Tôi gặp bà Năm vào một năm trước ngay trong đám tang của bà tôi.
Bà tôi và bà Năm sống cùng một làng. Ngôi làng nhỏ chẳng được mấy người, thế nên ai cũng xem nhau như ruột thịt. Tôi lúc nhỏ cũng thường hay thấy bà Năm sang nhà tôi, lúc đó tôi còn nhỏ lắm, chẳng nhớ gì nhiều, tôi chỉ nhớ chiều hôm bà tôi dọn lên ở với con cháu, bà Năm cứ đứng trước cổng làng, nhìn theo chiếc xe chở người bạn mấy mươi năm đi xa.
Đến bây giờ, vẫn như mười năm trước, bà Năm vẫn đứng lẳng lặng trước cổng đám tang, dõi theo chiếc xe chở bà tôi đi, nhưng lần này, có lẽ lần tiếp theo họ gặp lại nhau chẳng còn nữa.
Làm thế nào để hình dung một nỗi đau? Tôi chưa bao giờ thực sự đau khổ, nhưng nỗi đau khi mất đi một người thân thương lại không hẳn là một nỗi đau dễ chịu. Đó không giống như việc vấp ngã, nó không chảy máu, nó vô hình và không ai có thể nhìn thấy. Nó dường như giống trái tim bị thương hơn, nó không đến nhanh và khó để cảm nhận được tức khắc, nhưng nó là một thứ âm ỉ trong lồng ngực, ngày này qua tháng nọ và nó không lành. Không bao giờ lành lại được. Đôi khi tôi sẽ nghĩ vẩn vơ, nếu như rằng một ngày tôi rời bỏ thế giới, tôi muốn những người yêu thương tôi đau lòng nhớ nhung tôi một đời, hay là để họ quên tôi đi và sống tiếp những ngày hạnh phúc?
Sau này, khi tôi tìm được Lê Duy An, tôi chợt nhận ra, nếu như không thể quên, thì hãy để tôi trở thành lý do tốt đẹp nhất khiến họ mỉm cười mỗi khi thức dậy và là điều tốt đẹp khiến họ hạnh phúc những ngày mai sau. Tôi không muốn hóa thân thành một vết thương của ai đó.
“Em sẽ chết vào một ngày nào đó, rất gần thôi.” Giọng tôi thầm thì như một cơn gió, nhưng từ ngữ lại nặng nề đè lên biểu cảm của Lê Duy An. Mái tóc gã đen nhánh, rối loạn theo một trật tự bí ẩn nào đó trong tay tôi.
Gã vùi đầu vào vai tôi, đôi tay khẽ xiết chặt lấy tay tôi, “Đừng nói những chuyện mai sau được không?”
Tôi khẽ cười, “Hãy quên em đi… Hoặc là nhớ em, như là một điều đẹp đẽ nhất của cuộc đời anh và hãy sống hết mình vì điều đó, được chứ?”
Gã không trả lời. Tôi biết, tôi đã đưa ra một yêu cầu khó nhằn, ngay cả khi mà tôi đã từng nghĩ rằng bản thân sẽ chẳng thể làm được như thế.
Cái chết của bà nội từng ám ảnh tôi rất nhiều. Tôi đã sống với bà từ lúc tôi hiểu chuyện, tôi đã từng luôn muốn ôm lấy bà khi ngủ, đã từng làm bà khóc, đã từng khiến bà cười vui vẻ. Có những ngày, tôi như chìm vào đêm tối, bóng tối bao trùm lấy tôi khi đang cắn nuốt linh hồn tôi mỗi ngày.
Nỗi đau khi mất đi ai đó thường không bao giờ lành lại, nó sẽ ám vào trong từ góc não cho đến khi nó ăn sâu vào đó, hiện diện như một khối u lành tính, không nguy hiểm nhưng không biến mất. Khi nhận ra rằng tôi đã mất bà mãi mãi, trái tim như bóp nghẹn, tôi khóc không thành tiếng. Lúc đó, tôi như một cái xác biết đi, ngay cả gia đình cũng lo lắng cho tôi. Tôi hiểu rằng, sự thật là sự thật, nhưng hiểu và chấp nhận là hai chuyện khác nhau. Tôi là một đứa yếu đuối.
Tôi thừa nhận lúc tôi tìm về ngôi làng trên hòn đảo này, tôi thực sự mong rằng mình sẽ thấy thêm một cái gì đó của bà ở nơi đây. Bà tôi đã từng nói, nếu không phải vì lo cho bệnh của tôi, chắc rằng bà sẽ ở ngôi làng này sống hết quãng đời còn lại, với nắng gió, với sóng biển. Bà đã ở nơi đây gần hết một đời người, để rồi cho dù có chết đi, thì hãy để xác thịt bà hòa lẫn với nơi này, như một tình yêu với từng tấc đất. Nhưng rốt cuộc, bà cũng chẳng thể về lại nơi cũ, mà phải ở một thành phố đầy xa lạ.
Bà trở thành lý do thôi thúc tôi về lại nơi cũ kỹ đầy bụi đó, về để đi hết những ngày tôi còn đi được, để tôi không phải mang trong mình một nỗi hối hận trong những ngày cuối cùng của cuộc đời.
Căn nhà đã quá cũ để ở, và ba mẹ tôi cũng không bao giờ cho phép tôi ở một mình trong ngôi làng hẻo lánh ở ngoài một nơi xa xôi cách đất liền, Lan Anh thì đã làm quá lên rằng tôi sẽ chết mà không ai biết nếu như tôi về lại nơi đó. Còn tôi thì nghĩ rằng tôi sẽ chết một cách cô độc ở nơi quý giá nhất của cả bà và tôi.
“Con không thích ở đây à?” bố tôi hỏi.
Đêm tháng chín nặng nề với những ngày không trăng, bóng tối luôn có cách luồn lách dưới khung cửa và tràn vào trong không khí một cách âm thầm. Tôi và mẹ, cả Lan Anh đều đang trong cuộc chiến khi mà tôi nhất quyết sẽ về lại đảo vào tuần sau. Đương nhiên, Lan Anh theo phe mẹ tôi. Còn bố thì im lặng.
“Bố không nhớ những ngày trên đảo sao ạ?” Tôi hỏi ngược lại. So với tôi thì có lẽ bố còn gắn bó nhiều hơn với nơi ấy.
“Nhớ chứ, sao lại không? Con người ta sẽ luôn và phải luôn nhớ về nguồn cội. Nhưng giờ đây bố chẳng còn lý do gì để trở lại đảo nữa, nhưng lý do để bố ở lại nơi đây thì nhiều vô số”, Bố tôi lấy ra một điếu thuốc, chợt nhận ra rằng tôi ngồi kế bên nên ông nhẹ cất nó lại vào trong hộp.
“Con cũng nhớ Lan Anh từng hỏi rằng một đứa trẻ mười tuổi thì có thể nhớ cái gì nhiều về một nơi đã quá xa xôi như thế”, Nhưng Lan Anh không như tôi, chị có rất nhiều thứ để nhớ ở đây, còn tôi, tôi chỉ có một hòn đảo để nhớ, “Con nghĩ, con muốn chết ở đó, với biển, với sóng, với bà. Nhưng con biết đó là điều viễn vông, con chỉ có thể đi hết những ngày con còn có thể mà thôi."
Lần đầu tiên sau khi bà mất, chúng tôi nói về cái chết. Cái chết của tôi. Nó như một điều hiển nhiên cấm kỵ, nhưng nó vẫn sẽ luôn tồn tại như một lẽ thường. Tôi nhìn thấy ba lặng người và bi thương, nỗi bi thương tràn ra đáy mắt ông. Ông đã mất một người mẹ, và giờ, ông đang ngồi và nói chuyện về cái chết của một người con của ông.
“Đêm nào con cũng thấy mẹ khóc”, và bà đang chết dần chết mòn trong sự tuyệt vọng mỗi khi nhìn thấy cái lắc đầu của bác sĩ. Còn Lan Anh, chị ấy xứng đáng được yêu thương nhiều hơn, chỉ vì có một đứa em gái bệnh tật mà chị ấy dù là được yêu thương ít hơn một chút thì đó cũng là sự bất công
Tôi thấy vai bố run lên, tấm lưng to lớn ngày bé của tôi giờ mong manh như một bức tượng đã vỡ, chỉ cần chạm nhẹ sẽ vỡ ra thành từng mảnh. Tôi chỉ từng nhìn thấy ba khóc, hai lần.
Lần đầu tiên là khi tôi nhập viện vì những cơn co giật xuất hiện. Bác sĩ bảo rằng có lẽ tôi đã bắt đầu triệu chứng thường thấy ở bệnh . Nếu mẹ tôi đã ôm lấy tôi mà khóc, thì tôi lại nhìn thấy bóng lưng của ba in lên trên cánh cửa, cũng đang run lên từng hồi như vậy.
Lần thứ hai là khi lễ tang của bà đã làm xong. Đêm đó tôi khóc đến khàn cả cổ, không ngủ được nên đi ra ngoài ban công hong khô nước mắt. Tôi nhìn thấy bố đang ôm lấy mẹ mà khóc. Cả những ngày đầu của đám tang, bố tôi bình tĩnh đến lạ. Ông chỉ huy mọi thứ, sắp đặt tất cả ngăn nắp, nét bi thương cũng chẳng vươn lên chút ít trên khuôn mặt ông. Tôi đã nghĩ rằng bố là một người mạnh mẽ dường nào. Nhưng hôm đó, tôi thấy bố khóc như một đứa trẻ, không ngừng gào lên gọi bà. Hóa ra, khi nỗi đau đến muộn, còn dằn vặt chúng ta nhiều hơn như thế. Lúc ấy, ông ấy không phải một người chồng, người cha, mà chỉ đơn giản là một người con, một đứa con chẳng còn mẹ.
Giờ đây, bố tôi lần nữa khóc, tôi cũng khóc, và tôi biết mẹ tôi cũng đang khóc trên bờ vai của Lan Anh. Chúng tôi đã trốn tránh vấn đề này quá lâu rồi. Đến mức chúng tôi làm như thể chẳng có chuyện gì xảy ra.
“Bố ơi, hãy để con được trở về lần cuối, để con thực hiện ước nguyện cuối cùng này, được không?”
“Con gái của bố, là lỗi của bố, con mới hai mươi, con còn rất trẻ. Đáng lẽ con có thể ước mơ về một tương lai với nhiều thứ hơn như thế. Đáng lẽ con sẽ sống một quãng đời hạnh phúc chứng không phải mắc kẹt với bệnh tật như thế này”, ông ôm lấy tôi, tình thân, tình cha mẹ, là một cái gì đó rất thiêng liêng. Ông không hề có lỗi, mẹ tôi cũng vậy, có họa chăng là lỗi của ông trời, nhưng ngoài việc đổ lỗi cho ông trời thì tôi còn làm được gì nữa.
Tôi nhìn thấy mẹ và Lan Anh đứng ngoài cửa. Gió thổi từ ban công chẳng thể thổi khô giọt nước mắt trên khuôn mặt.
Thế là tôi được trở về hòn đảo nhỏ cô độc giữa biển cả xa xôi. Bắt đầu những ngày rong ruổi còn lại của cuộc đời.
Ngày tôi chuẩn bị đi, có rất nhiều người đến, có cả chú bác sĩ, hôm nay là lần đầu tiên tôi nhìn thấy chú không mặc chiếc áo blouse quen thuộc, mà chỉ là một cái áo sơ mi bình thường, hình như tôi đã có rất nhiều thời gia trải qua cùng chú, hình như lại rất xa xôi, lạ lẫm và thân quen.
Chú ấy không dặn gì nhiều, chỉ đưa cho tôi rất nhiều thuốc, và thì thầm bằng chất giọng trầm thấp quen thuộc: ”Hãy hứa với chú, lời hứa mà cháu không bao giờ được thất hứa, rằng cháu sẽ luôn nói thật về tình trạng của cháu, dù là tốt hay xấu.”
Tôi gật đầu, ôm lấy chú. Mười năm qua, chú đã ở bên tôi, bảo vệ tôi bằng tất cả. Chú đúng là một hiệp sĩ vĩ đại đáng được vinh danh.
“Vâng, đây sẽ là lời hứa của hiệp sĩ và công chúa. ”
Bố mẹ dặn dò tôi nhiều thứ, bảo rằng nếu không ổn tôi phải bảo họ đón tôi về ngay. Tóc của cả hai người đã có rất nhiều sợi bạc đi, gương mặt nhuốm mùi sương khói. Đáng lẽ tôi nên ở với họ lâu hơn, nhưng càng ở lâu, tôi lại càng không nỡ buông tay để từ biệt. Bố mẹ tôi, có lẽ duyên số giữa tôi và họ mong manh quá.
Mẹ ôm tôi, bà ấy khóc. Không biết bao nhiêu lần tôi nhìn thấy bà ấy khóc. Nhưng lần nào tôi cũng đau lòng. Bà đã rơi nước mắt quá nhiều cho tôi.
Lan Anh cũng ôm tôi, nhưng chị còn thủ thỉ những lời cuối cùng, “Chị chưa bao giờ nghĩ rằng mình bị đối xử bất công cả. Chị cảm thấy hạnh phúc vì em là em chị. Và chị, sẽ luôn yêu em. Nên nếu em đi là vì chị, thì em có thể đừng đi không?”
“Không, em đi là vì những điều em muốn làm. Em sẽ quên đi rất nhiều thứ, nhưng em không muốn quên đi những thứ của bà. Và em cũng yêu chị. Chị sẽ luôn là công chúa của em, và em, sẽ luôn là hiệp sĩ của chị. Lan Anh, đừng bao giờ tự trách mình, chị luôn xứng đáng có được nhiều thứ tốt đẹp hơn.” Tôi thì thầm, ôm chặt lấy chị như cách để trái tim hai chúng tôi chạm nhau.
Chuyến tàu ầm ầm bên dưới, lắc lư với một nhịp điệu đều đặn với sóng vỗ bên mạn thuyền, mọi người đều rơi vào một khoảng lặng yên tĩnh. Chuyến đi này, với những cơn gió mặn chát và mùi của những con sóng, mang lại một cảm giác khác biệt lại thân quen. Tôi cảm thấy sức nặng kỳ lạ của sự quen thuộc, một sự buông mình, một cái gì đó khiến lồng ngực tôi thắt lại, gần giống như một ký ức bạc màu.
Nơi này là nơi tôi khao khát, không phải tôi không xem ngôi nhà phía bên kia bờ biển là nhà, chỉ là ở đây, có cái gì đó khiến cô phải nghĩ đến nó, như một cái neo cuối cùng để tôi không khiến bản thân mình sụp đổ. Ở đây, tôi sẽ không phải đối mặt với phần mạnh mẽ của bản thân, phần mà tôi đã giả vờ trong nhiều năm.
Trong hình ảnh phản chiếu của mình trên cửa sổ, tôi nhìn thấy hình bóng mờ nhạt của chính mình, sự tan vỡ của từng lớp áo giáp. Thành phố đã trở thành một cái gì đó của tôi trong một thời gian dài, nhưng hòn đảo nhỏ đã giữ lại phần thô sơ nhất của tôi trong nhiều năm và tôi không chắc mình có muốn trở lại nơi thành thị đó một lần nữa hay không.
Chiếc tàu neo đậu trong sự hỗn loạn mờ ảo của buổi sáng, mọi tiếng động và hoạt động khi tôi bước xuống tàu trở nên mờ nhạt trong sự di chuyển hối hả xung quanh. Tôi luồn lách qua đám đông, kéo theo hành lý ở phía sau, cảm thấy như được trở về nhà.
Bến tàu sống động với tiếng thì thầm dường như bao trùm lên mọi thứ, tiếng thì thầm đều đều của những cuộc trò chuyện xuyên qua không khí. Tôi vẫn nhìn chằm chằm vào đám đông, quấn chặt trong chiếc áo khoác dày và vẫn cảm thấy mình giống một người ngoài cuộc hơn là một người tham gia vào sự hỗn loạn.
Tôi liếc nhìn bà, nhìn vào những nếp nhăn cau mày, bà có vẻ khá tử tế, tôi cho là vậy, tử tế như những người lạ nghĩ rằng họ biết rõ nhất có thể. Tôi nở một nụ cười gượng gao, bày ra vẻ mặt thân thiện nhất có thể, “Cháu chào bà ạ, cháu là Xuyến Chi, cháu bà Tư Thủy đây ạ. Làm phiền bà ra đón cháu quá.”
Bà Năm thì thầm vài câu chào hỏi, trong mắt bà có nhiều thứ hiện lên. Lúc nhỏ, tôi thường thấy bà hay qua nhà bà nội tôi, nhưng những lúc như thế tôi cũng không để ý gì nhiều, chỉ lo ham chơi mà chạy ra ngoài bờ biển. Tôi chỉ nhớ có một lần nào đó, hình như tôi thấy bà Năm khóc với nội tôi, bà khóc rất thương tâm, lúc đó tôi đã nghĩ, rốt cuộc thì chuyện gì mới có thể làm cho một người lớn khóc như vậy.
Mái tóc bạc bới gọn sau đầu, dáng lưng bà thẳng chứ không cong như những người già tôi nhìn thấy trong viện, có lẽ, nắng gió nơi biển cả này đã tôi luyện người dân nơi đây, để cho dù họ có bị bào mòn bởi thời gian thì vẫn giữ lại chất thép trong xương. Chúng tôi đi dọc theo con đường yên tĩnh cũ kỹ. Những ngôi nhà hiện lên xung quanh tôi - được bảo quản tốt mặc gió mưa khắc nghiệt, với mái nhà và những ô cửa sổ sáng bóng như nắng vào một ngày tháng tám, mỗi ngôi nhà một một câu chuyện gì đó về những con người xứ biển gắn liền với những con sóng ngoài khơi. Đây không phải nơi thành thị tôi chôn mình trong mười năm qua, nơi mùi khói bụi ám vào trong không khí. Không, đây là nơi cỏ vẫn mọc, tường bám rêu xanh, nơi mà sức mạnh của năm tháng chùng xuống trên những viên gạch cũ kỹ.
Ngôi nhà bà Năm hiện lên trong sương sớm như một giấc mơ cổ tích có thực, nó không được trang hoàng bằng ngói đỏ sơn xanh, nó được tô vẽ bằng những ký ức phai mờ trong nhiều năm. Giữa nhà trồng một cây hồng lớn, tôi nhẩm trong lòng, chắc nó còn lớn tuổi hơn cả tôi với cái thân cây mà có lẽ tôi ôm một vòng cũng không hết. Mùa này đang độ vào đông, cây hồng xanh lá đã qua mùa kết quả, nếu mà có quả, tôi sẽ trổ tài làm hồng treo gió cho bà Năm ăn ngay. Gian giữa là phòng khách nối liền thông qua phòng bếp, gian bên trái là khu phòng ngủ còn bên phải là nhà kho và nhà vệ sinh. Tôi nhìn hết một lượt, mới thấy hình như căn nhà chỉ có mình bà Năm ở. Ở cái tuổi này, đáng lẽ bà nên ở cùng con cháu, hoặc có lẽ bà Năm cũng như nội tôi, chỉ muốn sống hết cả đời trên đảo.
Bà Năm sau khi đưa tôi đi một vòng thì hỏi, “Mày ăn cái gì chưa?” Giọng nói mang đậm chất người dân làng chài mà lâu ngày rồi tôi chẳng được nghe, tuy hơi cộc cằn nhưng thực chất lại chẳng có ý gì bực nhọc.
“Dạ, con ăn rồi một ít rồi.” Tôi gật đầu đáp.
“Ừ, vậy mày vào phòng xếp đồ rồi nghỉ đi, trưa trưa rồi tao nấu gì cho ăn.”
Bà Năm mở cửa và mang vali của tôi vào trong, tôi theo sau, nghe thấy tiếng đèn kêu tách và thấy ánh sáng từ bóng đèn đột nhiên tràn ngập căn phòng.
Ngực tôi lập tức ấm lên, và tôi gần như mỉm cười.
Thật tuyệt.
Không phải là tôi mong đợi nhiều, nhưng nó ấm cúng và gọn gàng, và tôi thậm chí còn có một cửa sổ tôi bên phía ngoài, có thể nhìn thấy khung cảnh trong sân, một chiếc giường, một tủ quần áo và một chiếc ghế đệm, mọi thứ đều được lau chùi sạch sẽ với mùi hương thoang thoảng tràn vào khoang mũi – mùi của nắng sớm và mùi xà phòng mới giặt.
Tôi mỉm cười cảm ơn bà rồi quay vào phòng. Thực ra tôi chỉ mới ăn chút ít lúc sáng sớm, nhưng căn bệnh này không cho phép tôi ăn quá nhiều, nếu ăn nhiều thì tôi cũng sẽ nôn ra, nên dần dần tôi mấy hết hứng thú với chuyện ăn uống, chỉ cần không để bản thân mất sức. Đến tận sau này tôi mới biết, đây là phòng của con gái bà, mẹ của Lê Duy An. Thì ra là thế cho nên mỗi lần gã đi ngang qua phòng tôi cũng cố nhìn lại một cái, lúc đầu thì tôi tưởng gả tọc mạch, lúc quen thì tôi nghĩ là gã không nỡ xa tôi. Còn khi biết được, thì tôi rủ gã sang hẳn để ngồi luôn.
Thực ra tôi cũng chẳng đem gì nhiều, chỉ vài thứ cần thiết với đồ dùng cá nhân. Nếu nói là đem cồng kềnh nhất thì có lẽ là mấy cái họa cụ của tôi. Chúng nó nặng cực, lại cồng kềnh khiến tôi đem vào từ đầu làng muốn xĩu. Nắng sớm bắt đầu tràn vào phòng, và chiếc giường êm ái đón chào giấc ngủ của tôi một cách nồng hậu. Cho đến khi tôi mơ màng thức giấc sau một giấc ngủ ngắn, tôi đưa tay qua tủ đầu giường để lấy điện thoại để xem mấy giờ, nhưng tay tôi không chạm vào thứ gì cả, chỉ rơi vào khoảng không trống rỗng.
Và đó là lúc tôi nhận ra điều đó. Sự thô ráp của tấm ga trải giường mới. Tiếng rên rỉ của chiếc giường dưới cơ thể tôi. Chiếc gối không phải là chiếc gối mà cổ tôi quen thuộc.
Tôi chớp mắt tỉnh dậy, nhìn thấy luồng ánh sáng yếu ớt của buổi sáng chiếu qua trần nhà, tràn vào qua cánh cửa kính đôi trong phòng tôi.
Tôi nhận ra không phải phòng của tôi.
Tôi chống khuỷu tay lên, đầu tôi quay cuồng và mí mắt tôi gần như không thể mở nổi khi tôi ngáp lần nữa.
Giờ chỉ mới độ lưng chừng giữa sáng và trưa, nắng đã lên nhưng không gắt, mà ở biển thì gió cứ thổi mãi, nên y rằng trời cũng chẳng nóng. Tôi sắp xếp gọn gàng mọi thứ rồi thì bắt đầu điện thoại báo bình an cho ba mẹ. Một tiếng chuông, hai tiếng chuông.
“Con đến rồi à? Có bị say tàu không? Con có thấy khó chịu gì trong người không?” Một câu, hai câu, hàng chục câu hỏi đập vào tai tôi ngay khi bố mẹ bắt máy, tôi hoảng loạn lắc đầu, bảo rằng ba mẹ hãy bình tĩnh lại, rồi tôi bắt đầu trả lời từng câu hỏi một.
“Con ổn mà, mọi chuyện rất tối, bà Năm lại rất thân thiện với con, ba mẹ đừng lo.” Tôi mỉm cười, nhẹ gật đầu.
“Bà Năm mà thân thiện?" Bố tôi chen miệng thắc mắc, “Cái bà đó từ lúc ba còn ở trên đảo đã chẳng có tí thân thiện nào rồi. Con đừng có nói cho ba mẹ đỡ lo, nếu mà con không ở quen thì cứ ở vài bữa rồi về nhà.”
Ba tôi từ lúc biết tôi định nương nhờ bà Năm thì đã không ít lần nói với tôi những câu y thế. Có lẽ ba tôi vẫn còn nhớ tới vẻ mặt cau có của bà lúc trước nên sợ tôi không quen. Nhưng mà theo tôi cảm nhận, bà Năm thật tình tuy hơi khó tính nhưng không phải không ở chung được, lúc nãy bà còn rất quan tâm tôi. Chắc tính bà là thế, trong nóng ngoài lạnh. Một điều mà tôi muốn nương nhờ bà nữa là bà rất thân với nội tôi, có lẽ khi tôi ở với bà, tôi sẽ biết thêm được nhiều chuyện lúc trước của nội, nghĩ đến đây, lòng tôi bỗng cảm thấy cho dù bà Năm có đuổi thì tôi cũng nài nỉ ở lại cho bằng được.
“Ba ơi, ba không gặp bà Năm mấy chục năm rồi, sao mà biết được bà Năm thế nào. Con ổn mà, ba đừng lo”, tôi nói qua loa thêm hai ba câu rồi tắt máy. Suy nghĩ xem có nên gọi cho chú bác sĩ không thì chú ấy lại gọi cho tôi trước. Ứng phó thêm một lúc lâu nữa thì cuối cùng tôi cũng được thả tự do. Giờ thì nắng lên đỉnh đầu, nhìn lại thời gian cũng đã gần mười một giờ.
Duyên phận là thứ ảo diệu, cũng là thứ lưng chừng. Giữa muôn vàn người trên thế gian, tôi lại gặp được Lê Duy An. Nắm lấy thì sợ đau, buông tay thì không nỡ, đã là sợi duyên trói thân rồi thì sao cắt đứt, nhưng mà càng trói lại càng chặt, càng chặt lại càng đau.
Tôi ở cùng với Lê Duy An gần hai tháng, hình như cảm giác thân quen từng xuất hiện cứ chập chờn giữa những cơn gió biển, thổi đến rồi lại thổi đi, liệu rằng thực sự ông trời đang ban ân huệ cuối cùng cho tôi chăng?
Một gã trai từ trên trời rơi xuống, hợp với tôi đến kì lạ. Tôi kể Lan Anh nghe, chị ấy cũng không tin rằng tôi lại có thể thân thiết với một gã trai xa lạ nào đó trong vòng vài tuần ngắn ngủi. Tôi bảo rằng không phải là tôi thân thiết, là do tôi thân thiện, nhưng từ đầu dây bên kia tôi có thể nghe được giọng cười thích thú đầy tính trêu chọc của chị. Biết làm sao được, có lẽ dù đã quen với cô đơn thì đâu đó con người ta vẫn mong có một ai đó tình nguyện bên cạnh.
Những ngày sống trên đảo, tôi cảm giác như bản thân đã tìm thấy một phần thất lạc của mình, phần còn sống trong muôn vàn phần đã chết đi.
Lê Duy An thường hay dẫn tôi ra biển, nói đúng hơn là chúng tôi cùng nhau đi kiếm thức ăn về cho bà Năm nấu. Chúng tôi sẽ đi chợ sáng, nhìn mấy cô chú thuyền chài đem mớ cá buổi sớm về đất liền, tiếng hò reo nhộn nhịp của buổi chợ đầu ngày. Chợ thường được họp lúc trước bình minh, vì cá để lâu sẽ không tươi, muốn được hải sản tươi, thì phải đánh lưới vào tối muộn, rồi lái thuyền trở lại bờ vào sáng sớm. Thời điểm trước bình minh, bóng mặt trời mọc trên những tảng đá, tôi thích những khung cảnh thế này. Những mõm đá này đã ở đây từ rất lâu, và nó sẽ ở đây cho đến khi tất cả những người tôi biết và những người biết tôi đều đã chết. Nó sẽ ở đây ngay cả khi biển khô đi và bầu trời sụp đổ. Có lẽ chẳng có gì có thể lật đổ được nó, một thứ tồn tại theo thời gian, một thứ truyền cảm hứng.
Và những buổi chiều lộng gió biển, mùi mặn và mùi tươi của muối xen vào trong không khí…
Tháng mười một nổi gió xen lẫn những âm thanh tích tách từ bếp lò, tôi và Lê Duy An đã nói rất chuyện trên đời. Mùi đồ ăn nướng chín trên vỉ nướng, giọng kể chuyện trầm ấm của Lê Duy An vang trong tai.
“Hay là…chúng ta uống bia đi?” Tôi đề nghị với Lê Duy An. Đêm nay tôi chẳng muốn tỉnh táo tí nào.
“Thôi thôi, bia rượu không tốt cho sức khỏe”, gã từ chối tôi.
Rốt cuộc thì một lát sau, gã đã nốc với tôi tận hai chai bia. Lời nói của đàn ông, thật không thể tin được.
“Vậy chàng nhiếp ảnh gia,” Tôi nhẹ nhàng nói, ngồi xuống cạnh Lê Duy An, hơi mát lạnh từ chai bia và mùi đất ẩm và mùi đồ nướng bám vào trong không khí, “Thế anh chụp cái gì? Chụp người mẫu hay phong cảnh? ”
“Anh chụp những gì anh thích.” Anh đáp, nhẹ nhàng đưa sang một xâu đồ ăn đã chín cho tôi.
“Thế anh thích gì?” Tôi ngân nga tò mò, cầm lấy xâu đồ nướng, và ngón tay chúng tôi chạm nhau, nhẹ nhàng, khẽ như một chiếc lá rơi xuống mặt hồ, nhưng lại khiến đầu ngón tay tôi tê dại. Điều này thật vô lý, nhưng nó cũng có ý nghĩa nào đó. Có lẽ là vì tôi đã say.
“Anh không biết!” Có sự do dự trong câu trả lời của Lê Duy An.
Tôi nghiêng đầu, nhìn gã, không biết mình nên tiếp tục không. Câu hỏi về sự sẵn sàng lại hiện lên trên bề mặt của nhận thức, nếu tôi muốn tiếp tục câu chuyện, tôi phải sẵn sàng. Vị bia đắng tràn ngập khoang miệng của tôi, tâm trí tôi đã hỗn loạn trong nhiều ngày qua, ngụp lặn trong cảm xúc không thể nêu tên và quá nhiều suy nghĩ về người đàn ông này mà tôi không thể rũ bỏ.
Sau này tôi mới biết Lê Duy An rất có tiền. Hình gã chụp được rất nhiều người thích, có rất nhiều người muốn mua với giá cao, còn đoạt được cả giải thưởng nhiếp ảnh, nhưng hình như gã chẳng lấy làm tự hào, tôi cho là gã tự cao. Nhưng Lê Duy An từng nói với tôi rằng, “Anh chưa bao giờ ngừng yêu những bức hình của mình, dù nó có được công nhận hay không. Em sẽ không ngừng vẽ vì một ai đó chê tranh em xấu, hay tiếp tục vẽ chỉ vì vài ba lời khen của một người lạ. Vì khi yêu một thứ gì đó, chúng ta chỉ đơn giản là yêu nó thôi ”. Nhưng sau này tôi đã biết là gã không tự hào về những tác phẩm của mình, chỉ là bởi vì gã chưa bao giờ thực sự chụp được thứ mình thích.
Bếp than cháy tí tách, khói len vào trong không khí, đặc quách lại như một quả cầu khói. Tôi nhìn vào một tầm nhìn vô định, cụp mắt xuống, ngón tay cảm thấy hơi lạnh từ chai bia, tôi lướt nhẹ từ giọt nước đã kết trên thành chai. “Em không giỏi việc này,” tôi ngập ngừng, có cái gì đó trong cổ họng muốn thoát ra, “Chia sẻ, kể chuyện hay thậm chí là lắng nghe...”
“Anh biết.” Lê Duy An khẽ đáp, trong giọng gã dường như có cái gì đó vỡ ra, một sự vui mừng, “Vậy thì anh nghĩ em đã sẵn sàng?”
Đây là một điều khó khăn, nhưng tôi không muốn lùi bước. Sự im lặng của tôi khí mọi thứ lắng xuống, và có cái gì đó sẵn sàng nở ra trong lồng ngực. Tôi đã sẵn sàng?
“Vậy...em từng bảo em là họa sĩ?” Gã bắt đầu mở chuyện, phá vỡ khoảng im lặng vô hình bằng một nỗ lực đáng yêu.
Tôi gật đầu, theo thói quen, tôi cắn lấy môi dưới, và sau khi nhìn vào khoảng không một lúc, tôi đưa tầm nhìn về lại phía gã, “Có thể nó là sở thích, nhưng không thể gọi là nghề nghiệp. Và giờ thì em không vẽ nữa.”
“Anh đã từng nhìn thấy họa cụ trong phòng em,” gã nhẹ nhàng nói, không nhanh không chậm, không mang hàm ý muốn tôi phải trả lời, như thể dang dụ dỗ một con thú đang bị thương về phía mình.
“Một sự níu kéo vô vọng của em.” Tôi nhún vai, cố để cho giọng nói không biểu lộ bất cứ thứ gì, tôi không muốn gã cảm thấy có lỗi. Tôi im lặng một lúc, lựa chọn từ ngữ cẩn thận trước khi nói. “Một ngày nào đó, em sẽ không thể điều khiển được cơ thể nữa. Em không thể đứng, thậm chí là cầm nắm. Sau nữa, ngay cả việc nhìn và ăn cũng là một vấn đề với, rồi một ngày khi mà quyền khống chế không còn nằm trong tay em, em sẽ mãi mãi rời khỏi cơ thể này.”
“Em biết không, một con người trên thế gian này đều là một thiên sứ trên trời. Họ đều cần phải xuống nhân gian làm những điều nên làm, sau khi đã hoàn thành, họ không cần thân xác phàm trần này nữa mà sẽ rời bỏ nó để trở về với thiên đường.” Gã nhấn mạnh, giọng nói kiên quyết khi đang kể một câu chuyện mơ màng
“Một câu chuyện đẹp.” Tôi mỉm cười yếu ớt dưới sức nặng của những đều đang lộ ra trong không khí.
“Sống một cuộc đời nên sống, vui và buồn, cười và khóc, cuộc đời chưa bao giờ chỉ có niềm vui và một cuộc đời luôn luôn vui vẻ chỉ là một bức tranh giả dối. Hãy sống và rời đi khi em đã làm tốt mọi thứ em muốn làm." Giọng gã tan vào trong không khí, hơi thở Lê Duy An phả vào cổ tôi, nhột và ẩm ướt.
Chưa ai nói với tôi rằng việc rời đi là điều dễ dàng, mọi người đều đang cố gắng trốn tránh và tự lừa dối nhau rằng tôi sẽ không sao và mọi chuyện đều ổn. Họ nói với tôi rằng hãy suy nghĩ theo hướng lạc quan nhất có thể, đừng nghĩ về cái chết. Họ luôn nói rằng vui vẻ là điều tất yếu và khi tôi khóc, mọi chuyện sẽ tồi tệ hơn. Nhưng mà, thực ra giả vờ lạc quan thực sự rất mệt mỏi, tôi chẳng muốn giả vờ nữa, nên tôi đành chạy trốn. Tôi mệt mỏi khi phải vui vẻ trong khi linh hồn tôi thì đang kêu gào thoát ra khỏi sự trói buộc của nỗi đau thể xác.
Bỗng nhiên tôi nhận ra gã thật gần với tôi từ lúc nào, âm thanh từ cổ họng gã như ma quỷ, khiến tôi bất giác đắm mình một cách tự nguyện vào vòng tay gã. Chúng tôi đã ở thật gần, ở khoảng cách mà tôi có thể nhìn thấy màu nâu đậm trong mắt Lê Duy An, đậm đặc như một ly cà phê sữa vào buổi sáng, xoáy sâu vào trong như một cơn lốc cuốn trôi lý trí duy nhất còn sót lại trong tôi. Làn da gã kề sát vào làn da tôi, và ở đó đang cháy thành một ngọn lửa nóng bừng giữa cái lạnh tháng mười. Tôi nhìn vào môi gã đang mím chặt lại thành một đường thẳng, tôi muốn hôn nó. Tôi muốn nhiều hơn sự tiếp xúc này. Quá nhiều thứ đang mời gọi
Và rồi Lê Duy An đẩy tôi ra, trước khi tôi kịp tiến lại gần, đúng đấy các quý ông và quý bà ạ, gã trai này đã đẩy tôi ra trong khi lồng ngực tôi đang kêu gào một cách thảm thiết vì khao khát được hôn.
“Em nên đi ngủ đi. Em cần một giấc ngủ bây giờ.” Giọng gã trở nên khàn đặc, ẩn giấu một cái gì đó muốn thoát ra.
Không, không phải, tôi cần được hôn gã, nhưng tôi cũng muốn đi ngủ. Tửu lượng của tôi chưa bao giờ tốt cả. Lê Duy An đỡ tôi về phòng, đắp chăn cho tôi, khẽ áp tay vào má tôi, nở một nụ cười điển trai chết người, “Ngủ ngon.” Và khi đó, đầu óc tôi hoàn toàn tắt lịm.
Tiếng chim hót bên ngoài chào mừng tôi trở về với thế giới của những con người tình táo. Đầu đau như búa và cả người nhớp nháp đến khó chịu.
Tỉnh táo vào buổi sáng sau một đêm say xỉn là điều khó khăn với hầu hết tất cả mọi người, đặc biệt là đứa chỉ cần vài ngụm là say như tôi. Hôm qua tôi đã say một cách bất chấp tất cả mọi điều trên đời một cách không thể tin được. Và bà Năm đã giáo huấn bọn tôi cả sáng chỉ vì cái thói rượu chè suốt đêm. Tôi mong là bà không bị mất ngủ vì bọn tôi, hoặc là nhìn thấy gì đó không nên thấy. Lan Anh từng cấm tiệt tôi không được say xỉn nữa từ sau lần đầu tiên tôi va vào cái thói tệ nạn này năm 18 tuổi. Vài hôm sau sinh nhật tôi, chị lén dẫn tôi đi uống vài lon, chị bảo: “Mười tám mà chưa nếm vị cồn thì chẳng ổn chút nào”, tôi thấy chắc là chị thèm nên mới tìm bừa lý do rủ tôi uống cùng mà thôi.
Lúc đó tôi uống vài ngụm là đã gục, vừa nhắm mắt, mở mắt là trời sáng, tôi nằm trên giường với cái đầu đau như búa bổ. Thứ tôi nhận được sau cơn say là đau đầu và cái sắc lệnh cấm tôi đụng vào bia rượu của Lan Anh. Chị không nói là vì sao, nhưng chị cấm tôi nhậu với người khác.
Nhưng Lan Anh vẫn là Lan Anh, chẳng có bao lâu thì chị vẫn lẻn vào phòng tôi với vài lon bia tiếp. Chị bảo chị buồn, tôi không cần uống, chỉ chị uống là được. Sau vài lần chị buồn thì tôi cũng nhấp được vài ngụm. Thế là cái sắc lệnh đó chìm vào quên lãng, đi nhanh như cái cách nó đến.
Thật ra thì tôi chẳng ngờ khi tôi say tôi lại háo sắc thế. Hoặc là do Lê Duy An quá đẹp trai, hoặc là do rượu bia là ma quỷ.
Suốt cả sáng, tôi chỉ im lặng cúi đầu, bây giờ bà Năm nói gì cũng đúng, tôi chẳng dám cãi, bởi người bà mắng nhiều nhất là Lê Duy An, bà nghĩ gã đang dạy hư tôi. Lê Duy An thì cũng chỉ ậm ừ vài tiếng, không phản bác mặc dù người rủ gã nhậu nhẹt rượu chè là tôi. Nói đến khô họng, bà chỉ còn cách phẩy tay bảo bọn tôi đi đâu khuất mắt bà, thế là bọn tôi đi chợ. Tôi cũng chả biết giờ này ngoài chợ còn bán gì không, nhưng thôi mặc, cứ đi ra ngoài hít chút khí trời cho đầu óc tỉnh táo lại. Đến tận lúc này, tôi mới hoàn toàn ở riêng với Lê Duy An.
“Hy vọng sáng này em không đau đầu.”
“Chỉ là hai lon bia thôi mà”, tôi ngựng ngùng đáp. Được rồi, đáng lẽ người như tôi nên tẩy chay cái trò bia với rượu, say với xỉn kia đi. Bởi nếu thực sự ngủ một giấc mà quên được hết mọi chuyện xấu hổ hôm qua thì chuyện đã không tệ đến thế. Nhưng không, hoàn toàn không, tôi nhớ như in từng chi tiết, từ cái lúc tôi đỏ mặt vì giọng gã, hay lúc môi gã dường như đã sắp chạm vào da cổ tôi, hoặc lúc máu tôi đang sôi trào dưới từng mạch máu, kêu gào tôi phải hôn gã.
Lê Duy An dừng lại đột ngột mà không nói trước khiến tôi húc thẳng vào người gã và quên luôn cả thở.
Gã quay người lại, “Em...”, gã lẩm bẩm, “Hôm qua anh không muốn tiếp tục bởi vì em đang say, và việc tỏ tình trước mặt một người say thì anh sợ ngày mai em sẽ không nhớ gì, và anh phải nói lại từ đầu. Nhưng hôm nay em đã trở lại, tỉnh táo và...” Ngón tay gã lướt trên má tôi, tôi tự hỏi nó đã ở đó từ bao giờ, nhưng hiện giờ hơi thở của tôi đã rối loạn. Thay vì tiếp tục bài diễn văn của mình thì gã lại hôn tôi. Nụ hôn đó dứt khóa khiến chân tôi mềm nhũn, đôi mắt tôi đã nhắm chặt trước khi môi gã chạm môi thôi, và dạ dày tôi đang lộn cả lên. Và gã vừa nói là gã tỏ tình với tôi, và... Tỏ tình?
Tôi không biết chúng tôi đã tách ra từ lúc nào, nhưng trái tim tôi vẫn đang đập, rất mạnh, như muốn xé tung lồng ngực tôi mà bay về phía Lê Duy An, và hàng ngàn con bướm trong bụng tôi đang tạo ra một dư chấn.
"Khoan đã, tỏ tình? Nhưng..." Tôi bối rối, ngập trong hàng ngàn lời muối nói, lại chẳng thể mở lời, "Ý em là điều này thật tuyệt..."
Lê Duy An cau mày, “Em...em im lặng chút được không? Đây là lần đầu tiên anh tỏ tình và anh đang hồi hộp đến mức không biết mình muốn nói gì đây này!”
“Hả?”
“Anh yêu em, Nguyễn Xuyến Chi” gã trang trọng cầm tay tôi.
“Cái gì?” Bụng tôi thắt lại, cảm giác vui sướng dâng lên, và hơi thở hỗn loạn đến mức tôi nghĩ mình sẽ ngất xĩu vì thiếu không khí.
“Anh nói anh yêu em”, và gã mỉm cười, “Anh biết chúng ta chỉ mới quen nhau...hai tháng”, hai tháng lẻ bảy ngày, tôi âm thầm bổ sung, “Lúc đầu anh thấy em quá ngốc nghếch, khó chiều, em khiến anh đi lạc lên núi, ngã vào một vũng bùn và mò mẫm trong bóng tối để về nhà,” gã thù dai dễ sợ, “Nhưng em cũng quá phức tạp, không ai đoán được em đang nghĩ gì, trong một số chuyện em còn quá ngây ngô...đến đáng yêu.”
“Anh đúng là chả có tí kinh nghiệm tán gái nào”, tôi thở dài.
“Em cũng rất sâu sắc, hài hước, thông minh và trái tim tôi bảo tôi phải giành được trái tim em về cho nó”, Lê Duy An cứ nói tiếp, dường như không nghe thấy tôi nói gì, “Mỗi khi ở gần em, anh lại cứ muốn được gần em hơn, chạm vào em, và hôn em...”
Gã không nói hết câu, hoặc là gã đã nói hết, nhưng gã lại kéo hôn tôi. Hôm nay tôi đã hôn hít nhiều hơn tất cả thời gian trong hai mươi năm cộng lại, chỉ trong vòng hai mươi phút, tôi đã hôn Lê Duy An hai lần. Khoảng ba phút sau thì tôi đã thở không ra hơi, chân tôi biến thành bún và phải dựa vào tường mà đứng.
“Đừng quên thở chứ!” Lê Duy An cười vui vẻ vuốt tóc tôi.
Tôi đẩy gã ra, “Thôi đi.” Vì ai mà tôi đứng không vững, vì ai mà tôi quên cả thở?
“Em vẫn chưa trả lời anh.” Lê Duy An nắm tay tôi, đôi mắt gã long lanh chờ đợi tôi phản ứng.
Tôi phản bác: “Em đã để anh kéo em vào hôn tận hai lần mà vẫn chưa có một cái tát nào dành cho anh, vẫn chưa rõ sao?”
Gã lắc đầu: “Đó không phải câu trả lời anh muốn, em yêu à.”
Em yêu? Em yêu? Trời ơi, sao một cụm từ ớn lạnh như thế vào miệng gã lại có thể quyến rũ đến như vậy? Tôi giống như bị gã thôi miên, từ từ cứ như thôi thúc mà trượt ra khỏi lưỡi tôi, “Em cũng có chút thích anh, bạn trai ạ.”
Như thể giữa màn đêm vĩnh cửu vùng cực, một tia nắng chợt xuất hiện và cố gắng sưởi ấm lớp băng dày đặc bên dưới. Đó là điều không có thật, đó là một ảo ảnh, nhưng đối với những sinh vật trong vùng băng giá vĩnh cửu, ánh sáng chói lóa hiếm hoi của mặt trời là một món quà từ Chúa. Tôi muốn từ chối món quà này nhưng tôi lại không nỡ, con người là một thực thể tham lam khi mong cầu những điều không thể với tới, những ảo ảnh, những điều không có thực.
Và tôi đã yêu Lê Duy An.
.
“Em biết không, khi thiên sứ đến với thế gian này để hoàn thành sứ mệnh đều phải cần tìm một thân xác phàm trần. Đến khi họ làm xong nhiệm vụ, họ sẽ như một con nhộng thoát khỏi kén, hóa thành bướm bay về trời. Nguyễn Xuyến Chi, có lẽ, sứ mệnh của em là cứu vớt anh… ”
Lan Anh từng hỏi tôi, tại sao trong vô số người, tôi lại chọn Lê Duy An. Tôi không nhớ mình đã nói với chị thế nào, nhưng trong đó có một câu, “Vì gã là Lê Duy An. ”
Giữa những đêm tối và sương gió, khi tôi còn đang thu mình trong cái kén, trong đó để gặm nhấm nỗi đau, khi tôi còn đang treo lên mình những lời giả tạo rằng tôi chẳng hề hấn gì với căn bệnh đang hành hạ mình gần mười năm. Thì gã đến, gã dạy tôi cách thoát khỏi cái lồng của sự giả dối, dạy tôi cách khóc trước mặt một ai đó, và dạy tôi rằng trốn tránh cảm xúc chỉ làm cho nó ngày một tệ hơn.
Bình luận
Chưa có bình luận