Chương 1


“Tin tức.”

Sasha lầm bầm sau khi bước ra khỏi phòng tắm. Một màn hình ảo xuất hiện lơ lửng ngay trước mặt viăn[1] và chuyển động theo mỗi bước viăn đi. Một bình luận viên thời tiết đang thao thao bất tuyệt về cơn bão sắp sửa đổ bộ vào khu vực Hai. Sasha không hứng thú gì với khu vực Hai hay tin thời tiết, thế nên bằng giọng cộc lốc, viăn ra lệnh: “Chuyển kênh”. Tức thì, đập vào mắt viăn là một khuôn mặt khác lạ, một khuôn mặt viăn chưa bao giờ thấy qua nhưng bằng cách nào đó lại gây ấn tượng vô cùng sâu đậm. Tóc trắng lưa thưa, làn da nhăn nheo, chùng xuống dưới tác động của trọng lực trong suốt những năm tháng dài, nhưng riêng cặp mắt thì lại vô cùng tinh anh, không có chút dấu hiệu nào của tuổi già. Hiếm hoi lắm thì một khuôn mặt như thế mới xuất hiện trên truyền thông vào thời buổi này. Không, hơn cả hiếm hoi mới đúng.

“Theo tin chúng tôi vừa nhận được, Mizuho Tanaka, người cuối cùng của thế hệ tiền Đồng Nhất vừa qua đời vài phút trước. Mizuho, giới tính nữ, thọ 121 tuổi, là công dân của khu vực Tám, ở nơi trước đây được biết đến với tên gọi Nhật Bản. Sau đây là phát biểu của Lyn T. 39, Chủ tịch Đồng Nhất, được truyền trực tiếp từ trụ sở chính ở khu vực Một.”

Một khuôn mặt quen thuộc trồi lên giữa màn hình. Lyn T. 39 vận vest màu trầm khoác ngoài sơmi trắng, tóc đen ngắn ngang mang tai. Dù diện mạo hay cách ăn vận không có gì đáng chú ý, từ con người này vẫn toát ra cái gì đó rất uy quyền, gọi là khí chất lãnh đạo cũng nên. “Trước tiên, chúng tôi xin gửi lời chia buồn chân thành đến thân nhân và bạn bè của Mizuho Tanaka. Đây là một mất mát mà tôi tin chắc rằng chỉ thời gian mới có thể giúp họ nguôi ngoai. Mizuho đã sống một cuộc đời dài và ý nghĩa, để lại nhiều kí ức tốt đẹp trong lòng những người có may mắn tiếp xúc. Mặt khác, với cương vị Chủ Tịch chương trình Đồng Nhất, tôi có trách nhiệm chúc mừng thành công tốt đẹp của một trăm mười năm nỗ lực không ngừng để đạt đến một thế giới đồng nhất mà chúng ta có may mắn tận hưởng. Ngày hôm nay sẽ đi vào lịch sử nhân loại, mở ra một kỉ nguyên mới với nhiều thách thức cũng như cơ hội. Chương trình Đồng Nhất sẽ tiếp tục tồn tại và cố gắng đóng góp nhiều hơn nữa trong việc duy trì hòa bình cũng như bình đẳng cho tất cả. Chúng ta là Một.”

Bản tin quay trở lại với phát thanh viên trong phòng thu, người tiếp lời Lyn T. 39 diễn giải chi tiết một loạt những thay đổi tích cực trong vòng một thế kỉ qua mà chương trình Đồng Nhất là nhân tố thúc đẩy trực tiếp, trong số đó quan trọng nhất phải kể đến tỉ lệ tội phạm suy giảm đến mức gần như không tồn tại, bình ổn chính trị và xã hội, không còn chiến tranh hay mâu thuẫn sắc tộc, chỉ số hạnh phúc của nhân dân ngày càng tăng. Sasha lầm bầm: “Kết thúc.” Màn hình ảo vụt tắt. Lúc nào cũng nhai đi nhai lại mãi những điều này. Chẳng lẽ họ sợ rằng mọi người sẽ quên đi sức ảnh hưởng của cái chương trình đó nếu không được nhắc nhớ mỗi ngày mỗi giờ hay sao chứ?

Sasha nhồm nhoàm nhai miếng bánh mì nướng phủ mứt dâu rừng mà viăn vừa chuẩn bị trong lúc xem bản tin. Hương vị của bánh mì và mứt không thể gọi là dở, nhưng Sasha nuốt trôi bữa sáng của mình một cách rất máy móc, ăn vì cần thiết nhiều hơn là để thưởng thức. Trên người vẫn chỉ quấn hờ một cái khăn tắm, viăn tiến đến chỗ tủ lạnh, đặt một cái cốc sứ trơn màu xanh nhạt vào hốc nhỏ nơi cánh cửa tủ bên trái, nhấn nút có in hình hạt cà phê. Một chất lỏng nâu sậm thong thả tuôn ra, rót đến khoảng ba phần tư cốc thì tự động ngừng lại. Sasha nhấc cốc, đặt lên môi nhấp một ngụm. Nhiệt độ hoàn hảo, không quá nóng cũng không quá nguội. Có điều là hơi nhạt so với khẩu vị của viăn. Phàn nàn cũng vô ích vì tất cả mọi nhà nếu dùng chung một loại tủ lạnh, uống cùng một loại cà phê được lập trình sẵn công thức pha chế. Độ đậm đặc của cà phê là cố định, mặc dù có thể thêm đường hay sữa tùy ý, nhưng ngay cả việc đó cũng không được cổ súy lắm. Không phải là vì họ lo ngại tiêu thụ quá nhiều chất đường hay chất béo có thể tác động tiêu cực đến cơ thể mà chẳng qua là vì họ mong muốn mọi công dân hài lòng với cùng một chuẩn mực, từ thứ tầm thường như cà phê đến những thứ khác ít tầm thường hơn.

Sasha năm nay hai mươi ba tuổi, chuẩn bị bước sang hai mươi tư. Viăn vừa tốt nghiệp Thạc sĩ khoa Lịch sử tiền Đồng Nhất và mới chuyển về lại khu vực Năm khoảng một tháng để chuẩn bị dạy ở trường trung học. Mỗi khu vực có duy nhất bốn cơ sở giáo dục: một trường mẫu giáo, một trường tiểu học, một trung học, và một đại học. Mẫu giáo nhận học sinh từ hai tháng tuổi đến bốn tuổi, tiểu học từ năm đến mười, trung học từ mười một đến mười bảy, và đại học từ mười tám trở lên. Chế độ giáo dục bắt buộc chỉ áp dụng đến hết trung học, thế nhưng hầu hết mọi người được khuyến khích hoàn thành thêm ba năm đại học. Mặt khác, nán lại trong môi trường học thuật quá lâu lại là chuyện không nên. Đối với một số ít được định hướng trở thành giáo viên hay chuyên gia khoa học, như Sasha chẳng hạn, thì việc tiế́p tục học lên thạc sĩ hay tiến sĩ còn có thể châm chước. Còn lại thì kéo dài quá trình học không cần thiết luôn bị coi là một sự lãng phí thời gian và tiền bạc của cộng đồng.

Hôm nay là buổi dạy đầu tiên, Sasha muốn dậy sớm để có thời gian chuẩn bị tâm lí kĩ càng. Sáu lớp viăn phụ trách thuộc cấp thấp nhất trung học, nghĩa là học sinh của viăn toàn bộ đều mười một tuổi – một cái tuổi chưa lớn hẳn nhưng cũng không còn là trẻ con nữa. Có lẽ đó cũng chính là lí do môn Lịch sử tiền Đồng Nhất chỉ được đưa vào giảng dạy từ cấp lớp này. Thay vì để cho sự tò mò của tuổi mới lớn được thỏa sức vùng vẫy và có thể khám phá ra những thứ đáng ra không nên biết, chương trình Đồng Nhất đã khôn ngoan quyết định tốt hơn hết là cung cấp cho bọn trẻ một số kiến thức cơ bản và cần thiết về những sự kiện lịch sử của hơn một trăm năm trước. Kiến thức được rà soát nghiêm ngặt này sẽ phần nào thỏa mãn trí tò mò, đồng thời tăng cường niềm tự hào, sự gắn bó của chúng với những nguyên tắc và giá trị mà xã hội Đồng Nhất đề cao. Thật là tiện cả đôi đường mà! Gọi là một kiểu tẩy não tinh vi cũng không ngoa.

Sasha uống hết cà phê rồi đứng dậy tiến về phía kệ quần áo trong phòng ngủ. Một dãy áo sơ mi trắng với đủ cấp độ, từ trắng ngả vàng đến trắng tinh tươm; một dãy bảy chiếc quần váy, cùng một tông đen; quần lót và áo lót mỏng màu nâu đất được xếp ngay ngắn vào một góc kệ; góc đối diện khoảng hơn chục đôi vớ đen. Viăn với tay lấy một chiếc sơ mi trắng sáng, một chiếc quần váy, đồ lót và vớ. Vừa thay đồ, Sasha vừa nghĩ về Mizuho Tanaka. “Cảm giác thế nào khi là người cuối cùng của một thế hệ, khi bản thân hoàn toàn không thể hòa nhập với môi trường xung quanh vì khác biệt không gì thay đổi được nhỉ? Chắc hẳn là vô cùng cô đơn lạc lõng.” À, mà chẳng phải là tất cả chúng ta đều như vậy hay sao? Một bề ngoài gắn kết trơn tru chẳng qua chỉ là cái vỏ che đậy những bất ổn tiềm tàng. Khi gặp ác mộng, bản thân người đang mơ hẳn là vô cùng kích động và sợ hãi, thế nhưng nếu ai đó quan sát từ bên ngoài và chỉ nhìn thấy những biểu hiện bình yên của giấc ngủ, họ có thể nhầm tưởng rằng người đang ngủ hẳn đang mơ một giấc mơ ngọt ngào êm dịu nào đó. Nói vậy để biết rằng bản chất thật bên trong của một sự việc, một con người, hay một xã hội không thể được đánh giá đơn thuần bằng vẻ ngoài.

Mặc quần áo xong, Sasha quay ra lại phòng khách, với tay lấy cái túi đeo chéo bằng da nâu đang treo trên tường gần cửa ra vào. Viăn quay lại bếp tìm một chai nước và một bọc bánh bích qui bỏ vào túi. Không cần gì khác vì tất cả tài liệu cho bài giảng hôm nay viăn đã lưu sẵn vào kho dữ liệu, có thể truy cập bất cứ lúc nào thông qua cùng một màn hình ảo nối trực tiếp vào võng mạc mà khi nãy viăn dùng để xem tin tức. Trong thế giới mà Sasha sống, tất cả tài liệu thông tin đều tồn tại dưới dạng dữ liệu số hóa, tài liệu giấy đã không còn được sử dụng từ mấy mươi năm trước. Bảo tồn thiên nhiên là lí do chính thức được đưa ra, thế nhưng sâu xa thì có lẽ là để cho việc kiểm soát được dễ dàng hơn. Suy cho cùng, tất cả những tiến bộ công nghệ mà con người đạt được đều nhằm mục đích tăng cường quyền lực. Biểu hiện cụ thể của quyền lực thì muôn hình vạn trạng, tuy bản chất thật ra chẳng có gì khác biệt: con người lúc nào cũng muốn thao túng sự vật và những cá nhân khác theo ý muốn của bản thân. Dù là thời đại nào chăng nữa thì ham muốn ấy vẫn luôn tồn tại, khác chăng là có cơ hội hiện thực hóa hay không thôi.

Sasha mở khóa kéo của một ngăn túi khác. Một quyển sách, 1984 của George Orwell, theo như những gì ghi trên bìa. Sách được viết bằng tiếng Anh, một trong hàng nghìn ngôn ngữ phổ biến thời tiền Đồng Nhất mà ngày nay đã bị thay thế bởi một ngôn ngữ duy nhất dùng chung cho tất cả công dân trên trái đất. Sasha đã học qua tiếng Anh hồi còn ở Đại học thế nhưng viăn không thành thạo đến mức có thể đọc hiểu mà không cần dựa vào hỗ trợ của phần mềm chuyển ngữ trong màn hình ảo. Khi phần mềm này được khởi động thì bất kì ngôn ngữ cổ nào, văn nói hay văn viết, cũng sẽ được dịch đồng thời sang ngôn ngữ Đồng Nhất và phát tín hiệu vào não của người dùng, giúp họ không gặp chút khó khăn nào trong việc tiếp cận thông tin. Viăn thò tay lôi sách ra, quay lại phòng ngủ. Phía góc phòng đối diện tủ quần áo là một cái hộp vuông bằng giấy bìa cứng không lớn lắm, được đậy kín bằng một tấm vải đen. Sasha lật tấm vải lên rồi đặt quyển sách vào, cùng với khoảng ba bốn mươi quyển khác đã nằm sẵn trong hộp, được viết bằng đủ loại ngôn ngữ xưa – tiếng Pháp, Đức, Nhật, Ả Rập, Hebrew. Xong, viăn trải tấm vải ngay ngắn lại như cũ để che đậy cái gia tài nhỏ bé mà mình sở hữu. Tuy việc tích trữ sách giấy không vi phạm pháp luật vì không có bất cứ điều luật nào ngăn cấm, hành vi này nói cho cùng không phải điều nên phô trương. Sasha biết chắc rằng vẫn còn một số cá nhân, như viăn chẳng hạn, bị cuốn hút bởi cái cảm giác được cầm một quyển sách thật trên tay, cảm nhận sự chà xát của giấy trên da thịt, ngửi mùi mực in hay mùi giấy cũ. Thế nhưng viăn cũng nhận thức được rằng đa phần mọi người đã không còn đọc sách nữa, nếu có thì họ cũng hài lòng với việc sử dụng màn hình ảo. Tiện lợi hơn nhiều! Vậy nên Sasha không ngu dại gì mà mang theo một quyển sách giấy đến trường trong ngày dạy đầu tiên để oang oang thông báo với tất cả rằng ta đây khác biệt.

Sasha là một con người thực tế. Viăn cho rằng niềm tin vào việc một cá nhân hay một nhóm nhỏ cá nhân có thể thay đổi thế giới là một dạng lạc quan hão huyền. Mặt khác, viăn cũng không bi quan đến mức khẳng định rằng mỗi cá thể chỉ là một con chốt hoàn toàn bất lực trước ảnh hưởng của tác động bên ngoài. Không chờ đến khi đọc 1984 thì những suy nghĩ đó mới định hình rõ ràng trong đầu viăn. Xã hội đồng nhất hiện tại dĩ nhiên là còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết, vì cho dù chỉ số hạnh phúc của dân chúng có cao thế nào đi nữa, con người ta sẽ không bao giờ hoàn toàn hài lòng với những gì họ có. Bản thân Sasha là một ví dụ. Viăn không hài lòng với cái cách mà mọi thứ, mọi người chịu áp lực phải giống nhau, mặc dù bất kì ai có chút suy nghĩ minh mẫn thì cũng sẽ nhanh chóng nhận ra rằng đồng nhất tuyệt đối là bất khả. Con người thời nay có thể mang cùng một bộ gien, cùng một khuôn mặt, thế nhưng cách họ nhìn nhận sự việc sẽ mãi mãi không bao giờ rập khuôn được. Đó chính là điểm phân biệt giữa một cá thể có suy nghĩ nhận thức và một cái máy. Đồng ý là việc can thiệp vào cấu tạo sinh học của con người đã thành công, thế nhưng can thiệp vào tâm hồn thì lại là chuyện khác. Nói vậy không có nghĩa là Sasha hoàn toàn bất mãn với thế giới viăn đang sống. Không, viăn ý thức được vô số thay đổi tích cực mà xã hội đồng nhất mang lại và vô cùng trân trọng những thay đổi đó. Nghiên cứu về lịch sử tiền Đồng Nhất đã giúp viăn nhận ra điều này rõ ràng hơn bao giờ hết. Sự giống nhau, dù chỉ là ở vẻ ngoài, khiến con người ta khó lòng ra tay làm hại lẫn nhau. Có cái gì đó rất huyền bí khi giết hại ai đó giống mình như tạc, có lẽ là một phần bản ngã của kẻ sát nhân cũng đã bị tiêu diệt. Chúng ta không còn bị ám ảnh với việc phải trông đẹp đẽ thế nào, phải trưng diện quần áo ra sao để nổi bật hơn người khác. Một khi mối bận tâm về vẻ ngoài không còn, chúng ta có nhiều thời gian hơn hướng vào bên trong để chiêm nghiệm và nuôi dưỡng những nét vô hình nhưng lại chính là tinh hoa của mỗi con người. Đó là lí do mà ngành công nghiệp quảng cáo, mỹ phẩm hay thời trang của hơn một trăm năm trước đã không còn tồn tại trong thế giới của Sasha. Một sự đào thải tích cực, theo ý kiến riêng của viăn.

Thay vì sử dụng Khoang Vận chuyển nơi tầng trệt để đến tòa nhà S16 mà viăn sắp có lớp, Sasha quyết định tản bộ. Cần nói rõ rằng trường Trung học khu vực Năm tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng hai trăm cây số vuông, vậy nên mặc dù mang tiếng là sống ngay trong khuôn viên trường, một số giáo viên và học sinh phải nhờ đến Khoang Vận chuyển cao tốc để đến lớp mỗi ngày. Sasha may mắn hơn khi được phân một căn hộ chỉ cách khu dạy không đến mười lăm phút đi bộ. Bước chân ra khỏi cổng chính, viăn ngước mắt nhìn trời. Một ngày nắng đẹp hứa hẹn không chút đổi thay mới mẻ. Con người ta còn có thể mong chờ gì hơn nữa chứ!


[1] Đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít lưỡng tính, thay thế cho “anh ấy”, “cô ấy”, “ông ấy”, “bà ấy”...


Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}