Thằng Tý hôm nay ở nhà, nó vẫn hậm hực, muốn nói mà không nói được, mà nói thì sợ mẹ và bà rầy la.
Nó cứ đứng trước cửa bếp, nhìn mẹ nó nấu cám, trán mẹ lấm tấm mồ hôi vì nóng, từng động tác khó nhằn khi bê xô nặng cho lợn ăn, cái lưng của tuổi 40 sao nó lại còng đến thế.
Nhìn mẹ nó vất vả, nó lại càng không dám mở lời, chỉ biết giương đôi mắt to nâu ấy nhìn mẹ mình!
“Thằng Tý ở nhà, ngoan thì chiều mẹ mang cho con muỗm về nướng ăn.”
Mẹ nó trước khi đi dặn nó cẩn thận, còn không quên nói cho nó phần thưởng nếu nó ngoan.
Thằng Tý mừng rỡ, ánh mắt sáng lên, con muỗm nướng, nó béo, nó thơm ngon làm sao! Mùa lúa chín này mẹ dễ bắt được cho nó mấy con lắm, thằng Tý ở nhà sẽ ngoan để được quà.
Nó gật đầu lia lịa, đứng nghiêm như mấy chú lính canh gác rồi chào tạm biệt mẹ.
Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, khi nó đang một mình ngồi chơi ở sân nhà thì thằng Tưởng đi qua, trên tay cầm que kem đá, giọng điệu chế giễu nói vọng vào.
“Thằng Tý vui thế, mày viết xong bản kiểm điểm rồi à?”
“Thằng Tưởng!”
Thằng Tý giật mình, nó ngẩng đầu lên, trông về phía thằng Tưởng, niềm vui trên nét mặt biến mất, giọng điệu đanh thép đáp lại.
“Tao sẽ kể hết, tao sẽ nói sự thật trong bản kiểm điểm, mày cũng sẽ bị phạt.”
“Ha ha, còn lâu đi nhé! Nằm mơ đi con.”
Thằng Tưởng đắc ý, nó không sợ trước lời thằng Tý hù doạ, còn dám lè lưỡi lêu lêu chọc tức, thằng Tý bực lắm nhưng không làm gì được, nó chỉ biết nắm chặt tay, đến nỗi móng tay ghì đỏ tạo vết trong lòng bàn tay.
Nó chạy vội vào nhà, nó cầm tờ giấy trắng và bút đi kiếm ông Hợi, chẳng hiểu sao linh tính mách bảo nó đi kiếm ông. Nó chẳng biết nó định mách ông chuyện gì, nó chỉ biết ông Hợi là người có khả năng giải quyết vấn đề của nó nhất.
Ông Hợi hôm nay không muốn đi làm, hộp đồ nghề gỗ đã thay bằng cái cần câu tre, và xô đựng, ông muốn đi câu cá chỗ bờ ao gần nhà thằng Tý.
Bầu trời trong xanh, ánh nắng dịu nhẹ không quá gay gắt và đặc biệt không khí mát mẻ trong lành, thích hợp để đi câu cá.
Gọi là bờ ao nhưng thực ra không phải, cái bờ ao chính là đường đi nối liền giữa làng Chày và làng Mõ, ngồi câu ở đó xui xẻo gặp thằng nào nó chơi xấu, nó đá đít là bổ nhào xuống ao.
Ông Hợi biết chỗ khác, thích hợp câu cá, nó nằm sâu bờ rào gai gần đó, chỉ cần đi qua là đến một chỗ kín và thoáng mát ngồi câu cá sáng nay. Ông vừa đi vừa hát, tiếng dép lẹp bẹp và tiếng đồ câu lạch cạch va vào nhau trong cái xô đựng.
“Ông Hợi, ông đi đâu đấy ạ?”
Thằng Tý đứng trước cổng, dáng mặt vui vẻ, vẫy tay chào ông Hợi, nó hí hửng lắm, nó nhìn từ trên xuống rồi đột ngột kêu lên.
“Ông đi câu cá ạ, cho cháu đi với!”
“Mày ở nhà trông nhà, học bài đi. Đi theo tao làm gì cho nắng nôi ra.”
Ông Hợi lập tức từ chối, ông lớn tiếng mắng thằng Tý, ông biết là nó mắng yêu nên nó chẳng biết sợ là gì, ông cứ đuổi, nó cứ đi, nó lì như trâu vậy, kiểu gì ông cũng chịu thua và cho nó đi theo.
Thằng Tý lon ton bước đi theo sau ông Hợi, một bước của ông phải bằng hai bước của nó, nó phải chạy để đuổi kịp.
“Bờ rào gai, đi qua bị thương đấy ạ!”
Thằng Tý nhắc nhở, nó còn tưởng ông Hợi đâm thẳng vào đó.
“Mày bị điên à, tao đi phía dưới này.”
Ông Hợi chỉ nó lối đi tắt dưới hàng rào gai, nó trố mắt, đi theo ngay sau ông, một nơi tuyệt vời như vậy tại sao giờ nó mới biết. Nó không giấu được sự phấn khích, chạy nhảy thích thú và hỏi ông Hợi.
“Sao nơi tuyệt vời vậy ông không bảo cháu?”
“Mày có hay đi cùng đâu mà tao chỉ được hả nhóc con.”
“Vậy có ai biết chỗ này trước cháu chưa ạ?”
Ông Hợi gật đầu, ông nói rằng người đầu tiên biết được là anh Ba gần nhà ông, thi thoảng hai người hay rủ nhau ra đây vừa câu cá vừa tâm sự chuyện đời. Bây giờ, chỗ bí mật ông Hợi hay lui tới này có thêm người thứ ba là thằng Tý biết, ông còn dặn nó giữ kín chuyện này, không thì sẽ chẳng bao giờ kể với nó chuyện nào khác.
Thằng Tý gật đầu đồng tình, nó nghe theo ông răm rắp, không dám cãi một lời. Nó còn sợ ông hơn sợ mẹ nó.
Hai người ngồi được một lúc, ông Hợi cũng bắt đầu thả câu xuống và ngồi yên vị dưới đám cỏ xanh, ông nhìn tay thằng Tý vẫn còn cầm giấy và bút theo, ông mới hỏi nó mang đi làm gì.
“Mày mang bút với giấy đi làm chi? Nhờ tao dạy học à?”
“Không, đây là giấy cháu phải viết bản kiểm điểm. Cháu với thằng Tưởng đánh nhau.”
Thằng Tưởng con nhà ông Lân, cái nhà kênh kiệu hay lấy mác quen trưởng làng trưởng xã để bắt nạt mấy đứa nhà nghèo khác. Ông Hợi quen mặt cái nhà này, thi thoảng đi qua còn chửi ông vài câu, ông còn lạ gì nữa.
Ông Hợi biết thằng Tý có chuyện ấm ức giữ trong lòng, giọng nói ôn hoà hơn trước hỏi sự việc.
Thằng Tý chẳng giấu, nó như kiếm được chỗ giải toả, kể hết về vụ con dế rồi cô giáo bênh thằng Tưởng, không chịu lắng nghe lời nó giải thích mặc cho nó gằn giọng như muốn hét vào mặt cô. Nó nói mãi bỗng hai mắt đỏ hoe, sống mũi cay từ lúc nào không biết, một lần chớp mắt, nước mũi nước mũi trào ra.
Nó bực lắm, nó thấy không công bằng chút nào, bản kiểm điểm này đáng nhẽ cả hai nên viết, mẹ nó dạy sai là phải nhận lỗi nhưng thằng Tưởng không được dạy, nó còn nói dối.
Hôm nay thằng Tưởng còn trêu nó, nó còn bực hơn, nó chỉ muốn tặng thằng Tưởng một cú đá vào mông cho bõ tức.
Ông Hợi kéo thằng Tý sát lại gần, vỗ vai an ủi nó, ông chẳng nói gì, cứ để nó nức nở khóc một lúc, con nít mà, khóc rồi mọi chuyện sẽ ổn hơn.
“Đúng là Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên.”
Bình luận
Chưa có bình luận