- Tôi xin tự giới thiệu, tôi là Nguyễn Lã, anh ba tên Nguyễn Dĩnh, anh hai Nguyễn An.
- Vâng. - Tôi mau chóng hùa theo.
- Vậy cô lên Tê San này để làm gì?
- Vâng...
Tôi toan tiếp tục phụ họa, song chỉ kịp nói một tiếng đã bị cứng họng. Nội dung trả lời câu này không khác gì câu trước cả. Nhưng hiện tại, không chỉ có họng tôi cứng mà ngay cả dòng suy nghĩ của tôi cũng chững lại.
Quảng Thịnh năm thứ 30, tức 1770.
Phủ Quý Nhân, đèo Yên Hề, Tê San.
Ba anh em, Nguyễn An, Nguyễn Dĩnh, Nguyễn Lã.
Đó không phải ba nhân vật lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nổi tiếng trong lịch sử hay sao? Dù tôi rất muốn phủ nhận điều ấy nhưng tất cả thông tin tôi biết lại buộc tôi phải chấp nhận.
Tôi bắt đầu nghĩ tiếp, sẽ ra sao nếu như tôi giết Nguyễn Dĩnh cướp linh hồn. Lịch sử sẽ thay đổi ư? Có thể nghĩa quân Tê San sẽ tan rã, nhân dân tiếp tục chịu cảnh lầm than và hàng trăm hàng ngàn năm nữa, tôi vĩnh viễn thành tội nhân thiên cổ. Tuy nhiên, nếu không lấy được linh hồn của y, bị kẹt mãi mãi ở nơi này là kết cục tôi phải gánh chịu. Giá như chỉ mắc kẹt thôi thì không có vấn đề gì cả. Song, bất kể lúc nào, sự xuất hiện sai lệch của tôi đều có thể bị thiên đạo phát hiện. Càng lâu càng dễ bị phát hiện. Đến lúc đấy, hồn phi phách tán là điều không thể tránh khỏi.
- Cô nghĩ xong lý do chưa?
- Chưa.
Tôi buột miệng lên tiếng rồi ngay lập tức nhận ra bản thân đã vô để tình lộ sơ hở. Ý định bào chữa chưa kịp thốt lên thành lời thì Nguyễn Dĩnh đã ngăn cản.
- Vậy cô cứ ở đây đến khi nào cho tôi một lý do chính đáng.
Dứt lời cả ba người liền rời đi, cánh cửa đóng sập vào một lần nữa. Tiếng khóa lách cách vang lên như quyết định số phận của tôi. Trong gian nhà tôi tối chỉ còn có tôi và tiếng chim bồ câu hoảng hốt.
Tôi bị nhốt.
Nó cũng vậy.
Khác cái nó kháng nghị còn tôi thì không.
...
Đã mấy ngày trôi qua, hôm nay tôi mới được đi lại tự do ở nơi này. Thực ra vẫn còn nhiều hạn chế, điển hình là tất cả phải dưới sự kiểm soát của Nguyễn Dĩnh. Tôi không nghĩ rằng cái lý do củ chuối ấy lại có thể đổi được nửa sự tự do cho tôi. Nhưng ngoài nó ra thì chẳng còn tác động nào cả.
Tôi nói tôi thích Nguyễn Dĩnh.
Rất thích.
Thích từ lúc ở dưới Tê San hạ đạo đã quyết tâm tán tỉnh y rồi đuổi theo đến tận nơi này.
Đứng trước lí do đó, Dĩnh chẳng tỏ thái độ gì cả. Vẻ mặt y lúc nào cũng nhàn nhạt đối với mọi thứ xung quanh. Nghĩ đến đây, tôi bất giác nhớ tới người đưa ra yêu cầu trở về quá khứ cướp linh hồn quái gở. Bởi lẽ khi quan sát kĩ mới thấy tính cách của y có nhiều nét trùng với Nguyễn Dĩnh. Dẫu vậy, lúc này tôi chẳng thể nào nghĩ được nhiều như thế.
Mấy ngày qua, tôi nếm đủ những trằn trọc, dằn vặt trong tâm hồn, bây giờ đã thông suốt. Tội nhân cũng được, ích kỉ cũng chả sao. Tôi thừa nhận là tôi sai, sai với Nguyễn Dĩnh, sai với bao nhiêu người khác và nếu phải trả giá tôi cũng xin chấp nhận trả giá.
Linh hồn của Nguyễn Dĩnh, với bất cứ giá nào tôi đều phải cướp đi!
...
Đêm đến, toàn bộ rừng núi Tê San chìm vào trong bóng đen âm u, tĩnh lặng. Nơi đây đã phác vào trong tâm hồn tôi một vài nét cách biệt hoàn toàn với thế giới. Nó giống như cõi trời nằm lạc lõng, bơ vơ ở góc rìa vũ trụ bao la, rộng lớn. Và giữa thế giới xa lạ này, tôi không có lấy một tý tri kỉ nào. Dù có ghét, có chán cuộc sống hiện đại nhưng tôi vẫn muốn quay về. Bởi đâu đó... vẫn còn chút tình cảm lặng lẽ, vương vấn, thấm đượm tâm hồn tôi. Có thể là người ấy, hoặc cũng có thể là hắn ta...
Vừa nghĩ, tôi vừa bưng một chậu nước ấm đến trước phòng của Nguyễn Dĩnh. Qua ô cửa sổ nhỏ, tôi thấy ánh đèn vàng đang leo lét cháy. Thứ ánh sáng nhỏ nhoi nhưng sáng soi cả căn phòng mờ ảo, in bóng người lên ô cửa.
Cô đơn.... Ý nghĩ ấy vừa hiện lên trong đầu liền bị tôi dập tắt. Người ta không phải tôi càng không chung nỗi niềm với tôi. Người ta là anh hùng áo vải, sau này là tướng quân và sau nữa là vua. Nhưng chỉ tiếc rằng, qua đêm nay cũng có thể không là gì cả. Tôi dứt khoát đẩy cửa bước vào. Vừa nghe tiếng động, Dĩnh đã ngẩng mặt lên nhìn tôi. Ánh mắt của chúng tôi chạm nhau. Tôi đứng sượng sùng ở đó. Chỉ có y vẫn bình tĩnh cúi mặt xuống, tiếp tục viết.
- Cô đến đây làm gì?
- Tôi... - Tôi vốn định nói gì đó, nhưng sợ ngôn từ của bản thân mất kiểm soát nên chỉ vô lễ nói vỏn vẹn vài từ: Nước rửa chân.
- Không cần đâu. - Y vẫn miệt mài viết thứ gì đó.
- Vậy... vậy tôi(1) mài mực cho chúa công được không?
Nguyễn Dĩnh không nói gì. Với tôi không nói là đồng ý. Tôi đặt chậu nước sát bên cửa rồi nhanh chân chạy tới cạnh y, vội vàng sắn tay áo lên, cẩn thận mài mực.
"Nói gì đây". Tôi không biết nữa, mọi thứ chỉ dám nghĩ trong đầu. Dĩnh cứ tập trung viết như vậy làm sao tôi có cơ hội ra tay? Tôi phải tìm thứ gì đó để di dời sự chú ý của y, đợi khi lộ sơ hở thì nắm bắt.
- Quên chưa hỏi, cô tên gì?
- Hả? - Tôi bị câu hỏi của Dĩnh làm giật mình. Nhưng rất nhanh, tôi bình tĩnh lại tiếp lời luôn: Thưa, Ẩn Tử.
Tôi vừa nói xong, nét mặt Dĩnh bất chợt có chút thay đổi. Từ thản nhiên, lạnh lùng bỗng nổi vài gợn suy tư, lo lắng. Song, tất thảy đều bị y lấp liếm dưới lớp thái độ ban đầu.
- Họ Ẩn sao?
Tôi gật đầu cho qua, đó không phải tên thật của tôi. Tôi nghĩ dù sao cũng chỉ gặp nhau nốt đêm nay, đến ngày mai thì việc tên gì chẳng còn quan trọng nữa.
- Vậy chữ Tử là trong từ nào?
Tôi hơi lúng túng bởi không có sự chuẩn bị từ trước. Dẫu trong lòng thầm than có gì mà Dĩnh phải hỏi kĩ như vậy nhưng miệng vẫn phải tiếp tục câu chuyện này:
- Thưa, là "tâm tử". Trong "Tự kinh thoán chí hỷ đạt hạnh tại sở kỳ 1" của Đỗ Phủ có ghi: "Nhãn xuyên đương nhật lạc/Tâm tử trước hàn hôi"(2)
Nói rồi, tôi chỉ thấy tay Dĩnh dừng lại. Dường như một phần chú ý đã được chuyển qua cái tên của tôi. Tôi cố nghĩ bao nhiêu cách chẳng thể khiến Dĩnh sao nhãng, đến cuối cùng nó lại diễn ra thật ngẫu nhiên. Đúng là người tính không bằng trời tính.
- "Phù ai mạc đại ư tâm tử/Nhi nhân tử diệc thứ chi (3) . Ai đã làm gì cô mà cô tuyệt vọng đến vậy.
- Dạ? Không ai làm gì tôi. Cha mẹ đặt sao thì nghe vậy thôi ạ.
Tôi đáp. Đến lúc này tôi bỗng phát hiện ra bản thân đã nói dối một lần! Hoặc ngay từ cái tên "Ẩn Tử" đã là gian dối.
- Có vẻ cô cũng học không ít. - Dĩnh vừa viết vừa hỏi chuyện tôi.
- Thưa, tôi chỉ biết chút mọn vậy thôi ạ.
- Biết viết chữ không?
Tôi gật đầu: Có biết một chút ạ.
- Hán tự?
Tôi tiếp tục gật đầu: Vâng.
- Vậy chữ Nôm thì sao?
- Thưa, cũng biết một ít.
Bấy giờ, Dĩnh đột ngột ngẩng mặt lên nhìn tôi. Ánh mắt y bỗng trở nên chăm chú khiến tôi đứng im như một pho tượng đá. Tôi đã nói sai ở đâu sao? Sai chỗ nào? Tôi không biết nữa. Mặc cho tâm trí không ngừng đảo loạn, tôi vẫn cứng cẳng tại chỗ. Tôi tự dưng thấy sợ ánh mắt của y.
- Viết vài chữ ta thử xem.
Y đưa bút cho tôi rồi đứng dậy. Tôi cầm lấy cây bút trong tay, chưa kịp hiểu chuyện gì đã bị Dĩnh đẩy một phát ngồi bịch xuống ghế.
- Tôi... ngồi đây... viết ý ạ?
Tôi hơi không tin vào những gì vừa nghe thấy. Nhưng Dĩnh đã ngay lập tức khẳng định lại.
- Viết đi, ta cho phép.
Tôi nửa tin nửa ngờ đặt bút xuống. Dù tay đang viết chữ nhưng lòng vẫn không yên. Thi thoảng tôi lại liếc mắt qua chỗ Dĩnh, vừa quan sát thái độ vừa đề phòng.
- "Tử đằng quải vân mộc
Hoa mạn nghi dương xuân
Mật diệp ẩn ca điều
Hương phong lưu mỹ nhân."(4)
Tôi vừa dừng bút, Dĩnh liền đọc những câu thơ đó lên. Đọc xong, nét mặt y bỗng trở nên đăm chiêu, suy nghĩ:
- "Tử đằng thụ" của Lý Bạch sao?
Tôi gật đầu: Thưa, vâng.
- Cô luyện chữ bao lâu rồi?
- Thưa, tôi không nhớ ạ.
- Ta thích nét chữ này của cô.
- ...
Dĩnh vừa dứt lời, tôi như rơi vào không gian mênh mang của dòng suy nghĩ. Người khác thường không thích chữ tôi viết. Họ nhận xét nét chữ thanh mảnh, sắc sảo nên có lẽ tính cách của tôi cũng ngang tàn, kiêu ngạo như vậy. Họ khuyên tôi đổi qua nét mềm mại, uyển chuyển hơn ví như chữ của họ chẳng hạn.
- Cô biết sáng tác thơ không?
Âm thanh trầm ấm đột ngột vang lên bên tai khiến tôi tỉnh lại. Dĩnh vừa cẩn thận đặt tờ giấy xuống vừa nhìn tôi như đang cẩn thận quan sát điều gì đó.
- Thưa, tôi biết một chút. - Tôi dè dặt đáp lại.
- Cái gì cũng một chút. - Khóe miệng Dĩnh hơi cong. Ý như nửa khen, nửa chê tôi: Cô thử viết thơ của cô đi.
- Nhưng thơ của tôi rất lạ. Chúa công không thích đâu ạ.
- Cô cứ viết đi.
Nghe Dĩnh chắc chắn, trong lòng tôi lại chẳng mấy vui mừng. Tôi cố cười gượng, dùng vốn từ ít ỏi của mình hòng chuyển từ chữ Quốc ngữ hiện đại về Hán-Việt hoặc sang Hán-Nôm càng tốt.
- "Giảm lãnh nhất chuyết thiên
Thố tử dĩ khai hoa
Minh mục cố thị lại
Nhất bối tử vụng thoang."
- ...
Thình lình không gian trở nên tĩnh lặng.
- Chúa... chúa công... tôi đã bảo rồi, người sẽ không... - Trông thấy dáng vẻ mặt cau mày bực của Dĩnh, tôi vội vã vớt vát lại chút cơ hội cuối cùng.
- Ta thích. - Dĩnh cắt ngang lời tôi.
- Hả?
Tôi hơi ngơ ra một chút:
- Không, người nghe tôi nói, nguyên gốc nó không phải thế này. Nó phải là "Trời bớt lạnh một chút/ Anh thảo đã nở hoa/ Nhắm mắt ngoảnh đầu lại/ Một đời bỗng thoáng qua."
- ...
Nghe tôi dịch sang bản Tiếng Việt hiện đại, Dĩnh bỗng trầm hẳn đi như đang nghĩ ngợi gì đó. Được một lát y tiếp tục gật đầu khẳng định với tôi:
- Dù hơi lạ, nhưng ta vẫn thích.
- Người thích ở chỗ nào? - Tôi ngạc nhiên hỏi lại.
- Thích ở chỗ thơ rất ngắn gọn nhưng vô cùng xúc tích. Ý thơ mạch lạc, và có một chút buồn. Cô buồn sao?
- Ơ... không. - Tôi gấp gáp giải thích: Tôi viết vậy thôi chứ không có gì cả.
Lần thứ hai tôi nói dối!
- Vậy hả. Vậy cô viết thêm bài nữa xem.
Dĩnh thản nhiên nói như đang thách thức tôi. Lời thách thức này tôi không nhận, tôi chịu thua. Tôi không giỏi việc này nên đôi lúc dịch từ chữ quốc ngữ hiện đại về Hán Việt xảy ra sai lầm. Và cũng rất mệt. Nên tôi không muốn.
- Cô cứ viết bằng văn nói đi, ta hiểu.
Y vừa nói, vừa dựng tay cầm bút đang ngả nghiêng trong tuyệt vọng của tôi lên. Bỗng dưng tôi có một cảm giác rất lạ, cảm giác ấy cứ mơn man trên từng thớ da của tôi. Dường như tôi đã từng thấy một Nguyễn Dĩnh dịu dàng như vậy. Và khung cảnh này tựa mấy lần "déjà vu"(5) tôi từng gặp.
-
Chú thích:
(1): Tức bề tôi
(2): Trích "Tự kinh thoán chí hỷ đạt hạnh tại sở kì 1" của Đỗ Phủ
(3): Danh ngôn của Trang Tử
(4): "Tử đằng thụ" của Lý Bạch
(5): Là một từ mượn trong tiếng Pháp, diễn tả cảm giác quen thuộc như đã từng thấy, từng trải qua thứ gì đó.
Bình luận
Chưa có bình luận