Tôi "hả" một tiếng rõ to rồi ngẩng đầu lên. Và lúc này, hương hoa mộc lan bỗng thoảng qua tâm trí tôi như đang cố dội lại kỉ niệm xa xôi trong tiềm thức.
Tôi đứng chôn chân tại chỗ. Cơ thể nổi lên thứ cảm xúc bồi hồi kì lạ. Cảm giác tiêu tao khó tả ấy lại chảy theo mạch máu, râm ran khắp người tôi rồi đổ dồn vào trái tim rung nhè nhẹ.
Tôi thấy Dĩnh hớt hải chạy lại gốc cây mộc lan, đưa tay nâng niu cánh hoa trắng tinh, mềm mại. Y nhẹ nhàng ngắt một đóa hoa hướng về phía tôi, gương mặt ánh lên niềm vui rạng rỡ:
- Nàng nhìn xem, mộc lan nở rồi!
Tôi lặng lẽ gật đầu, không đáp lại. Bao nhiêu lời muốn nói lại chẳng thể thốt ra chỉ đành chôn giấu thật sâu trong kí ức.
Hình như tôi đã gặp Nguyễn Dĩnh ở đâu đó.
Không phải là kiếp này, có thể kiếp trước hoặc trước nữa hoặc vô số kiếp trong luân hồi. Chẳng biết chúng tôi có từng thề non hẹn biển, từng cuồng si đến rồ dại hay không mà sợi dây duyên phận lại vươn dài đến thế.
- Nàng sao vậy? – Dĩnh tiến về phía tôi, dịu dàng đưa tay lau đi giọt nước mắt: Từ lúc về đây ta thấy nàng rất lạ.
Tôi hít một hơi thật sâu, lấy lại thái độ bình tĩnh.Thoạt, tôi nhoẻn miệng cười giả dối:
- Thưa, tôi bị bụi bay vào mắt ạ.
- Thật ư?
Dĩnh hỏi lại, nét mặt hiện rõ hai chữ "không tin". Tuy nhiên tôi lại cố chấp gật đầu hòng khẳng định:
- Thật ạ!
Nghe vậy y cũng không làm khó dễ tôi nữa. Một tay lau nước mắt cho tôi, tay còn lại cầm đóa hoa mộc lan đưa lên, cài vào mái tóc tôi.
- An Linh. – Dĩnh gọi nhỏ.
- Dạ? – Tôi dù không hiểu y định làm gì nhưng vẫn đáp lời.
- Không có gì.
Dĩnh cười hề một tiếng rồi quay lưng rời đi. Vừa đi, y vừa gọi với tôi ở đằng sau:
- Nàng còn không mau về phòng của mình.
Tôi dù đang trong trạng thái tự hỏi "mình là ai?" nhưng vẫn nhanh chân chạy theo Dĩnh về căn phòng nhỏ ngay trong sân.
...
Sáng 23 Tết.
Thị Dũng đã đi từ hôm qua, thị dặn cái Hạt rằng chuyện lớn nhỏ do ba cậu làm chủ, còn việc nữ công thì để cô Ẩn quán xuyến cũng được. Tôi nghe Hạt nói lại, trong lòng chỉ cảm thấy nặng nề hơn. Thế nào là nữ công, tôi không biết. Mà đã không biết thì sao có thể quản lí cho được.
- Vậy giờ tôi phải làm gì? – Tôi cố cười, gặng hỏi Hạt.
- Chị cứ ngồi đó thôi, thấy gì không ổn thì nhắc nhở chúng em.
Hạt nói xong mọi chuyện với tôi rồi lại cắm cúi nhóm củi. Tôi thấy việc đứng chỉ tay năm ngón không ổn cho lắm nên cố lẽo đẽo theo sau cái Hạt, hòng tìm cho được việc:
- Không ấy có việc gì em cứ bảo chị đi, chị không biết phải làm gì cả.
- Khiếp. – Hạt hơi cười thốt lên, nó ỏn ẻn nhìn tôi: Chị cứ như dâu mới ý nhỉ.
Nghe nó nói, tôi đột ngột đứng sượng trân tại chỗ. Hình như có chút giống. Nào là kê khai lí lịch, nào là quán xuyến chuyện nhà rồi chỉ bảo gia nhân. Không! Tôi ngầm kịch liệt phủ nhận. Tôi cũng chỉ là con ở mà thôi, là con ở, là con ở!!!
- Hay chị đi têm trầu đi.
Có lẽ thấy dáng vẻ cứ mãi chôn chân cùng nét mặt bần thần của tôi nên cái Hạt mới bất đắc dĩ giao việc. Tôi vẫn cười cho có, cẩn thận hỏi lại:
- Têm trầu ở chỗ nào hả em?
- Chị cứ đi lên nhà trên là thấy nhỏ Đũm đang ngồi têm trầu.
Nói rồi, tôi cũng à ừ cho có rồi đi ra khỏi bếp. Lần theo lối mòn nhỏ còn đang chìm trong bóng tối lập lòe, tôi thấy một người con gái trạc mười ba đang ngồi lúi húi làm gì đó.
- Đũm đấy hả? – Tôi ỏn ẻn dò hỏi.
- Dạ? – Cái Đũm ngẩng đầu lên. Dù trời vẫn còn nhập nhoạng nhưng tôi vẫn có thể thấy rõ sự hoang mang trong mắt nó.
- Tôi tên Ẩn. – Tôi hơi cười giải thích: Hạt bảo tôi lên đây têm trầu.
- À, ra là chị Ẩn. – Đũm cũng cười toe toét. Nó kéo tay tôi ngồi xuống bên cạnh: Chị cứ ngồi đây chơi thôi, còn têm trầu để em.
- Thôi. – Tôi giật giật tà áo nó: Em dạy chị đi, chị ngồi không chị ngại lắm.
Nó nghe vậy càng cười lớn hơn, đoạn, đánh một câu khiến tôi muốn ngã ngửa: Chị cứ như dâu mới ý!!!
"Chị cứ như dâu mới ý"
"Chị cứ như dâu mới ý"
"Chị cứ như dâu mới ý"
Câu nói đó cứ xoay tròn trong tâm trí tôi rồi rơi thật sâu vào trong hố đen tuyệt vọng. Không biết Thị Dũng đã nói những gì với họ mà hôm nay họ đều trêu chọc tôi như vậy.
Tôi là con ở. Tôi không phải con dâu. Tôi không dám làm con dâu ở đây!
- Thế giờ chị têm trầu giúp em nhé.
Đũm nhanh tay đặt khay lá trầu, bình vôi tôi về phía tôi, nó không quên nhét vào tay tôi con dao bản vuông bổ trầu cau trong truyền thuyết.
Tôi một tay cầm dao, một tay cầm lá trầu, ngồi nghệt như người bị trấn hồn phách. Làm sao... làm sao đây, hai mắt tôi nhìn chằm chằm vào tay của người con gái trước mắt, nhớ từng động tác của cô ta để bắt chước lại.
Đầu tiên là gập đôi lá trầu theo dọc sống lưng này, tiếp theo là dùng dao cắt hai cánh cho nó toe toe ra, thêm nốt cái sống lưng, sau nữa là tỉa từng cái răng cưa này.
- Trời đất, chị Ẩn.- Con bé đột nhiên hét lên khiến tôi giật mình ngẩng đầu nhìn nó. Nó cầm lấy cái lá trầu trong tay tôi rồi xoè ra, hai mắt tròn xoe hỏi tôi:
- Chị cắt cái gì đây.
- Lá cần sa đó em.- Tôi thản nhiên trả lời lại, mấy cái răng cưa ở cạnh lá khó làm quá tôi liền liên tưởng tới lá cần sa để làm cho dễ.
- Cần sa là lá gì?
- À... đại loại là một loại lá có viền răng cưa vô cùng đẹp.
- Nhưng chị đừng cắt sâu như vậy.
- Được thôi.
Nói rồi tôi mau chóng lấy lại lá trầu. Sau một ngàn lẻ một kĩ thuật sử dụng dao điêu luyện cuối cùng tôi cũng đã tỉa xong. Tôi cẩn thận chọn cho mình một quả cau xanh vừa đẹp rồi lại chăm chú học tập cái Đũm.
Chia bốn quả cau ra làm bốn, tỉa một phần hai vỏ cau, sau đó tỉa... tỉa... tiếp tục ia... lộn... tỉa
- Ẩn.
Tiếng gọi đột ngột vang lên, phá vỡ trạng thái tịnh tâm vô cực của tôi. Trái tim tôi nhảy thót lên một chút, tay theo phản xạ buông ra. "Bộp" một phát, quả cau tròn lẳn trên tay tôi rơi xuống, lăn từ bậc hiên lăn ra tận ngoài sân. Tôi hơi cáu ngẩng đầu lên, Nguyễn Dĩnh hớn hở đi vào khiến tôi rụt lại thái độ tức giận ban nãy.
- Ta nghe cái Hạt nói nàng têm trầu ở đây. Sao rồi, têm được miếng nào chưa?
- Thưa, vốn là rồi ạ. – Tôi nói cụt lủn.
Dĩnh không hiểu ý tôi, y ngơ ngác hỏi lại:
- Thế nào là "vốn".
- Dạ, không có gì ạ. – Tôi đem quả cau giấu ra đằng sau. Trong phút giây Dĩnh quay đầu đi, vội vã ném quả cau trở lại chiếu.
- Cũng tờ mờ phỏng. – Y vừa nhìn về phía cửa, vừa nói: Nàng có muốn đi chợ cùng ta không?
- Dạ, tôi sao cũng được ạ.
Tôi tỏ ra rất ổn. Nhưng mấy ai biết rằng sâu trong nước mắt là biển rộng. Tôi chỉ muốn ngồi đây têm trầu cùng cái Đũm mà thôi chứ chẳng muốn đi đâu hết. Tuy nhiên tôi hèn, tôi không dám từ chối Dĩnh.
- Vậy đi chợ với ta đi.
Dĩnh cười cười như đã nhìn thấu suy nghĩ của tôi. Tôi không tỏ ra bất kì thái độ nào cả chỉ quay đầu đặt con dao cẩn thận lên chiếu, ánh mắt cứ dán chặt vào người cái Đũm không rời. Tôi đang cầu xin cái Đũm giữ tôi ở lại. Thế nhưng nó lại đáp trả tôi bằng đôi mắt tròn xoe, ngây thơ vô số tội. Nó không hiểu tôi. Tôi bất đắc dĩ thầm nghĩ trong lòng.
-
Chợ thời xưa so với tưởng tượng của tôi không có khác biệt gì lớn cho lắm. Cũng gà, cũng qué, cũng rau, cũng dưa, cũng vôi, muối, và đầy đủ thứ đồ ngày Tết. Duy chỉ có vài quầy hàng trang sức khiến tôi cảm thấy lạ lẫm. Nào là san hô, ngọc trai, đầy rẫy những món quà từ biển cả. Tôi cứ nhìn chằm chằm vào một cái kẹp tóc vỏ sò. Không phải vì thích mà là vì lần đầu thấy.
- Nàng sao vậy? – Dĩnh đứng sau tôi, bởi y cao hơn tôi nên tôi có cảm giác như giọng nói của y dội từ trên đầu xuống: Thích cái gì rồi sao?
- Thưa, không ạ. – Tôi vội vã quay đầu lại: Tôi chỉ thấy lạ mà thôi.
- Vậy à. – Dĩnh ngừng một lát, y đặt vào tay tôi vài đồng xu: Vậy nàng đi mua vôi giúp ta đi. Ta ở đây đợi nàng.
Tôi ngơ ngác nhìn mấy đồng xu nằm gọn trong tay, hỏi:
- Thưa, mua mấy đồng vôi?
- Tất cả.
- Vôi cục hay vôi bột?
- Vôi cục.
- Vôi sống hay vôi tôi? (1)
Nói đến đây, Dĩnh bỗng nhìn tôi bằng ánh mắt bất lực. Y vội vã đẩy tôi đi với câu nói thể hiện rõ sự ngao ngán:
- Nàng mua loại nào cũng được, tùy nàng, ta lo được tất.
- Thưa, vâng.
Tôi mặc dù không hiểu nhưng vẫn cầm tiền đi mua vôi.
Và quả nhiên, chợ thời nào cũng vậy. Đông đúc, náo nhiệt, chật chội không thể tả. Tôi không biết hàng vôi ở đâu. Muốn hỏi những người xung quanh nhưng lại hèn không dám hỏi. Cuối cùng tôi đành nhờ vài linh hồn vất vưởng xung quanh dẫn tôi đến hàng vôi. Thiệt hại là mười tập giấy vàng.
Đến lúc quay lại chỗ cũ, tôi không thấy Nguyễn Dĩnh đâu cả. Đang lúc ngơ ngác bỗng có tiếng gọi từ đằng xa. Dĩnh hớn hở chen qua dòng người nhộn nhịp, chạy lại phía tôi như một đứa trẻ khoe quà. Y giơ chiếc cặp tóc vỏ sò lên, giọng nói không kìm được vui sướng:
- Tặng nàng.
Thấy vậy, tôi ngẩn cả người ra, đứng chôn chân tại chỗ. Dù không đến nỗi đánh rơi bịch vôi trong tay nhưng có thể trái tim đã hẫng đi vài nhịp.
Không để tôi kịp phản ứng, Dĩnh đã tháo chiếc trâm của tôi khiến cho tóc mái xõa ra, phất phơ trước mặt. Tôi vẫn đứng yên tại chỗ. Không phải không muốn tránh, nhưng cơ thể lại cứng đờ nhưng không cho tôi chạy trốn.
- Nàng có thích không? – Dĩnh vừa cài lên tóc tôi vừa vui vẻ dò hỏi.
Vào khoảnh khắc này, tôi thật sự đã thành kẻ hèn nhát. Ngoài ngậm chặt miệng ra, tôi không biết phải nói gì cho thỏa. Tay cầm bịch vôi không tự chủ mà dúi vào người y. Dĩnh cũng chú ý tới hành động nhỏ này của tôi.
- Để ta cầm cho.
-
Chú thích:
(1) Tình huống được lấy cảm hứng từ truyện dân gian
Bình luận
Chưa có bình luận