Tôi không hề có nhiều kỷ niệm lúc nhỏ. Bởi lẽ thứ mà tôi đối mặt nhiều nhất chỉ là bốn bức tường và mùi thuốc men trong bệnh viện. Có lẽ những năm đẹp nhất cuộc đời tôi là vào lúc tôi mười tuổi trở về sau.
Quê nội tôi ở một vùng đảo nhỏ xa đất liền. Lúc nhỏ, từ lúc tôi hiểu chuyện, tôi đã lớn lên ở đó. Ba mẹ tôi quá bận rộn nơi thành thị để mưu sinh, chị hai lớn hơn tôi sáu tuổi cũng chỉ vào tiểu học, tôi thì chỉ là một đứa trẻ vừa tròn hai tuổi, cả ba và mẹ đều không thể nghỉ việc hay là an tâm để chị tôi, một đứa trẻ bảy tuổi chăm lo cho tôi, bọn tôi cần sự chăm lo của người lớn, thế nên bà nội muốn để tôi về sống với bà, để tôi có được sự chăm sóc chu đáo hơn. Dù rằng ba mẹ tôi đã nhất quyết mong rằng bà nội sẽ chuyển lên phố để ở, nhưng bà lại nhất định chỉ muốn ở lại ngoài đảo.
Tôi thích biển.
Đó là thứ đẹp đẽ nhất trên đời đối với tôi. Tôi nhớ những lần gió mang theo mùi mằn mặn của biển thổi qua mái tóc ngắn, nhặt mấy vỏ sò trên bờ về cho bà làm chuông gió, đôi chân trần dính đầy cát biển, cát luồn qua khẽ chân nhỏ rồi được sóng vỗ vào rửa trôi đi. Tôi cất đoạn ký ức đó vào trong một chiếc hòm xinh xắn, giấu trọn vào trong phần sâu nhất của tâm trí, để rồi khi bệnh tật hành hạ tôi, đó sẽ là thứ chữa lành tốt nhất.
Đã rất lâu rồi, tôi chưa về lại nơi đó. Mười năm, mười một năm, thời gian trôi qua kẽ tóc, nhưng vẫn không cướp được những ký ức về nơi biển xanh cát trắng của tôi.
Tôi rời đảo vào một ngày nắng đẹp năm tôi mười tuổi, sau khi tôi lên cơn co giật trước sự ngỡ ngàng của bà, sự lo lắng của mọi người xung quanh. Ba mẹ tôi nhận thấy rằng không thể để tôi ở lại ngôi làng nhỏ bé này nữa. Tôi cần có một cuộc sống tốt hơn ở nơi nhà cao tầng còn nhiều hơn núi, đèn đường còn sáng hơn cả ánh sao. Bà nội tôi cũng đi theo. Một phần là vì bà tôi không muốn bà cô đơn, một phần là bà lo lắng cho cả tôi và chị sẽ không được chăm sóc tốt.
Tôi mắc bệnh, một căn bệnh có thể làm tôi thấy sự đau khổ của mẹ, sự tự trách của ba, sự lo lắng của bà. Tôi còn quá nhỏ để hiểu rằng mình sẽ chết vào một ngày nào đó không xa, nhưng không có nghĩa là tôi không sợ. Những năm sau đó, tôi trở nên quen thuộc với những bức tường của bệnh viện, mùi gió biển trở thành mùi thuốc men, tiếng sóng biển trở thành tiếng khóc than của người thân, nắng trời trở thành ánh đèn trần trong phòng bệnh.
Lý Duy An đã hỏi tôi rằng, “Em có buồn không?” khi nghe tôi kể câu chuyện này. Tôi buồn, nhưng lúc đó tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ chưa lớn, tôi không hiểu việc sống và chết, tôi không rơi nước mắt vì những kiến thức y khoa của một căn bệnh lạ nào đó mà tôi mắc phải.
Tôi không hiểu về những gì bác sĩ nói, tôi không buồn về việc mình bị bệnh, tôi buồn về việc tôi sẽ không thể rời khỏi bệnh viện một thời gian dài. Một đứa trẻ khi bị bệnh chưa bao giờ buồn về việc bị bệnh cả, nó chỉ buồn vì nó không thể đi chơi hoặc bệnh tật ép buộc nó phải rời xa nơi nó sống.
Ở bệnh viện tôi làm quen được với nhiều người, trong đó có một chị gái mà có lẽ cả đời tôi sẽ không quên. Chị ấy tựa như ánh nắng của tôi, chị nói chị cũng thích biển, nhưng cả đời chị chỉ gắn liền với đất liền và thành thị. Tôi chỉ biết tên chị, nhưng tôi nghĩ có lẽ chị cũng mắc một căn bệnh hiểm nghèo nào đó. Tôi xem đó là một cuộc gặp gỡ xinh đẹp ở nơi như bệnh viện, một sự gắn bó nào đó giữa tôi và chị. Sau khi chị xuất viện, tôi chẳng còn cơ hội gặp chị nữa, nhưng mỗi đêm tối, khi hướng mắt giữa những vì sao, tôi không còn chỉ cầu nguyện cho bản thân nữa. Cho đến một ngày của nhiều năm sau, tôi gặp lại chị gái như ánh nắng đó một lần nữa giữa những cơn sóng vỗ, mang trong mình một câu chuyện tan vỡ khác. Một lúc nào đó, tôi sẽ kể.
Sau khi mất đi một người bạn thân, tôi không phơi nắng ngoài bãi cỏ bệnh viện nữa, mà thường hay ngẩn ngơ trong những ngày nằm viện còn lại, ngay cả bác sĩ cũng cảm thấy rằng điều đó không tốt cho một đứa trẻ đang lớn, thế là tôi được cho về nhà sau một tuần nằm viện theo dõi. Nhưng tôi lại phải uống rất nhiều thuốc mỗi ngày và luôn phải trở lại thăm bác sĩ mỗi tháng. Tôi phát phiền và ghét mùi y tế ở bệnh viện nên chưa bao giờ tôi tự nguyện đi tái khám cả, có lần tôi lại giở trò nhằm trốn đi tái khám, thế là khung cảnh tôi vừa khóc vừa bị mẹ lôi đi vào phòng khám bị bác sĩ nhìn thấy.
Bác sĩ của tôi là một người rất hiền từ, tôi đã từng nghĩ, chú ấy chưa già đến mức trở thành một ông bụt, nhưng đủ tiêu chuẩn làm một hiệp sĩ. Tôi gọi chú ấy là hiệp sĩ của tôi.
“Sao cháu lại không thích đến khám bệnh?” Chú ấy cho tôi một cây kẹo mút, luôn là hương dâu, tôi không thích vị dâu, nhưng chú ấy bảo ở căn tin bệnh viện chỉ có kẹo dâu thôi. Được rồi, tôi sẽ nhận lấy để chú ấy vui vậy.
“Cháu ghét bệnh viện.” Giọng tôi chua chát.
“Thế thì đến để thăm chú thôi. Hiệp sĩ rất mong được gặp công chúa nhỏ mà!” Chú ấy cười khúc khích, thấp và dường như đầy dịu dàng, lướt lòng bàn tay trên dỉnh đầu của tôi.
Đúng vậy, chú ấy là hiệp sĩ của tôi, là người bạn mà tôi yêu quý nhất.
Lê Duy An thường hay nghe tôi kể về bác sĩ nhiều đến độ gã ghen chết mất, nhưng biết làm sao được, gã chỉ là người đến sau. Gã hay hỏi tôi rằng, hiệp sĩ thường không thể lấy công chúa đâu, công chúa thuộc về hoàng tử rồi. Gã là hoàng tử đến hơi muộn chỉ vì con ngựa già của hoàng tử không thể chạy nhanh được và điều đó làm gã chậm trễ đến gặp tôi. Gã là một tên ngốc, và nếu gã là hoàng tử, thì gã sẽ là một hoàng tử ngốc.
Tôi không hề nói với gã, tôi là một cô công chúa cô độc trên toà thành của mình, với lời nguyền của phù thủy độc ác, rằng sẽ chẳng có một vị hiệp sĩ hay hoàng tử nào có thể phá giải lời nguyền và cứu tôi.
Tôi chưa thể thích nghi được với cuộc sống thành thị, nơi này không có những khoảng đất trống rộng rãi, mà chỉ có những ngôi nhà cao tầng, không có những cơn gió với vị mằn mặn của biển, mà chỉ có khói và bụi.
Mẹ vì lo lắng cho bệnh của tôi nên chẳng chịu cho tôi đi học, ít nhất là sang năm cấp hai. Bà đã xin nghỉ việc một thời gian và dành toàn bộ thời gian đó để chăm tôi dù bà nội đã đồng ý dọn lên phố ở với gia đình. Thế là cho dù tôi không ở bệnh viện nữa, thì tôi cũng chẳng thể thoát khỏi sự kiềm hãm.
Có trời mới biết tôi mong được đi học đến cỡ nào. Tôi là một đứa thích chạy nhảy, tôi muốn được làm quen với bạn mới, muốn được đến trường, tôi học không giỏi vì thật ra lúc ở đảo tôi học cũng chẳng mấy tốt, nhưng ở trường thích có nhiều thứ vui hơn ngoài việc học. Cuối cùng, sau khi tôi nói chuyện này với “hiệp sĩ ” của tôi, chú ấy đã giúp tôi bằng cách khẳng định với mẹ tôi rằng bệnh của tôi vẫn đang có chiều hướng tốt và tôi hoàn toàn có thể sinh hoạt bình thường trong rất nhiều năm tới.
Chú ấy đúng là hiệp sĩ của tôi.
Tôi đã nói về chị tôi chưa? Lan Anh, nếu bác sĩ là hiệp sĩ của tôi, thì tôi tình nguyện trở thành hiệp sĩ của chị.
Tôi thường hay nghĩ Lan Anh giống như một dòng nước, thẳng và chân thực, và tôi là dòng nước nhỏ giọt còn lại ở cuối cùng. Những giọt cuối cùng từ vòi nước trước khi bạn kịp khóa chặt nó. Những gì còn sót lại. Mẹ và Bố đã có Lan Anh vào lúc họ muốn có một đứa con. Chị là tất cả những gì họ cần, tất cả những gì họ muốn. Họ chỉ muốn có một thứ gì đó để yêu thương, vào đúng thời điểm họ muốn. Rồi, hoàn toàn tình cờ, tôi xuất hiện, sáu năm sau đó. Một sự bổ sung không cần thiết. Hoặc có thể nói là không đúng lúc, vì khi đó, họ chẳng có thêm thời gian dư dả cho một đứa trẻ không thể tự chăm sóc mình. Tôi ổn với điều đó, với việc tôi “hơi” ngoài kế hoạch, nhưng với căn bệnh của tôi thì không, nó phá vỡ mọi kế hoạch. Bà nội là vị cứu tinh, bà chăm tôi từ lúc tôi 6 tuổi, nhưng tôi lại xa cha mẹ bốn năm. Sẽ có nhiều người nói rằng cha mẹ tôi không yêu thương tôi, nhưng mà tôi luôn cảm nhận được tình yêu thương của họ là đủ rồi.
Tôi ước mình cao như bố, như Lan Anh, chị ấy cao nhất lớp, nhưng một điều tôi thừa hưởng ở mẹ là sự nhỏ bé. Dễ bị bỏ qua. Cô em gái gầy gò bệnh tật của Lan Anh, bám chặt lấy cô như rêu trên đá, như một chiếc lá đính kèm bông hoa trong vườn. Nếu chị là một viên bảo thạch quý giá thì tôi chỉ là một viên đá vô dụng. Cảm thấy mình như một viên đá vô dụng bên lề đường là cảm giác tồi tệ nhất trên thế giới. Nó khiến cô bé muốn biểu hiện ra nhiều thứ không tốt. Nó khiến cô bé muốn nói những điều khó nghe, mặc dù cô bé sẽ không bao giờ, không bao giờ nói điều đó ra. Nó khiến cô bé muốn thay đổi, muốn bắt chước, muốn làm mọi thứ để có thể giống chị gái mình.
Lan Anh rất thông minh, chị duyên dáng, và chị thu hút hết các ánh mắt về phía mình. Những ánh mắt ngưỡng mộ, chứ không phải thương hại như những ánh mắt nhìn về phía tôi. Chị ấy không bao giờ có thể giận tôi, hay bất kỳ ai, trong thời gian dài. Cơn giận của Lan Anh trầm lặng như biển và xa vời như mặt trăng trên trời, nhưng nó qua đi cũng nhanh như lúc nó đến. Chị sẽ không bao giờ tuôn ra những lời cay đắng, chị sẽ không mắng hay đánh bất cứ ai làm chị giận.
Lan Anh là một học sinh gương mẫu về nhiều mặt, thành tích, thái độ và nhiều thứ khác, không bao giờ bị đuổi về nhà với những ghi chép với những việc riêng, mơ mộng trong lớp hay tán gẫu với bạn bè trong giờ học như tôi, mặc dù ngay cả khi tôi bị mắng, mọi người vẫn cố tình tìm ra điểm để khen ngợi tôi; ‘Xuyến Chi là một cô bé hoạt bát, ngoan ngoãn nhưng cô bé phải học cách chú ý hơn vào bài giảng'. Chị như một tấm huy chương sáng rực đeo trước ngực, và tôi dường như chỉ là mảnh ruy băng bị bỏ lại phía sau.
Lần đầu tôi nằm viện, chị ấy lúc đó đã mười lăm tuổi, cái tuổi ngông nghênh và nổi loạn. Nhưng Lan Anh lại khác, chị xuất hiện như một nàng công chúa ngọt ngào với những con bướm và cầu vồng xung quanh. Chị ấy thường hay được mẹ đưa đến bệnh viện để trông tôi. Chị rất dịu dàng với tôi, chị chải mái tóc ngắn của tôi, tết thành những cái bím tóc nhỏ xinh với đầy kẹp đủ sắc màu. Sau đó bà sẽ đến và kể cho chúng tôi về những câu chuyện xưa cũ của biển. Chị sẽ kể cho tôi về nơi thành thị đầy phép màu, còn tôi kể cho chị phép màu nơi sóng vỗ gió lùa.
Lúc đầu, tôi sợ chị ấy rất nhiều, vì đối với tôi, chị là một người xa lạ mà tôi chỉ mới gặp gỡ đôi ba lần. Nhưng tôi cũng rất thích người chị này. Lan Anh rất xinh đẹp, ở tuổi mười sáu, chị ấy cao và thanh mảnh, nước da trắng chứ không mang nét đặc trưng ở biển như tôi, ở bên trong chị có hơi thở của vẻ đẹp chốn thành thị, sáng như một ánh đèn trong phòng, không phải xa xôi như ánh trăng mờ nhạt. Chú bác sĩ hay bảo rằng tôi là công chúa, nhưng với tôi, Lan Anh mới là một cô công chúa, còn tôi, là em gái chị ấy.
Tôi học cũng không giỏi, dù tôi học ở một ngôi trường trong làng, thì thành tích của tôi chẳng khắm khá là bao. Lúc tôi vừa đủ tuổi vào tiểu học, ba mẹ đã có ý định đón tôi lên phố lại, để tôi có thể có một nền giáo dục tốt hơn. Nhưng tôi không muốn đi, tôi thích nơi này. Ba mẹ tôi cũng đắn đo lắm, nhưng tôi thương bà, tôi thương cái vùng biển này, tôi không nỡ đi. Một đứa trẻ sáu tuổi thì có thể hiểu gì? Tôi không hiểu gì cả, nhưng tôi biết tôi thích và không thích, tôi thích ở đây và không thích đến một nơi xa lạ nào đó mà không có bà nội. Thế là tôi được phép ở lại, cho đến khi tôi sang cấp hai. Ai mà biết được, tôi chưa sang cấp hai thì đã bị nhốt ở trong bốn bức tường của bệnh viện rồi.
Khác với tôi, Lan Anh luôn học tốt tất cả mọi thứ, từ những môn trên lớp, những môn năng khiếu, chị xinh đẹp, giỏi giang và tài năng.
“Chị đã từng nghĩ, chị ganh tỵ đến mức cầu mong rằng ông trời cũng đưa chị một căn bệnh nào đó như em”, Lan Anh đã nói với tôi như thế và một ngày nào đó ở mười hai năm sau.
Tôi sẽ không bao giờ quên được cái đêm mà Lan Anh khóc nấc lên, hét bằng tất cả sức lực của chị, rằng chị mong rằng tôi chưa bao giờ được sinh ra trước mặt ba mẹ và tôi.
Lan Anh được vinh danh làm đại diện khối mười hai lên phát biểu với một số điểm đầu kỳ lý tưởng. Đáng lẽ, cả gia đình tôi sẽ đến để xem chị, nhưng sao tránh được ông trời, có lẽ ông ấy không muốn tôi và Lan Anh hòa thuận, ngày buổi lễ diễn ra ngay đúng ngày tôi phải đi điều trị sơ bộ. Dù bà nội đã nói rằng bà sẽ chăm sóc tôi nhưng bố mẹ vẫn nhất quyết ở lại, và sẽ đến kịp lúc chị lên phát biểu thôi. Và đương nhiên, họ đến trễ.
Những ngày sau đó, Lan Anh trở thành một người khác, chị trầm mặc, ít nói. Chị chẳng còn dịu dàng ôm tôi vào lòng khi ngủ, cũng chẳng còn kể những câu chuyện thú vị cho tôi nghe. Chị và tôi dường như trở thành hai kẻ xa lạ, điểm chung duy nhất chỉ là dòng máu đang chảy trong chúng tôi.
Tiếng cười trong ti vi dễ dàng lan tỏa khắp căn phòng tối, mọi giọng nói đều trở nên dễ chịu hơn khi lơ lửng giữa mùi thức ăn trong không khí. Tôi hít một hơi thật sâu. Nhìn vào khoảng cửa yên ắng. Đã lâu rồi tôi nới cảm thấy thế này – cảm giác tĩnh lặng run sợ trước điều gì đó phía trước. Tôi liếc nhìn mẹ đang loay hoay trong bếp, vẻ tất bật của bà thu hút tôi, và tiếng phàn nàn về việc Lan Anh lần nữa về nhà trễ làm tăng thêm sự nặng nề trong lồng ngực tôi trong giây lát.
Ngay khi mẹ kết thúc câu nói, một sự thay đổi khiến không khí căn nhà trở nên cô đọng, tôi hướng mắt về cánh cửa khi Lan Anh bước vào, sự hiện diện u ám của chị khiến mọi người chú ý.
Tôi thấy tim mình hẫng đi, nhận ra vẻ nặng nề của chị đằng sau khuôn mặt thờ ơ, khuôn mặt khắc họa nhiều thứ trong những thời điểm khác nhau, những ngày qua chị như một bóng ma trong làn sương mù, che giấu mọi suy nghĩ về phía bên kia làn sương, đe dọa những người muốn bước lại gần. Ánh mắt chị lướt qua tôi, có cái gì đó tan ra, như một tảng băng tiến vào vùng nhiệt đới, rồi khi nhìn về phía bố mẹ, chị trở lại thành bóng tối ám ảnh bên trong sự thách thức.
“Con đi đâu vậy?” Bố gầm gừ, giọng nói ông phá tan đi không khí trong nhà. “Vào ăn cơm đi”. Đôi mắt ông di chuyển khỏi người chị, liếc về phía chỗ trống cạnh tôi.
“Con không đói,” Lan Anh tuyên bố, giọng sắc như gai. “Con về phòng đây.” Và với tiếng vỗ mạnh lên bàn, âm thanh thay thế cho sự phản đối của bố. Lan Anh thì thầm một tiếng gì đó yếu ớt trong cổ họng, chị ngồi xuống, miễn cưỡng cầm đũa lên.
Tôi cảm thấy sức nặng của tất cả đè lên mình khi không khí dừng lại. Có một cái gì đó đè nặng lên trên tất cả chúng tôi, một thứ gì đó vô hình, một sự rạn nứt trong những mạch máu. Tôi cảm giác nó đang kéo chúng tôi đi, cảm giác về tội lỗi và nỗi đau đè lên xương cốt. Tôi mệt mỏi, quá mệt để tiếp tục, quá cắn rứt để ngẩng đầu lên, quá yêu để nhắm mắt và mọi chuyện trôi qua.
Trong một vài khoảnh khắc, tiếng đũa chạm vào chén, tiếng leng keng trên bàn ăn, khiến căn phòng như bị bóng tối đang treo lơ lửng ngay bên ngoài vây lấy, tràn vào nuốt chửng. Cho đến khi tôi nghe thấy giọng điệu khô khốc của Lan Anh cắt đứt im lặng, “Con ăn xong rồi.”
“Bố muốn nói chuyện với con.” Giọng bố nhẹ nhàng nhưng đầy cay đắng.
“Con nó mệt thì ông để nó về phòng đi,” mẹ tôi nói một cách chắc chắn, ánh mắt nghiêm khắc liếc nhìn những người ngồi trên bàn. Lan Anh thở ra chậm rãi, rõ ràng là đang kiềm chế bản thân, nhưng sự im lặng chỉ mời gọi nhiều hơn.
“Hôm nay tôi muốn nói chuyện với nó. Bà đừng xen vào,” bố nói, giọng bình tĩnh sắc bén, “Bố chịu đủ cái tính của con rồi. Con đang tỏ thái độ cho ai xem vậy?”
“Con cũng chịu đủ thái độ của bố mẹ rồi!” Lan Anh đứng lên, bám chặt vào bàn như thể nếu chị buông tay, cảm xúc của chị sẽ cuốn chị đi như một cơn sóng thần, một cái neo tuyệt vọng chống lại những cơn run rẩy đang chạy khắp người chị.
“Cái gì...” lần này là mẹ thì thầm, tiếng thì thầm nhỏ đến mức gần như không được nghe thấy. Và rồi im lặng - lạnh lẽo trống rỗng. Và rồi một tiếng nổ bùng nổ, lớn đến nỗi nó xé toạc chúng tôi, nóng bỏng và thiêu đốt. Lồng ngực bố đang lên xuống phập phồng vì giận dữ, lồng ngực mẹ đang vỡ tung ra vì đau đớn.
Chị mỉm cười, một cái nhếch khóe miệng đầy vụn vỡ, từ ngữ từ trong miệng chị sắt bén như một con dao cắt ngang cảm xúc, " “Con không suy nghĩ cho ai sao? Con mới mười bảy, còn cũng là con của hai người, con vẫn cần được yêu thương mà. Tại sao luôn luôn bắt con phải hy sinh, tại sao luôn luôn là con?” Giọng chị vỡ ra, lơ lửng trong không khí, lấp đầy sự im lặng bằng một mối đe dọa rõ ràng đến mức có cảm giác như thể chính những bức tường đang nín thở.
“Hy sinh? Con hy sinh cái gì? Con có thể có một cuộc sống bình thường, con có một sức khỏe bình thường. Vậy con hy sinh cái gì?” Bố tôi run rẩy, các đốt ngón tay của ông nắm chặt đến trắng bệch, dường như đang cố gắng kìm nén một cái gì đó. Ông chưa bao giờ đánh bọn tôi, có lẽ đối với ông, đánh đòn không phải là phương pháp ưu tiên khi dạy dỗ con trẻ.
“Ông trời bất công với nó thì ba mẹ bất công lại với con sao? Có một sức khỏe tốt là tội ác sao?” Lan Anh nói một cách khô khan, ngón tay thon dài nhẹ nhàng lau đi nước mắt trên mặt, chị lại mỉm cười, nụ cười cay đắng, ganh tỵ và oán giận mà tôi chưa bao giờ thấy ở chị, “Con đã cố gắng, để làm một người chị tốt, học thật giỏi, thật tài năng để làm một người con tốt, nhưng ba mẹ đều nói không đủ. Nhảy không đủ uyển chuyển, đàn không đủ hay, tại sao chỉ có điểm chín mà không phải mười? Còn nó, năm, sáu điểm thì đã đủ tốt rồi, không cần giỏi giang cũng chẳng sau, quậy phá một chút cũng tốt. Nếu con đánh đổi sức khỏe này cho nó thì có phải ba mẹ sẽ yêu con hơn một chút không?” Lan Anh yếu đuối hỏi, như thể mọi hơi thở trong chị đã bốc hơi hết dưới sự thêu đốt của cơn giận.
Không khí bị ép ra khỏi phổi tôi một cách bắt buộc, tôi không thở được, bàng hoàng vì những lời chị nói.
Mẹ run rẩy đứng dậy, một phần vì tức giận, nhưng nhiều hơn là vì vỡ tan trước cảm xúc của cô con gái lớn, có một cái gì đó dịu đi trong bà, bà ôm chầm lấy Lan Anh như thể muốn lấy đi một phần nào đó của Lan Anh, phần đang đau đớn của chị. Lời xin lỗi muộn màng trượt ra khỏi miệng bà và Lan Anh run rẩy trong lòng mẹ.
Rất nhiều năm sau, Lan Anh đã ôm lấy tôi vào một đêm tối nọ, chị nép mình vào lưng tôi, nghe từng hơi thở của tôi. Chị thì thầm: “ Có lẽ những lời chị nói khi ấy đều là lời của một đứa trẻ con, chị cũng đã từng oán giận sự bất công của bố mẹ. Nhưng chị sẽ không bao giờ oán giận em.”
Chị ấy nghĩ rằng tôi đã ngủ, nhưng tôi thì vẫn nghe được những lời chị nói.
Bình luận
Chưa có bình luận