Ngày hôm nay nắng mềm, trời cũng ban ân mà thổi gió nhẹ êm, giữa cái âm thanh rất dịu từ chiếc cát xét cũ mèm, Bà tựa con mèo già lim dim đắm chìm trong mộng mị, để mặc cửa nhà mở toang mà chẳng thèm quản lý. Rất nhiều người vội vàng lướt qua, một số kẻ tò mò nhìn ngó, chỉ có đôi ba khách quen chợt dừng lại rảo bước vào bên trong. Khi bàn chân người vừa đặt bước đầu tiên lên lớp gạch men màu xanh ngọc, Bà sẽ lập tức rời giấc mơ trưa, nhoẻn miệng cười hiền và hỏi họ: “Cô cậu cần chi?”



Bà ngoại tôi có một tiệm tạp hóa nhỏ nhưng bán đủ thứ trên đời, xịn không thua túi thần kỳ của chú mèo máy màu xanh. Cửa tiệm đã rất già, chỉ sinh sau bà mười mấy năm, “cũ kỹ” và “chật chội” là những lời tôi nghe hàng xóm kháo nhau về nó. Miệng họ chê là thế, ấy vậy mà ai nấy đều ưa ghé qua sập hàng cũ kỹ và chật chội đó mua đồ. Bởi vì thói quen, bởi vì giá rẻ, cũng có thể là vì họ thích nhìn thấy nụ cười ấm áp của Bà.


Buổi trưa, mặt trời chơi nhong lên tận đỉnh đầu, hình người đứng bóng, tôi và anh Hùng dẫn nhau tránh nóng dưới bóng râm của những mái tôn nhô ra ngoài vách tường. Từ đường lớn lạc vào hẻm nhỏ, men theo con đường lót đan kéo dài, cong cong uốn lượn qua mười mấy ngôi nhà, anh Hùng không đợi được nữa, co cẳng chạy nước rút. Tôi cười phá lên, chạy đuổi theo sau, mãi cho đến khi vượt qua bậc thềm xi măng, đạp lên mặt gạch men xanh mới giảm tốc chậm lại. Bà giật mình, mở bừng mắt nhìn theo bóng dáng của anh Hùng mất hút trên hành lang sau nhà, lo lắng gọi với theo:


“Gấp cái gì mà chạy dữ vậy Hùng? Đi từ từ thôi, coi chừng té!”


“Anh Hùng bị Tào Tháo rượt á ngoại”, tôi để cặp xuống đất, sát cạnh cái ghế bố Bà đang ngồi, cười nắc nẻ, “hông chạy là són á.”


“Mô Phật, rồi đi mấy lần rồi? Có mua thuốc uống chưa?”


“Dạ chưa”, tôi không có tiền, anh Hùng thì xài hết tiền, “chắc đi lần là hết rồi á ngoại.” Có lẽ do giờ ra chơi anh Hùng ăn đá bào tới tận một ly rưỡi cho nên mới bị lạnh bụng. Nhưng tôi không dám nói cho Bà nghe, giả đò soạn lại cặp sách. Ngồi một hồi, hơi mát lạnh của đất lành dâng lên thoáng chốc làm cho tôi lưu luyến, cái lưng vốn chỉ hơi cong từ từ hạ xuống, nằm dán bụng sát đất. 


Lần này anh Hùng bị rượt lâu ơi là lâu, tới khi anh Hùng nhe răng trợn mắt nằm xuống bên cạnh, đã có ba bốn lượt khách ghé qua. Bà gói cuộn tiền bằng khăn mùi xoa, nhét sâu vào túi áo rồi khom xuống vỗ mông tôi.


“Ngồi lên, nằm bẹp bụng vậy coi chừng vô hơi đất.”


Tiếng vỗ giòn như pháo chọc anh Hùng cười to hô hố, sau đó anh cũng bị Bà vỗ mông một phát mà bật dậy ngay: “Rồi hết đau bụng chưa mà nằm vậy hả con?” 


“Hết rồi nội ơi. Con mà, khỏe như trâu, bị rượt xíu thôi nhằm nhò gì.” Anh Hùng ưỡn ngực, phồng mũi trả lời. 


Bà cười xùy: “Hết rồi thì ngồi dậy phụ nội với em Ly dọn cơm.”


Tiệm tạp hóa của Bà mở cửa cả ngày, bữa cơm trưa đơn giản được dọn lên trên cái bàn nhựa nhỏ, đặt ở góc phòng gần hành lang. Bà ngồi xoay mặt hướng ra ngoài, vừa coi cửa tiệm vừa trông nom bọn tôi. Trong tiếng ríu rít của anh Hùng, tôi gắp lên một cọng rau muống xào mướt mỡ tỏi, xúc thêm một muỗng cơm đầy, nhai kỹ nuốt chậm.


Tôi không có thói quen nói chuyện khi ăn, bởi vì cha tôi không thích, không nghe lời sẽ bị đánh đòn. Nhưng tôi lại thích vừa ăn vừa nghe anh Hùng kể chuyện, hạt cơm vào trong miệng sẽ càng ngon hơn.


“Hai đứa ăn xong thì rửa chén luôn đi rồi lên gác dọn bàn thờ, ngày mai cúng cơm ba má thằng Hùng.” Bà chỉ ăn non nửa chén cơm thì buông đũa. Năm nào cũng thế, lần nào tới gần đám giỗ cậu Hai Bà đều gầy hóp má.


Đám giỗ cậu Hai Bà không muốn mời ai, chỉ nấu một mâm cơm đơn giản, món ngon nhất có lẽ là con gà luộc chéo cánh. Tôi ngậm đũa, cố gắng nhớ xem cậu Hai dáng gầy hay ốm, mặt tròn hay dài, nhưng ký ức lại mơ hồ chẳng thể vẽ ra một hình ảnh cụ thể nào. Ở nhà không có tấm hình nào của cậu và mợ, tất cả đã bị anh Hùng giấu kỹ.


“Dạ ngoại.” Tôi ngoan ngoãn gật đầu. Anh Hùng im lặng lùa cơm, vừa ăn vừa thở phì phò, vội vàng xong bữa rồi chạy biến ra sau nhà. Tôi khệ nệ bưng mâm cơm dọn xuống bếp thì thấy anh đang ngồi chọc mấy con giun sống nhờ bên dưới hàng gạch cạnh sàn nước. Tôi đặt mâm xuống sàn, dọn thau, xả nước, quấy xà bông rồi chà lau chén đĩa. Anh Hùng sẽ tự tráng sạch rồi úp vào rổ. Bình thường hai đứa tôi rửa chén rất lâu, bởi vì bận thổi bong bóng lên cao, hi hi ha ha đếm xem có bao nhiêu cái chạm được đến mái nhà. Thế nhưng hôm nay lại khác, anh Hùng lầm lì, tôi không có hứng đùa vui. 


Năm nào cũng vậy, đều có vài ngày rất khác.



Vào buổi trưa của ngày thu nào đó hồi năm ngoái, khi mà cậu dắt mợ dọn lên bàn thờ lớn, tôi và anh Hùng được Bà giao cho nhiệm vụ quét dọn nơi này. Lưng Bà đau, tôi nghe mẹ nói rằng có một cái gai mọc ở trong ấy. Tôi không hiểu vì sao thân thể con người lại mọc được gai, chỉ biết rằng Bà không tiện đứng lâu, cũng không thường xuyên lên xuống cầu thang như trước nữa.


“Ly, biết con này là con gì hông Ly?” Anh Hùng đột nhiên chỉ vào con thú gắn trên nắp đỉnh đồng, tiếng nói trong veo phá vỡ bầu không khí trầm lắng của phòng thờ. Tôi đứng lên trên ghế cao, bám vào mặt gỗ, rướn cổ ngắm nghía con vật kỳ lạ. Nó có cái đầu của sư tử, nhưng thân sau lại giống mấy con chó cỏ hay chạy rông trong xóm. Lau dọn bàn thờ thành quen, thế mà đây mới là lần đầu tiên tôi quan sát nó kỹ đến như vậy. “Con chó?” Tuy giống chó nhưng đẹp và oai vệ hơn rất nhiều.


“Chó gì mà chó, đây là con nghê.” Anh Hùng trề môi chê bai tôi thiếu kiến thức. “Con nghê lạ lắm, còn biết chia ra đực và cái, có cặp có đôi, con nào cũng cần, con nào cũng quan trọng.”


“Nhưng sao nhà mình chỉ có một con?”


Anh Hùng nghe tôi hỏi thì ú ớ. “Chắc là” anh bặm môi nghiêng đầu, nhìn lom lom con nghê đồng, “con còn lại đi lạc rồi.” Anh Hùng nhón chân muốn sát lại gần con nghê hơn, đôi mắt càng lúc càng sáng, rồi bỗng nhiên nhoẻn miệng cười khờ khạo: “Hông biết bao giờ con kia mới về ha?”


“Em hông biết nữa.” Nhìn con nghê đã đủ, tôi leo xuống ghế cầm chổi quét sàn, phải tranh thủ dọn xong trước khi chiều xuống. Anh Hùng không để ý tôi có trả lời hay không, bám vào bàn thờ lầu bà lầu bầu: “Con nghê ôm quả cầu là con nghê đực, còn con nghê cái thì bảo vệ đứa con. Một bên tung hoành giữa trời đất bao la, bên còn lại thì chăm lo chuyện nhà. Một bên là chồng, một bên là vợ. Một bên đàn bà, một bên đàn ông.”


Xem ra con nghê cô đơn ở nhà tôi là đực.


“Anh Hùng nghe ai nói vậy?” Tôi và anh Hùng bằng tuổi, học cùng một lớp, thầy cô dạy cho anh cái gì thì tôi cũng biết. Mấy cái anh vừa nói không có trong sách giáo khoa.


“Chiều hôm qua có ông kia kéo xe rao mua đồ cổ, trong đống đồ của ổng có một cái y chang, cũng là một con nghê đi lạc.” Anh Hùng chỉ cái đỉnh đồng, “ổng kể chuyện hay lắm, nào gặp lại ổng anh kêu mày ra.”


Tôi gật đầu đồng ý ngay. Hai ngón tay út ngoéo vào nhau, tôi và anh Hùng cười tít mắt. Ở nhà dưới khách vẫn lui tới lai rai, hai đứa tôi không vội đi xuống mà bày tập sách ra làm bài, xong xuôi hết lại ghé đầu cạnh nhau đọc truyện. Ngày nào cũng thế, anh Hùng ghé ngang rủ tôi đi học vào mỗi sớm bình minh, tan trường dắt tay nhau về chơi với Bà, ăn cơm Bà nấu, đến lúc chiều tà xế bóng tôi mới vác cặp sách về nhà. Cha mẹ tôi không có ý kiến gì, lại có một lần tôi nghe bà nội rầm rì nói chuyện với hàng xóm: “đỡ tốn bữa cơm”. Nắng bốn giờ chiều gắt gỏng chiếu nghiêng lên mặt, khiến cho gò má xương xẩu của người phụ nữ già nhô cao hơn. Chúng kéo theo cặp lông mày khắc nghiệt dán sát lại gần nhau, hóa thành chuôi dao chĩa mũi nhọn thẳng vào tim tôi, cứa nó toác ra, đau đớn đầm đìa. 


Đáy lòng tôi kêu gào không phải như thế, phát ra bên ngoài lại chỉ toàn là lặng im, sau đó  cúi đầu thút thít bước vào nhà, đem tất cả chôn sâu bên dưới cái mền nỉ vào buổi khuya.


Tất cả dường như đã thay đổi kể từ cái ngày ấy, cái ngày mà tôi dưới sự cổ vũ của anh Hùng, lấy hết can đảm nói với mẹ rằng: “Con cũng muốn ăn đùi gà, con có thể chia sẻ với em Huy.”



Có một câu hỏi nhỏ như thế này, một nhà sáu người, chỉ có một con gà luộc, phải phân thế nào mới được xem là công bằng?


Nhà tôi có sáu người, ăn một con gà luộc; cha và em trai mỗi người phân một cái đùi, thịt và da xé sợi trộn gỏi cho ông bà, tôi được chia cho một cái cánh, còn lại đều là của mẹ. Phần còn lại ấy là cái đầu gà, vĩnh viễn hướng về phía trước, lèo lái gánh gồng, nuôi chồng dạy con; là cái phao câu gà, trước sau toàn vẹn, gia can êm ấm; là bộ xương đã róc sạch da thịt, chó nhìn còn chê.


“Mẹ thích gặm xương.” Mỗi lần tôi thắc mắc, bà trả lời như thế sau một quãng trầm mặc dài lâu. 

Mẹ luôn dạy tôi phải đảm đang như thế này, tài giỏi như thế nọ. Bà tự coi mình là tấm gương sáng, gay gắt yêu cầu tôi phải soi vào và noi theo: “Phải như vậy người ta mới chịu cưới, lấy nhau rồi sau này cũng dễ sống hơn.” Tôi, một đứa con gái mới chín tuổi không hiểu nổi lý lẽ của người phụ nữ ngoài ba mươi, nhưng tôi cảm thấy điều đó thật tồi tệ. Anh Hùng cũng cho rằng suy nghĩ đó như một loại thuốc độc.


“Người một nhà thì phải biết chia sẻ với nhau chớ,” anh nói với tôi như thế, “cưới vợ mà, đâu phải cưới ô sin?” Đó là sự bóc lột, không giống gia đình.


Và thế là vào một buổi tối mát trời, khi cha tôi đang ngồi xem tivi cùng ông nội trong phòng khách, bà nội tám chuyện với hàng xóm ngoài hàng ba, em Huy đi chơi chưa về nhà, tôi lấy hết can đảm nói với mẹ: “Mẹ ơi, con cũng thích ăn đùi gà”, là thích chứ không phải muốn. Tôi mong mỏi nhìn mẹ, ước gì bà sẽ đặt vào chén tôi một cái đùi gà, và rồi tôi sẽ san sớt cái đùi thơm ngon ấy với bà, một người phụ nữ mà tôi từng nhìn thấy vẻ thèm thuồng lướt qua trong đôi mắt. 


Mẹ đứng chống một chân trên ghế, đôi tay xương xẩu đang xé gà thoăn thoắt đột ngột ngừng. Bà cúi đầu nhìn tôi, ánh mắt thật sâu, quanh quẩn dài lâu tựa như đang xuyên qua tôi mà dòm ngó ai khác. Giọng của bà đều đều một nhịp: “Đùi gà là của em Huy. Con là chị thì phải biết nhường em, đừng có tham ăn. Suốt ngày chỉ biết chuyện giành ăn.” Trùng hợp làm sao khi cả nhà vừa lúc tụ họp ra sau bếp vì giờ cơm đã điểm, đem từng câu từng chữ của mẹ tôi nhét vào tai không sót chỗ nào. Em Huy tưởng đùi gà không có, gân cổ hét to: “Đùi gà là của tao, trả đùi gà lại cho tao!” 


Không một ai sửa đúng xưng hô, mọi người vây quanh đứa trẻ đang gào khóc quan tâm dỗ dành, bỏ lại một đứa trẻ khác ngơ ngác bị cái nhãn dán “đồ tham ăn” chụp lên trên đầu. Một buổi tối ồn ào và có người buồn rầu mất ngủ, chỉ vì cái đùi gà.


*


“Năm nào anh cũng ăn hai cái đùi gà hết á, ngán muốn chết, ngày mai thế nào cũng có gà nữa à, anh chia cho mày một cái.” Tôi không kể chuyện ngày hôm ấy cho anh Hùng nghe, nhưng vài bữa sau anh đã biết được. Nhờ bà nội tôi, cả cái xóm đều hay.


“Thiệt hả anh Hùng?”


“Thiệt, anh mày có nói xạo bao giờ chưa?”


“Vậy… em chia một nửa cho mẹ được hông?” Tôi định gật đầu đồng ý luôn, nhưng ánh mắt của mẹ quanh quẩn trong đầu khiến tôi đổi giọng. Tôi biết mẹ cũng muốn ăn đùi gà.


“Được hết, cho mày là của mày, muốn xử sao xử.”


“Hì hì hì, em cảm ơn anh Hùng.” Tôi cười tít mắt, nghĩ đến ngày mai sẽ được ăn đùi gà là vui vẻ vô cùng. Cái đùi gà cứ tung tăng nhảy múa trong trí óc tôi suốt cả chiều, đeo theo tôi đến tận buổi đêm, không xin phép mà tự tiện nhảy vào trong giấc mơ, gọi ra cả gia tộc đùi gà liên hoan ca hát mãi từ khuya cho tới lúc rạng đông. “Không biết bị ai nhập mà cười khúc kha khúc khích cả đêm, không cho ai ngủ!” Sức mạnh của đùi gà là vô tận, khiến cho tôi dù bị bà nội mắng thẳng mặt cũng không buồn rầu. 


Hôm nay cả tôi và anh Hùng đều xin nghỉ một hôm. Mẹ tôi đã rời nhà từ sớm, một mình tôi nhảy chân sáo đến nhà Bà, trễ một chút cha tôi sẽ dắt em Huy qua sau. Chân cẳng của Bà không tiện, chuyện chợ búa giao hết cho mẹ. Mẹ tôi là một người vợ tảo tần, một người con hiếu thảo, bà có thể quán xuyến mọi việc trong gia đình lẫn công việc mà không để chúng rối bời bên nhau. Qua bàn tay khéo léo của mẹ, một mâm cơm cúng đầy đủ sắc hương được bưng lên đặt trước bàn thờ. Cậu Hai cười lấp ló sau khung ảnh, gác trước lượn lờ khói nhang. 


Bà ngồi trên ván ngựa dựa sát tường, không biết nhớ đến điều gì mà cầm vạt áo chấm nước mắt, gắt gao nắm tay anh Hùng kể lể chuyện xưa. Anh Hùng liên tục nháy mắt với tôi, nhấp nhổm như đứng đống lửa, như ngồi đống than. Tôi hiểu ý đi ra gác sau, bởi vì em Huy vừa chạy tót vào trong một căn phòng khép kín cửa. Thành lũy bí mật của thằng con trai chín tuổi bị một đứa bé trai khác xâm nhập. Để tránh cho con thú hoang trong người anh Hùng xổng chuồng, tôi quyết định kéo em Huy ra ngay, đổi lại là tiếng thét chói tai của đứa trẻ, mẹ dỗ như thế nào cũng không chịu nín.


“Đùi gà, con muốn đùi gà!” Thằng Huy nằm trên sàn, tay chân quơ quào giãy nảy như con rùa bị lật ngược, la hét đòi đùi gà nhưng lại chỉ thẳng vào tôi: “Không cho nó ăn đùi gà!”


Đứa trẻ bốn tuổi trừng tôi như thể đối diện là kẻ thù chứ không phải chị nó. Cha tôi bực bội bỏ ra ngoài hút thuốc. Anh Hùng và Bà nói gì đó tôi đã không nghe rõ. Tôi tủi thân nhìn mẹ, chờ mong phán xét cuối cùng của bà. Tôi không biết mình đang chờ đợi điều gì, chỉ biết rằng khi mẹ ôm thằng Huy vào lòng và dỗ dành nó “cho con hết, cho con hết”, có thứ gì đó trong tay tôi vừa tuột xuống, trôi đi mất dạng. 


Ngày cúng cơm năm ấy, anh Hùng chia cho tôi nửa cái đùi gà, tôi không ăn mà nhường cho mẹ, bà lại đặt nó vào trong chén của cha; cái còn lại đã bị thằng Huy gặm gần sạch. Đứa em trai ngồi ở phía bên kia bàn, nghển cổ cắn xé cái đùi to rồi trừng tôi, mỉm cười đắc thắng. Đôi môi kia dính lên mỡ gà bóng nhẫy, trề ra mím vào, uốn éo theo từng cú đớp mạnh bạo. Má nó phồng ra tròn vo vì thịt nhét đầy trong miệng, hả hê nhai nuốt, thỏa mãn đến độ nước mũi chảy xuống tới đỉnh môi cũng chẳng buồn quẹt. Hai cái đùi gà đi một vòng rồi gần như trở lại vị trí cũ, thuộc về những người cũ, và cán cân của người đàn bà vẫn lệch nghiêng như cũ.


“Ly không thèm! Anh sẽ mua cho mày thật nhiều đùi gà, sau này đùi gà của anh đều chia cho mày hết!” Anh Hùng cau có lùa đũa thật nhanh, tôi ăn chưa no đã bị anh nắm tay kéo vào thành lũy bí mật – phòng ngủ nhỏ nằm ở gác sau.


“Anh Hùng có tiền đâu mà nói ráng, hổng sao đâu, em cũng hông còn muốn ăn đùi gà nữa.” Tôi ngồi co chân trên chiếc giường đôi, gác cằm lên đầu gối. Vào những năm tháng xưa cũ ấy, khi mà tôi còn nhỏ xíu chưa bước đi vững vàng, nơi này là phòng ngủ của cậu mợ Hai. Lại bởi vì một ngày không may đẩy cậu mợ Hai bay đi về trời, chủ nhân của căn phòng bất ngờ thay đổi. Có một đứa trẻ từng khóc ướt ga giường, quằn quại trên sàn gỗ, cô đơn trong căn phòng dán đầy hình cha mẹ nó. Ở góc độ nào cũng có thể thấy được nụ cười tươi rói của một người đàn ông và một người đàn bà, vừa thân quen lại vừa xa lạ. Đây là nơi trú ẩn cuối cùng, cũng là hộp ký ức mà bé trai cố gắng bảo vệ vì sợ hãi có người tiến vào sẽ mang đi tất cả, tựa như cách mà ông Trời bất ngờ cướp đi cả cha lẫn mẹ của nó.


“Không có tiền thì kiếm, muốn là sẽ có cách.” Anh Hùng dõng dạc tuyên bố, tràn đầy tự tin. Tôi bị bộ dáng hùng hổ của anh chọc cười, bỗng dưng thấy lòng ấm áp, cơn bão táp đang quấy phá ở bên trong bất giác lặng yên, trả an nhiên về lại với tâm hồn. Ngồi được chừng nửa tiếng thì gác trước vang lên tiếng chén đĩa chạm nhau lách cách leng keng, báo cho tôi hay cần rời khỏi phòng để dọn dẹp những thứ còn lại sau buổi tiệc tàn. Thằng Huy đã theo cha tôi đi trước về nhà, sau bếp chỉ còn lại hai người đàn bà lúi húi bên sàn nước. Tôi và anh Hùng được giao nhiệm vụ vệ sinh nhà cửa, đứa quét đứa lau.


Tiệm tạp hóa hôm nay không mở cửa, Bà vuốt ve di ảnh nói chuyện với cậu Hai, anh Hùng lén la lén lút bận gì đó, tuyên bố muốn ở một mình trong thành lũy bí mật, tôi đành theo chân mẹ trở về sớm. Ngày tháng mười gấp gáp trôi qua, kết thúc bằng một cơn mưa tầm tã dội ầm ĩ lên mái nhà. Mưa át đi tiếng mắng của bà nội, dầm dề mãi đến giữa khuya, chưa chịu ngừng mà kéo dài rả rích, tí ta tí tách tỉ tê tâm tình cùng loài ễnh ương sống trong mấy bụi cây sau vườn. Đêm mưa trở thành thời khắc vàng để những kẻ cô đơn oang oang tìm gọi bạn, chỉ có tôi lăn lóc ở trên giường, đếm đùi gà mong được vào giấc ngủ.


Mấy cái đùi gà bám riết tôi không buông, ám ảnh đến độ khi anh Hùng nhét vào tay tôi cái hộp xốp trắng tinh, tôi còn chưa dám tin nằm ở trên đó là cái đùi gà nướng thơm lừng. Đùi gà to tướng, lớp da cháy giòn tướm mỡ vàng cả đáy hộp, tôi không dám động vào cái đùi, thè lưỡi cẩn thận liếm láp lớp mỡ vàng kia. Lửa than ướp vào trong từng giọt mỡ hương vị chay cháy nhưng thơm nồng đặc trưng của món nướng, béo ngậy khiến cho nước bọt trong miệng tôi ứa ra tràn trề.


“Mày làm gì rề rà vậy Ly? Sao không ăn đi? Anh mua cho mày đó.” Anh Hùng nhìn mà thấy gấp giùm, bèn cầm lên cái đùi gà để sát vào miệng tôi, nóng nảy thúc giục. Buổi trưa chưa có gì trong bụng, suýt nữa thì tôi đã không kìm nổi mà cạp một miếng to. Tôi mím môi đẩy cái đùi ra. “Đâu ra đùi gà nướng vậy anh Hùng?”


“Mua chớ ở đâu ra, hổng lẽ hô biến?” Anh Hùng vẫn cầm đùi gà, nhưng ánh mắt lại né tránh không dám nhìn nó. Tôi biết anh cũng đói bụng giống tôi. Thì ra lúc tan học, anh Hùng kêu tôi đứng đợi ở cổng trường là để đi mua đùi gà, nhưng tôi nhớ rõ tiền tiêu vặt tuần này của anh đã hết sạch rồi. “Đùi gà nướng mắc lắm, anh Hùng lấy tiền đâu ra?”


“Hỏi quài chời? Rồi có ăn hông? Tiền của anh, anh mua cho mày ăn thì mày cứ ăn đi, hỏi hỏi hoài là nhịn à.” Anh Hùng dần hết kiên nhẫn, sắp quạu. Tôi nín không hỏi nữa, nhận lấy hộp đùi gà rồi xé nó ra làm hai. “Phần này em đem về chia mẹ được hông?”


“Ờ…,” anh Hùng không ngờ tôi lại hỏi như vẫy, hơi miễn cưỡng đồng ý, “mua cho mày thì là của mày, muốn làm gì thì làm.”


“Em cám ơn anh Hùng.” Tôi nhe răng cười thỏa mãn, hạnh phúc vì lần đầu tiên có được cái đùi gà cho riêng mình. “Còn phần này”, tôi chỉ cho anh Hùng xem phần đùi lớn hơn, “mình đem về ăn chung với ngoại nha anh.”  Tôi cũng muốn để Bà ăn đùi gà, vì trước giờ Bà đều nhường cho anh Hùng.


Anh Hùng ngần ngừ chưa nói “ừ” hay “không”, tôi nghĩ rằng anh ngại ngùng vì ăn ké đồ của em gái, vui vẻ nắm lấy cánh đen nhẻm của thằng con trai lôi nhanh về nhà. Gà phải tranh thủ ăn lúc còn nóng thì mới ngon. Dù rằng về tới nhà hơi ấm chưa chắc vẫn còn nhưng lòng tôi thì nóng hôi hổi. Tôi nhớ mãi cái bữa ăn hôm ấy, bữa ăn ngon nhất thế gian với cái đùi gà đầu tiên mà tôi được sở hữu trong cuộc đời này, trong bầu không khí ấm áp, rắc lên thứ gia vị gọi là sẻ chia


Trưa hôm ấy, phụ anh Hùng dọn dẹp xong là tôi chạy về nhà ngay. Tôi háo hức tìm mẹ, muốn cho bà cũng được nhấm nháp hương vị tuyệt hảo của đùi gà nướng. Tôi sợ thằng Huy có ở nhà sẽ đòi ăn của mẹ, lại không ngờ rằng bà sẽ cất lên để dành cho nó.


“Để em đi chơi về ăn.” Mẹ tôi không có hỏi đùi gà từ đâu ra, xớt ra cái đĩa sành rồi cất vào tủ chén. Tôi nhìn theo bóng lưng mẹ mà sững sờ: “Nhưng mẹ, mẹ ơi…”


“Muốn gì thì nói lẹ, kêu gì kêu hoài?” Lau tay lên vạt áo, mẹ tôi về lại chỗ cái ghế gỗ bà hay ngồi xổm để bào rau muống. Ngày nào cũng vậy, bà sẽ bào từ đầu giấc chiều cho đến tận giữa khuya, để tảng sáng ngày hôm sau cha tôi chở đi giao cho khách mối.


“Cái đùi gà đó… là con để phần cho mẹ.” Tôi ngồi xuống cạnh thau rau muống xanh rì, cẩn thận ngắt một đọt rau non, nhìn chằm chằm nó chứ không dám nhìn mẹ. Tôi đột nhiên sợ hãi đối mặt với cái nhìn chăm chú tựa như xuyên thấu của bà, giống như đang tìm kiếm ai đó bên trong tôi.


“Xíu thằng Huy đi chơi về mệt, để đó nó về nó ăn.” 


Tôi ngẩng đầu nhìn mẹ. Đôi mắt của người đàn bà không gợn sóng, bình thản lại tự dâng lên sắc ảm đạm như mặt hồ phẳng lặng trong buổi chiếu vắng gió. “Nhưng con thấy”, mẹ cũng thèm ăn đùi gà. Ánh mắt đó tôi làm sao sai được, bởi vì cái sự khát khao ấy cũng đôi đầy ở bên trong tôi, dồn nén qua từng năm tháng. Tôi chưa kịp nói hết câu đã bị mẹ cắt ngang: “Rồi làm bài xong hết chưa mà ngồi đó mơ màng vậy?”


“Dạ, xíu con làm.” Tôi cúi đầu lí nhí.


“Không lo tranh thủ làm bài tập đi rồi quét cái sân cái. Nhà biết bao nhiêu việc mà nhong nhong suốt ngày không thấy mặt mũi đâu. Lớn tồng ngồng rồi còn đợi nhắc. Con gái nhà người ta từng tuổi này là biết cáng đáng tùm lum việc phụ giúp ông bà cha mẹ rồi, con mình chỉ thấy tệ. Ăn, chơi, ngủ, riết rồi nhớt thây!” Lưỡi dao bào lướt qua cọng rau muống, nhẹ nhàng gọt ra một sợi mỏng, cũng cứa vào mắt tôi đau đớn. Tôi cảm thấy tim gan mình dường như xoắn lại, cong vòng như mấy sợi rau muống bào ngập trong thau nước.


Mẹ tôi rất bình tĩnh, không hề tức giận. Bà chỉ nói như cách những bà mẹ xung quanh hay nói, nhưng trái tim tôi vẫn đau lắm. Tôi cúi đầu, ôm chặt cái cặp rồi trốn khỏi ánh mắt săm soi của bà nội, thu mình vào một góc nhà mà lén lút liếm láp vết thương. Rồi sẽ ổn thôi, tôi nghĩ thế, chỉ cần một đêm ngủ ngon, với giấc mơ có đùi gà xuất hiện.


Thế nhưng khi trời chưa đủ tối để đi vào giấc mơ, vừa lúc tôi vừa rửa chén xong định ra ngoài sân hóng gió, tiếng chuông điện thoại bàn bỗng reo vang. Cha tôi nhấc máy, tiếng khóc của Bà vẳng lại từ đầu dây bên kia: “Tín ơi, con nghê mất rồi. Mất con nghê rồi!”


Là con nghê đực cô đơn đứng trên nắp đỉnh đồng. Nó mất rồi! 


Điều đầu tiên tôi nghĩ đến là nhà Bà bị ăn trộm ghé qua. Nhưng có biết bao nhiêu thứ đáng giá không mất, vì sao lại chỉ mất mỗi con nghê?


Cha mẹ tôi đã dắt xe ra khỏi nhà, tôi cũng vội vã chạy đuổi theo, bỏ lại tiếng gọi của bà nội đằng sau. Lúc tôi thở hồng hộc bước qua bậc thềm cao, hai người mới biết tôi cũng chạy sang. Bà ngồi khóc rấm rứt trên cái ghế bố cũ, cái lưng còng nay càng thêm rũ xuống, đến cả mái tóc bạc được búi gọn sau gáy cũng trở nên xỉn màu, ỉu xìu, xơ xác.


“Hùng ơi là Hùng, mấy năm nay nội nuôi con, có để con thiếu ăn thiếu mặc bao giờ đâu mà giờ con học cái trò trộm cắp, ăn trộm tới cả cái bàn thờ tổ tiên nhà mình. Rốt cuộc là con đem cái nắp đỉnh đồng đi đâu? Bán cho ai? Bán bao nhiêu?”


“Con… con cầm tạm mấy ngày thôi, đợi sang tuần có đủ tiền là con chuộc về liền.”


Anh Hùng khoanh tay quỳ gối trên gạch, mặt cúi gằm. Cha tôi đứng dựa lưng vào kệ hàng, bật hộp quẹt châm điếu thuốc: “Bán ở đâu? Để dượng Ba chạy đi chuộc về. Mất cái gì thì mất chứ thứ đó không thể mất được đâu con.”


Anh Hùng ngẩng đầu, nhìn thấy tôi thì giật mình. Tôi nhìn thấy rõ nét chột dạ trong đôi mắt quen thuộc ấy. Lòng tôi thót một cái, đột nhiên nhớ đến cái đùi gà lúc trưa.


“Con cầm cho chú mua đồ cổ hay đi ngang xóm mình mấy bữa nay.” Anh Hùng trả lời lí nhí. Cha tôi đã móc chìa khóa xe ra khỏi túi quần: “Đưa giấy cầm đồ đây cho dượng Ba”. Có lẽ ông định đi chuộc lại cái nắp đỉnh ngay trong tối nay. Thế nhưng anh Hùng lại hốt hoảng xanh mặt, lắp bắp: “Có, có giấy cầm đồ nữa hả dượng Ba?”


Bàn tay đang cầm điếu thuốc của cha khựng lại vài giây. Ông nhìn ra con đường hẻm đã bị đêm đen bao trùm, chỉ còn ánh sáng leo lét của đèn điện đọ sức cùng trăng. Trăng hôm nay mới khuyết chưa tròn. Nó hụt một phần như đỉnh đồng mất cái nắp nghê, nhìn sao cũng không trọn vẹn. Cha tôi dụi tắt điếu thuốc, bỏ lại một câu: “Thường là phải có, để dượng Ba đi hỏi thử”, rồi dắt xe đi. Cái bô xe cà tàng ầm ĩ kêu ca, dẫn theo đèn xe màu vàng nhạt mất hút trong bóng tối.


Tôi còn đang thẫn thờ nhìn theo bóng cha thì bỗng phát hiện mẹ đã đi tới trước mặt. Bà mím môi nhìn tôi chòng chọc, ánh mắt sắc bén ngỡ như hóa thành đinh đâm thẳng vào tận sâu tâm hồn.


“Đùi gà nướng ở đâu ra?”


“Con… của con…” Tôi không dám nhìn mẹ, càng không dám nhìn anh Hùng, chột dạ cúi đầu.


“Tiền đâu ra mà mua? Mày làm gì có tiền.” Giọng mẹ lạnh băng, nặng nề như búa tạ, đánh mạnh vào tim tôi khiến nó run rẩy từng cơn. Tôi cảm thấy sau ót dần lạnh, và tay chân đông cóng chẳng biết phải làm sao. Trong lúc tôi lắp bắp không biết trả lời thế nào, Bà ngạc nhiên hỏi mẹ: “Hân, con hỏi đùi gà nướng làm gì? Thằng Hùng thương em nên mới mua cho con Ly ăn thôi, con đừng la nó tội nghiệp. Có cái đùi gà à, cần gì tính toán chi li, gay gắt tới vậy hả con?”


Mẹ tôi nhìn tôi chằm chằm. Rồi mẹ đột nhiên rút cây chổi lông gà ra khỏi kệ hàng, vung lên cao rồi vụt xuống hông tôi thật mạnh. Cái đau điếng như xương bị đóng đinh khiến cho tôi hét lên, nhảy dựng. Tấm lưng đụng mạnh vào kệ hàng phía sau khiến nó lung lay. Mấy gói mì chất đống rơi lộp bộp xuống gạch, nghe như tiếng củi nổ vang trong bếp lửa. Lửa bùng cháy, lửa phóng lên cao, mang theo cơn mưa roi của mẹ rơi tới tấp lên cánh tay, hai bên hông rồi tới cẳng chân. 


“Tao để mày đói hay là nhà túng thiếu đến nỗi mày phải đi vòi vĩnh tới tận nhà bà ngoại mày? Ăn ăn ăn, suốt ngày chỉ biết ăn! Có mỗi cái đùi gà mà đòi từ ngày này sang tháng nọ. Mày thèm đến vậy hả? Mày để anh mày đi ăn trộm đồ bán kiếm tiền cho mày được thỏa thê cái mồm bộ mày không thấy nhục hả?”


Tôi nhìn thấy đôi mắt phẫn nộ của mẹ, lần đầu tiên không có kìm nén, chỉ có tràn trề, xả ra ồ ạt như nước lũ. Từng cái roi như vụt xuống loạn xạ hòng giải phóng cơn giận, cũng là nơi sầu hận phát tiết ra bên ngoài.


“Thứ trời đánh! Chắc kiếp trước tao làm cái chuyện gì thất đức lắm mới đẻ ra cái thứ như mày! Báo cha báo mẹ. Bây giờ tới bà ngoại với anh họ mày mày cũng không tha!”


“Hân! Đủ rồi Hân!” Những câu nói xuyên tim của mẹ bị Bà thét lên ngăn lại. Người phụ nữ già lao đến che chắn cho tôi sau tấm lưng còng. Bà ngỡ ngàng nhìn đứa con gái đột nhiên rất khác lạ của mình. “Con nói gì kỳ vậy Hân? Con Ly còn nhỏ, nó biết cái gì.”


“Nó không biết cho nên con mới phải dạy. Dạy cho nó biết rằng đừng có cả ngày mơ mộng những thứ không thuộc về mình. Bây giờ có cái đùi gà nó cũng so bì với em, rồi sau này nó sẽ so bì tới cái gì nữa? Chị không ra dáng chị, đỏng đa đỏng đảnh, suốt ngày đòi công bằng. Má chiều nó riết sau này nó lên đầu má nó ngồi luôn cho má coi!”


“Con nít thèm ăn là chuyện bình thường. Thằng Hùng ăn trộm là thằng Hùng sai. Con Ly có biết gì mà con la con đánh nó?”


“Ủa? Vậy là má tự nhận là thằng cháu đích tôn của má sai á hả?”


“Má có nói thằng Hùng đúng khi nào đâu.”


“Rồi má nói con Ly đòi ăn đùi gà cũng đúng luôn đúng hông?”


“Con nói gì kỳ vậy Hân? Con nít thèm ăn là chuyện bình thường, nó thèm thì nó xin. Nó có la lối giãy tử lên vì không được ăn bao giờ đâu mà mày nặng lời vậy hả con.”


“Ờ, vậy sao hồi xưa má hông bình thường như vậy với tui?”


Câu hỏi của mẹ làm Bà ngớ ra. Người phụ nữ già có đôi ba ký ức bắt đầu lẫn lộn, nhưng có một số chuyện rất khó để quên. Tôi đứng sau tấm lưng còng, bàn tay níu chặt vạt áo của Bà, lắng nghe người đàn bà phát ra những âm thanh hít thở đứt quãng.


“Vậy sao hồi xưa má bắt tui nhường đồ ăn cho anh hai? Bộ lúc đó tui không nhỏ, không thèm hả?” Tôi nghiêng đầu tìm mẹ, nhìn thấy bà cười chua xót lại mỉa mai. “Hay là tại cái khuôn mặt đó, cái khuôn mặt giống y hệt thằng con trai cưng của má lúc nhỏ nên má mới thấy nó làm cái gì cũng không sai?” Mẹ ngừng lại, hít sâu: “Cái cách tui dạy con Ly là tui học từ má đó. Bây giờ má nói tui sai?” Ánh mắt của mẹ rời khỏi khuôn mặt của Bà, dời xuống nách, nơi tôi đang thò đầu nhìn lén. Đôi mắt ấy đã không còn phẫn nộ, nó sâu hoắm, lạnh lùng, con ngươi đen kịt phản chiếu bóng dáng tôi và Bà. Tôi nghĩ có lẽ đôi mắt của tôi cũng đang phản chiếu hình ảnh của mẹ. Thứ mà mẹ muốn tìm kiếm trong đôi mắt tôi, có lẽ, luôn là chính bà.


“Mày nói mớ gì vậy hả Hân? Mày điên hả con?” Người phụ nữ già rên rỉ, âm thanh yếu ớt nghe như than khóc, xưng hô cũng thay đổi.


“Má không thấy quen hả? Cái cách mà tui dạy con Ly á, má không thấy quen thiệt hả?” Mẹ tôi lại nhếch môi, cười méo xệch. Mẹ tôi học không cao, vào đời khi còn rất trẻ. Tôi là con đầu lòng của bà, mà bà cũng là lần đầu tiên làm mẹ, không có ai chỉ dạy bà cách nuôi con như thế nào cho đúng.


“Mẹ chồng tui lúc nào cũng chỉ nhắc cháu trai, thấy tui sinh con Ly thì bỏ cả hai mẹ con đó cho chó nhai, mà má lúc đó trong mắt cũng chỉ có mỗi anh Hoàng với thằng Hùng, đâu có ai dạy tui phải nuôi con Ly kiểu gì. Tui còn biết làm gì ngoại trừ việc bắt chước má, nuôi con Ly như cái cách mà má nuôi tui trưởng thành. Bộ đó không phải là điều mà những người đàn bà phải học để sinh tồn trong cái xã hội chỉ quan trọng mỗi đàn ông này hả má?” Mấy câu cuối mẹ tôi nói gần như thét. Bà ú ớ giơ tay muốn níu lấy mẹ, “Hân…” lại chỉ có thể chới với giữa khoảng không. Mẹ bước giằng ra, vứt cây chổi lông gà xuống đất, nhìn Bà rồi lại nhìn tôi, rời đi không nói một lời. Mẹ bước rất nhanh, gần như trốn chạy. Tôi không hiểu bà trốn thứ gì, muốn chạy theo lại không dám. Tôi rúc vào lòng Bà, cảm thụ cơn đau ê ẩm quẩn quanh xương cốt, lẳng lặng dõi theo bóng dáng của mẹ bị bóng tối từ từ nuốt chửng. Bà cong người ôm chặt tôi, khóc rống. Anh Hùng vẫn còn quỳ trên gạch, bàng hoàng sửng sốt. Có tiếng tivi và tiếng nói cười từ nơi đâu vẳng lại, thật vui vẻ, thật hạnh phúc, vậy mà lòng tôi lúc này lại trống rỗng đến lạ. Tôi tựa đầu vào bầu ngực nhão xệ của người phụ nữ già, nghe tiếng loài trùng nỉ non sau vách quầy hàng, nhìn một đêm dài lặng lẽ trôi qua.


Cha tôi đến vào lúc bình minh, khi trời tờ mờ sáng. Ông đưa cặp sách và đồng phục cho tôi rồi ngồi lại nói chuyện một lúc lâu, còn đưa cho Bà một gói giấy nhưng bị đẩy trả. Cha ngồi xoay mặt nhìn ra ngoài đường, hiếm khi ông không hút thuốc. “Thằng đó không phải dân ở đây, con đi hỏi thăm mới biết nó ra khỏi thị trấn từ tối hôm trước rồi.”


“Vậy còn cái nắp đỉnh thì sao con?” Giọng Bà buồn rười rượi. Anh Hùng ngồi bó gối trên hành lang. Đèn hành lang không mở, tôi sờ soạng mặt anh thì thấy tay mình ươn ướt.


“Chắc là không lấy lại được. Thôi má ráng đợi dăm ba bữa, con đi kiếm người đúc cái nắp đỉnh mới. Má muốn gắn con nghê nào lên trên nắp, đực hay cái?”


Nghe thấy cha tôi hỏi ý Bà, tôi cũng tò mò lò dò ra khỏi hành lang. Lưng của Bà càng thêm còng, nắng sớm hắt vào trong tiệm, rọi lên mái tóc của người phụ nữ khiến cho tôi ngỡ rằng toàn bộ đều bỗng hóa bạc phơ. Chờ không thấy câu trả lời của Bà, cha tôi bèn chống ghế đứng dậy: “Vậy thôi cái đi. Đực hay cái vốn cũng có quan trọng gì đâu, phân chia chi cho mệt, cứ để tụi nó thay phiên nhau lên đó ngồi cho công bằng.” Ông ngẩng đầu nhìn vào trong nhà. Lần đầu tiên tôi có cảm giác ánh mắt ấy đang tìm kiếm tôi. “Ly, kêu thằng Hùng ra đi học đi. Trễ bây giờ.” Cha ngoắc tay thúc giục. Tôi không dám cãi lời, xốc nách anh Hùng lên rồi kéo ra ngoài. Anh Hùng cúi đầu không dám nhìn Bà và cha, lí nhí thưa gửi rồi lủi thủi bước ra khỏi tiệm. Tôi đang định đi theo thì bỗng dưng cha gọi: “Ly.”


“Dạ?” Tôi khựng lại, thấp thỏm khoanh tay.


“Kể từ bữa nay ăn chiều ở đây luôn rồi hãy về nhà.” Rồi ông đặt bàn tay xương xẩu lên đầu tôi, ngón cái nhẹ vuốt mớ tóc mái rũ lòa xòa xuống trán, “đừng giận mẹ mày, bả cũng thương mày lắm.” Dặn dò xong, ông vỗ đầu anh Hùng một cái rồi ra ngoài dắt xe, nổ máy chạy đi. Tôi đoán chắc là ông đi đặt người ta đúc cái nắp đỉnh đồng mới.


Vậy là con nghê đực mất thật rồi. Người đàn ông thu mua đồ cổ đã mang nó đi xa, tới một nơi nào đó trên thế giới bao la này. Cha tôi sẽ mang về một con nghê mới, một con nghê cái lạ lẫm, tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Tôi ngẩng đầu nhìn trời, nắng sáng tuy dịu nhưng vẫn chói mắt, rồi tôi quay đầu nhìn Bà. Bà cũng đang nhìn tôi và anh Hùng, ánh mắt đăm đăm. Bà sẽ thích con nghê mới chứ? Vì sao tôi thấy Bà chẳng vui?


“Hùng”, Bà đột nhiên gọi tên anh Hùng. Anh Hùng giật mình, luống cuống “dạ, nội…”


“Con biết sao tối qua bà nội phải lên lầu thắp nhang không?” Tối hôm qua Bà lên lầu thắp nhang mới phát hiện con nghê đực biến mất, cái đỉnh đồng mất đi cái nắp. Bà không đợi anh Hùng trả lời, tiếp tục nói: “Tại nội lỡ thiếp đi, mơ thấy ba con về thăm.” Bà nhớ cậu Hai, nhớ tới nỗi mang cả cậu vào trong giấc mơ. “Tới bây giờ nghĩ lại, biết đâu ba con nó không phải về thăm nội, mà nó về là để vả cho nội tỉnh ra.” Bà nỉ non không giống nói cho tôi và anh Hùng nghe: “Mà đúng rồi, nghê nào cũng là nghê, thờ thiêng là được.” Bà lẩm bẩm cái gì “đực” cùng “cái”, tôi nghe không rõ, nhưng tôi cũng nghĩ giống Bà. Nghê nào cũng là nghê, con nào lên trên nắp đỉnh đồng ngồi đều là do con người lựa chọn, bản thân tụi nó đâu có quyết định được gì đâu. Đực và cái, tụi nó đều như nhau, chỉ khác ở chỗ một con ôm quả địa cầu, một con bảo vệ con thơ; tụi nó có trách nhiệm khác nhau, nhưng một khi đã lên bàn thờ chẳng phải đều là linh thú phù hộ cho gia trạch bình an hay sao?


Rốt cuộc sự thiên vị bắt nguồn từ nơi đâu?


*


Hai mươi năm trôi qua, người phụ nữ già rốt cuộc bại bởi thời gian.

Bà đi rồi, đi thật rồi. Tôi mất Bà như cái đỉnh đồng mất con nghê đực, mãi mãi không thể tìm về. Anh Hùng ngồi bệt trên sàn gạch men màu xanh ngọc, buồn bã nhìn ra bên ngoài con đường lát đan lấm tấm nắng chiều. Cái sập hàng tạp hóa cũ kỹ đã không còn, nó đi theo Bà rồi. Sàn nhà trống rỗng, lòng tôi trống rỗng.


“Tính nào đi?” Giọng anh Hùng khào khào, ba ngày liên tục không ngủ mài mòn gần sạch sức trẻ của gã trai, làm cho âm thanh vang dội ngày nào trở nên yếu ớt, run rẩy.


“Chắc là sáng mai, chiều em có buổi họp quan trọng.” Tôi mỏi mệt nằm vật xuống sàn nhà lạnh căm, hi vọng hơi đất sẽ làm tê dại cơn đau âm ỉ trong đầu.


“Mày không tính về nhà hả?”


“Em đang ở nhà mà.” Tôi uể oải trả lời. Mệt quá, lúc này chỉ muốn nhắm mắt ngủ một giấc cho quên đời mà thôi, vậy mà anh Hùng lại gắt: “Anh không nói nhà này, anh nói nhà mày, nhà của mày đó Ly!”


“Xíu tối em về.” 


“Về chỉ để ngủ thôi đúng không?”


Tôi ậm ừ thay cho câu trả lời. Nói là nhà cũng không phải, chẳng qua chỉ là nơi nán lại buổi đêm, tá túc dưới sao trời, né tránh sương khuya mà thôi. Nơi không thể san sẻ bữa cơm cùng nhau nào có thể gọi là nhà. 


Tôi nhắm mắt suy nghĩ vu vơ, từ từ bay xa, thả hồn lãng du theo cánh gió lạc khỏi đường mây. Giãn ra cơ bắp để mặc cho hơi lạnh của đất tràn vào, thấm đẫm tận sâu trong xương cốt, cơn buồn ngủ bất ngờ đánh úp, tôi chỉ muốn bỏ qua bữa cơm chiều mà nằm luôn tới sáng. May mắn tôi vẫn luôn tràn trề sức trẻ, nằm trên đất một đêm chắc cũng không có vấn đề gì, dữ lắm thì sáng mai sụt sịt cảm mạo mà thôi. Chỉ tiếc là ngày phép đã cạn, đứa con của thị trấn lại phải lên đường xa quê, vào đời bươn chải. Đếm từng ngày từng tháng, thời khắc tôi được về thăm nhà đã là Tết của năm sau.


Mà thôi, Bà không còn, anh Hùng cũng sẽ đi xa, tôi có còn nuối tiếc gì nữa đâu. Càng nghĩ tôi càng thấy buồn ngủ, cuối cùng thiếp đi lúc nào không hay.



Tiếc thay, đời không hoàn hảo như tôi tưởng tượng, không cần chờ đến sáng hôm sau, tối hôm ấy tôi bị cảm nặng, tay chân lẩy bẩy đi đường không đặng, kỳ nghỉ phép bắt buộc phải kéo dài. 


“Mày đừng cố chấp nữa Ly, mày có thể giận cả cái thế giới này, chỉ có dì Ba là mày không có tư cách để giận.” Anh Hùng chở tôi về nhà bằng xe máy. Hai căn cách nhau không xa nhưng đi bộ cũng phải mất một lúc lâu. Trong bóng đêm mù mịt, bên dưới ngọn đèn đường mờ căm, sương kết lại thành từng làn khói mỏng lượn lờ khiêu vũ trên những sợi tóc đen. Anh Hùng đội sương không vội về mà chờ mẹ tôi mở cửa, cũng tranh thủ khuyên nhủ hết lời.


Tôi ngơ ngác nhìn sương, bần thần vì đầu đau quá. Từng mạch máu não đều căng như dây đàn, bình bình nổi trống. Nghĩ đến đây tôi bỗng bật cười, có lẽ tôi bệnh thật rồi, đầu rối đến nỗi chỉ toàn những hình ảnh so sánh lộn xộn. “Em không giận mẹ, chưa từng giận mẹ.”


“Thế mày…”


“Em chỉ giận cái phận đàn bà, hận cái suy nghĩ tự coi nhẹ giới đàn bà của chính những người đàn bà mà thôi.” Con nghê đực mất rồi, mọi người vẫn sống tốt, vì sao những người đàn bà vẫn cứ khư khư ôm lấy cái tổ xơ xác kia, gồng mình gánh vác những “năm con với một chồng”?


Tiếng kim loại ma sát chói tai đến từ cái cửa sắt cũ kỹ kéo mạnh tôi ra khỏi tấm lưới của những suy nghĩ vẩn vơ. Trong nhà tối om, chỉ còn ánh sáng đỏ rực từ chiếc đèn thờ Thần tài Thổ địa đâm vào mắt tôi nhoi nhói. Tôi cúi đầu dụi mắt, lén lút lau đi vệt ướt át bám trên đầu ngón tay.


“Sao về trễ vậy? Biết khuya rồi không? Sao không ngủ bên đó luôn mà còn ráng về chi?” Ngọn đèn thờ bị thân ảnh nhỏ gầy của mẹ tôi che khuất. Giọng bà cất cao, xăng xẵng, đến cả sương cũng giật mình tan đi một chút. Anh Hùng nói gì đó với bà nhưng tôi nghe không rõ. Âm thanh đối thoại va vào nhau chan chát, khó chịu hơn cả tiếng hàn rò. Tôi  cảm thấy cơ thể nóng rát như bị vùi vào trong lò lửa, chợt đưa tay muốn níu kéo sương ở lại, đầu bỗng dưng choáng váng và mắt đột nhiên tối sầm, một tiếng “viu” xuyên qua màng nhĩ, tai vù vù chẳng còn nghe thấy gì nữa. Vừa hay, thế giới rốt cuộc yên tĩnh.


Ngủ một giấc thật dài, tôi tỉnh lại trên chiếc giường quen thuộc. Thằng Huy vừa lúc đi ngang qua cửa phòng, nó thấy tôi ngồi dậy bèn ló đầu vào:


“Chị đánh răng rửa mặt đi rồi xuống ăn cơm, nay mẹ nấu cháo gà.”


Không biết từ bao giờ thằng Huy không còn xưng “mày - tao” với tôi nữa. Tôi dường như chưa bao giờ để ý, hoặc có lẽ là đã cạn kiệt hy vọng vào một ngày nào đó của quá khứ xa xăm. Tôi giật mình nhìn kỹ bóng lưng của đứa em trai ruột thịt, cố gắng moi móc ra một vài điểm quen thuộc tự trong trí nhớ, lại bất giác phát hiện rằng: Ôi, xa lạ.



Cháo gà vẫn luôn là món mà nhà tôi ưa thích. Một nhà sáu người nay chỉ còn bốn. Ông bà nội tôi đã mất từ mấy năm về trước. Một con gà mái tơ hơn ký rưỡi vừa đủ để ăn trong một buổi trưa. Như thường lệ, tôi phụ mẹ lặt rau trộn gỏi, nấu giấm sên đường pha nước chấm. Cha tôi không còn mải mê dán mắt vào màn hình tivi nữa, thay vào đó, ông ôm khư khư cái điện thoại. Thằng Huy không còn ham thích chạy rông quanh xóm như lúc nhỏ, nó ngồi ngay cạnh bếp, vừa canh nồi cháo vừa chơi điện tử. Cũng không có gì khác biệt, đều như nhau cả thôi.


Tất cả xong xuôi, mẹ tôi quen chân gác lên ghế, vừa xé gà vừa kêu một tiếng, hai người đàn ông mới tụ lại quanh bàn gỗ tròn. Cứ tưởng là bữa cơm trưa nay không có gì lạ, lại hoàn toàn không giống như mọi khi. Tôi cúi đầu nhìn trân trối cái chén của mình, đáy lòng sóng cuộn trào dâng. Lòng chén sứ trắng tinh bị một cái đùi gà chiếm chỗ. Đùi gà lấm tấm hạt tiêu đen, mấy sợi hành tây cùng rau răm xé nhỏ dán sát trên lớp da vừa chín tới, kêu gào mời gọi. Thứ này tôi không lạ kỳ, nhưng lại ngỡ như mơ khi nó được chính tay mẹ tôi bỏ vào.


“Chén này của con, chén Huy ở bên kia.” Tôi khô khốc nhắc nhở, cố gắng ra vẻ chẳng quan tâm.


Thằng Huy cong lưng húp cháo xì xụp, không để ý đến tôi cũng không thèm liếc cái đùi gà. 


“Mẹ mày cho thì ăn đi, nhớ ăn thêm một chén cháo, xong rồi uống thuốc nghỉ ngơi, chén tô để đó thằng Huy rửa.” Cha tôi vừa nói vừa đẩy chén nước mắm về phía tôi. Gương mặt ấy vẫn như xưa, nhăn nhúm, khó gần. Năm tháng đè nặng lên những vết hằn trên lớp da rám nắng càng thêm sâu, khiến ông lúc nào cũng như đang nhíu mày, không bao giờ vừa lòng đẹp ý.


Cha tôi giống như già rồi, trái tim cũng bị thời gian giã mềm, bởi vì tôi đột nhiên nhìn thấy một sợi yêu thương thoảng qua trong đôi con ngươi lạnh lùng của ông.


Tôi ngước nhìn mẹ. Mẹ tôi vẫn cúi đầu xé gà, cứng ngắc thúc giục: “Ăn đi.”


Tôi lại nhìn xuống cái đùi gà, vụng về bốc nó lên. Các khớp tay đột nhiên căng cứng, cơ bắp lại run rẩy mất sức như vừa hít đất mấy mươi cái liền, thế nhưng tôi không muốn từ bỏ. Tôi nhìn cái đùi gà lom lom, muốn dùng ánh mắt mà ngấu nghiến nó, sau đó há mồm cắn một phát thật to. Căn bếp chỉ còn lại tiếng tôi nhai ngồm ngoàm, vang đến nỗi thằng Huy phải dừng húp cháo, trố mắt nhìn sang: “Chị hai…” 


Trong tiếng gọi của Huy, tôi ngẩng cao đầu nhìn nó, vênh váo như kẻ thắng cuộc. Có lẽ là biểu cảm của tôi quá ngông nghênh, làm cho thằng Huy sợ sệt buông chén, “chị đừng khóc”, thều thào đến gần như mất tiếng.


Khóc? Tôi quệt ngang đôi mắt, mu bàn tay ướt đẫm. Tôi lại ngước lên nhìn mẹ, muốn nghe một câu nói từ người đàn bà. 


“Rảnh nhớ về nhà, mẹ luộc gà cho ăn.” Mẹ tôi vẫn cúi đầu, giọng nghẹn cứng như bị nén chặt bên dưới nút chai. Mấy thớ thịt gà đã bị bà xé nhỏ thành chà bông. Bà xé xong thịt gà lại xé sang lá rau, xé hoài xé mãi, chỉ là không chịu nhìn tôi.


“Còn mẹ?”. Yết hầu tôi lăn lộn lên xuống mấy lần, rốt cuộc mới bật ra được hai tiếng khào khào.


“Về sau xé ra trộn gỏi hết, ai thích ăn gì thì ăn.” Cha tôi bình tĩnh đáp lời, lại khiến mắt tôi nhòe đi vì nước. Tôi chưa bao giờ quên mục đích phấn đấu của cuộc đời này gì. Là mỗi người trong nhà đều được chia một cái đùi gà mà không phải người này nhịn nhường người kia ăn. Ai chê cười cũng được, cảm thấy nó là thứ mục đích hèn kém và hài hước nhất thế giới này cũng không sao. Nó là thứ chấp niệm đã ăn sâu bén rễ trong lòng tôi; thân của nó đã thành cổ thụ, tán của nó đã to rợp trời, khó mà nhổ được. Nó không phải sinh ra từ sự thèm thuồng hay lòng đố kỵ, nó là ngọn đuốc được đốt cháy từ ước muốn được đối đãi công bằng của một đứa trẻ con. Bất bình cho chính nó, cũng là vì mẹ nó.


Như một loại tư tưởng truyền thừa qua nhiều thế hệ, mẹ tôi học được cách nhường cái đùi gà cho những người đàn ông trong cuộc đời bà. Cái đùi gà của tôi thì nhường lại cho thằng Huy. Và giờ đây, tôi sợ mai sau này, tôi sẽ vô thức ép con gái mình nhường đùi gà cho anh hoặc em trai của nó. Tư tưởng bất công không đáng sợ, sự bất công ăn sâu vào tiềm thức mà con người lại cho rằng đó là lẽ bình thường mới là điều đáng sợ.


Mẹ tôi đã ngừng xé gà, bàn tay gân guốc chống lên vành thau đựng gỏi, từng thớ cơ bắp căng lên hết cỡ, cứng ngắc. Tôi áp má lên cánh tay của mẹ, khóc rồi lại cười. Thằng Huy lại cúi gằm, xì xà xì xụp. Rõ ràng chỉ là một chén cháo nhỏ vậy mà nó ăn hoài không xong. Cha tôi thở hắt ra, sầu, nhưng ông không bỏ ba mẹ con ra ngoài đường hút thuốc mà ngồi yên thúc giục: “Gỏi trộn vậy được rồi, bà cũng ăn đi.”


Tôi cầm cái đùi gà đặt lên môi của mẹ: “Mẹ, mẹ cũng ăn với con.” Môi của người đàn bà tái nhợt, nó không từ chối nữa mà hơi hé ra, run rẩy cắn nhẹ một miếng nhỏ. Mẹ nhai thật chậm, thật lâu, dường như muốn nghiền miếng thịt gà ra thành nước. Và tôi nghe thấy có cái gì đó vừa vỡ nát, tan tành. Là cái ổ khóa khóa lại cánh cửa lao tù đã vây khốn mẹ tôi hơn nửa đời người. 

Cửa mở ra rồi, mẹ ơi.


*


Bên trong ngục tù, bầu trời thật bé, đứa con muốn tự do theo đuổi bóng mây lại bị người mẹ gắt gao kềm lại. Gông xiềng trao tay qua từng thời đại, từ chính bàn tay của người mẹ tròng lên cổ của những đứa con. Những con non vẫy vùng không lối thoát, bởi vì sợi xích dày đang quấn trong tay mẹ của chúng.


Con nghê đực là gông xiềng của Bà, Bà lại là người dựng nên lao tù khóa chết mẹ của tôi. Cho dù cai ngục đã buông tay, cửa lao để mở, kẻ vây ở chốn tù lung vẫn không đủ can đảm mở đường lao ra. Tự do rất gần nhưng người vờ như không thấy. Tựa như con voi trong đoàn xiếc thú, vốn đủ sức giật đứt sợi thừng lại hóa thành thú ngoan vì dã tính cạn kiệt. Nó đã bị người huấn luyện thuần hóa thành công. Nó sẽ mãi mãi ở lại đoàn xiếc, và những đứa con của nó, có lẽ, sẽ chẳng bao giờ thấy được rừng xanh.


Tôi không giận mẹ, không hận mẹ. Tôi chỉ may mắn được dìu dắt ra khỏi lồng giam từ sớm. Còn mẹ tôi đến bao giờ mới có thể thoát khỏi nơi đó? Có chăng là khi cai ngục ngã xuống, người ở bên trong mới dám bước ra một bước dài để tìm kiếm tự do? Mẹ tôi đã như thế, vậy còn những người đàn bà khác thì sao? Liệu họ có phải nhường lại đùi gà cho ai đó, hoặc tệ hơn thế, chưa từng biết chính họ cũng có quyền sở hữu và quyền được thưởng thức nó. Họ đã, đang, và sẽ sống như thế nào? Là một cánh chim tự do? Hay như con voi sống trong đoàn xiếc thú?




Bình luận

Chưa có bình luận
Preview Settings

Try It Real Time

Layout Type
    • LTR
    • RTL
    • Box
Sidebar Type
Sidebar Icon
Unlimited Color
Light layout
Dark Layout
Mix Layout
}