Chương 2: Đòi lại gạo


Mấy trò dọa nát đám nghịch hư ở làng tôi đã quen cách trị. Sáng sớm tinh mơ, khi tiếng gà còn chưa gáy, mặt trời còn lấp ló sau rặng núi và tia nắng đầu tiên chiếu vào sân nhà. Tôi đã tỉnh dậy cùng con Lan chuẩn bị đi tìm bọn làm thuê bên nhà ông Bản. 

“Mợ làm thế này chết con, con sợ bị ông bà biết lắm!” Con bé Lan đi đằng sau khép nép, giọng nói run rẩy, đôi tay bé rám nắng bám chặt vào mép áo dưới

Tôi quay lại nhìn, đứng hiên ngang trước mặt nó và dõng dạc tuyên bố. 

“Ta chịu trận hộ mày, mày lo gì, nếu như áng nạ ở nhà có cầm vọt ra đánh thì tao sẽ chắn cho mày.” 

“Nhưng con vẫn sợ.” Con bé nghe xong vẫn còn run, đôi môi mím chặt hướng xuống dưới, đôi mắt nâu to tròn nhìn. 

“Kệ mày, đi theo sau ta quan sát là được, thằng Vệ đang ở đâu rồi?” 

“Nó bên bển rồi, chạy sang bên nhà ông Bản thám thính trước cho mợ đấy ạ.” 

Tôi cười đắc trí, thằng Vệ ngoan, làm đúng ý tôi, nó không như con Lan, bảo gì làm nấy dù biết có phải chịu trận cùng. Thằng Vệ theo tôi trước con Lan, nó được áng mang về nuôi vì không có nhà, cho làm cho ăn đến tận bây giờ, ở nhà tôi chỉ có một mình, thi thoảng tôi hay lôi nó đi nghịch cùng hoặc bắt nạt chơi. 

Sương mù đã tan bớt trên con đường đất đỏ, cái lạnh buổi sáng từ sương đã vơi dần đi, tôi có thể nhìn rõ phía bên kia làng Mỗ, mái ngói san sát nhau, dưới ánh nắng chiếu vào toát lên màu đỏ đã phai màu vì năm tháng, vài nhà đốt rơm rạ nấu ăn, khói bốc lên nghi ngút. 

“Mợ ơi, hình như con thấy thằng Vệ thì phải?” Con Lan nhanh nhạy, nhìn đằng trước báo cho tôi biết. 

Tôi nhìn theo hướng con Lan chỉ, mắt nheo lại, đi ngược hướng sáng khiến tôi khó quan sát, sao con Lan nhìn rõ như vậy? 

Cách một cái ao làng, thằng Vệ đang cầm lá chuối làm lớp ngụy trang, nó đứng sau bụi cỏ cao ngang bụng nó, vẫy tay tôi. 

“Ta nhìn thấy rồi, đi nhanh lên.” 

Tôi kéo con Lan chạy theo cùng, bước chân ngày càng nhanh và dài hơn, mặc kệ con Lan mặt mũi nhăn nhó đằng sau đang bị tôi lôi đi ép buộc. 

Thằng Vệ đón tôi ngay đầu đường rẽ vào cạnh bờ ao, trên tay vẫn cầm tàu lá chuối lúc nãy, giọng nói nhỏ vừa đủ cả ba nghe thấy. 

“Mợ ơi, vừa nãy mấy thằng làm thuê cho nhà ông Bản kéo một xe bò đi qua đây, con có thấy mấy bao gạo giống nhà mình.” 

“Mày có nhìn thấy hình con thoi đỏ ở bao gạo không?” Tôi cần sự chắc chắn, áng nhà tôi được gọi ngày xưa là Phú Lê, Phú trong phú quý tiền tài, áng ngày xưa từng bị bỏng ở bắp chân, hình con thoi nên áng lấy đấy làm biểu tượng cho đồ dùng ở nhà. 

Thằng Vệ cố nhớ lại, nó nghiêng đầu, ngước mắt lên trời suy tư một lúc trước khi trả lời tôi, mắt nó sáng lên, giọng vang ngay giữa đầu làng đáp. 

“Con có thấy ạ. Hình con thoi đỏ ngay chính giữa bao tải.” 

“Đúng là nó rồi, thế thì đi thôi.” Tôi vui mừng khi nghe lời thằng Vệ nói, định kéo hai đứa theo thì thằng Vệ ngăn lại, người nó khép nép, mắt nó liếc dọc ngang nhìn xung quanh, đảm bảo không có người xung quanh rồi mới lên tiếng. 

“Mợ ơi, nhưng mà bọn lấy trộm gạo nhà mình là tụi nhà thằng Xưa, thằng Tí, thằng Sửu, ba anh em nhà này toàn bọn cao to, đánh con một cái là con bay lên trời, con sợ con không địch lại tụi nó.” 

Tôi dỏng tai lên nghe từng câu từ thằng Vệ nói, cau mày suy nghĩ một lúc. Mục đích của tôi đâu phải đánh nhau với đám con nít, tôi chỉ muốn dùng chiêu trò để lừa tụi này một phen và ép mấy đứa nó nói chỗ giấu gạo ở đâu. 

Tôi vỗ vai thằng Vệ, giọng chắc nịch đảm bảo. 

“Tụi nó không đánh mày đâu, ta lấy trời đất làm chứng, nếu có về nhà ta sẽ bị áng nạ đánh mười roi.” 

“Dạ, con không dám, mợ mà có chuyện gì thì ông bà cũng….” 

“Không sợ, ta không sợ thì hai đứa mi cũng không được sợ. Nghe rõ chưa.” 

“Dạ.” Con Lan nghe theo cũng cúi người lễ phép trả lời, mặt nó tái mét trước khi đi, môi nhợt nhạt và hai tay run cầm cập dù đông chưa gõ cửa. 

Tôi đi theo chỉ dẫn của thằng Vệ, cái chỗ giấu gạo lại là khu kho cũ nhà ông Bản, bên ngoài là hàng rào làm nứa già cắm sâu xuống và tạo thành khung thoi, gọt sắc phần đầu để tránh người lạ trèo vào. Nứa già để sát nhau, khoảng trống tạo ra bé chỉ bằng đứa trẻ 5 tuổi chui vào được. 

“Mợ ơi, có người.” Thằng Vệ ngó thử vào, nó nhìn thấy bọn thằng Sửu đang nằm trên sạp tre ngủ, chảy nước dãi và ngon lành. 

“Lạ nhỉ, tụi này không đi làm cho ông Bản hả?” Tôi thắc mắc, mặt trời đã lên cao, giờ này nhà ông Bản phải gọi người đi cày quốc ngoài ruộng rồi, thế mà bọn nó vẫn còn ở đây nằm ngủ. 

Tôi cầm hòn đá chọi vào, ném ngay gần sạp tạo tiếng động đánh thức tụi nó dậy. 

“Thằng nào mà ngủ suốt ngày, bà đây cho mày nhịn ăn trưa.” 

Thằng Tí giật mình, nó bật dậy nhìn quanh. Mũi nó khịt khịt như tắc mũi, thở phì phò đến thô lỗ, mồm nó há hốc, nước miếng khi ngủ chạy dọc từ miệng, nghe đến hai chữ ‘nhịn ăn’ mà nó sợ hãi, ngó dọc ngang tìm xem giọng nói phát ra từ đâu. 

Tôi đắc ý cười, nói vọng vào thêm lần nữa. 

“Trộm gạo nhà bà, bà biết bà đánh nhừ tử từng đứa, ngủ không yên giấc, ăn không yên bữa, tiền không trả đủ.” 

“Thằng Sửu, mày dậy đi.” Thằng Tí lay thằng Sửu dậy, mặt nó vẫn ngó nghiêng tìm nơi phát ra tiếng, “Mày dậy nhanh đi, bên ngoài có đứa trêu mình kìa.” 

“Mày để yên cho tao ngủ đi, ngày hôm qua vác gạo nhà ông Phú Lê mà tao đau khắp người, ngủ mới được lúc chớm bình minh, mày muốn bị ăn đánh à.” 

“Không, không có, tao nghe như có người trêu mình quanh đây nên tao mới gọi mày dậy.” Thằng Tí mặt sợ hãi, nó gọi cả thằng Xưa dậy cùng. Mặt thằng Xưa nghệt ra, nửa tỉnh nửa mơ vẫn chưa hiểu chuyện gì. 

Ba đứa nó tỉnh rồi, tôi lại nói vọng vào thêm lần nữa. 

“Thằng Tí, thằng Sửu, thằng Xưa, bọn mày dám ăn trộm gạo nhà bà?” 

“Mày ơi, con gái nhà ông Phú Lê kìa.” Thằng Tí sợ ra mặt, nó ngồi lùi lại về sau nhìn tôi. 

Thằng Vệ đứng bên cạnh, nó thò tay vào trong, chỉ về phía ba đứa nó rồi quát lên, tiếng nó vừa chua vừa khàn làm tôi giật mình. 

“Ba đứa nhà mày, ăn trộm gạo nhà ông Lê, bọn mày chán sống rồi à? Ra đây mở cửa nhanh lên, ba đứa mày!” 

Tôi đứng bên ngoài, khoanh tay nhìn, chân phải dẫm liên tục như muốn thúc giúc tụi nó, mặc dù vẻ mặt ba đứa nó không muốn nhưng vì sợ bị áng nhà tôi phát hiện vô lễ với con gái ông nên thằng Tí đã nhanh nhảu ra mở cửa cho tôi. 

“Dạ bẩm mợ, mợ đến đây làm gì vậy ạ?” 

Không cần nghe nó nói, tôi đẩy thằng Tí sang một bên, đi nhanh vào trong và đứng ưỡn ngực trước mặt thằng Xưa và Sửu dù nó cao hơn tôi hẳn một cái đầu. 

“Gạo tẻ nhà ta

Gạo nhà có được, 

Tụi mày to gan

Dám đi ăn trộm.” 

“Bẩm mợ, tụi con không dám. Làm theo ý của ông Bản không thì ông cho tụi con nhịn ăn, bọn con còn phải sống nữa ạ.” Thằng Xưa đan hai tay lại, nó cúi đầu trả lời tôi lễ phép. Còn thằng Sửu, mặt nó vênh lên, không sợ trời đất. 

“Thằng Sửu, ta về nghe nói mày với hai đứa vác gạo đến chớm bình minh, gạo nhà ta đâu. Mày giấu trong nhà đúng không?” 

“Bẩm mợ, tôi không dám, tôi làm gì dám lấy gạo nhà mợ, tôi mà dám lấy ông trời đánh chết tôi.” 

Thằng Sửu giọng kênh kiệu đáp lại, nó nghĩ đứa con gái như tôi không dám làm gì một tên đô con như nó sao? Tôi nhoẻn mỉm cười thân thiện, lấy trong túi quạt cầm tay phe phẩy, tiến lại gần nó, đá vào chân khiến nó kêu ‘oái’ tiếng lớn. 

“Ông Bản có thằng làm bát nháo, mỗi ngày chở đồ lại chôm một ít đồ ăn mang về cho mấy đứa em, không biết ông Bản mà biết thì nó có bị làm sao không đây?” 

“Úi, sao mợ lại biết?” Thằng Sửu lúc này mới sợ ra mặt, nó ôm cái chân đau mà nài nỉ tôi, “Mợ ơi, con biết lỗi rồi, mợ giấu hộ con chuyện này, nhà con, nhà con bốn miệng ăn, con làm thế cũng vì cả nhà.” 

“Biết thế từ trước thì có phải nói luôn giấu gạo nhà ta, ta tha ta cho ít gạo.” Tôi giả bộ tức giận, “Gạo nhà ta ở trong kia đúng không? Ông Bản sai tụi mày đi lấy?” 

Thằng Sửu gật đầu. 

“Chiều tối, khi tiếng chuông ở chùa vang lên, tụi mày chở gạo về nhà ta, lúc đấy ta sẽ cho chúng mày mỗi đứa một túi mang về, coi như trả công.” 

“Bọn con cũng muốn nhưng mà ông Bản mà biết thì tụi con bị đánh mất.” Thằng Xưa im lặng, giờ mới lên tiếng. 

“Bọn mày tí nữa tự đánh nhau, mặt đứa nào cũng bị sưng mếu lên, lúc chiều đến giờ mang gạo về nhà tao thì giả vờ có ăn trộm, bị đánh đến sưng mặt, hiểu chưa?” 

“Dạ, bẩm mợ, ý mợ là tụi con tự làm mình bị thương, vờ có trộm đến không ngăn được mà bị mất gạo?” Thằng Tí thông minh hiểu chuyện mà nhắc lại. 

Tôi gật đầu đồng tình, chỉ điểm mặt từng đứa cảnh cáo lần cuối. 

“Bọn mày, nhớ lại ta dặn, khi nào có chuông kêu là gạo phải có ở trước sân nhà ta, một hạt cũng không được thiếu, lúc đấy ta sẽ thưởng, biết chưa?”



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}