1.


Trời đã tối. Mưa vẫn đang tuôn xối xả như thể muốn rửa trôi, chôn vùi hết những đớn đau, khổ ải, nhất là của kẻ đang còn lay lắt chân thấp chân cao ngược chiều gió mưa. Tấm lưng còng trĩu nặng, chừng như bao nhiêu kiếp nạn trên đời đang oằn lên đôi vai ấy đầy tuyệt vọng. Lạ thay, đôi vai, tấm lưng vốn của một chàng thanh niên còn trẻ, sức đang dài, vai đang rộng, đáng ra phải ở cái độ chín muồi nhất của tuổi xuân phơi phới.


Chàng trai lê bước tới bến sông, theo thói quen ngẩng đầu lên tính gọi một tiếng Đò ơi. Ập vào mắt chàng là dòng lũ đang thét gào trước mặt. Không một bóng đò. Không một bóng người. Màn mưa trắng xóa vẫn tát thẳng vào mặt chàng, đau đớn. Chàng gục xuống. Đôi chân quỳ sụp xuống bùn như không đỡ nổi sức nặng cơ thể. Nước bùn bắn lên khắp người, làm vấy bẩn thêm cả những chỗ mới chỉ ướt sũng vì mưa nhưng hẵng còn sạch sẽ. Bùn bắn cả lên mặt chàng, nhưng rồi nước mưa nhanh chóng khiến chúng trôi tuồn tuột đi. Chàng nhắm mắt lại, để mặc những dòng nước chảy xuống từ trên đỉnh đầu, thấm qua tóc, chảy qua má, mắt, miệng, đôi lúc có vị mằn mặn, nhưng rồi nhanh chóng qua đi. Lạnh buốt. 


Cái lạnh từ ngoài thấm ngược vào trong, rồi lại ngấm từ trong ra ngoài. Chừng như ở bên ngực trái, nơi vốn ấm áp nhất, mềm mại nhất, khởi nguồn cho những dòng máu nóng hổi lan tỏa khắp cơ thể, giờ trở nên rắn lại, mất đi gần như hoàn toàn nhiệt độ, hóa thành một hòn đá. Cứng đanh và lạnh lẽo. Cái lạnh lan dần, lan dần ra xung quanh.


Chàng ôm gối, gục đầu xuống, chấp nhận bị nỗi tuyệt vọng đánh bại hoàn toàn. Chàng ngồi đó bất động. Một canh giờ, hai canh giờ, nhiều canh giờ trôi qua. Tấm áo nâu bạc màu ướt đẫm nước cũng dần dần đông cứng lại. Lạnh toát.


Nơi ấy, chỉ còn một hòn đá bạc phếch như chịu vô vàn gột rửa của thời gian. Chẳng ai hay, thẳm sâu trong lòng hòn đá, vẫn còn một ánh sáng nhỏ bé, le lói trong bóng đêm, mong chờ một ngày được giải thoát.


Giải thoát khỏi nỗi tuyệt vọng đã khiến chàng trai hóa đá.


2.


Nhiều ngày sau, một buổi chiều khi hoàng hôn buông xuống, một người trai khác xuất hiện bên bờ sông ấy. Nét mặt mệt mỏi, vương đầy buồn thương. Chân chồn gối mỏi, người ấy đứng tựa vào hòn đá bạc màu gió sương một chốc. Ngửa mặt lên trời, một tiếng thở dài tan vào trong gió. 


“Lang ơi, em ở đâu.”


Gió bỗng nổi lên, xào xạc qua những vòm lá xanh ngắt xung quanh. Cây đa, cây gạo gần đó nhất thi nhau rì rào như đang tranh nhau kể một điều gì đó. Người con trai ban đầu không buồn để ý, vẫn chìm trong nỗi hối hận đang gặm nhấm tim gan. Nhưng rồi dần dần những tiếng rì rào tưởng như vô nghĩa ấy bỗng tạo thành từng âm sắc, xuyên qua nỗi hối hận như một cây kim mỏng mảnh mang theo sợi chỉ dài xỏ xuyên qua tấm da dày.


“Lang là đá, đá là Lang

Tân tựa vào đá, Tân tựa vào Lang…”


Người trai dần dần tỉnh hồn lại từ trong màn sương mù đang phủ kín tâm trí. Anh run rẩy đứng thẳng lên, cúi người nhìn xuống tảng đá mình vừa tựa vào nghỉ chân. Như có một ánh chớp vụt qua tâm trí, anh nhận ra nơi từng là mái đầu xanh đang gục xuống gối, nhận ra một chỏm đá vốn phải là đôi bàn tay. 


Tân, tên người trai ấy, cảm giác như toàn bộ máu trong người đông cứng lại. Một lần nữa, anh để mặc cho nỗi hối hận gặm nhấm toàn bộ cơ thể. Bàn tay run lên khẽ khàng chạm vào ‘đỉnh đầu’ của tảng đá, nơi từng là Lang, em trai ruột thịt của mình. Một cảm giác lạnh toát lan dần, từ đầu ngón tay, lên cánh tay, lên vai, lan xuống ngực, xuống bụng, xuống chân, rồi ngược lên vai, lên đầu. Và cuối cùng, là trái tim đang đập liên hồi vì xúc động. Trái tim đập thêm ba nhịp cuối cùng, rồi bất động, tỏa ra một làn ánh sáng xanh biếc rực rỡ bao trùm cả Tân lẫn tảng đá bên chân. Nỗi hối hận của Tân đã đi đến tận cùng.


Khi làn ánh sáng tan biến, cạnh bên hòn đá không còn người trai có dáng vẻ lam lũ đau thương nữa. Chỉ còn một gốc cây thẳng đứng, cao vút, với tán lá xanh mướt mải miết vươn cao lên bầu trời như những bàn tay kiếm tìm gì đó.


Trong niềm hối hận vô biên.


3. 


Lại nhiều ngày qua đi, một người con gái xuất hiện bên thân cây, bên tảng đá vào một buổi chiều đầy mây. Cô vén tay áo lau mồ hôi lẫn nước mắt loang lổ trên gương mặt. Đò đã nghỉ, trời sắp tắt nắng. Có lẽ cô phải nghỉ lại đây một đêm. Chặng đường đi tìm chồng của cô chắc hãy còn xa lắm. Cô có quá nhiều điều cần nói, cần giải thích với anh.


Linh tính mách bảo, cô ngồi tựa vào thân cây thẳng đứng bên tảng đá. Khi lưng cô chạm vào thân cây, bỗng cô thấy thân cây như rung lên nhè nhẹ. Nhưng đã quá mệt mỏi, cô nhanh chóng bỏ qua cảm giác kỳ lạ ấy và tựa đầu lên thân cây, nhắm mắt ngủ quên đời. Trong giấc mơ của cô, có một bát cháo đỗ đen, một đôi đũa gỗ, và hai chàng trai đang nhường nhau ăn cháo.


Khi bóng đêm cuối cùng cũng bao phủ khắp nơi, từ trong thân cây, một bóng người hiện ra. Tân buồn bã nhìn gương mặt đang say ngủ của người vợ thân yêu. Chỉ vì một phút hiểu lầm, chỉ vì một phút sai sót, giờ cả ba người họ ở cạnh nhau mà vĩnh viễn không còn được gặp nhau. Chàng một lần nữa run rẩy giơ tay, ngập ngừng tiến lại gần gò má trở nên gầy gò của vợ. Anh thì thầm, mặc dù không còn ai nghe thấy.


“Phù, ta xin lỗi em!”


Vừa chạm đến làn da của cô gái, lại một làn ánh sáng xanh biếc lóe lên bao phủ cả ba. Khi ánh sáng tắt, Tân biến mất, cô gái cũng biến mất. Từ dưới gốc cây cao vút thẳng đứng, gần chân tảng đá, một mầm xanh xuất hiện, nhanh chóng vươn lên, mọc chồi, vươn về phía cây cao. Cành cây mới mọc khẳng khiu mềm mại nhanh chóng uốn quanh thân cây vững chãi, lần lượt vô số những chiếc lá màu xanh mướt hình trái tim mọc ra.


Gió thổi thật nhẹ, những chiếc lá khẽ khàng đung đưa theo gió. Đêm càng về sâu, tiếng dế cũng đã im bặt. Không gian tĩnh lặng chẳng có lấy một âm thanh.


Bất chợt, một tiếng thở dài vang lên khắp thinh không. Duyên từ bát cháo ngày xưa đã tận. Nhưng là, duyên mới có lẽ sắp sinh ra.


4.


Đất trời hạn hán. Cỏ cây khô rang, úa vàng. Những cánh đồng lúa chiêm ngập nước giờ nứt nẻ, nóng rẫy. Cua ốc bò lổm ngổm lên bờ vì nước ao hồ quá nóng, nhưng rồi lên đến bờ cũng lại bị đất hun nóng mà chết khô. Đã rất nhiều tháng chưa có một giọt mưa, dân chúng bỏ ruộng lên rừng đào khoai, đào sắn để ăn, chặt bương, chặt nứa chỉ mong tìm được thêm vài giọt nước. 


Con sông nọ cũng đã sắp cạn trơ đáy, còn đâu cảnh sông nước mênh mông ngày nào. Dưới lòng sông, những chiếc thuyền mắc cạn chơ vơ, bởi chủ cũ cũng đã bỏ bến mà đi. Mặt trời thiêu đốt như muốn nướng chín vạn vật, khiến luồng không khí bị hun nóng cũng như uốn éo méo mó trong tầm nhìn.


Có một vị vua đi tuần khắp nơi để cứu trợ thiên tai, một ngày dừng chân bên bờ sông cũ. Lạ thay, xung quanh cây cối đều èo uột khô khốc. Chỉ có một thân cây cao thẳng đứng, tàu lá tẽ ra như bàn tay khổng lồ màu xanh ngăn ngắt in trên nền trời, thấp thoáng trong tàu lá là những chùm quả xanh như viên ngọc, to bằng trứng chim. Dọc theo thân cây là một thứ dây leo kỳ lạ, vô số lá hình trái tim xòe nở như mời gọi với một màu xanh ươm tươi tắn.


Vua sai người hái thử một ít quả trên cây bổ ra nhai thử, vị chát không ngon cũng chẳng có nước. Ông lại sai lấy lá cây leo nhấm thử, vị cay nồng. Ông thầm nghĩ, lẽ ở đời khi có những thứ cây mọc cùng chỗ với nhau, chúng luôn có tác dụng chung nào đó. Rồi ông nhai thử cả hai cùng với nhau, bỗng có thứ nước tuôn ra ngọt ngào, nồng đượm, cay nhưng thơm ngát cả môi miệng. Tuy nhiên, không thể nuốt bã nên ông bèn nhổ ra ném xuống đất. Tình cờ chỗ vua ném bã lại là tảng đá ngay cạnh thân cây. Bã chạm vào đá, nước cốt còn lại hòa vào đá đổi màu đỏ như son.


Người đời nghe kể chuyện xưa, gọi chúng lần lượt là trầu không, cau, và vôi, tượng trưng cho tình duyên đôi lứa thắm đượm nồng nàn.


5.


Nhiều năm sau, vật đổi sao dời. Con sông vẫn bên lở bên bồi, bãi bồi đã hóa nương dâu, bến đò cảnh còn người mất.


Dưới gốc đa ven sông, một quán nước nhỏ đã xuất hiện tự bao giờ. Một chiếc chõng tre, đôi ba chén trà, một vài ấm nước vối ủ trong giỏ chèn vải bông giữ ấm. Một đĩa đựng dăm ba chiếc kẹo lạc, vài mươi hạt lạc rang húng lìu. Nhưng đặc biệt nhất, là một chiếc đĩa gốm me xanh, chính giữa là hộp nhỏ sơn son đựng vôi trắng phau, thêm một chiếc dao bạc nhỏ để quết, vòng quanh hộp là hơn chục miếng cau bổ sáu khéo léo tách vỏ cài hoa, gắn vào những miếng trầu têm cánh phượng xanh mướt xinh xắn.


Khách vãng lai có người dừng chân xin miếng nước trong lúc đợi đò, nhưng đa số đều đi lướt qua vẻ đầy hờ hững.


Có người khách vốn định đi lướt qua, nhưng rồi ánh mắt chàng lướt đĩa trầu cau đầy ngạc nhiên. Một ký ức nào đó như bừng lên trong đầu. Chàng nhanh chân bước đến cạnh quán nước, hấp tấp cất tiếng hỏi bà cụ chủ quán. 


“Chào cụ, cụ cho tôi hỏi, là ai đã têm những miếng trầu đẹp thế này vậy?”


Bà cụ ngẩng đầu lên. Mái tóc ngả màu bạc lấp ló dưới lớp khăn mỏ quạ màu đen. Gương mặt hiền từ với những nếp chân chim đong đầy khóe mắt, nhất là khi bà nở nụ cười hiền lành. Đôi môi đỏ thắm đang nhai trầu móm mém giờ ngừng lại để trả lời người khách lạ.


“À, đứa cháu gái của già têm giúp cho già đấy.”


Vừa trả lời, bàn tay bà lão vẫn từ tốn thắt những nút mới từ mấy sợi chỉ màu đỏ được bện vào nhau. Cạnh bàn tay của bà, nằm gọn gàng trong góc ghế, là một quả thị vàng óng ả nằm im ắng trong giỏ tre, màu vàng như nắng mùa thu ngọt ngào.


Người khách nghĩ đến một cô bé con để tóc trái đào, lòng thoáng thất vọng, nhưng chàng vẫn cố hỏi lại.


“Thế cháu cụ đâu ạ, tôi muốn hỏi xem ai dậy cháu têm trầu mà đẹp quá.”


Bà cụ mỉm cười, ánh mắt hấp háy.


“Nó về chỗ của nó rồi. Còn lâu lắm nó mới quay lại. Nếu có duyên, lần sau chú đi qua đây có lẽ sẽ gặp thôi.”


Khách chỉ thở dài, xin một chén nước vối uống rồi đặt vài đồng tiền lên cạnh khay nước, trước khi quay lưng bước về phía bến sông. Đò ngang đã cập bờ, người bước xuống, kẻ xếp hàng chờ bước lên.


Sau lưng chàng, quả thị bỗng nhẹ nhàng nhúc nhích trong giỏ. Nhưng rồi bà cụ phủ một tấm khăn lên, vỗ nhẹ như dỗ dành. “Duyên chưa đến lúc, con ạ!”


Rồi bà cụ tiếp tục buộc những sợi chỉ bện vào nhau, thành một chiếc túi lưới màu đỏ thắm. Bà nhẹ tay nhấc quả thị ra khỏi giỏ và thả vào trong túi. Màu chỉ đỏ càng tôn thêm lớp vỏ vàng của quả thị, tạo thành những hoa văn hình quả trám xinh tươi, vui mắt. Bà treo túi thị lên vách nứa, thoáng khuất sau cái kệ gỗ để các thức quả khô kẹo bánh chờ được bày bán.


Quả thị ở đó một ngày, mười ngày, rồi héo hon, khô quắt lại. Và quả thị biến mất. Người khách nọ cũng không thấy quay lại.


6.


Lại thật nhiều năm sau, nhằm vào thời loạn lạc, giặc giã khắp nơi, giặc từ bên ngoài cũng có mà giặc từ bên trong cũng có. Dân chúng trôi dạt tứ xứ, vô số người phải bỏ đất mà đi. Đàn ông tòng quân ra trận, nhưng ở nhà phụ nữ người già trẻ con dắt díu nhau chạy giặc. Nếu đàn ông may mắn sống sót trở về, đợi ở nhà chỉ còn bốn bức tường trống trơn.


Bên sông, bến đò vẫn còn đó, dù cả đò lẫn người đưa đò đã chẳng còn như xưa. Cạnh cây đa, quán nước vẫn còn với một bà cụ già chủ quán, với cái chõng tre và ấm nước vối. Một cô gái trẻ trông coi quán nước cùng với bà cụ, nhưng ít khi ra ngoài gặp khách mà luôn trốn trong nhà. Ngay cả khi cần mua thêm đồ đạc trong quán, người đi ra ngoài vẫn luôn là bà cụ, vì lẽ dòng đời rối loạn, thân con gái không nên lộ mặt bên ngoài để tránh đi những điều không đáng có.


Ấy nhưng một hôm, bà cụ bỗng gọi cô gái.


“Phù ơi, hôm nay có chợ, con sang bên kia sông tới trấn trên, mua cho bà mươi gói bỏng gạo ở lò làm bỏng của ông Tâm nhé.”


Cô gái thoáng ngỡ ngàng, nhưng rồi vẫn làm theo lời bà dặn. Cô nhanh tay cuộn mái tóc đen dài vào trong miếng vải gấm nâu, rồi vấn một vòng quanh đầu chít lại, chỉ để một lọn tóc nhỏ lộ ra ngoài. Khoác chiếc áo mầu nâu đất non ra ngoài áo cánh, cô xách cái rổ tre phủ tấm vải mỏng rồi cúi người bước ra khỏi căn lều tranh nơi có quán nước của hai bà cháu lâu nay. Trong rổ là một buồng cau nhỏ cùng mươi lá trầu tươi, bà của cô nhờ cô mang giúp cho một nhà trên trấn.


Cô gái tên Phù nhanh chân rảo bước về phía bến đò khi thấy con đò đã xuất hiện trong tầm mắt. Dưới bến, đã có vài người khách đứng sẵn chờ qua sông. Trong số đó, có hai người con trai khiến cho tầm mắt cô vô thức dừng lại, như thể có một thứ gì đó thân quen lắm. Mặc dù cô chắc chắn từ khi mình có ký ức, hai gương mặt này chưa từng xuất hiện quanh đây.


Đò đã cập bờ, bác lái đò quăng dây thừng lên cọc gỗ trên bờ rồi rút tấm cầu ván đặt nối giữa vách thuyền và bến gỗ. Lần lượt khách trên đò lục tục bước xuống, kẻ lam lũ vội vàng, người ung dung thong thả. Chờ khách xuống hết, bác lái đò mới bước lên bờ chuẩn bị đón lượt khách mới.


Khách trên bờ mỗi người mỗi vẻ, giàu nghèo sang hèn đều có, nhưng ai nấy đều trả đúng hai hào tiền đi đò, ai nấy đều phải nghiêm chỉnh chờ tới lượt mình bước lên cầu ván lên đò. Hai người con trai nọ đi dịch dần lên phía trước, nhưng rồi một trong hai thoáng thấy Phù đứng sau lưng mình. Chàng khẽ kéo tay người đồng hành, rồi tránh qua một bên nhường cho cô lên trước.


Phù e thẹn gật đầu cảm ơn người lạ, rồi cúi mặt bước qua hai người ấy. Một chốc sau cô nghe thấy hai chàng trai sau lưng, trông dáng vẻ chắc là hai anh em trai, khẽ thì thào với nhau.


“Cau ngon tìm đến trầu xanh, Hỏi anh tìm đến duyên lành hay chưa?”


“Lang, chú có thôi đi không, đừng có trêu ghẹo lung tung như thế.”


“Em chỉ đùa một chút thôi. Từ mai anh đi vắng rồi, em làm gì còn ai nữa mà trêu. Nên giờ em đành phải trêu bù cho bao nhiêu tháng ngày sắp tới.”


Cô gái khẽ giật mình, và cố ép mình đứng yên không được quay đầu lại.


Họ lần lượt bước gần đến cầu lên đò hơn. Cô gái đưa tay vào rổ mò mẫm rồi lấy hai đồng xu một hào ra đưa cho bác lái đò, rồi bước lên tấm ván gỗ bắc cầu đang hơi rung rinh theo nhịp bước chân. Hai người con trai kia cũng bước theo sau lưng cô. Họ lên đò rồi ngồi vào chỗ, cô gái ngồi hàng trước, hai chàng trai ngồi hàng phía sau. Họ là ba người khách cuối cùng bước lên. Người lái đò cũng lên sau lưng họ, rút tấm ván làm cầu cất xuống dưới phần ghế ngồi, rồi tháo dây buộc thuyền và từ từ chống sào đẩy đò ra xa khỏi chỗ cạn.


Sông nước mênh mang mở ra trước mắt, đò lắc qua lắc lại nhịp nhàng theo mái chèo của người lái. Đây đó những cụm bèo lục bình trôi phập phù theo sóng nước, màu hoa tím mướt đến nao lòng. Bầu trời xanh trong in bóng dưới làn nước xanh ngăn ngắt, mát rượi. Hơi ẩm như phả lên mặt những người khách đi đò.


Đò trôi lững lờ theo nhịp chèo của người lái. Khách im lặng không ai nói câu nào, như thể đang bận ngắm cảnh xung quanh. Bỗng một tiếng phành phạch vang lên khiến ai nấy giật mình quay đầu sang phía đó. Một cánh cò bay vụt ngang qua, chắc hẳn nó vừa cất cánh từ gần đâu đó.


Như được gợi lên tâm tình, bỗng người lái đò cất tiếng hát, mấy lời ca mộc mạc bay vút lên cao, đánh vỡ sự tĩnh lặng trên con sông vắng.


“Gọi đò… ối a… chẳng thấy đò thưa… í à


Càng chờ… càng đợi… í a… càng trưa… càng trưa ới a… chuyến đò.”


Đò sang… đò sang, người có còn chờ…


Hay là, ôi là, đò chưa tới… cánh cò… cánh cò…ơi à… cánh cò đã bay xa…”


Đò sang tới bến, khách đi đò ai nấy lại lũ lượt bước xuống. Cô gái thoáng ngập ngừng liếc sang hai vị khách ban nãy. Chừng như có cái gì đó níu kéo nhưng rồi lại không đủ khiến cô dừng lại lâu. Bước chân cô nhanh chóng hướng về phía con đường mòn lên trấn. Qua khóe mắt, cô thấy hai chàng trai vừa nói vừa cười đi rẽ sang một con đường khác. Họ bỗng quay sang phía cô, dáng vẻ như thể muốn nói điều gì đó, rồi lại thôi.


Mỗi người mỗi ngả, theo dòng đời đưa đẩy.


Nhiều năm sau, một người đàn ông về qua bến đò cũ, quán nước vẫn ở đó, nhưng chỉ còn bà cụ già dường như vẫn không có nhiều thay đổi. 


Nghe đâu, cô gái đã mất tích sau một đợt giặc càn qua vùng đó.


Nghe đâu, người đàn ông ấy có một anh trai đi lính, nhưng vĩnh viễn không về.


Bà cụ già vẫn ngày ngày quết vôi, têm trầu, bổ cau, bán nước. Có ai hỏi hình như bà cụ đang đợi chờ ai, bà cụ chỉ mỉm cười hiền từ và trả lời.


“Duyên mười năm đã thành, duyên trăm năm đã trọn. Già đang đợi duyên khởi của ngàn năm.”


7. 


Ngày qua ngày lại qua ngày. Người đến rồi lại đi, lá vàng rụng rồi lá xanh lại mọc. Bốn mùa đổi thay, đất hoang hóa thành làng xóm, con sông hết đầy lại vơi. Bao nhiêu kiếp người đã qua, bao nhiêu kiếp người sẽ tới, và bao nhiêu duyên kiếp sinh sôi.


Bỗng một ngày, đi lướt qua nhau, một điều gì đó níu ta đứng lại. Chào một câu, mời một miếng trầu, từ trầu xanh thành môi đỏ thắm, mở đầu cho một câu chuyện mới. Lần này, không còn chiến loạn, không còn phân ly. Lần này, tâm trí ta đã đủ vững chãi để vượt qua mọi thử thách, vượt qua nỗi tuyệt vọng, làm được cái gọi là ‘vô hối’ bằng sự chân thành và bằng niềm tin vào lòng người mà ta đã chọn. Tình thân, tình yêu, tình bạn, tất cả đều sẽ vượt qua trắc trở mà thành chính quả.


Một đêm nọ, một làn ánh sáng xanh biếc lại xuất hiện, bao trùm lên cây cau, dây trầu không cùng với tảng đá do hai anh em và cô gái nọ hóa thành. Khi ánh sáng xanh tan vào không gian, cả ba cũng biến mất. 


Bà cụ đứng cạnh gốc đa cổ thụ chứng kiến tất cả. Bà mỉm cười khẽ phất tay một cái. Quán nước biến mất, bà cụ cũng hóa thành một làn khói màu trắng bay lên trời, không còn tăm tích.


Duyên đã thành. Ở một nơi nào đó trong ba ngàn thế giới, có lẽ duyên ngàn năm đã hội tụ, người có tình đã thành quyến thuộc, kẻ có duyên đã gặp lại nhau.


Duyên tận.


-Hết-


***


Bình luận

  • avatar
    Sir Colchian
    Thương. Nhớ. Đợi. Mong. Mình không thể nói chắc cảm nghĩ sau khi đọc xong là gì. Đại để là truyện hay. Phong vị ngàn xưa thoát ra trong từng chi tiết.
    • Generic placeholder image
      Lãnh Vân
      Ui chào bạn, rất xin lỗi vì tới tận hôm nay mình mới nhìn thấy bình luận này của bạn. Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã đọc và đã để lại dấu ấn sau khi đọc. Nói chung là câu chuyện nó cũng chỉ bảng lảng chơi vơi như một sợi dây dài đằng đẵng, sợi dây tơ nối duyên phận giữa người với người, nếu gặp may thì sẽ nối tiếp đời này qua đời khác :D Như mối duyên kéo bạn vào đọc truyện này chẳng hạn :D
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}