Đất ngoài đồng khô nứt khô nẻ, cua đồng không thở nổi mà ngoi lên hứng nắng, kia rễ cây gạo teo tóp không sức sống nằm cong queo, như mấy con người. Kẻ sống đi vật vờ, xác khô chết bờ chết bụi nằm la liệt; khắp nơi chỉ ngửi thấy mùi xác khô, nặng mùi thế sao không ai dọn? Chẳng ai dám dọn mà thật tình là chẳng muốn, thân mình lo chưa xong còn lo cho mấy cái xác.
Ngày ấy đám dân nghèo chạy xô theo người kéo xe ba gác - kẻ khóc người kêu trông như trẩy hội - họ theo cái xe chất đống xác người và lẫn lộn trong đó có người thân nhà họ. Sự thật tàn khốc cho họ biết rằng chính bọn họ không thể an táng cho người khuất, bởi lẽ quá nhiều và rồi đám dân đen ấy quyết định làm khu mộ tập thể. Không tang lễ, không bia mộ, không khói hương, …
Bà Trà - người đàn bà với chỏm đầu bạc trắng, da mặt khô nhăn vì cái nắng giữa trưa. Dẫu già, bà vẫn là người kiên cường nhất. Mắt bà hướng xuống khu mộ tay nắm chặt cô cháu gái sắp lên năm đang òa khóc gọi mẹ dưới hố, nó gào lên thống khổ.
Cái hố không sâu không rộng song vì thế mà thây nằm chồng chất và xô xệch, bà vẫn đủ dũng cảm chứng kiến hết thảy điều đó.
-Cậu Nhuần, cậu đặt giúp con tôi nằm ngay ngắn chút! Con gái con đứa nằm thế không ra dáng kẻ làm mẹ. - Bà bấm bụng nói.
Lão nông ấy không già, do đói cả, mặt mày thất thểu bấu chắc nứa chọc xuống hố di chuyển thi thể người phụ nữ khô cứng kia. Mắt lão cứ rưng rưng mãi, lau suốt lúc kéo xe tới giờ vẫn còn không biết sao mà lão cứ vậy.
-Ấy, cậu nhẹ tay thôi! Con nó đau. - Bà sót từng khúc ruột, đau đớn nhìn vậy thôi chứ làm được gì.
Cháu gái bà uất lắm! Đầu nó quanh quẩn cái ý nghĩ: “Sao bà nó lại vô tâm vậy?” hay “ Bà thật độc ác! Không để nó xuống với mẹ”. Con bé giãy giụa trong tay bà gào thảm đòi mẹ, đầu nó bê bết đất cát, nhìn thương. Nó uất. Mắt nó dữ dằn hướng vào bà Trà rồi đảo sang đám dân làng, ra là muốn nhìn xem có ai như nó không.
Ấy mà được một lúc nó như nghẹn ứ lại. Con bé ngây người, người làng nó phải bám víu lấy vai nhau tay bụm miệng không cho khóc thành tiếng; khi có người ngồi sạp xuống sụt sùi đến sưng hai mắt, khi có kẻ cắn chặt khăn rằn tới rách cũng không buông. Có mấy ai gào to bằng con bé, nó sững người.
Làm gì có ai gào thét ai oán như nó, làm gì có ai khóc tự do như nó. Họ là người lớn nên họ phải khác, người lớn phải đè nén nỗi đau chứ đâu thể phô trương như con trẻ. Bởi cái thứ họ gánh trên vai không phải gánh nước gánh phân mà là cái gánh cuộc đời.
Con bé bớt kích động hẳn không còn giãy nảy đòi mẹ, nó đứng thinh, miệng mím chặt như thể có ai khâu xéo cái miệng nhỏ đó. Bà Trà nhìn nó thương khôn xiết, xoa lên mái tóc rối xù quăn tít ấy.
-Muốn thì cứ khóc đi. Có mấy ai sống trên đời này được khóc hả hê như trẻ con đâu. Không khóc thì phí lắm. - Bà an ủi nó. Lời bà nó nói làm mắt lại rưng rức.
Về tới nhà, con bé chạy tót ra cái chum nước sau nhà rửa ráy. Còn bà, bà vào nhà cầm ra mẩu giấy từ cái làn cũ chỗ xó, giấy nhăn nhúm nên bà để trải thẳng trên thúng; lấy lông gà làm bút, máu tươi làm mực…
Bà vừa viết, miệng vừa đọc rõ từng vần từng chữ:
-Hồ Đồng, cách hai chục bước trẻ, sang trái, cách mươi lăm bước già…
Cô cháu gái cẩn thận đậy chum, từ lúc về làng đã vọng lên những tiếng khóc to nhỏ, vài nhà lại văng vẳng tiếng kêu bi thương. Ai cũng khóc chỉ là không biết ai khóc. Chạy vào nhà nó đã thấy bà ngồi chõng viết gì đó.
-Bà viết gì thế?
-Bà viết thư cho bố cháu. Bố cháu đi lính bao năm làm sao biết ngày hôm nay tới nhanh như vậy, phải thông báo, mà phải giữ bí mật kẻo làng biết! - Bà cười nhạt.
Và người đàn bà tiếp tục viết, viết một lá thư không thể gửi tới người cần nhận, bà đâu có biết bố con bé đang công tác bên tiểu đội nào vì tất cả đều là bí mật, bí mật làm nên thành công. Chỉ biết là bố nó đang ở đâu đó trên mảnh hồn quê hương và hết mình cống hiến.
Thời thế trôi qua chậm rãi thế mà nhanh. Thoắt cái đã mấy năm từ ngày đắp mộ tập thể ấy, con bé đã lớn nhưng hình hài vẫn vẹn gầy guộc, “chẳng lớn được là bao” người làng hay bảo thế. Con Một chẳng may để tâm, điều nó chuyên tâm là hái rau làm ruộng cùng bà Trà kiếm cơm qua ngày, chẳng thích ham thú vui bên đám nhỏ quanh làng như trước đây.
Sớm sớm người làng đã thấy Một mang sọt lớn kiếm cành khô rồi thoáng lại thấy nó cầm liềm chạy ra đồng cắt cỏ, khi thấy ôm bụi lau ngả màu nắng ném ra ao. Ánh trời lên cao tít, con người hớt hải ôm rơm rạ về nhà chất cao nghệu, khi đó đám trẻ con lon ton gọi trâu vào lán nằm. Con Một cũng vậy, nhanh thoăn thoắt nhặt chỗ rau đay còn xanh mơn mởn bỏ rổ, chưa được non rổ mà đám trẻ bên kia tường cao đã trèo qua, chúng đu bám nhau trèo sang.
Bộ áo đẹp đẽ của đứa nào đứa nấy đều lem bẩn (chả sao cả) bẩn thì bảo thầy u may bộ mới, chúng chả việc gì phải lo. Thấy con Một lủi thủi nhặt rau dại, bọn chúng thích thú chạy lại trêu chọc con bé, rôm rả trò chuyện bên tai Một:
-Nhìn kìa chúng bây, đứa con hoang!
-Con không cha, không mẹ.
-Đồ con hoang xấu xí! Ọe ơi, con nhỏ yêu quái!
…
Bọn trẻ con lẽo đẽo theo sau Một, tay cầm gậy tay cầm lau vung vẩy qua lại và mồm mép đứa nào đứa nấy cũng toe toét cười. Con bé ôm rổ rau đay đi trông từ tốn mà thoăn thoắt, chân nó bước bước thật dài như mong sao về nhà sớm. Trong lũ oắt con ấy có đứa quá quắt, chạy tót lên ngang Một rồi hất văng rổ rau.
-Ha, nhìn này bây ơi! Tao lỡ tay. - Thằng bé nhìn cái rổ một lúc rồi đá phắt nó xuống mương - A, chết tổ, lỡ chân nữa.
Con bé nhịn mà mắt cứ đăm đăm nhìn đám con nhà ấm nhà chiêu không khỏi giận dữ, nhưng Một biết nếu nó làm gì không phải thì không chỉ nó mà ngoại nó cũng chịu chung. Cả lũ cười hả hê, chạy vòng quanh rồi đọc to cái bài đồng dao tự biên khi con Một cúi xuống nhặt rau.
“Con ải con ai
Sao lại đẻ nhờ?
Cớ đâu tu hú
Trú nhà sáo sậu,
Đậu lúc lại bay
Hại chết sáo con,
Độc còn con Một…”
Được nước làm tới, biết con Một không dám làm gì chúng nên bọn trẻ thi nhau lao vào đạp lên đống rau rồi có đứa đạp lên tay con bé, bàn tay ấy mài một vệt dài trên đường gạch nhấp nhô. Một nhìn chúng, tròng mắt đỏ ngầu lườm cái đứa đứng trên đang cười ha hả.
-Ha ha… nó chả làm gì cả. Cái ả đàn bà chửa hoang kia chắc khốn lắm mới đẻ ra con này, má tao bảo con Một đếch làm được gì chúng mình cả đâu. Nhà nó nghèo bỏ kiếp, chẳng đủ tiền đền áo tụi mình. - Đứa chìa áo ra họa.
-Nếu biết khốn thế thì thà đẻ quả trứng ra luộc nhanh hơn.
-Biết làm sao, có chửa thì phải đẻ chứ không để chết trong bụng ghê lắm! Như kiểu ăn thịt người ấy. - Đứa con gái ôm bụng mà ghê.
-Thế sao này đừng chửa hoang như mẹ con Một là được, gả thì gả vô cái nhà nào yên ổn tí chứ vô cái nhà không tài của thì cũng khổ xong thì đẻ đứa con nối dõi, thầy tao hay nhắc mấy cái chuyện ý lắm.
Một nó tức điếng người. Phút chốc nó nhào mình vồ lấy thằng bé ngay trước nó, ra sức ghì chặt trên nền đất đánh liên tục vào đầu nó rồi túm áo nó cấu xé. Nó không bình tĩnh nổi trước mấy lời lăng mạ mẹ nó, bản năng bảo nó phải vùng lên đáp trả. Đám trẻ xung quanh bàng hoàng mặc cho cái Một đánh, chỉ duy có con gái lớn nhà Trưởng Thọ - lý trưởng trong làng - dám xông vào giữa cái Một và thằng bé kia, tay nó túm mớ tóc hạt dẻ mà dằn sức lôi ra.
-Mẹ kiếp con này, sức gì mà khỏe kinh. Thả thằng Dũng ra! - Nhìn vậy mà nó hỗn, vừa lôi vừa chửi tục.
Thấy con Hương dám kéo cái Một nên cả lũ xúm vào đánh Một rồi xô nó ra gần mương, lũ chúng nó vội đỡ thằng Dũng còn đau sau mấy nắm đấm. Con Hương nhìn vào bàn tay còn mắc mấy lọn tóc quăn đầy khinh rẻ, tay con bé xé chúng ném xuống đất, phỉ nước miếng lên mớ tóc:
-Tao khinh đám súc vật như mày.
Tụi chúng nó hỏi han nhau chứ đâu ai rảnh ngắm nghía Một. Đó hẳn là sai lầm! Con bé mất kiểm soát, vơ đại tay được mẩu gạch vỡ đỏ sẫm, nó cứ thế lao vào đám oắt con…
Nguy nan quá! Lúc ấy mà không có ông Nhuần ở gần đó ra can thì chắc con Một đã mang tội tày trời, khéo mà để lâu thì nhà nó chỉ có nước đeo gông chờ chết. Ngoại nó ngoài đồng chỉ nghe loáng thoáng lũ ranh con ngồi với nhau cười cười nói nói.
-Ối cười ngất, nghe bảo cái Một đánh thằng đó túi bụi. Thế mà tao không ở đó ngắm nhờ. - Con bé nghịch ngọn cỏ xanh, tiếc rẻ thứ nó chưa từng chứng kiến.
-Xong, không phải nó bị đẩy ngã xuống mương à?
-Tao nghe u bảo, con Một nó chưa ngã ra mương, chỉ gần thôi, rồi cái nó vớ đâu hòn gạch ý.
-Xong làm sao nữa? - Có đứa tò mò hỏi.
-Thì chết chứ sao. Đập cái bốp vào đầu con Hương này, chả chảy be bét máu ra còn gì. Hì… tao mà là Một, tao chẳng dám làm thế đâu. Làm thế thì mẹ con Hương chả kéo người tới đốt nhà. - Con bé thao thao kể.
-Mày điêu. Thầy bảo thế là nói láo. Cái Một chưa kịp làm gì thì thầy tao ra can rồi. Cái Hương nó xước thôi chứ làm gì mà bê bết máu như mày bảo. - Thằng bé cãi lại.
Bà hớt hải bỏ ruộng vứt cày vứt trâu giữa đồng, hồng hộc chạy về nhà. Một ngồi thu lu trong vách nhà, ôm gối chân nhìn ngẩn ngơ mà vừa thấy bà ngay cửa, con bé giật nảy mình.
-Bà nay về sớm?
Tay con bé rỉ máu và mái đầu bết đất, bà lại ôm cháu gái vào lòng như thể lâu lắm mới gặp. Rồi bà đẩy nó sang nhấc bàn tay xước xát đem nhìn, ruột bà quặn lên mấy khúc. Nó hất tay không cho ngoại lau máu, khóe mắt đẫm những hàng lệ lăn dài bên gò má, rưng rức nhìn ngoại.
-Ngoại, sao cháu không giống ai trong làng cả thế? Ai cũng ghét con thế cơ chứ?
-Sao lại không giống? - Bà nhẹ nhàng hỏi nó.
-Cháu không giống ngoại, không giống mẹ cũng chẳng giống bố. Tóc cháu sao lại màu nâu chứ không phải đen? Sao mắt cháu nó phải sáng màu lam chứ không phải màu đen? Tại…
Bà Trà đưa tay chặn hai môi tách hờ, nụ cười ấy vẫn hiền từ và điềm nhiên như thể mọi sự việc sẽ chẳng phải lo lắng.
-Sao cháu phải già như ngoại, sao cháu phải như mẹ hay giống bố. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi người lại là một màu sắc khác chứ việc gì phải giống ai. Tóc nâu dưới ánh hoàng hôn lúc nào chả đẹp, đôi mắt rực rỡ ấy sẽ tinh khôi hơn trong ban mai. Tất cả đều đẹp.
Nó khóc to hơn, hai tay bậu vào cánh áo ngoại.
-Không… không phải… - Nó lắc đầu - Bọn nó bảo cháu không giống mẹ thì không phải con mẹ, cháu không có bố… không có…
-Nói láo. - Giọng bà nghiêm hơn - Cháu có bố, bố cháu vẫn chờ ngày về thăm cháu đấy thôi. Chỉ là không được nói bố cháu đi lính, sau này cháu sẽ tự hào về bố nhiều hơn, hơn nữa. Nhưng phải giữ mật, người làng chẳng ai biết đâu, bố cháu đang làm chuyện lớn cho dân ta.
Tiếng bà nhỏ dần về ban đầu, bà bảo nó lên chõng nằm để bà quạt cho ăn rồi ngủ, chứ trưa mà không ngủ thì chiều làm ăn thế nào. Bà ngồi ngoài lấy mo cau quạt, Một cùng bà ăn xong thì nó lăn ra ngủ. Dẫu Một hiểu chuyện tới đâu thì nó vẫn có phần tâm hồn là con trẻ, cũng có cái khao khát được quan tâm và chú ý như bao đứa trẻ cùng lứa, đứa bé nghe lời ấy khốn khó gấp vạn lần những đứa trẻ khác đồng lứa.
“Nó vốn là đứa nhanh vào giấc.” Bà mừng thầm.
Quạt mo bà đặt bên chõng, tay móc vội mấy trinh trong sọt lá vừa bán sáng nay, tỉ mẩn đếm từng xíu một. Đủ hai mươi lăm trinh, bốn xu. Bà bỏ vào túi vải buộc ngang lưng, khẽ lách cửa rời nhà. Men theo con đường làng cong queo dẫn dài sang tít bên kia vách tường cao.
Ra là tới nhà ông lý Thọ. Bước vào hiên nhà ông lát gạch đỏ, đi mới sướng chân làm sao. Mợ ba nhà ông nằm vắt vẻo trên sập cao, môi ả cong cớn nhai trầu nhóp nhép, cứ lúc lúc lại nhè bã thay trầu. Bà Trà khom lưng vái chào:
-Con lạy bà, con sang thưa chuyện.
Nhìn người đàn bà lôi thôi trước mặt còn đang cung kính, ả nhếch môi mở tiếng chanh chua:
-Bà còn biết mặt mò sang đây đấy à? Hẳn là cũng biết chuyện rồi.
-Thưa bà, con cũng đã biết. - Bà lui tới chỗ ả, vừa nói vừa dúi tay túi tiền. - Cũng đã bàng hoàng một phen. Nay con qua đây phần xin bà lượng thứ.
-Bao lượng đây? - Ả chẳng buồn nhìn túi tiền.
-Thưa, nhà con khốn khó, chẳng có bao đồng. Thưa chỉ vài trinh với ít xu…
Chưa dứt câu, cô ả hất tay đẩy bà Trà ngã lăn xuống bậc thềm, nằm sõng soài. Đầu bà choáng váng, cái thềm gạch làm tay bà xước, tím cả ra, chẳng kẻ nào tội cho người đàn bà lớn tuổi ấy. Ả giận đùng đùng, thét tiếng lửa gọi đám giai nhân khỏe mạnh lên. Chúng nó hai ba tên trẻ người lực lưỡng; kẻ xách áo bà, kẻ lại nắm bắp tay bà lôi lên; chúng đột ngột đẩy bà ngã lần nữa.
-Đánh nó cho tao! - Ả phỉ miếng trầu.
Đám máy cày nghe chủ răm rắp, xúm tụm, kẻ đạp người đánh, khi có đứa tát bà rồi dẫm lên thân. Kẻ hèn đánh dân nghèo. Cảnh sắc mà ả đàn bà độc địa kia thích thú ngắm nghía, hào khởi nghe tiếng van lạy từ kẻ bề dưới.
-Con lạy bà. Bà thương chúng con… Con lạy bà…
Ả ung dung ngồi thẳng lưng, rung bắp đùi trắng nõn, tự hào khoe, bày cho đám người xem cách ả leo lên vị trí mợ ba cao ngất này. Ả lấy lão lí già khụ kia nguyên do nhà lão có hai bà vợ hiền như bột, dễ dàng để ả chui vào để đẩy hết mấy cái vị trí của các bà vợ khác, phần nữa để dọn đường cho con cái sau này. Mợ ba đắc ý bởi bản chất ả che được thân thế quá khứ làm “gái bán hoa” và chễm chệ có được chức “mợ ba”.
Nhìn vào túi tiền có vài trinh gộp vào còn chả nổi ba xu, ánh nhìn chứa chan thương hại, trong lúc ấy ả cứ nhớ về thời gian chính mình bị chèn ép mà ghê tởm và cách duy nhất để lòng ả bớt ghê là xâu xé lại đám dân nghèo - thân phận đã đẻ ả trên cõi đời này. Phải chửi rủa, phải đánh thì chúng mới khôn để bớt đẻ lũ con bần hèn, thế mới hết khổ.
Mợ ba vung túi tiền làm đồng trinh bay cao rồi rơi leng keng trên nền. Nghe hả hê làm sao! Tiếng tiền rơi mới đã tai làm sao!
Bà Trà tiếc đống tiền ấy, là mồ hôi đổ lên cả, thân già nhỏ bé cố chui len khỏi đám thanh niên song vẫn bị đá đạp mấy lần lên đùi. Tay bà vun vén chỗ tiền rơi tứ tung. Ả ngồi trên đưa tay thôi đánh. Biết ý ả, bà vội lụm tiền cúi rạp người van:
-Đội ơn bà… đội ơn bà ba nhân hiền…
-Bà mà còn để con cháu hoang kia sán lại chỗ con nhà tao… thì tao đem mày ra xé xác, nóc xương nạo thịt,... mày trốn thì tao lôi con cháu mày ra cắt tiết chúng nó… Nghe hiểu không? - Ả nở nụ cười, mỗi lần nổi quạu đều cười trang nhã.
-Vâng… vâng.. con đội ơn bà tha chết…
Người phụ nữ bị đuổi khỏi nhà lão lý, dẫu vậy miệng bà vẫn liên hồi “lạy bà” này, “vái ông” kia suốt quãng đường rời khỏi “khu địa chủ” và trở về đường làng bà mới thôi.
Đường nó dài, người qua lại cũng nhiều, hỏi thăm bà cũng có kha khá người, ấy mà bà chẳng hé miệng câu nào. Mắt bà cứ chăm chú nhìn đường, nhìn xuống đường, kéo đến lúc về tới hiên. Hiên nhà vắng tanh, cửa đóng thin thít.
“Chắc Một đi làm rồi! Cũng tốt.”
Mang túi tiền vào bếp, bà bê ra chậu nước rồi khép kín cửa bếp.
-Tao đếch cần thứ tiền bố thí của nhà mày… bà đây sống cả chục nồi bánh… đếch cần mấy đồng mày ném… - Miệng bà mắng chửi lũ địa chủ, tay bà cầm từng đồng nhỏ ném mạnh xuống mặt nước.
Đồng xu, đồng trinh bị bà ném khiến nước thành chậu văng tung tóe, ném sao cho nước bắn thành vũng thấm đen mặt đất thì thôi. Điều gì ban nãy bà kìm nén, bà trả hết cho nước. Bà rủa quân mất dạy dám lấy quyền đè người khác.
-Chết bỏ mẹ chúng mày đi, quân áp bức dân nghèo… rủa cho chúng bay chết cả tông cả tổ, chết hết mới nhớ đời.. Thứ nhân cách rẻ rách chúng bây…
Bà lôi lộn hết tổng tông nhà lão lý, nhà mấy mụ vợ của lão rồi cả đám địa chủ làng bên, bà rủa chúng chết quách hết cho đời nó sạch. Miệng bà thâm độc, nói lời nào là như muốn ăn tươi nốt sống “đám chúng nó” cho bõ tức.
Chẳng biết đâu, suốt gần ba chục phút bà phát tiết trong bếp thì con Một đã đi chợ về. Nó không tiếng chào bà, lặng im nghe từng lời từng chữ bà nó giấu tận kín dưới sâu thẳm, dựa tường mà nghe những điều bà nó chưa bao giờ nói trước mặt nó hay bất cứ người làng nào. Lần đầu nó biết bà nó phải chịu nén những điều kinh khủng trải dài trên cuộc đời bà, lần đầu tiên nó nghe tiếng bà ngoại khóc vì tủi. Một nghe hết thảy điều ngoại nó muốn, ước ao, phải gào lên cho ông trời biết.
Bà Trà rời căn bếp, vẫn chưa thấy Một đâu, bà tự hỏi:
-Nó đi đâu mà giờ chưa về? Hay đi kiếm, chứ trời về chạng vạng đến nơi rồi.
Đang toan quay đi tìm cháu, cậu Nhuần đột ngột lao vào nhà bà, chặn đứng đường bà đi. Cậu trông vẻ hoảng lắm, mà nhiều hơn là có nét mừng mừng, cậu bám vai bà mừng nhẹ:
-Có cậu lính từ đâu về làng mình đấy chị, hệt thằng rể nhà chị ấy. Chị ra trông kẻo cu nó đi mất, thì tiếc đứt ruột. Ra đi.
Từ ngạc nhiên, tinh thần bà bỗng nâng lên mấy bậc. Ôi thằng cu rể nhà bà đang về kìa! Nó về thăm con à? Thế mà không báo bà biết nhỉ. Tay chân bà luống cuống ném túi tiền ướt lên chõng.
-Thật không cậu Nhuần? Con tôi về thật à? Phải tin cải không đấy?... Nó đi biệt xứ bao năm mà giờ về nhanh thế sao?... - Lòng người mẹ cứ nao nức cả lên, mấy năm trời thằng cu rể “lười” tới độ chả viết thư gửi mẹ, vợ nó.
-Biết sao được, chị. Giờ mình ra đình ngồi chờ cu cậu tới thì biết ngay. Nào chị em ta cùng ra đón nó. - Ông kéo tay bà, giục giã bà nhanh đi.
Thế là nhà bà lại vắng người, lại lặng thinh cái nhà nghèo xơ xác ấy.
Đêm xuống, Một lúc này mới về nhà, ban nãy lúc ngoại còn dưới bếp nó đã lén để rau bên thềm rồi chạy sang nhà ông Nhuần chơi với thằng Ba Đọt, mới chơi ô ăn quan có mấy hồi mà bà đã đâu mất. Con bé chạy vòng vòng từ nhà đến bếp kiếm xem có gì ăn chưa.
-Bà chưa ăn mà đã đâu mất rồi?
Nó xuống bếp thấy chậu nước được đặt ngay ngắn: “À, cái chậu khi nãy.”
-Nãy đi chẳng mang gì ăn, giờ lại đói. - Nhìn cái bụng reo như múa trống, nó nảy ra cái ý tìm đồ bà cất ở cái sọt góc bếp. Cái sọt ở đó lâu năm chẳng mấy khi bà sờ tới, không hiểu sao nó nghĩ tới ngay lúc đói, hay đói quá mất khôn?
Con bé đến chỗ cái sọt nát mở mẹt đậy đặt sang bên, trong sọt chẳng có gì đặc sắc ngoài mấy gói lá chuối đựng đủ thứ giống, bà vun để vụ sau cấy và mấy tờ báo bà nhặt để bọc chỗ dao bé xíu, tầm hơn ba đốt tay một chút. Một nhìn phát nản, chẳng có mấy món đồ “có giá trị” đối với nó.
Lấp ló dưới chỗ đồ bà cất có một bọc to tướng, nhìn trông kĩ lắm, tò mò nên nó thò tay dọn chỗ đồ thừa sang. Nhấc cái bọc ấy ra, hóa ra cũng chẳng nặng mấy, vài lạng. Một lần mò chỗ nút thắt, loay hoay mãi mới cởi được. Bên trong cất kỹ từng mẩu thư cũ nhàu, nhiều chỗ vẩn đục nhưng vẫn đọc được thành chữ. Nó dở từng tờ đã cũ mang chõng đọc. Ánh trăng thấp thoáng rọi lên từng trang giấy.
Người làng tụ tập nhau ngoài đình nhiều ghê cơ. Ai cũng nháo nhào hỏi nhau, người tới sau hỏi người tới trước, người tới trước hỏi người đứng đó sẵn, họ hỏi xem ai tới làng mà rôm ghê.
-Ai đấy? Tự nhiên nay ai cũng chạy ra đình thế là sao? - Lão Năm vồ áo ông Cù.
-Hừ.. nghe mấy cô đầu làng bảo anh này hình như là rể bà Trà. Chắc làm ăn ở đâu xa nhà, lần này về phải nhắc khéo cu cậu ở lâu với mẹ mới được.
-Ừ đấy, phải ở lâu chứ không mấy đứa kia lại trêu con Một không cha. - Bà Kim ngoảnh đầu góp vui.
Họ bàn tán trông vui nhường nào, bà Trà thểu thức nhường ấy. Sao bà vẻ sầu thấu ruột thế kia? Người mẹ nom sáu chục ngồi thất thểu bên cột đình nhìn mọi người tới lui hỏi han cậu lính áo dân kia, ánh nhìn bà hướng tít tận trời cao, người ra vào mỗi lúc nhiều hơn nên bà bỏ vào gốc đa ngồi, tránh cho ai thấy bà đang buồn.
-Thôi chị à, đừng buồn làm gì, mình ra cùng làng đón anh chàng chút. - Ông Nhuần đến ngồi bên.
Mắt nhòe hết rồi, chả thấy gì, bà đưa tay dụi dụi mắt nhìn cho rõ.
-Nói bằng thừa. Vui thì lát tôi sẽ vui nhưng giờ để tôi sầu cái chứ. - Người phụ nữ ấy nở nụ cười.
-Thế để em sầu chung, một phần có cả em nói sai mà. Thương thật!
-Tôi hay thằng bé nhà tôi?
Ông chần chừ song lại buông lơi.
-Thương tôi làm gì, nghĩa nên tôi để vậy. Cậu kia ấy mà là đồng đội với thằng nhà tôi, nay được phép thăm nhà với đôi lời về xin làng ít gạo cho quân. Họ tính thủ ở đây để đánh đồn bọn Pháp.
-Thế thằng con chị chắc cũng ở gần đây chứ? Sao không kêu nó về thăm chị?
Bà cười nữa, cười tiếp rồi nói:
-Thằng cu rể nằm lì ở Đồng Xuân chẳng buồn về. Cái chóe cậu kia mang về trống không kia kìa.
Nghe bà nói mà mắt ông đã hơi rớm, bàng hoàng đấy, lão cứ thương người chị một nắng hai sương này, thương ngay từ lúc bả lấy chồng tới giờ. Lão sót thay lòng bà; mất chồng, mất con (cả ruột lẫn rể), thân côi nuôi cháu; tại bà không muốn thể hiện chứ bả thực ra cũng khổ tâm lắm đấy thôi.
Dưới tán nhãn cuối thôn, cây lớn từ bao giờ sao chẳng người để tâm, lẻ bóng cái Một ngồi bó gối nhìn sao nhìn trời. Giữa bãi cỏ bạt ngàn - ý tưởng tượng của nó - nhìn mãi một hướng xa vời vợi, nó nhớ về những gì nó vừa đọc trộm.
“Giá mà mình không đọc thì phải hơn không.”
Hóa ra chỗ giấy nó thấy là thư bố mẹ nó gửi thầm cho nhau, tất thảy đều được bà Trà tìm lại được và cất kĩ tới lúc này, nó cầm ra đọc hết. Không dừng ở đó, bên trong còn có từng mảnh vải nhàu nhĩ được bà thêu tỉ mẩn từng dòng từng chữ thẳng thớm, ấy là “sử” của ngoại nó. Bởi không có giấy nên ngoại nó phải thêu chữ, không quá tỉ mẩn như mấy cô hàng vải nhưng vẫn đọc được, từng lớp được xếp gọn theo ngày tháng. mảnh vải ấy trải từ mấy tháng trước ngày cưới bố mẹ.
Ở đó bà tiết lộ rằng thật sự Một không phải con bố nó: “Cái thai là con thằng Tây cưỡng bức Duyên, sự việc xảy ra lúc Duyên còn ở Hà Thành bán hoa đào, con tôi nó sợ nhục nhã với làng nên giấu chuyện kín, tôi biết khi cái thai ấy vào tròn ba tháng. Nhìn bụng con nó phồng to, không giấu qua mắt tôi, con kể với tôi cơ sự.
Cả đêm nó ngồi khóc, nước mắt chảy tới đỏ hai mắt, cả đêm tôi dỗ an con:
-Chuyện tới vậy thì tạm bợ cưới thằng Tám kia cũng không sao, u đồng ý cho con cưới thằng bé.
-Tạm bợ… thế thì sao được u, Tám nó cũng là đàn ông, thế làm sao nó chịu được cảnh “nuôi con tu hú” như này. Nó biết, làng biết, nhục nhã lắm u! - Con bé khóc to hơn.
-Thế để u sang nói chuyện với nó. Chứ biết làm sao, đẻ con ra không cha thì tội đứa bé… thương thân mấy đứa thiếu hơi cha con à…
-Không… không.. u… đừng làm vậy, Tám… cũng tội nó mà u.. thà con đẻ không chồng còn hơn nhục mặt cưới chồng.. làm thế không ra lẽ người… - Duyên dằn vặt, cổ tay tự siết đỏ au.
Tôi im lặng nhìn nó khóc, bất lực, giờ nên nghe ý nó hay theo ý mình? Đầu tôi cứ ong ong cái vụ đó suốt đêm, cả đêm thức trắng.
Sau ngày hôm đó Duyên rất kín tiếng, chỉ ngồi nhà đan lát, đan mấy cái rổ, rá rồi nón… Thằng Tám qua rủ con lên huyện cũng bị đuổi thẳng về, chẳng ai tới hỏi han con như trước, chắc họ nghĩ con nó kiêu không gặp họ nữa chứ còn gì. Sáng con ngồi đan, nấu cơm nấu nước, tối về lại âm ỉ khóc.
Cớ sao lại bắt con tôi khổ?
Chẳng biết xử sao, tôi chỉ còn hơi khuyên con nghỉ ngơi hoặc không ngồi giãi bày. Mấy tuần tới, con chán ăn hẳn, nôn suốt, nhìn thương. Một mình con chịu nỗi vất vả khi lên cương vị mới. Không người bầu bạn.
Con không ra ngoài. Tôi chỉ còn cách chạy lén sang nhà Tám, thằng mồ côi cha mẹ trong xóm, kể nó nghe hoàn cảnh con rồi xin nó đừng cho ai biết, nhờ thằng nhỏ làm gì đó “cứu sống” con.
Chứ để mẹ thấy con khổ làm mẹ khốn theo.
Chúng nó không nói trực tiếp. Tôi biết, biết tuốt. Chúng giấu nhẹ việc gửi thư cho nhau, chúng dùng khoảng giấy báo còn trắng viết vào rồi trao nhau, mấy bức đầu tôi không thấy nên chẳng có, chỉ còn được vài ba bước cuối:
‘Duyên, thời sau dẫu sao cũng khốn, ta cùng vun vén cả mấy mươi năm rồi, có khi cả chục, sao Duyên không để tớ về chung bên hiên, ở chung một mái?’
‘Tớ cũng muốn. U tớ cho rồi. Nhưng tại cả cái thai ấy đó thôi. Tớ chẳng muốn ai phải sống cả đời “nuôi con tu hú” đâu, cậu phải hiểu cho tớ.’
‘Chả sao, tớ không cha không mẹ, bị nói nó tổn thương lắm. Mỗi lần nhìn vào vách tớ lại ước có một mái nhà, ước nếu tớ làm con u Trà sẽ ra sao, rồi ước được bên Duyên mãi. Chết tớ cũng vẫn mơ.’
‘Buồn lắm! Làng mà biết thì nhục nhã. Nhục quá, lắm lúc muốn thôi sống…’
‘Ca dao ta có câu: “Bầu ơi, thương lấy bí cùng” dẫu rằng khác giống nhưng chung một nhà, đứa nhỏ kia cũng giống vậy mà thôi, đều là con người như nhau cả, đều phải sống và xứng đáng được sống. Nhiều người lúc chết rồi mới kịp tiếc thời gian sống. Sao không cho con nó sống, sống thì sống ấm no đủ cha đủ mẹ chứ sao lại hại chết hai mệng.’
‘Viết luyên thuyên, viết sai còn lan man, viết thế gái nào mà ưng.’
‘Thế ai kia? Ai đang nhìn chữ tôi đấy kia? Gái nào lại nhìn tôi viết thế kia?’
…
Tất cả chỉ còn là sau đó. Thằng Tám giờ là rể nhà tôi (dù chưa cưới hỏi gì). Mừng sắp rớt nước mắt. Con cũng cởi mở hơn, đỡ khép mình đi hẳn. Con bàn với tôi, nó sẽ nói cho một vài người thân thiết với nó về cái thai để tiện mời họ cùng dự đám cưới chúng nó. Có mấy cô chú thân quanh nhà, mấy nhỏ bạn của con và cả Nhuần - em trai tôi.
Tôi, chúng nó và khách mời chia nhau mua ít vải vóc đem ra trang hoàng nhà cửa. Không ồn ào, không tưng bừng nhưng đầy đủ tình thương của “hai bên” thông gia. Ấy vẫn đủ để gọi là đám cưới.
Duyên Tám không dọn ra ở riêng mà sống luôn cùng tôi, ba người… đâu, bốn chứ… Một gia đình ấm cúng mỗi lúc đêm buông, tràn tiếng cười mỗi dịp rằm, tươi vui mỗi khi mệt nhọc,... Chúng tôi vẫn luôn bên nhau.
Cho đến bữa nọ, cu rể nhà tôi về với nét phấn khởi, nó cầm tay mảnh vải nhỏ nhuộm đỏ, liếc qua thì hình như có hình sao màu vàng. Trong bữa cơm nó khăng khăng cầm tấm vải, trải rộng cho mẹ con tôi cùng xem. Sao vàng hơi béo nhỉ!
-Mẹ, Duyên, con quyết định sẽ đi lính.
Cái quyết định đột ngột của nó làm mẹ con tôi sững sờ, nó nói hồn nhiên lắm, mà cũng ước mơ lắm, miệng nó cười mãi suốt buổi chia tay. Tám dặn trước ở nhà:
-Con đi lính là vì tổ quốc mẹ ạ. Mình đi cũng là vì nhà vì con vợ à. Nên cả hai đừng lo lắng nhé! Phải thật vui, phải quyết tâm để con đi thì con mới làm nên chuyện. - Tám nhìn vợ nó. - Nuôi con chờ ngày anh về.
Thế là nó đi. Biền biệt mấy năm. Con với tôi ở nhà nuôi cháu. Cái ngày cháu được sinh ra; cháu bé xíu, nước da hồng hào, hai má phúng phính như con Duyên hồi bé; con lấy tên cháu là Một.
Tội cái, cháu sinh trong cái năm đói kém, con với tôi thay phiên làm ruộng, làm rau nuôi ba miệng ăn. Biết sao cái năm khổ ải. Con nó lao lực, phần ăn dành cả cho tôi với cháu, nó cứ giấu tôi làm thêm đủ điều.
… Tại vậy… con Duyên chẳng kịp nhìn mặt chồng nó, chẳng kịp nhìn con nó hay chính tôi ngay phút cuối cuộc đời… Nó đói quá nên đi rồi! Nó ngủ dưới tán lá cây nhãn.
Giờ Tám về thì biết nói sao? Biết ăn nói làm sao với nó? Mẹ già thân côi này há chỉ còn phương nuôi con chúng nó lớn…”
Vậy là hết, chấm hết cái nghi ngờ danh tính cái Một, quả thực nó không phải con bố.
Một ôm bọc vải vào người, lăn dài trên bãi cỏ, khóc… Khóc to tướng… Khóc tới mệt lả thì vào giấc.
Cái đêm mơ màng giữa hàng sao sáng rực, tâm trí con bé bay miên man trên trời cao, bay thật cao nhìn cả làng nó, ngắm toàn cảnh nơi nó sống. Một bay tiếp cùng cánh chim, mùi cỏ cháy phảng phất, tỏa ánh vàng.
“Nhà nào đốt cỏ nhỉ? Lấy rơm à?”
Nó cười tươi, như bông nhãn nở chúm chím trên cây, nhìn thế gian có cha có mẹ vẫy gọi con bé. Bay tít tới nơi mẹ nó nằm ngủ, mẹ thấy nó thì vui vẻ:
-Sao con ở đây?
-Con lên với mẹ! - Nó sà vào lòng mẹ, cẩn thận cảm nhận xúc giác ấm áp của mẹ.
-Đừng con, đừng lên với mẹ nữa con. Về đi, bà đang chờ con mà! Lỡ đâu sao bỏ lại bà thế con? - Mẹ xoa đầu hỏi nó.
-Nhưng…
-Thôi đừng đến, bà con cần con hơn… chỉ cần nhìn con với bà sống yên ả… là thỏa lòng mong nhớ rồi… - Nó thấy mẹ nó rơm rớm nước mắt.
-Thế bố? Mẹ không nhớ bố à?
-Có… nhiều lắm… nhưng giờ không sao cả rồi…
Dứt câu mẹ liền đẩy Một lùi xuống tầng mây, nó khóc nấc, tay vươn ra cố nắm áo mẹ… nhưng rồi cũng vụt mất… Con bé rơi xuống, đáp nhẹ lên thảm cỏ…
Nó choàng tỉnh, tỉnh khỏi giấc. Nhìn về phía làng, nó quyết sống, chấp nhận làm cái danh phận thật của bản thân. Nó sẽ dũng cảm nhìn thẳng vào mặt đám bảo nó không bố. Bàn chân nhỏ chạy trên đường dẫn về làng. Sống tiếp phần làm người.
Màu than trải dài trên dãy nhà liền kề, đen xì cả mảng, mùi cỏ mùi thịt lẫn lộn. Đứa con gái hoảng hồn kiếm nhà, kiếm bà, kiếm người làng. Họ đâu cả rồi? Họ đi đâu cả rồi? Tâm trạng Một sụp đổ, hy vọng sẽ còn ai đó… còn ai đó sẽ đứng chờ nó… một người thôi cũng được… Tuyệt vọng… chết cả thảy… Lay lắt sự sống cũng chẳng còn…
Xác người la liệt kéo vào tận hiên nhà nó. Tất thảy người làng bị rụi trong lửa đêm qua… Một phen kinh hoàng.. nó chạy vào hiên nhà…
Ôi! ôi… ôi! ngoại nó… tấm thân ngoại nó… ôi!...
Bình luận
Ngủ ngoan