02. Con “Thuốc lào”


Trái ngược với hình ảnh khoáng đạt và rộng rãi của vỉa hè bờ kè, xóm của tôi nhỏ lắm. Để vẽ lên sự nhỏ nhắn này tôi sẽ miêu tả rằng chiều rộng của con hẻm chỉ vừa đủ hai chiếc xe máy nhường nhau đi ngược chiều. Như đã nói ở trên, nhà tôi cách mặt đường lớn chỉ non ba mươi mét thôi, nhưng trong vòng khoảng chiều dài ấy, tôi đếm được có tận gần mười lăm căn nhà chia đều cho cả hai bên. Và luôn đồng hành với sự chật chội ấy chính là lũ con nít trong xóm. Chúng đông và vô cùng ồn ào.


Vào mỗi buổi chiều, cậu chủ sẽ mở cánh cửa phía trước ra cho thoáng. Rồi sau đó, cậu sẽ dùng một tấm lưới sắt có những mắt thưa hình ô vuông để làm hàng rào chặn trước cửa, ngăn tôi và lũ con nít ấy. Có vài đứa thường xuyên sang nhà tìm tôi để chơi cùng. Bọn chúng hay đứng phía bên ngoài hàng rào, rồi chồm người vào trong và cố gắng đùa giỡn với tôi. Chỉ một trong số đám trẻ ấy khiến tôi thấy dễ thương vì nó biết ngăn những đứa khác chơi những trò thô bạo với tôi hoặc kéo đuôi của tôi.


Có thể bọn con nít xem việc kéo đuôi một chú chó là niềm vui, nhưng tôi ước rằng bọn chúng cũng có đuôi để biết được cảm giác mắc ị tới đít khi bị người khác kéo sẽ như thế nào. Thậm chí có một lần tôi đã bị tiêu chảy cũng vì thú vui này của chúng.


Tôi có nhớ được tên của vài đứa. Thằng Coca và con Pepsi là hai anh em, cháu nội của ông Hạnh và bà Liễu, tổ trưởng tổ dân phố. Hai đứa này rất hay rượt đuổi nhau. Mỗi lần bọn chúng chạy ngang nhà tôi, tiếng dép xèn xẹt lướt ngang mặt làm tôi rất khó chịu. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao tôi lại thấy khó chịu với tiếng dép ấy. Tôi chỉ biết rằng, bất kì tiếng động nào thình lình phát ra cũng đều gây cho tôi một cảm giác nhồn nhột ngay cổ họng, nó buộc tôi phải sủa đáp lại. Đó là lí do, mỗi khi hai anh em nhà này lướt ngang, tôi lại hay sủa chúng. Mà bọn con nít  tụi nó thì không nghĩ tiếng sủa của tôi là sự bực bội khi tôi phản ứng lại tiếng dép. Chúng chỉ cho rằng tôi đang hưởng ứng cuộc vui của bọn chúng, thế nên chúng càng chạy hăng say hơn.


Con Hiền, là đứa đã ngăn mấy đứa khác kéo đuôi của tôi, nết người cũng giống như tên. Tôi cũng khá thích con Hiền, vì nó thường hay xoa đầu tôi, còn hay khen tôi đẹp trai và quan trọng nhất là nó đối xử rất nhẹ nhàng và dịu dàng với tôi. Ngoài mấy điều đó ra thì tôi cũng chẳng có ấn tượng gì thêm về nó. Cơ bản, người ta có thể nói suốt ngày về những gì người ta ghét, còn những thứ mà họ yêu thích, chỉ một câu gói gọn là xong. Tôi cũng vậy thôi! 


Và nếu có đứa mà tôi thích nhất thì chắc chắn cũng sẽ có con mà tôi thấy ghét nhất. Đó chính là con “Thuốc lào”. Thật ra thì tôi không biết tên của nó. Đúng hơn là tôi không-cần-biết-tên của nó. Các bạn biết đó, khi bạn đã ghét một ai đó rồi, việc nhớ tên của họ thôi cũng khiến bản thân bạn phát nhợn. Nhưng mà nếu cứ mãi gọi nó là con này con nọ, tôi thấy mình thật bất lịch sự. Dù rằng chẳng có tiêu chuẩn riêng nào về sự lịch sự dành cho loài chó, nhưng xét về nguồn gốc (vốn cũng được xem là) sang chảnh của tôi, thì nói về chuyện lịch sự cũng là điều nên có. Cũng chính vì lẽ đó cho nên tôi đã tự đặt cho nó một cái tên. Phải. Nó sẽ tên là “Thuốc lào”.


Và tôi tự thấy mình tài giỏi khi đã nghĩ ra được cái tên đó, vì chẳng có tên nào phù hợp hơn dành cho nó.


“Thuốc lào” là một con bé khoảng sáu tuổi. Hiếu động. Đó là cách người ta hay dùng để nói giảm nói tránh. Chứ trong cách diễn đạt ngôn ngữ của tôi, hiếu động cũng tức là quậy phá. Thật sự tôi chẳng hiểu nó lấy đâu ra năng lượng mà có thể chạy từ đầu trên xuống xóm dưới, chơi giỡn và hò hét ỏm tỏi. Đã không ít lần dì Bảy, là người ở cách nhà tôi một căn, đã phải la nó, kêu nó giỡn vừa phải. Nó cũng có nghe lời đó, nhưng sự nghe lời ấy chỉ diễn ra vỏn vẹn đúng ba mươi giây rồi đâu lại vào đó. Và rồi cứ khoảng ba hay bốn lần được hàng xóm nhắc nhở như vậy, tôi thấy má nó cầm chổi lông gà chạy ra lùa nó vô chuồng, à không, với con người thì đó là nhà, và tiếng khóc của nó khi bị ăn đòn có sức công phá như một quả bom, sẵn sàng thổi bay cả một dãy phố. Những hình ảnh đó cứ đều đặn lặp đi lặp lại mỗi ngày trong suốt những tháng hè. Chiều buông. Con nít túa ra chơi đùa. Con “Thuốc lào” la hét. Nhắc nhở. Má nó cầm chổi lông gà. Lùa vô nhà. Ăn đòn. Và khóc ré lên.


Nhưng những thứ kể trên chưa đủ lí do để tôi đặt “Thuốc lào” làm tên nó. Bạn phải nghe âm thanh của nó phát ra kìa, không chỉ mỗi lần nó khóc không đâu, mà còn cả những khi nó nói chuyện nữa. Tôi ước gì vào một thời điểm, khi công nghệ phát triển vượt trội, các kĩ sư sẽ cài được thứ âm thanh chói tai ấy vào những dòng này, để khi có ai đó đọc tới thì âm thanh ấy sẽ phát ra, và người ta sẽ dễ dàng cảm nhận được mức độ kinh khủng của nó.


Đó là thứ âm thanh khàn và đục như tiếng pô xe máy bị dính nước. Chưa hết, âm thanh đó còn cực kì tối và trầm, cái sự trầm và tối đó lòn dưới mỗi câu mỗi chữ mà nó thốt ra. Nó không giống với chất giọng dễ thương trong trẻo của các bé gái trong mấy câu chuyện cổ tích miêu tả một chút nào. Nó hoàn toàn trái ngược hẳn. Nó là thứ âm thanh của con Cám, là tiếng của bọn chằn tinh, là giọng của bà hoàng hậu dụ nàng Bạch Tuyết ăn táo, và là tổng hợp của những thứ kể trên. Nó là thứ âm thanh nghe hơi nhựa nhựa, khào khào và được phủ lên đó một lớp khói mờ mờ giống như lúc mấy ông hút thuốc lào mà bị sặc rồi ho khản cổ.


Tất cả những sự kinh dị đó nằm gói gọn trong một đứa con nít. Sáu tuổi. Và tôi thì vô cùng dị ứng với thứ âm thanh quái quỉ này. Nó không cần phải la hét, chỉ cần nghe nó nói chuyện, là tôi đã muốn cắn cho nó một phát ra trò!

0

Hãy là người bình luận đầu tiên nhé!

Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout