Chưa bao giờ người ta nói biển cô đơn, nhưng những người đến biển, điều mang trong mình một nỗi cô đơn.
Tôi đến vùng biển này vào một ngày xinh đẹp, đầy nắng và rợp mây. Giấc mơ là điều ước không thể thành sự thật và việc mơ về việc nằm lại nơi biển xanh cát trắng này cũng là một giấc mơ hoang đường nhất mà tôi muốn có.
Thị trấn là một nơi vắng vẻ, nhưng như bất kỳ lời khuyên nào mà một dân địa phương có thể nói với bạn, càng gắn bó với mảnh đất này lâu, bạn càng cảm nhận được sự bao bọc của nó. Các bà mẹ loay hoay trước sân, gọi mấy đứa trẻ về nhà; những người đi làm về với vẻ mệt mỏi trên khuôn mặt, nhưng đáy mắt vẫn đong đầy niềm vui mỗi khi chào nhau trên phố. Người dân trên đảo không nhiều, quanh đi quẩn lại chỉ có bấy nhiêu đấy. Nhưng tôi yêu sự nồng hậu của nơi này, tôi thích cách mấy đứa trẻ hay rủ nhau chạy khắp xóm đùa nghịch, tôi thích tiếng gọi ò ơi mua bán của mấy cái ghe vừa đánh bắt cá tươi từ biển trở về, tôi thích cách không ai biết nhiều về tôi, không ai nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại hay lo lắng.
Một con người sắp chết sẽ nghĩ gì, là không muốn chết nữa, hay là tìm một nơi không ai quen mình để an giấc? Tôi thì tìm về nơi này, về với gió và nắng, về với sóng biển và cát vàng, về với bà tôi. Tôi đã từng nghĩ, rằng tôi sẽ ở đây, ở nốt quãng thời gian còn lại, rồi sẽ rời đi trong cô độc. Nhưng sẽ rất nhanh thôi, khi mà tôi sẽ sớm nằm ở nơi mùi y tế tràn ngập trong không khí và tử thần đang chực chờ nên cạnh, ngay cả việc đặt chân đến nơi này tôi cũng không còn đủ tư cách để mơ. Thời gian là một kẻ tàn nhẫn, ông trời đã chia cho tôi quá ít lá bài và tôi chỉ có thể sử dụng những thứ còn sót lại một cách khôn ngoan.
Trời mưa cả ngày, âm u và xen lẫn những đám mây đen xám là vài vệt nắng yếu ớt đầu ngày. Một đêm khó ngủ.
Mãi tới khi đứng dưới vòi hoa sen tôi mới tỉnh hẳn, và trong lúc gội đầu, ý nghĩ của tôi đã lại quẩn quanh chuyện tối qua, đúng hơn là quanh nửa tiếng đồng hồ, khi tôi ngồi trong phòng ăn với gã và những chuyện mà tôi không bao giờ dám mơ đến trước khi gặp Lê Duy An.
Tôi vẫn chưa quen với việc có thêm một người nữa ở trong nhà. Lê Duy An, tôi khẽ nhẩm cái tên trong đầu, nhưng chợt nhận ra hình như cái tên này quen thuộc hơn tôi tưởng. Hôm nay gã chỉ mặc mỗi chiếc áo ba lỗ trắng, quần jean dài, nhưng rách một mảng ngay đầu gối và khá rộng ở trên nhưng lại ngắn hơn so với cả tấc so với cổ chân gã.
Tôi chưa từng được tiếp xúc nhiều với con trai, tôi có bạn học, nhưng đa số bạn bè cũng chỉ là con gái, và tôi cũng không thân thiết với bất kỳ ai, và trong ấn tượng của tôi, bọn con trai đều có những trò đùa tồi tệ vô cùng.
Tôi ngại ngùng nhìn gã, gã cũng nhìn tôi, tôi đỏ mặt. Tôi nghĩ tôi sẽ vào bếp giúp bà bê đồ ăn ra. Chứ chỉ có hai người đối mặt thì có hơi ngại ngùng. Cấu trúc nhà bà Năm khá lạ, xung quanh tứ phía được nối liền với nhau, ở giữa là một khoảng sân trống. Phòng ăn thì ở phía bên trái, còn phòng bếp thì nằm phía ngoài, gần với nhà kho. Phòng ngủ cũng được bố trí không theo bất kỳ nguyên tắc nào, ban đầu tôi thường hay đi lạc vào phòng tắm vào lúc đêm, vài lần do trời tối nên tôi còn suýt nữa thì ngã. Tôi thực sự tò mò là ai đã thiết kế ra loại nhà kiểu này, là do dụng ý hay là cứ xây dựng theo sở thích. Sau này tôi mới biết là do lúc trước nhà Bà Năm đi biển cả chục năm trời mới đủ tiền xây nhà, tiền có bao nhiêu thì xây trước bấy nhiêu, khi nào có thêm tiền thì xây thêm nối vào sau.
Bây giờ khi có Lê Duy An về đây, phòng gã lại sát bên phòng tôi, chúng tôi chỉ cách nhau một cái bức tường. Đêm qua tôi đã nghĩ, trí nhớ tôi không tốt, tối đen mờ mịt liệu nửa đêm mà tôi vào nhầm phòng gã, chắc tôi chuẩn bị đồ dọn đi trong đêm luôn mất.
Thường thì tôi và bà Năm không ăn sáng chung, bà thì thức quá sớm, còn tôi thì thức muộn hơn. Nhưng hôm nay có vẻ bà đã nấu trễ hơn so với thường ngày, tuy là chỉ mới tám giờ kém, nhưng bình thường thì sáu giờ bà đã ăn xong rồi. Tôi hay nghĩ, chắc có lẽ người lớn tuổi sẽ thường hay thức sớm, là do thói quen, hoặc sức khỏe đã chẳng cho phép họ có một giấc ngủ ngon nữa rồi.
Ba chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn gỗ, không khí thì im lặng đến lạ. Thường thì không phải con cháu ở xa về thăm thì nên có nhiều chuyện để nói hay sao? Tôi cảm giác cái ghế dưới mông trở nên cứng lại, cơ mặt cũng tự nhiên cứng theo.
“Có con gái ở nhà sao lại mặc như thế?” Bà Năm nhìn nhìn gã, sau đó nói lên nỗi lòng của tôi.
“Quần áo cháu đem về hôm qua ngã dính bùn hết cả rồi.” Lê Duy An thì rất thản nhiên nói, còn tôi thì không thản nhiên được như gã, tôi thành tâm xin lỗi gã. Tôi cứ hối lỗi mãi, làm sao tôi biết được gã lại đi lạc lên núi cơ chứ? Ai đời lại đi lạc trong chính con đường về nhà của mình. Mãi đến sau này, tôi mới hiểu được, gã không chỉ lạc đường, mà ngay cả con tim gã cũng đã đang lạc lối.
“Để lát nữa bà giặt cho, bùn dính vào thì giặt máy không sạch đâu.”
Thường thì chỉ có mình tôi giặt đồ bằng máy. Tôi lười. Còn bà Năm rất kỹ tính, bà hay bảo giặt máy thì giặt sạch được cái gì, quay qua quay lại vài cái rồi thôi. Thế nên dù đã hơn bảy mươi, bà vẫn thường tự giặt lấy đồ của mình, đôi lúc tôi xót quá, đề nghị giặt giúp, bà lại nhất quyết không chịu. Vài lần bị mắng thì tôi cũng từ bỏ. Tôi tự hỏi nếu bà không giặt máy thì mua máy giặt làm gì cho phí tiền, giờ thì có lẽ là do cháu bà mua cho nhưng lại không ngờ bà mình không dùng, lại để người ngoài như tôi hưởng lợi.
“Không cần, để cháu giặt được rồi,” gã lắc đầu. Bà thì nhăn mặt lại, tôi đương biết là bà không yên tâm để một thằng cháu nhìn lượm thượm mà có thể giặt đồ sạch được. Đến máy giặt mà bà còn không an tâm thì làm sao mà tin tưởng thằng cháu trai nhà mình có thể giặt sạch được.
“Để cháu phụ anh ấy cho ạ!” Tôi nuốt nốt ngụm cháo trong miệng, sau đó qua sang nói với bà, “Giặt toàn bộ thì chắc là nhiều đồ lắm.” Nhưng tôi cũng không ngờ trong người gã chỉ đem vỏn vẹn có ba cái áo bốn cái quần.
Thường thì sau khi ăn sáng xong bà Năm sẽ đi ra ngoài, hoặc là ra vườn chăm mấy luống rau xanh của mình. Chúng tôi sống với nhau chỉ vỏn vẹn một tháng kém, tôi vẫn chưa hiểu gì về thói quen sinh hoạt của bà, tôi cũng không muốn tìm hiểu, nhưng người lớn tuổi thì nên vận động nhiều thay vì chỉ ở một mình trong nhà, như thế sẽ tốt hơn.
Giờ chỉ còn tôi và gã. Sau khi tôi dọn dẹp xong bát đũa thì gã đã bắt đầu đem đồ ra giữa sân. Dường như gã rất có kinh nghiệm trong chuyện giặt giũ, tôi thấy gã loay hoay vò, đạp, bong bóng xà phòng bay ra khắp sân.
Tháng mười lặng lẽ đến trên hiên nhà, mang theo gió đông và ánh nắng len vào trong da thịt. Trong sân nhà bà Năm có trồng một cây hồng xiêm. Giờ vẫn chưa tới mùa hồng nên cây còn xanh lá. Lần đầu tiên tôi đến nhà bà, tôi đã rất thích cái cây này. Nhìn thôi cũng thấy là nó cũng phải bằng tuổi tôi ấy, thân cây to, đã già đến độ vỏ tróc ra từng mảng lớn, nhưng cành lá vẫn um tùm xanh tốt.
Bà Năm rất coi trọng cái cây này, sáng, tôi đã thấy bà tưới nước, dăm bữa thì bón phân, tối trước khi đi ngủ lại chăm nó thêm lần nữa. Tôi nghĩ, có lẽ cây hồng này rất quan trọng với bà, hoặc là do người lớn tuổi thường hay đặt nhiều tình cảm cho những vật đã sống chung lâu. Tôi cũng thích cái cây này, nếu mà nó có quả thì tôi lại càng thích hơn.
Gã không cho tôi chạm vào quần áo của gã. Tôi chỉ có thể đứng nhìn rồi chuẩn bị để treo lên phơi. Gã cũng bảo là chẳng phải lỗi của tôi nên tôi cũng đừng có ăn năn hối lỗi mà giặt giũ giúp.
Tôi ngồi trên bậc thềm, đôi mắt hướng về người con trai với đám bong bóng xà phòng đầy sân. Cánh tay gã to nhưng không thô, kiểu tuy khá mảnh mai nhưng có lực. Nếu hôm qua gã bực quá mà đánh tôi một phát, chắc tôi toi rồi. Nhìn cứ như đại ca xã hội hoặc là một gymer, hoặc là cảnh sát, hoặc là lính cứu hỏa, nhưng hình như cảnh sát hay lính cứu hỏa thì đâu được để tóc dài nhỉ, thế gã là giang hồ xã hội chăng? Giang hồ xã hội nào mà giặt quần áo giỏi thế được? Thế gã làm gì nhỉ? Tôi tò mò.
Nhưng Lê Duy An có một đôi mắt thật đẹp. Tựa nhưng nắng, cũng tựa như biển, lại giống như một mảnh kính vỡ. Mãi lâu về sau, điều ấn tượng đầu tiên của tôi về gã luôn là đôi mắt. Tôi thích ngắm mắt gã, đen và trong vắt. Lê Duy An luôn than phiền về việc gã có một đôi mắt mà ai ai nhìn vào cũng chắc nịch rằng gã là một kẻ đào hoa, nhưng mãi đến khi quen tôi, tôi là mối tình đầu của gã. Tôi lại rất thích đôi mắt ấy. Những đêm trời lặng gió, tôi và gã sẽ kéo nhau ra hiên nhà, tôi thường lấy tay che đi tất cả, chỉ chừa lại đôi mắt trên khuôn mặt gã. Những lúc như thế, Lê Duy An luôn bảo, “Em đang bỏ lỡ những phần đẹp trai hơn của anh đấy”, tôi lại thấy, thứ đẹp nhất trên khuôn mặt con người, luôn là đôi mắt.
“Đôi mắt có thể nói, anh có muốn biết đôi mắt anh đã nói gì với em không?” Tôi nhỏ giọng thì thầm.
Gã nhìn tôi lắcđầu đầy bất lực. Gã hay bảo rằng nếu tôi không học vẽ mà viết sách, thì cuốn sách xuất bản đầu tiên của tôi sẽ có tựa là “1001 suy nghĩ kỳ lạ của Nguyễn Xuyến Chi”.
Tôi tiến lại gần gã một cách nhanh và đột ngột, ở khoảng cách này, tôi có thể nhìn thấy mống mắt gã, "Đôi mắt là một tâm hồn. Và nó đã nói với em rằng bây giờ anh đang rất hạnh phúc."
Với sự tiếp cận đột ngột của tôi, gã nhân cơ hội hôn tôi một cái, khẽ và nhanh như chuồn chuồn lướt trên nước.
Gã cười toe toét, trêu chọc, "Em đang bịp anh à?"
Tôi lắc đầu, nói một cách chắc chắn, "Nó nói với em, người này đã phải trải qua rất nhiều câu chuyện, cho nên bây giờ em phải yêu anh nhiều chút. Nó nói, đừng để nó phải kể thêm một câu chuyện tan vỡ nào về người đàn ông này nữa." Tôi vuốt dọc theo xương hàm của gã, khẽ hôn lên đó một cái. “Đôi mắt là một nhân chứng cho cuộc đời của anh, một thứ đã chứng kiến những gì đã qua, những gì anh đã chiến đấu, những tan vỡ và tổn thương, những điều đẹp đẽ mà anh từng có. Nó không thể che giấu, không thể phủ nhận." Tôi nghiêng đầu, nhẹ nhàng nói.
Khuôn mặt Lê Duy An như thể nứt ra, lộ ra một cái gì đó đau đớn. Rồi cánh tay của gã trên eo tôi xiết chặt tựa như sợ rằng tôi sẽ bay mất. Tâm trí tôi hiện lên một câu xin lỗi, tôi sẽ làm gã phải tan vỡ một lần nữa.
Tôi ngả đầu vào vai gã, để cho không khí tháng ba xen vào giữa chúng tôi, "Và rồi những gì không thể nói thành lời, hãy để đôi mắt anh lên tiếng." Tôi khẽ ngân nga giai điệu thuộc về riêng mình.
.
“Thế…em từ thành phố đến để làm gì?” Câu hỏi của gã treo lửng lờ trên không khí.
Tôi giật mình, những câu hỏi trong đầu tan ra như sương tên biển, lại thẩn thờ nhìn gã một lúc tôi mới hiểu gã đang hỏi gì, “Tôi ấy hả? Tôi đi du lịch."
“Du lịch ở cái đảo hoang vắng này?” Gã nhếch khóe miệng, hướng tầm nhìn về phía tôi. Giọng gã đặc sệt và ngọt như mật ong.
“Sao anh lại nói thế chứ? Tôi từng sống ở đây lúc nhỏ, sau này thì chuyển đi. Mãi mười mấy năm mới được trở về”.
Du lịch? Có lẽ là về thăm quê, hoặc là về để chết ở đây. Tôi chả rõ. Một mảnh nào đó của tôi đã được vùi ở nơi này, hàng đêm đều vãy gọi tôi trở về. Ở tuổi hai mươi, tôi dường như vứt bỏ mọi thứ để chạy trốn một tử cục đã định sẵn cho tôi.
Toi im lặng. Giống như một làn sương mù giăng trên mái hiên vào lúc tờ mờ sáng, tôi chẳng muốn để lộ ra bất cứ thứ gì. Giữa chúng tôi chỉ còn lại nắng vàng trên vai.
Lê Duy An dường như nhận ra gì đó, gã không hỏi tiếp.
“Thế anh làm nghề gì?” Phải một lúc lâu, tôi mới tìm lại được giọng nói của mình, tiếng thì thầm vang lên trong cổ họng. Tôi không mong chờ gã trả lời, tôi chỉ muốn tìm một cái gì đó để đánh lạc hướng, phá đi sự im lặng.
“Tôi là nhiếp ảnh gia,” gã nói, gã lại sửa lại sau một phần giây, “Không, một gã chụp hình thuê thôi”.
Thế thì có khác gì đâu chứ? Tôi vẫn không tưởng tượng một gã cao to như Lê Duy An lại làm một cái nghề thơ mộng thế. Nhưng với đường nét trên khuôn mặt gã, tôi có thể nhìn thấy một anh chàng nhiếp ảnh đầy nghệ thuật.
“Thế em làm gì?” Gã có chút e dè, sợ rằng tôi lại lần nữa chìm vào im lặng.
“Tôi á? Tôi nói hoa mỹ thì là một họa sĩ, còn nói toẹt ra thì là vô công rỗi nghề ăn bám ba mẹ.”
Tôi thích vẽ.
Tôi thích màu xanh, đỏ, màu vàng hổ phách, hoặc đôi khi là màu đen. Nhưng tôi luôn muốn hạn chế ít nhất sử dụng màu đen trong những tác phẩm của tôi. Màu đen thật u ám, giống như vết màu của một con quạ trong đêm tối, một ly cà phê đậm vị không đường đắng nghét, một điềm báo chẳng lành trong một cuốn tiểu thuyết hay giống như tấm áo choàng của nhân vật phải diện.
Nói ra thì tôi và gã khá giống nhau. Nếu việc của gã là chụp lấy vẻ đẹp của vạn vật một cách chân thực thì tôi dùng trí tưởng tượng của mình để bắt lấy vẻ đẹp đó. Nhưng đã lâu rồi tôi không còn vẽ nữa. Tôi vẫn yêu vẽ, yêu những màu sắc sặc sỡ xinh đẹp, nhưng tình yêu to lớn thế nào cũng không giúp tôi cầm nổi cọ nữa.
Gã nhanh chóng giặt xong tất cả đồ, tôi thì chạy ra giúp phơi quần áo. Nhưng vừa đi được mấy bước, đôi chân tôi chẳng còn nghe theo tôi những mà bắt đầu đơ cứng, loạng choạng, tôi ngã nhào xuống đất, đầu đập vào một viên đá vụn, xước một mảng, chảy máu không ngừng.
Lê Duy An bắt đầu hoảng loạn, gã đến chỗ tôi thật nhanh, thấy máu, gã vừa lấy tay vịn chặt vết thương, vừa bế tôi vào phòng khách. Tôi mỉm cười, thì thầm câu an ủi. Gã đưa tôi một cái khăn xoa, bảo tôi phải giữ vết thương cho thật chặt. Đầu tôi bây giờ ong ong, chẳng nghe rõ gì nữa, câu này cứ lộn với câu kia, tôi chỉ biết gật đầu bừa.
Sau khi xát trùng và băng bó, tôi thừa nhận, gã băng bó xấu thật. Nhìn tôi chẳng khác gì có một cục u sưng trên đầu, trong khi tôi chỉ bị xướt bên phải thôi, mà gã băng cả cái đầu tôi. Kiểu này bà Năm về thế nào cũng hoảng hồn.
Một lúc lâu, sau khi cả tôi và Lê Duy An đều bình tĩnh lại, gã có vẻ còn lo lắng cho cái đầu của tôi, cứ giục tôi phải đi bệnh viện mãi. Tôi hết lời khuyên giải gã, rằng tôi không hề có gì hết, và tôi ngoại trừ chảy một ít máu ra thì không hề có chuyện gì nghiêm trọng.
So với cái vẻ ngoài ôi thôi lạnh băng của gã thì gã có một trái tim mong manh phết.
“Em thực sự ổn chứ?” Gã hỏi tôi rất nhiều lần như thế.
Lông mày tôi nhíu lại, như thể câu hỏi làm tôi bối rối và tôi mở miệng rồi lại khép miệng, như thể không chắc mình nên trả lời thế nào. Đôi mắt sâu thẳm biểu cảm của tôi lướt qua khuôn mặt gã, và tôi cắn môi dưới, quay đầu đi. Lần đầu tiên, kể từ khi tôi gặp gã, tôi là người đầu tiên phá vỡ giao tiếp bằng mắt.
Gã nới lỏng tay tôi ra và trong giây lát tôi không hề cử động.
Tôi cẩn thận rút tay mình ra khỏi tay gã và thả lại vào lòng. Tóc tôi rủ xuống má, che khuất tầm nhìn của mình, để mặt đất đọc lên những câu chuyện trong đó.
Điều không thể phủ nhận là nơi gã chạm vào nóng lên như mặt trời thiêu đốt vào tháng bảy, mạch máu dưới da tôi gầm rú với cái chạm xa lạ và đột nhiên có một cái gì đó thôi thúc tôi đòi hỏi nhiều hơn một cái chạm. Khi gã gần tôi đến như vậy, có một sự mê hoặc bung ra trong lòng ngực của tôi, một thứ ngoài tầm kiểm soát - một thứ cần phải bị đè nén. Tôi không hề có ý định làm cuộc đời của mình phức tạp hơn những gì nó có thể có bằng những mối quan hệ sẽ kết thúc trong đau khổ.
Và rồi tôi thấy thứ đang lên xuống ở giữa cổ Lê Duy An, và tôi không thể không thích thú với phản ứng đó. Nó là minh chứng cho việc không chỉ có mình tôi bị choáng bởi vì khoảng cách giữa cả hai. Giờ thì gã đang nhìn chằm chằm vào tôi, không thể đọc được gã đang mong đợi điều gì xảy ra.
“Em bị ngã đến hỏng đầu rồi à?” Lê Duy An hỏi lại, giọng gã chỉ hơn tiếng thì thầm một chút.
Tôi thầm nhủ trong lòng, tên này đích thị là một gã trai ế không biết lãng mạn là gì. Và tôi thì đang hành động như thể là một tên lưu manh đang muốn xàm sỡ con gái nhà lành vậy.
Tôi lắc đầu bảo mình không sao, còn suýt thị phạm đứng dậy múa vài đường làm bằng chứng, mặc dù đầu tôi vẫn còn đau âm ỉ, nhưng tôi lại không muốn nói ra cho người khác biết, suy cho cùng chẳng ai có thể đau thay tôi.
Lê Duy An đã (hoặc là sắp, bởi vì đây là chuyện tương lai mà) nói rằng tôi đang cố chịu đựng một mình những điều mà tôi có thể chia sẻ với người khác.
Có lần, tôi xuống bếp nấu cho gã món cá gã thích ăn nhất từ chiến lợi phẩm của gã.
“Anh đã có công câu thì em xin góp công nấu." Tôi vui vẻ với chiến lợi phẩm của người yêu trên tay, mơ tưởng về bữa ăn thơm ngon.
Tôi không biết nấu ăn, biết làm sao được, khi yêu, con người ta sẽ học những thứ mà có thể khiến cho người kia hạnh phúc. Rồi chuyện gì đến cũng đến, con cá bằng một cách thần kì nào đó đã nhảy lên khi tôi thả nó vào nồi nước sôi. Tôi thề là tôi đã chắc rằng nó đã chết, nhưng mọi chuyện đã quá muộn màng.
“Nó còn sống!" Tôi hét lên một cách hoảng sợ. Gã chạy như bay vào bếp và cứu tôi khỏi viễn cảnh tồi tệ hơn có thể xảy ra. Nhưng một mảnh nước sôi đã kịp bắn lên cánh tay tôi, và giờ thì nó đỏ rợp lên. Trời ơi, nó đau kinh khủng. Nhưng chẳng hiểu sao khi thấy gã hỏi thăm tôi với vẻ mặt đầy lo lắng, tôi lại ngẩn người rồi theo thói quen lắc đầu nguầy nguậy, bảo rằng gã nên lo cho cái bếp của Bà Năm thì hơn.
“Anh biết là em đau lắm, đừng có chối”, Lê Duy An nắm lấy cánh tay đang dần đỏ lên của tôi đầy lo lắng, giờ gã không ngừng xẻ nước vào chỗ bị bỏng.
"Em không sao, thật đấy!” Tôi đau lắm.
“Em chịu đựng làm gì chứ?” Gã hỏi.
“Em thực sự đâu có gì!” Tôi sẽ khóc khi không có gã, tôi chắc nịch như thế.
Bà Năm từ chỗ vườn rau vào nhà, thấy bọn tôi chụm đầu vào nhau như thế thì thắc mắc. Tôi không dám khai rằng tôi đã xém chút đốt cái nhà bếp của bà, nên liền giấu nhẹm. Gã cũng biết điều mà chẳng khai ra tôi, nhưng tay vẫn nắm chặt lấy cổ tay tôi, để nước chảy lên chỗ bỏng.
Tôi là một con nhỏ cứng đầu, hoặc tôi đã học được cách giấu sự đau buồn của mình vào một xó rồi tự nhâm nhi mỗi khi một mình. Tôi không quen sẻ chia.
Có lần, khi tôi đang ngắm những bức hình mà gã chụp cho tôi, những tấm hình thật đẹp, vậy mà gã bảo gã đang dần không nhìn thấy được những thứ đáng chụp nữa. Lê Duy An là một nhiếp ảnh gia tài năng. Không phải vì gã là người yêu tôi mà tôi khen đâu. Những người có thể khiến cho người thấy được cái đẹp trong mắt mình thì luôn là một người tài năng mà. Tôi bỗng nhớ lại những lần đầu gặp nhau, gã thể hiện rõ là ghét tôi kinh khủng lắm, đôi khi tôi sẽ vô ý nhìn thấy cái chau mày nhẹ của gã, hay cái nhìn khá bất mãn với tôi. Thế là sẵn dịp, tôi hỏi tội Lê Duy An
“Hồi đó anh ghét em lắm nhỉ?” Đầu tôi tì vào vai, nghiêng sang nhìn gã.
“Sao lại hỏi thế?” Lê Duy An đánh một cái vào đầu tôi rõ đau.
“Em cảm thấy thế.” Tôi nhẹ giọng, cảm giác như thực sự uất ức.
Gã ngẫm nghĩ, nhìn trời nhìn mây, rồi lại đưa ra một câu trả lời khiến tôi muốn đẩy gã xuống biển ngay lập tức, “Có và không”.
“Sao lại có và không? Sao lại có thể vừa thích lại vừa ghét?” Tôi nghiêng đầu hỏi.
“Thật khó để diễn tả em bằng lời," đôi mắt gã nhìn xoáy vào tôi, và gã chạm và má tôi một cách nhẹ nhàng, "Em lơ đễnh, vụng về, kỳ lạ. Nhưng việc mà anh khó chịu nhất là em khiến anh có cảm giác em đang chống cự lại việc muốn làm chính mình."
Và tim tôi dừng lại trong một phần giây.
Lê Duy An đã từng nói với tôi, "Em sẽ chẳng thể biết được thứ gì bên ngoài nếu em không mở cửa", những ngày đầu gặp gã, tôi sợ hãi. Tôi sợ rằng bản thân đang tự đào một cái hố cho cả hai chúng tôi. Mọi thứ trong đời tôi giống như một giấc mơ không có thực—một thực tế rằng tôi càng gắn bó với nhiều người, tôi mang lại đau khổ cho họ, tôi là sự hiện diện lặng lẽ lướt qua cuộc sống của mọi người, nán lại trong những cái nhìn thì thầm và những cái chạm thoáng qua, rồi vỡ ra trong khí của một ngày nào đó. Cả cuộc đời, tôi neo mình trên bờ vực, cân bằng giữa tiếng cười và nỗi đau, sự thỏa hiệp và chiến đấu, giống như một thứ chạm khắc từ sự lạc quan giả tạo, mỏng manh và dễ vỡ.
"Em không cần phải tự mình chịu mọi thứ đâu, em biết mà," giọng nói gã vang lên trong những mảnh ký ức xa xôi của tôi. Như một vết búa chẻ đôi mặt băng ở vùng cực, gã xé toạt mọi thứ tôi che giấu. Rốt cuộc thì tôi đang chạy trốn mọi cơ hội hay tôi đang hèn nhát đến độ không dám mở cửa đón nhận những thứ cuộc sống ném vào tôi?
Lê Duy An mãi mãi bị ám ảnh bởi sự che giấu của một con người đến mức cực đoan, còn tôi, mãi mãi ám ảnh việc bản thân mình sẽ chịu đựng tất cả.
Bình luận
Chưa có bình luận