– Anh trai, chơi hông?


Gã thậm chí không thèm quan sát thằng điếm, chỉ dụi tắt điếu thuốc rồi đáp một tiếng “không” gọn lỏn. Chẳng biết vì sao nhóc này nghĩ rằng gã có nhu cầu với nó, hay với bất kỳ một nhóc nào khác, nhìn kiểu gì cũng thấy gã đã mệt nhoài rồi, bảy tiếng ròng đứng trong bếp từ ba giờ chiều đến mười giờ tối đã vắt hết sức gã. Làm ơn đi, gã chỉ muốn yên ổn chờ xe buýt, xe tới thì lại yên ổn lên xe lắc lư về khu nhà trọ, sau đó tắm một cái cho hết mùi dầu mỡ chiên xào rồi lăn ra làm một giấc đến tận sáng mai.


Nhưng thằng nhóc này lại chẳng thức thời trước vẻ lạnh nhạt của gã chút nào. Nó cứ đứng đó, đến khi gã tưởng nó sắp đi kiếm mối khác thì lại đặt mông ngồi xuống băng ghế, cười hì hì nói:


– Trời lạnh quá hà, anh cho em xin điếu thuốc nha.


Lúc này gã mới quay đầu nhìn nhìn nó. Thằng nhóc cũng sáng sủa, khóe miệng cười cong cong lên ít nhiều còn nét thơ ngây, nhưng cái lối ăn mặc rõ là của đám trai đứng đường, quần jean trễ cạp bó sát như để khoe cho rõ cặp mông và đùi, áo khoác gió mỏng, bên trong lấp ló cái áo thun trắng khoét cổ sâu. Vừa lẳng lơ vừa rẻ tiền. Gã đưa thuốc qua, thuận miệng hỏi:


– Mày mấy tuổi?


– Í? – Thằng nhóc rút một điếu, mắt sáng lên. – Anh đổi ý rồi hả? Anh yên tâm, em năm nay 21, đủ tuổi đủ tuổi.


Gã thấy kỳ cục. Hồi 18, 19 cái mặt gã đã già dặn lắm. Học hết cấp cơ sở gã bỏ lên thành phố chạy việc cho quán phở của ông chú, rồi dính luôn nghề đầu bếp, tài năng đủ để phục vụ mấy quán nhậu bình dân. Tuy là gã không để râu, nhưng dấu vết lửa bếp và hơi nóng để lại trên da cộng với nếp nhăn giữa hai chân mày đủ để gã trông già hơn tuổi thật, 28 nhưng trông cứ như ông chú trên 30. Thế quái nào mà thằng nhóc ăn sương vẫn trông như học sinh trung học thế này. Gã lại hỏi:


– Mày làm lâu chưa?


Thằng nhóc đang loay hoay tìm bật lửa thì hơi khựng lại, nhưng chỉ cười cười không trả lời. Đúng lúc xe buýt trờ tới, gã đứng dậy lên xe, không ngó ngàng gì tới nó nữa.


Mấy đêm sau gã lại gặp thằng nhóc đó. Vẫn cái quần nhìn căng như muốn rách và cái áo hận không thể khoét sâu hơn, nó hớn hở đến ngồi cạnh gã như lần trước, khiến gã có cảm giác như nó đang chờ mình tới.


– Anh trai, chơi không?


– Không.


– Trời lạnh quá hà, anh không muốn có ai nằm cùng sao?


– Tao chỉ muốn ngủ thôi, mệt muốn chết.


– Vậy anh mát-xa đi. Em biết mát-xa nữa đó.


Gã nheo nheo mắt nhìn nó, nó lại cười hì hì. Xe buýt tới, giống như lần trước, gã lên xe mặc nó ngồi lại trên băng ghế chờ. Chẳng cần biết gã có nhìn qua cửa kính xe hay không, nó vẫn vẫy vẫy tay theo.


Lần thứ ba gặp nhau, gã là người lên tiếng hỏi trước, rằng:


– Chú em mày cắm rễ ở đây hả?


Thằng nhóc vừa mới đặt mông ngồi xuống, liền tươi cười bảo:


– Hồi trước em ở đường khác, giờ em ở đây luôn.


– Tại sao?


– Tại em thích anh đó.


Thằng nhóc cười toét, nói mà không may mảy ấp úng hay ngượng ngùng, hệt như câu nó vừa nói chỉ là một câu vô thưởng vô phạt. Bởi vậy gã phá lên cười.


– Tụi mày đứa nào cũng nói láo không chớp mắt vậy hả?


Thằng nhóc không đáp lại, chỉ im lặng cười cười.


Người ta gặp nhau ba lần dù không muốn cũng thấy quen mặt, huống hồ gã còn gặp nó lần thứ tư, thứ năm… Dần dà, gã không còn thấy lạ lùng hay phiền phức khi chạm mặt thằng nhóc ở trạm xe buýt nữa, như thể việc nó xuất hiện trước mặt gã là một điều hiển nhiên. Thằng nhóc cũng không mời mọc thân thể nó với gã nữa mà chỉ nói những chuyện vu vơ vớ vẩn, như hôm nay nó kiếm được chỗ ăn ngon bá cháy, như cái áo nó phơi đêm qua quên rút vô sáng ra đã biến mất, như khách của nó hôm nay đặc biệt hào phóng, boa hẳn cho nó thêm mấy đồng… Ban đầu gã thường im lặng không đáp, để mặc thằng nhóc muốn kể gì thì kể, khi xe buýt đến thì lẳng lặng lên xe. Nhưng rồi những câu chuyện của thằng nhóc cũng thu hút gã hơn, thỉnh thoảng gã còn thêm vào mấy câu bình luận hay nhận xét. Những lúc như vậy thằng nhóc có vẻ rất vui, cứ cười tít.


Đêm nay không thấy thằng nhóc xuất hiện. Đây cũng không phải chuyện bất thường, dăm ba hôm lại có một lần nó không ngồi với gã, rồi hôm sau lại thấy chờ sẵn đó, nhanh nhảu báo cáo cho gã lý do. “Em có khách sớm đó anh”. Mấy lần trước gã không có cảm giác gì, nhưng giờ tự dưng lại thấy trong lòng len lỏi chút khó chịu. Hôm nay ông chủ quán nhậu mua bánh bao cho con gái mà con bé lại qua nhà ngoại nó ngủ một đêm, vậy là cái bánh bao liền được đưa cho gã. Gã không muốn ăn, định sẽ đem cho thằng nhóc lắm miệng thường ngồi thật khuya ở trạm xe buýt, dè đâu nó biến mất tăm. Cuối cùng cái bánh lọt vô tay bị của một lão ăn xin ngồi trước hẻm khu nhà gã trọ.


Mấy hôm sau gã mới gặp lại thằng nhóc, nhưng là trong một tình huống bất thường. Nó đang giằng co với một tên râu quai nón, hắn muốn lôi nó lên một chiếc xe máy đậu gần đó, trên xe đã có một tên khác ngồi cầm lái sẵn. Gã tiến tới gần nhưng cả hai người đang ra sức kéo đẩy nhau kia vẫn chưa nhận ra. Thằng nhóc đang cố ghì người lại khi cả hai tay nó đã bị tên râu nắm lấy. Nó vừa thốt lên mấy tiếng “không” vừa cố thoát ra. Không chút do dự, gã chộp vào cánh tay đang kéo nó đi.


– Chuyện gì đây? – Gã hỏi thằng nhóc, hoàn toàn không đếm xỉa gì đến hai tên kia.


Thằng nhóc hơi bất ngờ khi thấy gã, nó há miệng ấp úng, chưa nói thành câu thì tên râu đã bóp lấy cổ tay gã, quát lên:


– Mẹ mày, mày là thằng chó nào?


Lúc này gã mới quay sang:


– Tụi bay định lôi thằng này đi đâu? Tao đặt nó tối nay, nó nhận tiền của tao rồi.


Nghe vậy thằng nhóc càng thêm bất ngờ, nhưng nó cũng rất thức thời, phối hợp liền:


– Phải đó anh, tối nay em có hẹn rồi, em không đi được đâu. Anh nói bên đó chờ bữa sau đi ha, anh ha. – Giọng thằng nhóc vừa run run vừa cố ra vẻ nũng nịu hòng tăng hiệu quả.


– Bữa sau con đĩ mẹ mày, bên đó giờ đang thiếu người tao mới phải kêu mày đi!


– Thiếu gì đứa cho anh kêu, anh tới đường XX hay cầu YY mà hốt cả nạm. Còn anh đây em cực khổ mời ảnh mấy lần rồi, giờ ảnh mới chịu em mà.


Lực xiết trên cánh tay không nhẹ, tên râu biết kẻ mới đến này cũng không vừa, lại thêm thằng đĩ lải nhải đến mệt đầu, hắn đã muốn cho qua, nhưng cho qua dễ dàng như vậy thì mất mặt quá. Hắn đang tính vả vào cái mồm đang tía lia kia một cái rồi đi thì tên ngồi trên xe đã lên tiếng:


– Đù má tụi mày, nó đã có khách rồi thì thôi. Qua chỗ khác hốt đứa khác. Mẹ, khách chờ lâu đang chửi rầm trời kia kìa.


Tên râu liền buông tay, lầm bầm chửi rồi vọt lên xe. Chiếc xe rồ ga phóng vút.


Thằng nhóc thoát nạn, ôm chặt cánh tay gã không buông. Trước giờ tuy nó luôn chủ động tiếp cận gã nhưng trực tiếp động tay vào gã thì chưa lần nào, có thể thấy hiện giờ nó đang hoảng sợ ra sao. Tự nhiên gã vỗ vỗ đầu nó như an ủi làm thằng nhóc ngước mắt nhìn, gã thấy mắt nó rơm rớm nước.


– Sao sợ dữ vậy? – Gã hỏi khi cả hai đã ngồi lên băng ghế như mọi khi. Trạm xe này giờ chỉ còn mình gã chờ xe nên không ai chứng kiến một màn náo loạn ban nãy.


– Ông khách đó ghê lắm. – Nó quẹt nước mắt, trả lời. – Ổng toàn chuốc rượu tụi em, xong rồi làm mấy trò gì đâu không hà, ổng gọi thêm bạn bè nữa…


Gã an ủi nó thêm vài câu. Thằng nhóc đã thôi thút thít, nó cúi mặt lí nhí hỏi gã:


– Sao hồi nãy anh lại nói anh đặt em rồi?


– Ờ thì tao nghĩ nói vậy là nhanh nhất. Tụi nó là bảo kê? Tụi nó muốn mày làm ra tiền thôi, đi với ai đâu quan trọng.


– Cảm ơn anh…


Vừa lúc đó xe buýt đến trạm. Gã nhìn chiếc xe đang giảm tốc độ rồi lại nhìn thằng nhóc, cuối cùng gã tặc lưỡi một cái. Xe đã dừng hẳn, cửa tự động mở ra. Gã kéo tay thằng nhóc, bảo:


– Lên xe đi.


Thằng nhóc ngạc nhiên nhìn gã, hai mắt mở lớn như chưa hiểu nổi lời gã vừa nói ra. Gã lại kéo tay nó lần nữa, sốt ruột nói nhanh:


– Tối nay mày đâu còn chỗ nào để ngủ, đúng không? Về nhà tao, tao cho ngủ lại một đêm.


***


Thằng nhóc ngồi trong phòng trọ của gã, yên lặng đánh giá khắp nơi. Căn phòng nhỏ trước giờ chỉ có một người ở, nay có thêm người nữa bỗng nhiên hơi chật chội, cho dù thằng nhóc nhỏ người, không chiếm không gian là mấy. Gã nhìn nó đang ngồi trên tấm chiếu, thấy hơi luống cuống tay chân. Gã không hay đưa người về nhà mình dù quen thân đến mấy, đừng nói là một người hầu như xa lạ.


– Uống nước đi.


Gã đưa ly nước qua, nó đưa tay nhận lấy nhưng không uống ngay, chỉ nói:


– Nhà anh nhỏ quá ha, nhưng gọn gàng ngăn nắp.


– Ừm.


Im lặng.


– Em đoán anh ở một mình, không ngờ trúng thiệt.


– Ừm.


Im lặng.


Càng lúc gã càng bối rối, cảm thấy mình dẫn thằng nhóc về nhà có vẻ không phải là một quyết định đúng đắn cho lắm. Đáng lẽ gã nên thuê cho nó một phòng trong nhà nghỉ nào đó rồi ung dung về nhà nghỉ ngơi. Còn bây giờ, nhìn mà xem. Căn phòng trọ một người ở, nhà vệ sinh trong góc phòng, đối diện là bếp, một tủ quần áo lắp ráp, một cái bàn con con giờ đang gập bốn chân dựng sát tường, cuối cùng, một góc dành riêng cho chỗ ngủ vừa vặn một cái nệm đơn ba mảnh hiện vẫn đang gấp lại, gối và mền xếp ngay ngắn bên trên. Thằng nhóc cũng không liến thoắng như mọi lần, gã còn có cảm giác nó đang thu mình lại hết sức có thể. Gã liếc nhanh đồng hồ. Mười một giờ rưỡi. Gã bỏ đi tắm, lúc tắm xong vẫn thấy thằng nhóc ngồi yên ở đó. Nhưng khi thấy gã, nó lại ngập ngừng nói:


– Anh… Hay là em về nha… Giờ chắc tụi nó cũng không quan tâm em đang ở đâu làm gì đâu.


– Khuya lắm rồi, mày về bằng cách nào? Ở đây không sẵn xe ôm, mà còn nguy hiểm nữa. – Gã vừa lau đầu vừa nói.


– Nguy hiểm gì đâu anh, mấy hồi em vẫn chờ khách tới giờ này…


Giọng nó càng nói càng nhỏ, rồi thôi. Gã đoán được nó đang ngại ngùng chuyện gì. Một thằng nhóc ăn sương từng mời mọc thân thể mình với người ta, nay lại được người ta cứu một phen, rồi còn sắp cùng người ta nằm chung một giường, không ngại ngùng mới là lạ. Thì ra nó cũng không đến mức trơ tráo như gã nghĩ.


– Đi tắm đi. – Gã ném cho nó cái áo thun và quần cộc của mình. – Mặc đỡ mà ngủ, sáng mai rồi về.


– Nhưng…


– Đừng ngại.


Trước thái độ mọi việc đã quyết định xong của gã, thằng nhóc chỉ còn cách vâng lời, ôm quần áo vào phòng tắm. Còn lại một mình, gã trải nệm ra, gấp cái áo khoác làm gối, còn gối của mình thì đẩy vào góc trong nhường cho khách, cũng may mền của gã không phải loại dùng cho một người. Khi thằng nhóc từ nhà vệ sinh đi ra thì mọi thứ đã chuẩn bị xong, nó vừa giữ cạp quần cho khỏi tuột vừa ngập ngừng bước đến.


– Nằm đi. – Gã vỗ vỗ lên cái gối, ra hiệu cho thằng nhóc đến nằm.


Đèn tắt, chăn đắp lên người nhưng thằng nhóc vẫn không ngủ ngay được. Nó lạ nhà lạ chỗ, lạ cả hoàn cảnh nữa. Những lần trước nếu nó có nằm ngủ bên cạnh ai đó thì luôn là những lúc đã mệt lả và mơ màng sau cuộc truy hoan, ít khi nào tỉnh táo thế này. Trăng khuya vằng vặc rọi xuống song cửa nhỏ, lấp đầy căn phòng trọ bằng ánh sáng bàng bạc. Gã nghe tiếng thằng nhóc lật người, tiếng nó hít hít mũi. Gã cũng không ngủ được dù đã cố tình đưa lưng về phía thằng nhóc. Gã thấy không yên tâm, như thể nếu gã ngủ lúc này thì thằng nhóc sẽ khẽ khàng ngồi dậy, nhón tay nhón chân bò ra khỏi nệm rồi chuồn êm khỏi phòng trọ này. Gã không sợ nó cuỗm theo thứ gì, chỉ sợ nó đi…


Trằn trọc một lúc, cuối cùng cả hai cũng chịu để cái ngủ ngăn bớt những suy nghĩ trong lòng.


***


Mấy hôm sau gã vẫn chờ xe buýt như bình thường, nhưng thằng nhóc thì không thấy xuất hiện nữa. Hôm ấy nó ra về vội vã, từ chối khi gã muốn mời nó ăn bữa sáng. Mới đầu gã cũng không để ý nhiều, chỉ nghĩ nó lại vắng mặt vài ngày như những lần trước, ai dè cả tháng trời không thấy bóng dáng thêm lần nào. Gã bắt đầu lo lắng.


– Mấy bữa nay mày mất hồn hả? – Ông chủ quán quơ cái muôi trong tay, hỏi khi gã thái thịt bò miếng dày miếng mỏng.


– Không có, em nghĩ xíu thôi.


– Nghĩ cái gì mà như bị vợ bỏ. Khách bỏ quán thì lương bỏ mày nha.


Năm giờ chiều, quán đã dần có khách đến, gã đành tập trung hơn vào con dao trên tay, không dám nghĩ vẩn vơ nữa. Cuối ngày, gã tìm ông chủ, nói:


– Mai em xin nghỉ sớm. Tầm tám rưỡi chín giờ em về.


Ông chủ nhướn mày tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng chỉ “ờ” chứ không nói thêm gì. Gã rất hiếm khi xin về sớm, nhưng lần này gã không muốn loay hoay trong bếp mãi đến tận khuya. Vì đi sớm mới mong tìm được người. Đúng vậy, gã muốn đi tìm thằng nhóc đó, gã đã nghĩ kĩ rồi.


Vì lẽ đó, hôm nay gã đi làm bằng chiếc xe đạp cà tàng của mình chứ không ra bến chờ xe buýt như mọi khi. Làm ở quán đã lâu, dù không cố tình nhưng gã vẫn nghe lỏm được không ít câu chuyện của mấy tay bợm nhậu, nhờ vậy gã biết mình phải tìm thằng nhóc ở đâu. Đèn trang trí hình bông tuyết hai bên đường, cây thông rực rỡ trước trung tâm thương mại nhắc những người đang hối hả ngược xuôi nhớ rằng đã sắp tới Giáng sinh. Dù không theo đạo nhưng bất giác gã vẫn thầm mong cái gọi là “phép màu đêm Giáng sinh” xảy ra. Nó phải xảy ra chứ, khi gã đạp xe chầm chậm trong làn gió đêm của tháng Mười hai, dọc theo mấy con đường cây lớn hai hàng, dưới gốc thỉnh thoảng lại có một người đứng, gái trai đủ cả. Nó phải xảy ra chứ, khi gã lượn xe vào công viên có đài phun nước, có thể dễ dàng thấy các cô cậu son phấn trát đầy, áo mỏng quần ôm ngồi trên thành đài phun và ghế đá.


Nó phải xảy ra chứ…


Gã dừng xe bên bờ sông, đón cơn gió lành lạnh từ dưới sông thổi đến, đốt thuốc rít một hơi. Cái xứ phương nam này làm gì có cơn gió mùa đông khiến người ta phải rúc mình trong áo ấm khăn choàng, có lẽ vì vậy mà phép màu sẽ không xảy ra. Hay ít nhất nó sẽ không xảy ra với gã. Ném điếu thuốc cháy dở xuống đất, di chân lên để dập tắt hẳn đốm lửa lập lòe, gã dắt xe định bụng ra về.


– Mấy anh tha cho em… Em không đi nữa đâu…


Gã sững người khi giọng nói quen thuộc lọt vào tai. Đúng thằng nhóc ấy rồi, người mà gã đã tìm suốt hai tiếng không ngưng nghỉ. Không, phải nói là gã đã tìm nó liên tục từ sau đêm đưa nó về nhà mình, chỉ là chưa từng tìm ngoài phạm vi cái trạm xe buýt đó mà thôi.


Vẫn là hai tên đi xe máy lần trước, thằng nhóc thì đang cố ghì người, nép vào chân cầu để tránh bị chúng kéo đi. Nó thút thít:


– Lần trước… em đã đi rồi… Mấy anh tha cho em…


– Con đĩ mẹ mày!


Tên râu vung tay định tát, cũng như lần trước, gã chụp được tay hắn kịp thời. Đôi mắt đã ngấn nước của thằng nhóc mở to ngỡ ngàng, nó không ngờ gã sẽ ở đây, lúc này. Hai tên kia cũng nhận ra gã, nhưng lần này chúng không bỏ qua dễ dàng nữa. Tên râu vừa giằng tay ra vừa tung nắm đấm, tên trên xe cũng xông vào hỗ trợ đồng bọn. Một mình gã địch hai người, gian nan không thôi. Thằng nhóc hốt hoảng nhưng không đứng đờ ra, nó cũng vừa lao vào vừa hô hoán, nhờ vậy mà khi cả bốn người bị giải lên đồn công an, gã chỉ mới ăn mấy quả thụi vào bụng, rách ở môi và một đuôi mắt, nó cũng chỉ xây xát vì bị xô ngã mấy lần, còn lại không có gì nghiêm trọng.


Gã gọi ông chủ tìm cách bảo lãnh cho cả hai, đến khi chở được nhau về nhà trọ thì đã là hai giờ sáng.


Thằng nhóc đứng tần ngần ở cửa chứ không dám vào ngay. Gã đã vào trước, cởi áo bắt đầu xử lý vết thương – chỉ là xoa dầu nóng, dán băng cá nhân qua loa thế thôi. Cuối cùng, gã lên tiếng:


– Sau lưng có chỗ không bôi dầu được, vô giúp tao.


– Dạ…


Cầm lấy lọ dầu, thằng nhóc bắt đầu xoa nhè nhẹ lên vết bầm sau lưng gã. Khi dầu đã nóng trên da và dần xoa dịu phần cơ đau nhức, gã mới lên tiếng hỏi:


– Sao cả tháng nay mày không tới?


Không nghe thấy tiếng trả lời dù bàn tay kia vẫn không ngừng xoa, gã không hỏi nữa, chờ một lúc rồi lấy lại lọ dầu, bắt đầu xử lý mấy vết trầy trên tay chân thằng nhóc. Nó lặng thinh để mặc gã sát trùng bằng thuốc đỏ, băng bó gọn gàng. Chợt, gã thấy trên cổ tay nó có vết bầm kì lạ. Lật tới lui để nhìn cho kỹ, xem xét cả tay kia của nó, gã thấy đó giống như vết lằn do vật gì thít chặt vào. Đúng là vết dây trói. Thoáng chốc gã hiểu ngay lý do vì sao vết trói này lại xuất hiện trên người nó.


– Thằng chó nào làm chuyện này? – Gã gần như quát lên.


Đôi vai thằng nhóc run lên. Gã hỏi tiếp:


– Thằng già lần trước phải không?


Nó gật gật đầu, nước mắt đã thành giọt rơi xuống.


– Mẹ thằng khốn, nó còn làm gì mày nữa? Để tao xem!


Vừa nói gã vừa cố vén cái áo thun thằng nhóc đang mặc lên nhưng nó ngăn gã lại, lắc đầu nguầy nguậy.


– Từ tuần trước rồi… – Nó cúi mặt không nhìn gã, cố hít thở. – Em… em bôi thuốc hết rồi… anh không cần lo…


Gã nghiến chặt răng, không ép nó cởi áo nữa mà đổi sang nâng mặt nó lên, để rồi thoáng thấy vết bầm tương tự trên cổ thằng nhóc. Ban nãy ở đồn, đầu gã còn choáng và mắt còn mờ vì máu chảy xuống nên không thấy được những dấu vết này. Nhận ra ánh mắt như muốn giết người của gã, nó đưa tay che lấy cổ, cố gắng nói lời an ủi:


– Không sao hết… Để dấu chút thôi, mấy hôm nữa sẽ tan hết. Thiệt đó anh…


– Thằng chó chết! Bọn khốn nạn!


Gã gỡ tay nó ra để nhìn cho rõ vết tích của trận bạo hành còn sót lại, động tác của gã nhẹ nhàng nhưng lời nói chỉ có thể rít qua kẽ răng:


– Sao mày để chúng nó làm thế này? Hả? Chơi thế này mày chết được đó, biết không?!


– Em đâu có… hức… làm gì được… – Đến lúc này thằng nhóc đã khóc nấc lên. – Ba em… hức… nợ tiền…


– Bao nhiêu?


– Còn… năm chục… năm chục triệu…


– Mẹ kiếp!


Một lúc lâu sau đó, cả căn phòng chỉ còn tiếng thút thít nhỏ dần của thằng nhóc. Gã nghiến răng không thốt thêm lời nào, cố gắng chăm chú dán băng cá nhân cho nó. Đến khi cả hai đã nằm quay lưng vào nhau trên tấm nệm như lần trước, gã mới chầm chậm lên tiếng:


– Rồi mày tính sao? Cứ như vậy hoài hả?


– Em… Em phải trả hết nợ đã… Xong rồi em sẽ đi nơi khác…


– …


– Em cũng muốn về nhà, nhưng ba không cho em về. Tại ba biết em vay tiền bọn bảo kê để trả nợ…


– Ông già mày khùng à? – Gã quay đầu hỏi.


– Ba em… làm giáo viên…


– Rồi mắc gì ổng nợ tiền người ta?


– Ổng đánh bạc…


– Còn má mày bịnh?


– Dạ…


– Kinh điển quá ha! – Gã thôi quay đầu ra sau, nằm nghiêng ngay ngắn lại như cũ.


Thằng nhóc không đáp lại gã nữa, tiếng sột soạt giúp gã biết nó vừa rúc sâu hơn vào cái mền. Được rồi, gã nói “kinh điển” cũng đâu có oan: ông cha cờ bạc, bà má bệnh tật, dẫn đến thằng con lên thành phố bán mình trả nợ. Đứa nào đứng dưới mấy gốc cây trên con đường gã đạp xe qua tối nay không có một câu chuyện tương tự thì gã đi bằng đầu. Chỉ là tiếng sụt sịt nho nhỏ của thằng nhóc khiến gã thấy hơi áy náy. Gã định nói thêm gì đó thì thằng nhóc đã lên tiếng trước:


– Cám ơn anh nha, may mà anh ở đó…


– Tao đi tìm mày đó.


Gã buột miệng trước khi kịp nghĩ thêm. Thằng nhóc im hẳn một lúc, đến khi gã tưởng nó đã ngủ rồi thì lại nghe thêm một câu “cám ơn anh” nữa. Giọng nó hơi nghẹn lại, rốt cuộc gã cũng nhịn hết nổi, xoay hẳn người ôm lấy nó. Thằng nhóc hơi ghì lại nhưng rồi xuôi theo, rúc vào lòng gã, chuỗi nước mắt đã dứt từ ban nãy lại tuôn ra.


– Ngày em đem tiền về… Ba hỏi… hức… hỏi dữ lắm nên em nói thật… là vay tiền… hức… Rồi ba vừa khóc vừa đuổi em đi… vì ai cũng biết cầm tiền… hức… của tụi nó thì sẽ thế nào… Nhưng mà má em bịnh lâu rồi… Ba em đánh bạc… hức… kiếm tiền chữa cho má em…


Sau khi ba nó nợ nần chồng chất, thằng nhóc bèn tìm đường vay tiền bọn bảo kê để trả nợ, cuối cùng sa chân vào con đường này dứt mãi chẳng ra. Gã vừa an ủi nó vừa nghĩ nhà này khờ từ ông cha đến thằng con, không biết bà má có đỡ hơn không nữa. Khi cảm xúc của nó đã hơi dịu lại, gã mới dè dặt hỏi:


– Vậy má mày sao rồi? Má mày đâu?


– Má khỏe rồi. Vẫn ở nhà với ba em… Ba em chỉ nói em đi làm ở xa với má…


Gã thở ra. Vậy còn đỡ, ít nhất còn có chút tươi sáng trong câu chuyện này. Gã đang nghĩ lung tung thì nó đã ngước lên, hỏi luôn:


– Anh không ghét em chớ?


– Ghét mày thì đã không đi tìm mày.


Lúc này trời đã hửng sáng, ánh mặt trời chưa soi tỏ nhưng cũng đủ cho nụ cười của thằng nhóc lọt vào mắt gã. Nó lại nhỏ giọng nói cám ơn, gã đành chép miệng:


– Cám ơn tao thì để yên cho tao ngủ, chiều tao còn đi làm.


Gã nghe tiếng “dạ” nhỏ xíu, hình như thằng nhóc còn nép vào người gã hơn. Đúng là, mặt dày mày dạn. Thầm nghĩ như vậy nhưng gã lại thấy hóa ra ôm một ai đó cũng không tệ lắm.


***


– Rồi mày để nó ở chỗ mày?


Gã rít một hơi thuốc lá, gật gật đầu trả lời ông chủ quán. Ông chủ nheo mắt nhìn gã, hỏi tiếp:


– Bọn kia để yên à? Không đến tìm nó?


– Dạ, có đến mấy lần, nhưng sau đó thì không đến nữa.


Ông chủ nhướng mày chờ gã nói tiếp, gã cũng không phụ lòng, gẩy tàn thuốc xuống sàn rồi nói ngắn gọn:


– Hết nợ thì hết đến.


– Không ngờ mày cũng thuộc hạng dư tiền.


Gã cười cười, không nói gì thêm. Từ hôm đó gã không để thằng nhóc về lại chỗ trọ cũ của nó nữa. Ban đầu thằng nhóc không chịu nhưng gã vừa dỗ vừa ép, cuối cùng nó cũng xuôi theo. Gã biết thực ra nó cũng muốn thoát khỏi chỗ đó, chỗ phòng trọ tồi tàn trong ngõ nhỏ, ban ngày im lìm mà lại sôi nổi về đêm. Gã cho nó tiền trả nợ, hẳn năm chục triệu đồng, thằng nhóc cầm tiền mà khóc muốn lụt nhà. Nó vùi mặt vào ngực áo gã, giữa những tiếng nức nở, gã nghe thấy mấy câu chữ rời rạc, gì mà “anh tốt quá”, “theo anh suốt đời”. Một cuốn sổ tiết kiệm đổi một câu “theo anh suốt đời”, nghe cũng ngọt.


Nhưng mà một mối quan hệ đổi bằng tiền nghe sao cũng thấy cay đắng chứ ngọt ngào chỗ nào đâu. Cho nên gã quyết định thằng nhóc này cần một việc làm tử tế, tiền nó kiếm được sẽ dành để trả nợ cho gã. Chỉ có điều khoản nợ này gã không tính lãi, thậm chí gã muốn nó ở chung với gã luôn, tiền trọ cũng không cần nó góp vào, chỉ cần trả tiền điện nước là được. Thằng nhóc ngơ ngác mất một lúc sau khi nghe gã nói, rốt cuộc nó cũng nặn ra được một câu:


– Nhưng em thì làm được gì?


Gã nhờ mấy người quen tìm cho nó một chân phục vụ quán nhậu. Cứ thế mọi việc được sắp xếp xong xuôi ngay trước thềm năm mới.


Thằng nhóc đăng ký làm xuyên Tết, nó muốn nhanh chóng kiếm tiền để trả cho gã. Nhưng ngày 30 quán vẫn cho nhân viên về sớm. Lúc về ngang qua chợ hoa tấp nập người mua kẻ bán cho kịp cuối năm, nó nghĩ ngợi một lúc rồi cho phép mình xa xỉ, mua một chậu quất để bàn cho có không khí. Cả nó lẫn gã đều không về quê, nó vẫn chưa dám về, còn gã thì họ hàng thân thích đều lên thành phố mưu sinh hết, cũng ít qua lại với nhau. Lúc ôm chậu quất về đến nơi, nó đã thấy gã dọn sẵn chén đũa cho bữa tối. Thấy chậu cây trên tay nó, gã cười bảo:


– Mày cũng bày vẽ ghê.


Chiếc bàn chân gập được dùng làm bàn ăn, cả hai ngồi bệt trên sàn. Bữa tối nay có thêm củ kiệu quà Tết của tổ dân phố gửi cho những ai ở trọ xa quê không về, túi quà còn có mắm, muối, dầu ăn, hạt dưa và mứt. Bất giác thằng nhóc cảm thấy như mình đã quay về nhà, quay về một nơi có người dọn cơm cho nó, cùng nó chào năm cũ đón xuân sang. Cơm nước xong xuôi, gã chợt hỏi nó:


– Mày muốn đi xem pháo bông không? Người ta bắn ở bên sông đó.


Đương nhiên là thằng nhóc muốn đi, mấy năm gần đây Giao thừa nào với nó cũng vô vị, nhưng năm nay không thế nữa. Nó muốn gần gũi với người này càng nhiều càng tốt, có thể cùng nhau tạo càng nhiều kỷ niệm càng tốt. Nhìn vẻ mặt hớn hở của nó, gã bỗng vui theo. Gã từng cho rằng đêm Giao thừa cũng chẳng khác gì những đêm khác, nhưng hóa ra mốc thời gian này thật sự đặc biệt hơn nhiều.


Mặc dù cả hai đã ra đường sớm nhưng vẫn không tránh được cảnh chen chúc trong dòng người. Hơi người và khói xe, cộng với thời tiết cũng chỉ se se lạnh khiến gã thấy nóng nực chết đi được, gã thầm hối hận vì đã đưa ra lời đề nghị này, nhưng khuôn mặt thích thú của thằng nhóc đi bên cạnh lại thúc gã bước tiếp. Đến khi hai người tìm được một chỗ có thể thuận lợi xem pháo bắn lên thì cũng đã gần đến mười hai giờ đêm. Đèn trang trí hai bên đường sáng tưng bừng, xung quanh đông nghẹt toàn là người, ai cũng cười cười nói nói, háo hức chờ khoảnh khắc giao mùa. Thằng nhóc đứng sát bên gã, len lén nhìn mặt gã. Tự dưng tim nó đập thình thịch, không phải do đi bộ một quãng đường dài mà là do hồi hộp. Từ lúc nhác thấy người này ngồi chờ xe buýt trong một đêm khách chở nó đi tìm nhà nghỉ, nó đã thích anh ta rồi. Sau mấy lần đều thấy anh ta ngồi ở trạm xe đó, nó mới đánh bạo lân la bắt chuyện, ai dè giờ đã được đứng cạnh người ta.


Phía sau chen thêm người, đẩy trúng thằng nhóc một chút, thấy vậy gã vừa nói vừa kéo nó ra phía trước mình.


– Đứng đây khỏi bị đụng nè.


Nó thấp hơn gã một cái đầu nên không che tầm nhìn của gã, chỗ này cũng tiện cho nó thấy cảnh pháo bông nở rộ hoành tráng sắp tới hơn, nhưng từ giờ phút này mọi chú ý của thằng nhóc đã tập trung hết người đứng đằng sau, đến nỗi đồng hồ điểm mười hai lúc nào nó cũng không hay biết.


Bụp!


Bụp! Bụp!


Thằng nhóc hơi giật mình khi pháo bông bắn lên, trước mắt nó ngập tràn sắc màu lung linh của những quả pháo, bên tai nó rộn ràng bài ca mừng năm mới quen thuộc cùng tiếng xuýt xoa của đám đông, không ai biết được ban nãy trong đầu nó chỉ còn lại một khoảng không tràn đầy hơi ấm của gã. Pháo bắn liên tục suốt mười lăm phút, đến khi màn biểu diễn ngưng hẳn, đám đông mới bắt đầu tản ra, thằng nhóc vẫn đứng yên một chỗ. Thấy lạ, gã bèn vỗ nhẹ vai nó và hỏi:


– Sao đó?


Thằng nhóc quay người lại, ngước nhìn lên. Nó mấp máy môi, cuối cùng cũng thốt ra được một lời tận đáy lòng:


– Em thích anh.


Câu nói nhỏ, những người đang đi ngang qua cả hai để về nhà có lẽ không thể nghe thấy, nhưng vẫn lọt vào tai gã rõ mồn một. Gã im lặng một hồi lâu, đến khi xung quanh đã thưa thớt hẳn mới chậm rãi cất tiếng:


– Cái này mày nói rồi.


– Nhưng anh không tin em – Thằng nhóc lắc đầu, cười khẽ – nên em phải nhắc lại. Em thích anh lắm.


Gã ngơ ra trước ánh mắt cháy rực của thằng nhóc, ánh mắt trông hệt quả pháo bông được bắn trên nền trời ban nãy, khi đạt độ cao nhất định sẽ vỡ tung thành từng mảnh lửa rực rỡ. Gã đã tưởng nó sẽ khóc trước sự im lặng của mình, nhưng không, thằng nhóc chỉ nheo mắt cười.


– Em chỉ muốn ở cạnh anh thôi. Anh đừng đuổi em đi nha.


Mày đang cầm năm chục triệu của tao, tao dám đuổi mày đi chắc. Gã chợt nghĩ khi nghe nó nói vậy, nhưng gã biết mình chỉ đang cố đánh lạc hướng bản thân để không phải đối diện trực tiếp với tình huống trước mắt. Gã đang được tỏ tình. Không ngờ một tay đầu bếp quán nhậu thô kệch như gã cũng có người thích!


Mãi không thấy gã trả lời, thằng nhóc mới dè dặt nhìn lên, để rồi thấy vẻ không tin được trong mắt gã. Gã luống cuống quay người sau khi bỏ lại một câu:


– Đi… đi về!


Thằng nhóc cười toét, nhấc chân chạy theo gã, lúc này tim nó mới thôi đập loạn xạ trong lồng ngực, nhưng tức thì sau đó, quả tim lại nhảy nhót theo một tiết tấu mới: gã nắm lấy tay nó. Nó nghe cơn gió năm mới thổi qua mang theo tiếng gã, rằng:


– Ở với tao. Tao nuôi mày.


Trước khi kịp suy nghĩ thêm, thằng nhóc đã xoay người chặn trước mặt gã, nhón chân lên. Gã hơi bất ngờ nhưng cũng để mặc nó, bởi nụ hôn ngọt ngào này còn tuyệt vời hơn những gì gã từng tưởng tượng.


[hết]


Bình luận

  • avatar
    Ong vận chuyển comment
    Bình luận của bạn Vườn Tâm Nở Hoa (11/07/2022): “Dưới trời đêm gặp người”… có những đêm dài như định mệnh, gã gặp nó – cái “thằng đĩ” mời gọi thân thể với gã, rồi sau đó là những đêm dài nó kể gã nghe những câu chuyện vụn vặt của phận đời mưu sinh. Vậy rồi cũng trong những đêm dài đó, nó đi vào tim gã: vừa vô thức vừa hữu tình. Dưới trời đêm, trong những góc u tối nhất của tâm hồn mình, lần đầu tiên gã nhìn thấy rõ một chỗ tâm hồn khô cằn của gã đầu bếp mưu sinh nơi xứ người bỗng chốc sáng hơn bao giờ hết. Dưới đêm đen tĩnh mịch, gã với nó nằm trên giường, xoay lưng vào nhau, nó kể một câu chuyện mưu sinh phổ thông mà gã vốn quen thuộc từ những phần đời như nó: nhà lâm nợ, mẹ già bệnh nên mang thân thể đi kinh doanh. Chuyện của nó rơi vào tai gã, bình thường như bao câu chuyện khác nhưng nó đủ chát để gã hiểu gã cần nó. Đêm dài sao bớt ưu tư khi trong tâm trí đã ngổn ngang những tâm sự. Chẳng biết sau này gã với nó còn bao đêm bên nhau, bao đêm gặp gỡ, chỉ biết sau này có gã có nó bên cạnh, “gã nắm tay nó. Nó nghe cơn gió năm mới thổi qua mang theo tiếng gã…”
  • avatar
    Ong vận chuyển comment
    Bình luận của bạn Vân Khê (20/07/2022): “Gã không sợ nó cuỗm theo thứ gì, chỉ sợ nó đi…” Bởi gã hay nó, cũng đều có gì đâu để mà mất? Chỉ có tấm thân này, cơ thể này, nhọc nhằn mưu sinh nơi xứ người. Câu chuyện giữa gã và thằng nhóc cũng chỉ là câu chuyện tình yêu giữa những người cô đơn tìm thấy nhau, sưởi cho nhau ấm giữa cái giá lạnh của lòng người. Phương nam không lạnh, nhưng những phận đời sống ở phương nam đem theo những câu chuyện ảm đạm đến lạnh thấu con tim. Thằng nhóc hay gã, cũng chỉ đều là người trần mắt thịt. Có những toan tính phải lo, có những món nợ phải gánh vác. “Dưới trời đêm gặp người”, nhẹ nhàng, từ tốn mà bước vào cuộc đời nhau. Yêu là yêu thôi, chỉ cần là một tâm hồn đồng điệu. Nam hay nữ, ai yêu ai, quan trọng gì khi họ tìm được đúng một nửa của nhau?
  • avatar
    Ong vận chuyển comment
    Bình luận của bạn Trần Tử Khanh (25/09/2022): Nếu nói đây là truyện đi từ đời thật vào thì mình cũng tin, tại vì nó rất là đời, từ tình huống, từ những câu thoại cục súc của “gã” đến câu chuyện “văn vở” của “thằng nhóc”. Sau này cả hai có ở với nhau tới cuối đời hay không thì cũng chưa biết được, nhưng kết như này là vừa đẹp, mọi thứ đều đang ngọt ngào, may quá không có plot quay xe cuối truyện. Đợt này mình bận quá nên chỉ kịp quệt 5 sao trước, giờ mới cmt được ~
  • avatar
    Ong vận chuyển comment
    Bình luận của bạn Ryanclow (17/02/2023): Truyện này thật sự rất hay. Đã lâu rồi em không đọc một truyện dịu dàng xúc động đến vậy. Nói thật là em đã rơm rớm nước mắt khi đọc. Chị viết giàu hình ảnh, em có thể tưởng tượng câu chuyện này được làm thành một bộ phim ngắn. Câu chữ và cách chị viết cũng rất chân thành, như tính cách của các nhân vật. Đoạn gặp mặt rất dễ thương, và đoạn kết cũng rất hay. Đối thoại được viết rất xuất sắc, rất gọn mà rất thật, có thể nói để viết những câu thoại như vậy là người viết rất am hiểu về quan sát và nắm bắt cuộc sống. Đoạn cuối chị viết thật sự cảm động. Chị miêu tả cũng rất hay nhưng chị ít miêu tả quá, đáng ra có nhiều đoạn chị cần miêu tả nhiều hơn để kéo người đọc vô cảm xúc của truyện. Nhưng khi chị thật sự miêu tả thì rất tuyệt, đoạn chị miêu tả căn phòng trọ của anh đầu bếp rất xuất sắc, vừa tả được cái căn phòng, vừa tả được cái rối bời của anh, à nếu đoạn này có thể thêm 1 chút sự chần chừ trong miêu tả, thay vì mềm gối đc xếp gọn gàng, chị có thể cho ông đầu bếp tự vấn là mềm gối tuy xếp gọn gàng, nhưng mép gấp chưa ngay, nhà tuy đã lau nhưng hôm nay về thì thấy bụi…Em thấy có 1 số hình ảnh của chị chưa sử dụng hiệu quả: như cái bến xe buýt, như là hình ảnh anh đầu bếp dẫn đĩ về nhà trên 1 chuyến xe buýt (mới nghĩ thôi mà đã thấy nó vừa hài hước vừa xúc động rồi).
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}