“À ơi… Con ơi nhớ lấy câu này… Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan… Ơi à ơi…”
“Suỵt, mẹ nó sao lại ru con như thế, không sợ lính lệ họ bắt hay sao? Thời buổi rối ren thế này, vẫn nên cẩn thận lời ăn tiếng nói…”
“Vâng, mình nói cũng phải, để em ru con câu khác vậy… À ời, à ơi… Con cò bay lả… í à… bay la… Bay từ cửa phủ… ơi à… bay ra cánh đồng… Đất Kinh Bắc mình mênh mông… à ời… Ai qua mà chẳng… lòng không muốn rời…”
Đất Kinh Bắc [1] mình mênh mông… Phải, có ai đã từng đến với xứ này, khó mà quên được những cánh đồng sải cánh cò bay, những tấm áo tứ thân tha thướt, những ánh mắt trong veo lúng liếng, những hàm răng hạt na đều đặn. Và những con người làm nên một Kinh Bắc đầy chất thơ mà cũng đậm chất anh hùng.
…
Cuối thế kỷ 18, vua Lê Hiển Tông tại vị nhưng mọi quyền lực trong triều nằm trọn ở phủ chúa. Hết chúa này tới chúa khác, Minh Đô vương Trịnh Doanh qua đời, Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm lên ngôi. Rồi sau đó Tĩnh Đô vương vì sủng ái Tuyên phi Đặng thị Huệ nên có lòng lập con thứ là Trịnh Cán làm thế tử, khiến con cả Trịnh Tông đem lòng oán ghét. Tĩnh Đô vương ủy thác con thơ cho Huy quận công rồi nhắm mắt xuôi tay. Trịnh Tông cùng bè đảng tung tin đồn Quận Huy tằng tịu cùng Tuyên phi: “Trăm quan có mắt như mờ, Để cho Huy quận vào sờ Chính cung” rồi mưu đồ binh biến, nhờ sức kiêu binh phế đi Điện Đô vương Trịnh Cán, giết Quận Huy rồi tự mình lên ngôi chúa với tên hiệu là Đoan Nam vương.
Thế rồi thế sự cũng chẳng ngồi yên. Thuộc hạ Quận Huy là Nguyễn Hữu Chỉnh không phục chúa mới, bỏ chạy vào Đàng Trong theo nhà Tây Sơn mượn quân báo thù cho chủ cũ. Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc với ngọn cờ ‘phù Lê diệt Trịnh’, đánh đổ Trịnh Tông và ngỏ ý tôn phù vua Lê Hiển Tông. Vị vua nhu nhược nhưng may mắn sống qua bốn đời chúa Trịnh này chỉ kịp gả con gái là công chúa Lê Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ rồi cũng từ giã cõi đời vài ngày sau đó. Hoàng thái tôn là Lê Duy Khiêm nối ngôi, trở thành vị vua cuối cùng của nhà Lê, Lê Chiêu Thống. Mọi quyền lực ở đất Bắc bấy giờ, từ tay chúa Trịnh được chuyển vào tay nhà Tây Sơn.[2]
Đám cựu thần nhà Lê vốn chướng mắt với cảnh chúa Trịnh bức ép, giờ cái ách của chúa đã gỡ bỏ thì lại đeo thêm cái gông của họ Nguyễn Tây Sơn nên càng thêm bức bối. Hàng loạt các cuộc khởi nghĩa nổ ra, nhưng đều bị thất bại. Xét cho cùng với người dân thường áo vải, ai là vua chẳng quan trọng bằng cơm có no áo có ấm hay không.
Trong số đó, phải kể tới một người không nổi tiếng nhưng đã sinh ra một người nổi tiếng. Thạch Trung hầu Phạm Đạt vốn là quan Nội sai trong phủ chúa. Ông nhẫn nhịn hầu hạ chúa Trịnh Sâm bấy lâu cốt chỉ để chờ ngày dựng cờ ‘phù Lê diệt Trịnh’. Chứng kiến thói xa hoa khi chúa mê đắm nữ sắc, chứng kiến sự suy đồi của sức khỏe chúa phải mời Hải Thượng Lãn Ông tới thăm bệnh [3], ông những mừng thầm, ngày đó đã tới. Nào ngờ…
***
Thạch Trung hầu bỏ mình vì nghĩa lớn, khiến con trai ông là Phạm Thái cũng dốc lòng nối chí cha. Nhưng sự đời nào đâu dễ thế, Chiêu Thống trốn sang xứ Tàu mượn sức quân Thanh về đuổi nhà Tây Sơn. Phạm Thái cùng vài đồng bạn vô tình cứu được Hoàng phi của ông ta những định hộ tống sang Trung Quốc để hợp lại với nhà vua, nhưng chưa kịp ra khỏi đất Nam đã nghe tin bệ hạ đã băng hà, mà đứa con trai cùng đi cũng đã lên đậu mà yểu mạng. Hoàng phi đau lòng lâm bệnh rồi cũng sớm qua đời. Phạm Thái để tránh sự truy xét của Tây Sơn đành mượn áo nâu sồng nương nhờ cửa Phật. Và thế là đất Kinh Bắc lại thêm một ông sư buồn đời chán thế mà tụng kinh gõ mõ.
***
Chú thích
[1] Kinh Bắc là tên một địa danh cũ ở miền Bắc Việt Nam mà tới nay tuy không còn được dùng một cách chính thống nhưng vẫn còn lưu lại trong lòng người dân. Năm 1490, vua Lê Thánh Tông chia lại bản đồ đất nước bao gồm mười ba đạo thừa tuyên, sau này gọi là xứ, rồi dưới thời Tây Sơn, rồi triều Nguyễn được đổi thành trấn. Trong đó có trấn/xứ Kinh Bắc, bao gồm toàn bộ địa phận hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh cùng với một phần nhỏ các huyện ngoại thành Hà Nội ngày nay như Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, cùng một phần nhỏ hai tỉnh Hưng Yên và Lạng Sơn.
[2] Toàn bộ những sự kiện được nhắc tới ở trên được dựa theo nội dung của Hoàng Lê nhất thống chí do Ngô gia văn phái chủ biên.
[3] Theo Thượng Kinh ký sự (Kể chuyện lên Kinh thành – Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác), chương Thăm bệnh chúa Trịnh Sâm: « Chẳng bao lâu, quan Nội Sai là Thạch Trung Hầu đến truyền lệnh dắt tôi vào. » và có chú thích Thạch Trung hầu họ Phạm, người xã Yên Thường, huyện Đông Ngạn nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, là thân phụ Phạm Thái.
Bình luận
Chưa có bình luận