Trong con ngách nhỏ có mỗi bốn hộ gia đình chúng tôi sinh sống, căn nhà cuối cùng ở sâu phía cuối là nhà của bà Tư, bà đã ngoài bảy mươi, tóc bạc mái đầu. Chồng bà mất sớm, bà chỉ có đúng một mụn con trai, người con trai ấy cũng lấy vợ sinh con, có một gia đình nhỏ của riêng mình, sau đó cả gia đình con trai của bà chuyển lên thành phố sống. Con trai của bà theo làm ở một công trường, gia đình người con trai cả năm cả tháng mới về thăm bà được đôi ba ngày rồi lại vội vàng đi. Cứ thế, bà Tư một mình sống lủi thủi trong căn nhà trống trải, bầu bạn với bà cũng chỉ có con chó trắng mà bà nuôi từ tấm bé. Con chó trắng ấy rất ngoan, mập mạp, lông xù mềm mại như cục bông gòn, bà thương nó lắm, bà chăm nó kĩ như con cháu của bà. Con chó đó giống như vật cưng của cả ngách, đám trẻ con sống trong ngách rất thích đến chơi cùng nó, tôi cũng thích, tôi thích cảm giác vừa mềm vừa ấm khi xoa vào người nó, thích nó quấn quýt rồi nằm cuộn tròn dưới chân tôi.
Sáng nay bà tôi lại phải ra ngoài, trong tuần nên anh Tùng vẫn phải đi học, tôi đã quen với việc phải ở nhà một mình như này rồi. Tôi cứ loanh quanh dọn dẹp mấy thứ lặt vặt rồi đi tìm cây gậy gỗ, lần mò tìm sang nhà bà Tư. Chắc tại con cháu bà đều ở xa nên bà cô đơn, bà thích cảm giác đám trẻ hàng xóm sang nhà bà chơi đùa tíu tít lắm. Nhưng bình thường đám trẻ con phải đi học cả ngày, chỉ có tôi rảnh rỗi là lại chạy sang nhà bà chơi nên bà coi tôi như cháu gái của bà mà đối xử. Cũng có lẽ vì thế mà con chó bà nuôi quấn quýt tôi lắm.
Tôi ngồi trong sân nhà bà, vừa ăn bánh mà bà cho vừa nghe bà nói chuyện.
“ Bà đã dặn nó bao lần rồi, cũng giữ nó kĩ như vậy, cuối cùng vẫn để thằng nào lừa mất rồi đem bầu về đây!”
Tôi nghe bà Tư càu nhàu, cười khẽ. Bà giống như một người mẹ đang trách đứa con gái hư, ngốc nghếch bị người ta lừa đi mất. Giọng bà vừa nghiêm khắc, cũng mang theo chút chiều chuộng dịu dàng.
“Nhưng mà giờ bà có thêm cháu rồi, không phải bà rất vui sao ạ?”
Tôi nghe thấy bà hừ hừ mấy tiếng sau đó lại cười:
“Ờ, vui chứ, nhưng chẳng biết thằng chó nhà nào làm con bà đen nhẻm, loang loang lổ lổ chả được xinh như mẹ nó gì cả.”
Tôi buồn cười, tôi chẳng nhìn thấy gì cả nhưng nghe giọng bà lại tưởng tượng được cảnh bà đang vừa cười vừa tức giận. Tôi chợt thấy mềm mềm âm ấm ở chân, tôi với tay xoa cái bộ lông xù đang cọ vào chân mình.
“Bà Tư ơi, bé Ninh có ở đây không ạ?”
Tôi nghe thấy tiếng anh Tùng, trong lòng khấp khởi mừng. Đoạn đường từ nhà tôi sang nhà bà Tư chỉ có một đoạn ngắn, tôi đi lại nhiều lần đến mức thuộc nằm lòng rồi. Bình thường tôi cũng chẳng đi được mấy đâu, chỉ loanh quanh trong nhà hoặc đi sang nhà bà Từ ngồi nói chuyện với bà tiện thể vuốt lông chó. Vậy nên mỗi lần về nhà mà không thấy tôi là anh Tùng lại như thói quen mà chạy qua đây nhìn.
“Có, có! Thằng Tùng đấy à, mau vào đây, con bé ở đây này. Vào đây xem, đàn cháu nhà bà mở mắt rồi.”
Tiếng bước chân anh ngày càng gần, hình như anh ngồi xuống ngay bên cạnh tôi làm tim tôi không kiềm được mà nhảy nhót. Tôi nghe thấy cả tiếng kêu nhỏ của chó con đang ngày một rõ, anh Tùng chọc vào lòng bàn tay tôi, hỏi:
“Bé Ninh có muốn ôm chó con không? Đáng yêu lắm!”
Tôi vui vẻ chìa tay ra chờ đợi. Một lát sau trong bàn tay tôi có vật gì nhỏ nhỏ, mềm mềm đang run lẩy bẩy. Tôi chưa từng được chạm vào bất kỳ sinh vật sống nào nhỏ bé đến nhường này, trong lòng cứ nhột nhột. Tôi thích thú ôm vào lòng, nhẹ nhàng vuốt ve. Chợt bà Tư bật cười, bà trêu:
“Hai đứa lúc nào cũng dính lấy nhau như sam thế này, liệu có ý định cưới nhau không?”
“Em Ninh còn nhỏ mà bà, chưa nói gì vội ạ.”
“Nhỏ gì nữa, mười ba mười bốn tuổi, ngày xưa là các bà cưới rồi đấy.”
Tôi ngồi im lặng nghe hai người họ nói chuyện, hai bên má cảm giác đều nóng ran. Tôi ngượng, cúi đầu trôn cả mặt vào giữa vòng tay đặt trên gối, cố giấu đi khuôn mặt chắc đã đỏ lựng lên.
“Mà, giờ cái gì cũng khác, các cháu vẫn phải đi học, đúng là còn nhỏ thật!
Nhưng mà, các bà, các cô đều nhìn hai đứa lớn lên bên nhau, nếu sau mà
hai đứa có cưới nhau thật thì mọi người cũng mừng!”
Tôi nghe tiếng anh Tùng cười khẽ, lễ phép đáp lại bà:
“Vâng, nếu sau này bé Ninh vừa ý cháu đã ạ! Còn giờ con bé vẫn còn nhỏ
lắm!”
Nghe lời anh nói tim tôi như muốn phá tan lồng ngực mà lao ra ngoài. Nếu, tôi nói nếu thôi, tôi bảo anh là tôi có ý thì liệu anh có đồng ý cưới tôi không nhỉ?
Sau đó đầu óc tôi cứ treo ngược cành cây, chẳng rõ hai người ấy đã nói những gì, chỉ thi thoảng nghe thấy hai người họ cười rất vui vẻ. Mãi cho đến lúc anh Tùng chào bà Tư tôi mới sực tỉnh, vội với lấy cây gậy gỗ rồi cuống cuồng đứng dậy chào bà rồi theo anh về.
Trên quãng đường ngắn ngủi từ nhà bà Tư về nhà tôi, trong đầu tôi cứ lặp đi lặp lại lời anh nói, cố tìm hiểu xem liệu có phải anh cũng có chút thích thích mình không, rồi cứ thế tôi im lặng chẳng nói gì mà tự chìm vào thế giới của riêng mình. Chợt cổ tay tôi bị nắm lấy, anh nhẹ nhàng vỗ vỗ lên đầu tôi, trong giọng nói còn kèm cả tiếng cười khẽ:
“Sao vậy? Không vui à, chẳng lẽ em không muốn cưới anh đến thế sao? Ôi, anh đau lòng chết mất thôi!”
Tôi luống cuống chẳng biết trả lời sao, vậy nên tôi quyết định cúi đầu không đáp. Tôi sợ sẽ lỡ lời mà nói ra cảm xúc của mình mất.
Anh cười lớn:
“Ôi, bé Ninh đúng là vẫn còn nhỏ quá, dễ ngại như vậy! Anh đùa thôi, mau về nhà, nay anh làm cho em thịt kho tàu mà em thích nhất!”
Anh vừa nói, vừa lấy đi cây gậy gỗ của tôi rồi nắm tay tôi dắt tôi về.
“Bé Ninh nhà mình đúng là đáng yêu thật đấy, sau này ai lấy em đúng là được của hời rồi!”
Trong lòng tô cứ nhộn nhộn như bị kiến cắn, lại cũng khấp khởi vui mừng vì
được anh khen dễ thương. Tôi không biết vẻ ngoài tôi trông như thế nào, nhưng anh rất hay dịu dàng xoa đầu tôi nói những lời đẹp đẽ.
Nhưng rồi trái tim tôi lại trùng xuống, trong đầu cũng không còn lặp đi lặp lại câu hỏi biết đâu anh cũng thích tôi. Tại, anh có nghĩ muốn lấy tôi đâu?
Năm tôi chín tuổi, lần đầu tiên trong đời tôi biết đến có thứ gọi là thay răng. Bỗng một ngày răng cửa của tôi lung lay rồi rơi mất, bà thì không có nhà, tôi sợ đến mức khóc như mưa, chờ bà về khéo mắt tôi đã sưng vù như hai con ốc. Bà vừa lấy giấy chùi mũi cho tôi, vừa dỗ dành:
“Ngoan, đợi răng mới mọc lại là xinh hơn răng cũ ngay.”
Nhưng chắc lúc khóc trông tôi xấu lắm nên tôi nghe rõ là bà đang nhịn cười. Tủi thân, tôi lại càng khóc. Tôi cứ khóc rưng rức như thế đến tận lúc anh Tùng đi học về. Anh thả một viên kẹo đào vào miệng tôi, vừa vỗ lưng tôi vừa nhẹ giọng dỗ.
Cũng tại tôi thay răng muộn, bà tôi kể hồi đấy tôi là đứa trẻ thay răng muộn nhất mà bà biết. Mà thực ra trong nhà có mỗi hai bà cháu, bà lại bận rộn kiếm thêm từng đồng để nuôi tôi nên thi thoảng bà sẽ quên chuyện này, nhớ chuyện kia. Phải đến tận lúc ấy tôi mới biết đứa trẻ nào đến tuổi thì đều phải thay răng, sau đó sẽ có răng mới mọc lên thế vào vị trí ấy.
Biết vậy, nhưng mà tôi vẫn buồn. Buổi tối ăn cơm xong tôi cứ ngồi ngẩn người trước cửa, thi thoảng lại nhớ đến cái chỗ không có răng. Ngày xưa bà hay kể chuyện công chúa cưới hoàng tử, nhưng làm gì có nàng công chúa nào bị sún răng như tôi đâu?
“Bé Ninh nhà mình sao mà tiu nghỉu thế này?”
Tôi co người, áp mặt lên đầu gối. Tự dưng anh lại hỏi làm cảm giác tủi thân của tôi lại trào lên. Tôi bĩu môi:
“Anh ơi, liệu có công chúa nào bị sún mà còn cưới được hoàng tử không ạ?”
Tôi không đi học, cuộc sống tôi được vây quanh bởi tình thương của bà, cùng những câu chuyện cổ tích mộng mơ mà bà kể. Vậy nên trong tâm trí của đứa trẻ chín tuổi lúc bấy giờ, tôi vẫn tin trên đời có những chuyện ngọt ngào như cổ tích.
Tôi nghe thấy anh cười khúc khíc, phải mất một lúc mới dừng lại được. Má tôi bị ảnh nhéo một cái rõ là đau.
“Đợi một thời gian nữa là răng em mọc thôi, lúc đó em chính là nàng công chúa xinh đẹp nhất trên đời này!”
Tôi cười, với lấy cánh tay anh rồi lắc mấy cái. Thật ra tôi không biết hoàng tử nào trên đời cả, nhưng chắc chắn chàng hoàng tử mà tôi muốn ở cạnh chính là anh.
“Anh Tùng, sau này anh cưới em được không?”
Hình như anh sững sờ rất lâu, tôi không rõ nữa, chỉ biết anh không bật cười, cũng chẳng vỗ nhẹ đầu tôi vừa cười vừa nói như mọi khi. Một lúc sau anh mới đáp lại, giọng nói nghiêm túc:
“Em là em gái của anh mà.”
Anh bảo anh sợ mình trở thành người giống bố, thành một kẻ làm vợ con đau khổ, vậy nên anh không có ý định lấy vợ. Nhưng vì tôi là em gái anh nên anh sẽ ở cạnh và chăm sóc tôi cả đời.
Năm ấy tôi chín tuổi còn anh thì mười hai, lần đầu tiên anh nghiêm túc nói chuyện với tôi. Anh nói anh không có ý định cưới vợ, cũng chắc chắn không lấy tôi.
Thuở ấy tuy chẳng biết đến cái gọi là thất tình nhưng trong ngực tôi lại giống như bị ai khoét một lỗ lớn.
Chẳng biết tôi đã thất thần bao lâu, đến tận khi tỉnh táo lại thì đã ngồi vững trong nhà, ngửi thấy mùi thịt kho thơm thoang thoảng trong không khí. Có lẽ anh không biết lời nói lúc ấy của tôi là thật lòng nghĩ vậy, có lẽ anh chỉ coi đó là lời đùa thơ ngây của trẻ con, cũng được, chỉ cần tôi hiểu rõ là được. Và tôi hiểu, lời ngày ấy của anh là nghiêm túc.
Bình luận
Chưa có bình luận