Ai khổ hơn ai?


 Thời gian cứ vậy dần trôi, chẳng mấy chốc mùa đông đã đến. Tôi cuộn người rúc sâu vào cổ áo len do bà đan, hít hà hương thơm của củ khoai đang được ủ trong bếp củi. Hơi ấm từ bếp lan tỏa làm làn da có chút khô nẻ của tôi hơi ran rát, nhưng lại làm dịu đi cái lạnh của mùa đông khiến tâm tình thư thả. Thi thoảng từ phía bếp lại phát ra tiếng nổ lốp bốp nhỏ nhỏ nghe vui tai. Tôi nghe thấy tiếng bà cào tro củi, giọng nhỏ nhẹ:

 “Ngồi lùi lại đi Ninh, khéo lửa bén vào người con đấy!”

 Tôi nghe lời, ngoan ngoãn nhích về sau một chút.

 “Oa, lạnh chết mất! Bà ơi, bà nướng khoai đây ạ, thơm quá!”

  Bên cạnh có hơi lạnh ùa vào, cùng giọng nói quen thuộc cất lên. Tôi nghe thấy tiếng anh Tùng suýt xoa, cùng tiếng hai bàn tay chà vào nhau. Hôm nay rét căm căm, còn may là chủ nhật nên anh được nghỉ, nhưng mẹ anh vẫn không có nhà. Mẹ anh thường xuyên đi sớm về muộn, cũng không có mấy ngày nghỉ nên tôi cũng không nói chuyện được với cô nhiều. Tôi hướng về phía có giọng nói của anh, đưa tay vẫy vẫy, chợt trong lòng bàn tay tôi có cái gì đó mát lạnh áp lên. Tôi sờ một chút, đưa lên cao một chút, tôi nghe thấy tiếng anh Tùng kêu khẽ:

 “Ây, cẩn thận chút, em đụng vào mắt anh rồi!”

 Tôi giật mình rút tay lại, nhưng cổ tay bị nắm lấy kéo về phía anh. Trong tay lại có cảm giác mát lạnh.

“Nào, giúp anh ủ ấm chút, anh sắp đông cứng rồi!”

 Tôi cười, đưa hai tay áp lên má anh, xoa xoa mấy cái. Má anh thực sự rất lạnh, tay tôi được ủ ấm trước bếp nửa ngày cũng bị má anh làm cho lạnh dần. Cảm giác lành lạnh từ đầu ngón tay truyền đến làm tôi khẽ run lên, nhưng trong lòng lại tràn đầy vui sướng.

 Xa xa có tiếng rì rầm, tiếng ồn ngày một lớn hơn, nhốn nháo và cả tiếng người chạy qua lại. Tôi nghe thấy mấy tiếng bước chân chạy vào trong nhà, ngày càng gần mà coi vẻ gấp gáp lắm.

 “Bà Liên ơi, nhà bà Tư bị trộm rồi! Giờ mọi người nhốn nháo đi tìm thằng trộm kìa!”

 “Gì á? Tùng, mau, bà cháu mình qua xem có giúp được gì cho bả không! Tội nghiệp!”

  Cái ngách có mỗi mấy hộ gia đình nên mọi người sống tình cảm quan tâm nhau lắm, mỗi lần mà có việc gì mọi người cũng đều xúm đến xem có thể giúp được gì thì giúp. Tôi nghe tiếng gió vút qua tai, có lẽ là anh Tùng đứng dậy chuẩn bị cùng sang nhà bà Tư. Tôi níu tay anh, tôi cũng muốn đi theo, dù chẳng thể giúp gì, nhưng bình thường bà quý tôi nhất, có lẽ tôi có lẽ sang an ủi bà chút ít.

 Người tôi bỗng hẫng đi, cảm giác như bị nhấc lên cao. Tôi hoảng loạn tìm chỗ để bám lấy. Đợi tôi ổn định rồi anh Tùng xốc tôi lên, nói khẽ:

 “Ôm chặt vào cổ anh nhé, anh cõng em đi cho lẹ.”

 Tôi vâng một tiếng rồi vòng tay qua cổ anh, tay níu chặt lấy ống tay áo. Tiếng gió cứ vun vút qua tai, anh đi nhanh lắm, rồi tiếng ồn ào ngày một gần, tôi nghe thấy tiếng bà Tư lẫn trong những tiếng xì xầm lộn xộn.

 “Mẹ cha thằng nào đánh bả con bà! Cha thằng nào vào lấy của nhà bà thì thôi, lại còn dám giết con bà!”

 Tiếng bà ngắt quãng, bà chửi cùng tiếng nức nở, tiếng gào khóc già nua khàn đặc nghe như cấu xé lòng. Thi thoảng tôi lại nghe thấy tiếng thùm thụp mà chẳng rõ từ đâu.

 “Tiên sư thằng nào, con nào giết con bà, làm cháu bà còn nhỏ đã không còn mẹ. Bà mà biết á, bà rạch da, lọc xương mày. Mày ăn mắc nghẹn, mày ngủ giật mình, mày uống nước cũng không thông.”

 Lần đầu tiên tôi nghe thấy bà Tư lớn giọng mắng chửi, trong trí nhớ của tôi lúc nào bà cũng hiền lành, lúc nào cũng niềm nở chờ đám trẻ chúng tôi qua nhà chơi.

 Tôi nhận ra những lời bà nói, chẳng dám nghĩ đến cũng không dám khẳng định, tôi bám chặt vào vai anh Tùng, tay không kìm được mà run lên:

 “Anh ơi?”

 “ Con Bông bị người ta đánh bả chết rồi em.”

 Anh Tùng không thả tôi xuống, ở đây nhiều người nên có lẽ anh sợ tôi bị người ta va phải. Một tay anh giữ chắc lấy tôi, một tay vỗ nhè nhẹ lên mu bàn tay tôi, tôi nghe thấy tiếng anh khẽ thở dài.  Con Bông chính là con chó trắng của bà Tư, nó ngoan như thế, nó thông minh như thế, quấn quýt tôi như thế, mấy đứa trẻ trong xóm cũng yêu quý nó như thế, nó chẳng gầm gừ ai bao giờ, ai nỡ lòng nào đánh bả nó chứ?

 Tôi cố kìm nén cảm xúc để giọng nói nghe bình tĩnh nhất có thể, tôi cúi đầu, tay túm chặt lấy vai áo anh.

 “Anh ơi, đưa em ra chỗ con Bông, nha anh!”

 Anh không nói gì nhưng tôi cảm thấy anh đang đưa tôi đi, cách một đoạn không xa thì nhẹ nhàng thả tôi xuống. Có mấy sợi gì bông bông mềm mềm đang chạm vào cổ chân tôi. Tôi ngồi xuống lần mò đưa tay về phía trước, cố tìm cái cảm giác âm ấm mềm mềm thân quen. Vẫn là cảm giác mềm mại bông xù ấy, nhưng chẳng cảm thấy chút nhiệt độ nào. Không còn cảm giác phập phồng theo từng nhịp thở của nó, con Bông cứng ngắc, lạnh lẽo. Mắt tôi hơi rát, sống mũi cay cay, tôi hít mũi, cố không để bản thân khóc. Bây giờ người buồn nhất là bà Tư mà!

 Tôi vươn tay, anh Tùng nắm lấy cổ tay giúp tôi đứng dậy. Tôi nhờ anh dẫn tôi ra cạnh bà Tư.

 Anh Tùng ôm lấy bả vai tôi, chầm chậm giúp tôi đến cạnh bà. Tôi bị người ta ôm lấy, cánh tay bà Tư lẩy bẩy, bà gục vào vai tôi mà khóc, chẳng mấy chốc vai tôi đã đẫm nước mắt. Bà cầm lấy tay tôi, tiếng nói hỗn loạn vì những cơn nấc nghẹn:

 “Bà nuôi nó từ cái lúc nó còn bí tí từng này này. Bà chăm nó từng chút một, mỗi lần mà nó đau, nó ốm bà đều xót hết lòng. Con bà, con gái của bà, mới đây nó còn cho bà một đàn cháu mà…”

 Bà dường như không thể kể được nữa chỉ có thể dùng tiếng khóc nghẹn ngào thể hiện nỗi đau đớn của mình. Bà buông tay tôi ra, bên tai tôi lại nghe thấy tiếng thùm thụp. À, giờ thì tôi biết đây là tiếng gì rồi.

 Tôi vượn tay cố giữ chặt lấy tay bà không để bà tiếp tục đấm vào lồng ngực nữa. Có đôi lúc mà nỗi đau vô hình trong tâm con người còn lớn hơn cái đau xác thịt, bà tự đấm vào lồng ngực mình vì tim bà đau, bà bắt cái thân xác cũng phải đau để lòng bà bớt chua xót.

 Bàn tay bà bị tay tôi giữ lấy không ngừng run rẩy, bà cứ khóc, cơn nấc nghẹn đến từng đợt từng đợt chẳng dứt.

 Bỗng nhiên có người chạy vào, gấp gáp hô lên:

 “Bắt, bắt được kẻ trộm rồi!”

 Người ấy mãi mới nói được đủ câu, tiếng thở nặng nề, có lẽ là phải chạy một quãng xa về đây. Sau đó tiếng bàn tán nhỏ dần, hình như là người ta dẫn kẻ trộm vào. Tiếng khóc của bà Tư cũng nhỏ dần, một lúc sau bà mới rút tay khỏi tay tôi, tôi nghe thấy tiếng bà Tư hỏi:

 “Là mày hả, thằng Cải?”

 Có tiếng gì đó nặng nề nện xuống đất đánh phịch một cái, rồi giọng một người đàn ông cất lên:

 “Con lạy bà Tư, xin bà đừng báo công an, nhà con khổ, khổ lắm!”

 Tôi biết người tên Cải này, anh này là con trai của gia đình sống ở đầu xóm. Nhà anh này đầu làng cuối xóm ai cũng biết, là cái gia đình số khổ nghiệt ngã ấy. Mẹ anh ta ốm đau bệnh tật, con anh ta cũng ốm yếu, quanh năm chỉ có lủi thủi trong nhà, làm bạn với thuốc. Nghe người ta kể anh ta học hành không giỏi nên nghỉ học sớm đi làm công nhân bốc vác, nhưng mà gặp phải chủ hạch sách, lương thì bèo bọt ba cọc ba đồng còn chả đủ ăn chứ nói gì đến tiền thuốc, vậy nên anh ta lại quay về nhà. Nhà anh ta có một mảnh ruộng mà cha ông để cho, ban đầu anh ta cũng thật thà chăm chỉ, nhưng gánh nặng mưu sinh thì số tiền ít ỏi đấy lại chẳng thấm vào đâu. Sau có người bạn mách nước, dụ anh vào con đường cờ bạc, ban đầu cũng kiếm được kha khá nên anh mừng lắm, ngày càng chìm sâu để rồi nợ nần ngập đầu, vợ anh ta cũng không chịu nổi mà bỏ lại anh cùng mẹ già, con nhỏ đau ốm triền miên.

 Nghe bảo anh ta bị bắt khi đang đem đồ trộm được đi cầm, cũng chưa kịp làm gì đã bị lôi về đây. Anh ta nói, con Bông là chó cái mới đẻ, mà chó đẻ thường rất dữ, anh sợ bị nó cắn, cũng sợ nó sủa làm mọi người thức giấc. Mẹ anh ta ốm ngày càng nặng, anh ta thì nợ nần chẳng có tiền chạy chữa, chỉ đành làm liều đánh thuốc con Bông để nó không sủa anh, làm liều vào nhà bà Tư trộm. Dù sao thì bà Tư cũng sống một mình, lại là người giàu nhất trong vùng này, con trai bà theo công trình làm ăn khá được, gửi về cho mẹ cũng kha khá tiền. Nhưng bà Tư cần những thứ đấy à, ngày nào bà cũng kể với tôi bà nhớ con, nhớ cháu nhường nào. Bà chỉ có con Bông là niềm an ủi tuổi già côi cút.

  Giọng bà Tư run run:

 “Mày khó thì hỏi xin, hỏi mượn, bà có ghét bỏ gì đâu? Sao mày…”

 Bà chẳng nói được hết câu, sau đó chỉ có một hồi nức nở.

 Tôi định tiến lên nhưng bàn tay lại bị nắm lấy, anh Tùng vỗ nhẹ lên tay tôi giống như an ủi rồi nhỏ giọng bảo:

 “Mình ở đây thôi em, có những chuyện mình không tham gia vào được.”

 Tôi hiểu ý nên chỉ đành đứng yên tại chỗ.

 Tôi nghe thấy từng tiếng cốp cốp nện xuống nền, giọng người đàn ông nghe đầy khổ sở:

 “ Con van bà, con xin bà, con chưa kịp làm gì, đồ vẫn còn đây, con xin bà đừng báo người bắt con. Mẹ con với con con không có ai chăm sóc!”

 Tôi cũng hiểu được những tiếng động ấy đến từ đâu. Không hiểu sao nghe đoạn đối thoại của hai người bầu không khí giống như bị bóp nghẹt. Tôi nghe tiếng bà Tư như dùng hết sức để thốt lên:

 “Mày chưa làm gì á? Mày giết con gái bà rồi!”

 Tôi vô thức siết chặt lấy tay anh Tùng, đến bây giờ chính tôi còn thấy hoảng loạn. Tôi rất quý con Bông nên thấy ghét anh ta, nhưng thực sự thì anh ta cũng chỉ là một kẻ đáng thương bị số phận đày ải. Một người cô đơn bị cướp mất nỗi niềm an ủi duy nhất, một người vì hoàn cảnh mà đánh liều làm bậy. Giữa người thiếu tình thương và người thiếu vật chất, rốt cuộc thì trên đời này ai khổ hơn ai?



Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}