Mùa Thu năm ấy như khảm nên từ những đau thương nhất trong tôi.
Năm khi vừa tròn bảy tuổi, tôi thường chơi cùng đám trẻ trong xóm, giống như thằng bé. Một đứa trẻ hiếu động, phá làng phá cửa, ham chơi đến độ khuya mới về; nội tôi lo cho tôi nên gọi mãi, có lúc, bà còn phải lấy roi ra dọa chạy hết mấy đứa trẻ trong xóm mới có thể mời được “thằng cháu quý hóa” của bà quay lại ăn cơm.
Bà bắt đầu đến sống cùng nhà tôi vào năm ngoái, đó là vào một ngày mưa như thác đổ. Tiếng gõ cửa nhà tôi vang lên thật khẽ trong cái âm vang háo hức của một ngày mưa ở trong khu phố tĩnh mịch. Bố tôi bước ra ngoài mở cửa và thấy một bà lão đứng trong cơn mưa tầm tã. Bà mặc một chiếc áo khoác nhung cùng một bộ áo dài đen kiểu cũ, nhưng đã thấm đẫm vì cơn mưa đầu hạ. Trước ngực của bà lại đang ôm khư khư một khúc gỗ. Một khúc gỗ to độc bản, dường như là một khung đàn cỡ lớn đang nằm gọn trong lòng ngực của bà. Có lẽ, dưới cái ẩm ướt của mùa hạ khi đó, những con chuột cống náu mình dưới những con kênh cũng không thể tránh khỏi bị tấn công từ những cơn mưa như trút nước. Ấy vậy mà cây đàn chẳng nói chẳng rằng, nó là thứ duy nhất trên người bà còn khô ráo.
Bà sống cùng nhà tôi suốt khoảng thời gian khi đó, dường như chẳng nói một lời nào. Sự xuất hiện của bà trong căn nhà làm tôi thêm phần thắc mắc về thân phận người khách lạ vô danh, cũng như cây đàn mà bà luôn giữ trên người đó là gì. Qua những gì ba tôi kể, bà là một nghệ sĩ đàn tranh nổi tiếng, và cũng, chẳng kể gì thêm nữa.
- Bà đánh đàn cháu nghe được không ạ?
Tôi bất giác hỏi. Một tay cầm bát cơm, tay còn lại xoa xoa cái mông vừa ăn một trận đòn đau điếng lúc chiều.
- Được thôi. Nhưng mà phải đợi đến tối nay khi ba mày đi vắng, nhớ ra ngoài vườn nhé!
Căn nhà của tôi có một khoảng vườn nhỏ phía sau, nhỏ vừa đủ cho hai người ngồi. Xung quanh vườn là những hàng rào bằng kẽm sắt cùng một lối đi nho nhỏ ra con hẻm sau nhà, vẻ đơn điệu xanh biếc đó cũng được mẹ tôi thường xuyên tô điểm bằng những đóa hướng dương lay lắt ánh nắng mùa hạ, cùng những khóm cẩm tú cầu long lanh thủy tinh biếc, thật hài hòa và đẹp đẽ. Nhìn tổng thể, đó là một căn nhà mặt tiền ra phố, tầng một trước nhà dùng để bày ra các món đồ chơi gỗ mà bố tôi nhập từ một căn thuyền buôn từ Pháp, những con búp bê gỗ, những chiếc xe tháo lắp đơn giản, những bông hoa mà mẹ tôi tập cắm mỗi chiều… thêm một cái quầy thu ngân có cửa lắp ra vào cũng đủ phải khiến mấy đứa bạn của tôi phải trầm trồ. Tầng hai lại là phòng ở của tôi và bố mẹ, và một căn phòng bị khóa ở cuối dãy nhà.
Đây là phòng của bà ạ?
Đó là căn phòng mà bố tôi luôn cấm tôi lại gần từ nhỏ, thấp thỏm, tôi bước từ từ vào khu cấm địa hoang tàn ấy, như thể rằng đã có thứ gì đó bên trong căn phòng mời gọi tôi. Bên trong treo đủ các loại đàn tranh, từ loại 16 dây phổ biến đến 19 dây, 24 dây… cùng nhiều loại dây khác nhau, giữa sàn nhà ốp tre lại rải đầy những bản nhạc đã sờn cũ, nhảy lung tung khắp khán phòng.
Không có tiếng đáp lại, bà cứ đứng sững trước căn phòng, mắt bà đảo từ từ khắp phòng như thể đang chạy lại thước phim kí ức thời xưa cũ.
Bà ơi! - Tôi hỏi lại.
- Ừ, cháu đợi xíu. Bà đang chuẩn bị.
Bà nội tôi đang tỉ mỉ lau lại cây đàn tranh bằng gỗ lim từ lần đầu chúng tôi gặp, đó là một cây đàn tranh khá là cũ, phía hai bên ngoài cùng là các cầu đàn được phủ lớp sơn mài láng bóng thật trang nhã, cùng với đó xung quanh được chạm trổ những chi tiết rồng phụng đầy sinh động, như được khắc họa bởi những nhà thủ công mĩ nghệ bậc nhất. tôi vội chạy xuống cầu thang, rồi lại vội phóng nhanh ra vườn, tiếng bình bịch vang ầm ỹ khắp căn nhà.
Ngoài vườn, cũng có một lũ ve sầu đang tấu những bản độc tấu mở màn trước khi người nhạc sĩ chính của buổi diễn hôm nay ra khán đài. Đàn ve thổn thức, vội vàng như cố lưu luyến những âm vang cuối cùng của mùa Hạ vừa qua, ừ, một mùa Hạ đã qua thật chậm rãi trước khi những đám mây kịp nhớ thương người nhạc sĩ ở chốn thị trấn yên bình này.
Lũ ve thổn thức, tôi cũng thổn thức, lần đầu tiên tôi được nghe nhạc của người bà nội không sống cùng tôi ở những năm tuổi thơ đã cũ.
- Cháu muốn nghe bài gì? Ta không quen đàn mấy bài hát ru ngủ đâu nhé.
Bà vừa lên dây cho cây đàn gỗ lim quen thuộc vừa hỏi tôi một cách dí dỏm.
- Bà hay đàn bài gì nhất ạ? Cho cháu nghe với chứ cháu cũng không biết nên chọn bài gì.
Nhanh như thoắt đôi bàn tay ấy thả rơi trên khung đàn, rồi cứ thế, chúng khiêu vũ những bước nhẹ thật nhẹ trên những sợi dây đồng mảnh. Những sợi dây đồng như thứ vũ khí được giữ trong tay những con nhạn, bắt đầu giao chiến với nhau để tạo ra những thanh âm thật mạnh mẽ và thu hút đến lạ kì. Hồi một, hồi hai, rồi lại hồi thứ ba, thảo thật nhẹ trên khung giấy từ gỗ lim một tiếng Thu, dường như, sắp chuyển mùa.
“Ai đó đã ghi tên tôi vào tay rồi giấu đi
Mang theo nó lên vườn địa đàng.”
Kì là thay là từ lúc tiếng đàn cất lên, tiếng ve giường như lặng đi. Có lẽ chúng đang cúi đầu, ngả mũ, e thẹn cất đi thứ âm thanh mà chúng hết đỗi tự hào để nhường sân khấu lại cho khúc thánh ca … lũ dế cũng đã thôi độc tấu, ngưng náu mình và ra khỏi những tán lá để đi theo tiếng ca của khúc đàn dịu dàng nhưng mạnh mẽ này. Những con đom đóm cũng đã chui ra khỏi lãnh địa của chúng để có thể được hòa mình vào không khí của buổi nhạc hội đêm nay.
- Ta hay đàn bài “Mùa thu địa đàng” này. Nó đã theo ta từ lúc ta bắt đầu sáng tác cho đến giờ. Cũng là một trong những tác phẩm đầu tiên ta đàn cho cha con nghe.
Và đến đó, bà đã không còn nói thêm gì nữa.
Có lẽ trong con mắt đầy trẻ thơ của tôi khi đó, tôi cũng chẳng thể hiểu được những ẩn ý sâu xa khi đó là gì.
Buổi diễn tấu sau đó lại bắt đầu với thêm nhiều bản nhạc được bà tôi chủ xướng. Nhịp nhàng và mãnh liệt, những tiếng đàn cứ thể ru ngủ cả một thành phố trong sắc trời Thu của đêm muộn. Tôi cũng cứ thế thiếp dần đi, ngả người vào cánh tay của bà. Tóc bà cũng đã ngả gần hết sang Thu, ấy vậy mà vẫn có những ánh vàng kim tô điểm thêm vào, như hổ phách khảm vào ngọc trai.
- Như hổ phách khảm vào ngọc trai…
Và tôi dần lịm đi.
Tỉnh giấc sau cơn hồi ức.
Tôi vừa lau dọn cửa hàng vừa ngắm nghía lại cây đàn gỗ lim đã cũ của bà. Dường như dưới những biến chuyển của thời gian, cây đàn vẫn chẳng hề có một tí gì thay đổi kể từ lần đầu chúng tôi gặp mặt. Bỗng nhiên, tiếng chuông cửa bên ngoài cửa hàng vang lên, đó là tín hiệu mỗi khi có một vị khách vãng lai nào đó đến ghé thăm cửa hàng.
- Xin chào quý khách.
Tôi đánh mắt nhẹ ra phía cánh cửa để có thể thấy được hình dung của tôi về vị khách vừa mới bước vào, nhưng lại chẳng thấy ai. Bất ngờ, một hình bóng nho nhỏ đang thập thò phía sau quầy thu ngân nhìn tôi với ánh mắt long lanh đầy trông đợi.
- Chú dạy cháu đánh đàn với được không ạ?
Bình luận
Chưa có bình luận