không xa nhà lắm nên tôi và Mạnh đã cùng nhau đi bộ tới đó tiện thể tiêu cơm luôn. Tôi cầm tay Mạnh, đung đưa nhẹ nhàng, thong thả rảo bước cùng con đến tận cửa hàng đồ chơi. Vừa đi, Mạnh vừa đóng vai “ông hoàng ngoại giao”, gặp ai cũng chào. Đôi lúc, con gặp bạn học cùng lớp mẫu giáo thì lại khoe mình đang được mẹ cho đi mua đồ chơi. Bản thân tôi thì không phải là người quá thích giao tiếp nên lúc những người Mạnh chào đi qua tôi chỉ biết gật đầu, cười trừ, chào lại.
“Không biết cái tính hướng lung tung của con là nhận từ ai nữa…” Tôi nghĩ thầm.
Đến cửa hàng đồ chơi, Mạnh nhanh chóng lựa bộ Lego to đùng chà bá như thể đã ngắm mục tiêu từ trước. Dường như con chỉ chờ đến ngày này để được mua đồ nó muốn. Sao mà đau ví quá. Mặc dù tôi không thiếu tiền nhờ vào công việc ổn định và công ty nhỏ nhỏ của Đồng. Nhưng tiền tiêu thì lúc nào tôi cũng xót. Tôi hỏi Mạnh: “Con chắc chưa? Mua rồi là không được đổi đâu đấy.”
Mạnh giương đôi mắt long lanh nhìn tôi như một con cún nhỏ. Được lắm. Con thành công rồi đó. Thế là chỉ với một câu: “Đi mà…” của con, hơn một củ khoai đã rời khỏi tài khoản của tôi. Tạm biệt nhé. Tiền của tôi… Mạnh cầm hộp đồ chơi tung tăng vung vẩy trên đường về nhà. Nụ cười hồn nhiên hiện hữu trên đôi môi bé nhỏ như ánh ban mai rạng rỡ. Sau một thoáng ngẩn ngơ, tôi bỗng thấy lâu lâu bỏ tiền ra cho con được vui vẻ cũng tốt.
“Về nhà chơi, không được vứt đồ lung tung đâu đó, Mạnh.” Tôi nhắc nhở. Mạnh vui vẻ, lễ phép đáp lại: “Vâng ạ!”
Có được câu trả lời mong muốn, tôi mỉm cười, dắt con tiếp tục bước đi về nhà chậm rãi. Mạnh vẫn hào hứng, nhảy chân sáo. tung tăng trên lề đường. Thằng bé trông có vẻ vô cùng tận hưởng thiếu điều muốn chơi ngay trên đường. Lúc con đang mải mê bước đi, tôi bị thu hút bởi một quán cà phê có hơi vắng vẻ. Hướng con mắt ưu tư về phía đó, tôi đứng sững lại khiến Mạnh đang nắm tay tôi cũng chợt dừng theo.
Nghe tiếng con, tôi như bừng tỉnh khỏi cơn mộng mị. Nhưng không đưa Mạnh về nhà ngay, tôi hỏi con có muốn dừng lại nghỉ chân một lúc không. Mạnh hơi chần chừ rồi vẫn gật đầu. Tôi đưa con vào ngồi tại quán cà phê mình đã để ý vừa nãy. Không gian của quán không có quá nhiều thay đổi, vẫn ấm cúng và thoải mái như ngày nào. Tôi gọi cho mình một tách cà phê và một ly nước cam cho Mạnh.
Trước đây, tôi và Đồng thường xuyên ghé qua. Cho đến bây giờ, đây vẫn là quán ruột của tôi nên cả chủ quán và những nhân viên lâu năm hầu như đều đã nhớ mặt lẫn tên tôi. Một cô nhân viên nhỏ hơn tôi vài tuổi từng là “quân sư tình yêu” của tôi bưng đồ uống đến. Vừa nhìn thấy tôi, cô ấy chào hỏi ngay: “Ô. Chị Ân đấy à. Lâu rồi em mới thấy chị đến quán đấy.”
“À, ừ, dạo này chị có hơi bận…” Tôi gật đầu, tươi cười, tỏ ý chào lại và nhận lấy đồ uống từ cô nhân viên
Tôi cười gượng. Đưa nước cam cho con uống xong, tôi nói: “Chị mày thì có chuyện gì được đâu. Chỉ có việc trên công ty với việc nuôi con thôi là kịch khung hết giá rồi…” Dừng một chút, tôi lại hỏi: “Mà dạo này quán có vẻ vắng nhỉ?”
“Ai bảo thế. Chị đến không đúng giờ chứ thử đến lúc chiều chiều xem. Em không đủ tay chân để phục vụ luôn.”
“Thế lại ngang với nhà hàng năm sao rồi.” Tôi cười cười đáp
Cô gái không tỏ ra quá vui vẻ mà chỉ đáp lại tôi bằng một ánh nhìn đầy ý vị. Em ngồi xuống cạnh tôi bảo: “Có làm trong nhà hàng hạng sang cũng không bằng chị được. em nhìn người ta có gia đình rồi cũng chỉ biết ước thôi.” Nói đến đây, cô bé như nhận ra có gì đó không ổn nên khoảng lặng giữa hai người chúng tôi có phần kéo dài hơn bình thường.
Mặc dù nhiều lần tôi tự khẳng định trong lòng là mình đã buông bỏ rồi nhưng đúng là một bức ảnh đã mất một góc thì có cố đến mấy cũng không khôi phục được. Thấy người chị bên cạnh không biết đáp lại thế nào, tôi cũng không thể để bản thân rơi vào thế bí. Vội sắp xếp lại suy nghĩ, tôi hơi châm chọc: “Chị không để ý đâu. Nhưng em đúng là nên lập gia đình đi thôi. Hơn hai tám rồi chứ ít ỏi gì đâu…” Tôi nhấn mạnh chữ “lập gia đình” và “hai tám”.
Cô nhân viên ủ rũ đáp lại: “Chị cứ nói vậy em buồn á. Ngày em tiếp chục khách nam mà thằng nào ngon là có chủ hết rồi. Còn lại thì người ta cũng chẳng thèm nhìn đến, nghĩ mà chán.” Dáng vẻ chống cằm đăm chiêu của cô em này chỉ làm tôi thêm buồn cười. Lúc trước, khi tôi và Đồng còn chưa quá thân thiết thì con bé là đứa bày mưu tính kế cho tôi vậy mà giờ nó lại là người rơi vào bế tắc trong tình yêu ư?
“Em không chủ động thì sao mà biết được đúng không? Biết đâu lại vớ được cậu nào nhút nhát không dám mở lời…”
Cô nhân viên giật mình, đứng phắt dậy vội bảo: “À, dạ, không, không có gì đâu. Em có việc rồi chị cứ uống tiếp đi ha.”
Cô bé này hôm nay lạ quá nha. Tôi thầm nghĩ vậy rồi cũng không tưởng tượng nhiều nữa. Thấy Mạnh đã uống hết cốc nước cam, tôi hỏi: “Chán chưa? Về nha?” Mạnh gật đầu rồi mới hỏi: “Mẹ không uống ạ?” Tôi ngó sang cốc cà phê đã hơi nguội của mình, tự dưng thấy buồn cười: “Ừ, mẹ uống xong cái là mình về luôn nha.” Nói rồi tôi xử lý nốt cốc cà phê, thanh toán tiền rồi ra về. Và một buổi sáng đã kết thúc như vậy.
Bình luận
Chưa có bình luận