09/2024, Thông báo: "Hai mảnh nghĩa tình" nằm trong một tập truyện ngắn sắp xuất bản của Việt Chi. Để bạn đọc có những trải nghiệm tốt nhất khi đọc truyện, Việt Chi xin ẩn một phần nội dung truyện trên các nền tảng đăng online.
Hy vọng khi tác phẩm phát hành sẽ nhận được sự yêu thương, ủng hộ của bạn đọc. Cảm ơn các bạn rất nhiều!
Mến thương,
Việt Chi.
___
1. Nguồn cảm hứng lịch sử của “Hai mảnh nghĩa tình”
Theo Đại Việt sử ký toàn thư:
Mùa đông, ngày 11 tháng 11 (năm 1258), Hoàng trưởng tử Khâm sinh.
Mùa đông, tháng 10 (năm 1274), sách phong Hoàng tử Khâm làm Hoàng thái tử, lấy con gái lớn của Hưng Đạo Vương làm phi của Thái tử. Chọn người nho học trong nước, người nào có đức hạnh sung vào hầu Đông cung. Lấy Lê Phụ Trần làm thiếu sư kiêm Sừ cung (cung Thái tử) giáo thụ.
Bính Tí (năm 1276), ngày 17 tháng 9, hoàng trưởng tôn Thuyên sinh, lập làm Hoàng thái tôn, không bao lâu sau làm Đông cung Hoàng thái tử.
Trần Khâm lên ngôi năm 1278, giữ vai trò lãnh đạo quan trọng trong cuộc chiến chống quân Mông Nguyên xâm lược lần 2 (1285), lần 3 (1288).
Mùa xuân, ngày mùng 9 tháng 3 (1293), vua nhường ngôi, Hoàng thái tử Thuyên lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Hưng Long năm thứ nhất, đại xá cho thiên hạ, xưng là Anh hoàng, tôn Thượng hoàng làm Hiến nghiêu quang thánh thái thượng hoàng đế, Bảo Thánh Hoàng hậu làm Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng thái hậu.
Cùng năm 1293, mua thu, ngày 13 tháng 9, Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng thái hậu băng ở Lỗ Giang phủ Long Hưng (Thái Bình ngày nay), tạm quàn ở cung Long Hưng. Thái hậu là người nhu mì đức tốt, thông minh sáng suốt, có nhân đối với kẻ dưới. Thượng hoàng làm chuồng hổ ở thềm Vọng lâu, sai quân sĩ đánh nhau với hổ, Thượng hoàng ngự trên lầu để xem, thái hậu và phi tần đều theo hầu. Vì lầu thấp, song chuồng và thềm cũng thấp, con hổ chợt nhảy ra khỏi chuồng leo lên lầu, những người trên lầu đều chạy tan cả, duy có Thượng hoàng và Thái hậu cùng 4, 5 người thị nữ vẫn ở đấy. Thái hậu nghĩ bụng không khỏi bị hại, mới lấy cái chiếu che cho Thượng hoàng và cả mình. Con hổ lên lầu rồi kêu gầm lên mà nhảy xuống, không vồ hại ai cả. Lại một lần Thượng hoàng ngự điện Thiên An xem tập voi ở Long Trì, thốt nhiên con voi thoát chạy xông vào, định lên trên điện. Những người hầu hai bên đều sợ chạy tan, chỉ có Thái hậu vẫn ở đấy.”
(Không rõ thời gian) Bấy giờ Thượng hoàng ngự đi Vũ Lâm (Ninh Bình) vào chơi hang đá, cửa hang đá hẹp, Thượng hoàng đi chiếc thuyền nhỏ, Tuyên Từ Thái hậu (em gái ruột của Khâm Từ) ngồi đằng đuôi thuyền, gọi Văn Túc Vương (con trai Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải) lên đằng mui thuyền, chỉ đề một người chèo thuyền mà thôi.
Mùa hạ tháng 6 (1295), Thượng hoàng về kinh sư. Đã xuất gia ở hành cung Vũ Lâm, lại trở về vậy. Bấy giờ Tuyên Từ thái hậu, từ khi Khâm Từ băng, làm chủ cung cấm, tính người khó khăn nóng nảy, dạy bảo rất nghiêm, nhà vua vâng theo rất kính cẩn. Thượng hoàng (Nhân Tông) nói: Cha tự thẹn xưng là Hiếu hoàng, nên lấy hiệu ấy xưng Quan gia thì phải.
(Không rõ thời gian), Anh Tông muốn phong Tuyên Từ Hoàng thái hậu làm Thái hoàng thái hậu, nhưng chưa biết gia tôn thế nào, Khâm Từ Hoàng thái hậu đem việc ấy đi hỏi Nhật Duật (Chiêu Văn Vương), Nhật Duật trả lời là tôn làm Thái hoàng thái hậu.
Kỷ Dậu năm thứ 17 (1309), truy tôn Khâm Từ Bảo thánh Thái hậu làm Thái hoàng Thái hậu.
Mùa đông, ngày mùng 3 tháng 11 (năm 1308), Thượng hoàng băng ở am Ngọa Vân núi Yên Tử. Bấy giờ Thượng hoàng xuất gia ở ngọn Tử Phong núi Yên Tử, tự hiệu là Trúc Lâm đại sĩ. Mùa thu ngày 16 tháng 9 năm 1310, rước linh cữu của Thượng hoàng về chôn ở lăng Quy Đức phủ Long Hưng. Xá lị thì để ở bảo tháp am Ngọa Vân. Miếu hiệu là Nhân Tông [...] Đem Khâm Từ Bảo Thánh thái hoàng thái hậu hợp táng ở đấy. Trước tạm quàn Nhân Tông ở điện Diên Hiền [...]
Mùa thu, ngày 19 tháng 8 năm Mậu Ngọ (1318), Tuyên Từ Thái hoàng Thái hậu băng.
Mùa đông (1318), phụ táng Tuyên Từ thái hậu ở bên cạnh lăng Nhân Tông. Trước đây Nhân Tông từng dặn lại Anh Tông ngày sau nên đem dì (tức Tuyên Từ thái hậu) chôn ở cạnh lăng và vẽ bản đồ chôn cất làm huyệt hình thước thợ trao cho. Đến đây Thượng hoàng (Anh Tông) theo di nguyện của Nhân Tông, đào bên cạnh lăng để chôn. Đất lăng nhiều bùn lầy, tiếng đắp đất vang động cả vườn lăng, Thượng hoàng có vẻ lo. Trước khi sắp chôn Thái hậu vào đấy, các quan tâu rằng không nên kinh động đến lăng tẩm. Thượng hoàng nói: “Tiên đế đã có mệnh lệnh, không dám trái; nếu có tổn hại, ta sẽ chịu lấy.” Sau khi chôn không được bao lâu, Thượng hoàng bị bệnh, đầy năm thì băng.
Hậu thế:
1. Hoàng tử Trần Thuyên, sau là vua Trần Anh Tông (con của vua Nhân Tông và hoàng hậu Bảo Thánh)
2. Hoàng tử Trần Quốc Chuẩn, sau được phong là Huệ Vũ Đại Vương (không rõ mẹ là ai)
3. Công chúa Thượng Trân, lấy Văn Huệ Công Trần Quang Triều (cháu nội Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn)
4. Công chúa Thiên Trân, lấy Uy Túc Công Trần Văn Bích (con của Văn Túc Vương Trần Đạo Tái, cháu nội Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải và Công chúa Phụng Dương).
5. Công chúa Huyền Trân, lấy vua Chế Mân nước Chiêm Thành.
Theo nguồn tư liệu khác: vua Nhân Tông còn có một vị phi phong là Đức Phi.
Dưới đây là thông tin Chi tham khảo trên các trang mạng, cụ thể là bài viết Đức Vua Bà của wikipedia:(Cổ Lập Bi Kí dựng năm 1866, chưa xác định cụ thể nơi bảo tồn)
“Vào thời Trần có người con gái thôn Đào, họ Đặng, tên húy là Loan, nổi tiếng xinh đẹp đoan trang, được vua Trần Nhân Tông chọn làm cung phi”. Tiếc là sau khi nhập cung dù được sủng ái nhưng do bệnh tật mà không thể sinh con nối dõi cho nhà vua. Đức Phi là người hiền hậu, nhớ về quê hương còn nghèo khổ nên xin vua cho giúp dân nghèo, vua đồng ý để bà xuất cung về làm người thường. Bà có công dạy nhân dân trồng dâu nuôi tằm, làm đồ gốm... để cải thiện đời sống. Bà được người dân ghi nhớ công ơn và lập đền thờ tại Di tích Đền Vua Bà, đền Nhân Hữu (Bắc Ninh), lễ hội Đền Vua Bà diễn ra vào 17 tháng 3 Âm lịch hàng năm.
Thông tin thứ hai từ trang điện tử báo VOV về lễ hội đền Đức Vua Bà, có đoạn viết như sau:
“Đền Vua Bà (đền Quả Cảm, đền Đức Vua Bà) thuộc cụm di tích đình, đền, chùa thôn Quả Cảm, có tên gọi là Di tích lịch sử phòng tuyến sông Như Nguyệt. Vào ngày 10 tháng Giêng hàng năm, dân làng tổ chức Lễ hội để dâng hương, cầu nguyện, tưởng niệm ngày mất của Đức Vua Bà.
Ngôi đền nằm ở gần cuối làng, trong khuôn viên rộng lớn và trang nghiêm. Trước đây ngôi đền chính thờ Đức Vua Bà gồm có 5 gian tiền tế và một gian hậu cung.
Truyện kể rằng, khi vào cung bà được phong là Hoàng phi Đệ tam cung (Hoàng phi cung thứ ba) của đời vua Trần Nhân Tông, được vua vô cùng yêu quý. Bà là người đoan trang, nhân hậu nhưng chính trực, thường trợ giúp vua tế thế an dân. Bà có nhiều công tích được vua ân sủng nhưng không vì thế mà kiêu ngạo. Bà luôn kính trên, nhường dưới, giúp dân an cư lạc nghiệp nên được dân vô cùng kính yêu. Bà được vua thưởng bổng lộc của 72 trang ấp, và ban cho trang Kẻ Cảm làm bổng lộc riêng. Bà mở chợ cho dân buôn bán trao đổi nông sản, dạy dân trồng dâu nuôi tằm, làm gốm, làm bánh. Người dân quy tụ ngày càng đông, thành làng đông đúc trù phú. Công đức của bà thật to lớn. Khi bà bị bệnh mất, nhà vua thương tiếc và làm lễ an táng truy tặng là “Hoàng hậu”, cho phép dân trang phụng thờ làm phúc Thần, sai các quan binh mã, tượng đưa về an lăng, ở địa đầu núi Hoàng Đệ, làng Kẻ Cảm an táng. Ngôi đền này được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1991.”
Truyện không nhắc gì nhiều đến nhân vật Đức Vua Bà, Việt Chi chỉ chia sẻ thêm thông tin cùng bạn đọc, mong rằng cũng được nhận thêm nhiều thông tin chia sẻ khác từ bạn đọc.
2. Lời tác giả
Hình ảnh đầu tiên mà “Hai mảnh nghĩa tình” xuất hiện trong tâm trí Chi là cảnh tượng tiếng hô vang “Giờ lành đã tới” kèm tiếng chuông, vốn là cảnh hai người cúi đầu phu thê giao bái, chợt đã thành nhiều năm sau, Bảo Thánh Hoàng hậu cúi người hành lễ đúng thân phận của phi tử, đáp lại là cái chắp tay cúi chào của nhà Phật từ vua Nhân Tông, tiếng chuông chùa ngân vang kèm câu hát “hai người, ba chữ, tương tư khổ, khổ (vì) tương tư...” (lời bài hát tiếng Trung “Không phụ tương tư”). Sau đó vua Nhân Tông quay người đi vào chùa, Bảo Thánh Hoàng hậu lên võng kiệu về phủ Long Hưng, hóa ra tiếng hô “Giờ lành đã tới” là của đoàn rước dâu khác bên kia sườn đồi...Một cảnh mà Chi nghĩ có lẽ do Chi xem tiktok quá 180 phút.
Chi cũng không có ý định và khẳng định luôn là không đủ khả năng để phát triển “Hai mảnh nghĩa tình” thành một truyện dài, bởi tất cả đều đến bằng một cái duyên chóng vánh – Chi vô tình đọc được các tư liệu lịch sử phía trên kia khi đi chọn lọc, chú thích tư liệu lịch sử để hoàn thiện bản sách “Như sơ”. Thậm chí khi bắt tay vào viết, dù cảm xúc thôi thúc rất mạnh, nhưng Chi đã chùn tay rất nhiều lần khi viết đến các đoạn liên quan đến vua Trần Nhân Tông, một nhân vật lịch sử có tầm vóc, công lao to lớn với đất nước, với Phật giáo Việt Nam.
Vậy nên bạn đọc thân mến, “Hai mảnh nghĩa tình” chỉ là một câu chuyện tình cảm ngắn, đơn giản, với những mảnh ghép vụn vặt, nhỏ lẻ do Việt Chi tưởng tượng ra, dựa trên cảm hứng từ các sự kiện lịch sử mà Chi đã trích dẫn giới thiệu ở phần 1. Truyện hoàn toàn phục vụ cảm xúc, tình cảm, thể hiện quan điểm cá nhân của Việt Chi, đồng thời khả năng tìm đọc, phân tích tư liệu, xây dựng cốt truyện của Chi còn hạn chế, nên Chi mong độc giả không nhầm lẫn các tình tiết, hình tượng nhân vật trong truyện với các sự kiện, nhân vật được ghi chép trong các tài liệu lịch sử chính thống. Và nếu không may truyện có thiếu sót gì, Chi tha thiết mong nhận được lời góp ý từ bạn đọc để mình và truyện được hoàn thiện hơn.
Năm chương truyện khép lại, lịch sử là của chung nhưng gợi lên trong lòng mỗi người mỗi cảm xúc khác biệt. Chẳng hay khi đọc “Hai mảnh nghĩa tình” bạn cảm thấy thế nào, hãy để lại bình luận hoặc nhắn tin cho mình viết với nhé, mình thực sự rất ngóng chờ.
Cảm ơn sự ủng hộ, đồng hành của bạn đọc.
Trân trọng và mến thương!
Việt Chi.
Bình luận
Chưa có bình luận