Đứa con gái duy nhất trong làng được đi học chắc chắn chỉ có tôi. Từ bé, áng tôi đã biết việc học quan trọng như thế nào, một nét một chữ cũng phải biết nên khi vừa đến tuổi đi học, áng đã dẫn tôi đến nhà thầy Mo xin thầy dạy.
Trái với các gia đình có con gái sẽ được học thêu thùa, may vá thì áng nhà tôi bắt tôi đi học cùng một đám con trai trong làng. Một mình thân là con gái, nổi bật ngồi giữa đám con trai, ít nhiều ánh mắt săm soi con gái nhà Phú Lê nhưng tôi mặc kệ.
Nhớ ngày đầu tiên đến lớp, tôi bận áo dài màu đỏ như mào gà, tóc vấn gọn gàng nhờ nạ và đeo chiếc túi vải chéo màu nâu đến nhận lớp. Khi ánh mắt của đám con trai vắt mũi chưa sạch nhìn tôi đánh giá, tự hỏi tại sao áng lại cho một đứa con gái như tôi đi học. Cả đám ngạc nhiên lắm, cái ngữ nghịch ngợm nổi tiếng nhất làng mà lại cho đi học, thấy làm lạ, cả đám bàn tán, túm lại nói chuyện. Thầy Mo khó nhận lời, nhìn tôi đăm chiêu nghĩ ngợi, lông mày cau lại rồi giãn ra, vuốt cụm râu dài một hồi mới gặt đầu đồng ý.
“Thầy cứ dạy nó như con trai, hư là đánh, không phải sợ, nó mà láo không nghe lời, thầy cứ bảo tôi.” Áng tôi còn căn dặn, tay bắt mặt mừng khi thầy Mo đồng ý.
“Thương cho roi cho vọt, thương phải biết nghĩa biết điều.” Tôi lẩm bẩm một mình, đứng khép vào một bên khi nghe áng tôi nói chuyện, câu nói mà áng hay nói với tôi mỗi khi thấy cảnh nghịch ngợm của tôi mỗi chiều.
Lần nào đi học, tôi cũng được xếp ngồi đầu, con gái mà, duy nhất trong đám, thầy Mo không phải vì tôi là con gái Phú Lê mà ưu tiên hơn người khác. Thầy vẫn phạt, vẫn trách mỗi khi tôi làm sai.
Nhưng tôi biết một điều, thầy Mo thương tôi nhất, cả đám ngồi học thầy hay khen tôi là đứa lanh lợi, thông minh mà thầy từng dạy học ở làng Mỗ này. Vì thế sau này, không phải tự nhiên mà tôi phổng mũi, ưỡn ngực tự hào về học vấn của mình, chỉ có điều nét chữ tôi xấu, mỗi lần luyện viết thầy toàn đánh vào tai, miệng thì chê mà cái đầu thì lắc.
“Chữ xấu quá, về luyện thêm đi con!”
Dù tôi có dạ vâng gật đầu như con lật đật thì tôi cũng lười biếng khoản viết chữ, ngày nào cũng chỉ lôi sách ra học, mực mài rồi lại để khô, giấy trắng thì xếp thành một chấp dày bằng hai đốt ngón tay.
Thầy Mo có lần ngoại lệ véo tai tôi vì tội lười biếng, suốt ngày chỉ đọc chứ không có viết, đó là lần mà tôi thực sự biết sợ và nghe lời.
“Thầy ơi, đau, đau quá, em biết lỗi rồi!” Tôi nhăn bên mặt tai bị véo, nghiêng về một phía, miệng không ngừng kêu đau.
“Biết lỗi rồi mà vẫn không luyện chữ cải thiện sao?” Thầy Mo nghiêm khắc phê bình, dùng thước gỗ chỉ vào tờ giấy tôi viết, “Càng là người có học thì càng phải cẩn thận, nét chữ nết người, viết lại năm mươi lần dòng này cho thầy.”
Thầy Mo không có ý buông tay, còn cố tình véo mạnh thêm chút nữa như ngầm nhắc nhở.
“Nói được, làm được, về chép phạt đủ thì mai mới được tới lớp học. Không thì nghỉ học đi, thầy không có học như em.”
Thầy Mo buông tay, tôi xoa nhẹ vào chiếc tai đỏ ửng, gật gù như chim gõ kiến, miệng mếu máo. Lần này bị thầy véo tai đau quá, còn bị đánh nhẹ vào tay, thầy chắc muốn đuổi tôi ra khỏi lớp lắm rồi.
“Thầy ơi, em sẽ về chép phạt, thầy đừng cấm em học.” Tôi ngồi quỳ hẳn xuống đất, không thèm ngồi trên ghế nói chuyện với thầy nữa, thầy nói là làm, tôi sợ bị đuổi về lắm. Hai tay nắm chặt vào vạt áo trước, đầu cúi hẳn xuống vì việc mình làm, suýt chút nữa là tôi khóc rồi.
“Về chép cho đủ, gái hay trai đến đây học đều như nhau, không hoàn thành bài được giao thì ngày mai khỏi đến đây học. Chúng ta tiếp tục.”
Lông mày nhướng lên cao, ngữ điệu giọng nói trầm và đanh lại, thầy cầm chiếc thước lớn gõ vào mặt bảng, tôi biết lần này thầy Mo giận rồi, nếu tái phạm chắc chắn ngày mai tôi sẽ bị đuổi từ ngoài cổng.
Về đến nhà, áng nạ cũng biết chuyện, áng đã cầm sẵn roi mây chuẩn bị đánh tôi.
“Nhã, thầy đã dặn con phải học đến nơi đến chốn, cho con đi học không phải để con đùa nghịch, mà cho con cơ hội được tiếp xúc với nền tri thức, nền giáo dục, trở thành người có ích sau này cho đất nước.”
Áng tôi lên tiếng, tôi chỉ biết quỳ gối dưới nền đất lạnh nghe, không dám ngóc đầu lên, môi mím chặt sợ hãi, đến tai nhà tôi thì thầy Mo chắc cũng không chịu nhận tôi làm trò nữa rồi.
“Thầy Mo gửi cho thầy tâm thư dài như sớ, đọc đến đâu mà máu gan sôi đến đấy, con có muốn đi học nữa không? Hay thầy cho con ở nhà khâu vá.”
“Thầy ơi, con không muốn khâu vá.” Tôi đáp lại ngay lập tức, ngước lên nhìn, ánh mắt long lanh cầu xin áng, tôi ghét nhất khâu vá, tôi không có hoa tay, chẳng có tí năng khiếu thêu thùa, bây giờ ở nhà chỉ có bốn bức tường và đống vải, tôi nghĩ tôi sẽ chết vì chán mất.
“Con sẽ học đàng hoàng, con sẽ luyện chữ, con sẽ làm những gì thầy Mo dặn.” Tôi dùng đầu gối đi đến chỗ áng, ôm chân, giọng van nài, “Con hứa, con hứa học đàng hoàng.”
“Có thật là học đàng hoàng không?”
“Con học thật, con sẽ chép phạt như thầy nói.”
Tôi gần như khóc khi nghe đến hai chữ ‘nghỉ học’, tôi còn chưa đọc hết quyển sách thầy dạy, tôi còn chưa qua được bài thầy kiểm tra, tôi không thể nghỉ.
“Thầy Mo đã nói rồi, lười lần này thì nghỉ học, không nhận con nữa.” Áng tôi đưa cho tôi tờ giấy chi chít chữ, nét mực đều cùng dòng chữ ngay ngắn, chữ thầy Mo, “Nhìn cho kĩ những dòng cuối, đọc kĩ đi không thì lại nghĩ thầy lừa con.”
“Dạ.”
Bình luận
Chưa có bình luận